Ngày 243

Làm thế nào để được đổi mới trong tâm linh

Khôn ngoan Thi Thiên 104:19-30
Tân ước II Cô-rinh-tô 3:7-18
Cựu Ước II Sử ký 35:20-36:23

Giới thiệu

Cha Raniero Cantalamessa, một tu sĩ dòng Capuchin, người truyền giáo cho gia đình giáo hoàng, 81 tuổi, đã vui lòng đến và phát biểu tại Hội nghị Lãnh đạo của chúng tôi tại Royal Albert Hall. Nhiều người nhận xét khuôn mặt và đôi mắt của ông thật tỏa sáng với ánh hào quang của sự hiện diện của Chúa. Một lần, ông đang đi tàu ở Ý thì một người phụ nữ, một người hoàn toàn không có đức tin, đến gần ông ấy và nói, ‘Khuôn mặt của ông khiến tôi phải tin.’

Người ta nói: ‘Chúng ta không thể kiểm soát vẻ đẹp trên khuôn mặt mình, nhưng chúng ta có thể kiểm soát biểu cảm trên đó.’ Trong câu chuyện vừa rồi, có thể thấy, bạn nhận ra nhiều điều bằng cách nhìn vào đôi mắt và khuôn mặt của người khác. Chúng ta thường nói, ‘Đáng lẽ bạn nên nhìn thấy vẻ mặt của họ.’ Câu ngạn ngữ cổ La-tinh nói, ‘Khuôn mặt là biểu thị của tâm trí.’

Câu nói 'Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn' cũng đúng trong trường hợp này. Khi chúng ta thực sự muốn ai đó lắng nghe và tin tưởng mình, chúng ta nói với người đó: 'Hãy nhìn vào mắt tôi.'

Kinh thánh nói rất nhiều về khuôn mặt và đôi mắt.

Khôn ngoan

Thi Thiên 104:19-30

19Ngài đã làm nên mặt trăng để phân định thời tiết;
   Mặt trời biết giờ nó lặn.
  20Chúa làm nên bóng tối, tức ban đêm,
   Là lúc các thú rừng đi tìm mồi.
  21Sư tử tơ gầm thét khi săn mồi,
   Và tìm thức ăn mà Đức Chúa Trời ban cho chúng.
  22Khi mặt trời mọc, chúng rút về
   Và nằm trong hang.
  23Bấy giờ loài người đi ra làm việc
   Và làm cho đến chiều tối.

  24Lạy Đức Giê-hô-va, công việc Ngài nhiều biết bao!
   Ngài đã dựng nên tất cả một cách khôn ngoan;
   Trái đất đầy dẫy các tạo vật của Ngài.
  25Còn biển thì rộng lớn bao la.
   Trong đó có vô số các loài sinh vật
   Nhỏ và lớn.
  26Tàu thuyền đi lại trên đó,
   Cũng có loài Lê-vi-a-than mà Chúa đã dựng nên để đùa giỡn trong đó.

  27Mọi sinh vật ấy trông đợi Chúa
   Để Ngài ban thức ăn cho chúng phải thì.
  28Chúa ban cho chúng và chúng nhận lấy;
   Chúa xòe tay ra khiến chúng được no nê các vật tốt.
  29Nhưng khi Chúa ẩn mặt, chúng kinh hãi,
   Chúa cất hơi thở chúng đi, chúng chết
   Và trở về bụi đất.
  30Khi Chúa truyền sinh khí, chúng được dựng nên;
   Chúa làm cho mặt đất tươi mới.

Bình luận

Khuôn mặt của Chúa

Có một sự khao khát thuộc linh trong lòng chúng ta mà chỉ có Chúa mới có thể thỏa mãn được. Các Thi Thiên tràn đầy niềm khao khát về mối tương giao với Đức Chúa Trời và ước muốn được ở trong sự hiện diện của Ngài. Điều này được mô tả trong phân đoạn này bằng ngôn ngữ của các mối quan hệ giữa con người với nhau - 'nhìn' vào Đức Chúa Trời và tìm kiếm 'khuôn mặt' của Ngài: 'Mọi sinh vật ấy trông đợi Chúa... Nhưng khi Chúa ẩn mặt, chúng kinh hãi... Khi Chúa truyền sinh khí, chúng được dựng nên' (c.27–30).

Tác giả Thi Thiên so sánh sự thỏa mãn khi nhìn thấy mặt của Chúa với nỗi kinh hoàng khi Ngài ẩn mặt khỏi chúng ta. Tội lỗi tạo ra một rào cản giữa chúng ta và Đức Chúa Trời. Khi A-đam và Ê-va phạm tội, họ không còn có thể nhìn vào mắt Đức Chúa Trời nữa. Họ trốn tránh Chúa. Họ đã bị loại khỏi sự hiện diện của Ngài. Chúa đã ẩn mặt khỏi họ. Họ rất sợ hãi.

Khi chúng ta có thể nhìn lên Chúa thì ngược lại: 'Mọi sinh vật ấy trông đợi Chúa để Ngài ban thức ăn cho chúng phải thì. Chúa ban cho chúng và chúng nhận lấy' (c.27). Điều này đúng không chỉ với thức ăn vật chất, mà còn đúng với thức ăn thuộc linh mà Chúa ban cho chúng ta.

Cầu nguyện

Lạy Chúa, cảm ơn Chúa vì khi con nhìn lên Chúa, Chúa đã mở rộng vòng tay và thỏa mãn con với những điều tốt lành. Xin Ngài tha thứ cho tội lỗi của con và đừng ẩn mặt khỏi con.

Tân ước

II Cô-rinh-tô 3:7-18

7Vì, nếu chức vụ đem đến sự chết, được khắc chữ trên những bảng đá mà còn đến trong vinh quang, khiến con dân Y-sơ-ra-ên không thể nhìn mặt Môi-se được, vì ánh hào quang trên mặt ông, dù là hào quang chóng qua, 8thì chức vụ của Thánh Linh lại không đến trong vinh quang bội phần hơn sao? 9Vì nếu chức vụ đem đến sự kết án mà còn được vinh quang, thì chức vụ đem đến sự công chính lại càng vinh quang hơn dường nào! 10Thật vậy, trong trường hợp nầy, điều đã từng được vinh quang sẽ không còn vinh quang gì nữa trước sự vinh quang vượt trội nầy. 11Vì nếu điều chóng qua còn có được vinh quang thì điều trường tồn lại càng được vinh quang hơn dường nào!

Màn phủ trên Cựu Ước

12Vì có niềm hi vọng như vậy, nên chúng tôi rất dạn dĩ, 13không giống như Môi-se, lấy màn che mặt mình để con dân Y-sơ-ra-ên không thấy sự kết thúc của hào quang chóng tàn. 14Nhưng lòng họ vẫn cứng cỏi, vì cho đến ngày nay, khi họ đọc Cựu Ước, bức màn ấy vẫn chưa cất khỏi họ; vì chỉ trong Đấng Christ, bức màn ấy mới được cất bỏ. 15Thật vậy, cho đến ngày nay, mỗi khi nghe đọc sách Môi-se thì bức màn lại che phủ lòng họ. 16Nhưng khi một người trở lại với Chúa, thì màn ấy được cất đi. 17Chúa là Thánh Linh, nơi nào có Thánh Linh của Chúa, nơi đó có tự do. 18Tất cả chúng ta đều để mặt trần chiêm ngưỡng vinh quang Chúa, được biến đổi trở nên giống như hình ảnh Ngài, từ vinh quang đến vinh quang; vì điều nầy đến từ Chúa là Thánh Linh.

Bình luận

Khuôn mặt của chúng ta

Khuôn mặt của chúng ta đáng lẽ phải tỏa sáng hơn khuôn mặt của Môi-se. Ngày hôm đó, Khuôn mặt của ‘Môi-se’ khi ông trao các bảng đá rất sáng (mặc dù nó sẽ sớm hết) đến nỗi người dân Y-sơ-ra-ên không thể nhìn thẳng vào ông’ (c.7, BPT).

Chức vụ của giao ước cũ tự nó đã tốt rồi. Nó 'được khắc chữ trên đá', nhưng nó cũng đến 'trong vinh quang' (c.7). Môi-se đã nhìn vào mặt Đức Chúa Trời và kết quả là mặt ông sáng ngời (xem Xuất Ê-díp-tô ký 34:29 trở đi). Môi-se phải 'lấy màn che mặt mình để con dân Y-sơ-ra-ên không thấy sự kết thúc của hào quang chóng tàn' (II Cô-rinh-tô 3:13).

Mặc dù chức vụ của giao ước cũ là tốt nhưng nó thực sự 'đem đến sự chết' (c.7). Chúng ta không thể (tự mình) tuân giữ luật pháp thành văn của Chúa. Chúng ta phạm tội và ‘tiền công của tội lỗi là sự chết’ (Rô-ma 6:23).

Phao-lô tiếp tục so sánh chức vụ của giao ước cũ với chức vụ của Thánh Linh. Bản thân chức vụ của giao ước cũ là tốt (II Cô-rinh-tô 3:7). Tuy nhiên, chức vụ của Thánh Linh thậm chí còn vinh quang và lâu dài hơn (c.9–11).

Chức vụ của giao ước cũ liên quan đến việc Môi-se đeo màn che mặt. Một tấm màn ngăn cản mọi người nhìn thấy. Phao-lô nói rằng ngay cả ngày nay người ta cũng không thực sự nhìn thấy hoặc hiểu được, ‘lòng họ vẫn cứng cỏi’ (c.14). Chỉ khi họ quay về với Chúa thì bức màn mới được cất đi (c.16).

Đây chắc chắn là kinh nghiệm của tôi – tôi đã nghe người ta đọc Kinh thánh và đã từng nói chuyện về đức tin Cơ đốc, nhưng tôi không hiểu mọi người đang nói về điều gì. Nó chẳng có ý nghĩa gì với tôi cả. Đôi mắt thuộc linh của tôi đã bị che lại. Giây phút tôi quay về với Chúa, dường như tấm màn đó được cất đi. Lúc đó, tôi mới có thể nhìn thấy và hiểu được.

Phao-lô tiếp tục viết một điều hoàn toàn đáng kinh ngạc: ‘Chúa là Thánh Linh, nơi nào có Thánh Linh của Chúa, nơi đó có tự do. Tất cả chúng ta đều để mặt trần chiêm ngưỡng vinh quang Chúa, được biến đổi trở nên giống như hình ảnh Ngài, từ vinh quang đến vinh quang; vì điều nầy đến từ Chúa là Thánh Linh’ (c.17–18).

Toàn thể Chúa Ba Ngôi đều có liên quan. Vinh quang của Đức Chúa Trời (Chúa Cha) được thể hiện nơi khuôn mặt của Chúa Giê-su, Chúa chúng ta. Chúa Giê-su và Đức Thánh Linh có mối liên hệ chặt chẽ đến nỗi Phao-lô có thể viết: ‘Chúa là Chúa là Thánh Linh’ (c.17). Đức Thánh Linh là Thánh Linh của Chúa Giê-su (Công vụ 16:7).

Thánh Linh của Chúa mang lại sự tự do hoàn toàn cho cuộc sống của chúng ta; thoát khỏi chủ nghĩa tuân theo luật pháp, cảm giác tội lỗi, xấu hổ, lên án, hận thù và tự chối bỏ bản thân; tự do khỏi quyền lực của tội lỗi, ích kỷ, thao túng và kiểm soát; thoát khỏi nỗi sợ chết và sợ người khác nghĩ gì về mình; tự do khỏi việc so sánh bản thân với người khác.

Bạn được tự do nhận biết, yêu mến và phục vụ Đức Chúa Trời. Bạn được tự do sử dụng cuộc sống và năng lượng của mình để yêu thương người khác. Bạn được tự do là chính mình. Bạn có thể đến gần Chúa một cách dạn dĩ (II Cô-rinh-tô 3:12). Bạn không cần phải che đi khuôn mặt của mình khi đến trước Chúa.

Khi bạn nhìn vào khuôn mặt của Chúa Giê-su, Ngài sẽ biến đổi bạn trở nên giống Ngài. Sự thay đổi này diễn ra dần dần, từng chút một, ‘từ mức độ vinh hiển bình thường đến mức độ cực kỳ vinh hiển’ (c.18, BD2011). Khi bạn dành thời gian với người khác, bạn có xu hướng trở nên giống họ hơn. Mọi người ngắm nhìn những người nổi tiếng và mô phỏng phong cách cũng như ngoại hình của họ. Nếu bạn bị cuốn hút bới Chúa Giê-su, bạn sẽ được biến đổi theo hình ảnh của Ngài.

Bạn có thể nhìn thấy hàng ngàn khuôn mặt mỗi ngày, rất nhiều hình ảnh ở khắp mọi nơi, nhưng Thánh Linh cho biết khuôn mặt quan trọng nhất cho chúng ta chính là khuôn mặt của Chúa Giê-su. Khi dành thời gian ở trước sự hiện diện của Chúa, bạn sẽ ngày càng trở nên giống Ngài hơn. Bạn sẽ được biến đổi giống như Ngài với vinh quang ngày càng rực rỡ.

Cầu nguyện

Lạy Chúa, cảm ơn Chúa vì đặc ân to lớn này, con có thể đến gần Chúa một cách tự do và dạn dĩ. Cảm ơn Ngài vì con có thể nhìn vào khuôn mặt của Ngài và làm vinh hiển danh Ngài trên khắp thế gian. Hôm nay xin giúp con hướng mắt về Ngài.

Cựu Ước

II Sử ký 35:20-36:23

Giô-si-a băng hà

(II Vua 23:28-30)
35
20Sau khi Giô-si-a đã hoàn tất việc tái lập sự thờ phượng nơi đền thờ thì Nê-cô, vua Ai Cập, đem quân lên tấn công Cạt-kê-mít bên bờ sông Ơ-phơ-rát. Giô-si-a kéo quân ra chống cự. 21Nê-cô sai sứ giả đến nói với Giô-si-a: “Nầy vua Giu-đa, tôi với vua có vấn đề gì đâu? Hôm nay tôi tiến quân chẳng phải để tấn công vua đâu, nhưng tấn công kẻ thù của tôi. Đức Chúa Trời đã phán bảo tôi nhanh chóng làm điều nầy. Vậy, đừng chống lại Đức Chúa Trời là Đấng đang ở cùng tôi, kẻo Ngài sẽ hủy diệt vua chăng!” 22Nhưng Giô-si-a không chịu rút quân. Vua không chịu nghe lời Đức Chúa Trời dùng Nê-cô nói ra mà lại cải trang để nghênh chiến với vua Ai Cập tại thung lũng Mê-ghi-đô. 23Các xạ thủ Ai Cập bắn tên trúng vua Giô-si-a. Vua nói với các thuộc hạ: “Hãy đem ta ra khỏi đây vì ta bị thương nặng.” 24Các thuộc hạ đem vua khỏi chiến xa và chuyển qua một chiến xa khác rồi đưa vua về Giê-ru-sa-lem. Vua qua đời và được an táng trong phần mộ của tổ phụ vua. Cả xứ Giu-đa và thành Giê-ru-sa-lem đều khóc thương Giô-si-a. 25Giê-rê-mi viết bài ai ca về Giô-si-a. Cho đến ngày nay, các nam nữ ca sĩ vẫn còn hát bài ai ca về Giô-si-a, và nó trở thành một thông lệ trong Y-sơ-ra-ên; các việc ấy được chép trong sách Ai Ca.
26Các việc khác của Giô-si-a, những việc thiện vua làm đúng như đã được chép trong sách luật pháp của Đức Giê-hô-va, 27các việc ấy, từ đầu đến cuối, đã ghi chép trong sách Các Vua Y-sơ-ra-ên và Giu-đa.

Giô-a-cha làm vua Giu-đa, bị truất ngôi và đưa sang Ai Cập

(II Vua 23:30-35)

36 Dân chúng trong xứ lập Giô-a-cha, con trai Giô-si-a, làm vua thay thế vua cha tại Giê-ru-sa-lem. 2Giô-a-cha lên ngôi vua khi được hai mươi ba tuổi, và cai trị ba tháng tại Giê-ru-sa-lem. 3Vua Ai Cập truất ngôi Giô-a-cha tại Giê-ru-sa-lem, và bắt xứ Giu-đa cống nạp ba tấn bạc và ba mươi ký vàng. 4Sau đó, vua Ai Cập lập em Giô-a-cha là Ê-li-a-kim làm vua Giu-đa và Giê-ru-sa-lem, rồi đổi tên là Giê-hô-gia-kim. Vua Nê-cô bắt Giô-a-cha, anh của Giê-hô-gia-kim, đem về Ai Cập.

Giê-hô-gia-kim bị đày qua Ba-by-lôn

(II Vua 23:36 – 24:7)

5Giê-hô-gia-kim lên ngôi vua khi được hai mươi lăm tuổi, và cai trị mười một năm tại Giê-ru-sa-lem. Vua làm điều ác dưới mắt Giê-hô-va Đức Chúa Trời của vua. 6Nê-bu-cát-nết-sa, vua Ba-by-lôn, lên tấn công vua Giu-đa, xiềng vua bằng xích đồng và giải về Ba-by-lôn. 7Nê-bu-cát-nết-sa cũng lấy những vật dụng của đền thờ Đức Giê-hô-va đem về Ba-by-lôn, rồi để vào miếu thờ tại Ba-by-lôn. 8Các việc khác của Giê-hô-gia-kim, những việc ghê tởm mà vua đã làm, và các việc có liên quan đến vua, tất cả đều được chép trong sách Các Vua Y-sơ-ra-ên và Giu-đa. Giê-hô-gia-kin, con vua, lên ngôi kế vị.

Giê-hô-gia-kin cai trị ba tháng và bị đày qua Ba-by-lôn

(II Vua 24:8-17)

9Giê-hô-gia-kin lên ngôi vua khi được mười tám tuổi, và cai trị ba tháng mười ngày tại Giê-ru-sa-lem. Vua làm điều ác dưới mắt Đức Giê-hô-va. 10Vào đầu năm, vua Nê-bu-cát-nết-sa sai người bắt giải Giê-hô-gia-kin về Ba-by-lôn cùng với các vật dụng quý giá của đền thờ Đức Giê-hô-va, rồi lập em của vua là Sê-đê-kia làm vua Giu-đa và Giê-ru-sa-lem.

Sê-đê-kia làm vua Giu-đa

(II Vua 24:18-20; Giê 52:1-3)

11Sê-đê-kia lên ngôi vua khi được hai mươi mốt tuổi, và cai trị mười một năm tại Giê-ru-sa-lem. 12Vua làm điều ác dưới mắt Giê-hô-va Đức Chúa Trời của vua và không hạ mình xuống trước mặt Giê-rê-mi là nhà tiên tri đã nói lời Đức Giê-hô-va cho vua. 13Vua cũng nổi lên chống lại vua Nê-bu-cát-nết-sa là người đã buộc vua nhân danh Đức Chúa Trời mà thề. Vua trở nên cứng cổ rắn lòng, không chịu quay về cùng Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên. 14Hơn nữa, tất cả những người lãnh đạo của các thầy tế lễ và toàn dân ngày càng bất trung, làm mọi điều ghê tởm như các dân chung quanh đã làm. Họ làm ô uế đền thờ Đức Giê-hô-va mà Ngài đã biệt riêng ra thánh tại Giê-ru-sa-lem.
15Giê-hô-va Đức Chúa Trời của tổ phụ họ vì thương xót dân Ngài và nơi ngự của Ngài nên vẫn thường sai sứ giả đến với họ. 16Nhưng họ nhạo báng sứ giả của Đức Chúa Trời, xem thường lời Chúa và chế nhạo các nhà tiên tri của Ngài, cho đến khi cơn thịnh nộ của Đức Giê-hô-va nổi lên cùng dân Ngài, vô phương cứu chữa.

Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt

(II Vua 25:1-21; Giê 52:3-30)

17Vì vậy, Đức Giê-hô-va khiến vua Canh-đê lên tấn công họ, dùng gươm giết các thanh niên ngay tại đền thánh của họ, chẳng chút xót thương, bất kể thanh niên thiếu nữ, người già cả hay là kẻ yếu sức. Ngài phó tất cả vào tay vua Canh-đê. 18Toàn bộ các vật dụng lớn nhỏ của đền thờ Đức Chúa Trời, các kho báu của đền thờ Đức Giê-hô-va, của vua và các quan chức, tất cả đều bị đem qua Ba-by-lôn. 19Chúng đốt đền thờ Đức Chúa Trời, triệt hạ tường thành Giê-ru-sa-lem, lấy lửa đốt các cung điện và phá hủy các vật dụng quý giá trong thành. 20Những ai còn sót lại không bị giết bằng gươm đều bị bắt đày sang Ba-by-lôn, và họ trở thành nô lệ cho vua và con cháu của vua, cho đến thời vương quốc Ba Tư cai trị. 21Thế là ứng nghiệm lời của Đức Giê-hô-va đã phán qua miệng Giê-rê-mi rằng, đất được hưởng bù các năm sa-bát của nó. Suốt thời gian bị bỏ hoang, đất được nghỉ ngơi cho đến khi trọn bảy mươi năm.

Chiếu chỉ của vua Si-ru

(Era 1:1-4)

22Vào năm thứ nhất đời trị vì của Si-ru, vua Ba Tư, để làm ứng nghiệm lời Đức Giê-hô-va đã phán qua miệng Giê-rê-mi, Đức Giê-hô-va tác động tâm trí Si-ru, vua Ba Tư, khiến vua ra chiếu chỉ và công bố khắp đế quốc rằng: 23“Si-ru, vua Ba Tư tuyên bố như sau: ‘Giê-hô-va Đức Chúa Trời trên trời đã ban cho ta tất cả các vương quốc trần gian; chính Ngài bảo ta xây cất cho Ngài một đền thờ tại Giê-ru-sa-lem, thuộc xứ Giu-đa. Vậy, ai trong các ngươi là dân của Ngài hãy trở lên Giê-ru-sa-lem. Nguyện Giê-hô-va Đức Chúa Trời ở cùng người ấy!’”

Bình luận

Đôi mắt của Chúa

Con mắt của Chúa nhìn thấy mọi điều bạn làm, mọi điều bạn nói và và mọi điều bạn nghĩ. Chúng ta có thể thoát khỏi tầm mắt của con người nhưng chúng ta không thể thoát khỏi tầm mắt của Chúa.

Lịch sử đau buồn của dân Chúa tiếp tục trong đoạn kinh thánh hôm nay. Bản chất con người là không thay đổi. Có đánh nhau, chiến trận, cãi vã, tấn công và chiến tranh (35:20-21). Những vị vua kế vị Giô-si-a không noi gương tốt của ông. Giê-a-cha, Giê-hô-gia-kim, (con trai Giô-a-cha) và Sê-đê-kia (chú của Giê-hô-gia-kim) đều ‘làm điều ác dưới mắt Giê-hô-va Đức Chúa Trời’ (36:5,9,12).

Vấn đề của Sê-đê-kia, giống như những người khác, là ông 'cứng cổ rắn lòng, không chịu quay về cùng Giê-hô-va Đức Chúa Trời' (c.13). Cứng cổ rắn lòng là một minh họa mạnh mẽ về sự kiêu ngạo – không chịu cúi đầu trước Chúa. Cứng lòng là cách chúng ta có thể chống lại Chúa Thánh Linh.

‘Giê-hô-va Đức Chúa Trời…thường sai sứ giả đến với họ’ (II Sử ký 36:15). Giống như nhiều người ngày nay, ‘họ nhạo báng sứ giả của Đức Chúa Trời, xem thường lời Chúa và chế nhạo các nhà tiên tri của Ngài' (c.16). Cuối cùng, Đức Chúa Trời đã giao họ (c.17) cho các cường quốc thời đó – Ba-by-lôn (Iraq ngày nay) và Ba Tư (Iran ngày nay).

Sử Ký kết thúc với một chút hy vọng. Đoạn kinh thánh hôm nay mô tả sự tàn phá của Giê-ru-sa-lem, đền thờ vào năm 597 trước Công nguyên và cuộc lưu đày. Nhưng nó kết thúc với hy vọng khôi phục và xây dựng lại vào năm 538 trước Công nguyên.

Sự phục hồi này hướng tới niềm hy vọng lớn hơn về những gì sẽ xảy ra nhờ Chúa Giê-su, Chúa chúng ta. Chức vụ của giao ước cũ vượt xa chức vụ của Chúa Giê-su và Đức Thánh Linh. Niềm hy vọng của chúng ta thuộc một trật tự hoàn toàn khác. Phao-lô viết ‘vì chúng ta có niềm hy vọng như vậy, nên chúng tôi rất dạn dĩ’ (II Cô-rinh-tô 3:12). Đó là niềm hy vọng phản ánh vinh quang của Chúa và được biến đổi giống như Ngài với vinh quang ngày càng tăng (c.18).

Cầu nguyện

Lạy Chúa, cảm ơn Chúa vì niềm hy vọng mà chúng con có, niềm hy vọng lớn lao hơn nhiều so với bất kỳ ai từng nghĩ hoặc tưởng tượng. Cảm ơn Chúa vì con có thể nhìn vào khuôn mặt của Chúa Giê-su. Cảm ơn Chúa vì con có thể phản chiếu vinh quang của Ngài và được biến đổi giống Ngài với vinh quang ngày càng tăng.

Pippa chia sẻ

Trong II Cô-rinh-tô 3:18 có nói:

‘Tất cả chúng ta đều để mặt trần chiêm ngưỡng vinh quang Chúa, được biến đổi trở nên giống như hình ảnh Ngài, từ vinh quang đến vinh quang; vì điều nầy đến từ Chúa là Thánh Linh.’

Không có sự thay đổi thì không có sự tăng trưởng.

reader

App

Tải xuống ứng dụng Kinh Thánh Trong Một Năm dành cho thiết bị iOS hoặc Android và đọc theo mỗi ngày.

reader

Email

Đăng ký ngay bây giờ để nhận Kinh thánh trong một năm trong hộp thư đến của bạn mỗi sáng. Bạn sẽ nhận được một email mỗi ngày.

reader

Website

Bắt đầu đọc sự tận tâm của ngày hôm nay ngay tại đây trên trang web BiOY.

Read now
reader

Book

Kinh thánh trong một năm bình luận có sẵn như là một cuốn sách.

Tham khảo

Trừ khi có quy định khác, các trích dẫn Kinh thánh lấy từ Kinh thánh, Phiên bản quốc tế mới được Anh hóa, Bản quyền © 1979, 1984, 2011 Biblica, trước đây là Hiệp hội Kinh thánh Quốc tế. Được sử dụng với sự cho phép của Nhà xuất bản Hodder & Stoughton, một công ty của Hachette Vương quốc Anh. Đã đăng ký Bản quyền. ‘NIV’ là nhãn hiệu đã đăng ký của Biblica. Số nhãn hiệu Vương quốc Anh 1448790.

Các trích dẫn Kinh thánh được đánh dấu (AMP) lấy từ Amplified® Bible, Bản quyền © 1954, 1958, 1962, 1964, 1965, 1987 bởi The Lockman Foundation. Được sử dụng bởi sự cho phép. (www.Lockman.org)

Kinh thánh được đánh dấu (MSG) được lấy từ Thông điệp. Bản quyền © 1993, 1994, 1995, 1996, 2000, 2001, 2002. Được sử dụng dưới sự cho phép của NavPress Publishing Group.

Kinh Thánh trong một năm

  • Classic Title
  • Day Number
  • Day Title
  • Introduction
  • Wisdom Title
  • Wisdom Bible
  • Wisdom Commentary
  • New Testament Title
  • New Testament Bible
  • New Testament Commentary
  • Old Testament Title
  • Old Testament Bible
  • Old Testament Commentary
  • Pippa Adds

This website stores data such as cookies to enable necessary site functionality and analytics. Find out more