Chúa là Đấng như thế nào?
Giới thiệu
Một cô bé sáu tuổi đang vẽ một bức tranh. Cô giáo nói: 'Em đang vẽ gì vậy?' Cô bé trả lời: 'Con đang vẽ một bức tranh về Chúa.' Cô giáo ngạc nhiên và nói, 'Nhưng không ai biết Chúa trông như thế nào!' Cô bé tiếp tục vẽ và trả lời, 'Mọi ngươi sẽ biết trong một phút nữa.'
Một trong những lợi ích của việc đọc hết Kinh Thánh trong một năm là chúng ta có được bức tranh toàn cảnh về bản chất và tính cách của Đức Chúa Trời, đồng thời hiểu rõ hơn về Đức Chúa Trời là Đấng như thế nào.
Thi thiên 45:1-9
Huấn ca của con cháu Cô-ra. Bản tình ca theo điệu “Sô-san-nim”, sáng tác cho nhạc trưởng.
1 Lòng tôi tuôn tràn lời hay ý đẹp;
Tôi ngâm những vần thơ nầy cho vua;
Lưỡi tôi như ngòi bút của văn sĩ thiên tài.
2 Vua đẹp hơn tất cả con trai loài người;
Môi vua tràn đầy ân sủng:
Vì vậy Đức Chúa Trời đã ban phước cho vua đến đời đời.
3 Hỡi vua quyền uy, xin đeo gươm nơi hông;
Trong vinh quang và oai nghi của vua.
4 Vì chân lý, đức nhu mì và công chính,
Xin vua mặc lấy vẻ oai nghi, cưỡi xe lướt tới trong chiến thắng;
Tay phải vua làm những việc đáng kinh.
5 Các mũi tên nhọn của vua
Đâm thấu tim kẻ thù mình;
Các dân tộc đều ngã dưới chân vua.
6 Lạy Đức Chúa Trời, ngôi Ngài tồn tại đời đời, mãi mãi;
Quyền bính của vương quốc Chúa là quyền bính chính trực.
7 Vua yêu công chính và ghét gian tà.
Cho nên Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời của vua
Đã xức dầu vui mừng cho vua, và đặt vua trên các vua khác.
8 Áo của vua tỏa hương thơm mộc dược, trầm hương và nhục quế;
Từ trong đền ngà, tiếng nhạc cụ bằng dây làm vui lòng vua.
9 Trong những người nữ quý phái của vua có các công chúa;
Hoàng hậu đứng bên phải vua, trang sức bằng vàng Ô-phia.
Bình luận
Vua Giêsu
Trước giả sách Hê-bơ-rơ xem bài Thi-thiên này như một lời mô tả mang tính tiên tri về Chúa Giê-xu. Ông viết: ‘Lạy Đức Chúa Trời, ngôi Ngài tồn tại đời đời, mãi mãi.…”’ (Xin xem Hê Bơ Rơ 1:8–9, trích dẫn các câu 6–7 của Thi Thiên này).
Đây là một trong những dẫn chứng rõ ràng nhất trong Tân Ước về việc Giê-su được gọi là 'Chúa' - là đối tượng thờ phượng hợp pháp. Chúa Giê-su là sự ứng nghiệm của ‘Vua được xức dầu’ được trông đợi, được gọi là Đấng Mê-si-a. Chúa Giêsu làm ứng nghiệm những lời tiên tri này.
Chúa Giê-su phán: ‘Ai đã thấy Ta tức là đã thấy Cha’ (Giăng 14:9). Nói cách khác, nếu bạn muốn biết Đức Chúa Trời như thế nào, hãy nhìn vào Chúa Giê-xu.
Ngài được “tràn đầy ân sủng” (Thi Thiên 45:2). Chúng ta thấy trong những câu này gợi ý về cả Ba Ngôi: Đức Chúa Trời là Cha ('Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời của vua', Thi thiên 45:7), Đức Chúa Con ('Lạy Đức Chúa Trời, ngôi Ngài', câu 6a), và Đức Thánh Linh ( 'dầu vui mừng', câu 7b, xem thêm Ê-sai 61:1,3).
Cầu nguyện
Chúa Giê-xu, Vua của tôi,'Vì chân lý, đức nhu mì và công chính, Xin vua mặc lấy vẻ oai nghi, cưỡi xe lướt tới trong chiến thắng;' (Thi thiên 45:4a)
Lu-ca 15:1-32
Ẩn dụ về con chiên đi lạc, đồng bạc bị mất và người con trai phóng đãng
15 Bấy giờ, tất cả những người thu thuế và kẻ có tội đến gần Đức Chúa Jêsus để nghe Ngài giảng. 2 Những người Pha-ri-si và các thầy thông giáo phàn nàn rằng: “Người nầy tiếp những kẻ tội lỗi và ăn uống với chúng!”
3 Vì thế, Ngài kể cho họ ẩn dụ nầy: 4 “Có ai trong các ngươi có một trăm con chiên, nếu mất một con mà không để chín mươi chín con kia nơi đồng hoang để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất chăng? 5 Khi đã tìm được thì vui mừng vác nó lên vai. 6 Và lúc về đến nhà, người ấy gọi các bạn hữu và láng giềng đến mà nói: ‘Hãy chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên bị mất.’ 7 Cũng vậy, Ta bảo các ngươi, thiên đàng sẽ vui mừng về một tội nhân ăn năn hơn là chín mươi chín người công chính không cần phải ăn năn.
Ẩn dụ về đồng xu bị mất
8 Hay là có người phụ nữ nào có mười đồng bạc, nếu mất một đồng mà không thắp đèn, quét nhà, và cẩn thận tìm kiếm cho kỳ được sao? 9 Khi tìm được rồi, nàng gọi các bạn hữu và láng giềng đến mà nói: ‘Hãy chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng bạc bị mất.’ 10 Cũng vậy, Ta bảo các ngươi, các thiên sứ của Đức Chúa Trời sẽ vui mừng về một tội nhân ăn năn.”
Ẩn dụ về người con trai hoang đàng
11 Ngài lại kể tiếp: “Một người kia có hai con trai. 12 Người em nói với cha: ‘Thưa cha, xin chia cho con phần tài sản thuộc về con.’ Và người cha đã chia gia tài cho chúng.
13 Chẳng bao lâu, người em tóm thu hết của cải và đi đến một nơi xa; ở đó, nó ăn chơi phóng đãng, phung phí tài sản mình. 14 Khi đã tiêu sạch của rồi, trong xứ xảy ra một nạn đói lớn và nó bắt đầu lâm vào cảnh túng thiếu. 15 Nó phải đi làm mướn cho một người dân bản xứ và bị sai ra đồng chăn heo. 16 Nó ước ao lấy vỏ đậu của heo ăn mà ăn cho no nhưng chẳng ai cho.
17 Bấy giờ nó mới tỉnh ngộ, tự nhủ: ‘Biết bao nhiêu người làm mướn cho cha ta được ăn bánh dư dật mà ở đây ta phải chết đói! 18 Ta sẽ đứng dậy trở về cùng cha và thưa với cha: Cha ơi, con đã phạm tội với trời và với cha, 19 không xứng đáng gọi là con của cha nữa. Xin cha xem con như người làm thuê của cha vậy.’ 20 Nó liền đứng dậy, trở về với cha mình.
Nhưng khi còn ở đàng xa, người cha thấy nó thì động lòng thương xót, chạy ra ôm lấy cổ nó mà hôn.
21 Người con thưa với cha: ‘Cha ơi, con đã phạm tội với trời và với cha, chẳng còn xứng đáng gọi là con của cha nữa.’
22 Nhưng người cha bảo các đầy tớ: ‘Hãy mau lấy áo tốt nhất mặc cho nó, đeo nhẫn vào tay, mang giày vào chân. 23 Hãy bắt con bê mập làm thịt. Chúng ta hãy ăn mừng! 24 Vì con ta đây đã chết mà bây giờ lại sống, đã mất mà bây giờ tìm lại được.’ Rồi họ bắt đầu ăn mừng.
25 Bấy giờ, người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn ca nhảy múa, 26 anh ta gọi một đầy tớ mà hỏi xem có việc gì. 27 Đầy tớ thưa: ‘Em cậu đã trở về và cha cậu đã làm thịt con bê mập, vì ông thấy cậu ấy về được mạnh khỏe.’
28 Người con cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Người cha đi ra và khuyên dỗ chàng. 29 Nhưng anh thưa với cha: ‘Cha xem, đã bao nhiêu năm con phục vụ cha, chưa từng trái lệnh cha, mà cha chẳng bao giờ cho con một con dê con để chung vui với bạn hữu. 30 Nhưng khi đứa con kia của cha, là đứa đã phung phí hết tài sản của cha với gái mại dâm rồi trở về thì cha lại làm thịt con bê mập ăn mừng!’
31 Người cha đáp: ‘Con ơi, con luôn luôn ở với cha, tất cả của cha là của con. 32 Nhưng đáng phải dọn tiệc và vui mừng, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay tìm lại được.’”
Bình luận
Người cha yêu thương
Chúa yêu bạn say đắm, hết lòng và vô điều kiện. Dù bạn có thể đã làm rối tung cuộc sống của mình nhiều như nào, dù bạn hối tiếc điều gì đi chăng nữa, thì không bao giờ là quá muộn để quay về với Chúa. Ngài sẽ chấp nhận bạn và ôm lấy bạn như một người cha yêu thương ôm đứa con bị lạc mất.
Chúa Giê-su đã làm cho các nhà lãnh đạo tôn giáo bị sốc và cảm thấy xúc phạm: ‘Họ càu nhàu: “Những người Pha-ri-si và các thầy thông giáo phàn nàn rằng: “Người nầy tiếp những kẻ tội lỗi và ăn uống với chúng!”’ (cc.2–3, VIE2010).
Sau đó, Chúa Giê-su kể ba ẩn dụ để cho họ thấy rằng Đức Chúa Trời vô cùng quan tâm đến những người hư mất. Nếu bạn đã từng đánh mất bất cứ thứ gì có giá trị, điên cuồng tìm kiếm và sau đó tìm thấy nó, bạn sẽ nhớ lại niềm vui của mình khi tìm thấy thứ đã mất. Chúa Giê-su nói rằng niềm vui đó chẳng là gì so với niềm vui trên thiên đàng.
Câu chuyện về con chiên lạc cho thấy rằng “thiên đàng sẽ vui mừng về một tội nhân ăn năn hơn là chín mươi chín người công chính không cần phải ăn năn” (c.7, VIE2010). Câu chuyện về đồng xu bị mất cho thấy ‘các thiên sứ của Đức Chúa Trời sẽ vui mừng về một tội nhân ăn năn’ (c.10, VIE2010).
Sau đó, trong câu chuyện ngắn có lẽ hay nhất từng được kể, Chúa Giê-su cho chúng ta một sự hé lộ đáng kinh ngạc khác về Đức Chúa Trời là như thế nào: một người cha yêu thương.
Người em yêu cầu thừa kế khi người cha vẫn còn sống và sức khỏe tốt. Trong văn hóa Trung Đông truyền thống, điều này tương đương với việc nói: ‘Cha ơi, con muốn cha chết đi!’ Một người cha Trung Đông truyền thống sẽ đuổi con ra khỏi nhà. Đó là một yêu cầu thái quá, mà một người cha được cho là sẽ từ chối.
Nhưng, trong một hành động yêu thương phi thường, người cha đã phá vỡ truyền thống và cho con trai mình quyền tự do bán phần tài sản của mình (điều này sẽ khiến gia đình phải xấu hổ trước toàn thể cộng đồng). Người con ‘người em tóm thu hết của cải’ (c.13). Sau đó, người em lên đường và rời khỏi thị trấn càng nhanh càng tốt.
Rất nhiều người ngày nay, bao gồm cả tôi, đã trải nghiệm điều mà người em tìm kiếm khi xa cha mình. Anh ta đang lãng phí cuộc sống của mình (“nó ăn chơi phóng đãng, phung phí tài sản mình”, câu 13). ‘Khi đã tiêu sạch của rồi, trong xứ xảy ra một nạn đói lớn và nó bắt đầu lâm vào cảnh túng thiếu’ (c.14, VIE2010). Anh ta bị bắt làm nô lệ ('Nó phải đi làm mướn', câu 15). Anh ta cảm thấy trống rỗng bên trong ('Nó ước ao lấy vỏ đậu của heo ăn mà ăn cho no', câu 16). Anh ấy cảm thấy cô đơn trong thế giới này (‘nhưng chẳng ai cho’, câu 16).
Quay về với Chúa không phải là một hành động vô lý. Ngược lại, điều này là hợp lí vì người con trai đã "tỉnh ngộ” (c.17). Cậu con trai nhận ra rằng mình cần được giúp đỡ. Anh quyết định nén lòng kiêu ngạo và trở về với cha mình (c.18). Anh biết rằng anh cần phải về nhà. Anh đã sẵn sàng thừa nhận tội lỗi của mình. Anh ta định nói với cha mình: ‘Cha ơi, con đã phạm tội… không xứng đáng gọi là con của cha nữa. Xin cha xem con như người làm thuê của cha vậy.’ (c.18–19).
Chúng ta cần thực hiện một bước đức tin: ‘Nó liền đứng dậy, trở về với cha mình’ (c.20). Anh ta không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Vào thời Chúa Giê-su, một cậu bé Do Thái để mất gia sản vào tay dân ngoại có thể bị làng của cậu trừng phạt, và họ sẽ không muốn liên quan gì đến cậu con trai ngỗ nghịch đó.
Tình yêu của Chúa thật phi thường và vượt xa bất cứ điều gì mà bạn có thể mong đợi hoặc tưởng tượng. Thay vì sự ô nhục mà chúng ta đáng phải chịu, chúng ta nhận được sự tha thứ và tình yêu. Trong khi người em vẫn còn ở phía xa, cha cậu đã nhìn thấy cậu. Có vẻ như người cha đã chờ đợi và quan sát, và chưa bao giờ quên con trai mình. “...người cha thấy nó thì động lòng thương xót, chạy ra ôm lấy cổ nó mà hôn” (c.20, VIE2010). Từ được sử dụng ngụ ý rằng người cha đã hôn con mình rất nhiều. Đây là cách Chúa tiếp nhận bạn.
Khi người em bắt đầu bài phát biểu ăn năn đã chuẩn bị sẵn, người cha cắt ngang. Ông tiếp đãi người con của mình như một vị khách quý, tặng cho nó chiếc áo đẹp nhất (c.22). Ông cho nó một dấu hiệu tin tưởng bằng cách đeo nhẫn vào tay của nó (c.22, VIE2010). Ông mang giày, không phải dành cho nô lệ mà dành cho con trai, vào chân nó (c.22). Ông lên kế hoạch tổ chức một bữa tiệc linh đình (c.23-24).
Ở đây chúng ta có một cái nhìn thoáng qua về Đức Chúa Trời như thế nào và Ngài yêu thương chúng ta biết bao. Một lần nữa, chúng ta thấy hình ảnh nước thiên đàng giống như một bữa tiệc. Điều này trái ngược với suy nghĩ của nhiều người. Họ không liên kết Chúa với âm nhạc và khiêu vũ, tiệc tùng và ăn mừng.
Tình yêu của Đức Chúa Trời cũng mở rộng cho người con cả, người trở nên ‘nổi giận’ (c.28, VIE2010) và miễn cưỡng trước sự tha thứ và chấp nhận em trai mình. Bạn có thể hình dung người cha choàng tay qua người con và nói: ‘Con ơi, con luôn luôn ở với cha, tất cả của cha là của con. Nhưng đáng phải dọn tiệc và vui mừng, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay tìm lại được’ (c.31–32, VIE2010).
Câu chuyện (được kể cho các nhà lãnh đạo tôn giáo) kết thúc bằng một cái kết bỏ ngỏ – người con cả sẽ đáp lại tình yêu của người cha như thế nào?
Cầu nguyện
Cha ơi, cảm ơn vì Cha yêu con rất nhiều và khi con làm mọi thứ rối tung lên, cha không từ chối con. Khoảnh khắc con ăn năn và quay lại với Ngài, Chúa chấp nhận con và nói, 'Chúng ta hãy ăn mừng!' (c.23)
Phục truyền 19:1-20:20
Các thành ẩn náu
19 “Khi Giê-hô-va Đức Chúa Trời anh em đã tiêu diệt các dân tộc của xứ mà Ngài ban cho anh em, và khi anh em đã trục xuất được chúng rồi định cư trong các thành và các nhà của chúng, 2 thì anh em phải dành riêng ba thành ở giữa xứ mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ban cho anh em làm sản nghiệp. 3 Anh em phải lập đường sá và chia lãnh thổ mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ban cho anh em làm sản nghiệp thành ba phần, để kẻ giết người có thể ẩn náu tại đó.
4 Đây là trường hợp mà kẻ giết người có thể đến ẩn náu để được sống: Người đó vì vô ý mà làm chết người lân cận chứ trước đó không hề có thù ghét gì. 5 Giả sử có một người cùng vào rừng đốn củi với người lân cận. Khi vung rìu đốn cây, lưỡi rìu sút khỏi cán trúng nhằm người lân cận làm người nầy chết. Người gây án mạng có thể đến ẩn náu tại một trong ba thành ấy để được sống. 6 Nếu không, trong lúc giận dữ, người đòi nợ máu sẽ rượt đuổi kẻ gây án mạng, và vì đường xa quá nên có thể đuổi kịp và đánh chết người đó, mặc dù người đó không đáng phải chết, vì trước đó anh ta không hề thù hận gì với người lân cận mình. 7 Vì vậy mà tôi truyền cho anh em phải dành riêng ba thành.
8 Nếu Giê-hô-va Đức Chúa Trời mở rộng bờ cõi anh em, như Ngài đã thề với tổ phụ anh em, và nếu Ngài ban cho anh em toàn bộ vùng đất mà Ngài đã hứa với tổ phụ anh em, 9 vì anh em cẩn thận làm theo các điều răn mà tôi truyền cho anh em ngày nay, tức là kính mến Chúa là Đức Chúa Trời và luôn bước đi trong đường lối Ngài, thì bấy giờ, anh em phải thêm ba thành nữa vào ba thành đã nói trên. 10 Như vậy máu vô tội sẽ không đổ ra giữa xứ mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời anh em ban cho anh em làm cơ nghiệp và anh em cũng không mắc tội làm đổ máu.
11 Nhưng nếu ai vì thù hận người lân cận mà rình rập, tấn công và giết chết người đó rồi trốn vào một trong các thành ấy, 12 thì các trưởng lão của thành có kẻ giết người đó phải sai người đi bắt thủ phạm về giao cho người đòi nợ máu và nó phải chết. 13 Đừng để mắt đoái thương nó, nhưng phải tẩy sạch máu của người vô tội ra khỏi Y-sơ-ra-ên thì anh em mới được phước.
14 Anh em không được dời ranh giới của người lân cận vốn đã được các tiền nhân dựng lên trong phần cơ nghiệp mà anh em sẽ nhận được trong xứ Giê-hô-va Đức Chúa Trời ban cho anh em.
Các nhân chứng
15 Một nhân chứng duy nhất thì không đủ để buộc tội một người về bất cứ tội ác hay hành vi sai quấy nào mà họ phạm. Phải căn cứ trên lời khai của hai hay ba nhân chứng mới xác định được vấn đề.
16 Nếu có một người làm chứng gian đứng lên tố cáo một người khác về hành vi sai phạm, 17 thì cả hai bên tranh chấp phải đứng trước mặt Đức Giê-hô-va, trước mặt các thầy tế lễ và các thẩm phán đương nhiệm. 18 Các thẩm phán phải thẩm tra kỹ lưỡng. Nếu thấy nhân chứng là kẻ chứng gian đã vu cáo anh em mình 19 thì anh em phải làm cho hắn như hắn đã định làm cho anh em mình; như vậy anh em sẽ diệt trừ tội ác khỏi anh em. 20 Khi nghe tin nầy những người khác sẽ sợ, không bao giờ làm điều gian ác như thế giữa anh em nữa. 21 Anh em không nên thương xót những người như vậy. Mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân.”
Luật chiến tranh
20 “Khi đi ra giao chiến với quân thù, nếu anh em thấy chúng có nhiều ngựa, nhiều xe và binh lực đông hơn thì đừng sợ, vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời của anh em là Đấng đã đem anh em lên từ Ai Cập sẽ ở với anh em. 2 Trước giờ anh em tham chiến, thầy tế lễ sẽ tiến đến phía trước và phát biểu với dân chúng. 3 Ông sẽ nói: ‘Hỡi Y-sơ-ra-ên hãy nghe! Hôm nay anh em sẽ giao chiến với quân thù. Đừng sờn lòng, hoảng sợ, đừng hãi hùng, kinh khiếp khi đối diện với chúng, 4 vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời của anh em, là Đấng cùng đi với anh em để tiến đánh quân thù và giải cứu anh em.’
5 Bấy giờ các quan chức sẽ nói với dân chúng rằng: ‘Có ai vừa mới cất nhà mà chưa kịp khánh thành không? Hãy cho người ấy trở về nhà, vì nếu người ấy tử trận thì người khác sẽ khánh thành nhà ấy chăng. 6 Có ai đã trồng một vườn nho mà chưa kịp hưởng hoa lợi không? Hãy cho người ấy trở về nhà, vì nếu người ấy tử trận thì người khác sẽ hưởng hoa lợi vườn nho đó chăng. 7 Có ai đã đính hôn với một phụ nữ mà chưa kịp cưới không? Hãy cho người ấy trở về nhà, vì nếu người đó tử trận thì người khác sẽ cưới người vợ hứa ấy chăng.’ 8 Các quan chức còn nói thêm với dân chúng: ‘Có ai cảm thấy sợ hãi và nao núng không? Hãy cho người ấy trở về nhà, nếu không người ấy có thể làm cho đồng đội nản lòng như chính người đó chăng.’ 9 Khi các quan chức phát biểu xong, các cấp chỉ huy sẽ được bổ nhiệm để lãnh đạo dân chúng.
10 Khi kéo quân tấn công một thành nào, anh em phải đưa điều kiện hòa giải cho dân chúng trong thành ấy trước. 11 Nếu họ chấp thuận điều kiện giải hòa và mở cửa thành cho anh em thì toàn dân trong thành sẽ phải phục dịch và làm nô lệ cho anh em. 12 Nếu họ từ chối điều kiện giải hòa và khai chiến với anh em thì anh em sẽ bao vây thành ấy. 13 Giê-hô-va Đức Chúa Trời của anh em sẽ phó thành ấy vào tay anh em và anh em sẽ dùng gươm giết tất cả đàn ông con trai trong thành. 14 Tuy nhiên, anh em có thể giữ lại cho mình đàn bà, con trẻ, súc vật và mọi vật khác trong thành làm chiến lợi phẩm. Anh em được hưởng các chiến lợi phẩm thu được của quân thù, là những gì mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời anh em ban cho anh em. 15 Anh em hãy xử như vậy với các thành ở rất xa anh em, là những thành không thuộc về các dân tộc ở đây.
16 Nhưng trong các thành thuộc lãnh thổ của những dân tộc mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ban cho anh em làm cơ nghiệp thì đừng để cho một sinh vật nào được sống. 17 Phải tận diệt dân Hê-tít, dân A-mô-rít, dân Ca-na-an, dân Phê-rê-sít, dân Hê-vít, dân Giê-bu-sít như lời Giê-hô-va Đức Chúa Trời anh em đã phán dặn. 18 Như thế chúng sẽ không dạy anh em làm theo những điều ghê tởm mà chúng đã làm để cúng thờ các thần của chúng, khiến anh em phạm tội với Giê-hô-va Đức Chúa Trời của anh em.
19 Khi anh em bao vây và tấn công lâu ngày để tiến chiếm một thành thì đừng lấy rìu đốn chặt cây cối chung quanh thành. Anh em có thể ăn trái của các cây đó nhưng không được chặt phá, vì cây cối ngoài đồng chứ có phải con người đâu mà anh em bao vây? 20 Anh em có thể đốn phá những cây mà anh em biết không phải là cây ăn trái. Anh em có thể đốn và dùng chúng để xây cất chiến lũy tiến đánh thành đang gây chiến với anh em, cho đến khi thành ấy thất thủ.”
Bình luận
Chúa phán
Điều quan trọng là phải đọc Cựu Ước qua lăng kính của Chúa Giêsu. Chúng ta không thể đơn giản áp dụng luật pháp của Cựu Ước cho xã hội của chúng ta ngày nay. Chúng ta cũng không thể lấy khái niệm “luật chiến tranh” (20:1–20) và biến nó thành một “cuộc viễn chinh”.
Những gì chúng ta thấy xuyên suốt Kinh Thánh là Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời thánh khiết và Đức Chúa Trời của công lý. Một số nguyên tắc của hệ thống pháp luật của Y-sơ-ra-ên Cổ đại là dành riêng cho thời đó. Những điều khác được áp dụng cách chung chung hơn.
Giết người rõ ràng là tội nghiêm trọng hơn tội ngộ sát (19:1-13). Cần có bằng chứng rõ ràng trước khi bất kỳ ai bị kết tội (c.15). Khai khống là một tội rất nghiêm trọng (c.16–18). Sự trừng phạt phải xứng đáng và tương xứng (c.21 – điều này không bao giờ được hiểu theo nghĩa đen, ngoại trừ trường hợp tử hình). Mục đích thứ hai của việc áp đặt hình phạt công bằng là để răn đe (c.20).
Nhưng không phải mọi thứ ở Y-sơ-ra-ên cổ đại đều có thể áp dụng cho chúng ta. Trong Chúa Giêsu một con đường mới đã được thiết lập. Cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời giáng trên kẻ phạm tội là mọi người đã giáng xuống trên Đấng đại diện công bình, Con Người một lần đủ cả.
Chúng ta không thể lấy Y-sơ-ra-ên như một hình mẫu để chúng ta nghiên cứu về hình phạt tội ác. Như Oliver O’Donovan, nguyên Giáo sư Thần học tại Đại học Oxford, viết: ‘không phải vì làm như vậy là phi tự do mà vì làm như vậy là không theo đạo Cơ đốc. “Y-sơ-ra-ên”, theo nghĩa rõ nhất là nơi ở độc nhất của Đức Chúa Trời trên trái đất, đã được thay thế trong Đấng Christ.’
Chẳng hạn, khi Chúa Giê-su trích dẫn đoạn này, Ngài nói: ‘Các con có nghe lời dạy rằng: ‘Mắt đền mắt, răng đền răng.’ Nhưng Ta bảo các con: Đừng chống cự kẻ ác. Trái lại, nếu ai vả má bên phải, hãy đưa luôn má bên kia cho người ấy’ (Ma-thi-ơ 5:38–39).
Cầu nguyện
Lạy Chúa, cảm ơn vì Chúa là Chúa của tình yêu, công lý và sự thật. Con cảm ơn vì Ngài tỏ bản thân cho con khi con nghiên cứu lời của Chúa và dành thời gian cho sự hiện diện của Ngài.
Pippa chia sẻ
Lu Ca 15:1–32
Chúa Giê-su kể ba câu chuyện về một con cừu, một đồng xu và một đứa con trai bị hư mất, và sau đó là niềm vui tràn trề khi tìm thấy chúng. Chúng ta làm mất đồ mỗi ngày – thường là chìa khóa, điện thoại và kính. Tôi tìm thấy chiếc nhẫn của bà tôi mà tôi tưởng đã đánh mất, và tôi cảm thấy như những người phụ nữ trong câu chuyện ngụ ngôn: vui mừng khôn xiết. Tôi cũng biết rằng tôi đã từng bị lạc và bây giờ tôi đã được Chúa tìm thấy.
App
Tải xuống ứng dụng Kinh Thánh Trong Một Năm dành cho thiết bị iOS hoặc Android và đọc theo mỗi ngày.
Đăng ký ngay bây giờ để nhận Kinh thánh trong một năm trong hộp thư đến của bạn mỗi sáng. Bạn sẽ nhận được một email mỗi ngày.
Book
Kinh thánh trong một năm bình luận có sẵn như là một cuốn sách.
- Mua từ Cửa hàng Alpha
- [Mua từ Nhà sách CLC](https://clcbookshops.com/product/bible-in-one-year-the-a-commentary-by-nicky-gumbel-hard-cover-gumbel-nicky-hodder-stoughton- 9781473677067)
Tham khảo
The One Year® is a registered trademark of Tyndale House Publishers. Used by permission.
Oliver O’Donovan, Measure for Measure: Justice in Punishment and the Sentence of Death, Grove Booklet on Ethics No. 19 (Bramcote Notts: Grove Books, 1977) p.8
Unless otherwise stated, Scripture quotations taken from the Holy Bible, New International Version Anglicised, Copyright © 1979, 1984, 2011 Biblica, formerly International Bible Society. Used by permission of Hodder & Stoughton Publishers, an Hachette UK company. All rights reserved. ‘NIV’ is a registered trademark of Biblica. UK trademark number 1448790.
Scripture marked (MSG) taken from The Message. Copyright © 1993, 1994, 1995, 1996, 2000, 2001, 2002. Used by permission of NavPress Publishing Group.