Âm thanh của Thiên đàng
Giới thiệu
Bạn có bao giờ để ý rằng Kinh Thánh là một cuốn sách rất huyên náo không? Sự khôn ngoan kêu to (Châm ngôn 8); việc lớn tiếng ca hát được khuyến khích (Thi Thiên 66:8); chập chõa dội tiếng ca ngợi (Thi Thiên 150); Đức Chúa Trời hô to (Ê-sai 42); tiếng của Ngài như tiếng nước lớn (Ê-xê-chi-ên 43); Chúa Giê-su cầu nguyện với tiếng khóc lớn và nài xin đầy nước mắt (Hê-bơ-rơ 5) và ngay cả tạo vật đều than thở (Rô-ma 8).
Vào ngày Lễ Ngũ Tuần, họ nghe thấy ‘tiếng như tiếng gió thổi ào ào’ ‘đến từ trời (Công vụ 2:2). Trong các phân đoạn Kinh Thánh hôm nay, chúng ta sẽ nghe những âm thanh hướng về thiên đàng và cả những âm thanh đến từ thiên đàng
Thi Thiên 69:29-36
29 Con bị khốn khổ và đau đớn;
Đức Chúa Trời ôi! Nguyện sự cứu rỗi của Chúa bảo vệ con.
30 Con sẽ hát bài ca chúc tụng danh Đức Chúa Trời;
Lấy sự cảm tạ mà tôn cao Ngài.
31 Điều ấy sẽ đẹp lòng Đức Giê-hô-va hơn tế lễ bằng bò đực,
Hoặc con bò đực có sừng và móng rẽ.
32 Những người khiêm nhường sẽ thấy điều đó và vui mừng;
Còn các ngươi là những người tìm kiếm Đức Chúa Trời, nguyện lòng các ngươi tràn đầy sức sống.
33 Vì Đức Giê-hô-va lắng nghe những người thiếu thốn,
Và không khinh dể con dân Ngài đang bị tù.
34 Nguyện trời, đất, biển
Và các loài sinh vật trong đó đều ca ngợi Ngài.
35 Vì Đức Chúa Trời sẽ cứu Si-ôn
Và xây lại các thành của Giu-đa.
Con dân Ngài sẽ sống ở đó và chiếm hữu nó.
36 Dòng dõi các đầy tớ Ngài sẽ thừa hưởng nó;
Và ai yêu mến danh Ngài sẽ ở tại nơi ấy.
Bình luận
Âm thanh của sự thờ phượng
Kinh Thánh rất thực tế. Có những lúc chúng ta ‘đau đớn và khốn khổ’ (c.29). Đa-vít không cố gắng phớt lờ những nan đề ông gặp phải. Ông vẫn chọn thờ phượng Đức Chúa Trời bất kể hoàn cảnh nào. Ngay cả trong nơi sâu thẳm, bạn vẫn có thể biết chắc Đức Chúa Trời là ai và tôn thờ Ngài.
Chương Thi Thiên này kết thúc bằng âm thanh của sự thờ phượng: "Con sẽ hát bài ca chúc tụng danh Đức Chúa Trời, lấy sự cảm tạ mà tôn cao Ngài... Nguyện trời, đất... ca ngợi Ngài" (c.30,34). Sự thờ phượng không chỉ diễn ra trên trái đất, mà còn ở trên trời. Khi bạn thờ phượng, bạn được hòa mình vào thanh âm của thiên đàng. Tại đây, chúng ta thấy ba khía cạnh của sự thờ phượng:
Sự thờ phượng cần có ý chí Đa-vít nói: "Con sẽ hát bài ca chúc tụng danh Đức Chúa Trời" (c.30). Có thể không phải lúc nào bạn cũng cảm thấy muốn thờ phượng Đức Chúa Trời nhưng đó là điều bạn cần phải quyết định; đó là hành động của ý chí.
Sự thờ phượng làm đẹp lòng Đức Chúa Trời "Điều ấy sẽ đẹp lòng Đức Giê-hô-va hơn tế lễ bằng bò đực hoặc con bò đực có sừng và móng rẽ" (c.31).
Sự thờ phượng có tác động đến người khác "Những người khiêm nhường sẽ thấy điều đó và vui mừng; còn các ngươi là những người tìm kiếm Đức Chúa Trời, nguyện lòng các ngươi tràn đầy sức sống" (c.32). Với những người 'tìm kiếm Đức Chúa Trời' ở khoá Alpha, tôi thấy họ thường được động chạm bởi sự thờ phượng, và kết quả là tấm lòng họ được "tràn đầy sức sống".
Cầu nguyện
Lạy Chúa, bất kể hoàn cảnh của con như thế nào, xin Chúa giúp con hát bài ca chúc tụng danh Chúa và lấy sự cảm tạ mà tôn cao Ngài.
Công Vụ Các Sứ Đồ 1:23-2:21
1 Các môn đồ cử ra hai người: Giô-sép tức là Ba-sa-ba, cũng gọi là Giúc-tu, và Ma-thia. 24 Rồi họ cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, Ngài là Đấng biết rõ lòng mọi người, xin tỏ ra cho chúng con biết trong hai người nầy, ai là người Chúa đã chọn 25 để thay thế nhiệm vụ và chức sứ đồ của Giu-đa, kẻ đã phản bội để đi đến nơi dành riêng cho nó.” 26 Họ bắt thăm trúng nhằm Ma-thia, và ông được bổ sung vào mười một sứ đồ.
Đức Thánh Linh giáng lâm
2 Đến ngày lễ Ngũ Tuần, các môn đồ nhóm họp tại một chỗ. 2 Thình lình, có tiếng động từ trời đến như tiếng gió thổi ào ào, đầy khắp nhà môn đồ ngồi. 3 Các môn đồ thấy những lưỡi như lưỡi lửa xuất hiện, tản ra và đậu trên mỗi người trong họ. 4 Tất cả đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh, bắt đầu nói các ngôn ngữ khác, theo như Thánh Linh cho họ nói.
5 Bấy giờ có những người Do Thái sùng đạo từ các dân trong thiên hạ về, đang lưu trú tại Giê-ru-sa-lem. 6 Khi nghe tiếng ấy, dân chúng kéo đến và sửng sốt vì mỗi người đều nghe các môn đồ nói tiếng bản xứ của mình. 7 Họ rất ngạc nhiên và hỏi nhau: “Tất cả những người đang nói đó không phải là người Ga-li-lê sao? 8 Vậy sao mỗi người chúng ta đều nghe họ nói tiếng bản xứ của mình? 9 Nào người Bạt-thê, Mê-đi, Ê-la-mít, kẻ ở tại Mê-sô-pô-ta-mi, Giu-đê, Cáp-pa-đốc, Pông, A-si-a, 10 Phi-ri-gi, Pam-phi-ly, Ai Cập, các vùng thuộc Li-by gần Sy-ren; nào du khách từ Rô-ma đến, 11 cả người Do Thái hoặc người theo đạo Do Thái, người Cơ-rết và Ả-rập nữa, chúng ta đều nghe họ dùng ngôn ngữ chúng ta mà nói về những việc quyền năng của Đức Chúa Trời.” 12 Mọi người đều kinh ngạc và bối rối, nói với nhau: “Việc nầy có nghĩa gì?”
13 Nhưng có kẻ lại chế giễu rằng: “Họ say rượu mới rồi đó.”
Bài giảng của Phi-e-rơ
14 Nhưng Phi-e-rơ đứng với mười một sứ đồ, lên tiếng nói với dân chúng: “Thưa anh em là người Do Thái và tất cả những người ở Giê-ru-sa-lem! Hãy biết rõ điều nầy và lắng tai nghe lời tôi nói: 15 Những người nầy chẳng phải say như anh em tưởng đâu, vì bây giờ mới là chín giờ sáng! 16 Nhưng đây là điều Chúa đã phán qua nhà tiên tri Giô-ên:
17 ‘Đức Chúa Trời phán: Trong những ngày cuối cùng,
Ta sẽ đổ Thánh Linh Ta trên mọi xác thịt;
Con trai và con gái các ngươi sẽ nói tiên tri,
Thanh niên sẽ thấy khải tượng,
\Và người già sẽ thấy chiêm bao.
18 Phải, trong những ngày đó, Ta sẽ đổ Thánh Linh Ta trên các đầy tớ trai và gái Ta,
Và họ sẽ nói tiên tri;
19 Ta lại sẽ làm các phép mầu ở trên trời,
Và dấu lạ ở dưới đất; tức là máu, lửa, và luồng khói;
20 Mặt trời sẽ trở nên tối tăm,
Mặt trăng sẽ hóa ra máu,
Trước ngày vĩ đại và vinh quang của Chúa đến.
21 Và ai cầu khẩn danh Chúa thì sẽ được cứu.’
Bình luận
Âm thanh của Đức Thánh Linh
Đây là điều dành cho bạn và tôi. Những gì diễn ra trong Lễ Ngũ Tuần không chỉ là một sự kiện lịch sử; nó có thể trở thành hiện thực với bạn (2:29). Như Giô-ên đã tiên tri: "Ta sẽ đổ Thánh Linh Ta trên mọi xác thịt" – con trai, con gái, thanh niên và người già (c.17–21). Điều đó chắc chắn bao gồm cả bạn và tôi!
- Tìm kiếm kinh nghiệm
\tKinh nghiệm về Đức Thánh Linh trong ngày Lễ Ngũ Tuần liên quan đến ba điều:
\tThứ nhất, nó liên quan đến quyền năng đến từ nơi Đức Chúa Trời. Họ nghe thấy một cơn gió mạnh. Nhưng đó không phải một cơn gió thật. Đó là "tiếng động từ trời đến như tiếng gió thổi ào ào" (c.2). Nghe có vẻ như một cơn mưa nhiệt đới nặng hạt. Đây là sức mạnh vô hình và vĩ đại của Đức Chúa Trời. Đó là dấu hiệu bên ngoài và hữu hình của một thực tại bên trong và mang tính thuộc linh.
\tTừ "Ruach" trong tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa đen là "hơi thở" hoặc "gió". Ruach được sử dụng trong Cựu Ước để nói về Đức Thánh Linh - Thần của Đức Chúa Trời. Ngày Lễ Ngũ Tuần là sự ứng nghiệm của việc Chúa Giê-su hà hơi trên các môn đồ và phán: "Hãy nhận lãnh Đức Thánh Linh" (Giăng 20:22).
\tTrên hết, kinh nghiệm về Đức Thánh Linh là kinh nghiệm về tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho bạn (Rô-ma 5:5). Đó là cách mà bạn cảm nhận tình yêu Đức Chúa Trời dành cho bạn, để bạn có thể nói như sứ đồ Phao-lô: "Con Đức Chúa Trời... yêu tôi và phó chính mình Ngài vì tôi" (Ga-la-ti 2:20). Như Rick Warren đã nói: "cảm nhận được tình yêu của Chúa... là khởi đầu cho mọi chức vụ, mọi cuộc phấn hưng, mọi sự đổi mới và mọi sự thức tỉnh vĩ đại."
\tĐức Thánh Linh là Đấng ban năng quyền cho mọi cuộc phấn hưng, và Ngài làm điều đó một cách thật vĩ đại, thông qua việc giúp con dân Chúa cảm nhận, kinh nghiệm và nhận biết được tình yêu của Chúa trong chính tấm lòng của họ. Đó là một loại hiểu biết đi từ tâm trí đến tấm lòng của bạn.
\tThứ hai, nó liên quan đến lửa từ Đức Chúa Trời. Họ nhìn thấy lửa. Một lần nữa, đây không phải một ngọn lửa thật: "Các môn đồ thấy những lưỡi như lưỡi lửa xuất hiện, tản ra và đậu trên mỗi người trong họ" (Công vụ 2:3). Đây lại là một dấu hiệu bên ngoài và hữu hình của một thực tại bên trong và mang tính thuộc linh. Ngọn lửa tình yêu của Chúa tượng trưng cho quyền năng, sự thánh khiết và nhiệt thành của Ngài.
\tBất cứ nơi nào có kinh nghiệm về Đức Thánh Linh, Ngài sẽ mang đến ngọn lửa và tấm lòng nóng cháy cho đời sống của bạn.
\tThứ ba, nó liên quan đến ngôn ngữ đến từ Đức Chúa Trời: "Tất cả đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh, bắt đầu nói các ngôn ngữ khác, theo như Thánh Linh cho họ nói" (c.4). Đây là những ngôn ngữ trên trời mà họ chưa từng được học. Sứ đồ Phao-lô nói về "tiếng thiên sứ" cũng như "tiếng loài người" (1 Cô-rinh-tô 13:1). Các ngôn ngữ đã được xác nhận và ngôn ngữ của cả thế giới cũng đều được xuất hiện (Công vụ 2:5–11). Đây là sự đảo ngược cho tình trạng hỗn loạn và mất đoàn kết của Ba-bên (Sáng Thế Ký 11:1-9).
\tKinh nghiệm về tình yêu của Đức Chúa Trời qua Đức Thánh Linh mang lại sự hiệp nhất cho Hội Thánh. Khi chúng ta nhận ra rằng chỉ có một Đức Thánh Linh duy nhất đang hành động trên cả người Công Giáo, Chính thống giáo, Tin Lành và Ngũ Tuần, dù là bất kỳ Hội Thánh hay hệ phái nào, thì chúng ta sẽ thấy được sự chữa lành cho những chia rẽ và bên cạnh đó là một kinh nghiệm hữu hình về sự hiệp một.
\tTrong ngày Lễ Ngũ Tuần đã có ba cách phản ứng khác nhau (đây đều là những phản ứng mà ngày nay chúng ta vẫn thấy đối với công tác của Đức Thánh Linh). Phản ứng đầu tiên là kinh ngạc. Một số người "rất ngạc nhiên" (Công vụ 2:7). Phản ứng thứ hai là bối rối. "Mọi người đều kinh ngạc và bối rối, nói với nhau: “Việc nầy có nghĩa gì?”" (c.12). Phản ứng thứ ba là cười nhạo. "Nhưng có kẻ lại chế giễu rằng: “Họ say rượu mới rồi đó”"(c.13).
- Nghiên cứu lời giải đáp
\tPhi-e-rơ đã giải thích những chuyện đang xảy ra (c.14f).
\tĐầu tiên, ông phản bác một lời giải thích sai trái (c.15). Một số người đưa ra lời giải thích mang tính tự nhiên cho những điều siêu nhiên. Có thể họ trông như thể đang say vì họ đã quá phấn khích và mất kiềm chế. Tuy nhiên, đây không phải là say rượu mà là say Thánh Linh một cách tỉnh táo – loại say duy nhất khiến bạn không bị nôn nao!
\tSau đó, Phi-e-rơ đã đưa ra lời giải thích đúng đắn (c.16f). Ông bắt đầu bằng cách chỉ ra rằng đây là điều hoàn toàn đúng với Kinh Thánh (chúng ta sẽ xem phần còn lại của lời giải thích vào ngày mai). Một số người vạch ra sự ngăn cách không-đúng-đắn giữa Lời Chúa và Đức Thánh Linh. Thế nhưng, Đức Thánh Linh chính là tác giả của Lời Chúa. Cựu Ước – tức là lời của Đức Chúa Trời – chỉ về sự tuôn đổ Đức Thánh Linh (c.16–20). Phi-e-rơ, đầy dẫy Đức Thánh Linh, đã quay lại để chỉ về Kinh thánh. Đức Thánh Linh mang đến sự khao khát lời Chúa.
Cầu nguyện
Lạy Chúa, xin đổ đầy con bởi Thánh Linh của Ngài. Nguyện xin lửa thiêng của Ngài một lần nữa ngự trị trên con và trên Hội Thánh, với đầy năng quyền, lòng sốt sắng và sự thánh khiết.
II Sa-mu-ên 5:6-6:23
Đa-vít chiếm thành Giê-ru-sa-lem
5 6 Vua và các thuộc hạ tiến đến Giê-ru-sa-lem, đánh người Giê-bu-sít, là dân bản xứ. Chúng nói với Đa-vít: “Ông sẽ không vào đây được đâu, những người mù và què cũng đủ sức đánh đuổi ông!” Chúng nghĩ: “Đa-vít sẽ không thể vào đây được.” 7 Nhưng Đa-vít đã chiếm lấy đồn lũy Si-ôn, đó là thành Đa-vít.
8 Ngày hôm đó, Đa-vít nói: “Tất cả những ai muốn đánh người Giê-bu-sít, thì hãy theo đường hầm để xuống lấy nước mà đánh những người què và mù, tức những kẻ thù của Đa-vít.” Vì vậy có câu: “Người mù và kẻ què đều sẽ không được vào nhà.”
9 Đa-vít ở trong đồn lũy, và đặt tên là thành Đa-vít. Vua xây vách chung quanh từ Mi-lô trở vào phía trong. 10 Đa-vít ngày càng cường thịnh, vì Giê-hô-va là Đức Chúa Trời vạn quân ở với ông.
11 Hi-ram, vua thành Ty-rơ, sai sứ đến Đa-vít, đem theo gỗ bá hương, thợ mộc, thợ đẽo đá để xây cất cung điện cho Đa-vít. 12 Bấy giờ, Đa-vít biết rằng Đức Giê-hô-va đã lập ông làm vua trên Y-sơ-ra-ên, và khiến vương quốc của ông được thịnh vượng vì dân của Ngài là Y-sơ-ra-ên.
13 Sau khi Đa-vít từ Hếp-rôn đến, vua còn cưới thêm vợ và những nàng hầu ở Giê-ru-sa-lem; họ sinh thêm cho vua những con trai và con gái. 14 Đây là tên các con được sinh cho vua tại thành Giê-ru-sa-lem: Sa-mua, Sô-báp, Na-than, Sa-lô-môn, 15Díp-kha, Ê-li-sua, Nê-phéc, Gia-phia, 16Ê-li-sa-ma, Ê-li-gia-đa, và Ê-li-phê-lết.
Đa-vít chiến thắng quân Phi-li-tin
17 Nghe tin Đa-vít đã được xức dầu làm vua Y-sơ-ra-ên, người Phi-li-tin kéo toàn quân lên đánh ông. Khi biết được điều nầy thì Đa-vít liền đi xuống đồn lũy. 18 Quân Phi-li-tin kéo đến và bủa ra trong thung lũng Rê-pha-im. 19 Bấy giờ, Đa-vít cầu hỏi Đức Giê-hô-va: “Con có phải lên đánh quân Phi-li-tin không? Ngài sẽ phó chúng vào tay con không?”
Đức Giê-hô-va trả lời Đa-vít: “Hãy đi lên, vì chắc chắn Ta sẽ phó quân Phi-li-tin vào tay con.”
20 Vậy, Đa-vít kéo quân đến Ba-anh Phê-rát-sim và đánh bại họ; vua nói: “Đức Giê-hô-va đã đánh tan các kẻ thù của ta trước mặt ta khác nào nước chảy.” Vì vậy, chỗ đó được đặt tên là Ba-anh Phê-rát-sim. 21 Quân Phi-li-tin bỏ lại các tượng thần của chúng tại đó, Đa-vít và các thuộc hạ lấy đem đi.
22 Một lần nữa, quân Phi-li-tin lại kéo đến và bủa ra trong thung lũng Rê-pha-im. 23 Khi Đa-vít cầu hỏi Đức Giê-hô-va, Ngài đáp: “Con đừng đi lên; hãy đi vòng phía sau chúng, rồi con sẽ tấn công chúng về hướng cây dâu. 24 Và khi nào con nghe tiếng chân bước trên ngọn cây dâu, bấy giờ hãy mau tấn công, vì chính lúc đó, Đức Giê-hô-va đi trước con để đánh bại quân Phi-li-tin.” 25 Đa-vít làm đúng như điều Đức Giê-hô-va đã phán dặn, và vua đã đánh bại quân Phi-li-tin từ Ghê-ba cho đến Ghê-xe.
Đa-vít rước Hòm Giao Ước về Giê-ru-sa-lem
6 Đa-vít lại tập hợp tất cả những người được tuyển chọn của Y-sơ-ra-ên, khoảng ba mươi nghìn người. 2 Rồi vua lên đường, cùng với tất cả thuộc hạ đến Ba-lê thuộc Giu-đa để rước Hòm Giao Ước của Đức Chúa Trời về. Đó là hòm mang danh Đức Giê-hô-va vạn quân, Đấng vẫn ngự giữa các chê-ru-bim ở trên đó. 3 Họ đặt Hòm Giao Ước của Đức Chúa Trời trên một cỗ xe mới, rồi đem đi khỏi nhà A-bi-na-đáp ở trên đồi. U-xa và A-hi-ô, con của A-bi-na-đáp, dẫn cỗ xe mới đó. 4 Họ đưa xe cùng với Hòm Giao Ước của Đức Chúa Trời đi khỏi nhà A-bi-na-đáp ở trên đồi, và A-hi-ô đi trước Hòm Giao Ước. 5 Đa-vít và toàn thể nhà Y-sơ-ra-ên đều múa hát trước mặt Đức Giê-hô-va với đủ thứ nhạc khí bằng gỗ bá hương, đàn lia, đàn hạc, trống, phách, và chập chõa.
U-xa chết
6 Khi đến sân đập lúa của Na-côn, vì những con bò vấp chân, U-xa đưa tay ra đỡ Hòm Giao Ước của Đức Chúa Trời. 7 Đức Giê-hô-va nổi cơn thịnh nộ với U-xa. Đức Chúa Trời đánh phạt ông vì sự vi phạm nầy, và ông chết ngay bên cạnh Hòm Giao Ước của Đức Chúa Trời.
8 Đa-vít buồn giận vì Đức Giê-hô-va đã nổi thịnh nộ với U-xa; và chỗ đó được gọi là Pê-rết U-xa cho đến ngày nay.
9 Ngày hôm đó, Đa-vít sợ Đức Giê-hô-va và nói: “Làm sao Hòm Giao Ước của Đức Giê-hô-va có thể về với ta được?” 10 Vậy nên Đa-vít không muốn đưa Hòm Giao Ước của Đức Giê-hô-va về với mình trong thành Đa-vít; mà đưa vào nhà Ô-bết Ê-đôm, người Gát. 11 Như vậy, Hòm Giao Ước của Đức Giê-hô-va ở ba tháng trong nhà Ô-bết Ê-đôm, người Gát. Đức Giê-hô-va ban phước cho Ô-bết Ê-đôm và cả nhà người.
Rước Hòm Giao Ước vào thành Đa-vít
12 Người ta đến tâu với vua Đa-vít: “Vì Hòm Giao Ước của Đức Chúa Trời, Đức Giê-hô-va đã ban phước cho nhà Ô-bết Ê-đôm và mọi vật thuộc về ông ta.” Vậy, Đa-vít đi rước Hòm Giao Ước của Đức Chúa Trời từ nhà Ô-bết Ê-đôm về thành Đa-vít cách vui mừng. 13 Khi những người khiêng Hòm Giao Ước của Đức Giê-hô-va đi được sáu bước, thì Đa-vít dâng một con bò đực và một con thú béo tốt làm sinh tế. 14 Đa-vít mặc ê-phót vải gai, nhảy múa hết sức trước mặt Đức Giê-hô-va. 15 Như thế, Đa-vít cùng toàn thể nhà Y-sơ-ra-ên rước Hòm Giao Ước của Đức Giê-hô-va về giữa tiếng reo hò vui mừng và tiếng kèn vang dậy.
16 Nhưng khi Hòm Giao Ước của Đức Giê-hô-va vào thành Đa-vít thì Mi-canh, con gái của Sau-lơ, nhìn qua cửa sổ, thấy vua Đa-vít nhảy múa trước mặt Đức Giê-hô-va, thì trong lòng khinh rẻ vua.
17 Vậy, họ đem Hòm Giao Ước của Đức Giê-hô-va vào đặt ở giữa lều mà Đa-vít đã dựng sẵn; rồi Đa-vít dâng tế lễ thiêu và tế lễ bình an trước mặt Đức Giê-hô-va. 18 Khi Đa-vít đã dâng tế lễ thiêu và các tế lễ bình an, thì vua nhân danh Đức Giê-hô-va vạn quân mà chúc phước cho dân chúng; 19 và phát cho toàn dân Y-sơ-ra-ên, cả nam lẫn nữ, mỗi người một ổ bánh, một miếng thịt, và một bánh nho. Sau đó, mọi người ai về nhà nấy.
20 Đa-vít cũng trở về để chúc phước cho nhà mình. Nhưng con gái của Sau-lơ là Mi-canh ra đón Đa-vít và nói: “Hôm nay vua Y-sơ-ra-ên được vẻ vang làm sao, khi cởi trần trước mặt các nữ tỳ của đầy tớ mình, như một kẻ không ra gì vậy!” 21 Đa-vít nói với Mi-canh: “Chính tại trước mặt Đức Giê-hô-va, là Đấng đã chọn ta thay cho cha nàng và cả nhà cha nàng, lập ta làm lãnh tụ Y-sơ-ra-ên là dân của Đức Giê-hô-va, mà ta hát múa trước mặt Đức Giê-hô-va. 22 Ta sẽ hạ mình xuống nhiều hơn nữa, tự xem mình là hèn mạt, nhưng các nữ tỳ mà nàng nói đó lại sẽ tôn kính ta.”
23Vì vậy, Mi-canh, con gái Sau-lơ, không có con cho đến ngày chết.
Bình luận
Âm thanh của sự ăn mừng
Trước khi xem đến âm thanh của sự ăn mừng, một điều đáng chú ý đó là có một âm thanh khác được đề cập trong phân đoạn này. Khi Đa-vít cầu hỏi Chúa xem liệu ông có nên tấn công hay không, ban đầu, Ngài trả lời: "Hãy đi lên" (5:19). Sau đó, trong lần thứ hai Đa-vít cầu hỏi Chúa, Ngài trả lời: "Con đừng đi lên... Và khi nào con nghe tiếng chân bước trên ngọn cây dâu, bấy giờ hãy mau tấn công" (c.23–24 ).
Ý nghĩa của điều này không thật sự rõ ràng. Tuy nhiên, đó là một hình ảnh mang tính gợi nghĩa. Có lẽ, nó có nghĩa là ngay khi nghe thấy sự chuyển động của Đức Chúa Trời, chúng ta nên nhanh chóng hành động.
Đức Chúa Trời ban cho Đa-vít sự chiến thắng, và theo sau nó là một sự ăn mừng vô cùng lớn. "Đa-vít và toàn thể nhà Y-sơ-ra-ên đều múa hát trước mặt Đức Giê-hô-va với đủ thứ nhạc khí bằng gỗ bá hương, đàn lia, đàn hạc, trống, phách, và chập chõa" (6:5). Chắc hẳn khi ấy đã rất ồn ào!
Đa-vít nhảy múa và thờ phượng Đức Chúa Trời một cách rất hết mình: "Đa-vít mặc ê-phót vải gai, nhảy múa hết sức trước mặt Đức Giê-hô-va" (c.14). Vợ của Đa-vít, Mi-canh, cảm thấy xấu hổ và "trong lòng khinh rẻ vua" (c.16) vì sự thể hiện đầy sốt sắng của ông.
Đa-vít đáp lại rằng ông sẽ tiếp tục thờ phượng một cách sốt sắng và dạn dĩ hơn trước: ‘Đa-vít nói với Mi-canh… "Ta sẽ hát múa trước mặt Đức Giê-hô-va. Ta sẽ hạ mình xuống nhiều hơn nữa”" (c.21–22). Tại đây, chúng ta thấy một ví dụ trong Kinh Thánh về việc ăn mừng huyên náo và tự do. Có một lời cảnh báo trong phân đoạn này về việc xem thường hoặc khinh rẻ cách người khác bày tỏ sự thờ phượng của họ dành cho Đức Chúa Trời (c.23). Tất nhiên, chúng ta phải tránh việc phô trương. Nhưng sự hồ hởi của Đa-vít xuất phát từ chính tấm lòng của ông và đó là một hành động ăn mừng thực sự.
Chúng ta cần phải nhạy cảm với những người xung quanh – đặc biệt là trong những tuần đầu tiên của Alpha, khi xung quanh có rất nhiều người không quen với cách thờ phượng cuồng nhiệt này. Tuy nhiên, nhìn chung, bạn nên thoải mái bày tỏ sự thờ phượng dành cho Đức Chúa Trời một cách say mê như bạn muốn và không cần quá lo việc người khác nghĩ gì về mình.
Cầu nguyện
Lạy Chúa, nguyện xin Hội Thánh khắp nơi sẽ được đầy dẫy âm thanh của sự thờ phượng và vui mừng. Nguyện xin các buổi Alpha hàng tuần cũng được đổ đầy bởi âm thanh của Đức Thánh Linh như trong ngày Lễ Ngũ Tuần, âm thanh từ nơi thiên đàng - âm thanh của sự thờ phượng và ăn mừng để tôn cao Danh Ngài.
Pippa chia sẻ
Trong 2 Sa-mu-ên 6:14-16 có nói:
"Đa-vít mặc ê-phót vải gai, nhảy múa hết sức trước mặt Đức Giê-hô-va... Mi-canh, con gái của Sau-lơ, nhìn qua cửa sổ, thấy vua Đa-vít nhảy múa trước mặt Đức Giê-hô-va, thì trong lòng khinh rẻ vua."
Tôi có một chút đồng cảm với Mi-canh. Trước đây, tôi cũng từng bị cám dỗ và xem thường việc nhảy múa khi thờ phượng. Có lẽ tôi cần phải thoát ra khỏi định kiến của mình. Ê-phót thì tôi không chắc lắm, nhưng mà Chúa Nhật tới, biết đâu tôi cũng sẽ nhảy múa!
App
Tải xuống ứng dụng Kinh Thánh Trong Một Năm dành cho thiết bị iOS hoặc Android và đọc theo mỗi ngày.
Đăng ký ngay bây giờ để nhận Kinh thánh trong một năm trong hộp thư đến của bạn mỗi sáng. Bạn sẽ nhận được một email mỗi ngày.
Book
Kinh thánh trong một năm bình luận có sẵn như là một cuốn sách.
- Mua từ Cửa hàng Alpha
- [Mua từ Nhà sách CLC](https://clcbookshops.com/product/bible-in-one-year-the-a-commentary-by-nicky-gumbel-hard-cover-gumbel-nicky-hodder-stoughton- 9781473677067)
Tham khảo
Trừ khi có quy định khác, các trích dẫn Kinh thánh được lấy từ Kinh thánh, Phiên bản quốc tế mới được Anh hóa, Bản quyền © 1979, 1984, 2011 Biblica, trước đây là Hiệp hội Kinh thánh Quốc tế. Được sử dụng dưới sự cho phép của Hodder & Stoughton Publishers, một công ty của Hachette UK. Đã đăng ký Bản quyền. 'NIV' là nhãn hiệu đã đăng ký của Biblica. Nhãn hiệu Vương quốc Anh số 1448790.
Các trích dẫn Kinh thánh được đánh dấu (AMP) lấy từ Kinh thánh Amplified®, Bản quyền © 1954, 1958, 1962, 1964, 1965, 1987 của The Lockman Foundation. Được sử dụng bởi sự cho phép. (www.Lockman.org)
“The One Year® là nhãn hiệu đã đăng ký của Tyndale House Publishers được sử dụng theo sự cho phép”