Năm Cách Để Phát Huy Hết Tiềm Năng
Giới thiệu
Trong cuộc sống, có nhiều người không phát huy được hết tiềm năng của họ. Chúng ta có thể bị cuốn vào vòng xoáy cuộc sống và công việc hàng ngày, khiến cho việc tiếp tục những thói quen cũ dường như dễ dàng hơn là thay đổi nó. Tuy nhiên, Chúa đã đặt để sâu trong chúng ta một sự khao khát - khao khát được sống hết khả năng của mình. Chắc bạn còn nhớ bài tiểu sử nổi tiếng này:
"Solomon Grundy... Sinh ra vào thứ Hai...
Rửa tội vào thứ Ba... Kết hôn vào thứ Tư...
Bị ốm vào thứ Năm... Nguy kịch vào thứ Sáu...
Qua đời vào thứ Bảy... Được chôn vào Chủ nhật...
Và thế là hết cuộc đời Solomon Grundy."
Đối với một số người, đó cũng giống như bản tóm tắt cuộc đời họ. Thế nhưng, sâu bên trong, có lẽ chúng ta đều cảm thấy rằng: "Chắc hẳn cuộc sống phải còn nhiều điều hơn thế." Chúa Giê-su nói: "Đúng vậy!" Khả năng tiềm ẩn bên trong mỗi người là rất lớn.
Chúa Giê-su muốn chúng ta sống một cuộc đời thật "năng suất". Ngài muốn chúng ta vun trồng được một vụ mùa có kết quả: "hạt được một trăm, hạt được sáu chục, hạt ba chục" (Ma-thi-ơ 13:8). Con số tối thiểu là một hạt được nhân lên gấp ba mươi lần. Chìa khoá để khai phóng tiềm năng nằm ở mối quan hệ của bạn với Chúa Giê-su - một mối quan hệ thân mật được ví như anh em, chị em hay mẹ (12:50). Bạn có thể sống cuộc đời của mình theo đúng mục đích thật sự - là một cuộc đời sẽ làm thay đổi thế giới, nhờ vào những điều bạn nhận lãnh từ nơi Chúa (13:11,12,16).
Tiềm năng của bạn không phải là việc chạy theo tham vọng hay thành công; mà là nhận biết bạn là ai trong Đức Chúa Trời. Khi bạn tìm kiếm Ngài và sống theo mục đích của Ngài, bạn sẽ sinh được nhiều hoa trái. Khi bạn càng phát huy những khả năng Ngài ban cho, thì Ngài sẽ càng cho bạn thêm nhiều thứ khác nữa. Ngài muốn bạn được sống dư dật (c.12).
Tiềm năng của dân Y-sơ-ra-ên là rất lớn (Sáng thế ký 35:11). Theo ý định của Đức Chúa Trời, Y-sơ-ra-ên không chỉ được ban phước, mà còn trở nên một nguồn phước cho các dân tộc khác. Bạn hoàn toàn có khả năng sống một cuộc đời nhiều phước hạnh hơn cả những gì bạn đọc trong Cựu Ước. Chúa Giê-su nói: "Phước cho mắt các con vì thấy được; phước cho tai các con vì nghe được! Thật, Ta bảo các con, có nhiều nhà tiên tri, nhiều người công chính mơ ước thấy điều các con thấy nhưng không được thấy; ao ước nghe điều các con nghe mà chẳng được nghe." (Ma-thi-ơ 13: 16–17).
Chúa Giê-su cảnh báo rằng mặc dù trong mỗi chúng ta đều có tiềm năng rất lớn, nhưng phía trước cũng còn có những cạm bẫy. Vậy làm sao để bạn có thể tránh khỏi cạm bẫy và phát huy hết tiềm năng của mình?
Thi Thiên 10:1-11
Cầu xin Chúa giải cứu khỏi kẻ gian ác
1 Đức Giê-hô-va ôi! Vì sao Ngài đứng xa?
Trong lúc gian truân sao Ngài lại ẩn mặt?
2 Kẻ ác kiêu căng săn đuổi người khốn cùng;
Nguyện chúng sa vào mưu chước mình đã bày ra.
3 Vì kẻ ác khoe khoang dục vọng của chúng;
Bọn gian tham nguyền rủa và từ chối Đức Giê-hô-va.
4 Kẻ ác kiêu căng, không tìm kiếm Chúa;
Hắn luôn nghĩ rằng không có Đức Chúa Trời.
5 Đường lối hắn luôn luôn thịnh vượng;
Sự phán xét của Chúa cao quá, hắn không hiểu nổi;
Hắn chế giễu tất cả kẻ thù mình.
6 Hắn tự nhủ: “Ta sẽ không bị rúng động;
Ta sẽ không bao giờ gặp tai họa.”
7 Miệng hắn đầy lời nguyền rủa, giả dối và đe dọa;
Lưỡi hắn nói lời độc ác và điêu ngoa.
8 Hắn ngồi rình rập nơi các thôn làng,
Núp trong bóng tối để giết người vô tội.
Mắt hắn đảo quanh tìm kẻ khốn cùng.
9 Hắn phục trong nơi kín đáo như sư tử trong hang,
Rình rập để bắt người cùng khốn;
Hắn kéo người nghèo khổ vào lưới để bắt họ.
10 Hắn cúi xuống rồi chồm lên,
Kẻ khốn cùng ngã quỵ trước sức mạnh của hắn.
11 Lòng hắn thầm nghĩ: “Đức Chúa Trời quên rồi,
Ngài đã ẩn mặt và sẽ không bao giờ thấy việc nầy đâu.”
Bình luận
1. Có sự khiêm nhường
Trong cuốn sách Tìm kiếm hạnh phúc: Những bước tu tập để có cuộc sống trọn vẹn (Finding Happiness: Monastic Steps for a Fulfilling Life), Cha Christopher Jamison đã định nghĩa sự tự phụ là "tự đánh giá cao bản thân mình". Ông ấy viết, "Khiêm tốn là một cách tiếp cận chân thực với cuộc sống thực tế của chúng ta và là sự nhận biết rằng chúng ta không hề quan trọng hơn người khác."
Tác giả Thi Thiên đã đi qua một cuộc hành trình, từ cảm giác rằng Đức Chúa Trời "đứng xa... trong lúc gian truân" (từ c.1), đến nhận ra (ngày mai chúng ta sẽ đọc phần này) rằng Đức Chúa Trời chắc chắn "thấy" "nỗi khốn khổ và đau đớn", Ngài "lắng nghe ước vọng của kẻ nhu mì" và "thi hành công lý cho kẻ mồ côi và người bị áp bức" (từ c.14).
Thật ra, chính những kẻ "ác" (c.2) đã tự khiến họ bị xa cách - "Sự phán xét của Chúa cao quá, hắn không hiểu nổi" (c.5). Họ cho rằng bản thân họ quan trọng hơn người khác - nhất là người nghèo - những người mà họ "kéo vào lưới" và làm cho "ngã quỵ" (c.9–10). Những câu Kinh thánh này cho chúng ta biết về cạm bẫy của sự "kiêu ngạo" (c.4).
Khi mọi thứ suôn sẻ, chúng ta rất dễ nói rằng: "Ta sẽ không bị rúng động; Ta sẽ không bao giờ gặp tai họa." (c.6). Chúng ta có thể bị cám dỗ để rồi cảm thấy rằng chúng ta không cần đến Đức Chúa Trời: "Kẻ ác kiêu căng, không tìm kiếm Chúa; Hắn luôn nghĩ rằng không có Đức Chúa Trời"(c.4). Thật dễ trở nên kiêu ngạo (c.2) và khoe khoang (c.3). Chương Thi Thiên này là lời cảnh tỉnh chúng ta không nên làm như vậy, và cũng là lời nhắc nhở rằng chúng ta luôn cần có Đức Chúa Trời.
Cầu nguyện
Lạy Chúa, xin giữ con khỏi những sự tự phụ, kiêu ngạo và tự cho mình quan trọng hơn người khác. Xin cho con tìm kiếm Ngài với cả tấm lòng, và cho con luôn nhớ rằng con cần có Ngài và Ngài sẽ không bao giờ bỏ quên con.
Ma-thi-ơ 12:46-13:17
Mẹ và các em của Đức Chúa Jêsus
12 Khi Đức Chúa Jêsus còn đang nói với đoàn dân thì mẹ và các em Ngài đến, đứng ở ngoài và tìm cách nói chuyện với Ngài. 47 Có người thưa với Ngài rằng: “Kìa mẹ và các anh em Thầy đang đứng ở ngoài, muốn nói chuyện với Thầy.” 48 Ngài đáp: “Ai là mẹ Ta, ai là anh em Ta?” 49 Rồi Ngài chỉ tay về phía các môn đồ và nói: “Đây là mẹ Ta và anh em Ta! 50 Vì hễ ai làm theo ý muốn của Cha Ta ở trên trời, người ấy là anh em, chị em và là mẹ Ta vậy.”
Ẩn dụ về người gieo giống
13 Cũng trong ngày ấy, Đức Chúa Jêsus rời nhà, ra ngồi bên bờ biển. 2 Dân chúng tụ họp quanh Ngài đông lắm, đến nỗi Ngài phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ. 3 Ngài dùng ẩn dụ để nói với họ nhiều điều.
Ngài phán: “Có một người đi ra gieo giống. 4 Trong khi gieo, một số hạt rơi dọc đường, chim đến ăn hết. 5 Một số hạt khác rơi trên đất đá, chỉ có ít đất thịt, bị lấp không sâu, liền mọc lên. 6 Nhưng khi mặt trời mọc lên, bị nắng thiêu đốt thì chúng chết khô vì không có rễ. 7 Một số khác rơi giữa bụi gai, gai mọc lên làm cho chúng nghẹt ngòi. 8 Một số khác nữa rơi trên chỗ đất tốt nên kết quả: hạt được một trăm, hạt được sáu chục, hạt ba chục. 9 Ai có tai, hãy lắng nghe!”
Giải nghĩa ẩn dụ
10 Các môn đồ đến gần hỏi Ngài: “Sao Thầy dùng ẩn dụ để nói với họ?” 11 Ngài đáp: “Các con đã được ban cho sự hiểu biết về những mầu nhiệm của vương quốc thiên đàng, còn họ thì không được ban cho. 12 Vì ai có sẽ được cho thêm để được dư dật, còn ai không có sẽ bị cất luôn điều chính mình đang có nữa. 13 Bởi vậy, Ta dùng ẩn dụ để nói với họ, vì họ xem mà không thấy, lắng tai mà không nghe, không hiểu. 14 Họ đã làm cho lời tiên tri của Ê-sai được ứng nghiệm:
"Các ngươi lắng nghe, nhưng không hiểu;
Đưa mắt nhìn mà chẳng thấy gì.
15 Vì lòng dân nầy chai lì;
Tai đã nặng,
Mắt đã nhắm,
Sợ rằng mắt thấy được,
Tai nghe được,
Lòng hiểu được,
Họ tự hối cải,
Và Ta sẽ chữa lành chăng.’
16 Nhưng phước cho mắt các con vì thấy được; phước cho tai các con vì nghe được! 17 Thật, Ta bảo các con, có nhiều nhà tiên tri, nhiều người công chính mơ ước thấy điều các con thấy nhưng không được thấy; ao ước nghe điều các con nghe mà chẳng được nghe.
Bình luận
2. Giữ sự mật thiết
Một số tà giáo đã bóp méo lời của Chúa Giê-su (12:50) và dạy dỗ tín đồ rằng: Khi bạn trở nên một Cơ Đốc nhân, bạn phải cắt đứt quan hệ với gia đình của mình. Điều này không chỉ nguy hiểm mà còn trái với Kinh thánh. Điều răn thứ năm là "Hãy hiếu kính cha mẹ của con" (Xuất Ai Cập Ký 20:12). Theo Tân Ước, chúng ta biết rằng, "Nếu ai không cấp dưỡng cho bà con mình, nhất là cho chính gia đình mình thì người ấy đã chối bỏ đức tin, còn tệ hơn người không tin nữa" (I Ti-mô-thê 5:8).
Ở đây, Chúa Giê-su cho thấy điều quan trọng hơn cả mối quan hệ của bạn với gia đình. Sự kêu gọi cao cả hơn hết đó là bước vào mối quan hệ mật thiết với Chúa Giê-su và làm theo "ý muốn của Cha" (Ma-thi-ơ 12:50).
Chúa Giê-su nói: "Vì hễ ai làm theo ý muốn của Cha Ta ở trên trời, người ấy là anh em, chị em và là mẹ Ta vậy." (c.50). Ngài đang nói về sự mật thiết, lâu dài và chấp nhận - một mối quan hệ ở mức độ sâu sắc nhất có thể. Bạn có thể có được mối quan hệ mật thiết này với Chúa Giê-su. Hãy ở gần bên Ngài mỗi ngày và bạn sẽ phát huy được hết khả năng của mình.
3. Đâm rễ
Các kinh nghiệm thuộc linh là rất quan trọng, nhưng nếu không được liên kết với cội rễ thuộc linh vững vàng thì sẽ có nguy cơ bị cạn kiệt, và có thể dẫn đến sự sa ngã. Hãy chú ý đến cạm bẫy này. Tấm lòng của chúng ta có thể bị sa ngã, kể cả khi chúng ta vẫn đang làm những điều đúng đắn.
Chúa Giê-su nói về hạt giống rơi trên mặt đất cạn. Nó mọc lên nhanh nhưng cũng chóng khô héo vì nó không có rễ (13:6). Sau đó, Ngài giải thích rằng người không có rễ chỉ tồn tại được trong thời gian ngắn, vì họ sẽ chóng lui đi khi gặp hoạn nặn hay bắt bớ (c.21).
Gốc rễ thuộc linh là những phần trong cuộc sống của bạn mà không ai khác nhìn thấy được - đó là phần bí mật của bạn với Chúa. Điều này bao gồm lời cầu nguyện của bạn, sự cho đi và cả những suy nghĩ của bạn. Nếu bạn muốn phát huy hết tiềm năng của mình, hãy đảm bảo rằng bạn đang phát triển một bộ rễ chắc chắn, vững vàng và khoẻ mạnh trong mối quan hệ của bạn với Đức Chúa Trời.
4. Giữ gìn tấm lòng
Con người ta rất dễ bị phân tâm bởi những bộn bề trong cuộc sống. Rất nhiều thứ có thể lấp đầy cuộc sống của bạn và khiến bạn không còn thời gian dành cho Chúa, cho Hội thánh và những việc để nuôi dưỡng bộ rễ thuộc linh của bạn. Đây là một điều rất nguy hiểm với tất cả chúng ta.
Chúa Giê-su đã cảnh báo về những cái gai làm hạt giống bị nghẹt ngòi (c.7). Ngài cũng giải thích rằng những cái gai đó là "sự lo lắng về đời này" và "sự quyến rũ của giàu sang" (c.22).
Cầu nguyện
Lạy Cha kính yêu, cảm ơn Ngài vì đã gọi con bước vào mối quan hệ mật thiết này với Chúa Giê-su. Xin cho con đâm rễ thuộc linh thật vững vàng và cho con luôn hướng về Ngài. Xin giúp con giữ mối quan hệ này và giúp con không để cho bất kỳ điều gì, kể cả những điều tốt đẹp khác, chen vào và làm chặn nghẹt cuộc đời con.
Sáng Thế Ký 34:1-35:29
Si-chem cưỡng đoạt Đi-na
34 Một hôm, Đi-na, người con gái mà Lê-a sinh cho Gia-cốp, đi ra làm quen với các cô gái trong vùng. 2 Si-chem, con trai của thủ lĩnh Hê-mô, người Hê-vít, trông thấy cô thì bắt đi rồi cưỡng ép cô nằm với mình. 3 Tâm hồn Si-chem vương vấn Đi-na, con gái Gia-cốp. Chàng yêu thương cô gái và dùng lời ngọt dịu vỗ về34:3 Ctd: dỗ dành. cô. 4 Si-chem thưa với Hê-mô, cha mình, rằng: “Xin cha cưới cô gái nầy cho con.”
5 Lúc Gia-cốp được tin Si-chem xâm phạm tiết hạnh Đi-na, con gái mình, thì các con trai ông vẫn còn ở ngoài đồng với bầy súc vật, nên ông giữ yên lặng cho đến khi họ trở về.
6 Hê-mô, cha Si-chem, đến gặp Gia-cốp để thưa chuyện với ông. 7 Các con trai Gia-cốp ở ngoài đồng trở về. Vừa nghe chuyện, những người nầy đã nổi nóng và giận dữ vì Si-chem đã làm điều đồi bại trong Y-sơ-ra-ên khi nằm với con gái Gia-cốp, là điều không bao giờ được phép làm. 8 Nhưng Hê-mô nói với họ: “Tâm hồn Si-chem, con trai tôi, đã say đắm con gái các ông. Xin gả cô ấy cho con trai tôi. 9 Hãy kết nghĩa thông gia với chúng tôi. Các ông gả con gái cho chúng tôi và cưới các con gái chúng tôi cho các ông. 10 Các ông sẽ ở với chúng tôi, xứ nầy sẵn sàng đón tiếp các ông. Xin cứ sinh sống, buôn bán và tạo dựng sự nghiệp tại đây.”
11 Si-chem thưa với cha và các anh của cô gái: “Xin quý vị làm ơn cho tôi, bất cứ yêu cầu nào của quý vị, tôi cũng xin đáp ứng. 12 Xin cứ đòi sính lễ và quà cưới thật cao, tôi xin nộp đúng như quý vị đòi hỏi; chỉ xin quý vị gả cô gái đó cho tôi.”
13 Các con trai Gia-cốp dùng mưu mà trả lời Si-chem và Hê-mô, cha chàng, vì Si-chem đã xâm phạm tiết hạnh của Đi-na, em gái họ. 14 Họ nói: “Gả em gái chúng tôi cho người chưa chịu cắt bì là một việc chúng tôi không thể làm được, vì đó sẽ là một điều sỉ nhục đối với chúng tôi. 15 Chúng tôi chỉ nhận lời các ông với điều kiện là các ông phải trở nên giống như chúng tôi, nghĩa là mọi người nam phải chịu cắt bì. 16 Được vậy, chúng tôi sẽ gả con gái chúng tôi cho các ông, và sẽ cưới con gái các ông cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ sống chung với các ông và chúng ta sẽ trở nên một dân tộc. 17 Còn nếu các ông không nghe lời chúng tôi, và không chịu cắt bì, thì chúng tôi sẽ bắt con gái lại và dọn đi nơi khác.”
18 Lời lẽ của họ làm vừa lòng Hê-mô và Si-chem, con trai ông. 19 Chàng trai trẻ đó không chậm trễ thực hiện các yêu cầu vì cậu đã say mê con gái của Gia-cốp. Hơn nữa, Si-chem là người được tôn trọng nhất trong gia đình.
Si-mê-ôn và Lê-vi giết dân thành Si-chem
20 Vậy, Hê-mô và Si-chem, con trai ông, đến cổng thành và nói với dân trong thành rằng: 21 “Những người nầy rất thuận thảo với chúng ta. Hãy để họ ở trong xứ và buôn bán, vì đất nầy còn đủ chỗ cho họ. Chúng ta sẽ cưới con gái của họ và gả con gái chúng ta cho họ. 22 Nhưng họ chỉ đồng ý sống với chúng ta để trở thành một dân tộc, với điều kiện mọi người nam trong chúng ta cũng chịu cắt bì như mọi người nam của họ. 23 Các bầy súc vật, tài sản và tất cả gia súc của họ sẽ chẳng thuộc về chúng ta sao? Chỉ cần chúng ta đồng ý với họ thì họ sẽ sống chung với chúng ta.” 24 Tất cả những người ra họp ở cổng thành đều nghe theo lời Hê-mô và Si-chem, con trai ông, và mọi người nam trong thành đều chịu cắt bì.
25 Đến ngày thứ ba, khi mọi người còn đang đau, hai con trai Gia-cốp là Si-mê-ôn và Lê-vi, tức là các anh của Đi-na, cầm gươm, bất thần xông vào thành giết tất cả các người nam. 26 Họ dùng gươm giết Hê-mô và Si-chem, con trai ông, đem Đi-na ra khỏi nhà Si-chem, rồi đi. 27 Các con trai Gia-cốp đạp lên những xác chết mà cướp phá thành, vì em gái họ đã bị xâm phạm tiết hạnh. 28 Họ bắt các bầy chiên, bò, lừa, và lấy hết những gì ở trong thành cũng như ngoài đồng. 29 Họ cướp đoạt và đem đi tất cả tài sản, đàn bà, con trẻ và bất cứ vật gì có trong nhà.
30 Gia-cốp nói với Si-mê-ôn và Lê-vi: “Các con gây rắc rối cho cha, làm cho cư dân xứ nầy, là người Ca-na-an và người Phê-rê-sít, ghê tởm cha. Cha chỉ có một ít người, nếu họ liên kết lại chống đối và tấn công cha thì cha và cả nhà mình sẽ bị tiêu diệt.” 31 Nhưng họ phân trần: “Chẳng lẽ để cho chúng đối xử với em gái chúng con như một gái điếm sao?”
Gia-cốp trở về Bê-tên
35 Đức Chúa Trời phán với Gia-cốp: “Hãy mau đi lên Bê-tên và ở đó. Cũng hãy lập tại đó một bàn thờ cho Đức Chúa Trời, là Đấng đã hiện ra với con khi con chạy trốn anh con là Ê-sau.” 2 Gia-cốp bảo người nhà và những người cùng đi với ông: “Hãy dẹp bỏ các tượng thần ngoại bang khỏi các ngươi, thanh tẩy chính mình và thay áo quần. 3 Chúng ta hãy chuẩn bị đi lên Bê-tên. Ta sẽ lập tại đó một bàn thờ cho Đức Chúa Trời, là Đấng đã nhậm lời ta trong ngày nguy khốn, và đã phù hộ ta trong suốt chặng đường.” 4 Họ liền nộp cho Gia-cốp tất cả các tượng thần ngoại bang mà họ đang giữ, cũng như các khoen họ đang đeo trên tai. Gia-cốp đem chôn những thứ đó dưới gốc cây sồi gần thành Si-chem.
5 Gia đình Gia-cốp lên đường. Đức Chúa Trời giáng kinh hãi trên các thành chung quanh đó nên không một ai dám đuổi theo các con trai Gia-cốp. 6 Gia-cốp và những người đi theo ông cùng đến Lu-xơ (tức là Bê-tên), thuộc xứ Ca-na-an. 7 Ông lập tại đó một bàn thờ và đặt tên chỗ nầy là Ên Bê-tên, vì tại đây Đức Chúa Trời đã hiện ra với ông khi ông chạy trốn anh mình. 8 Bấy giờ Đê-bô-ra, vú nuôi của Rê-bê-ca, qua đời, được chôn dưới gốc cây sồi ở thành Bê-tên. Vì vậy, người ta gọi là cây A-lôn Ba-cút.
9 Khi Gia-cốp từ Pha-đan A-ram về, Đức Chúa Trời lại hiện ra với Gia-cốp và ban phước cho ông. 10 Đức Chúa Trời phán: “Tên con là Gia-cốp, nhưng con sẽ không được gọi là Gia-cốp nữa mà tên con sẽ là Y-sơ-ra-ên.” Rồi Ngài đặt tên cho ông là Y-sơ-ra-ên. 11 Đức Chúa Trời lại phán với ông: “Ta là Đức Chúa Trời Toàn Năng; hãy sinh sản và gia tăng gấp bội. Một dân tộc rồi một cộng đồng nhiều dân tộc sẽ ra từ con, và các vua chúa sẽ từ dòng dõi con mà ra. 12 Vùng đất Ta đã ban cho Áp-ra-ham và Y-sác thì Ta cũng sẽ ban cho con và dòng dõi con.” 13 Rồi Đức Chúa Trời ngự lên từ chỗ Ngài đã phán với Gia-cốp. 14 Ông liền dựng một trụ đá tại nơi Đức Chúa Trời đã phán với ông, làm lễ quán và đổ dầu lên đó. 15 Vậy Gia-cốp đặt tên địa điểm mà Đức Chúa Trời đã phán với ông là Bê-tên.
Ra-chên sinh Bên-gia-min và qua đời
16 Gia đình Gia-cốp rời Bê-tên ra đi. Khi họ còn cách Ép-ra-ta một quãng đường, thì Ra-chên chuyển dạ và sinh rất khó khăn. 17 Khi bà đang đau đớn, bà mụ nói: “Đừng sợ vì bà lại có thêm một con trai nữa.” 18 Trong cơn hấp hối, lúc sắp trút linh hồn, bà đặt tên cho đứa con trai đó là Bên Ô-ni. Nhưng người cha thì lại đặt tên là Bên-gia-min. 19 Ra-chên qua đời, được an táng cạnh con đường đi về Ép-ra-ta, tức là Bết-lê-hem. 20 Gia-cốp dựng một mộ bia; đó là mộ bia của Ra-chên vẫn còn cho đến ngày nay. 21 Y-sơ-ra-ên tiếp tục hành trình và khi qua khỏi tháp Ê-đe thì đóng trại.
22 Trong thời gian Y-sơ-ra-ên ngụ tại xứ đó, Ru-bên đã đến nằm với Bi-la, hầu thiếp của cha mình. Y-sơ-ra-ên hay được việc nầy.
Mười hai con trai Gia-cốp
23 Gia-cốp có mười hai con trai. Con của Lê-a là Ru-bên, trưởng nam của Gia-cốp, kế đến là Si-mê-ôn, Lê-vi, Giu-đa, Y-sa-ca và Sa-bu-lôn. 24 Con của Ra-chên là Giô-sép và Bên-gia-min. 25 Con của Bi-la, nữ tì của Ra-chên, là Đan và Nép-ta-li; 26 và con của Xinh-ba, nữ tì của Lê-a, là Gát và A-se. Đó là các con trai của Gia-cốp sinh tại xứ Pha-đan A-ram.
Y-sác qua đời tại Mam-rê
27 Gia-cốp về đến chỗ Y-sác, cha mình, ở Mam-rê, tại thành Ki-ri-át A-ra-ba, tức là Hếp-rôn. Đây là nơi Áp-ra-ham và Y-sác đã từng tạm cư. 28 Y-sác hưởng thọ được một trăm tám mươi tuổi. 29 Y-sác trút hơi thở cuối cùng. Ông qua đời, trở về với tổ tông khi tuổi đã cao, mãn nguyện trong cuộc sống, và được hai con trai là Ê-sau và Gia-cốp lo an táng.
Bình luận
5. Thanh tẩy chính mình
Trong phân đoạn này, chúng ta đã đọc một lời cảnh báo về tình trạng trả thù ngày càng leo thang (xem I Cô-rinh-tô 10:11). Từ một tội ác khủng khiếp (cưỡng hiếp nàng Đi-na, Sáng Thế ký 34:2) đã dẫn đến một tội ác khác. Sự trả thù của họ kinh khủng hơn tội ác ban đầu rất nhiều. Dân của Đức Chúa Trời đã "cầm gươm, bất thần xông vào thành giết tất cả các người nam... Họ cướp đoạt và đem đi tất cả... đàn bà, con trẻ" (c.25–29).
Kết quả là một thảm họa. Gia-cốp nói: "Các con gây rắc rối cho cha, làm cho cư dân xứ nầy... ghê tởm cha. Cha chỉ có một ít người, nếu họ liên kết lại chống đối và tấn công cha thì cha và cả nhà mình sẽ bị tiêu diệt" (c.30). Việc làm của Si-mê-ôn và Lê-vi đã bị lên án sự bạo lực, hung dữ và tàn ác của họ (xem 49:5–7).
Trả thù không chỉ là một cạm bẫy dành cho Si-mê-ôn và Lê-vi; nó là sự cám dỗ cho tất cả chúng ta. Khi tôi bị xúc phạm, tôi muốn trả thù. Trong Cựu Ước, sự trả thù được giới hạn trong sự tương xứng - "mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng"..v..v.. (Xuất Ai Cập Ký 21: 23–24). Chúa Giê-su đã đặt ra (và chính sự chết và sự phục sinh của Ngài đã khiến điều này hoàn toàn khả thi) một tiêu chuẩn cao hơn thế, dành cho các mối quan hệ của bạn ngày nay: hãy tha thứ và yêu thương kẻ thù của mình.
Joyce Meyer, một tác giả thường chia sẻ về sự ngược đãi khủng khiếp mà cô đã phải chịu đựng khi còn nhỏ, đã viết như sau: "Đã bao giờ bạn, giống như Đi-na, bị trở thành một nạn nhân vô tội chưa? Tôi dám chắc với bạn rằng ngay cả trong những hoàn cảnh tồi tệ nhất, Chúa vẫn ban cho chúng ta ân điển, để chúng ta tha thứ và bước tiếp cuộc sống của mình."
Gia-cốp đã nói với người nhà rằng: "Hãy dẹp bỏ các tượng thần ngoại bang khỏi các ngươi, thanh tẩy chính mình" (Sáng thế ký 35:2). Đức Chúa Trời hiện ra với Gia-cốp (đã đổi tên thành Y-sơ-ra-ên, c.10) và nói: "Ta là Đức Chúa Trời Toàn Năng; hãy sinh sản và gia tăng gấp bội. Một dân tộc rồi một cộng đồng nhiều dân tộc sẽ ra từ con" (c. 11).
Tiềm năng là rất lớn. Như Mục sư Rick Warren có nói: “Trong mục vụ, sự thánh sạch nơi kín đáo chính là nguồn gốc cho sức mạnh nơi cộng đồng". Điều này đúng với tất cả chúng ta, bất kể chúng ta đang ở trong gia đình, nơi làm việc, cộng đồng hay Hội thánh. Nếu chúng ta muốn ảnh hưởng được thế giới và làm vinh danh Đấng Christ, thì trước tiên, chúng ta cần phải là những con người thánh sạch.
Cầu nguyện
Lạy Chúa, con tạ ơn Ngài vì những khả năng Ngài ban cho cuộc đời con là lớn lao biết bao. Nguyện con vun trồng được mùa vụ kết quả gấp ba mươi, sáu mươi, và thậm chí là gấp một trăm lần những hạt giống được gieo.
Pippa chia sẻ
Thi Thiên 10:1
"Đức Giê-hô-va ôi! Vì sao Ngài đứng xa? Trong lúc gian truân sao Ngài lại ẩn mặt?", tác giả Thi Thiên khóc than. Đôi khi, trong những lúc hoạn nạn, Chúa dường như đang ở rất xa. Thế nhưng, trong Sáng Thế Ký 35:3, Gia-cốp có nói: "Đức Chúa Trời, là Đấng đã nhậm lời ta trong ngày nguy khốn, và đã phù hộ ta trong suốt chặng đường." Mặc dù đôi lúc chúng ta cảm thấy như Ngài không có ở đây, nhưng sự thật là Ngài vẫn luôn hiện diện. Ngài luôn bên cạnh chúng ta.
App
Tải xuống ứng dụng Kinh Thánh Trong Một Năm dành cho thiết bị iOS hoặc Android và đọc theo mỗi ngày.
Đăng ký ngay bây giờ để nhận Kinh thánh trong một năm trong hộp thư đến của bạn mỗi sáng. Bạn sẽ nhận được một email mỗi ngày.
Book
Kinh thánh trong một năm bình luận có sẵn như là một cuốn sách.
- Mua từ Cửa hàng Alpha
- [Mua từ Nhà sách CLC](https://clcbookshops.com/product/bible-in-one-year-the-a-commentary-by-nicky-gumbel-hard-cover-gumbel-nicky-hodder-stoughton- 9781473677067)
Tham khảo
The One Year® is a registered trademark of Tyndale House Publishers. Used by permission.
Alexandre Dumas, The Count of Monte Cristo, (Wordsworth editions, 1997).
R.T. Kendall, Total Forgiveness, (Hodder & Stoughton, 2003)
Unless otherwise stated, Scripture quotations taken from the Holy Bible, New International Version Anglicised, Copyright © 1979, 1984, 2011 Biblica, formerly International Bible Society. Used by permission of Hodder & Stoughton Publishers, an Hachette UK company. All rights reserved. ‘NIV’ is a registered trademark of Biblica. UK trademark number 1448790.
Scripture quotations marked (AMP) taken from the Amplified® Bible, Copyright © 1954, 1958, 1962, 1964, 1965, 1987 by The Lockman Foundation. Used by permission. (www.Lockman.org)
Scripture marked (MSG) taken from The Message. Copyright © 1993, 1994, 1995, 1996, 2000, 2001, 2002. Used by permission of NavPress Publishing Group.