Ngày 195

Cách để Thờ Phượng Đức Chúa Trời

Khôn ngoan Thi Thiên 84:8-12
Tân ước Rô-ma 1:18-32
Cựu Ước 2 Các Vua 24:8-25:30

Giới thiệu

Trong cuốn sách * Khải tượng và lời hứa nguyện*, Pete Greig kể về việc một nhà phê bình nghệ thuật nổi tiếng đã nghiên cứu một bức tranh tinh xảo ở thời kì Phục hưng của một hoạ sĩ người Ý, tên là Filippino Lippi. Anh ta đứng trong Bảo tàng Quốc gia Luân Đôn nhìn chằm chằm vào bức tranh ở thế kỷ 15 miêu tả về bà Ma-ri bồng Hài nhi Giê-su vào lòng, với các Thánh Đa-minh và Thánh Giê-rô-ni-mô đang quỳ gần bên. Nhưng bức tranh làm anh ta bối rối. Không nghi ngờ gì về khả năng phối màu và phân chia bố cục của Lipp. Nhưng tỷ lệ của bức tranh có vẻ hơi sai lệch. Những ngọn đồi ở phía sau dường như đang được phóng đại, như thể chúng có thể đổ ra khỏi khung hình và tràn trên sàn nhà bóng loáng của phòng trưng bày bất cứ lúc nào. Hai vị thánh đang quỳ cũng trông rất kỳ lạ và không thoải mái.

Nhà phê bình nghệ thuật Robert Cumming không phải là người đầu tiên phê bình tác phẩm của Lippi vì sự phối cảnh nghèo nàn của nó, nhưng ông ấy có thể là người cuối cùng làm như vậy, bởi vì vào thời điểm đó Robert đã có một phát hiện. Ông ấy chợt nhận ra rằng vấn đề có thể là từ chính mình ông. Bức tranh chưa bao giờ được vẽ với ý định được đặt ở bất cứ phòng trưng bày nào. Bức tranh của Lippi đã được vẽ với sứ mạng được treo ở nơi cầu nguyện.

Nhà phê bình trang nghiêm quỳ gối trước bức tranh trong phòng trưng bày. Ông chợt nhìn ra điều mà các thế hệ phê bình nghệ thuật đã bỏ lỡ. Từ góc nhìn mới và thuận lợi hơn, Robert Cumming thấy mình đang nhìn chằm chằm vào một toàn cảnh hoàn toàn cân đối. Tiền cảnh chuyển sang hậu cảnh một cách tự nhiên, trong khi các vị thánh có vẻ ổn định – sự vụng về, lúng túng của họ cũng như của chính bức tranh, đã trở nên uyển chuyển hơn. Giờ đây, bà Ma-ri nhìn thẳng vào anh một cách chăm chú và nhân từ khi anh quỳ dưới chân người và ở giữa hai vị thánh Đa-minh và Giê-rô-ni-mô.

Không phải góc nhìn của bức tranh đã sai trong suốt những năm qua, mà là góc nhìn của những người nhìn vào nó. Robert Cumming, khuỵu gối, đã tìm thấy vẻ đẹp mà Robert Cumming, nhà phê bình nghệ thuật kiêu hãnh đã không thể có được. Bức tranh chỉ trở nên sống động đối với những người quỳ gối cầu nguyện. Góc nhìn đúng chính là ở vị trí của sự thờ phượng

Khôn ngoan

Thi Thiên 84:8-12

8Lạy Giê-hô-va Đức Chúa Trời vạn quân, xin nghe lời cầu nguyện của con;
\t\tĐức Chúa Trời của Gia-cốp ôi, xin Ngài lắng tai nghe.

9Lạy Đức Chúa Trời là cái khiên của chúng con;
\t\tXin đoái xem mặt của người được Chúa xức dầu.
\t\t 10Vì một ngày trong hành lang Chúa
\t\t\tĐáng hơn một nghìn ngày ở nơi khác.
\t\t\tCon đã chọn thà làm người giữ cửa trong nhà Đức Chúa Trời
\t\t\tCòn hơn là sống trong trại kẻ dữ.
\t\t\t 11Vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời là mặt trời và là cái khiên;
\t\t\tĐức Giê-hô-va sẽ ban ân điển và vinh quang;
\t\t\tNgài sẽ chẳng từ chối điều tốt lành nào
\t\t\tCho những người sống cuộc đời trọn vẹn.
\t\t\t 12Lạy Đức Giê-hô-va vạn quân,
\t\t\tPhước cho người nào tin cậy nơi Ngài!

Bình luận

Khám phá những sự phước hạnh trong sự thờ phượng

Không có gì trên thế gian này sánh được với việc thờ phượng Đức Chúa Trời, bước đi trong mối quan hệ mật thiết với Ngài và hưởng ân huệ của Ngài. Đây là điều mà tác giả Thi thiên cầu nguyện: ‘Lạy Giê-hô-va Đức Chúa Trời vạn quân, xin nghe lời cầu nguyện của con... Xin đoái xem mặt của người được Chúa xức dầu’ (c.8–9).

Thi thiên này nói về những phước hạnh khi được thờ phượng Đức Chúa Trời tại Nhà của Đức Giê-hô-va (trong thời kỳ này, tác giả chỉ về đền thờ Giê-ru-sa-lem). Phước cho người nào được ở trong nhà Chúa và 'Họ sẽ ca ngợi Chúa mãi mãi.' (c.4).

Tác giả Thi-thiên nói rằng ông thà dành một ngày trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời còn hơn cả ngàn ngày ở nơi khác: ‘Vì một ngày trong hành lang Chúa, đáng hơn một nghìn ngày ở nơi khác. Con đã chọn thà làm người giữ cửa trong nhà Đức Chúa Trời, còn hơn là sống trong trại kẻ dữ’ (c.10).

Thờ phượng Đức Chúa Trời là kinh nghiệm Ngài như ‘mặt trời’ (c.11), cho chúng ta chìm ngập trong sự sáng và sự ấm áp của Ngài, đồng thời sự thờ phượng cũng như là ‘tấm khiên’ bảo vệ chúng ta khỏi điều ác (c.11).

Ông ấy cầu nguyện cho được sự ơn phước này bởi vì ông ấy biết nó sẽ tuyệt vời như thế nào: ‘Đức Giê-hô-va sẽ ban ân điển và vinh quang; Ngài sẽ chẳng từ chối điều tốt lành nào, cho những người sống cuộc đời trọn vẹn. Lạy Đức Giê-hô-va vạn quân, phước cho người nào tin cậy nơi Ngài!’ (c.11–12).

Cầu nguyện

Chúa ơi, con thờ phượng Ngài ngày hôm nay. Một ngày trong sự hiện diện của Ngài tốt hơn cả nghìn ngày ở nơi khác. Xin giúp con luôn trông cậy và thờ phượng Ngài.

Tân ước

Rô-ma 1:18-32

Tội lỗi của nhân loại

18Cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời từ trên trời được tỏ bày để chống lại mọi sự vô luân và gian ác của những kẻ dùng sự gian ác mà áp chế chân lý. 19Vì những gì người ta có thể biết về Đức Chúa Trời thì đã rõ ràng, bởi Đức Chúa Trời đã bày tỏ cho họ rồi. 20Những gì về Đức Chúa Trời mà mắt trần không thấy được, tức là quyền năng đời đời và thần tính của Ngài, thì ngay từ buổi sáng thế người ta đã nhận thức rõ ràng khi quan sát các tạo vật của Ngài; cho nên họ không thể bào chữa được.

21Vì mặc dù đã biết Đức Chúa Trời, họ vẫn không chịu tôn cao Ngài là Đức Chúa Trời và không tạ ơn Ngài, nhưng cứ suy luận viển vông; lòng dạ ngu muội của họ trở nên tăm tối. 22Họ tự xưng mình là khôn ngoan, nhưng đã trở nên điên dại. 23Họ đã đổi vinh quang của Đức Chúa Trời bất diệt để lấy hình tượng của loài người hư nát, hoặc của chim muông, thú vật, hay loài bò sát.

24Vì thế, Đức Chúa Trời đã phó mặc họ cho những tham dục của lòng mình, rơi vào sự nhơ nhuốc để làm nhục thân thể của nhau, 25vì họ đã đổi chân lý của Đức Chúa Trời để lấy sự dối trá; họ thờ phượng và phục vụ tạo vật thay vì Đấng Tạo Hóa, là Đấng đáng được ca ngợi đời đời! A-men.

26Chính vì lý do đó mà Đức Chúa Trời đã phó mặc họ cho tình dục đáng xấu hổ. Cả đến đàn bà cũng đã đổi cách quan hệ tự nhiên ra cách phản tự nhiên. 27Đàn ông cũng vậy, bỏ cách quan hệ tự nhiên với phụ nữ mà un đốt tình dục lẫn nhau, đàn ông làm điều đồi bại với đàn ông, và chính họ phải chịu sự sửa phạt tương xứng với sự lầm lạc của mình.

28Vì họ không lo nhận biết Đức Chúa Trời, nên Đức Chúa Trời đã phó mặc họ cho một tâm trí bại hoại để làm những điều bất xứng. 29Họ đầy dẫy mọi điều bất chính, gian ác, tham lam, hiểm độc; lòng đầy ganh tị, giết người, gây gổ, dối trá, nham hiểm; 30nói hành, vu khống, thù ghét Đức Chúa Trời, xấc xược, kiêu ngạo, khoe khoang, chuyên làm điều ác, không vâng lời cha mẹ; 31dại dột, bội tín, không có tình người, không có lòng thương xót. 32Họ thừa biết luật của Đức Chúa Trời định rằng những ai phạm các tội như thế là đáng chết. Vậy mà chẳng những họ làm những điều đó, lại còn tán thành cho người khác làm nữa.

Bình luận

Thờ Phượng duy chính Chúa

Bạn trở thành như những gì bạn tôn thờ. Nếu chúng ta tôn thờ những thần tượng vô giá trị, cuộc sống của chúng ta trở nên vô giá trị. Nếu thờ phượng Đức Chúa Trời, cuối cùng chúng ta sẽ trở nên giống như Ngài.

Trong đoạn văn này, sứ đồ Phao-lô bắt đầu phơi bày những điều không ổn trên thế giới. Trọng tâm của vấn đề là nhân loại đã ‘thờ phượng và hầu việc các tạo vật hơn là Đấng Tạo Hóa’ (c.25).

Đức Chúa Trời đã bày tỏ chính mình cụ thể trong Kinh thánh và cuối cùng là trong Chúa Giê-su Christ, người là 'hình ảnh trung thực của bản thể Ngài' (Hê-bơ-rơ 1:3). Nhưng còn những người chưa từng nghe về Tin Lành thì sao? Lập luận của Phao-lô ở đây nói rằng tất cả chúng ta đều “không thể bào chữa được” (Rô-ma 1:20).

Đức Chúa Trời đã tỏ mình ra trong sự sáng tạo của Ngài: 'Vì những gì người ta có thể biết về Đức Chúa Trời thì đã rõ ràng, bởi Đức Chúa Trời đã bày tỏ cho họ rồi. Những gì về Đức Chúa Trời mà mắt trần không thấy được, tức là quyền năng đời đời và thần tính của Ngài, thì ngay từ buổi sáng thế người ta đã nhận thức rõ ràng khi quan sát các tạo vật của Ngài; cho nên họ không thể bào chữa được.’ (c.19–20).

Sự hiểu biết về Đức Chúa Trời này chỉ là một phần và có giới hạn. Nhưng, như tác giả Thi thiên đã nói: ‘Các tầng trời rao truyền vinh quang của Đức Chúa Trời; Bầu trời bày tỏ công việc tay Ngài làm’ (Thi Thiên 19:1).

Chúng ta chỉ cần nhìn vào thế giới được tạo ra để biết rằng phải có một Thượng đế. Vấn đề của thế giới là, bất chấp sự mặc khải của Đức Chúa Trời, ‘họ không chịu thờ phượng Ngài’ (Rô-ma 1:21). ‘Họ vẫn không chịu tôn cao Ngài là Đức Chúa Trời và không tạ ơn Ngài’ (c.21). Thay vào đó, họ ‘thờ phượng và phục vụ các tạo vật’ (c.25).

Vì vậy, sứ đồ Phao-lô viết, ‘Đức Chúa Trời đã phó họ’ (c.24, 26,28). Chúa cho phép chúng ta đi theo con đường riêng của mình để cuối cùng chúng ta có thể rút ra bài học từ những hậu quả khủng khiếp xảy ra sau đó. Cuộc sống quay lưng lại với sự thờ phượng Đức Chúa Trời cuối cùng cũng là vô ích. Như Kinh Thánh đã nói, đó là ‘vô thần và vô tình’ (c.27).

'Nên Đức Chúa Trời đã phó mặc họ cho một tâm trí bại hoại để làm những điều bất xứng' (c.28).

Khi sự thờ phượng Đức Chúa Trời suy giảm, thì đạo đức của một xã hội cũng suy đồi theo. Chúng ta không nên ngạc nhiên rằng khi sự thờ phượng Đức Chúa Trời đã suy giảm trong quốc gia của chúng ta, thì rất nhiều điều được mô tả trong đoạn văn này đã nối gót nó.

Nếu bạn muốn giữ góc nhìn đúng đắn, hãy tập trung vào Chúa Giê-su và tiếp tục thờ phượng và phục vụ Đấng Sáng Tạo của bạn.

Cầu nguyện

Lạy Chúa, con cầu xin cho đất nước chúng con có thể từ bỏ con đường sai trật, thờ phượng các vật thọ tạo và trở về với Đấng Tạo Hóa của chúng con, qua sự thờ phượng chỉ mình Chúa mà thôi.

Cựu Ước

2 Các Vua 24:8-25:30

Giê-hô-gia-kin cai trị. – Giu-đa bị lưu đày lần thứ nhất qua Ba-by-lôn

8Giê-hô-gia-kin lên làm vua khi được mười tám tuổi, và cai trị ba tháng tại Giê-ru-sa-lem. Mẹ vua tên là Nê-hu-ta, con gái của Ên-na-than ở Giê-ru-sa-lem. 9Giê-hô-gia-kin làm điều ác dưới mắt Đức Giê-hô-va giống như tất cả những gì vua cha đã làm.

10Trong lúc đó, quân của Nê-bu-cát-nết-sa, vua Ba-by-lôn, đi lên bao vây thành Giê-ru-sa-lem. 11Nê-bu-cát-nết-sa, vua Ba-by-lôn, đích thân đến đánh thành trong lúc quân lính của vua bao vây thành. 12Giê-hô-gia-kin, vua Giu-đa, cùng với mẹ mình, các thuộc hạ, các quan tướng, và các hoạn quan, ra đầu hàng vua Ba-by-lôn.

Giê-hô-gia-kin bị bắt vào năm thứ tám triều vua Ba-by-lôn. 13Đúng như lời Đức Giê-hô-va đã phán, vua Ba-by-lôn lấy tất cả những bảo vật của đền thờ Đức Giê-hô-va và những bảo vật của cung vua, đập bể các vật dụng bằng vàng mà Sa-lô-môn, vua Y-sơ-ra-ên, đã làm cho đền thờ Đức Giê-hô-va. 14Vua bắt những người ở Giê-ru-sa-lem đi đày, gồm tất cả những quan tướng và các chiến sĩ dũng cảm, tổng cộng là mười nghìn người. Vua cũng bắt tất cả thợ mộc và thợ rèn, không chừa một ai, ngoại trừ những người nghèo khổ nhất trong xứ.

15Vua đày Giê-hô-gia-kin sang Ba-by-lôn cùng với thái hậu, hoàng hậu, các hoạn quan, những người quyền thế trong xứ, 16luôn với bảy nghìn chiến sĩ, tất cả đều là người mạnh dạn và có khả năng chiến đấu, và một nghìn thợ mộc, thợ rèn. Đó là những người mà vua Ba-by-lôn bắt và lưu đày sang Ba-by-lôn. 17Vua Ba-by-lôn lập Ma-tha-nia, cậu của Giê-hô-gia-kin, làm vua thay thế, và đổi tên là Sê-đê-kia.

Sê-đê-kia cai trị Giu-đa

18Sê-đê-kia lên làm vua khi được hai mươi mốt tuổi, và cai trị mười một năm tại Giê-ru-sa-lem. Mẹ vua tên là Ha-mu-ta, con gái của Giê-rê-mi ở Líp-na. 19Vua làm điều ác dưới mắt Đức Giê-hô-va giống như tất cả những gì Giê-hô-gia-kim đã làm. 20Chính vì vậy mà cơn thịnh nộ của Đức Giê-hô-va nổi lên, khiến những điều nầy xảy đến cho Giê-ru-sa-lem và Giu-đa, cho đến khi Ngài đuổi họ khỏi mặt Ngài. Sau đó, Sê-đê-kia nổi lên chống lại vua Ba-by-lôn.

Giê-ru-sa-lem bị bao vây và thất thủ

1Năm thứ chín đời trị vì của vua Sê-đê-kia, ngày mồng mười tháng mười, Nê-bu-cát-nết-sa, vua Ba-by-lôn, cùng toàn quân đến hãm đánh Giê-ru-sa-lem. Vua đóng trại trước thành và đắp chiến lũy chung quanh thành. 2Thành bị bao vây kéo dài đến năm thứ mười một đời trị vì của vua Sê-đê-kia.

3Vào ngày mồng chín tháng ấy, nạn đói trong thành trở nên trầm trọng đến nỗi dân chúng không có bánh ăn. 4Bấy giờ, tường thành bị chọc thủng. Trong đêm, tất cả quân lính đều trốn thoát ra cửa nằm giữa hai vách thành, gần vườn của vua. Trong khi quân Canh-đê đang bao vây thành thì vua Giu-đa chạy trốn theo hướng A-ra-ba. 5Đạo quân Canh-đê đuổi theo và bắt kịp vua trong đồng bằng Giê-ri-cô. Tất cả binh lính của vua đều bỏ vua chạy tán loạn. 6Quân Canh-đê bắt vua, dẫn đến vua Ba-by-lôn ở Ríp-la. Tại đó, chúng kết tội Sê-đê-kia.

7Chúng giết các con trai Sê-đê-kia trước mắt người. Rồi chúng móc mắt Sê-đê-kia, xiềng người bằng xích đồng, và dẫn đến Ba-by-lôn.

8Ngày mồng bảy tháng năm, năm thứ mười chín đời trị vì của Nê-bu-cát-nết-sa, vua Ba-by-lôn, quan chỉ huy vệ binh Nê-bu-xa-ra-đan, thuộc hạ của vua Ba-by-lôn, đến Giê-ru-sa-lem. 9Ông thiêu hủy đền thờ Đức Giê-hô-va, cung vua, và tất cả nhà cửa trong thành Giê-ru-sa-lem; đốt luôn nhà của những người quyền quý. 10Rồi đạo quân Canh-đê vâng lệnh quan chỉ huy vệ binh phá đổ vách thành chung quanh Giê-ru-sa-lem. 11Quan chỉ huy vệ binh Nê-bu-xa-ra-đan bắt dân cư còn sót lại trong thành, cùng với những kẻ đào ngũ đã theo vua Ba-by-lôn trước kia, và đám dân còn lại khác, mà dẫn đi lưu đày. 12Quan chỉ huy vệ binh chỉ chừa lại trong xứ những người nghèo khổ nhất để trồng nho và làm ruộng.

13Quân Canh-đê đập bể những trụ đồng, đế bằng đồng và cái bể nước bằng đồng trong đền thờ Đức Giê-hô-va, rồi đem đồng ấy về Ba-by-lôn. 14Chúng cũng đem đi những nồi đồng, vá, dao, chén, và tất cả những vật dụng bằng đồng dùng vào việc thờ phượng. 15Quan chỉ huy vệ binh cũng lấy đem đi những lư hương, chậu, và các vật bằng vàng, bằng bạc.

16Còn hai cây trụ, cái bể nước bằng đồng, và các đế bằng đồng mà Sa-lô-môn đã làm cho đền thờ Đức Giê-hô-va thì người ta không thể cân được số lượng đồng của các vật ấy, vì quá nhiều. 17Mỗi cây trụ cao chín mét, trên trụ có đầu trụ bằng đồng cao một mét rưỡi, có lưới và trái lựu cũng bằng đồng bao quanh. Cây thứ nhì trang trí bằng lưới giống như cây trước.

18Quan chỉ huy vệ binh bắt thầy tế lễ thượng phẩm Sê-ra-gia, thầy phó tế Sô-phô-ni, và ba người canh giữ cửa đền thờ; 19cũng bắt trong thành một hoạn quan chỉ huy các chiến sĩ, năm người trong các cận thần của vua, thư ký của tướng chỉ huy quân đội lo việc tuyển quân trong xứ, cùng với sáu mươi người của xứ cũng ở trong thành. 20Quan chỉ huy vệ binh Nê-bu-xa-ra-đan bắt dẫn tất cả những người ấy đến vua Ba-by-lôn, tại Ríp-la. 21Vua Ba-by-lôn cho giết họ tại Ríp-la, trong xứ Ha-mát.

Như vậy, dân Giu-đa bị bắt đày đi khỏi xứ mình.

22Còn về dân cư mà Nê-bu-cát-nết-sa đã để lại trong xứ Giu-đa thì vua Ba-by-lôn đặt Ghê-đa-lia, con trai A-hi-cam, cháu Sa-phan, làm tổng đốc. 23Khi các quan tướng là Ích-ma-ên, con trai Nê-tha-nia; Giô-ha-nan, con trai Ca-rê-át; Sê-ra-gia, con trai Tan-hu-mết ở Nê-tô-pha; Gia-a-xa-nia, con trai của Ma-ca-thít, và những quân lính của họ, hay rằng vua Ba-by-lôn đã đặt Ghê-đa-lia làm tổng đốc thì họ đến gặp ông tại Mích-pa. 24Ghê-đa-lia thề với họ và quân lính của họ rằng: “Đừng sợ các quan chức người Canh-đê. Hãy ở trong xứ, thần phục vua Ba-by-lôn thì anh em sẽ được bình an.
25Nhưng vào tháng thứ bảy, Ích-ma-ên, con trai Nê-tha-nia, cháu Ê-li-sa-ma, thuộc dòng dõi vua, đem theo mười người đến Mích-pa đánh giết Ghê-đa-lia, cùng với người Giu-đa và người Canh-đê ở với ông. 26Toàn dân từ nhỏ đến lớn, và những quan tướng đều lên đường đến Ai Cập vì sợ người Canh-đê báo thù.

Giê-hô-gia-kin được ân xá

27Vào ngày hai mươi bảy tháng mười hai, năm thứ ba mươi bảy kể từ ngày Giê-hô-gia-kin, vua Giu-đa, bị bắt giam, tức là năm đầu trị vì của Ê-vinh Mê-rô-đác, vua Ba-by-lôn, thì vua nầy ân xá cho Giê-hô-gia-kin, vua Giu-đa, và đưa ra khỏi ngục. 28Vua Ba-by-lôn nói với Giê-hô-gia-kin cách hòa nhã, và đặt ngai người cao hơn ngai các vua đang bị giam tại Ba-by-lôn với vua. 29Vua Ba-by-lôn cho thay áo tù của Giê-hô-gia-kin và cho người ăn đồng bàn với mình trọn đời người. 30Mỗi ngày, Giê-hô-gia-kin được vua Ba-by-lôn cấp dưỡng cho đến khi qua đời.

Bình luận

Cầu nguyện cho một sự phục hồi của sự thờ phượng

Khi chúng ta nhìn quanh xã hội của mình, đôi khi có vẻ như chúng ta đang ở trong một kiểu lưu vong. Có vẻ như nhà thờ đang bị huỷ phá.

Trong phân đoạn này, chúng ta thấy rằng dân Chúa đã từng trải qua những thời kỳ tuyệt vọng trong quá khứ. Tuy nhiên, chúng ta cũng nhìn thấy hy vọng trong tương lai.

Khi sách Các Vua kết thúc, chúng ta đọc về những hậu quả khủng khiếp của một quốc gia đã làm đúng như những gì sứ đồ Phao-lô mô tả trong đoạn Kinh Thánh Tân Ước cho chúng ta ngày nay. Họ đã từ bỏ việc thờ phượng Đức Chúa Trời để thờ thần tượng (các vật thọ tạo).

Kết quả là chúng ta thấy Giê-ru-sa-lem và đền thờ bị phá hủy, dân chúng phải đi lưu đày.

Trong thời trị vì của Giê-hô-gia-kin (597 TCN), ‘Vua Nê-bu-cát-nết-sa của Ba-by-lôn tiến vào Giê-ru-sa-lem và bao vây thành’ (24:10). Tất cả những quan tướng và các chiến sĩ dũng cảm đã bị lưu đày (c.14).

Vị vua kế tiếp được bổ nhiệm bởi vua Ba-by-lôn. Sê-dê-kia (597–587 TCN) cũng không khá hơn và mọi thứ ngày càng trở nên tồi tệ hơn khi mà Nê-bu-cát-nết-sa một lần nữa bao vây Giê-ru-sa-lem (chương 25). Lần này, kết cục còn thảm khốc hơn, Nê-bu-cát-nết-sa ‘đốt đền thờ Đức Giê-hô-va, cung điện hoàng gia và mọi nhà cửa của Giê-ru-sa-lem. Mọi tòa nhà của những người quyền quý đều bị ông đốt phá’ (25:9). Dân chúng bị ‘đem đi lưu đày’ (c.11), ‘Giu-đa bị lưu đày khỏi xứ mình’ (c.21).

Chúng ta được cho biết, ‘Chính vì vậy mà cơn thịnh nộ của Đức Giê-hô-va nổi lên, khiến những điều nầy xảy đến cho Giê-ru-sa-lem và Giu-đa, cho đến khi Ngài đuổi họ khỏi mặt Ngài’ (24:20).

Tất cả những sự kiện này cần được đọc thêm trong sách Giê-rê-mi và Ê-xê-chi-ên – hai nhà tiên tri đang thi hành chức vụ vào thời điểm này (Đặc biệt ở trong Giê-rê-mi 13:18, Giê-rê-mi 39 và 52, Ê-xê-chi-ên 12 và 24). Sự mất mát lớn nhất cho dân Chúa là sự phá hủy của đền thờ. Đây là nơi họ thờ phượng Đức Chúa Trời và kinh nghiệm sự hiện diện của Ngài. Giờ đây, họ bị ‘đuổi’ khỏi mặt Ngài (2 Các Vua 24:20). Đây sẽ là tác động tồi tệ nhất của cuộc lưu đày.

Tuy nhiên, sách Các Vua kết thúc với một tia hy vọng nhỏ nhoi. Vào năm thứ ba mươi bảy kể từ khi Giê-hô-gia-kin vua Giu-đa bị lưu đày, ông được ra tù (25:27). Ông thường xuyên được mời để ngồi ăn trọn đời người tại bàn của nhà vua (c.29). Cuộc lưu đày sẽ không kéo dài mãi mãi. Đây là một sự nhắc nhở về những điều tốt đẹp hơn sẽ đến. Dân Chúa sẽ trở về sau cuộc lưu đày và xây dựng lại đền thờ và bắt đầu vui hưởng sự hiện diện của Chúa và sự thờ phượng Chúa một lần nữa.

Cầu nguyện

Lạy Chúa, con kêu xin Chúa cho sự phục hồi và sự phục hưng. Cầu xin Chúa hãy khôi phục lại Đền Thánh của Ngài trên đất nước này. Xin Cha hãy phục hưng chúng con một lần nữa. Cầu xin đất nước chúng con quay trở lại với Chúa, bắt đầu tôn thờ Ngài. Xin cho chúng con kinh nghiệm Chúa qua sự hiện diện của Ngài và quỳ gối nhiều hơn nữa trước Chúa và cho chúng con được nhìn mọi thứ từ góc nhìn của sự thờ phượng.

Pippa chia sẻ

Trong Thi Thiên 84:11b có chép:

[Ngài] sẽ chẳng từ chối điều tốt lành nào cho những người sống cuộc đời trọn vẹn.

Tôi đã suy ngẫm về điều này. Thật tuyệt vời thay khi ‘Chúa không giữ lại điều tốt lành nào’. Nhưng tôi thường ước rằng nó 'dành cho những người làm khá tốt, không quá tệ' bởi vì 'không chê vào đâu được' là một tiêu chuẩn rất cao. Đó là lý do tại sao chúng ta cần thập tự giá của Đấng Christ vì chúng ta không thể tự mình sống cuộc đời trọn vẹn được.

reader

App

Tải xuống ứng dụng Kinh Thánh Trong Một Năm dành cho thiết bị iOS hoặc Android và đọc theo mỗi ngày.

reader

Email

Đăng ký ngay bây giờ để nhận Kinh thánh trong một năm trong hộp thư đến của bạn mỗi sáng. Bạn sẽ nhận được một email mỗi ngày.

reader

Website

Bắt đầu đọc sự tận tâm của ngày hôm nay ngay tại đây trên trang web BiOY.

Read now
reader

Book

Kinh thánh trong một năm bình luận có sẵn như là một cuốn sách.

Tham khảo

Pete Greig, The Vision and the Vow, (Nhà xuất bản Kingsway, 2005) pp.17-18

Trừ khi có quy định khác, các đoạn trích dẫn được lấy từ Kinh thánh, Phiên bản quốc tế mới được Anh hóa, Bản quyền © 1979, 1984, 2011 Biblica, tiền thân là Hiệp hội Kinh thánh Quốc tế. Cuốn sách được sử dụng với sự cho phép của Nhà xuất bản Hodder & Stoughton, một công ty của Hachette UK và đã được đăng ký bản quyền. 'NIV' là thương hiệu đã đăng ký của Biblica. Số nhãn hiệu Vương Quốc Anh: 1448790.

Các trích dẫn Kinh Thánh được ký hiệu (MSG) được lấy từ The Message. Copyright © 1993, 1994, 1995, 1996, 2000, 2001, 2002 và đã được cho phép sử dụng với sự cho phép của NavPress Publishing Group.

This website stores data such as cookies to enable necessary site functionality and analytics. Find out more