Ngày 123

Nên Đối Chất Như Thế Nào?

Khôn ngoan Thi Thiên 55:1-11
Tân ước Giăng 3:1-21
Cựu Ước Giô-suê 21:20-22:34

Giới thiệu

Tôi thấy sự đối chất không phải là điều dễ dàng. Nó là một hoạt động cần sự tinh tế. Quan trọng là chúng ta cần tìm ra cách tiếp cận phù hợp, từ ngữ phù hợp. Hoặc, ví dụ như một phép loại suy chơi gôn, nó giống như kỹ năng biết nên sử dụng loại gậy nào.

Những người có kỹ năng đối chất có rất nhiều cách tiếp cận và ngôn từ, đồng thời biết khi nào và làm thế nào để sử dụng cách thích hợp.

Đối chất không phải lúc nào cũng là con đường đúng. Không phải mọi nhà phê bình đều phải được kiểm chứng. Không phải mọi tuyên bố sai đều cần phải được bác bỏ.

Tôi vô cùng ngưỡng mộ kỹ năng của những người biết khi nào nên đối chất và đối chất trong tình yêu thương. Họ đã học cách nói ra lẽ thật trong tình yêu thương (Ê-phê-sô 4:15).

Khi sự đối chất là cần thiết, bạn nên thực hiện nó như thế nào?

Khôn ngoan

Thi Thiên 55:1-11

Cầu xin Chúa tiêu diệt bọn gian tà

Huấn ca của Đa-vít, sáng tác cho nhạc trưởng, dùng nhạc cụ bằng dây.

1 Lạy Đức Chúa Trời, xin lắng nghe lời con cầu nguyện,
   Đừng ẩn mặt trước lời nài khẩn của con.
  2 Xin lắng nghe và đáp lời con;
   Con bối rối, thở than và quẫn trí.
  3 Vì tiếng la hét của kẻ thù
  Và sự áp bức của kẻ ác.
Vì chúng đem tai họa đến cho con,
   Và bắt bớ con cách giận dữ.

4 Lòng con đau đớn vô cùng,
   Sự kinh khiếp về cái chết đã bắt lấy con.
5 Nỗi sợ hãi và run rẩy đã giáng trên con,
   Sự hoảng hốt đã phủ lấy con.
6 Con nói: “Ôi! Ước gì con có đôi cánh như bồ câu,
   Chắc con sẽ bay đi để được ở yên lặng!
7Phải, con sẽ trốn đi xa
   Và ở trong hoang mạc. (Sê-la)
8 Con sẽ vội vàng tìm nơi trú ẩn
   Tránh xa cơn bão tố, phong ba.”

9 Lạy Chúa, xin nuốt chúng đi, làm lộn xộn tiếng nói của chúng,
   Vì con thấy bạo lực và tranh chấp trong thành.
10 Ngày và đêm chúng đi rảo quanh trên vách thành;
   Tội ác và bạo loạn ở trong thành phố.
11 Sự hủy diệt cũng đang ở giữa thành;
   Áp bức và lường gạt hoành hành khắp đường phố.

Bình luận

Tranh chiến với cái ác bằng lời cầu nguyện

Bạn chỉ cần bật TV lên hoặc đọc một tờ báo để biết về các cuộc tấn công khủng bố diễn ra ở các thành phố trên khắp thế giới, tin tức về bạo lực và giết người liên quan đến băng đảng, và bây giờ là sự tàn bạo của chiến tranh giết chết hàng ngàn người và di tản hàng triệu thường dân vô tội ở Ukraine.

Đa-vít cũng phải đối mặt với những thế lực hung ác và phá hoại đang hoành hành trong thành (c.9b,11a).

Khi Đa-vít đối mặt với ‘kẻ thù’ của mình lúc chúng ‘tức giận’ la hét, bắt bớ ông (c.3), ông nói: ‘Con nói: “Ôi! Ước gì con có đôi cánh như bồ câu, Chắc con sẽ bay đi để được ở yên lặng! Phải, con sẽ trốn đi xa Và ở trong hoang mạc. (Sê-la) Con sẽ vội vàng tìm nơi trú ẩn tránh xa cơn bão tố, phong ba.” (c.6–8).

Chủ nghĩa trốn chạy/ Khuynh hướng thoát ly thực tế là một sự cám dỗ - để né tránh giải quyết vấn đề. Nhưng cái ác thì cần phải xử lý. Đừng bỏ chạy. Đừng bị choáng ngợp. Hãy làm những gì bạn có thể làm. Bạn có thể làm nên điều khác biệt. Như Thánh Phao-lô viết, “Đừng để điều ác thắng mình, nhưng hãy lấy điều thiện thắng điều ác.” (Rô ma 12:21).

Phản ứng của Đa-vít đối với bạo lực và sự hủy diệt là cầu xin Đức Chúa Trời can thiệp. Ông cầu nguyện: ‘Lạy Chúa, xin nuốt chúng đi, làm lộn xộn tiếng nói của chúng, Vì con thấy bạo lực và tranh chấp trong thành.’ (Thi Thiên 55:9). Cầu nguyện là một phần quan trọng trong phản ứng của chúng ta trước “các thế lực hủy diệt” (c.11).

Cầu nguyện và hành động đi đôi với nhau. Ngay cả khi bạn không thể làm gì về thể chất, bạn luôn có thể cầu nguyện. Đức Chúa Trời hành động đáp lại lời cầu nguyện của bạn.

Cầu nguyện

'Lạy Đức Chúa Trời, xin lắng nghe lời con cầu nguyện, Đừng ẩn mặt trước lời nài khẩn của con.' (c.1) Xin giúp con không bị điều ác khuất phục nhưng biết chiến thắng điều ác bằng điều thiện.

Tân ước

Giăng 3:1-21

Đức Chúa Jêsus và Ni-cô-đem

1 Trong số những người Pha-ri-si, có một người tên là Ni-cô-đem, một nhà lãnh đạo của dân Do Thái. 2 Ban đêm, ông đến với Đức Chúa Jêsus và nói: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là giáo sư từ Đức Chúa Trời đến. Nếu Đức Chúa Trời không ở cùng thì không ai làm được những dấu lạ mà Thầy đã làm.”

3 Đức Chúa Jêsus đáp: “Thật, Ta bảo thật ngươi, nếu một người không được sinh lại, thì không thể thấy vương quốc Đức Chúa Trời.”

4 Ni-cô-đem thưa rằng: “Người đã già thì sinh lại làm sao được? Có thể nào trở vào lòng mẹ và sinh ra lần thứ hai sao?”

5 Đức Chúa Jêsus đáp: “Thật, Ta bảo thật ngươi: Nếu một người không nhờ nước và Thánh Linh mà sinh ra thì không thể vào vương quốc Đức Chúa Trời. 6 Điều gì do xác thịt sinh ra là xác thịt, điều gì bởi Thánh Linh sinh ra là linh. 7 Đừng ngạc nhiên về điều Ta đã nói với ngươi: ‘Các ngươi phải sinh lại.’ 8 Gió muốn thổi đâu thì thổi, ngươi nghe tiếng gió, nhưng không biết gió đến từ đâu và đi đâu. Người nào sinh bởi Thánh Linh thì cũng như vậy.”

9 Ni-cô-đem ại nói: “Làm thế nào điều ấy có thể xảy ra được?”

10 Đức Chúa Jêsus đáp: “Ngươi là giáo sư của dân Y-sơ-ra-ên mà không hiểu điều nầy sao? 11 Thật, Ta bảo thật ngươi: Chúng ta nói điều mình biết, làm chứng điều mình đã thấy, nhưng các ngươi không chấp nhận lời chứng của chúng ta. 12 Nếu Ta nói với các ngươi những điều thuộc về đất mà các ngươi còn không tin, huống chi Ta nói những điều thuộc về trời thì làm sao các ngươi tin được? 13 Chưa từng có ai lên trời, trừ ra Đấng từ trời xuống, là Con Người. 14 Như Môi-se treo con rắn lên trong hoang mạc thể nào thì Con Người cũng phải bị treo lên thể ấy, 15 để ai tin đến Ngài đều được sự sống đời đời.

16 Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời. 17 Vì Đức Chúa Trời đã sai Con Ngài đến thế gian không phải để kết án thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con mà được cứu. 18 Ai tin Con thì không bị kết án đâu, còn ai không tin thì đã bị kết án rồi, vì không tin đến danh Con Một của Đức Chúa Trời. 19 Sự kết án đó là như thế nầy: Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng loài người ưa thích bóng tối hơn ánh sáng, vì việc làm của họ là xấu xa. 20 Vì ai làm ác thì ghét ánh sáng và không đến với ánh sáng, e rằng công việc của mình phải bị phơi bày. 21 Nhưng ai làm theo chân lý thì đến với ánh sáng để các việc mình làm trong Đức Chúa Trời được thấy rõ.”

Bình luận

Đối chất với mọi người một cách yêu thương

Đối chất với những người ở thế yếu là điều tương đối dễ dàng và đôi khi là hèn nhát. Đối chất với những người quyền lực hơn chúng ta, khi họ hơn chúng ta về công việc, địa vị hoặc sự giàu có, cần rất nhiều sự can đảm.

Chúa Giê-su là bậc thầy trong sự đối chất. Ngài không bao giờ trốn tránh nó. Mặt khác, Ngài không bao giờ hành động vì bất kỳ động cơ nào ngoài tình yêu.

Ni-cô-đem là một người rất mạnh mẽ; một người Pha-ri-si đạo đức và ngay thẳng và là ‘thành viên của hội đồng cai trị Do Thái’ (c.1). Chúa Giê-su rất chắc chắn trong vị trí của mình. Ngài âu yếm đối chất với Ni-cô-đem về nhu cầu được ‘tái sinh’ của ông (c.3) – nhu cầu được bắt đầu lại, bỏ lại đằng sau những tổn thương, thói quen và lề lối cũ trong quá khứ. Sứ điệp của Chúa Giê-su nói về sự biến đổi.

Ni-cô-đem cần được tái sinh bởi nước và Thánh Linh (c.5). Việc thanh tẩy bên ngoài phải đi kèm với sự ngự trị bên trong của Đức Thánh Linh.

Bây giờ chúng ta không nhìn thấy Chúa bằng mắt. Nhưng chúng ta thấy bằng chứng về Chúa. Giống như gió, chúng ta không thể nhìn thấy nó nhưng chúng ta có thể thấy tác động của nó trên cây và lá – ‘cái vô hình di chuyển cái hữu hình’ (c.5).

Tương tự như vậy, Chúa Giê-su nói rằng bạn không thể nhìn thấy Chúa Thánh Linh nhưng bạn có thể thấy tác động của Ngài trên cuộc sống của mọi người: 'Điều gì do xác thịt sinh ra là xác thịt, điều gì bởi Thánh Linh sinh ra là linh.' (v .6).

Chúa Giê-su thử thách Ni-cô-đem một cách yêu thương về niềm tin của ông. Dùng hình ảnh con rắn trong sa mạc (từ Dân số ký 21), Chúa Giê-su tiên báo rằng chính Người sẽ bị treo trên thập giá để "ai tin Ngài đều được sự sống đời đời” (c.15).

'Tin' có nghĩa là 'tin tưởng'. Mỗi khi bước vào một mối quan hệ, chúng ta đều mạo hiểm. Mọi mối quan hệ đều cần sự tin tưởng. Sự tin tưởng trong một mối quan hệ năng động sẽ phát triển và lâu dài.

Chúa Giê-su dạy về tình yêu của Đức Chúa Trời. Từ Hy Lạp được sử dụng cho “tình yêu” trong câu 16, agape, xuất hiện bốn mươi bốn lần trong Phúc Âm Giăng. Câu này tóm tắt Tin Lành Giăng và thực ra là toàn bộ Tân Ước: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời. "(c.16).

Có một Đức Chúa Trời và tình yêu của Ngài đủ rộng để bao trùm tất cả nhân loại không kể bất cứ điều gì. Đó không phải là một tình yêu mơ hồ hay nhất thời. Tình yêu của Đức Chúa Trời vô cùng mãnh liệt, được thể hiện qua việc Ngài sẵn sàng hy sinh con một của mình cho bạn và tôi.

Thế giới đang ở trong một mớ hỗn độn. Người ta thường hỏi: “Tại sao Đức Chúa Trời không làm điều gì đó?”. Câu trả lời là Ngài có. Ngài đến trong thân xác của Con Ngài, Chúa Giê-su, để chết trên thập tự giá và phục sinh vì bạn. Chúa Giê-su thấu hiểu sự chịu khổ. Ngài đau khổ vì chúng ta và Ngài đau khổ cùng với chúng ta.

Nhiều người đã không còn tin vào cuộc sống sau khi chết. Nhưng Chúa Giê-su hứa rằng chúng ta sẽ ‘có sự sống đời đời và thực sự sống đời đời!’ (c.15). Cuộc sống này không phải là kết thúc. Có hy vọng bên kia nấm mồ. Chúa Giê-su ban cho bạn sự sống đời đời.

Có một sự khác biệt lớn giữa đối chất và kết tội. Chúa Giê-su chất vấn người ta, nhưng ngài không lên án họ. Chúa Giê-su không đến để kết án bạn nhưng để cứu bạn khỏi sự kết án (c.17-18). Giống như Chúa Giê-su, bạn và tôi cần mang đến một thông điệp – không phải là sự lên án, mà là tin mừng về sự cứu rỗi. Cứu có nghĩa là kéo một người ra khỏi nguy hiểm, giải thoát, mở cửa ngục, chữa lành, làm lành lại.

Tiếp theo, Chúa Giê-su nói về cách ánh sáng vạch trần và đối chất với bóng tối (c.19-21). Chúa Giê-su dường như đang gợi ý rằng lý do khiến một số người từ chối Ngài là vì ‘việc làm của họ xấu xa’ (c.19). Chúng ta không muốn bước ra ánh sáng vì chúng ta không muốn từ bỏ những điều mà chúng ta biết là sai.

Chúng ta không muốn mọi người nhìn thấy những vùng tối trong chúng ta. Chúng ta che giấu tất cả bóng tối bên trong chúng ta đằng sau lòng tốt nhìn thấy được của chúng ta. Tội lỗi ghét ánh sáng. Khi chúng ta phạm tội, chúng ta muốn trốn tránh ánh sáng của Chúa Giê-su. Chúng ta không muốn những việc làm xấu xa của mình bị phơi bày. Nhưng Chúa Giê-su đã đến để đối chất với bóng tối. Chúng ta có thể sợ hãi hoặc xấu hổ. Điều này có thể cực kỳ khó khăn cho chúng ta. Nhưng chúng ta cũng phải đương đầu với bóng tối trong cuộc sống của mình và tìm cách sống trong ánh sáng của Đấng Christ – Đấng yêu thương bạn vì chính con người bạn.

Martin Luther King đã nói, ‘Bóng tối không thể xua tan bóng tối; chỉ có ánh sáng mới làm được điều đó. Hận thù không thể xua đuổi hận thù; chỉ có tình yêu mới làm được điều đó.’

Cầu nguyện

Lạy Chúa, cảm tạ Chúa vì tấm gương của Chúa Giê-su. Xin giúp con sống trong ánh sáng và can đảm nói lên sự thật trong tình yêu.

Cựu Ước

Giô-suê 21:20-22:34

20 Những người Lê-vi thuộc các gia tộc khác của Kê-hát nhận được các thành thuộc bộ tộc Ép-ra-im làm sản nghiệp.

21 Người ta cấp cho họ thành Si-chem là nơi trú ẩn cho kẻ ngộ sát, ở trên núi Ép-ra-im, và các đồng cỏ chung quanh; thành Ghê-xe và các đồng cỏ chung quanh; 22 thành Kíp-sa-im và các đồng cỏ chung quanh; thành Bết Hô-rôn và các đồng cỏ chung quanh. Tất cả là bốn thành.

23 Người ta lấy các thành từ bộ tộc Đan mà cấp cho họ: đó là thành Ên-the-kê và các đồng cỏ chung quanh; thành Ghi-bê-thôn và các đồng cỏ chung quanh; 24 thành A-gia-lôn và các đồng cỏ chung quanh; thành Gát-rim-môn và các đồng cỏ chung quanh. Tất cả là bốn thành.

25 Người ta cũng lấy các thành từ phân nửa bộ tộc Ma-na-se: đó là thành Tha-a-nác và các đồng cỏ chung quanh; thành Gát Rim-môn và các đồng cỏ chung quanh.

26 Tổng cộng là mười thành và các đồng cỏ chung quanh được cấp cho những gia tộc còn lại thuộc dòng Kê-hát.   27 Người ta cũng lấy các thành từ phân nửa bộ tộc Ma-na-se. Đó là thành Gô-lan ở xứ Ba-san, là thành trú ẩn cho kẻ ngộ sát mà cấp cho con cháu Ghẹt-sôn thuộc về gia tộc Lê-vi, cùng các đồng cỏ chung quanh thành; Bết-ê-ra cùng các đồng cỏ chung quanh. Tất cả là bốn thành.

28 Người ta cũng lấy các thành bộ tộc Y-sa-ca,

đó là thành Ki-si-ôn và các đồng cỏ chung quanh; Đáp-bê-rát và các đồng cỏ chung quanh; 29 thành Giạt-mút và các đồng cỏ chung quanh; Ên Ga-nim và các đồng cỏ chung quanh. Tất cả là bốn thành.

30 Người ta cũng lấy các thành thuộc bộ tộc A-se,

đó là Mi-sê-anh và các đồng cỏ chung quanh; Áp-đôn và các đồng cỏ chung quanh; 31 thành Hên-cát và các đồng cỏ chung quanh; thành Rê-hốp và các đồng cỏ chung quanh. Tất cả là bốn thành.

32 Người ta cũng lấy các thành từ bộ tộc Nép-ta-li,

đó là thành Kê-đe ở Ga-li-lê, là thành trú ẩn cho kẻ ngộ sát và các đồng cỏ chung quanh; thành Ha-mốt Đô-rơ và các đồng cỏ chung quanh; thành Cạt-than và các đồng cỏ chung quanh. Tất cả là ba thành.

33 Tổng cộng các thành của người Ghẹt-sôn, theo từng gia tộc, là mười ba thành với các đồng cỏ chung quanh.   34 Người ta cũng lấy các thành từ bộ tộc Sa-bu-lôn

mà cấp cho những gia tộc Mê-ra-ri, tức là những người Lê-vi còn lại. Đó là thành Giốc-nê-am và các đồng cỏ chung quanh; thành Cạt-ta và các đồng cỏ chung quanh; 35 Thành Đim-na và các đồng cỏ chung quanh; thành Na-ha-la và các đồng cỏ chung quanh. Tất cả là bốn thành.

36 Người ta cũng lấy từ bộ tộc Ru-bên các thành,

đó là thành Bết-se và các đồng cỏ chung quanh; thành Giát-sa và các đồng cỏ chung quanh; 37 thành Kê-đê-mốt và các đồng cỏ chung quanh; thành Mê-phát và các đồng cỏ chung quanh. Tất cả là bốn thành.

38 Người ta cũng lấy từ bộ tộc Gát các thành,

đó là Ra-mốt ở xứ Ga-la-át, là thành trú ẩn cho kẻ ngộ sát, và các đồng cỏ chung quanh; thành Ma-ha-na-im và các đồng cỏ chung quanh; 39 thành Hết-bôn và các đồng cỏ chung quanh; thành Gia-ê-xe và các đồng cỏ chung quanh. Tất cả là bốn thành.

40 Tổng cộng các thành cấp cho các gia tộc Mê-ra-ri, tức là phần còn lại của các gia tộc thuộc Lê-vi, là mười hai thành.

41 Tổng cộng các thành của người Lê-vi ở giữa sản nghiệp dân Y-sơ-ra-ên là bốn mươi tám thành cùng các đồng cỏ chung quanh. 42 Mỗi thành ấy đều có các đồng cỏ chung quanh và tất cả thành ấy đều giống như vậy.   43 Như vậy, Đức Giê-hô-va ban cho Y-sơ-ra-ên cả xứ mà Ngài đã thề hứa với tổ phụ họ. Họ chiếm hữu và định cư ở đó. 44 Đức Giê-hô-va ban cho bốn phía đều được yên ổn, đúng như Ngài đã thề với tổ phụ họ, không một kẻ thù nào đứng nổi trước mặt họ. Đức Giê-hô-va phó tất cả kẻ thù vào tay họ. 45 Trong mọi lời hứa tốt lành mà Đức Giê-hô-va đã ban cho nhà Y-sơ-ra-ên, chẳng có một lời nào là vô hiệu. Tất cả đều được ứng nghiệm.

Bộ tộc Ru-bên, Gát và Ma-na-se trở về bên kia sông Giô-đanh

22 1 Bấy giờ, Giô-suê triệu tập người Ru-bên, người Gát, và phân nửa bộ tộc Ma-na-se 2 mà nói rằng: “Anh em đã tuân giữ mọi điều Môi-se, đầy tớ của Đức Giê-hô-va, truyền cho anh em, và vâng theo mọi điều tôi truyền bảo. 3 Trải qua một thời gian dài cho đến hôm nay, anh em đã không bỏ rơi anh em mình nhưng đã làm tròn bổn phận, theo mệnh lệnh của Giê-hô-va Đức Chúa Trời của anh em. 4 Bây giờ, Giê-hô-va Đức Chúa Trời của anh em đã cho các anh em của anh em được nghỉ ngơi đúng như lời Ngài đã hứa. Vậy hãy trở về nhà trong vùng đất thuộc về anh em mà Môi-se, đầy tớ của Đức Giê-hô-va, đã ban cho anh em ở bên kia sông Giô-đanh. 5 Nhưng phải cẩn thận làm theo điều răn và luật pháp mà Môi-se, đầy tớ của Đức Giê-hô-va, đã truyền cho anh em, tức là kính yêu Giê-hô-va Đức Chúa Trời của anh em, đi theo đường lối Ngài, tuân giữ các điều răn Ngài, gắn bó với Ngài, và hết lòng, hết linh hồn mà phục vụ Ngài.”

6 Rồi Giô-suê chúc phước cho họ và cho họ về. Tất cả đều trở về trại mình. 7 Môi-se đã cấp sản nghiệp cho phân nửa bộ tộc Ma-na-se tại Ba-san; còn Giô-suê cấp sản nghiệp cho phân nửa còn lại chung với anh em mình ở bên nầy sông Giô-đanh, về phía tây. Khi Giô-suê cho họ trở về nhà, ông chúc phước cho họ 8 và nói rằng: “Anh em trở về với nhiều của cải, nhiều súc vật, cùng vàng, bạc, đồng, sắt, và quần áo dư dật. Hãy chia sẻ chiến lợi phẩm lấy được của kẻ thù cho các anh em mình.”   9 Vậy, người Ru-bên, người Gát, và phân nửa bộ tộc Ma-na-se từ biệt dân Y-sơ-ra-ên tại Si-lô trong đất Ca-na-an, để trở về Ga-la-át, là phần đất mà họ đã chiếm hữu theo mệnh lệnh của Đức Giê-hô-va truyền phán qua Môi-se. Lập bàn thờ bên bờ sông Giô-đanh   10 Khi đã đến trong địa phận Giô-đanh thuộc vùng đất Ca-na-an, thì người Ru-bên, người Gát, và phân nửa bộ tộc Ma-na-se lập tại đó một bàn thờ rất lớn bên bờ sông Giô-đanh. 11 Khi dân Y-sơ-ra-ên nghe tin người Ru-bên, người Gát, và phân nửa bộ tộc Ma-na-se đã lập một bàn thờ trong địa phận Giô-đanh thuộc đất Ca-na-an, đối diện với dân Y-sơ-ra-ên 12 thì cả hội chúng Y-sơ-ra-ên họp lại tại Si-lô, để tiến đánh họ.

13 Dân Y-sơ-ra-ên sai Phi-nê-a, con trai thầy tế lễ Ê-lê-a-sa, đến với người Ru-bên, người Gát, và phân nửa bộ tộc Ma-na-se tại đất Ga-la-át. 14 Cùng đi với ông có mười thủ lĩnh, mỗi bộ tộc Y-sơ-ra-ên một người. Mỗi người trong họ cai trị hàng nghìn người Y-sơ-ra-ên. 15 Họ đến với người Ru-bên, người Gát, và phân nửa bộ tộc Ma-na-se trong đất Ga-la-át và nói: 16 “Toàn thể hội chúng của Đức Giê-hô-va nói: ‘Tại sao anh em lại phạm tội bất trung với Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên như thế? Tại sao ngày nay anh em từ bỏ Đức Giê-hô-va mà lập một bàn thờ để phản nghịch Ngài? 17 Tội lỗi của chúng ta tại Phê-ô đã gây tai họa cho cả hội chúng của Đức Giê-hô-va và cho đến bây giờ chúng ta vẫn chưa rửa sạch được. Phạm tội như thế vẫn chưa đủ sao? 18 Thế mà ngày nay anh em lại từ bỏ Đức Giê-hô-va sao?

Nếu hôm nay anh em nổi loạn chống lại Đức Giê-hô-va thì ngày mai chắc Ngài sẽ nổi giận với cả hội chúng Y-sơ-ra-ên. 19 Nếu đất anh em chiếm hữu bị ô uế thì hãy đi qua phần đất thuộc sản nghiệp của Đức Giê-hô-va, là nơi đền tạm của Đức Giê-hô-va được thiết lập để nhận phần đất ở giữa chúng tôi. Nhưng chớ nổi loạn chống lại Đức Giê-hô-va hoặc chống lại chúng tôi, mà tự xây cho mình một bàn thờ ngoài bàn thờ của Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta. 20 Chẳng phải A-can, con trai Xê-rách đã phạm tội bất trung về vật đáng bị hủy diệt mà cơn thịnh nộ của Đức Giê-hô-va đã nổi lên với cả hội chúng Y-sơ-ra-ên sao? Và không phải một mình người ấy chết vì tội mình thôi đâu!’”

21 Bấy giờ, người Ru-bên, người Gát, và phân nửa bộ tộc Ma-na-se trả lời với các trưởng gia tộc của hàng nghìn người Y-sơ-ra-ên rằng: 22 “Giê-hô-va, Thần của các thần! Giê-hô-va, Thần của các thần! Ngài biết điều đó và Y-sơ-ra-ên cũng sẽ biết điều đó! Nếu đây là sự nổi loạn hay bất trung với Đức Giê-hô-va, thì ngày nay đừng dung thứ chúng tôi! 23 Nếu chúng tôi có lập một bàn thờ để lìa bỏ Đức Giê-hô-va, hoặc để dâng tế lễ thiêu, tế lễ chay, và tế lễ bình an tại đó, nguyện chính Đức Giê-hô-va hạch tội chúng tôi!

24 Chúng tôi lập bàn thờ nầy, vì chúng tôi sợ con cháu của anh em một mai nói với con cháu chúng tôi rằng: ‘Các người đâu có liên hệ gì với Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên? 25 Hỡi con cháu Ru-bên, con cháu Gát, Đức Giê-hô-va đã đặt sông Giô-đanh làm ranh giới giữa chúng tôi và các người, các người chẳng có phần gì nơi Đức Giê-hô-va!’ Như vậy con cháu của anh em sẽ làm cho con cháu chúng tôi không tiếp tục kính sợ Đức Giê-hô-va nữa.

26 Vì thế, chúng tôi có nói rằng chúng ta sẽ lập một bàn thờ, chẳng phải để dâng tế lễ thiêu hay là dâng sinh tế, 27 nhưng để làm chứng giữa chúng tôi và anh em cùng các thế hệ sau chúng tôi rằng chúng tôi có dâng tế lễ thiêu, các sinh tế và tế lễ bình an mà thờ phượng Đức Giê-hô-va trước mặt Ngài. Như thế, về sau con cháu anh em không nói với con cháu chúng tôi rằng: ‘Các người không có phần gì nơi Đức Giê-hô-va!’

28 Chúng tôi cũng nói rằng khi nào họ nói điều đó với chúng tôi hay nói với các thế hệ sau chúng tôi, thì chúng tôi sẽ trả lời: ‘Hãy xem kiểu mẫu bàn thờ Đức Giê-hô-va mà tổ phụ chúng tôi đã lập, không phải dùng cho tế lễ thiêu hay là dâng sinh tế, nhưng để làm chứng giữa chúng tôi và các người!’

29 Chúng tôi ngày nay không hề có ý nổi loạn chống lại Đức Giê-hô-va và lìa bỏ Ngài, mà lập một bàn thờ khác hơn bàn thờ của Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta trước mặt đền tạm để dâng tế lễ thiêu, tế lễ chay và sinh tế.”

30 Khi thầy tế lễ Phi-nê-a và các nhà lãnh đạo hội chúng, tức là các thủ lĩnh của hàng nghìn người Y-sơ-ra-ên đi theo ông, nghe những lời của người Ru-bên, người Gát, và phân nửa bộ tộc Ma-na-se nói, thì họ đều lấy làm hài lòng. 31 Phi-nê-a, con trai thầy tế lễ Ê-lê-a-sa, nói với người Ru-bên, người Gát, và người Ma-na-se rằng: “Ngày nay chúng tôi nhận biết rằng Đức Giê-hô-va ngự giữa chúng ta, vì anh em không phạm tội bất trung với Đức Giê-hô-va, và như vậy anh em đã giải cứu dân Y-sơ-ra-ên khỏi tay Đức Giê-hô-va.”   32 Phi-nê-a, con trai thầy tế lễ Ê-lê-a-sa, và những người lãnh đạo từ giã người Ru-bên, người Gát ở đất Ga-la-át, trở về với dân Y-sơ-ra-ên ở đất Ca-na-an và thuật lại cho họ điều đã xảy ra. 33 Nghe lời tường trình, dân Y-sơ-ra-ên hài lòng. Họ ngợi ca Đức Chúa Trời và không còn ý định tiến đánh người Ru-bên và người Gát để hủy diệt vùng đất họ định cư nữa.

34 Vậy người Ru-bên và người Gát đặt tên bàn thờ là Ết, vì họ nói “Bàn thờ nầy làm chứng giữa chúng ta rằng Giê-hô-va là Đức Chúa Trời.”

Bình luận

Đối chất với sự chống đối cách khôn ngoan

Nhiều xung đột có thể tránh được nếu mọi người nói chuyện với nhau, thay vì chỉ nói về nhau.

Do có sự hiểu lầm, phần còn lại của Y-sơ-ra-ên nhìn hai chi phái rưỡi (người Ru-bên, người Gát và nửa chi phái Ma-na-se) và nghĩ rằng họ đang làm điều sai trái và không vâng lời Đức Chúa Trời (22:12). .

Tuy nhiên, thay vì gây chiến ngay lập tức, họ đủ khôn ngoan để đối đầu và thách thức chúng bằng lời nói. Một khi họ đã làm điều đó, rõ ràng là nỗi sợ hãi của họ là vô căn cứ.

Họ đã đúng khi quyết định đối chất thay vì bỏ qua việc những gì mà một bộ phận của cơ thể có thể làm ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể. Họ không thể chỉ nói: “Họ muốn làm gì tùy họ”.

Khi hai bộ tộc rưỡi được yêu cầu giải trình, họ đưa ra lời giải thích: ‘Chúng tôi làm vậy vì chúng tôi sợ’ (c.24). Họ muốn đảm bảo con cái họ giữ vững đức tin.

Lời giải thích thật thỏa đáng đến nỗi người Y-sơ-ra-ên đáp: ‘Ngày nay chúng tôi nhận biết rằng Đức Giê-hô-va ngự giữa chúng ta, vì anh em không phạm tội bất trung với Đức Giê-hô-va’ (c.31).

Đây là một trong những dịp nên tổ chức một buổi họp lại (c.32–33). Sau cuộc họp họ ‘không còn ý định tiến đánh’ nữa (c.33).

Hãy cẩn thận để không vội vàng kết luận sai về các Cơ đốc nhân khác và các hội thánh khác. Đừng tấn công họ bằng lời nói sau lưng họ. Nếu cần thì thu xếp gặp mặt, đối chất và nghe giải thích. Nếu tất cả chúng ta làm điều này, chúng ta sẽ tránh được nhiều sự chia rẽ và ác cảm không đáng có.

Trong trường hợp này, khi nghe lời giải thích, thay vì hoài nghi hay yếm thế, họ chấp nhận và ‘ngợi khen Đức Chúa Trời’ (c.33). Khi hiểu sai về ai đó, hãy rộng lượng nhận lỗi về mình. Phải là một người 'lớn' mới thừa nhận rằng họ đã sai.

Cầu nguyện

Lạy Chúa, xin ban cho con sự khôn ngoan để biết khi nào thì cần gặp gỡ, đối chất và nghe những lời giải thích. Xin giúp chúng con tránh những chia rẽ và mất đoàn kết không cần thiết. Giúp con học cách đối chất trong tình yêu thương.

Pippa chia sẻ

Trong Thi Thiên 55:9-10 có nói:

‘con thấy bạo lực và tranh chấp trong thành. Ngày và đêm chúng đi rảo quanh...Tội ác và bạo loạn ở trong thành phố..’

Những vấn đề này còn diễn ra ở rất nhiều thành phố ngày nay. Chúng ta cần tiếp tục cầu nguyện và làm việc để thúc đẩy vương quốc của Đức Chúa Trời.

reader

App

Tải xuống ứng dụng Kinh Thánh Trong Một Năm dành cho thiết bị iOS hoặc Android và đọc theo mỗi ngày.

reader

Email

Đăng ký ngay bây giờ để nhận Kinh thánh trong một năm trong hộp thư đến của bạn mỗi sáng. Bạn sẽ nhận được một email mỗi ngày.

reader

Website

Bắt đầu đọc sự tận tâm của ngày hôm nay ngay tại đây trên trang web BiOY.

Read now
reader

Book

Kinh thánh trong một năm bình luận có sẵn như là một cuốn sách.

Tham khảo

James Washington (ed), A Testament of Hope: The Essential Writings and Speeches of Martin Luther King, Jr., (Harper One, 2003).

Trừ khi có quy định khác, các trích dẫn Kinh thánh được lấy từ Kinh thánh, Phiên bản quốc tế mới được Anh hóa, Bản quyền © 1979, 1984, 2011 Biblica, trước đây là Hiệp hội Kinh thánh Quốc tế. Được sử dụng dưới sự cho phép của Hodder & Stoughton Publishers, một công ty của Hachette UK. Đã đăng ký Bản quyền. 'NIV' là nhãn hiệu đã đăng ký của Biblica. Nhãn hiệu Vương quốc Anh số 1448790.

Thánh Kinh được đánh dấu (MSG) lấy từ The Message. Bản quyền © 1993, 1994, 1995, 1996, 2000, 2001, 2002. Được sử dụng dưới sự cho phép của NavPress Publishing Group.

This website stores data such as cookies to enable necessary site functionality and analytics. Find out more