Ngày 193

Lời nói của bạn có quyền năng

Khôn ngoan Châm ngôn 16:28-17:4
Tân ước Công vụ 28:17-31
Cựu Ước 2 Các vua 21:1-22:20

Giới thiệu

'Trận chiến nước Anh sắp bắt đầu. Trận chiến này quyết định sự tồn tại của nền văn minh Cơ đốc.' Những lời này nằm trong bài phát biểu của Thủ tướng Anh Winston Churchill trước Hạ viện vào năm 1940. Đôi mặt với thất bại, ông đã khơi dậy tinh thần chiến đấu của cả dân tộc từ mọi ngóc ngách, thúc giục họ gồng mình lên nhận lấy trách nhiệm và gánh vác mình theo cách mà ngàn năm sau người ta vẫn nói 'Đây là giờ phút huy hoàng nhất của họ.' Bài phát biểu đầy sức mạnh, cả nước hưởng ứng và cuối cùng họ đã đạt được một nền hòa bình lâu dài.

Đó là một trong những bài phát biểu định hình thế giới hiện đại, thể hiện sức mạnh của lời nói. Các bài phát biểu đã ảnh hưởng đến kết quả chiến tranh, quyền bầu cử của phụ nữ, nhân quyền và nhiều vấn đề khác.

Sứ đồ Gia-cơ viết rằng mặc dù ‘cái lưỡi là một bộ phận nhỏ nhưng khoe khoang những việc lớn’ (Gia-cơ 3:5). Công cụ nhỏ này có sức mạnh to lớn. Nó có thể gây ra thiệt hại to lớn nhưng cũng có thể mang lại phước lành phi thường. Lưỡi của bạn là một công cụ mạnh mẽ.

Khôn ngoan

Châm ngôn 16:28-17:4

28 Kẻ gian tà gieo điều tranh cạnh,
  Kẻ phỉ báng chia rẽ bạn thân.

29 Kẻ hung bạo quyến dụ bạn mình,
  Và dẫn người vào con đường không tốt.

30 Kẻ nhắm mắt mưu toan điều ác,
  Kẻ bặm môi thực hiện việc gian tà.

31 Tóc bạc là vương miện vinh quang
  Dành cho người đi trong đường công chính.

32 Người chậm giận thắng hơn dũng sĩ,
  Và ai cai trị lòng mình thắng hơn kẻ chiếm lấy thành.

33 Người ta rút thăm trong vạt áo,
  Nhưng mọi quyết định đến từ Đức Giê-hô-va.

17 Thà một miếng bánh khô mà hòa thuận
Còn hơn là nhà đầy thịt tế lễ lại tranh cãi nhau.

2 Một đầy tớ khôn sáng sẽ cai trị trên đứa con hư hỏng của ông chủ,
Và được hưởng cơ nghiệp với các anh em trong nhà.

3 Nồi để luyện bạc, lò để luyện vàng,
Nhưng Đức Giê-hô-va thử lòng của loài người.

4 Kẻ làm ác hướng lòng về môi gian ác;
Kẻ hay nói dối lắng tai nghe lưỡi hiểm độc.

Bình luận

Sức mạnh mang lại hòa bình

Những lời bạn nói có thể mang lại sự sống hoặc sự hủy diệt.

Lời nói có thể gây ra rất nhiều rắc rối. ‘Kẻ gian tà gieo điều tranh cạnh, kẻ phỉ báng chia rẽ bạn thân.’ (16:28). Lời phỉ báng có thể phá vỡ tình bạn.

Điều quan trọng là phải kiểm soát miệng lưỡi của mình: ‘Người chậm giận thắng hơn dũng sĩ’ (c.32, VIE2010).

Bạn có trách nhiệm, không chỉ đối với những lời bạn nói, mà còn đối với những lời bạn nghe. ‘Kẻ làm ác hướng lòng về môi gian ác; Kẻ hay nói dối lắng tai nghe lưỡi hiểm độc’ (17:4, VIE2010). Hãy nhớ rằng bất cứ ai ngồi lê đôi mách với bạn cũng có thể sẽ ngồi lê đôi mách về bạn. Cũng giống như việc nhận đồ ăn trộm, dưới con mắt của Kinh thánh cũng là một tội nghiêm trọng như hành vi trộm cắp; vì vậy nghe chuyện ngồi lê đôi mách cũng tai hại như ngồi lê đôi mách.

Cách bạn nói và cách bạn lắng nghe sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ bầu không khí trong nhà bạn: ‘Thà một miếng bánh khô mà hòa thuận Còn hơn là nhà đầy thịt tế lễ lại tranh cãi nhau.’ (c.1).

Lời nói của bạn rất quyền năng. Hôm nay hãy quyết định nói những lời tích cực, khích lệ về sự sống và ban phước lành ở mọi nơi bạn đến.

Cầu nguyện

Lạy Chúa, xin giúp con tránh xa những cám dỗ của chuyện ngồi lê đôi mách và tránh xa những lời nói độc hại. ‘Hãy ở trong trái tim của mỗi người mà con nói chuyện; trong miệng của mỗi người nói chuyện với cnon.' (Lời cầu nguyện buổi sáng của cộng đồng Northumbria)

Tân ước

Công vụ 28:17-31

Phao-lô tại Rô-ma

17 Sau ba ngày, Phao-lô mời các bậc lãnh đạo của người Do Thái đến; khi họ họp lại, ông nói: “Thưa anh em, dù không làm điều gì chống lại dân tộc hoặc phong tục của tổ phụ chúng ta, tôi đã bị bắt tại Giê-ru-sa-lem và bị nộp vào tay người Rô-ma. 18 Sau khi tra xét tôi, họ muốn trả tự do cho tôi, vì thấy tôi không làm điều gì đáng chết. 19 Nhưng người Do Thái phản đối nên tôi buộc phải khiếu nại lên Sê-sa, chứ tôi không có ý tố cáo dân tộc mình đâu! 20 Vì lý do đó, tôi đã xin gặp và nói chuyện với anh em; chính vì niềm hi vọng của dân Y-sơ-ra-ên mà tôi mang xiềng xích nầy.”

21 Họ đáp: “Chúng tôi không nhận được thư nào từ Giu-đê nói về anh, và cũng chẳng có anh em nào đến đây báo cáo hay là nói xấu về anh nữa. 22 Tuy nhiên, chúng tôi muốn biết anh suy nghĩ thế nào, vì chúng tôi biết giáo phái nầy bị người ta chống đối khắp nơi.”

23 Sau khi định ngày gặp ông, họ đến thăm ông tại nhà trọ rất đông. Từ sáng đến chiều, ông cứ làm chứng và giải nghĩa cho họ về vương quốc Đức Chúa Trời, lấy luật pháp Môi-se và các lời tiên tri mà cố gắng thuyết phục họ về Đức Chúa Jêsus. 24 Một số người chịu thuyết phục bởi lời ông giảng, còn số khác không chịu tin. 25 Vì thế, họ bất đồng với nhau và ra về nên Phao-lô nói thêm lời nầy: “Đức Thánh Linh đã phán thật đúng lắm, khi Ngài dùng nhà tiên tri Ê-sai phán với tổ phụ anh em rằng:

26 ‘Hãy đi đến với dân nầy và nói:
  Các ngươi nghe mà chẳng hiểu gì,
  Các ngươi nhìn mà không thấy chi.
27 Vì lòng dân nầy trở nên tối tăm,
  Tai họ nặng,
  Mắt họ nhắm.
  E rằng mắt họ thấy được,
  Tai họ nghe được,
  Lòng họ hiểu được,
  Và họ trở lại
  Để Ta chữa lành chăng.’

28 Vậy, hãy biết rằng sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời đã được truyền bá cho các dân ngoại và họ sẽ lắng nghe.”

30 Phao-lô ở trọn hai năm tại một nhà thuê. Ông tiếp đón mọi người đến thăm mình, 31 giảng về vương quốc Đức Chúa Trời, và dạy về Chúa là Đức Chúa Jêsus Christ một cách tự do, không bị ai ngăn cấm.

Bình luận

Sức mạnh để thuyết phục và biến đổi

Phước lành lớn nhất mà bạn có thể mang đến cho người khác là dẫn họ tới Chúa Giê-su. Chúa đã giao phó cho bạn những lời mạnh mẽ nhất trong những lời bất cứ ai cũng có thể thốt ra. Sứ điệp của Chúa Giê-su có sức mạnh biến đổi cuộc đời con người.

Có một sức mạnh to lớn trong việc lắng nghe những lời của Đức Chúa Trời. Phao-lô đề cập đến một trong những đoạn được trích dẫn nhiều nhất trong toàn bộ Cựu Ước, Ê-sai 6:9–10: 'Ngài phán: “Hãy đi và nói với dân nầy rằng: ‘Hãy nghe để mà nghe, Nhưng các ngươi sẽ chẳng hiểu gì..." (Công vụ 28:26-27, VIE2010).

Thông điệp Phúc âm thường chia người nghe thành hai phe. Như Phao-lô rao giảng, ‘Một số người chịu thuyết phục bởi lời ông giảng, còn số khác không chịu tin.’ (c.24, VIE2010). Như Ê-sai đã tiên tri, lòng của một số người trở nên chai lì và cứng cỏi trước sứ điệp, trong khi những người khác thì mắt họ thấy được, Tai họ nghe được, Lòng họ hiểu được, Và họ trở lại”, và vì vậy Đức Chúa Trời mang đến sự chữa lành (c.27).

Hình thức giam cầm của Phao-lô bây giờ có vẻ giống quản thúc tại gia hơn. Dù vẫn còn bị xiềng xích (c.20), nhưng ông vẫn có thể triệu tập những người lãnh đạo Do Thái (c.17) và quy tụ một số đông đến nơi ông ở (c.23). Phao-lô nêu gương tốt cho chúng ta bằng cách mở cửa nhà mình để càng nhiều người càng tốt có thể nghe phúc âm (c.30-31).

Trên khắp thế giới ngày nay có sự chống đối lớn đối với Cơ đốc nhân và đức tin Cơ đốc. Phao-lô bị quản thúc tại gia vì niềm tin của mình. Họ nói: “Tuy nhiên, chúng tôi muốn biết anh suy nghĩ thế nào, vì chúng tôi biết giáo phái nầy bị người ta chống đối khắp nơi” (c.22, VIE2010).

Như nhiều Cơ đốc nhân ngày nay phải đối mặt, những cáo buộc chống lại Phao-lô là bịa đặt và không có cơ sở, nhưng ông vẫn bị cầm tù trong một thời gian dài.

Trong bối cảnh đó, chúng ta thấy sức mạnh phi thường trong lời nói của Phao-lô. 'Từ sáng đến chiều, ông cứ làm chứng và giải nghĩa cho họ về vương quốc Đức Chúa Trời, lấy luật pháp Môi-se và các lời tiên tri mà cố gắng thuyết phục họ về Đức Chúa Giê-su.' (c.23, VIE21010) . Trên thực tế, ‘Phao-lô ở trọn hai năm tại một nhà thuê...giảng về vương quốc Đức Chúa Trời, và dạy về Chúa là Đức Chúa Jêsus Christ một cách tự do, không bị ai ngăn cấm.’ (c.30–31, VIE2010).

Những lời của Phao-lô rất mạnh mẽ vì những lời đó tập trung vào Chúa Giê-su. Khi đọc các sách Phúc âm, chúng ta thấy rằng chủ đề chính trong sự dạy dỗ của Chúa Giê-su là vương quốc của Đức Chúa Trời. Khi đọc phần còn lại của Tân Ước, chúng ta thấy rằng chủ đề chính trong sự dạy dỗ của các sứ đồ là Chúa Giê-su Christ. Khi rao giảng Chúa Giê-su, họ rao giảng về Nước Thiên Đàng. Cả hai trở nên gần như đồng nghĩa, như chúng ta thấy ở đây.

Cầu nguyện

Lạy Chúa, cảm ơn Chúa vì chúng con có những lời năng quyền nhất trên thế giới – thông điệp của Chúa Giê-su. Xin giúp con tìm ra những lời thích hợp để giải thích, công bố và thuyết phục người khác, để ‘mắt họ thấy, tai họ nghe, lòng họ hiểu và trở lại’, và được chữa lành (c.27).

Cựu Ước

2 Các vua 21:1-22:20

Vua Ma-na-se thờ hình tượng

21 Ma-na-se lên làm vua khi được mười hai tuổi, và trị vì năm mươi lăm năm tại Giê-ru-sa-lem. Mẹ vua tên là Hép-si-ba. 2 Vua làm điều ác dưới mắt Đức Giê-hô-va, và theo các thói tục gớm ghiếc của các dân tộc mà Đức Giê-hô-va đã đuổi khỏi dân Y-sơ-ra-ên. 3 Vua cho xây lại các nơi cao mà vua cha là Ê-xê-chia đã phá hủy, cũng cho xây bàn thờ Ba-anh, dựng hình tượng A-sê-ra giống như của A-háp, vua Y-sơ-ra-ên, đã làm. Vua quỳ lạy và phụng thờ tất cả các thiên thể. 4 Vua xây các bàn thờ trong đền thờ Đức Giê-hô-va, là nơi Đức Giê-hô-va đã phán rằng: “Chính tại Giê-ru-sa-lem, Ta sẽ đặt danh Ta tại đó.” 5 Trong hai sân của đền thờ Đức Giê-hô-va, vua xây bàn thờ cho các thiên thể. 6 Vua đưa con mình qua lửa để tế thần, thực hành phép chiêm tinh và bói toán, cầu hỏi những đồng cốt và thầy bói. Vua làm quá nhiều điều ác trước mặt Đức Giê-hô-va để chọc giận Ngài.

7 Ma-na-se còn đem tượng A-sê-ra do mình làm đặt trong đền thờ mà Đức Giê-hô-va đã phán với Đa-vít và con vua là Sa-lô-môn rằng: “Chính trong đền thờ nầy và thành Giê-ru-sa-lem mà Ta đã chọn trong các bộ tộc Y-sơ-ra-ên, là nơi Ta sẽ đặt danh Ta ngự đời đời. 8 Nếu Y-sơ-ra-ên tuân giữ mọi điều Ta đã phán dạy, tức là toàn bộ luật pháp mà Môi-se, đầy tớ Ta, đã truyền cho họ thì Ta sẽ chẳng để dân Y-sơ-ra-ên phải bị lưu lạc khỏi miền đất mà Ta đã ban cho tổ phụ họ.” 9 Nhưng họ không vâng lời; họ đã bị Ma-na-se quyến dụ làm những việc gian ác hơn các dân tộc mà Đức Giê-hô-va đã tuyệt diệt khỏi dân Y-sơ-ra-ên.

10 Đức Giê-hô-va đã dùng các nhà tiên tri, là các đầy tớ Ngài, mà phán rằng: 11 “Vì Ma-na-se, vua Giu-đa, đã phạm những điều ghê tởm ấy, làm điều gian ác hơn điều dân A-mô-rít đã làm trước đó, và quyến dụ Giu-đa phạm tội thờ thần tượng, 12 nên Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên phán: ‘Nầy, Ta sẽ giáng trên Giê-ru-sa-lem và trên Giu-đa một tai họa mà bất cứ ai nghe đến cũng phải lùng bùng cả hai tai. 13 Ta sẽ căng trên Giê-ru-sa-lem dây đo Sa-ma-ri và dây dọi nhà A-háp. Ta sẽ quét sạch Giê-ru-sa-lem như người ta chùi rửa cái đĩa, rồi úp nó xuống sau khi chùi rửa xong. 14 Ta sẽ từ bỏ phần sản nghiệp còn sót lại của Ta, phó chúng vào tay kẻ thù. Chúng sẽ trở thành chiến lợi phẩm và miếng mồi cho mọi kẻ thù, 15 vì từ ngày tổ phụ chúng ra khỏi Ai Cập cho đến ngày nay, chúng đã làm điều ác dưới mắt Ta và chọc giận Ta.’”

16 Ngoài những tội Ma-na-se đã phạm và gây cho Giu-đa phạm tội, khiến họ làm điều ác dưới mắt Đức Giê-hô-va, vua cũng đã làm đổ máu nhiều người vô tội, đến nỗi máu ấy tràn ngập Giê-ru-sa-lem từ đầu nầy đến đầu kia.
17 Chẳng phải các việc khác của Ma-na-se, mọi việc vua làm và tội vua đã phạm đều được chép trong sách lịch sử các vua Giu-đa sao? 18 Ma-na-se an giấc cùng tổ phụ mình và được an táng trong vườn của cung vua, tức trong vườn U-xa. Con vua là A-môn lên kế vị.

A-môn kế vị Ma-na-se

19 A-môn lên làm vua lúc được hai mươi hai tuổi, và cai trị hai năm tại Giê-ru-sa-lem. Mẹ vua tên là Mê-su-lê-mết, con gái của Ha-rút, cháu của Giô-ba. 20 Vua làm điều ác dưới mắt Đức Giê-hô-va như vua cha là Ma-na-se đã làm. 21 Trong mọi việc, vua đi theo đường lối của cha đã đi, thờ các thần tượng mà cha vua đã thờ và quỳ lạy trước mặt chúng. 22 Vua đã từ bỏ Giê-hô-va Đức Chúa Trời của tổ phụ mình, không đi theo đường lối của Đức Giê-hô-va.

23 Các triều thần của A-môn mưu phản và giết vua trong cung điện. 24 Nhưng dân trong xứ giết tất cả những kẻ phản lại vua A-môn, và họ tôn con của A-môn là Giô-si-a lên kế vị.

25 Chẳng phải các việc khác của A-môn, và những việc vua làm đều được chép trong sách lịch sử các vua Giu-đa sao? 26 A-môn được an táng trong mộ riêng của mình tại vườn U-xa. Rồi con vua là Giô-si-a lên kế vị.

Giô-si-a làm vua Giu-đa

22 Giô-si-a lên ngôi vua khi được tám tuổi, và cai trị ba mươi mốt năm tại Giê-ru-sa-lem. Mẹ vua tên là Giê-đi-đa, con gái của A-đa-gia, cháu Bốt-cát. 2 Vua làm điều ngay thẳng dưới mắt Đức Giê-hô-va, đi theo trọn con đường của Đa-vít, tổ phụ mình, không tẽ tách bên phải hoặc bên trái.

3 Năm thứ mười tám đời trị vì của Giô-si-a, vua sai thư ký Sa-phan, con trai A-xa-lia, cháu Mê-su-lam, đến đền thờ Đức Giê-hô-va, và dặn rằng: 4 “Hãy lên gặp thầy tế lễ thượng phẩm Hinh-kia, và xin ông kiểm số bạc đã được dâng vào đền thờ Đức Giê-hô-va, tức là số bạc mà những người giữ cửa đền thờ đã thu nơi dân chúng. 5 Hãy giao số bạc ấy cho những người lo việc sửa chữa đền thờ Đức Giê-hô-va để họ giao lại cho thợ sửa chữa các nơi hư nứt của đền thờ, 6 tức là thợ mộc, thợ xây cất và thợ hồ. Họ cũng dùng số bạc đó mua gỗ và đá chẻ để tu bổ đền thờ. 7 Nhưng đừng buộc họ tính sổ về số bạc giao vào tay họ, vì họ làm việc rất trung thực.”

8 Thầy tế lễ thượng phẩm Hinh-kia nói với thư ký Sa-phan: “Tôi đã tìm được quyển luật pháp trong đền thờ Đức Giê-hô-va.” Hinh-kia trao quyển sách đó cho Sa-phan đọc. 9 Sau đó, thư ký Sa-phan đến gặp vua và tâu trình: “Các đầy tớ của bệ hạ đã lấy số bạc có trong đền thờ, và giao tận tay những người phụ trách công việc sửa chữa đền thờ Đức Giê-hô-va.” 10 Thư ký Sa-phan nói tiếp: “Thầy tế lễ thượng phẩm Hinh-kia có đưa cho tôi một quyển sách.” Rồi Sa-phan đọc sách đó cho vua nghe.

11 Vừa nghe các lời của sách luật pháp, vua liền xé áo mình. 12 Vua ra lệnh cho thầy tế lễ Hinh-kia, cho A-hi-cam, con trai Sa-phan, cho Ạc-bồ, con trai Mi-ca-gia, cho thư ký Sa-phan, và cho A-sa-gia, đầy tớ của vua, như sau: 13 “Hãy đi cầu hỏi Đức Giê-hô-va cho ta, cho dân chúng, và cho cả Giu-đa, về các lời chép trong sách mới tìm được. Đức Giê-hô-va nổi giận phừng phừng cùng chúng ta, vì tổ phụ chúng ta đã không nghe theo các lời của sách nầy, và không làm theo điều đã truyền phán cho chúng ta.”

14 Vậy, thầy tế lễ Hinh-kia, A-hi-cam, Ạc-bồ, Sa-phan, và A-sa-gia đi gặp nữ tiên tri Hun-đa, vợ của Sa-lum, người giữ áo lễ, con của Tiếc-va, cháu của Hạt-ha. Bà ấy ở quận hai của thành Giê-ru-sa-lem. Họ trình bày sự việc cho bà.

15 Rồi bà nói với họ: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên phán thế nầy: Hãy nói với người sai các ngươi đến gặp ta rằng 16 Đức Giê-hô-va phán: ‘Ta sắp giáng tai họa trên chỗ nầy và trên dân cư nó, đúng theo mọi lời được chép trong sách mà vua Giu-đa đã đọc. 17 Vì dân nầy đã từ bỏ Ta, xông hương cho các thần khác và chọc giận Ta bằng mọi việc tay chúng làm, nên cơn giận của Ta nổi bừng lên cùng chỗ nầy, không hề nguôi.’ 18 Còn về vua Giu-đa đã sai các ngươi cầu hỏi Đức Giê-hô-va, thì hãy nói với người về các lời người đã nghe rằng Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên phán thế nầy: 19 ‘Khi con nghe lời Ta phán nghịch cùng chỗ nầy và nghịch cùng dân cư nó rằng chỗ nầy sẽ trở nên hoang vu, dân cư bị nguyền rủa, thì con có lòng mềm mại, hạ mình xuống trước mặt Đức Giê-hô-va, xé áo mình và khóc lóc trước mặt Ta. Vì vậy, Ta đã nghe lời cầu nguyện của con. 20 Nầy, Ta sẽ cho con sum họp với các tổ phụ, và con sẽ được an táng nơi phần mộ trong sự bình an. Mắt con sẽ chẳng thấy những điều tai họa mà Ta sắp giáng xuống nơi nầy.’”

Họ trở về tâu lại cho vua những lời ấy.

Bình luận

Sức mạnh để thay đổi một quốc gia

Lịch sử cho thấy lời nói có sức mạnh thay đổi một quốc gia. Vua Ma-na-se (696–641 TCN) là một vị vua độc ác. ‘Vua làm điều ác dưới mắt Đức Giê-hô-va, và theo các thói tục gớm ghiếc... Họ đã bị Ma-na-se quyến dụ làm những việc gian ác ... làm điều gian ác hơn điều dân A-mô-rít đã làm trước đó... vua cũng đã làm đổ máu nhiều người vô tội, đến nỗi máu ấy tràn ngập Giê-ru-sa-lem từ đầu nầy đến đầu kia’ (21:1–16, VIE2010). Con trai của ông là A-môn (641–639 TCN) tiếp tục theo đường lối gian ác của vua (c.20–22).

Sách Sử ký gợi ý rằng ngay cả Ma-na-se cũng có hy vọng vào cuối đời. Không bao giờ là quá muộn và không có tội lỗi nào là quá lớn để nhận được sự tha thứ từ Đức Chúa Trời (xem 2 Sử Ký 33).

Sau chuỗi các vị vua gian ác này thì đến đời vua Giô-si-a (639–609 TCN). Ông là một thanh niên đã lãnh đạo dân tộc của mình trong cuộc đổi mới thuộc linh vĩ đại, phục hồi sự thờ phượng và dẫn dắt dân chúng trở lại mối quan hệ đúng đắn với Đức Chúa Trời. Ông chỉ mới 8 tuổi khi lên ngôi vua (2 Các Vua 22:1). Ông ‘làm điều ngay thẳng dưới mắt Đức Giê-hô-va, đi theo trọn con đường của Đa-vít, tổ phụ mình, không tẽ tách bên phải hoặc bên trái.’ (c.2).

Lời nói có ảnh hưởng mạnh mẽ đến Giô-si-a và cả đất nước:

**1. Sức mạnh của lời được viết ra **

Trong khi họ đang làm việc trong đền thờ, thầy tế lễ thượng phẩm Sa-phan đã tìm thấy ‘Quyển sách Luật pháp’ (c.8). Có vẻ như đó là sách Phục Truyền Luật Lệ Ký.

Sa-phan đã đọc (c.8). Sau đó, Sa-phan đọc sách đó cho vua nghe. Khi nhà vua nghe những lời của Sách Luật, ông đã xé áo choàng của mình (để ăn năn). Ông nhận ra rằng họ đã không tuân theo những lời trong sách này (c.11–13). Điều này dẫn đến một sự thay đổi của tấm lòng, dẫn đến một quốc gia thay đổi.

Điều này nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của lời Chúa được viết ra. Những người trong số các bạn đã vượt qua thử thách đọc toàn bộ Kinh thánh trong một năm đang tham gia vào việc làm một điều gì đó không chỉ thú vị và nhiều thông tin, mà còn khiến thay đổi cuộc sống.

2. Sức mạnh của lời nói

Đức Chúa Trời không chỉ nói với Giô-si-a và dân chúng qua chữ viết, mà Ngài còn phán qua lời tiên tri. Thật thú vị, đó là thông qua một nữ tiên tri – Hun-đa, vợ của Sa-lum (c.14). Điều này cho thấy rằng vị trí của phụ nữ trong chức vụ bắt nguồn từ Cựu Ước và trong lịch sử của dân Chúa.

Hun-đa đã có một chức vụ mạnh mẽ. Thật vậy, nó dường như đã làm lu mờ vai trò thực tế của chồng bà là ‘người giữ áo lễ’ (c.14, VIE2010).

Những lời nói của bà ấy không mâu thuẫn với những lời đã viết trong Kinh Thánh; đúng hơn, lời đó bổ sung và thực sự củng cố thêm lời Kinh Thánh: ‘Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên phán thế nầy: “… Ta đã nghe lời cầu nguyện của con”’ (c.18–19).

Bà ấy nói với họ rằng vì cách họ đáp lại lời của Chúa – họ đã hạ mình xuống và ăn năn – Đức Chúa Trời đã nghe lời họ và đáp lại họ. Phản ứng của họ đối với lời của Đức Chúa Trời đã thay đổi tiến trình lịch sử.

Cầu nguyện

Lạy Chúa, con cầu nguyện cho quốc gia của chúng con - để chúng con một lần nữa có thể khám phá lại sức mạnh của lời Chúa và lắng nghe các vị tiên tri của Chúa, những người nói lời phù hợp với lời của Chúa. Con mong rằng các nhà lãnh đạo và quốc gia của chúng con sẽ ăn năn và tấm lòng họ sẽ được biến đổi.

Pippa chia sẻ

Trong Châm Ngôn 16:31a có nói,

“Tóc bạc là vương miện vinh quang”

Trong xã hội của chúng ta, mái tóc hoa râm không được đánh giá cao lắm, nhưng tôi nghĩ Nicky trông khá tuyệt với mái tóc của anh ấy. Tôi cố gắng giấu mái tóc của tôi!

reader

App

Tải xuống ứng dụng Kinh Thánh Trong Một Năm dành cho thiết bị iOS hoặc Android và đọc theo mỗi ngày.

reader

Email

Đăng ký ngay bây giờ để nhận Kinh thánh trong một năm trong hộp thư đến của bạn mỗi sáng. Bạn sẽ nhận được một email mỗi ngày.

reader

Website

Bắt đầu đọc sự tận tâm của ngày hôm nay ngay tại đây trên trang web BiOY.

Read now
reader

Book

Kinh thánh trong một năm bình luận có sẵn như là một cuốn sách.

Tham khảo

Alan Whiticker, Speeches that Shaped the Modern World (New Holland Publishers, 2005)

Unless otherwise stated, Scripture quotations taken from the Holy Bible, New International Version Anglicised, Copyright © 1979, 1984, 2011 Biblica, formerly International Bible Society. Used by permission of Hodder & Stoughton Publishers, an Hachette UK company. All rights reserved. ‘NIV’ is a registered trademark of Biblica. UK trademark number 1448790.

Scripture marked (MSG) taken from The Message. Copyright © 1993, 1994, 1995, 1996, 2000, 2001, 2002. Used by permission of NavPress Publishing Group.

This website stores data such as cookies to enable necessary site functionality and analytics. Find out more