Trọn vẹn trong sự yếu đuối
Giới thiệu
Tôi liên tục nhận được những cuộc điện thoại kiểu thế này. Chúng chủ yếu đến từ những người lãnh đạo Hội thánh. Họ đến từ nhiều chức vụ khác nhau trong Hội thánh. Đó luôn là những cuộc điện thoại dài. Tất cả những người gọi đến đều muốn biết: ‘Làm thế nào mà bạn có được nhiều người từ bên ngoài Hội thánh đến như vậy?’ ‘Alpha chính xác là gì?’ ‘Bạn đã chạy khóa Alpha như thế nào?’
Tôi nghĩ có lẽ giải pháp tốt nhất là tập hợp họ lại một nơi và kể cho họ cùng một lúc. Kết quả là chúng tôi đã tổ chức Hội nghị Alpha đầu tiên vào tháng 5 năm 1993. Chúng tôi ngạc nhiên khi có hàng nghìn lãnh đạo Hội thánh xuất hiện. Tôi còn khá mới mẻ với mục vụ Cơ đốc và vô cùng lo sợ khi nghĩ đến hàng nghìn lãnh đạo Hội thánh, hầu hết trong số họ đều có nhiều kinh nghiệm trong mục vụ hơn tôi rất nhiều.
Những lời của sứ đồ Phao-lô trong đoạn Tân Ước hôm nay dường như đã tóm tắt chính xác cảm giác của tôi. Tôi đọc chúng cho các đại biểu trong phần mở màn hội nghị:
Thưa anh em, khi đến với anh em, tôi không dùng những lời cao siêu hay khôn ngoan để công bố sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời cho anh em. Vì ở giữa anh em, tôi đã quyết định không biết gì khác ngoài Đức Chúa Jêsus Christ, và Đức Chúa Jêsus Christ bị đóng đinh vào thập tự giá. Chính tôi đã ở giữa anh em trong sự yếu đuối, với lắm sợ hãi và run rẩy. Ngôn từ và sứ điệp của tôi không dựa vào những lời lẽ khôn khéo để thuyết phục, nhưng chính là sự thể hiện quyền năng của Thánh Linh; để đức tin của anh em không dựa trên sự khôn ngoan của loài người, mà trên quyền năng của Đức Chúa Trời. (I Cô-rinh-tô 2:1–5)
Tôi nghĩ một khi tôi đã giải thích Alpha là gì cho nhóm lãnh đạo Hội thánh này, tôi sẽ không bao giờ phải giải thích điều đó với bất kỳ ai nữa. Nhưng trên thực tế, đến cuối hội nghị chúng tôi đã được mời tổ chức thêm nhiều hội thảo nữa. Trong những năm qua chúng tôi đã thực hiện hàng trăm hội nghị. Tại mỗi Hội nghị Alpha, tôi bắt đầu bằng việc đọc I Cô-rinh-tô 2:1–5. Tôi luôn cảm thấy lo lắng. Luôn có một sự ‘yếu đuối, với lắm sợ hãi và run rẩy’. Nhưng tôi tạ ơn Chúa vì điều đó không phụ thuộc vào những lời nói khôn ngoan và thuyết phục mà phụ thuộc vào sự thể hiện quyền năng của Thánh Linh. Và quyền năng của Chúa được thể hiện trọn vẹn trong sự yếu đuối (II Cô-rinh-tô 12:9).
‘Sự yếu đuối’, ‘sợ hãi’ và ‘run rẩy’ có mặt tốt của nó. Và cả mặt xấu. Trong các đoạn Kinh Thánh hôm nay, chúng ta sẽ thấy cả mặt tốt lẫn mặt xấu của sự yếu đuối, sợ hãi và run rẩy.
Thi thiên 91:1-8
An ninh trong Đấng Chí Cao
1Người nào ở nơi kín đáo của Đấng Chí Cao,
Sẽ hằng được ở dưới bóng của Đấng Toàn Năng.
2Tôi thưa với Đức Giê-hô-va rằng: “Ngài là nơi nương náu con và là đồn lũy con;
Cũng là Đức Chúa Trời của con, con tin cậy nơi Ngài.”
3Vì Ngài sẽ giải cứu ngươi khỏi bẫy chim
Và khỏi dịch lệ độc hại.
4Ngài sẽ lấy lông Ngài mà che chở ngươi
Và dưới cánh Ngài ngươi sẽ được nương náu mình;
Sự thành tín của Ngài là cái khiên và cái mộc của ngươi.
5Ngươi sẽ chẳng sợ sự kinh khiếp ban đêm
Hoặc tên bay ban ngày,
6Hoặc dịch lệ lây ra trong tối tăm
Hay là sự hủy diệt phá hoại đang lúc trưa.
7Sẽ có nghìn người sa ngã bên ngươi,
Và vạn người sa ngã bên phải ngươi.
Nhưng tai họa sẽ chẳng đến gần ngươi.
8Ngươi chỉ lấy mắt mình nhìn xem
Và sẽ thấy sự báo trả cho kẻ ác.
Bình luận
Sợ hãi và đức tin
Tác giả Thi Thiên viết: ‘Ngươi sẽ chẳng sợ’ (c. 5). Ông đã đưa ra phương thuốc chữa trị sự ‘sợ hãi’ theo nghĩa xấu của từ này. Ông viết: ‘Ngươi sẽ chẳng sợ sự kinh khiếp ban đêm hoặc tên bay ban ngày, hoặc dịch lệ lây ra trong tối tăm hay là sự hủy diệt phá hoại đang lúc trưa.’ (c.5–6).
Phương thuốc chữa trị nỗi sợ hãi là mối quan hệ mật thiết với Chúa – ở 'nơi kín đáo của Đấng Chí Cao’ và ‘ở dưới bóng của Đấng Toàn Năng’ (c.1). Ngược lại với sự sợ hãi là tin cậy vào Chúa (c.2).
Có một mối liên hệ chặt chẽ giữa điều bạn nghĩ và điều bạn nói. Những gì bạn nghĩ sẽ ra qua lời nói của bạn. Nhưng ngoài ra, lời nói của bạn có thể ảnh hưởng đến suy nghĩ của bạn. Những gì bạn nói với Chúa có thể thay đổi suy nghĩ của bạn. Tác giả Thi Thiên bảo chúng ta hãy lớn tiếng nói về sự tốt lành của Chúa: ‘Tôi thưa với Đức Giê-hô-va rằng: “Ngài là nơi nương náu con và là đồn lũy con; cũng là Đức Chúa Trời của con, con tin cậy nơi Ngài.”' (c.2).
Ngài hứa sẽ giải cứu bạn ‘khỏi bẫy chim và khỏi dịch lệ độc hại. Ngài sẽ lấy lông Ngài mà che chở ngươi và dưới cánh Ngài ngươi sẽ được nương náu mình; Sự thành tín của Ngài là cái khiên và cái mộc của ngươi.’ (c.3–4).
Sự sợ hãi có thể phá hủy niềm vui hiện tại của bạn. Đức Chúa Trời đã khiến Chúa Giê-su sống lại từ cõi chết. Khi làm như vậy, Ngài đã giải thoát bạn khỏi nỗi sợ chết và tất cả những nỗi sợ hãi đi kèm với nó. 'Dưới cánh Ngài ngươi sẽ được nương náu mình’ (c.4). Bạn không cần phải lo sợ về tương lai và bạn có thể tận hưởng hiện tại mà không sợ hãi.
Cầu nguyện
Lạy Chúa, cảm ơn Ngài vì con có thể ở trong nơi trú ẩn của Ngài và nghỉ ngơi dưới bóng của Ngài. Hôm nay con nói với Chúa: Ngài là ‘nơi nương náu con và là đồn lũy con’ (c.2). Con sẽ tin cậy nơi Ngài.
I Cô-rinh-tô 1:18-2:5
Sự khôn ngoan của thế gian và thập tự giá
18Vì sứ điệp của thập tự giá đối với những người hư mất là điên rồ; nhưng với chúng ta, những người được cứu chuộc, thì đó là quyền năng của Đức Chúa Trời. 19Bởi có lời chép:
“Ta sẽ triệt hạ sự khôn ngoan của người khôn ngoan,
Tiêu trừ sự thông thái của người thông thái.”
20Người khôn ngoan ở đâu? Các thầy thông giáo ở đâu? Những người biện luận của đời nầy ở đâu? Chẳng phải Đức Chúa Trời đã làm cho sự khôn ngoan của thế gian ra điên rồ sao? 21Vì Đức Chúa Trời, bởi sự khôn ngoan của Ngài, đã khiến thế gian không thể dùng khôn ngoan riêng của mình để hiểu biết Ngài, nên Ngài vui lòng dùng sự rao giảng bị xem là điên rồ của chúng ta để cứu những người tin. 22Trong lúc người Do Thái đòi hỏi dấu lạ, người Hi Lạp tìm kiếm sự khôn ngoan 23thì chúng tôi rao giảng Đấng Christ bị đóng đinh vào thập tự giá, điều mà người Do Thái cho là sai lầm, còn dân ngoại cho là điên rồ. 24Nhưng đối với những người được kêu gọi, cả Do Thái lẫn Hi Lạp, thì Đấng Christ là quyền năng và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. 25Vì điều xem như điên rồ của Đức Chúa Trời còn khôn ngoan hơn loài người; điều xem như yếu đuối của Đức Chúa Trời còn mạnh hơn loài người.
26Thưa anh em, hãy suy nghĩ lúc anh em được kêu gọi, trong anh em không có mấy người khôn ngoan theo tiêu chuẩn đời nầy, không mấy ai có quyền thế, cũng chẳng có mấy người thuộc dòng quý tộc. 27Nhưng Đức Chúa Trời đã chọn những điều dại dột ở thế gian để làm hổ thẹn những người khôn ngoan; Đức Chúa Trời đã chọn những gì yếu đuối ở thế gian để làm hổ thẹn những người mạnh mẽ. 28Đức Chúa Trời đã chọn những gì thấp kém, bị khinh chê ở thế gian, ngay cả những gì không có, để làm cho những gì đã có ra hư không, 29để không một người nào có thể khoe khoang trước mặt Đức Chúa Trời. 30Vì nhờ Ngài mà anh em được ở trong Đấng Christ Jêsus, Đấng mà Đức Chúa Trời đã làm nên sự khôn ngoan, công chính, thánh khiết và sự cứu chuộc cho chúng ta; 31 cho nên, như lời đã chép:
“Ai tự hào, hãy tự hào trong Chúa.”
\t
Phương cách và mục đích giảng dạy của Phao-lô
2 Thưa anh em, khi đến với anh em, tôi không dùng những lời cao siêu hay khôn ngoan để công bố sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời cho anh em. 2Vì ở giữa anh em, tôi đã quyết định không biết gì khác ngoài Đức Chúa Jêsus Christ, và Đức Chúa Jêsus Christ bị đóng đinh vào thập tự giá. 3Chính tôi đã ở giữa anh em trong sự yếu đuối, với lắm sợ hãi và run rẩy. 4Ngôn từ và sứ điệp của tôi không dựa vào những lời lẽ khôn khéo để thuyết phục, nhưng chính là sự thể hiện quyền năng của Thánh Linh; 5để đức tin của anh em không dựa trên sự khôn ngoan của loài người, mà trên quyền năng của Đức Chúa Trời.
Bình luận
Sức mạnh trong sự yếu đuối
Sứ đồ Phao-lô viết: ‘Chính tôi đã ở giữa anh em trong sự yếu đuối, với lắm sợ hãi và run rẩy.’ (2:3). Ông cảm thấy hoàn toàn không đủ khả năng cho nhiệm vụ mà Chúa đã kêu gọi ông thực hiện, ‘Ngôn từ và sứ điệp của tôi không dựa vào những lời lẽ khôn khéo để thuyết phục, nhưng chính là sự thể hiện quyền năng của Thánh Linh’ (c.4).
Sự yếu kém về đạo đức và sự hèn nhát không phải là đức tính tốt. Tuy nhiên, như chúng ta thấy trong đoạn Kinh Thánh này, sự yếu đuối, sợ hãi và run rẩy cũng có mặt tốt của nó.
Chúa đảo ngược mọi việc. Thập giá đã đảo lộn mọi thứ: ‘Vì sứ điệp của thập tự giá đối với những người hư mất là điên rồ; nhưng với chúng ta, những người được cứu chuộc, thì đó là quyền năng của Đức Chúa Trời.’ (1:18).
Chúa Giê-su chết như một tội phạm quốc gia. Ngài chết trên một dụng cụ tra tấn của người La Mã - một cái chết dành riêng cho những kẻ hèn hạ và bị khinh miệt nhất trong xã hội La Mã. Thập giá đã không trở thành biểu tượng của Cơ đốc giáo trong một trăm năm. Bị đóng đinh có nghĩa là sự yếu đuối, tủi nhục và thất bại.
Vào thời điểm này, Cô-rinh-tô là trung tâm trí tuệ của thế giới. Đó là nơi của các nhà tranh luận, thầy thông giáo, giảng viên và triết gia. Đầu óc và trí tuệ được đánh giá cao.
Thông điệp phúc âm mà chúng ta công bố dường như hoàn toàn ngu ngốc đối với nhiều người thông minh: rằng Chúa Jêsus chết trên thập tự giá hai nghìn năm trước có thể biến đổi hoàn toàn cuộc sống của bạn, dường như là “sai lầm” đối với giới trí thức và là một sự “điên rồ.” (c.23), thậm chí đối với nhiều người theo tôn giáo.
Tuy nhiên, thông điệp đơn giản này sẽ cứu những ai tin: 'Vì Đức Chúa Trời, bởi sự khôn ngoan của Ngài, đã khiến thế gian không thể dùng khôn ngoan riêng của mình để hiểu biết Ngài, nên Ngài vui lòng dùng sự rao giảng bị xem là điên rồ của chúng ta để cứu những người tin... Vì điều xem như điên rồ của Đức Chúa Trời còn khôn ngoan hơn loài người; điều xem như yếu đuối của Đức Chúa Trời còn mạnh hơn loài người.' (c.21,25).
Khi nhìn quanh, chúng ta có thể thấy một điều vẫn đúng trong thời nay là không có nhiều người trong Hội thánh là ‘người sáng giá nhất và giỏi nhất’. Không có nhiều người 'có tầm ảnh hưởng'. Và không có nhiều người ‘thuộc dòng quý tộc.’ (v.26). Nhưng điều vẫn đúng ngày nay là Đức Chúa Trời ‘đã chọn những điều dại dột ở thế gian để làm hổ thẹn những người khôn ngoan’. Ngài ‘chọn những gì yếu đuối ở thế gian để làm hổ thẹn những người mạnh mẽ.’ (c.27).
Đừng xấu hổ khi rao ra một thông điệp rất đơn giản, có vẻ như là điều ngu ngốc đối với rất nhiều người. Không cần thiết phải cố gắng tô điểm nó bằng “lời cao siêu hay khôn ngoan” (2:1). Tập trung vào thông điệp ‘Đức Chúa Jêsus Christ, và Đức Chúa Jêsus Christ bị đóng đinh vào thập tự giá.’ (c.2). Như Eugene Peterson dịch, ‘Tôi cố ý giữ nó rõ ràng và đơn giản; đầu tiên là Chúa Giê-su và Ngài là ai; sau đó là Chúa Giê-su và những gì Ngài đã làm – Chúa Giê-su bị đóng đinh’ (câu 2).
Việc cảm thấy 'yếu đuối, với lắm sợ hãi và run rẩy’ là điều bình thường (c.3). Điều quan trọng không phải là bạn có sử dụng “lời lẽ khôn khéo để thuyết phục” hay không mà là “sự thể hiện quyền năng của Thánh Linh” (c.4). Và sức mạnh của Ngài được thể hiện trọn vẹn trong sự yếu đuối của chúng ta. Thông thường chỉ khi chúng ta cảm thấy yếu đuối thì chúng ta mới sẵn sàng nương cậy hoàn toàn vào Chúa. Phao-lô hoàn toàn lệ thuộc vào Đức Thánh Linh để phán qua ông. Dù bạn cảm thấy không thỏa đáng, nếu bạn cầu xin Chúa Thánh Linh nói qua bạn, Ngài sẽ làm như vậy.
Cầu nguyện
Lạy Chúa, cảm ơn Chúa vì thông điệp của Chúa Giê-su và Ngài bị đóng đinh, đó là quyền năng của Đức Chúa Trời. Cám ơn Chúa vì con không cần lời cao siêu hay trí tuệ siêu việt. Mặc dù con nói trong sự yếu đuối, sợ hãi và run rẩy, nhưng con cầu nguyện rằng Ngài đồng hành với việc rao giảng sứ điệp đó bằng việc bày tỏ quyền năng của Thánh Linh.
I Sử ký 19:1-22:1
Vua dân Am-môn sỉ nhục các sứ giả của Đa-vít
(II Sa 10:1-5)
1Sau các việc đó, vua dân Am-môn là Na-hách băng hà, và con trai vua lên kế vị. 2Đa-vít nói: “Ta muốn bày tỏ tình thân thiện với Ha-nun, con của Na-hách, như cha vua ấy đã đối xử với ta.” Đa-vít sai sứ giả đến an ủi Ha-nun về việc thân phụ vua ấy băng hà. Vậy, các đầy tớ của Đa-vít đến gặp Ha-nun trong xứ dân Am-môn để phân ưu. 3Nhưng các quan trưởng dân Am-môn tâu với Ha-nun: “Vua tưởng rằng Đa-vít sai sứ giả đến an ủi vua là vì tôn kính thân phụ vua sao? Các đầy tớ hắn đến với vua chẳng phải là để xem xét và do thám xứ để hủy diệt đó sao?” 4Ha-nun bắt các sứ giả của Đa-vít cạo râu và cắt một nửa áo của họ cho đến mông, rồi đuổi về. 5Vậy họ ra đi. Có người đến trình cho Đa-vít biết mọi việc. Vua sai người đi đón họ, vì họ rất xấu hổ. Vua bảo: “Hãy ở tại Giê-ri-cô cho đến khi râu các ngươi mọc lại rồi hãy trở về.”
Dân Am-môn, A-ram và đồng minh bị bại trận
6Khi dân Am-môn thấy Đa-vít ghê tởm chúng thì Ha-nun và dân Am-môn sai người đem ba mươi tấn bạc đi đến Mê-sô-pô-ta-mi, A-ram Ma-a-ca, và Xô-ba, để thuê chiến xa và kỵ binh. 7Chúng thuê ba mươi hai nghìn cỗ xe và thuê cả vua xứ Ma-a-ca cùng với quân lính của vua nữa. Chúng kéo đến đóng tại trước Mê-đê-ba. Dân Am-môn từ các thành của chúng tập hợp lại để ra trận. 8Hay tin đó, Đa-vít sai Giô-áp ra trận cùng với một đạo quân toàn là những dũng sĩ. 9Dân Am-môn kéo ra, dàn trận nơi cổng thành; còn các vua đồng minh thì đóng ở ngoài cánh đồng.
10Khi Giô-áp thấy quân thù đã dàn trận phía trước và phía sau mình, ông chọn một số dũng sĩ trong đạo quân Y-sơ-ra-ên và dàn trận đối diện quân A-ram. 11Số quân còn lại, ông giao cho em của ông là A-bi-sai; họ dàn trận đối diện với dân Am-môn. 12Ông nói: “Nếu quân A-ram mạnh hơn anh, em sẽ tiếp viện anh; còn nếu quân Am-môn mạnh hơn em, anh sẽ tiếp viện em. 13Hãy mạnh dạn, can đảm lên! Hãy vì dân tộc chúng ta, vì các thành của Đức Chúa Trời chúng ta mà chiến đấu. Nguyện Đức Giê-hô-va làm theo ý Ngài lấy làm tốt.” 14Vậy, Giô-áp và quân lính theo ông đều đến gần đối đầu với quân A-ram để giao chiến; quân A-ram chạy trốn khỏi ông. 15Khi quân Am-môn thấy quân A-ram đã chạy trốn thì cũng chạy trốn khỏi A-bi-sai, em Giô-áp, mà trở vào thành. Sau đó, Giô-áp trở về Giê-ru-sa-lem.
16Khi quân A-ram thấy mình bị quân Y-sơ-ra-ên đánh bại thì sai sứ giả đến cầu viện với quân Sy-ri ở bên kia Sông do Sô-phác, quan tướng của đạo binh Ha-đa-rê-xe, chỉ huy. 17Đa-vít hay tin đó, liền tập hợp toàn quân Y-sơ-ra-ên vượt sông Giô-đanh, đến dàn trận và đánh quân A-ram. Khi Đa-vít đã dàn trận đối diện quân A-ram thì chúng giao chiến với vua. 18Quân A-ram chạy trốn trước mặt Y-sơ-ra-ên. Đa-vít giết bảy nghìn kỵ binh, bốn mươi nghìn bộ binh của quân A-ram, và cũng giết Sô-phác, tướng chỉ huy quân đội. 19Khi các đầy tớ của Ha-đa-rê-xe thấy chúng bị quân Y-sơ-ra-ên đánh bại thì cầu hòa với Đa-vít và phục dịch vua. Về sau, dân A-ram không còn muốn tiếp viện dân Am-môn nữa.
Đa-vít chiếm thành Ráp-ba
(II Sa 12:26-31)
20Vào mùa xuân, lúc các vua thường kéo quân đi chinh chiến, Giô-áp đem quân tàn phá đất Am-môn và đến bao vây thành Ráp-ba, còn Đa-vít ở tại Giê-ru-sa-lem. Giô-áp tấn công và phá hủy thành Ráp-ba. 2Đa-vít lấy vương miện trên đầu của tượng thần Minh-côm; vương miện ấy cân nặng khoảng ba mươi ký vàng, có cẩn một viên đá quý. Vương miện nầy được đặt trên đầu Đa-vít. Ngoài ra, Đa-vít cũng thu được rất nhiều chiến lợi phẩm trong thành. 3Còn dân trong thành, vua đem ra bắt phải lao dịch, sử dụng cưa, hoặc bừa sắt, hoặc rìu. Đa-vít xử như thế với tất cả các thành của dân Am-môn. Rồi Đa-vít và toàn quân trở về Giê-ru-sa-lem.
Chiến thắng dân Phi-li-tin. – Ba người khổng lồ bị giết
(II Sa 21:15-22)
4Sau đó, chiến tranh với người Phi-li-tin bùng nổ tại Ghê-xe. Lúc ấy, Si-bê-cai là người Hu-sa-tít đánh giết Síp-bai, thuộc dòng dõi người khổng lồ, và người Phi-li-tin phải chịu thần phục.
5Trong một trận chiến khác với người Phi-li-tin, Ên-ha-nan, con của Giai-rơ, đánh giết Lác-mi, em của Gô-li-át, người Gát; cán giáo của hắn như cây trục cửi của thợ dệt.
6Lại trong một trận chiến khác nữa tại Gát, có một người vóc dáng cao lớn, mỗi bàn tay có sáu ngón và mỗi bàn chân cũng có sáu ngón, tất cả là hai mươi bốn ngón; hắn cũng thuộc về dòng dõi khổng lồ. 7Hắn nhục mạ Y-sơ-ra-ên nên Giô-na-than, con của Si-mê-a, em của Đa-vít, đánh giết hắn. 8Những người nầy đều thuộc dòng dõi người khổng lồ tại Gát; chúng đều bị giết bởi tay Đa-vít và các thuộc hạ của vua.
Đa-vít truyền kiểm tra dân số
(II Sa 24:1-25)
21Sa-tan nổi lên chống lại Y-sơ-ra-ên nên xúi giục Đa-vít kiểm tra dân số. 2Đa-vít nói với Giô-áp và các viên chỉ huy quân đội rằng: “Hãy đi kiểm tra dân số, từ Bê-e Sê-ba cho đến Đan, rồi trình cho ta biết tổng số là bao nhiêu.” 3Giô-áp tâu: “Nguyện Đức Giê-hô-va gia tăng dân số của Ngài nhiều gấp trăm lần! Tâu bệ hạ là chúa tôi, chẳng phải tất cả dân chúng đều là thần dân của chúa tôi sao? Tại sao chúa tôi lại bảo làm điều nầy? Tại sao chúa tôi làm cho Y-sơ-ra-ên phải mắc tội?” 4Nhưng lời của vua thắng hơn lời của Giô-áp. Vì vậy, Giô-áp đi khắp Y-sơ-ra-ên rồi trở về Giê-ru-sa-lem.
5Giô-áp phúc trình cho vua Đa-vít tổng số dân như sau: Trong cả Y-sơ-ra-ên có một triệu một trăm nghìn người có thể cầm gươm; trong Giu-đa có bốn trăm bảy mươi nghìn người có thể cầm gươm. 6Nhưng Giô-áp không kiểm tra số người Lê-vi và người Bên-gia-min vì lệnh của vua đáng ghê tởm đối với ông.
Đức Chúa Trời trừng phạt Y-sơ-ra-ên
(II Sa 24:10-17)
7Việc kiểm tra dân số nầy là một điều ác dưới mắt Đức Chúa Trời nên Ngài trừng phạt Y-sơ-ra-ên. 8Đa-vít thưa với Đức Chúa Trời: “Con đã phạm tội nặng quá khi làm điều nầy. Nhưng bây giờ, xin Chúa bỏ qua tội ác của con là đầy tớ Ngài vì con đã hành động một cách rất dại dột.”
9Đức Giê-hô-va phán với Gát là nhà tiên kiến của Đa-vít rằng: 10“Hãy đi nói với Đa-vít: Đức Giê-hô-va phán: ‘Ta đưa ra cho con ba tai họa; hãy chọn một để ta giáng tai họa đó trên con.’” 11Gát đến gặp và nói với Đa-vít: “Đức Giê-hô-va phán: ‘Hãy chọn cho con: 12hoặc ba năm đói kém, hoặc ba tháng bị địch quân đánh bại và gươm của kẻ thù đuổi kịp, hoặc ba ngày chịu gươm của Đức Giê-hô-va trừng phạt, tức là ôn dịch trong xứ và thiên sứ của Đức Giê-hô-va hủy diệt toàn cõi Y-sơ-ra-ên.’ Vậy bây giờ, bệ hạ quyết định xem tôi phải thưa lại thế nào cùng Đấng đã sai tôi.” 13Đa-vít nói với Gát: “Ta gặp hoạn nạn lớn. Thà ta sa vào tay Đức Giê-hô-va thì hơn, vì sự thương xót của Ngài rất lớn; đừng để ta sa vào tay loài người.”
Thiên sứ của Đức Giê-hô-va tại sân đập lúa của Ọt-nan, người Giê-bu-sít
14Đức Giê-hô-va giáng ôn dịch xuống Y-sơ-ra-ên làm bảy mươi nghìn người Y-sơ-ra-ên ngã chết. 15Đức Chúa Trời sai một thiên sứ đến để hủy diệt Giê-ru-sa-lem. Nhưng khi thấy thiên sứ đang hủy diệt thì Đức Giê-hô-va liền đổi ý về tai họa nầy, và truyền cho thiên sứ đang hủy diệt: “Đủ rồi! Hãy dừng tay lại.” Bấy giờ, thiên sứ của Đức Giê-hô-va đứng gần sân đập lúa của Ọt-nan, người Giê-bu-sít.
16Đa-vít ngước mắt lên, thấy thiên sứ của Đức Giê-hô-va đứng giữa không trung, tay cầm gươm đưa ra trên Giê-ru-sa-lem. Đa-vít và các trưởng lão đang mặc áo vải sô, liền sấp mình xuống đất. 17Đa-vít thưa với Đức Chúa Trời: “Chẳng phải con đã truyền kiểm tra dân số sao? Vâng, chính con đã phạm tội và làm điều ác, nhưng bầy chiên nầy có làm gì nên tội? Lạy Giê-hô-va Đức Chúa Trời của con! Xin tay Chúa đánh phạt con và nhà cha con, nhưng đừng giáng họa trên dân Ngài.”
Đa-vít lập bàn thờ và dâng sinh tế
18Bấy giờ, thiên sứ của Đức Giê-hô-va bảo Gát nói với Đa-vít rằng vua phải đi lên dựng một bàn thờ cho Đức Giê-hô-va tại sân đập lúa của Ọt-nan, người Giê-bu-sít. 19Đa-vít đi lên theo lời của Gát đã nhân danh Đức Giê-hô-va mà nói ra. 20Ọt-nan xây lại, thấy thiên sứ; bốn con trai ông đang ở với ông đều đi trốn. Lúc ấy, Ọt-nan đang đập lúa mì. 21Đa-vít đi đến Ọt-nan. Nhìn thấy Đa-vít, Ọt-nan liền ra khỏi sân đập lúa, sấp mình xuống trước mặt Đa-vít mà lạy. 22Đa-vít bảo Ọt-nan: “Hãy nhượng cho ta sân đập lúa nầy. Hãy nhượng nó cho ta đúng giá để ta cất tại đó một bàn thờ cho Đức Giê-hô-va hầu cho tai họa ngưng lại, không còn giáng trên dân chúng nữa.” 23Ọt-nan thưa với Đa-vít: “Xin bệ hạ cứ lấy sân đập lúa! Xin chúa tôi cứ làm điều gì ngài thấy là tốt. Kìa, tôi dâng bò cho bệ hạ dùng làm tế lễ thiêu, bàn đập lúa dùng làm củi, còn lúa mì dùng làm tế lễ chay; tôi xin dâng tất cả.” 24Vua Đa-vít nói với Ọt-nan: “Không, ta thật sự muốn mua nó đúng giá; vì ta không muốn lấy vật gì của ngươi mà dâng cho Đức Giê-hô-va, cũng không muốn dâng tế lễ thiêu chẳng tốn gì cả.” 25Vậy, Đa-vít mua khu sân đập lúa ấy, trả cho Ọt-nan bằng siếc-lơ vàng, cân nặng khoảng bảy ký 26Tại đó, Đa-vít xây một bàn thờ cho Đức Giê-hô-va, dâng các tế lễ thiêu, tế lễ bình an, và cầu khẩn Đức Giê-hô-va. Ngài đáp lời người bằng lửa từ trời giáng trên bàn thờ dâng tế lễ thiêu. 27Đức Giê-hô-va truyền cho thiên sứ tra gươm vào vỏ.
Nơi được chọn để xây dựng đền thờ
28Khi thấy Đức Giê-hô-va đã nhậm lời mình tại sân đập lúa của Ọt-nan, người Giê-bu-sít, thì Đa-vít dâng sinh tế tại đó. 29Vì bấy giờ Đền Tạm của Đức Giê-hô-va mà Môi-se đã dựng trong hoang mạc và bàn thờ dâng tế lễ thiêu vẫn còn ở nơi cao tại Ga-ba-ôn. 30Đa-vít không dám đến trước bàn thờ ấy để cầu hỏi Đức Chúa Trời vì vua khiếp sợ gươm của thiên sứ Đức Giê-hô-va.
Đa-vít chuẩn bị việc xây cất đền thờ
22Đa vít nói: “Đây là đền thờ của Giê-hô-va Đức Chúa Trời, và đây là bàn thờ để dân Y-sơ-ra-ên dâng tế lễ thiêu.”
Bình luận
Sợ hãi và run rẩy
‘Sợ hãi và run rẩy’ trước Chúa không phải lúc nào cũng sai. Thực sự mà nói điều này đôi khi là hợp lí.
Tác giả Sử ký đã làm rõ, rằng chính ‘Sa-tan’ đã ‘xúi giục Đa-vít kiểm tra dân số’ (21:1). Giô-áp cố gắng thuyết phục Đa-vít đừng làm điều này (c.3). Nhưng Đa-vít không quan tâm. ‘Việc kiểm tra dân số nầy là một điều ác dưới mắt Đức Chúa Trời’ (c.7).
Chưa thực sự có lí do rõ ràng giải thích vì sao đây là một tội lỗi lớn, nhưng rõ ràng đó là điều Đa-vít đã nói với Đức Chúa Trời: ‘Con đã phạm tội nặng quá khi làm điều nầy. Nhưng bây giờ, xin Chúa bỏ qua tội ác của con là đầy tớ Ngài vì con đã hành động một cách rất dại dột.' (c.8).
Với sự sợ hãi và run rẩy Đa-vít nói: “Ta gặp hoạn nạn lớn. Thà ta sa vào tay Đức Giê-hô-va thì hơn, vì sự thương xót của Ngài rất lớn; đừng để ta sa vào tay loài người.” (c.13).
Khi đến dâng của lễ cho Đức Chúa Trời, Đa-vít nói: ‘Không, ta thật sự muốn mua nó đúng giá; vì ta không muốn lấy vật gì của ngươi mà dâng cho Đức Giê-hô-va, cũng không muốn dâng tế lễ thiêu chẳng tốn gì cả.’ (c.24). Ông kêu cầu Chúa và Chúa đáp lại ông “bằng lửa từ trời” (c.26).
Cầu nguyện
Lạy Chúa, hôm nay con đến với Chúa trong sự yếu đuối và lắm run rẩy, con cầu xin sức mạnh của Chúa sẽ được thể hiện trọn vẹn trong sự yếu đuối của con (II Cô-rinh-tô 12:9).
Pippa chia sẻ
I Cô-rinh-tô 1:27 nói:
‘Nhưng Đức Chúa Trời đã chọn những điều dại dột ở thế gian để làm hổ thẹn những người khôn ngoan; Đức Chúa Trời đã chọn những gì yếu đuối ở thế gian để làm hổ thẹn những người mạnh mẽ.'
Chắc chắn con thuộc loại yếu đuối và dại dột. Cảm ơn Chúa vì đã chọn con!
App
Tải xuống ứng dụng Kinh Thánh Trong Một Năm dành cho thiết bị iOS hoặc Android và đọc theo mỗi ngày.
Đăng ký ngay bây giờ để nhận Kinh thánh trong một năm trong hộp thư đến của bạn mỗi sáng. Bạn sẽ nhận được một email mỗi ngày.
Book
Kinh thánh trong một năm bình luận có sẵn như là một cuốn sách.
- Mua từ Cửa hàng Alpha
- [Mua từ Nhà sách CLC](https://clcbookshops.com/product/bible-in-one-year-the-a-commentary-by-nicky-gumbel-hard-cover-gumbel-nicky-hodder-stoughton- 9781473677067)
Tham khảo
Trừ khi có quy định khác, các trích dẫn Kinh thánh lấy từ Kinh thánh, Phiên bản quốc tế mới được Anh hóa, Bản quyền © 1979, 1984, 2011 Biblica, trước đây là Hiệp hội Kinh thánh Quốc tế. Được sử dụng với sự cho phép của Nhà xuất bản Hodder & Stoughton, một công ty của Hachette Vương quốc Anh. Đã đăng ký Bản quyền. ‘NIV’ là nhãn hiệu đã đăng ký của Biblica. Số nhãn hiệu Vương quốc Anh 1448790.
Các trích dẫn Kinh thánh được đánh dấu (AMP) lấy từ Amplified® Bible, Bản quyền © 1954, 1958, 1962, 1964, 1965, 1987 bởi The Lockman Foundation. Được sử dụng bởi sự cho phép. (www.Lockman.org)
Kinh thánh được đánh dấu (MSG) được lấy từ Thông điệp. Bản quyền © 1993, 1994, 1995, 1996, 2000, 2001, 2002. Được sử dụng dưới sự cho phép của NavPress Publishing Group.