Ba thái độ xấu dẫn đến sự chia rẽ
Giới thiệu
Trong thời gian học đại học, tôi ở chung phòng với người bạn thân Nicky Lee, người đã trở thành một trong những phó giám đốc của HTB ( một tổ chức Cơ Đốc dành cho người trẻ). Chúng tôi tự nấu ăn; tôi đã nấu ăn và Nicky Lee chia phần ăn. Anh ấy là một chuyên gia phân chia bất cứ thứ gì đã nấu thành những phần bằng nhau! Đây chỉ là một ví dụ trong đó sự phân chia được sử dụng theo nghĩa tốt chứ không phải nghĩa xấu.
Sự phân chia là một thực tế của cuộc sống. Chúng không nhất thiết phải là một điều xấu. Thật vậy, chúng thậm chí là điều cần thiết. Ví dụ, việc phân mọi người vào các bộ phận khác nhau trong một tổ chức có thể hữu ích và quan trọng. Chúng ta thấy sự phân chia này trong đoạn Cựu Ước hôm nay.
Sau đó, có sự phân chia trong ngày phán xét. Đây là sự phân chia cần thiết giữa thiện và ác. Loại phân chia này có thể được nhìn thấy trong đoạn Thi thiên hôm nay.
Ngoài ra còn có loại phân chia thứ ba, không tốt, không hữu ích hoặc không cần thiết. Sự mất đoàn kết và chia rẽ trong hội thánh là một thảm kịch. Kiểu chia rẽ này là điều chúng ta phải cố gắng hết sức để tránh. Kiểu chia rẽ này bị sứ đồ Phao-lô phản đối trong đoạn Tân Ước hôm nay.
Thi Thiên 92:1-15
Ca ngợi ơn lành của Đức Giê-hô-va
Thi Thiên. Bài ca về ngày sa-bát
1Lạy Đấng Chí Cao, thật tốt đẹp biết bao khi ca ngợi Đức Giê-hô-va
Và chúc tụng danh của Ngài;
2Rao truyền lòng nhân từ Chúa vào mỗi buổi sáng,
Và sự thành tín của Ngài vào ban đêm,
3Trên nhạc cụ mười dây và trên đàn hạc
Hòa với đàn lia.
4Vì Đức Giê-hô-va ôi, Ngài đã làm cho con vui vẻ bởi công việc Ngài;
Và mừng rỡ về công tác của tay Ngài.
5Lạy Đức Giê-hô-va, công việc Ngài vĩ đại biết bao!
Tư tưởng Ngài rất sâu sắc!
6Người u mê không biết được,
Kẻ ngu dại cũng chẳng hiểu thấu.
7Dù người dữ mọc lên như cỏ
Và kẻ ác được hưng thịnh,
Chúng sẽ bị hủy diệt đời đời.
8Nhưng lạy Đức Giê-hô-va,
Ngài được tôn cao mãi mãi.
9Vì Đức Giê-hô-va ôi, kìa, kẻ thù Ngài,
Vì kìa, kẻ thù của Ngài sẽ hư mất;
Tất cả kẻ làm ác sẽ bị đánh tan tác.
10Nhưng Chúa làm cho sừng của con ngước cao lên như sừng bò tót;
Con được xức bằng dầu mới.
11Mắt con đã thấy kẻ thù của con bị phạt
Và tai con nghe kẻ ác của con bị báo trả.
12Người công chính sẽ mọc lên như cây kè,
Và lớn lên như cây bá hương ở Li-ban.
13Những người được trồng trong nhà Đức Giê-hô-va
Sẽ trổ hoa trong hành lang của Đức Chúa Trời chúng ta.
14Dù đến tuổi già cả, họ sẽ còn sinh bông trái,
Thịnh vượng và xanh tươi.
15Để chứng tỏ Đức Giê-hô-va là chính trực;
Ngài là vầng đá của con, và trong Ngài chẳng có sự bất chính.
Bình luận
Sự phân rẽ giữa người công chính và kẻ gian ác
Theo tác giả Thi Thiên, thế giới được phân rẽ giữa ‘kẻ ác’ (c.7) và ‘người công chính’ (c.12). Những kẻ làm ác là những ‘người u mê’ vô tri, ‘chẳng hiểu thấu’ (c.6). Họ là ‘kẻ thù’ của Chúa (c.9). Một ngày nào đó, họ không những bị chia rẽ ra khỏi những người công chính mà còn bị chia rẽ với nhau – họ sẽ bị ‘đánh tan tác’ (c.9), và họ sẽ ‘bị hư mất’ (c.9). Mặt khác, người ‘công chính’ có tương lai an toàn (c.12–15).
Cả ‘kẻ ác’ (c.7) và ‘người công chính… trổ hoa’ (c.12–13), nhưng theo những cách khác nhau. Đối với những 'kẻ ác' (c.7), điều đó chỉ trôi qua và tạm thời. Họ sẽ sớm bị ‘hủy diệt’ (c.7). Họ giống như cỏ. Nhưng đối với ‘người công chính’ (c.12) thì sự hưng thịnh sẽ đến với họ một cách lâu dài và vĩnh cửu. Điều đó sẽ 'như cây kè' hay 'cây bá hương ở Liban' (c.12). Họ ‘đến tuổi già cả, họ sẽ còn sinh bông trái, thịnh vượng và xanh tươi.’ (c.14).
Sự khác biệt giữa sự thành công của thế gian – quyền lực, danh vọng, kiếm tiền, v.v. – và sự thành công của một môn đệ đích thực của Chúa Jêsus trong việc sống một cuộc đời thánh khiết cũng giống như sự khác biệt giữa ngọn cỏ chỉ tồn tại được vài ngày và một cây cọ đứng vững theo năm tháng.
Cầu nguyện
Lạy Chúa, khi con nhìn thấy những phước lành lâu dài mà Chúa ban cho những ai theo Ngài, con muốn ‘rao truyền lòng nhân từ Chúa vào mỗi buổi sáng, và sự thành tín của Ngài vào ban đêm’ (c.2).
I Cô-rinh-tô 3:1-23
Vấn đề bè đảng
3 Thưa anh em, về phần tôi, tôi không thể nói với anh em như nói với những người thuộc linh, nhưng như với người xác thịt, như những trẻ sơ sinh trong Đấng Christ. 2Tôi đã nuôi anh em bằng sữa chứ không bằng thức ăn cứng, vì anh em chưa thích ứng được. Ngay đến bây giờ anh em vẫn chưa thích ứng được, 3vì anh em vẫn còn thuộc về xác thịt. Bởi trong anh em vẫn có sự ganh tị, tranh chấp; như vậy, chẳng phải anh em thuộc về xác thịt và cư xử như người đời sao? 4Khi người nầy nói: “Tôi thuộc về Phao-lô,” người khác nói: “Tôi thuộc về A-pô-lô,” như vậy, anh em không phải là người đời sao? 5Thế thì, A-pô-lô là ai? Phao-lô là ai? Họ chỉ là những đầy tớ, mà qua họ anh em đã tin, như Đức Chúa Trời đã chỉ định cho mỗi người. 6Tôi đã trồng, A-pô-lô đã tưới, nhưng Đức Chúa Trời đã làm cho lớn lên. 7Vậy nên, người trồng, kẻ tưới đều không là gì cả, nhưng chỉ có Đức Chúa Trời là Đấng làm cho lớn lên. 8Người trồng, kẻ tưới đều như nhau; mỗi người sẽ nhận được tiền công tùy theo công sức của mình. 9Vì chúng tôi là những người cùng làm việc cho Đức Chúa Trời; anh em là đồng ruộng của Đức Chúa Trời, là nhà của Đức Chúa Trời.
Đấng Christ là nền của Hội Thánh
10Theo ân điển của Đức Chúa Trời đã ban cho tôi, tôi đã đặt nền như một thợ lành nghề, còn người khác thì xây cất lên trên. Nhưng mỗi người phải thận trọng về cách mình xây trên nền ấy. 11Vì chẳng ai có thể đặt một nền móng khác, ngoài nền đã được đặt là Đức Chúa Jêsus Christ. 12Nếu ai dùng vàng, bạc, đá quý, gỗ, cỏ khô hay rơm rạ để xây trên nền ấy 13thì công trình của mỗi người sẽ được tỏ ra. Ngày phán xét sẽ làm rõ công trình đó; nó sẽ bị phơi bày trong lửa, và lửa sẽ thử nghiệm giá trị công trình của mỗi người. 14Nếu công trình của ai xây trên nền được tồn tại thì người ấy sẽ nhận được phần thưởng. 15Còn nếu công trình của người nào bị thiêu hủy thì sẽ mất phần thưởng; về phần người ấy, sẽ được cứu nhưng dường như qua lửa.
Tín hữu là đền thờ của Đức Chúa Trời
16Anh em không biết rằng anh em là đền thờ của Đức Chúa Trời, và Thánh Linh của Đức Chúa Trời ngự trong anh em sao? 17Nếu người nào phá hủy đền thờ của Đức Chúa Trời thì Đức Chúa Trời sẽ hủy diệt người ấy; vì đền thờ của Đức Chúa Trời là thánh, và đền thờ ấy chính là anh em. 18Chớ ai tự lừa dối mình. Nếu người nào trong anh em tưởng mình là khôn ngoan theo cách đời nầy thì hãy trở nên dại dột để được khôn ngoan. 19Vì sự khôn ngoan đời nầy là điên rồ trước mặt Đức Chúa Trời. Như có chép rằng:
“Chúa bắt những người khôn ngoan
Bằng chính sự xảo quyệt của họ.”
20Và:
“Chúa biết rằng những ý tưởng của người khôn ngoan
Đều là vô ích.”
21Vậy, đừng ai khoe khoang về loài người. Vì mọi sự đều thuộc về anh em: 22dù Phao-lô, A-pô-lô hay Sê-pha; dù thế gian, sự sống hay sự chết, hiện tại hay tương lai; tất cả đều thuộc về anh em, 23anh em thuộc về Đấng Christ, và Đấng Christ thuộc về Đức Chúa Trời.
Bình luận
Sự chia rẽ trong hội thánh
Thư của Phao-lô gửi cho người Cô-rinh-tô là một chiếc bánh sandwich. Ông bắt đầu bằng lời khen ngợi và tình yêu. Ông kết thúc với* ân điển và tình yêu. Ở giữa, Phao-lô nêu ra những vấn đề mà ông muốn họ giải quyết.
Đây là một mô hình tốt khi đối mặt với các vấn đề trong một cá nhân hoặc một hội thánh. Bắt đầu và kết thúc bằng sự tích cực và đáng khích lệ; nhưng có đủ can đảm để giải quyết vấn đề.
Một trong những vấn đề ông nêu lên là sự chia rẽ trong hội thánh. Phao-lô nói rằng họ là ‘người xác thịt’ (v.1) và là ‘trẻ sơ sinh’ (c.1). Về mặt nào đó, họ là những hội thánh ‘thuộc linh’ nhất trong số tất cả các hội thánh mà Phao-lô viết thư cho. Họ ‘không thiếu bất cứ ân tứ thuộc linh nào’ (1:7). Tuy nhiên, họ 'không thuộc linh' vì có thái độ xấu, dẫn đến chia rẽ.
Ông chỉ ra ba thái độ xấu. Đây là những mối nguy hiểm cho mọi Cơ-đốc nhân, đặc biệt là cho các nhà lãnh đạo Cơ-đốc.
Lòng ghen tị
Ông viết: ‘Vì anh em vẫn còn thuộc về xác thịt. Bởi trong anh em vẫn có sự ganh tị, tranh chấp; như vậy, chẳng phải anh em thuộc về xác thịt và cư xử như người đời sao?’ (3:3). Thật là cám dỗ khi so sánh bản thân với những người khác, và khi chúng ta nghe về một phước lành nào đó mà người khác đã nhận được, chúng ta bắt đầu nghĩ, 'Khi nào điều đó sẽ xảy ra với mình?' Nhưng, như Joyce Meyer viết, 'Chúng ta nên chúc phúc cho người khác chứ không phải sợ họ sẽ vượt lên trước chúng ta. Chúng ta không được ghen tị với ngoại hình, tài sản, học vấn, địa vị xã hội, tình trạng hôn nhân, năng khiếu và tài năng, công việc hoặc bất cứ điều gì khác của người khác vì điều đó sẽ chỉ cản trở phước lành của chính chúng ta.'Khoe khoang
Phao-lô viết: ‘Vậy, đừng ai khoe khoang về loài người. Vì mọi sự đều thuộc về anh em’ (c.21). Khoe khoang là cám dỗ so sánh bản thân với người khác, nghĩ rằng chúng ta đang làm khá tốt và khoe khoang về ‘thành công’ của mình. Chúng ta cần nhìn nhận vai trò của mình trong gia tể của Đức Chúa Trời theo quan điểm đúng đắn. Đầu tiên chúng ta là ‘con người’ (c.4); thứ hai, ‘chỉ là những đầy tớ’ (c.5); thứ ba, ‘kẻ trồng, kẻ tưới đều không là gì cả’ (c.7). Vì vậy, không có lý do gì để ‘khoe khoang’ (c.21).Cãi vã
Phao-lô viết rằng việc họ ‘cãi vã’ là một lý do khác khiến ông coi họ là ‘không thuộc linh’. Chúng ta phải tránh theo phe phái, khi 'người nầy nói: “Tôi thuộc về Phao-lô,” người khác nói: “Tôi thuộc về A-pô-lô"' (c.4).
Tất cả những điều này đều xuất phát từ quan điểm thổi phồng về tầm quan trọng của chúng ta. Đây là những thái độ 'không thuộc linh’. Những loại thái độ này quá phổ biến trong nhân loại sa ngã, lây nhiễm sang thế giới và đáng buồn là cả hội thánh nữa.
Chúng ta cần hiểu rằng tất cả chúng ta đều hoàn toàn phụ thuộc vào Chúa. Người này gieo hạt, người kia tưới, nhưng Chúa làm cho lớn lên (c.6). Trồng và tưới nước là quan trọng, nhưng những điều đó tương đối dễ dàng. Chỉ có Chúa mới có thể làm được phần khó và làm cho cây cối, con người và hội thánh phát triển.
Bạn có một vai trò để thực hiện. Đầu tiên, Chúa dùng bạn để đưa mọi người đến với đức tin. A-pô-lô và Phao-lô là những người ‘được [người Cô-rinh-tô] tin’ (c.5). Thứ hai, Chúa sẽ ban thưởng cho bạn. Người trồng và người tưới đều có một mục đích và mỗi người sẽ được khen thưởng tùy theo sức lao động của mình. Thứ ba, bạn là ‘người cùng làm việc cho Đức Chúa Trời’ (c.9). Chúa đã chọn không làm điều đó một mình. Ngài chọn sử dụng bạn.
Được Chúa sử dụng là một đặc ân lớn lao. Bạn không chỉ là ‘người cùng làm việc’ của Chúa (c.9) – bạn còn là ‘đồng ruộng của Đức Chúa Trời, là nhà của Đức Chúa Trời’ (c.9). Người ta cố gắng xây dựng cuộc sống của mình trên nhiều thứ – tiền bạc, học vấn, chức danh, của cải, v.v., nhưng Chúa Jêsus là nền tảng chắc chắn duy nhất (c.11).
Hơn nữa, Phao-lô tiếp tục viết: Anh em không biết rằng anh em là đền thờ của Đức Chúa Trời, và Thánh Linh của Đức Chúa Trời ngự trong anh em sao?' (c.16). Vì vậy, ông viết, ‘Vậy, đừng ai khoe khoang về loài người. Vì mọi sự đều thuộc về anh em... tất cả đều thuộc về anh em, anh em thuộc về Đấng Christ, và Đấng Christ thuộc về Đức Chúa Trời’ (c.21–23).
Cầu nguyện
Lạy Chúa, cảm ơn Chúa vì chúng con là những người cùng làm việc với Chúa và chính Chúa là người làm cho mọi việc phát triển. Xin giữ chúng con khỏi kiêu ngạo và khoe khoang, ghen tị và cãi vã. Xin giúp chúng con bảo vệ sự hiệp nhất của hội thánh.
I Sử ký 24:1-26:19
Phân công cho con cháu A-rôn
24 Con cháu của A-rôn được phân chia thành nhiều ban. Các con trai của A-rôn là Na-đáp, A-bi-hu, Ê-lê-a-sa, và Y-tha-ma. 2Na-đáp và A-bi-hu chết trước cha mình và không có con nên Ê-lê-a-sa và Y-tha-ma giữ chức tế lễ. 3Đa-vít cùng với Xa-đốc, con cháu Ê-lê-a-sa, và A-hi-mê-léc, con cháu Y-tha-ma, phân chia con cháu A-rôn thành nhiều ban theo nhiệm vụ của họ. 4Vì trong con cháu Ê-lê-a-sa có nhiều trưởng gia tộc hơn con cháu Y-tha-ma nên họ phân chia như sau: Con cháu Ê-lê-a-sa có mười sáu trưởng gia tộc, và con cháu Y-tha-ma có tám trưởng gia tộc. 5Họ phân chia bằng cách bắt thăm từng ban, hết ban nầy đến ban kia; vì các viên chức của nơi thánh và các viên chức của Đức Chúa Trời đều thuộc trong số con cháu Ê-lê-a-sa và con cháu Y-tha-ma. 6Thư ký Sê-ma-gia, con của Na-tha-na-ên, thuộc bộ tộc Lê-vi, ghi tên của họ vào sổ trước mặt vua và các nhà lãnh đạo, trước mặt thầy tế lễ Xa-đốc, A-hi-mê-léc con của A-bia-tha, và trước mặt các trưởng gia tộc của những thầy tế lễ và người Lê-vi. Họ bắt thăm cứ mỗi gia tộc thuộc con cháu Ê-lê-a-sa thì đến một gia tộc thuộc con cháu Y-tha-ma.
7Thăm thứ nhất trúng nhằm Giê-hô-gia-ríp, thăm thứ nhì trúng Giê-đa-ê-gia, 8thăm thứ ba trúng Ha-rim, thăm thứ tư trúng Sê-ô-rim, 9thăm thứ năm trúng Manh-kia, thăm thứ sáu trúng Mia-min, 10thăm thứ bảy trúng Ha-cốt, thăm thứ tám trúng A-bi-gia, 11thăm thứ chín trúng Giê-sua, thăm thứ mười trúng Sê-ca-nia, 12thăm thứ mười một trúng Ê-li-a-síp, thăm thứ mười hai trúng Gia-kim, 13thăm thứ mười ba trúng Húp-pa, thăm thứ mười bốn trúng Giê-sê-báp, 14thăm thứ mười lăm trúng Binh-ga, thăm thứ mười sáu trúng Y-mê, 15thăm thứ mười bảy trúng Hê-xia, thăm thứ mười tám trúng Phi-xết, 16thăm thứ mười chín trúng Phê-ta-hia, thăm thứ hai mươi trúng Ê-xê-chi-ên, 17thăm thứ hai mươi mốt trúng Gia-kin, thăm thứ hai mươi hai trúng Ga-mun, 18thăm thứ hai mươi ba trúng Đê-la-gia, thăm thứ hai mươi bốn trúng Ma-a-xia. 19Trên đây là các phân ban của họ để vào phục vụ trong đền thờ Đức Giê-hô-va theo quy định của A-rôn, tổ phụ họ, đã thiết lập, đúng như Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên đã truyền.
Phân công cho các con cháu còn lại của Lê-vi
20Các con cháu còn lại của Lê-vi gồm có: Trong con cháu Am-ram có Su-ba-ên; trong con cháu Su-ba-ên có Giê-đia; 21trong con cháu Rê-ha-bia có Di-si-gia đứng đầu; 22trong con cháu Dít-sê-ha có Sê-lô-mít; trong con cháu Sê-lô-mốt có Gia-hát; 23trong con cháu Hếp-rôn có Giê-ri-gia đứng đầu, thứ nhì là A-ma-ria, thứ ba là Gia-ha-xi-ên, và thứ tư là Gia-ca-mê-am; 24trong con cháu U-xi-ên có Mi-ca; trong con cháu Mi-ca có Sa-mia. 25Anh em của Mi-ca là Di-si-gia; trong con cháu Di-si-gia có Xa-cha-ri. 26Các con của Mê-ra-ri là Mác-li, Mu-si và Gia-a-xi-gia. 27Gia-a-xi-gia, con của Mê-ra-ri, có ba người con là Sô-ham, Xác-cua, và Y-bê-ri. 28Con của Mác-li là Ê-lê-a-sa, là người không có con trai. 29Trong con cháu Kích có Giê-rác-mê-ên. 30Các con của Mu-si là Mác-li, Ê-đe và Giê-ri-mốt. Đó là con cháu Lê-vi, theo dòng tộc của họ. 31Cũng như anh em mình, là con cháu A-rôn, họ được bắt thăm trước mặt vua Đa-vít, Xa-đốc, A-hi-mê-léc, và trước mặt các trưởng gia tộc của những thầy tế lễ và người Lê-vi. Trưởng gia tộc cũng như người em út mình đều được bắt thăm.
Phân công cho các ca sĩ, nhạc sĩ trong đền thờ
25 Đa-vít và các viên chức phục vụ đền thờ cũng để riêng ra một số người trong con cháu của A-sáp, Hê-man và Giê-đu-thun để nói tiên tri theo tiếng đàn hạc, đàn lia, và chập chõa. Số người phục vụ theo trách nhiệm của họ như sau: 2Trong số các con của A-sáp có Xác-cua, Giô-sép, Nê-tha-nia, và A-sa-rê-la; những người con nầy của A-sáp ở dưới quyền cai quản của A-sáp, còn ông thì nói tiên tri dưới quyền của vua. 3Trong các con của Giê-đu-thun có Ghê-đa-lia, Xê-ri, Ê-sai, Ha-sa-bia, Ma-ti-thia, và Si-mê-i; tất cả là sáu người đều ở dưới quyền cai quản của cha họ là Giê-đu-thun, dùng đàn hạc mà nói tiên tri, cảm tạ và ca ngợi Đức Giê-hô-va. 4Trong các con của Hê-man có Búc-ki-gia, Ma-tha-nia, U-xi-ên, Sê-bu-ên, Giê-ri-mốt, Ha-na-nia, Ha-na-ni, Ê-li-a-tha, Ghi-đanh-thi, Rô-mam-ti Ê-xe, Giốt-bê-ca-sa, Ma-lô-thi, Hô-thia, và Ma-ha-xi-ốt. 5Tất cả những người nầy đều là con của Hê-man, nhà tiên kiến của vua, được ban cho theo lời của Đức Chúa Trời để tôn cao Ngài. Đức Chúa Trời ban cho Hê-man mười bốn con trai và ba con gái. 6Tất cả những người nầy đều ở dưới quyền cai quản của cha họ để lo việc ca hát trong đền thờ Đức Giê-hô-va với chập chõa, đàn lia và đàn hạc, để phục vụ trong đền thờ Đức Chúa Trời. A-sáp, Giê-đu-thun, và Hê-man đều ở dưới quyền của vua. 7Họ luôn cùng với anh em mình tập luyện ca ngợi Đức Giê-hô-va, tổng số người thông thạo việc ca hát là hai trăm tám mươi tám người. 8Họ đều bắt thăm chia phiên phục vụ, người lớn cũng như kẻ nhỏ, người thông thạo cũng như kẻ học việc.
9Thăm thứ nhất trúng nhằm Giô-sép thuộc dòng A-sáp; thăm thứ nhì trúng Ghê-đa-lia, cùng với anh em và các con của ông, tất cả là mười hai người; 10thăm thứ ba trúng Xác-cua, cùng các con và anh em của ông, tất cả là mười hai người; 11thăm thứ tư trúng Dít-sê-ri, cùng các con và anh em của ông, tất cả là mười hai người; 12thăm thứ năm trúng Nê-tha-nia, cùng các con và anh em của ông, tất cả là mười hai người; 13thăm thứ sáu trúng Búc-ki-gia, cùng các con và anh em của ông, tất cả là mười hai người; 14thăm thứ bảy trúng Giê-sa-rê-la, cùng các con và anh em của ông, tất cả là mười hai người; 15thăm thứ tám trúng Ê-sai, cùng các con và anh em của ông, tất cả là mười hai người; 16thăm thứ chín trúng Ma-tha-nia, cùng các con và anh em của ông, tất cả là mười hai người; 17thăm thứ mười trúng Si-mê-i, cùng các con và anh em của ông, tất cả là mười hai người; 18thăm thứ mười một trúng A-xa-rên, cùng các con và anh em của ông, tất cả là mười hai người; 19thăm thứ mười hai trúng Ha-sa-bia, cùng các con và anh em của ông, tất cả là mười hai người; 20thăm thứ mười ba trúng Su-ba-ên, cùng các con và anh em của ông, tất cả là mười hai người; 21thăm thứ mười bốn trúng Ma-ti-thia, cùng các con và anh em của ông, tất cả là mười hai người; 22thăm thứ mười lăm trúng Giê-rê-mốt, cùng các con và anh em của ông, tất cả là mười hai người; 23thăm thứ mười sáu trúng Ha-na-nia, cùng các con và anh em của ông, tất cả là mười hai người; 24thăm thứ mười bảy trúng Giốt-bê-ca-sa, cùng các con và anh em của ông, tất cả là mười hai người; 25thăm thứ mười tám trúng Ha-na-ni, cùng các con và anh em của ông, tất cả là mười hai người; 26thăm thứ mười chín trúng Ma-lô-thi, cùng các con và anh em của ông, tất cả là mười hai người; 27thăm thứ hai mươi trúng Ê-li-gia-ta, cùng các con và anh em của ông, tất cả là mười hai người; 28thăm thứ hai mươi mốt trúng Hô-thia, cùng các con và anh em của ông, tất cả là mười hai người; 29thăm thứ hai mươi hai trúng Ghi-đanh-thi, cùng các con và anh em của ông, tất cả là mười hai người; 30thăm thứ hai mươi ba trúng Ma-ha-xi-ốt, cùng các con và anh em của ông, tất cả là mười hai người; 31thăm thứ hai mươi bốn trúng Rô-mam-ti Ê-xe, cùng các con và anh em của ông, tất cả là mười hai người.
Kiểm tra số người gác cổng đền thờ
26 Những người gác cổng được chia nhóm như sau: Dòng Cô-ra có Mê-sê-lê-mia, con của Cô-rê, cháu của A-sáp. 2Các con trai của Mê-sê-lê-mia: Con trưởng là Xa-cha-ri, con thứ nhì là Giê-đi-a-ên, con thứ ba là Xê-ba-đia, con thứ tư là Giát-ni-ên, 3con thứ năm là Ê-lam, con thứ sáu là Giô-ha-nan, và con thứ bảy là Ê-li-ô-ê-nai. 4Các con trai của Ô-bết Ê-đôm: Con trưởng là Sê-ma-gia, con thứ nhì là Giê-hô-xa-bát, con thứ ba là Giô-a, con thứ tư là Sa-ca, con thứ năm là Nê-ta-nên, 5con thứ sáu là A-mi-ên, con thứ bảy là Y-sa-ca, và con thứ tám là Phê-u-lê-tai; vì Đức Chúa Trời đã ban phước cho Ô-bết Ê-đôm. 6Sê-ma-gia, con trai Ô-bết Ê-đôm, cũng sinh những người con có uy thế đối với gia tộc của họ vì họ là những dũng sĩ. 7Các con của Sê-ma-gia là Ốt-ni, Rê-pha-ên, Ô-bết, Ên-xa-bát, và anh em họ là Ê-li-hu và Sê-ma-kia, đều là những người dũng cảm. 8Tất cả những người nầy là con cháu của Ô-bết Ê-đôm; họ cùng với các con và anh em của họ đều là người dũng cảm và có khả năng làm việc, cộng sáu mươi hai người thuộc về dòng Ô-bết Ê-đôm. 9Mê-sê-lê-mia có những người con và anh em đều là người dũng cảm, cộng mười tám người. 10Hô-sa, thuộc dòng Mê-ra-ri, cũng có những người con: Đứng đầu là Sim-ri dù ông không phải là con đầu lòng vì cha của ông lập ông làm con trưởng; 11con thứ nhì là Hinh-kia, con thứ ba là Tê-ba-lia, và con thứ tư là Xa-cha-ri. Tất cả các con và anh em của Hô-sa được mười ba người.
12Những nhóm gác cổng nầy cùng với các trưởng nhóm theo phiên thứ mà phục vụ trong đền thờ Đức Giê-hô-va như anh em mình. 13Họ theo gia tộc mình mà bắt thăm gác cổng, kẻ nhỏ cũng như người lớn.
14Thăm giữ cổng đông trúng nhằm Sê-lê-mia. Rồi người ta bắt thăm giữ cổng bắc trúng nhằm con trai Sê-lê-mia là Xa-cha-ri, một cố vấn khôn ngoan. 15Thăm giữ cổng nam trúng nhằm Ô-bết Ê-đôm; còn các con trai ông, canh giữ kho tàng. 16Súp-pim và Hô-sa bắt thăm giữ cổng tây gần cổng Sa-lê-kết, cạnh con đường lên dốc. Trạm gác nầy đối diện trạm gác kia. 17Mỗi ngày có sáu người Lê-vi gác cổng đông, bốn người ở cổng bắc, bốn người ở cổng nam, còn các kho tàng thì mỗi cổng hai người. 18Tại Pạt-ba về phía tây cũng có người canh gác: trên đường có bốn người, và ngay tại Pạt-ba có hai người. 19Đó là các nhóm gác cổng thuộc con cháu của Cô-ra và Mê-ra-ri.
Bình luận
Sự phân chia nhiệm vụ
Ở đây chúng ta thấy từ 'phân chia' được sử dụng theo nghĩa tích cực. ‘Con cháu của A-rôn được phân chia thành nhiều ban’ (24:1). ‘Đa-vít phân chia con cháu A-rôn thành nhiều ban theo nhiệm vụ của họ’ (c.3). ‘Vì trong con cháu Ê-lê-a-sa có nhiều trưởng gia tộc hơn con cháu Y-tha-ma nên họ phân chia như sau: Con cháu Ê-lê-a-sa có mười sáu trưởng gia tộc, và con cháu Y-tha-ma có tám trưởng gia tộc’ (c.4). ‘Họ phân chia bằng cách bắt thăm từng ban, hết ban nầy đến ban kia’ (c.5). Ngoài ra còn có 'sự phân chia' của những người gác cổng' (26:1,19). ‘Những nhóm gác cổng nầy cùng với các trưởng nhóm theo phiên thứ mà phục vụ trong đền thờ Đức Giê-hô-va như anh em mình’ (c.12).
Có một số cái tên thú vị trong danh sách của Chúa. Trong số các ca sĩ, nhạc sĩ có những người viết Thi Thiên là ‘A-sáp’ (Thi Thiên 50 và Thi Thiên 73–83), ‘Giê-đu-thun’ (Thi Thiên 39; 62; 77) và ‘Hê-man’ (Thi Thiên 88).
Trong số những người gác cổng (hay thường được dịch là ‘người gác cửa’) có người Cô-rê. Thi thiên 84 được cho là của “con cháu của Cô-rê” - và do đó có lẽ được viết bởi một người gác cửa. Điều này giúp chúng ta hiểu ý ông khi viết: ‘Con đã chọn thà làm người giữ cửa trong nhà Đức Chúa Trời; còn hơn là sống trong trại kẻ dữ’ (c.10).
Trong thân thể Đấng Christ, chúng ta phân chia các vai trò. Mỗi bộ phận của cơ thể có một chức năng khác nhau. Như Phao-lô viết: ‘Vì như chỉ có một thân nhưng có nhiều chi thể; các chi thể tuy nhiều, nhưng vẫn chỉ là một thân; Đấng Christ cũng vậy.… Đức Chúa Trời đã sắp đặt thân thể như vậy... hầu cho* không có sự chia rẽ nào trong thân*, nhưng các chi thể có cùng mối quan tâm cho nhau’ (I Cô-rinh-tô 12: 12,24–25).
Sứ đồ Phao-lô mô tả khía cạnh tốt về sự phân chia (vai trò khác nhau của các chi thể trong thân thể), đồng thời tìm cách tránh ý nghĩa xấu (không được có sự chia rẽ hay mất đoàn kết trong thân thể).
Thật là một vinh dự lớn lao khi được tham gia phục vụ trong ‘nhà của Chúa’ bằng bất kỳ cách nào - cho dù chúng ta giúp việc đỗ xe hay phục vụ trong ban đón khách, chuẩn bị cà phê hay mục vụ cầu nguyện. Mỗi người đều có ý nghĩa và vinh dự lớn lao vì chúng ta đang phục vụ trong nhà Chúa.
Cầu nguyện
Lạy Chúa, xin giúp chúng con đưa ra những quyết định sáng suốt trong việc phân công vai trò trong thân thể Chúa Giê-su để mọi người cùng tham gia. Xin giúp chúng con, hội thánh của Chúa, hoạt động như một thân gồm nhiều bộ phận, trong đó mỗi bộ phận hợp tác với tất cả những bộ phận khác trong sự hiệp nhất do Chúa Thánh Linh mang lại.
Pippa chia sẻ
Thi Thiên 92:14 nói:
‘Dù đến tuổi già cả, họ sẽ còn sinh bông trái,
Thịnh vượng và xanh tươi’.
Thịnh vượng và xanh tươi nghe thật tốt. Cuộc sống trôi qua rất nhanh và tôi đang già đi nhanh chóng, tôi được khích lệ bởi câu Kinh Thánh này. Và có điều gì đó rất đẹp đẽ về những người lớn tuổi tin kính. Bạn có thể nhìn thấy điều đó trên khuôn mặt của họ. Tôi có thể nghĩ đến nhiều người mà tôi vô cùng ngưỡng mộ – sự khôn ngoan và đời sống thánh khiết của họ đã khích lệ tôi. Tôi muốn tiếp tục sinh bông trái khi về già, trở nên thịnh vượng và xanh tươi trong Chúa.
App
Tải xuống ứng dụng Kinh Thánh Trong Một Năm dành cho thiết bị iOS hoặc Android và đọc theo mỗi ngày.
Đăng ký ngay bây giờ để nhận Kinh thánh trong một năm trong hộp thư đến của bạn mỗi sáng. Bạn sẽ nhận được một email mỗi ngày.
Book
Kinh thánh trong một năm bình luận có sẵn như là một cuốn sách.
- Mua từ Cửa hàng Alpha
- [Mua từ Nhà sách CLC](https://clcbookshops.com/product/bible-in-one-year-the-a-commentary-by-nicky-gumbel-hard-cover-gumbel-nicky-hodder-stoughton- 9781473677067)
Tham khảo
Joyce Meyer, Kinh thánh cuộc sống hàng ngày (Hodder & Stoughton, 2018) trang 1849
Trừ khi có quy định khác, các trích dẫn Kinh thánh lấy từ Kinh thánh, Phiên bản quốc tế mới được Anh hóa, Bản quyền © 1979, 1984, 2011 Biblica, trước đây là Hiệp hội Kinh thánh Quốc tế. Được sử dụng với sự cho phép của Nhà xuất bản Hodder & Stoughton, một công ty của Hachette Vương quốc Anh. Đã đăng ký Bản quyền. ‘NIV’ là nhãn hiệu đã đăng ký của Biblica. Số nhãn hiệu Vương quốc Anh 1448790.
Kinh thánh được đánh dấu (MSG) được lấy từ Thông điệp. Bản quyền © 1993, 1994, 1995, 1996, 2000, 2001, 2002. Được sử dụng dưới sự cho phép của NavPress Publishing Group.