Ngày 121

Vốn Dĩ Là Của Bạn Rồi

Khôn ngoan Châm ngôn 10:31-11:8
Tân ước Giăng 1:29-51
Cựu Ước Giô-suê 17:1-18:28

Giới thiệu

Ông bà ngoại của tôi sống ở làng chài nhỏ Pittenweem gần Edinburgh ở Scotland. Họ sở hữu một ngôi nhà ở đó. Năm 1939, khi Chiến tranh thế giới thứ hai bắt đầu, họ cho người thuê. Khi chiến tranh kết thúc, họ muốn trở về quê hương nhưng họ không thể. Luật pháp vào thời điểm đó cho phép những người thuê nhà tiếp tục ở trọ miễn là họ còn sống, với mức giá thuê không đổi (không điều chỉnh theo lạm phát!).

Trong năm mươi năm, ông bà tôi không có quyền sử dụng ngôi nhà mà lẽ ra thuộc quyền sở hữu của họ. Sau này, chú tôi được thừa kế ngôi nhà đó. Vào thời điểm chú tôi nhận quyền sở hữu, tình trạng của ngôi nhà đã xuống cấp rất nhiều. Ông ấy đã bán nó với một số tiền rất nhỏ.

Mặc dù gia đình tôi là chủ sở hữu của ngôi nhà này ở Pittenweem, nhưng họ chưa bao giờ có quyền sử dụng nó. Có một sự khác biệt lớn giữa quyền sở hữuquyền sử dụng.

Người dân Y-sơ-ra-ên đã được trao quyền sở hữu Ca-na-an, miền đất hứa. Giờ đây, Giô-suê nói với dân Y-sơ-ra-ên: ‘Các ngươi còn đợi bao lâu nữa trước khi bắt đầu chiếm lấy xứ…?’ (Giô-suê 18:3). Tân Ước trình bày 'xứ' như một bức tranh về đời sống Cơ đốc nhân (Hê-bơ-rơ 4). Nhận ra những gì đã là của bạn trong Chúa Giê-su Christ và sau đó chiếm lấy nó.

Khôn ngoan

Châm ngôn 10:31-11:8

31 Miệng người công chính sinh ra sự khôn ngoan,    Còn lưỡi của kẻ gian tà sẽ bị cắt mất. \t 32 Môi người công chính nói điều tốt đẹp,    Miệng kẻ hung ác chỉ nói chuyện gian tà. \t 11 1 Đức Giê-hô-va ghê tởm chiếc cân gian dối,
   Nhưng quả cân đúng làm Ngài hài lòng. \t 2 Khi kiêu ngạo đến, sỉ nhục cũng đến theo;
   Nhưng sự khôn ngoan vẫn ở với người khiêm nhường. \t 3 Sự liêm chính của người ngay thẳng dẫn dắt họ,
   Còn sự gian tà của kẻ bất trung hủy diệt chúng. \t 4 Tài sản chẳng ích lợi gì trong ngày thịnh nộ,
   Nhưng sự công chính giải cứu khỏi sự chết. \t 5 Sự công chính của người trọn vẹn làm cho đường lối người ngay thẳng,
   Còn sự gian ác của kẻ ác đánh ngã hắn. \t 6 Sự công chính của người ngay thẳng giải cứu họ,
   Nhưng lòng tham của kẻ bất trung đánh bẫy chúng. \t 7 Khi kẻ ác chết, sự trông mong của hắn tiêu tan,
   Và hi vọng của kẻ cường bạo cũng tan thành mây khói. \t 8 Người công chính được cứu khỏi hoạn nạn,
   Còn kẻ gian ác vào thế chỗ cho người.

Bình luận

Bạn có nhận ra rằng Đức Chúa Trời đã ban cho bạn món quà của sự công chính không? Bạn đã sử dụng món quà này chưa?

Người viết sách Châm-ngôn so sánh ‘kẻ ác’ với ‘người công bình’. Sự gian ác sẽ dẫn đến sự hủy diệt – 'Còn sự gian tà của kẻ bất trung hủy diệt chúng.…Còn sự gian ác của kẻ ác đánh ngã hắn.’ (11:3b,5b). Quan trọng hơn hết, cái ác bị xóa bỏ bởi cái chết: ‘Khi kẻ ác chết, sự trông mong của hắn tiêu tan, Và hi vọng của kẻ cường bạo cũng tan thành mây khói.’ (c.7).

Mặt khác, ‘sự công chính giải cứu khỏi sự chết.' (c.4b). Đây là một trong những lập luận về Chúa Giê-su mà sứ đồ Phi-e-rơ sử dụng vào Ngày Lễ Ngũ Tuần – sự công bình không thể bị mục nát: ‘Sự chết không thể nào giữ được Ngài’ (Công vụ 2:24).

Không ai hoàn toàn công chính ngoại trừ Chúa Giêsu. Sự công chính có nghĩa là những mối quan hệ đúng đắn, cả với Chúa và với những người khác. Bạn nhận được sự công chính này từ Đức Chúa Trời như một món quà bởi đức tin (Rô-ma 3:22; Phi-líp 3:9) nhưng bạn phải chiếm lấy nó. Bạn cần phải sống đúng với điều đó.

Trong đoạn Kinh Thánh này, chúng ta thấy một số ví dụ về ý nghĩa của điều này.

  1. Sự khôn ngoan
    Miệng người công chính sinh ra sự khôn ngoan, Còn lưỡi của kẻ gian tà sẽ bị cắt mất. Môi người công chính nói điều tốt đẹp, Miệng kẻ hung ác chỉ nói chuyện gian tà. (Châm Ngôn 10:31a,32a)

  2. Sự khiêm nhường
    Khi kiêu ngạo đến, sỉ nhục cũng đến theo; Nhưng sự khôn ngoan vẫn ở với người khiêm nhường. (11:2)

  3. Sự liêm chính
    Sự liêm chính của người ngay thẳng dẫn dắt họ...Nhưng sự công chính giải cứu khỏi sự chết.

  4. Đạo đức
    Sự công chính của người trọn vẹn làm cho đường lối người ngay thẳng...Sự công chính của người ngay thẳng giải cứu họ

Cầu nguyện

Chúa ơi, con xin tiếp nhận món quà của sự công chính bởi đức tin.Xin Chúa giúp con sống một đời sống khôn ngoan, khiêm nhường, liêm khiết và đạo đức tốt.

Tân ước

Giăng 1:29-51

Giăng làm chứng về Chúa Giê-su

29 Hôm sau, Giăng thấy Đức Chúa Jêsus đến với mình, thì nói rằng: “Kìa Chiên Con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi của thế gian đi! 30 Đây là Đấng mà tôi đã nói: ‘Đấng đến sau tôi vượt trội hơn tôi, vì Ngài vốn trước tôi.’ 31Chính tôi vốn không biết Ngài, nhưng tôi đến làm báp-têm bằng nước để Ngài được bày tỏ cho dân Y-sơ-ra-ên.”

32 Giăng cũng làm chứng rằng: “Tôi đã thấy Thánh Linh từ trời giáng xuống như chim bồ câu đậu trên Ngài. 33 Chính tôi vốn không biết Ngài, nhưng Đấng đã sai tôi làm báp-têm bằng nước có phán với tôi: ‘Đấng mà ngươi sẽ thấy Thánh Linh giáng xuống, ngự lên trên, ấy là Đấng làm báp-têm bằng Đức Thánh Linh.’ 34 Tôi đã thấy và làm chứng rằng, đây chính là Con Đức Chúa Trời.”

Các môn đồ đầu tiên của Đức Chúa Jêsus

35 Hôm sau, Giăng lại đứng tại đó với hai trong số các môn đồ của mình. 36 Khi nhìn thấy Đức Chúa Jêsus đi ngang qua, ông nói: “Kìa, Chiên Con của Đức Chúa Trời!”

37 Hai môn đồ nghe ông nói, liền đi theo Đức Chúa Jêsus. 38 Đức Chúa Jêsus quay lại, thấy họ đi theo thì hỏi: “Các ngươi tìm ai?”

Họ thưa: “Ra-bi (nghĩa là Thầy), Thầy đang trọ ở đâu?”

39 Ngài phán: “Hãy đến xem.”

Họ đến xem chỗ Ngài trọ, và ở lại với Ngài trong ngày đó. Lúc ấy vào khoảng bốn giờ chiều.

40 Một trong hai người đã nghe Giăng nói và đi theo Đức Chúa Jêsus, đó là Anh-rê, em của Si-môn Phi-e-rơ. 41 Trước tiên, ông tìm anh mình là Si-môn Phi-e-rơ và nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a” (nghĩa là Đấng Christ). 42 Ông đưa anh mình đến với Đức Chúa Jêsus.

Đức Chúa Jêsus nhìn Si-môn và phán: “Ngươi là Si-môn, con của Giăng, ngươi sẽ được gọi là Sê-pha”, nghĩa là Phi-e-rơ.

Chúa Giê-su gọi Phi-líp và Na-tha-na-ên

43 Hôm sau, Đức Chúa Jêsus muốn đi qua miền Ga-li-lê. Ngài tìm Phi-líp và phán rằng: “Hãy theo Ta.”

44 Phi-líp là người Bết-sai-đa, cùng thành phố với Anh-rê và Phi-e-rơ. 45 Phi-líp tìm Na-tha-na-ên và nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng mà Môi-se đã chép trong luật pháp, và các nhà tiên tri cũng có ghi lại; ấy là Đức Chúa Jêsus, con của Giô-sép, ở thành Na-xa-rét.”

46 Na-tha-na-ên nói: “Có điều gì tốt ra từ Na-xa-rét được sao?”

Phi-líp nói: “Hãy đến xem!”

47 Đức Chúa Jêsus thấy Na-tha-na-ên đến với Ngài thì nói về ông rằng: “Đây là một người Y-sơ-ra-ên thật, trong người không có điều dối trá.”

48 Na-tha-na-ên thưa: “Làm thế nào Thầy biết tôi?”

Đức Chúa Jêsus đáp: “Trước khi Phi-líp gọi ngươi, Ta đã thấy ngươi ở dưới cây vả.”

49 Na-tha-na-ên thưa: “Thưa Thầy, Thầy là Con Đức Chúa Trời! Thầy là vua Y-sơ-ra-ên!”

50 Đức Chúa Jêsus đáp: “Có phải vì Ta nói Ta thấy ngươi ở dưới cây vả nên ngươi mới tin? Ngươi sẽ thấy những việc vĩ đại hơn nữa.” 51 Rồi Ngài phán: “Thật, Ta bảo thật với các ngươi: Các ngươi sẽ thấy trời mở ra và thiên sứ của Đức Chúa Trời lên xuống trên Con Người.”

Bình luận

Ân Tứ Của Đức Thánh Linh

Bạn có đang vui hưởng mọi điều Chúa Giê-su đã làm cho bạn không? Hay bạn vẫn cảm thấy tội lỗi và bất lực? Chúa Giê-su đến để mang sự tha thứ, sự sống mới và quyền năng của Đức Thánh Linh đến cho bạn. Ngày hôm nay, hãy chắc chắn rằng bạn chiếm lấy những gì đã là của bạn.

Trong phân đoạn này, chúng ta thấy một loạt các danh hiệu đặc biệt của Chúa Giê-su. Chúa Giê-su là ‘Con Thiên Chúa’ (c.34,49), ‘Đấng cứu thế’ (c.41), ‘Vua Israel’ (c.49) và ‘Con Người’ (c.51).

Tôi muốn đặc biệt tập trung vào hai danh xưng trong phân đoạn này mô tả chức vụ của Chúa Giê-su.

  1. Đấng Xóa Tội
    Máu của Chiên Con đã cứu dân Y-sơ-ra-ên khỏi ách nô lệ và cho phép họ bước đi trong tự do đến với vùng đất hứa (Xuất Ê-díp-tô Ký 11-15). Giăng nói về Chúa Giê-su, ‘Kìa Chiên Con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi của thế gian đi!’ (Giăng 1:29). Khi bạn đến với Chúa Giê-xu, Ngài xóa bỏ tội lỗi của bạn. Tuyên bố, trông cậy, tin tưởng vào sự tha thứ đã được chuộc mua cho bạn. Hãy chủ động khước từ cảm giác tội lỗi, xấu hổ hoặc không xứng đáng. Đó là một sự lựa chọn chủ động, thiết thực, hàng ngày để luôn năm lấy sự tha thứ mà Chúa Giê-su đã ban cho bạn.

  2. Đấng Làm Báp Tem Bằng Đức Thánh Linh
    Giăng Báp-tít mô tả Chúa Giê-su là “Đấng làm báp-têm bằng Đức Thánh Linh” (c.33). Chúa Giê-su đổ đầy bạn bằng Thần Linh của Ngài. Đây là những gì Chúa Giê-su đã làm cho bạn. Tuy nhiên, bạn phải chiếm lấy món quà tuyệt vời mà Chúa đã dành sẵn cho bạn.

Chúa Giê-su mời Phi-líp ‘hãy theo ta’ (c.43). Từ ‘theo’ trong tiếng Hy Lạp không chỉ có nghĩa là ‘đi theo dấu chân’ mà còn có nghĩa là đồng hành, ở cùng. Khi họ hỏi Chúa Giê-su, 'Chúa ở đâu?', tiếng Hy Lạp có nghĩa là 'ở' cũng chính là từ mà Chúa Giê-su sử dụng trong Giăng 15 - 'Hãy cứ ở trong Ta thì Ta sẽ ở trong các con'. Họ thấy Chúa Giêsu và ở lại với Người. Chúa Giê-su cũng mời gọi bạn đến với một tình bạn cá nhân và sâu sắc với ngài.

Chúa Giê-su cũng cho bạn cơ hội để làm điều mà Giăng Báp-tít đã làm – chỉ cho người khác đến với Ngài. Tất nhiên, Đức Chúa Trời không cần một nhân viên. Chúa Giê-su có thể tiếp tục chức vụ của mình mà không cần sự giúp đỡ của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta thấy trong phân đoạn này là cách Chúa dùng các môn đồ để kêu gọi con người đến với Ngài.

Những con người này đưa bạn bè đến với Chúa Giê-xu: Giăng Báp-tít giới thiệu Anh-rê (c.35–36); Anh-rê giới thiệu Phi-e-rơ (c.41) và Phi-líp giới thiệu Na-tha-na-ên (c.45). Lúc đầu Na-tha-na-ên nghi ngờ, nhưng sau đó ông đến và thấy ngay rằng Chúa Giê-su thực sự là Con Đức Chúa Trời (c.49).

Cựu Tổng Giám mục Canterbury, William Temple, đã viết một bài bình luận về Phúc âm Giăng. Khi đến dòng chữ ‘và ông ấy [Anh-rê] đã dẫn anh ấy [Si-môn] đến với Chúa Giê-su’ (c.42a), Temple đã viết một câu ngắn gọn nhưng quan trọng: ‘Đây là sự phục vụ vĩ đại nhất mà một người có thể làm cho người khác.’

Si-môn Phi-e-rơ tiếp tục là một trong những người có ảnh hưởng quan trọng nhất trong lịch sử Cơ đốc giáo. Bạn có thể không làm được điều mà Phi-e-rơ đã làm, nhưng bạn có thể làm được điều mà anh của ông là Anh-rê đã làm – đem một người nào đó đến với Chúa Giê-su.

Hoặc, giống như Phi-líp, bạn có thể kêu gọi bạn bè, gia đình và đồng nghiệp: “hãy đến xem” (c.46). Bạn có thể là một phần trong kế hoạch của Đức Chúa Trời, để giúp người khác nghe về Chúa Giê-su và đáp ứng khi bạn mời họ 'hãy đến xem'.

Tôi đã thấy rằng không có điều gì trong cuộc sống thú vị hơn là được tham dự vào chức vụ của Chúa Giê-su. Đức Chúa Trời thật nhân từ khi cho chúng ta, những con người bất toàn, tham gia vào kế hoạch hoàn hảo của Ngài.

Cầu nguyện

Lạy Chúa, hôm nay xin giúp con vui hưởng hồng ân tha thứ và sự sống sung mãn trong Chúa Thánh Linh. Xin cũng giúp con chia sẻ về Chúa cho những người khác – và mời mọi người ‘hãy đến xem’ (c.46).

Cựu Ước

Giô-suê 17:1-18:28

Địa phận của phân nửa bộ tộc Ma-na-se ở phía tây

1 Bộ tộc Ma-na-se được bắt thăm chia đất vì ông là người con đầu lòng của Giô-sép. Con đầu lòng của Ma-na-se là Ma-ki, cha của Ga-la-át, là một chiến sĩ, nên được cấp cho vùng đất Ga-la-át và Ba-san. 2 Những người con khác của Ma-na-se cũng được bắt thăm chia đất theo từng gia tộc của họ: A-bi-ê-se, Hê-léc, Át-ri-ên, Si-chem, Hê-phe, Sê-mi-đa. Đó là các con trai của Ma-na-se, cháu Giô-sép, theo từng gia tộc của họ.

3 Xê-lô-phát, con trai của Hê-phe, cháu của Ga-la-át, chắt của Ma-ki, chít của Ma-na-se, không có con trai, chỉ có các con gái tên là: Mách-la, Nô-a, Hốt-la, Minh-ca và Tiệt-sa. 4 Các cô ấy đến trước thầy tế lễ Ê-lê-a-sa, trước Giô-suê, con trai Nun, và trước các nhà lãnh đạo mà nói rằng: “Đức Giê-hô-va đã phán với Môi-se ban cho chúng tôi một phần sản nghiệp cùng với anh em chúng tôi.” Vậy, Giô-suê vâng lệnh Đức Giê-hô-va cấp cho các cô ấy một phần sản nghiệp như các anh em của cha các cô. 5 Vậy Ma-na-se bắt thăm được mười phần, không kể đất Ga-la-át và Ba-san ở bên kia sông Giô-đanh, 6 vì các con gái Ma-na-se có một phần sản nghiệp cùng với các con trai ông, còn đất Ga-la-át được chia cho các con trai khác của Ma-na-se.

7 Ranh giới của Ma-na-se từ A-se đến Mít-mê-thát đối diện Si-chem, rồi chạy về phía nam đến chỗ ở của dân Ên Tháp-bu-ách. 8 Đất Tháp-bu-ách thuộc về Ma-na-se, nhưng thị trấn Tháp-bu-ách gần ranh giới của Ma-na-se thì thuộc về con cháu Ép-ra-im. 9 Từ đó, ranh giới nầy chạy xuống tận suối Ca-na; trong số các thành Ma-na-se ở phía nam của suối nầy, có những thành thuộc về Ép-ra-im. Ranh giới của Ma-na-se chạy về phía bắc của suối và dừng lại ở biển. 10 Phần đất phía nam thuộc về Ép-ra-im, phần đất phía bắc thuộc về Ma-na-se, lấy biển làm ranh giới. Phía bắc tiếp giáp với A-se, phía đông tiếp giáp với Y-sa-ca.

11 Trong địa phận Y-sa-ca và A-se, Ma-na-se còn có thành Bết Sê-an cùng các thị trấn phụ thuộc và thành Gíp-lê-am cùng các thị trấn phụ thuộc, bao gồm cả cư dân của Đô-rơ cùng các thị trấn phụ thuộc, cư dân của Ên-đô-rơ cùng các thị trấn phụ thuộc, cư dân của Tha-na-ác cùng các thị trấn phụ thuộc, cư dân của Mê-ghi-đô cùng các thị trấn phụ thuộc, và thành thứ ba là Na-phốt.

12 Tuy nhiên, con cháu Ma-na-se không thể chiếm các thành ấy nên dân Ca-na-an cứ ở trong xứ đó. 13 Nhưng khi dân Y-sơ-ra-ên trở nên hùng mạnh, họ cưỡng bách dân Ca-na-an lao động chứ không đuổi hết chúng được.

Con cháu Giô-sép phản đối

14 Con cháu của Giô-sép nói với Giô-suê: “Chúng tôi đã thành một dân đông người, vì Đức Giê-hô-va đã ban phước cho chúng tôi đến hôm nay. Vậy tại sao ông cho chúng tôi chỉ có một phần đất làm sản nghiệp thôi?”

15 Giô-suê đáp: “Nếu anh em đông như vậy và vùng núi Ép-ra-im quá hẹp thì anh em hãy lên khai phá rừng và tạo dựng cho mình một chỗ trong đất của dân Phê-rê-sít và dân Rê-pha-im.”

16 Nhưng con cháu Giô-sép đáp: “Miền núi không đủ chỗ cho chúng tôi, còn miền đồng bằng thì tất cả dân Ca-na-an ở đó đều có thiết xa, cả dân Bết Sê-an cùng các thị trấn của nó và dân ở thung lũng Gít-rê-ên, cũng vậy.”

17 Giô-suê nói với nhà Giô-sép, tức là Ép-ra-im và Ma-na-se, rằng: “Anh em là một dân đông, có sức mạnh thì sẽ không chỉ lãnh một phần đất thôi, 18 nhưng miền đồi núi sẽ thuộc về anh em, dù chỉ là đất rừng, anh em cũng sẽ khai phá nó, và biên cương của nó sẽ thuộc về anh em; vì anh em sẽ đuổi được dân Ca-na-an mặc dù chúng có thiết xa và hùng mạnh.”

Địa phận của các bộ tộc còn lại

18 1 Cả hội chúng dân Y-sơ-ra-ên nhóm họp tại Si-lô và dựng Lều Hội Kiến tại đó. Toàn xứ đều ở dưới quyền kiểm soát của họ. 2 Nhưng trong dân Y-sơ-ra-ên còn lại bảy bộ tộc chưa được phân chia sản nghiệp.

3 Giô-suê nói với dân Y-sơ-ra-ên: “Anh em lần lữa cho đến chừng nào mới đi chiếm xứ mà Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của tổ phụ anh em, đã ban cho anh em? 4 Hãy chọn mỗi bộ tộc ba người và tôi sẽ sai đi. Họ sẽ đứng dậy đi khắp xứ, vẽ bản đồ theo từng phần sản nghiệp, rồi trở lại với tôi. 5 Họ sẽ chia xứ làm bảy phần. Giu-đa sẽ lưu lại trong địa phận của mình ở miền nam, nhà Giô-sép sẽ lưu lại trong địa phận của mình ở miền bắc. 6 Vậy, anh em hãy vẽ bản đồ của bảy phần đất và đem về đây cho tôi và tôi sẽ bắt thăm cho anh em tại đây trước mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta. 7 Nhưng người Lê-vi không được chia đất với anh em vì chức tế lễ của Đức Giê-hô-va là phần sản nghiệp của họ. Còn Gát, Ru-bên, và phân nửa bộ tộc Ma-na-se đã lãnh phần sản nghiệp mà Môi-se, đầy tớ của Đức Giê-hô-va, ban cho họ ở bên kia sông Giô-đanh về phía đông.”

8 Vậy những người ấy đứng dậy ra đi. Giô-suê truyền lệnh cho họ đi vẽ bản đồ của xứ, và nói: “Hãy đi khắp xứ vẽ bản đồ rồi trở lại với tôi và tại đây tôi sẽ bắt thăm cho anh em trước mặt Đức Giê-hô-va ở Si-lô.” 9 Các người ấy đi khắp xứ, vẽ bản đồ trên một quyển sách chia làm bảy phần, theo từng thị trấn, rồi trở lại với Giô-suê ở trại quân tại Si-lô. 10 Giô-suê bắt thăm cho họ tại Si-lô trước mặt Đức Giê-hô-va và tại đó Giô-suê phân chia đất cho dân Y-sơ-ra-ên theo các bộ tộc của họ.

Địa phận của bộ tộc Bên-gia-min

11 Bộ tộc thuộc con cháu Bên-gia-min bắt thăm theo từng gia tộc của họ và địa phận mà họ bắt thăm được nằm giữa bộ tộc Giu-đa và bộ tộc Giô-sép.

12 Ranh giới của Bên-gia-min về phía bắc chạy từ Giô-đanh, đi lên phía sau Giê-ri-cô về hướng bắc, băng qua miền đồi núi phía tây rồi dừng lại tại hoang mạc Bết A-ven. 13 Từ đó ranh giới chạy thẳng về hướng nam Lu-xơ, cũng gọi là Bê-tên, rồi chạy xuống A-ta-rốt A-đa trên ngọn đồi về phía nam Bết Hô-rôn Hạ.

14 Ranh giới đi vòng từ phía tây qua phía nam, tức là từ núi đối diện Bết Hô-rôn về phía nam và dừng lại ở Ki-ri-át Ba-anh, tức là Ki-ri-át Giê-a-rim, thành của người Giu-đa. Đó là ranh giới phía tây.

15 Biên giới phía nam bắt đầu từ ngoại thành Ki-ri-át Giê-a-rim về phía tây, chạy đến suối nước Nép-thô-ách, 16 rồi xuống đến chân núi nằm đối diện thung lũng Bên Hi-nôm, về phía bắc thung lũng Rê-pha-im. Nó chạy xuống thung lũng Hi-nôm ở sau lưng thành của dân Giê-bu-sít, về phía nam, rồi xuống đến Ên Rô-ghên. 17 Sau đó, ranh giới chạy về phía bắc đến Ên Sê-mết; từ đó đi thẳng về Ghê-li-lốt, đối diện dốc A-đu-mim, chạy xuống đến hòn đá Bô-han (Bô-han là con trai Ru-bên) 18 rồi đi ngang triền núi phía bắc A-ra-ba và chạy xuống A-ra-ba. 19 Ranh giới nầy đi qua Bết Hốt-la về hướng bắc, rồi dừng lại ở vịnh bắc của Biển Chết, phía cực nam của sông Giô-đanh. Đó là ranh giới về phía nam.

20 Phía đông giáp giới với sông Giô-đanh.

Đó là sản nghiệp của con cháu Bên-gia-min và ranh giới bốn phía, theo từng gia tộc của họ.

21 Các thành của bộ tộc Bên-gia-min, theo từng gia tộc của họ là:

Giê-ri-cô, Bết Hốt-la, Ê-méc-kê-sít, 22 Bết A-ra-ba, Xê-ma-ra-im, Bê-tên, 23 A-vim, Pha-ra, Óp-ra, 24 Kê-pha A-mô-nai, Óp-ni, và Ghê-ba: tất cả là mười hai thành và các làng mạc của chúng.

25 Ga-ba-ôn, Ra-ma, Bê-ê-rốt, 26 Mích-pê, Kê-phi-ra, Một-sa, 27 Rê-kem, Giệt-bê-ên, Tha-rê-a-la, 28 Xê-la, Ê-lép, Giê-bu, tức là Giê-ru-sa-lem, Ghi-bê-át, Ki-ri-át. Tất cả là mười bốn thành với các làng mạc của chúng.

Đó là sản nghiệp của con cháu Bên-gia-min theo từng gia tộc của họ.

Bình luận

Món Quà Thừa Kế Cơ Nghiệp

Trong cuộc sống của bạn, có khía cạnh nào mà bạn vẫn chưa tận dụng hết quyền thừa kế của mình trong Đấng Christ không?

Đất là cơ nghiệp của dân Chúa (17:4,7; 18:7,20,27). 'Giô-suê nói với Dân Y-sơ-ra-ên: “Anh em lần lữa cho đến chừng nào mới đi chiếm xứ mà Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của tổ phụ anh em, đã ban cho anh em?” (18:3).

Ở đây, một lần nữa, chúng ta thấy sự khác biệt lớn giữa quyền sở hữu và quyền chiếm hữu và sử dụng đất đai. Y-sơ-ra-ên được trao quyền sở hữu đất đai trước khi họ chiếm hữu và sử dụng.

Khi bạn theo Chúa Giê-su, bạn trở thành bạn của Ngài. Bạn nhận được sự tha thứ, sự xưng công bình, sự công bình của Đức Chúa Trời và Đức Thánh Linh. Bạn trở thành con của Chúa. Bạn có quyền trên tội lỗi và có quyền đến với Chúa. Bạn đã chiến thắng quyền lực ma quỷ. Bạn được hòa giải với Chúa. Bạn có thẩm quyền trên ma quỷ trong cuộc sống của bạn và những người khác. Tất cả những lời hứa của Thiên Chúa thuộc về bạn. Đây là cơ nghiệp của bạn trong Đấng Christ.

Nhưng có lẽ, không phải lúc nào bạn cũng thực sự chiếm lấy và tận hưởng trọn vẹn phước lành mà Chúa ban trong cuộc sống của mình. Ở đây, có vẻ như Đức Chúa Trời nói với dân ngài: ‘Các con không biết ta đã ban tất cả những thứ này cho các con sao? Các con còn chờ gì nữa?'

Có thể bạn đã dâng cuộc đời mình cho Chúa Giê-su, nhưng bạn đã thực sự để Ngài chiếm lấy mọi khía cạnh trong cuộc sống của mình chưa – tài chính, công việc, đời sống cầu nguyện, bạn bè và gia đình của bạn. Theo kinh nghiệm của tôi, đây là một công việc cả đời.

Thánh Phao-lô viết rằng bạn cần phải bắt phục mọi tư tưởng, khiến chúng vâng phục Chúa (2 Cô-rinh-tô 10:5). Trong một số lĩnh vực, bạn có thể chiến thắng ngay. Nhưng cũng có những lĩnh vực bạn cần tranh chiến mỗi ngày. Bạn cần phải đánh đuổi những sự tấn công, đồn lũy hay sự chống đối nhỏ nhất.

Như Y-sơ-ra-ên đã nhận lãnh thổ như một món quà từ Chúa (Giô-suê 18:3), thì bạn và tôi cũng đã nhận được trong Chúa Giê-xu mọi phước lành thuộc linh (Ê-phê-sô 1:3). Câu hỏi đặt ra là: “Bạn sẽ còn chờ đợi bao lâu nữa trước khi bắt đầu chiếm lấy” những món quà này? (Giô-suê 18:3).

Cầu nguyện

Lạy Chúa, cảm ơn Chúa vì Ngài đã chúc phước cho con trong Đấng Christ với mọi phước lành thuộc linh. Hôm nay xin giúp con chiếm hữu những gì đã là của con bởi đức tin nơi Chúa Giê-xu.

Pippa chia sẻ

Giăng 1:48

'Na-tha-na-ên thưa: “Làm thế nào Thầy biết tôi?” Đức Chúa Jêsus đáp: “Trước khi Phi-líp gọi ngươi, Ta đã thấy ngươi ở dưới cây vả.'

Chúa Giê-su nhìn thấy bạn cho dù bạn ở đâu và đang làm gì. Chúa biết bạn!

reader

App

Tải xuống ứng dụng Kinh Thánh Trong Một Năm dành cho thiết bị iOS hoặc Android và đọc theo mỗi ngày.

reader

Email

Đăng ký ngay bây giờ để nhận Kinh thánh trong một năm trong hộp thư đến của bạn mỗi sáng. Bạn sẽ nhận được một email mỗi ngày.

reader

Website

Bắt đầu đọc sự tận tâm của ngày hôm nay ngay tại đây trên trang web BiOY.

Read now
reader

Book

Kinh thánh trong một năm bình luận có sẵn như là một cuốn sách.

Tham khảo

William Temple, Readings in St. John’s Gospel, (MacMillan, 1952).

Trừ khi có quy định khác, các trích dẫn Kinh thánh được lấy từ Kinh thánh, Phiên bản quốc tế mới được Anh hóa, Bản quyền © 1979, 1984, 2011 Biblica, trước đây là Hiệp hội Kinh thánh Quốc tế. Được sử dụng dưới sự cho phép của Hodder & Stoughton Publishers, một công ty của Hachette UK. Đã đăng ký Bản quyền. 'NIV' là nhãn hiệu đã đăng ký của Biblica. Nhãn hiệu Vương quốc Anh số 1448790.

Thánh Kinh được đánh dấu (MSG) lấy từ The Message. Bản quyền © 1993, 1994, 1995, 1996, 2000, 2001, 2002. Được sử dụng dưới sự cho phép của NavPress Publishing Group.

This website stores data such as cookies to enable necessary site functionality and analytics. Find out more