Ngày 186

Sự chống đối hoá thành cơ hội

Khôn ngoan Thi Thiên 80:1-7
Tân ước Công Vụ Các Sứ Đồ 23:12-35
Cựu Ước II Các Vua 8:16-9:37

Giới thiệu

Stephen Lungu đã từng đến nhà và kể cho tôi nghe về câu chuyện của ông ấy. Ông là con trai lớn của một bà mẹ tuổi teen đến từ một thị trấn ở Zimbabwe. Mẹ ông bị mắc kẹt trong một cuộc hôn nhân đầy khổ sở với người đàn ông hơn bà hai mươi tuổi. Bà đã giải quyết những khó khăn của mình bằng cách uống rất nhiều rượu.

Khi Stephen lên ba tuổi, một ngày nọ, mẹ ông đưa ông, em trai và em gái của ông vào thị trấn. Sau khi nói rằng bà ấy cần đi vệ sinh, mẹ của Stephen đã để một mình ông ôm em gái ở giữa quảng trường đông đúc và nhộn nhịp, còn cậu em John của ông thì đang chơi đùa trên mặt đất. Hai tiếng sau, bà ấy vẫn chưa quay lại. Mẹ của ông đã bỏ đi, để lại ba đứa trẻ cho một người dì miễn cưỡng chăm sóc. Đến năm mười một tuổi, Stephen cũng bỏ đi - ông thích sống trên đường phố hơn.

Khi lớn lên, Stephen đã nảy sinh lòng cay đắng với Đức Chúa Trời. Ở tuổi thiếu niên, ông gia nhập vào một trong những băng đảng, được gọi là Bóng Đen, chuyên thực hiện các hành vi bạo lực, trộm cắp và phá hoại trên đường phố Zimbabwe.

Khi một nhà truyền giáo đến thị trấn, bên trong một chiếc lều lớn, để chia sẻ về Chúa Giê-su cho hàng ngàn người, Stephen đã đến tham dự nhằm mục đích ném bom vào sự kiện này. Ông mang theo một túi đầy bom. Ông muốn tấn công sự kiện vì ông muốn tấn công Chúa. Khi Stephen đang chờ đợi thời cơ tấn công, Shadrach Maloka, một nhà truyền giáo người Nam Phi, bước lên sân khấu và lớn tiếng tuyên bố rằng Đức Thánh Linh đã cảnh báo cho ông rằng nhiều người trong số khán giả ở đây có thể sẽ sớm qua đời nếu không có Đấng Christ. Kinh ngạc thay, băng đảng Bóng Đen nghĩ rằng ai đó đã phát hiện ra kế hoạch của họ. Còn Stephen Lungu thì đã hoàn toàn bị thu hút bởi diễn giả đó.

Trong các phân đoạn Kinh Thánh hôm nay, chúng ta sẽ thấy các cuộc tấn công ở nhiều hình thức khác nhau và cách Đức Chúa Trời biến sự chống đối trở thành cơ hội.

Khôn ngoan

Thi Thiên 80:1-7

Tác giả nài xin Chúa cứu dân Ngài khỏi hoạn nạn

Thi Thiên của A-sáp, sáng tác cho nhạc trưởng theo điệu “Hoa huệ chứng ước”

 1 Lạy Đấng chăn giữ Y-sơ-ra-ên, xin lắng tai nghe!
  Ngài là Đấng dẫn dắt Gia-cốp như bầy chiên,
  Lạy Đấng ngự trên Chê-ru-bim, xin Ngài chiếu sáng rực rỡ.
 2 Trước mặt Ép-ra-im, Bên-gia-min và Ma-na-se.
  Xin thi thố quyền năng Ngài
  Và đến cứu chúng con.

 3 Lạy Đức Chúa Trời, xin phục hưng chúng con,
  Và làm cho mặt Chúa chiếu sáng trên chúng con thì chúng con sẽ được cứu.

 4 Lạy Giê-hô-va Đức Chúa Trời vạn quân,
  Chúa nổi giận về lời cầu nguyện của dân Chúa cho đến chừng nào?
 5 Chúa đã nuôi họ bằng bánh giọt lệ
  Và cho họ uống nước mắt đầy ly.
 6 Chúa làm chúng con thành đề tài tranh cãi cho kẻ lân cận chúng con;
  Và kẻ thù cùng nhau chế giễu chúng con.
 7 Lạy Đức Chúa Trời vạn quân, xin phục hưng chúng con
  Và làm cho mặt Chúa chiếu sáng trên chúng con thì chúng con sẽ được cứu.

Bình luận

Sự hiện diện của Đức Chúa Trời

Khi đối diện với những khó khăn trong cuộc sống – những sự chống đối và tấn công – không có gì an ủi hơn là cảm giác có sự hiện diện của Đức Chúa Trời; biết rằng Ngài đang ở bên bạn, khuôn mặt Ngài đang mỉm cười với bạn.

Tác giả Thi Thiên đã phải đối diện với sự áp bức và chế giễu từ kẻ lân cận và kẻ thù (c.6). Những sự tấn công này đã gây ra rất nhiều sự đau buồn: "uống nước mắt đầy ly" (c.5). Dân sự của Đức Chúa Trời đã được nuôi bằng "bánh giọt lệ và cho họ uống nước mắt đầy ly" (c.5).

Dù bạn đang gặp phải khó khăn gì trong cuộc sống, Đức Chúa Trời có thể biến sự chống đối đó thành cơ hội. Hãy kêu cầu Chúa bằng lời cầu nguyện từ chương Thi Thiên này:

Cầu nguyện

"Lạy Đức Chúa Trời, xin phục hưng chúng con,
Và làm cho mặt Chúa chiếu sáng trên chúng con thì chúng con sẽ được cứu." (Dựa theo c.3-7)

Tân ước

Công Vụ Các Sứ Đồ 23:12-35

Người Do Thái lập mưu giết Phao-lô

12 Đến sáng, người Do Thái lập mưu và thề với nhau rằng họ chẳng ăn chẳng uống cho đến khi giết được Phao-lô. 13 Có hơn bốn mươi người đã dự vào âm mưu đó. 14 Họ đến với các thầy tế lễ cả và các trưởng lão, nói rằng: “Chúng tôi đã thề với nhau chẳng ăn gì cả cho đến khi giết được Phao-lô. 15 Vậy bây giờ, xin quý vị và Hội đồng Công luận yêu cầu viên chỉ huy giải nó xuống, giả vờ như quý vị muốn điều tra về trường hợp của nó cho chính xác hơn; còn chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng để giết nó trước khi nó đến đây.” 16 Nhưng, con trai của chị Phao-lô biết được âm mưu ấy, nên đi vào trong đồn báo trước cho Phao-lô. 17 Phao-lô gọi một viên đội trưởng và nói: “Hãy đem thanh niên nầy đến với ông chỉ huy vì anh ta có việc muốn trình báo.” 18 Vậy, viên đội trưởng đem chàng đi, dẫn đến viên chỉ huy và thưa: “Tên tù Phao-lô có xin tôi đem thanh niên nầy đến với quan vì anh ta có điều gì muốn trình.” 19 Viên chỉ huy nắm tay anh thanh niên, dẫn riêng ra ngoài và hỏi: “Cậu có việc gì cần trình báo cho tôi?” 20 Anh thưa: “Người Do Thái đã đồng mưu xin quan giải Phao-lô xuống Hội đồng Công luận vào ngày mai, giả vờ như họ muốn điều tra việc nầy cho kỹ càng hơn. 21 Nhưng xin quan chớ tin họ, vì có hơn bốn mươi người trong bọn họ âm mưu hại Phao-lô. Họ đã thề với nhau chẳng ăn uống gì cả cho đến khi giết được ông ta; bây giờ, họ đang sẵn sàng, chỉ đợi quan chấp thuận thôi.” 22 Viên chỉ huy cho chàng thanh niên ấy về và dặn: “Đừng cho ai biết em đã báo điều đó cho ta nhé!”

Phao-lô bị giải đến tổng đốc Phê-lít

23 Viên chỉ huy trưởng gọi hai đội trưởng và dặn: “Vào chín giờ đêm nay, hãy chuẩn bị sẵn sàng hai trăm bộ binh, bảy mươi kỵ binh và hai trăm lính cầm giáo để đi đến Sê-sa-rê. 24 Cũng phải chuẩn bị ngựa để đưa Phao-lô đến tổng đốc Phê-lít một cách an toàn.” 25 Ông cũng viết cho tổng đốc một văn thư như sau: 26 “Cơ-lốt Ly-si-a kính gửi ngài tổng đốc Phê-lít. Kính chào ngài tổng đốc! 27 Người Do Thái đã bắt người nầy, định giết đi thì tôi kịp thời đem quân đến giải thoát, vì biết rằng đương sự cũng là công dân Rô-ma. 28 Tôi muốn biết rõ lý do họ tố cáo nên giải đương sự đến Hội đồng Công luận. 29 Tôi nhận thấy đương sự bị tố cáo về những vấn đề liên quan đến giáo luật của họ, nhưng không phạm một tội nào đáng chết hay đáng bị tù cả. 30 Nhưng tôi có nghe người ta âm mưu hãm hại đương sự nên lập tức giải đương sự đến trước quan, và tôi cũng ra lệnh cho các nguyên cáo phải đến trước mặt quan để trình bày cáo trạng.”

31 Vậy, quân lính tuân lệnh, đem Phao-lô đi trong ban đêm và giải đến An-ti-pa-tri. 32 Ngày hôm sau, kỵ binh tiếp tục đi với ông, còn các đơn vị khác quay trở về đồn. 33 Khi đến Sê-sa-rê, họ đưa thư và trình diện Phao-lô trước tổng đốc. 34 Sau khi đọc văn thư, tổng đốc hỏi Phao-lô ở tỉnh nào; khi biết ông quê ở Si-li-si 35 thì nói: “Khi nào các nguyên cáo đến đây, ta sẽ xử vụ của ngươi.” Rồi tổng đốc ra lệnh giam Phao-lô trong dinh Hê-rốt.

Bình luận

Sự bảo vệ của Đức Chúa Trời

Gustave Flaubert đã từng viết: "Bạn có thể tính giá trị của một người qua số lượng kẻ thù của người đó, và tầm quan trọng của một tác phẩm nghệ thuật qua số lượt tấn công mà nó phải nhận". Lý do mà các nhân vật trong Kinh Thánh, và những người trong Hội Thánh ngày nay, thường rất hay phòng bị là do việc bạn đang làm là rất quan trọng. Bị tấn công không phải là điều hiếm thấy trong Kinh Thánh. Đó cũng không phải một sự kiện hiếm hoi trong cuộc đời của bất kỳ Cơ Đốc nhân nào. Đôi khi bạn trải qua những giai đoạn tương đối yên bình. Nhưng những cuộc tấn công tiếp đến trong tương lai gần như là điều không thể tránh khỏi.

Bất kể những cuộc tấn công bạn phải đối diện, Chúa vẫn luôn tể trị. Như chúng ta đã thấy ở cuối phân đoạn Kinh Thánh hôm qua, Chúa đã hiện ra với Phao-lô và phán rằng: "Hãy can đảm! Con đã làm chứng cho Ta tại Giê-ru-sa-lem thể nào thì con cũng phải làm chứng cho Ta tại Rô-ma thể ấy" (c.11).

Phao-lô đã bị giam giữ mặc dù theo luật pháp La Mã, không có tội danh nào đáng bị bỏ tù. Kẻ thù của ông đã quyết tâm giết ông và đã có một kế hoạch ám sát ông (c.12) dựa trên những lời dối trá và lừa gạt - là điều thường xảy ra cùng với bạo lực (c.15).

Thật ra, tất cả những kẻ tấn công Phao-lô đều là quỷ quyệt. Bản thân chỉ huy Cơ-lốt Ly-si-a là một kẻ dối trá (c.26–30). Trong lá thư gửi cho Phê-lít, hắn không hề đề cập đến việc chính hắn đã trói Phao-lô một cách trái phép và chuẩn bị tra tấn một công dân La Mã chưa hề bị kết tội.

Đức Chúa Trời, trong sự quan phòng của Ngài, đã bảo vệ Phao-lô: "Nhưng" - một từ ngữ đầy sức mạnh đã xuất hiện trong câu chuyện (c.16). "Nhưng, con trai của chị Phao-lô biết được âm mưu ấy, nên đi vào trong đồn báo trước cho Phao-lô"(c.16). Khi cháu trai của Phao-lô nói với ông về âm mưu đó, ông đã sắp xếp để anh báo cáo điều đó cho viên chỉ huy - là người lo việc bảo vệ cho cả chuyến hành trình của Phao-lô. Đức Chúa Trời đã bảo vệ Phao-lô.

Dường như Đức Chúa Trời đã sử dụng một sự kết hợp giữa người cháu trai của Phao-lô, sự khéo léo của chính Phao-lô và cả viên chỉ huy người La Mã. Sự quan phòng và bảo vệ của Chúa đôi khi đến từ những người không nhất thiết phải là Cơ Đốc nhân.

Phao-lô đã được đưa đến nơi xét xử một cách an toàn với một lá thư giải thích từ viên chỉ huy. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã không can thiệp để hoàn toàn giải cứu Phao-lô, ông vẫn bị bắt giữ. Đức Chúa Trời đã bảo vệ ông và sử dụng ông trong chính hoàn cảnh mà ông gặp phải. Mục đích của Đức Chúa Trời đó là Phao-lô sẽ đi làm chứng tại Giê-ru-sa-lem và Rô-ma. Đó chính xác là những gì đã xảy ra. Sự chống đối đã biến thành cơ hội.

Cầu nguyện

Lạy Chúa, tạ ơn Chúa vì trong mọi tình huống, Ngài đều có thể dấy lên những người cần thiết cho mục đích tốt lành của Ngài. Như cách Ngài đã sử dụng Phao-lô để phát triển vương quốc của Ngài, Chúa ôi, nguyện xin Ngài cũng sẽ sử dụng chính con ngày hôm nay. Nguyện xin vương quốc Cha được đến. Nguyện xin ý Cha được nên.

Cựu Ước

II Các Vua 8:16-9:37

Giô-ram làm vua Giu-đa

(II Sử Ký 21:1-20)

8 Vào năm thứ năm đời trị vì của Giô-ram, con A-háp, vua Y-sơ-ra-ên, khi Giô-sa-phát còn làm vua Giu-đa thì Giô-ram, con Giô-sa-phát, bắt đầu trị vì. 17 Giô-ram lên ngai vua lúc được ba mươi hai tuổi, và trị vì tám năm tại Giê-ru-sa-lem. 18 Vua đi theo đường lối của các vua Y-sơ-ra-ên, như nhà A-háp đã làm; vì vua đã cưới con gái của A-háp làm vợ. Vua làm điều ác dưới mắt Đức Giê-hô-va. 19 Nhưng vì Đa-vít, đầy tớ của Đức Giê-hô-va, nên Ngài không muốn hủy diệt Giu-đa, như lời Ngài đã phán hứa với Đa-vít là để dành cho người một ngọn đèn trước mặt người mãi mãi.

20 Trong đời trị vì của Giô-ram, người Ê-đôm nổi dậy chống lại sự thống trị của Giu-đa, và lập lên một vua cho mình. 21 Bấy giờ, Giô-ram kéo quân sang Xai-rơ, đem theo tất cả chiến xa của mình. Ban đêm, vua trỗi dậy, đánh quân Ê-đôm đang bao vây vua và các quan chỉ huy chiến xa, nhưng quân lính của vua bỏ trốn về trại mình. 22 Như thế, người Ê-đôm đã nổi dậy và không còn thần phục Giu-đa cho đến ngày nay. Cùng lúc ấy, Líp-na cũng nổi dậy. 23 Chẳng phải các việc khác của Giô-ram, và tất cả những việc vua làm đều đã được chép trong sách lịch sử các vua Giu-đa sao? 24 Giô-ram an giấc cùng tổ phụ và được an táng với họ trong thành Đa-vít. A-cha-xia, con trai vua, lên ngai kế vị.

A-cha-xia làm vua Giu-đa

(II Sử Ký 22:1-6)

25 Vào năm thứ mười hai, đời trị vì của Giô-ram con A-háp, vua Y-sơ-ra-ên, thì A-cha-xia con Giô-ram, vua Giu-đa, lên ngai trị vì. 26 A-cha-xia lên ngai vua lúc được hai mươi hai tuổi, và trị vì một năm tại Giê-ru-sa-lem. Mẹ của vua tên là A-tha-li, cháu gái của Ôm-ri, vua Y-sơ-ra-ên. 27 Vua đi theo đường lối của nhà A-háp, làm điều ác dưới mắt Đức Giê-hô-va, như nhà A-háp đã làm. Vì vua có liên hệ hôn nhân với nhà A-háp.

28 Vua cùng với Giô-ram, con A-háp, tiến đánh Ha-xa-ên, vua A-ram, tại Ra-mốt Ga-la-át. Nhưng quân A-ram đã đánh Giô-ram bị thương. 29 Vậy, vua Giô-ram trở về Gít-rê-ên để chữa trị những vết thương bị quân A-ram đánh tại Ra-mốt, khi đánh nhau với Ha-xa-ên, vua A-ram. A-cha-xia con Giô-ram, vua Giu-đa, đi xuống Gít-rê-ên thăm Giô-ram, con A-háp, đang nằm điều trị tại đó.

Giê-hu làm vua Y-sơ-ra-ên

9 Nhà tiên tri Ê-li-sê gọi một người trong số môn đồ của các nhà tiên tri và bảo: “Hãy thắt lưng và cầm theo lọ dầu nầy mà đi đến Ra-mốt Ga-la-át. 2 Khi con đã đến đó, hãy tìm Giê-hu là con của Giô-sa-phát, cháu Nim-si. Con đến mời người đứng dậy khỏi anh em mình, và dẫn người vào trong một phòng kín đáo. 3 Bấy giờ, con sẽ lấy lọ dầu, đổ trên đầu người và nói: ‘Đức Giê-hô-va phán: Ta xức dầu cho ngươi làm vua Y-sơ-ra-ên.’ Rồi con hãy mở cửa ra và trốn đi ngay, đừng chậm trễ!”

4 Vậy chàng thanh niên là nhà tiên tri trẻ đi đến Ra-mốt Ga-la-át. 5 Khi anh ấy đến nơi thì các quan tướng quân đội đang họp. Anh nói: “Thưa tướng quân, tôi có việc muốn nói với ông.” Giê-hu hỏi: “Với ai trong chúng tôi?” Anh trả lời: “Với ông, thưa tướng quân.” 6 Giê-hu đứng dậy và đi vào bên trong. Nhà tiên tri đổ dầu trên đầu ông, và nói: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên phán: ‘Ta xức dầu cho ngươi làm vua Y-sơ-ra-ên, là dân của Đức Giê-hô-va. 7 Ngươi sẽ đánh giết nhà A-háp, chủ ngươi; như vậy Ta sẽ báo trả Giê-sa-bên về máu của các đầy tớ Ta là các nhà tiên tri, cùng máu của tất cả đầy tớ Đức Giê-hô-va. 8 Cả nhà A-háp phải bị diệt sạch. Ta sẽ diệt trừ mọi người nam của nhà A-háp, bất kể là nô lệ hay tự do trong Y-sơ-ra-ên. 9 Ta sẽ làm cho nhà A-háp giống như nhà Giê-rô-bô-am, con trai Nê-bát, và giống như nhà Ba-ê-sa, con trai A-hi-gia. 10 Chó sẽ ăn thịt Giê-sa-bên trong cánh đồng Gít-rê-ên, không ai chôn cất.’” Nói xong, nhà tiên tri mở cửa ra và chạy trốn.

11 Giê-hu trở ra với các quan tướng của chủ mình. Họ hỏi ông: “Mọi việc bình an chứ? Tại sao tên khùng ấy đến gặp ông?” Ông đáp với họ: “Các ông biết người và cũng biết những điều người ấy nói rồi.” 12 Nhưng họ nói: “Đừng giả vờ! Hãy kể lại cho chúng tôi nghe đi.” Vậy ông nói: “Người ấy nói với tôi đại ý như thế nầy: ‘Đức Giê-hô-va phán: Ta xức dầu cho ngươi làm vua Y-sơ-ra-ên.’” 13 Ai nấy liền vội vàng lấy áo choàng mình trải xuống dưới chân ông, trên các bậc thang. Rồi họ thổi kèn và hô lên rằng: “Giê-hu làm vua!”

Giê-hu giết vua Y-sơ-ra-ên và vua Giu-đa

14 Như vậy, Giê-hu con Giô-sa-phát, cháu Nim-si, âm mưu chống lại Giô-ram. Lúc ấy, Giô-ram và toàn quân Y-sơ-ra-ên đang bảo vệ Ra-mốt Ga-la-át chống lại Ha-xa-ên, vua A-ram. 15 Nhưng vua Giô-ram đã trở về Gít-rê-ên để chữa trị những vết thương mà quân A-ram đã gây ra trong lúc vua giao chiến với Ha-xa-ên, vua A-ram. Giê-hu nói: “Nếu các ông đồng ý thì đừng để một ai thoát khỏi thành đi báo tin cho Gít-rê-ên.” 16 Vậy Giê-hu lên xe đi đến Gít-rê-ên, vì Giô-ram đang nằm điều trị tại đó. Và A-cha-xia, vua Giu-đa, cũng đi xuống đó thăm Giô-ram.

17 Người lính canh đang đứng trên tháp Gít-rê-ên thấy đoàn quân của Giê-hu đang tiến đến thì kêu lên: “Tôi thấy có đoàn quân tiến đến.” Giô-ram liền bảo: “Hãy chọn một kỵ binh, sai đi đón họ và hỏi: ‘Bình an chăng?’” 18 Vậy một kỵ binh đi đón Giê-hu và nói: “Vua hỏi: ‘Bình an chăng?’” Giê-hu trả lời: “Bình an hay không thì có can hệ gì đến ngươi? Hãy lui ra đằng sau ta.” Người lính canh báo cáo: “Sứ giả đã đến gặp họ rồi, nhưng không trở về.” 19 Vua lại sai một kỵ binh thứ hai đến với họ và nói: “Vua hỏi: ‘Bình an chăng?’” Giê-hu trả lời: “Bình an hay không thì có can hệ gì đến ngươi? Hãy lui ra đằng sau ta.” 20 Người lính canh lại báo cáo: “Sứ giả đã đến gặp họ rồi, nhưng không trở về. Cách đánh xe trông giống như cách của Giê-hu, con Nim-si, vì ông ấy đánh xe một cách hung hăng.”

21 Giô-ram bảo: “Hãy thắng xe!” Người ta thắng xe cho vua. Rồi Giô-ram vua Y-sơ-ra-ên, và A-cha-xia vua Giu-đa, mỗi người lên xe mình, ra đón Giê-hu và gặp ông ấy trong cánh đồng của Na-bốt, người Gít-rê-ên. 22 Khi Giô-ram vừa thấy Giê-hu thì hỏi: “Giê-hu, bình an chứ?” Nhưng Giê-hu trả lời: “Bình an sao được khi mà sự dâm đãng và tà thuật của Giê-sa-bên, mẹ vua, vẫn còn nhan nhản?” 23 Giô-ram liền quay xe chạy trốn, và nói với A-cha-xia: “A-cha-xia, có mưu phản!”

24 Giê-hu giương cung đang cầm sẵn trong tay, bắn Giô-ram trúng khoảng giữa hai vai. Mũi tên xuyên qua tim, khiến vua gục ngã trong xe. 25 Giê-hu nói với Bích-ca, quan hầu cận của mình: “Hãy đem xác hắn ném vào cánh đồng của Na-bốt, người Gít-rê-ên. Vì hãy nhớ lại khi ta và ngươi cùng cưỡi ngựa song song với nhau theo sau A-háp, cha hắn, thì Đức Giê-hô-va có lời phán chống lại hắn như thế nầy: 26 ‘Đức Giê-hô-va phán: Thật, vì hôm qua Ta đã thấy máu của Na-bốt và máu của các con trai người đổ ra, nên Ta sẽ bắt ngươi phải trả nợ máu tại chính trên cánh đồng nầy.’ Đức Giê-hô-va phán quyết như thế. Vậy bây giờ, hãy đem xác hắn ném vào cánh đồng ấy, đúng như lời của Đức Giê-hô-va đã phán.”

A-cha-xia, vua Giu-đa, bị giết

27 Khi A-cha-xia, vua Giu-đa, thấy việc ấy thì chạy trốn về hướng Bết Ha-gan. Nhưng Giê-hu đuổi theo và ra lệnh: “Cũng hãy đánh giết hắn lúc đang ngồi trên xe, ở dốc Gu-rơ, gần Gíp-lê-am!” A-cha-xia bị thương và chạy trốn đến Mê-ghi-đô, rồi chết tại đó. 28 Các đầy tớ của vua đặt xác vua trên một cỗ xe chở về Giê-ru-sa-lem, và an táng trong mộ cùng với các tổ phụ vua tại thành Đa-vít. 29 A-cha-xia lên ngai vua Giu-đa vào năm thứ mười một đời trị vì của Giô-ram, con vua A-háp.

Giê-sa-bên bị chó ăn thịt

30 Sau đó, Giê-hu đến Gít-rê-ên. Khi Giê-sa-bên hay tin thì vẽ mắt, trang điểm mái tóc, rồi từ cửa sổ nhìn xuống. 31 Lúc Giê-hu vào cổng thành thì bà hỏi: “Hỡi Xim-ri, kẻ giết chủ mình! Bình an chứ?” 32 Giê-hu ngẩng mặt lên về hướng cửa sổ và hỏi: “Trên kia có ai theo ta không? Có ai không?” Có hai hoặc ba hoạn quan nhìn xuống ông. 33 Ông bảo: “Hãy ném nó xuống!” Họ ném bà xuống đất, máu bắn tung tóe lên tường và lên các con ngựa giẫm lên xác bà. 34 Giê-hu đi vào, ăn uống xong, ông nói: “Bây giờ hãy đi xem người đàn bà đáng bị nguyền rủa ấy và lo chôn cất nó, vì dù sao nó cũng là con gái của vua.” 35 Nhưng khi họ đi lo chôn cất bà ấy thì chẳng còn thấy gì ngoài cái sọ, hai chân và hai bàn tay. 36 Họ trở về báo cáo cho Giê-hu. Ông nói: “Ấy là lời của Đức Giê-hô-va đã dùng đầy tớ Ngài là Ê-li, người Thi-sê-be, mà phán rằng: ‘Chó sẽ ăn thịt Giê-sa-bên trong cánh đồng Gít-rê-ên. 37 Xác của Giê-sa-bên sẽ như phân trên mặt đất trong cánh đồng Gít-rê-ên, đến nỗi người ta không thể nói: Đây là Giê-sa-bên.’”

Bình luận

Sự bình an của Đức Chúa Trời

Sâu thẳm trong trái tim mỗi người đều khao khát có được sự bình an. Chúng ta thấy được khao khát này trong suốt giai đoạn kinh khiếp của lịch sử dân sự Chúa. Tuy nhiên, một vị vua của Giu-đa, Giô-ram, lại là người "làm điều ác" (8:18). Người kế vị ông là A-cha-xia, cũng là người tiếp tục "làm điều ác dưới mắt Đức Giê-hô-va" (c.27).

Trong phút chốc, đã có một tia hy vọng vụt sáng. Ê-li-sê sắp xếp cho Giê-hu, con trai Giô-sa-phát, được xức dầu làm vua (9:1-3). Một nhà tiên tri trẻ đổ dầu lên đầu Giê-hu và tuyên bố: "Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên phán: 'Ta xức dầu cho ngươi làm vua Y-sơ-ra-ên, là dân của Đức Giê-hô-va'"(c.6). Thật thú vị thay, các quan tướng làm cùng với Giê-hu đều xem nhà tiên tri là một "tên khùng" (c.11). Sau đó, người ta lại thấy chính Giê-hu "đánh xe một cách hung hăng" (c.20).

Khi Giê-hu bắt đầu thực hiện theo chỉ dẫn của mình, Giô-ram đã sai sứ giả đến hỏi ba lần: "Bình an chăng?" (c.17,19,22). Giê-hu đáp rằng: "Bình an sao được khi mà sự dâm đãng và tà thuật của Giê-sa-bên, mẹ vua, vẫn còn nhan nhản?" (c.22). Chính Giê-sa-bên cũng đặt câu hỏi tương tự: "Bình an chứ?" (c.31). Câu trả lời là "không". Giê-sa-bên đã chết một cách rất khủng khiếp, ứng nghiệm lời tiên tri mà Ê-li-sê đã nói trước (I Các Vua 21:23)

Đây là những ngày của sự dữ, chết chóc và chia rẽ. Lời tuyên bố của Giê-hu về việc sự bình an không thể hiện diện trong khi sự gian ác của Giê-sa-bên vẫn tiếp tục ở Y-sơ-ra-ên nhắc nhở chúng ta rằng: sự bình an thật chỉ có thể được tìm thấy nơi Đức Chúa Trời. Sự lộn xộn của những phân đoạn này là một lời nhắc nhở rõ ràng rằng chúng ta cần có Ngài, để mang đến sự cứu rỗi và bình an – chúng ta cần có Chúa Giê-su.

Chúa Giê-su nói: "Ta để sự bình an lại cho các con. Ta ban sự bình an của Ta cho các con" (Giăng 14:27). Hội Thánh đầu tiên đã rao giảng "Tin Lành bình an bởi Đức Chúa Jêsus Christ" (Công vụ 10:36). Sứ đồ Phao-lô đã viết: "chúng ta được hòa thuận với Đức Chúa Trời qua Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ" (Rô-ma 5:1). "Chú tâm vào Thánh Linh sinh ra sự sống và bình an" (8:6). Ông thường bắt đầu bức thư của mình với câu: "Cầu xin Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, và Chúa là Đức Chúa Jêsus Christ ban ân điển và bình an cho anh em" (I Cô-rinh-tô 1:3; II Cô-rinh-tô 1:2; Ga-la-ti 1:3, v.v.).

Quay trở lại câu chuyện của Stephen Lungu, những lời chia sẻ của diễn giả đã giúp ông nhận thức về tội lỗi của mình và kéo ông đến cơ hội được gặp gỡ Chúa Giê-su. Ông đã kinh nghiệm được sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Ông đã nghe về ân điển và sự bình an của Đức Chúa Trời.

Stephen loạng choạng bước lên sân khấu, nắm lấy chân của diễn giả và bắt đầu khóc nức nở. Tối hôm đó, ông trở thành môn đồ của Chúa Giê-su Christ.

Sáng hôm sau, ông trình diện tại đồn cảnh sát địa phương và thú nhận hành vi phạm tội của mình. Viên trung sĩ trực bàn nhìn vào bản cáo trạng dài, lắng nghe câu chuyện của ông và thả ông ra. Lên xe buýt với những người đi làm vào buổi sáng, Stephen cảm thấy rất vui nên ông buộc phải loan báo tin mừng đó cho những người khác trên xe buýt. Ông không chỉ dừng lại ở đó. Stephen tiếp tục trở thành một nhà truyền giáo toàn thời gian và dành cả cuộc đời mình để nói cho những người khác về Chúa Giê-su.

Tại một sự kiện cách đây vài năm, một bà lão đến và muốn được theo Chúa Giê-su. Người phụ nữ đó lại chính là mẹ ruột của Stephen - người đã bỏ rơi ông nhiều năm trước đó!

Sự hiện diện, bảo vệ và bình an của Đức Chúa Trời là một sự kết hợp vô cùng mạnh mẽ. Như chính Stephen đã nói: "Vì tôi xem chính mình là một phép lạ của ân điển Đức Chúa Trời, nên tôi tin rằng quyền năng cứu rỗi tội nhân của Chúa Giê-su Christ vẫn luôn tồn tại. Nếu Ngài có thể thay đổi tôi, thì Ngài hoàn toàn có thể thay đổi bất kỳ ai."

Khi ở giữa những cuộc tấn công, bất kể là từ người lân cận, kẻ thù hay từ chính quyền, bạn đều có thể có được sự bình an khi biết rằng Đức Chúa Trời vẫn đang kiểm soát mọi sự và cả dòng lịch sử này, và Ngài hoàn toàn có thể biến những sự chống đối trở thành cơ hội.

Cầu nguyện

Lạy Chúa, hôm nay con dâng lên Chúa những lời cầu xin của con với tấm lòng biết ơn và con cầu xin sự bình an của Chúa, vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ bảo vệ tấm lòng và tâm trí con trong Chúa Giê-su Christ (xem Phi-líp 4:6–7).

Pippa chia sẻ

II Các Vua 9:1-37

Trong II Các Vua 9, chúng ta thấy Giê-hu đã vô cùng thất vọng bởi những điều đang diễn ra và ông khao khát sự thay đổi. Làm sao chúng ta biết đâu là thời điểm thích hợp để lãnh đạo? Đối với Giê-hu: ông có ân tứ và vị thế. Rồi ông cầu nguyện với Chúa. Ông cũng chia sẻ với bạn bè và đồng nghiệp của mình, họ cũng cho rằng đó là một ý kiến hay (c.13). Sau đó, khi ông đứng lên dẫn dắt, mọi người đã nghe theo ông.

reader

App

Tải xuống ứng dụng Kinh Thánh Trong Một Năm dành cho thiết bị iOS hoặc Android và đọc theo mỗi ngày.

reader

Email

Đăng ký ngay bây giờ để nhận Kinh thánh trong một năm trong hộp thư đến của bạn mỗi sáng. Bạn sẽ nhận được một email mỗi ngày.

reader

Website

Bắt đầu đọc sự tận tâm của ngày hôm nay ngay tại đây trên trang web BiOY.

Read now
reader

Book

Kinh thánh trong một năm bình luận có sẵn như là một cuốn sách.

Tham khảo

Gustave Flaubert, letter to Louise Colet, 14 June 1853

Stephen Lungu, Out of the Black Shadows: The Amazing Transformation of Stephen Lungu (Monarch Books, 2006).

Unless otherwise stated, Scripture quotations taken from the Holy Bible, New International Version Anglicised, Copyright © 1979, 1984, 2011 Biblica, formerly International Bible Society. Used by permission of Hodder & Stoughton Publishers, an Hachette UK company. All rights reserved. ‘NIV’ is a registered trademark of Biblica. UK trademark number 1448790.

Scripture marked (MSG) taken from The Message. Copyright © 1993, 1994, 1995, 1996, 2000, 2001, 2002. Used by permission of NavPress Publishing Group.

This website stores data such as cookies to enable necessary site functionality and analytics. Find out more