Thái độ của lòng biết ơn
Giới thiệu
Jean Smith kể cho tôi nghe câu chuyện của bà ấy. Bà đã ở giữa tuổi sáu mươi. Bà ấy đến từ Cwmbran ở xứ Wales. Bà đã bị mù suốt mười sáu năm. Bà ấy có một cây gậy màu trắng và một con chó dẫn đường tên là Tina. Nhiễm trùng đã ăn mòn võng mạc và hệ thấu kính sau mắt bà – chúng không thể thay thế được. Bà ấy phải chịu những cơn đau không dứt.
Jean đã tham gia một khóa Alpha ở địa phương. Họ có một ngày đi dã ngoại để tập trung vào Đức Thánh Linh. Trong thời gian này, sự đau đớn đã biến mất. Chủ nhật tuần sau bà đến Hội Thánh để tạ ơn Chúa. Mục sư xức dầu cho bà. Khi lau dầu đi, bà có thể nhìn thấy bàn Tiệc thánh. Chúa đã chữa lành Jean một cách kỳ diệu.
Bà đã không nhìn thấy chồng mình trong mười sáu năm. Bà ngạc nhiên khi thấy bộ râu của ông lại trắng đến thế! Jean thậm chí chưa bao giờ nhìn thấy con dâu của mình trước đây. Đứa cháu trai sáu tuổi rưỡi của bà đã từng phải dẫn bà đi vòng quanh những vũng nước để bà không bị ướt chân.
Cậu bé nói với bà, 'Ai đã làm điều đó vậy bà?' Bà trả lời: ‘Chúa Giê-su đã làm cho bà khỏe hơn’. ‘Con hy vọng bà sẽ nói lời tạ ơn, bà ạ’ 'Bà sẽ không bao giờ ngừng nói lời tạ ơn đâu,' bà trả lời.
Hôm qua chúng ta đọc lời khích lệ của Phao-lô: ‘Trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin cùng sự tạ ơn mà trình dâng những nhu cầu của mình cho Đức Chúa Trời’ (Phi-líp 4:6). Hôm nay chúng ta thấy ông áp dụng những chỉ dẫn của chính mình vào thực tế. Giống như Jean, Phao-lô cũng không ngừng tạ ơn Chúa. Ông có thái độ biết ơn.
Ngợi khen là dâng vinh hiển cho Chúa vì chính Ngài. Sự tạ ơn là tôn vinh Chúa vì những gì Ngài đã làm cho chúng ta. Đó là lăng kính để nhìn toàn bộ cuộc sống của chúng ta. Cuối cùng, như chúng ta thấy trong các phân đoạn Kinh Thánh hôm nay, thế giới có thể được chia thành hai loại: những người nhận biết Đức Chúa Trời và tạ ơn Ngài, và những người không.
Vậy làm thế nào để nuôi dưỡng thái độ biết ơn?
Thi Thiên 116:12-19
12Tôi sẽ lấy gì báo đáp Đức Giê-hô-va
Về các ơn lành mà Ngài đã làm cho tôi?
13Tôi sẽ cầm chén cứu rỗi
Mà cầu khẩn danh Đức Giê-hô-va.
14Tôi sẽ trả xong cho Đức Giê-hô-va các điều tôi hứa nguyện,
Trước mặt toàn thể con dân Ngài.
15Sự chết của những người thánh
Là quý báu dưới mắt Đức Giê-hô-va.
16Lạy Đức Giê-hô-va, con là đầy tớ Ngài;
Thật con là đầy tớ Ngài, con trai của tớ gái Ngài;
Ngài đã mở gông cùm cho con.
17Con sẽ dâng lên Chúa tế lễ tạ ơn
Và cầu khẩn danh Đức Giê-hô-va.
18Con sẽ trả xong cho Đức Giê-hô-va các điều con hứa nguyện,
Trước mặt toàn thể con dân Ngài,
19Trong hành lang của nhà Đức Giê-hô-va,
Ở giữa Giê-ru-sa-lem!
Ha-lê-lu-gia!
Bình luận
Công khai dâng của lễ tạ ơn
Chỉ tạ ơn Chúa trong sự riêng tư tại nhà riêng của bạn thôi thì chưa đủ. Có điều gì đó rất ý nghĩa khi cùng nhau đến và công khai tạ ơn Đức Chúa Trời ‘trước mặt toàn thể con dân Ngài’ (c.14). Tác giả Thi Thiên đặt câu hỏi tu từ: ‘Tôi sẽ lấy gì báo đáp Đức Giê-hô-va về các ơn lành mà Ngài đã làm cho tôi?’ (c.12).
Chúa đã quá tốt với ông. Tác giả biết ơn vì tương lai của mình được đảm bảo, rằng ‘Chúa quý trọng mạng sống người thánh, không để họ khuất bóng dễ dàng’ (c.15, BDY). Ông tạ ơn về những gì Chúa đã làm trong quá khứ và tuyên bố rằng ‘Ngài đã mở gông cùm cho con’ (c.16).
Đôi khi việc tạ ơn thật dễ dàng. Vào những lúc khác, nó giống như một sự hy sinh hơn (c.17). Sứ đồ John of Avila (1500–1569) đã viết, ‘Một hành động tạ ơn khi chúng ta gặp điều không như ý đáng giá cả ngàn lời tạ ơn khi mọi việc đều theo ý muốn của chúng ta.’
Tác giả Thi Thiên nói: ‘Con sẽ dâng lên Chúa tế lễ tạ ơn và cầu khẩn danh Đức Giê-hô-va. Con sẽ trả xong cho Đức Giê-hô-va các điều con hứa nguyện, trước mặt toàn thể con dân Ngài, trong hành lang của nhà Đức Giê-hô-va, ở giữa Giê-ru-sa-lem! Ha-lê-lu-gia!' (c.17–19). 'Ha-lê-lu-gia' là một trong số ít từ tiếng Do Thái đã đi vào tiếng Anh - đó là lời kêu gọi ca ngợi Chúa.
Ông nhớ lại nỗi đau đớn của mình (c.1–4). Ông nhớ đến lòng thương xót của Chúa (c.5–11) và bây giờ ông kết thúc bài Thi Thiên với lòng biết ơn sâu sắc (c.12–19).
Cầu nguyện
Lạy Chúa, làm sao con có thể tạ ơn Ngài cho đủ? Cảm ơn Ngài vì đã cứu con. Vì tất cả những điều tốt lành của Ngài đối với con, con sẽ tạ ơn Ngài trong 'nhà Đức Giê-hô-va' (c.19).
Cô-lô-se 1:1-23
Lời mở đầu
1 Phao-lô, theo ý muốn của Đức Chúa Trời làm sứ đồ của Đấng Christ Jêsus, cùng Ti-mô-thê là anh em, 2kính gửi các thánh đồ và anh em trung tín trong Đấng Christ tại Cô-lô-se: Cầu xin Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, ban ân điển và bình an cho anh em.
Đức Chúa Jêsus Christ đứng đầu muôn vật và là cội nguồn sự chuộc tội
(1:3 – 2:23)
Lời cầu nguyện cảm tạ
3Khi cầu nguyện cho anh em, chúng tôi luôn cảm tạ Đức Chúa Trời, Cha của Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ. 4Vì chúng tôi đã nghe về đức tin của anh em trong Đấng Christ Jêsus và lòng yêu thương của anh em đối với tất cả các thánh đồ, 5bởi niềm hi vọng đã dành sẵn cho anh em ở trên trời, điều mà trước kia anh em đã nghe trong lời chân lý, là Tin Lành đã đến với anh em. 6Tin Lành nầy đang kết quả và phát triển trên khắp thế giới cũng như giữa anh em, từ ngày anh em đã nghe và hiểu ân điển thực sự của Đức Chúa Trời. 7Anh em đã học điều đó nơi Ê-pháp-ra, bạn đồng lao quý mến của chúng tôi. Anh ấy là người thay mặt anh em làm người phục vụ trung thành của Đấng Christ, 8và là người đã tỏ cho chúng tôi biết lòng yêu thương của anh em trong Thánh Linh.
9Vì thế, từ ngày nghe được điều nầy, chúng tôi không ngừng cầu nguyện cho anh em, xin Đức Chúa Trời ban cho anh em sự hiểu biết tường tận về ý muốn của Ngài trong mọi sự khôn ngoan và thông hiểu thuộc linh 10để sống một cách xứng đáng cho Chúa, đẹp lòng Ngài hoàn toàn, kết quả trong tất cả việc lành, và tăng trưởng trong sự hiểu biết Đức Chúa Trời. 11Nhờ quyền năng vinh quang của Ngài mà anh em được đầy năng lực để có thể kiên trì chịu đựng mọi sự một cách vui vẻ, 12và dâng lời cảm tạ Đức Chúa Cha, là Đấng đã làm cho anh em xứng đáng dự phần cơ nghiệp của các thánh đồ trong ánh sáng. 13Ngài đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực của bóng tối, và đem chúng ta vào vương quốc của Con yêu dấu Ngài; 14trong Con ấy, chúng ta được sự cứu chuộc là sự tha tội.
Thân vị siêu việt của Đấng Christ
15Chính Ngài là hình ảnh của Đức Chúa Trời vô hình, là Đấng sinh ra trước tất cả mọi loài thọ tạo. 16Vì trong Ngài mọi vật trên trời, dưới đất, vật thấy được hoặc vật không thấy được đều được tạo dựng. Hoặc ngôi vua, hoặc quyền thống trị, hoặc các lãnh tụ, hoặc giới cầm quyền đều được tạo dựng bởi Ngài và vì Ngài. 17Ngài có trước muôn vật, và muôn vật được giữ vững trong Ngài. 18Ngài là đầu của thân thể, tức là Hội Thánh. Ngài là khởi đầu, là Đấng sinh trước nhất từ những người chết, để trong mọi sự Ngài đều đứng đầu. 19Vì Đức Chúa Trời đã vui lòng đặt để mọi sự viên mãn của mình ở trong Ngài, 20và nhờ Ngài mà hòa giải muôn vật với chính mình, bởi huyết Ngài trên thập tự giá đem bình an đến cho cả những vật dưới đất và những vật trên trời.
21Còn anh em ngày trước vốn xa cách Đức Chúa Trời, trở nên thù nghịch với Ngài bởi những ý tưởng và hành động xấu xa của anh em, 22nhưng bây giờ Đức Chúa Trời đã hòa giải qua sự chết thân xác của Con Ngài, để trình diện anh em một cách thánh sạch, không tì vết, không chỗ chê trách được trước mặt Ngài; 23miễn là anh em tiếp tục đứng vững trong đức tin, không nao núng, không chuyển dời khỏi niềm hi vọng của Tin Lành mà anh em đã nghe, là Tin Lành đã được rao giảng cho mọi tạo vật dưới trời; và tôi, Phao-lô, đã trở nên người phục vụ Tin Lành ấy.
Bình luận
Không ngừng tạ ơn Chúa
Hầu hết mọi người, ngay cả ngày nay trong các xã hội vô thần, đều thừa nhận rằng Chúa Giê-su là một nhân vật lịch sử vĩ đại. Họ có thể xếp Ngài ngang hàng với Moses, Đức Phật, Socrates và các nhà lãnh đạo tôn giáo vĩ đại khác.
Nhưng Chúa Giê-su có phải là Đấng Cứu Chuộc duy nhất và của toàn thế giới không? Đây là một vấn đề ở thế kỷ thứ nhất cũng như hiện nay ở thế kỷ XXI. Đối với những người ở Cô-lô-se, một số thế lực vũ trụ đã được đặt ngang hàng với Chúa Giê-su.
Trong bức thư này, Phao-lô, với lòng khiêm nhường và ôn nhu, tuyên bố rằng Chúa Giê-su là Đấng Cứu Chuộc duy nhất và chung của toàn thế giới. Chính Đức Chúa Trời và ‘Cha của Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ’ (c.3) là Đấng đáng được chúng ta tôn thờ, ngợi khen và tạ ơn.
Khi cầu nguyện cho người Cô-lô-se, ông tạ ơn Chúa vì đức tin và tình yêu thương của họ xuất phát từ niềm hy vọng dành sẵn cho họ ở trên trời (c.5).
Ông cầu nguyện để họ có thể lần lượt tạ ơn Chúa. Ông tóm tắt những cách ông cầu nguyện cho đức tin của họ phát triển – cầu xin ‘sự khôn ngoan và thông hiểu thuộc linh’, sinh bông trái và ‘hiểu biết Đức Chúa Trời’, ‘năng lực để có thể kiên trì chịu đựng’. Danh sách này tăng dần khi mỗi phẩm chất nối tiếp với phẩm chất tiếp theo, kết thúc bằng câu 'dâng lời cảm tạ Đức Chúa Cha' (c.9–12).
Phao-lô đang cầu nguyện để họ tạ ơn Chúa Cha vì đã giải thoát họ 'từ quyền lực của bóng tối' sang vương quốc ánh sáng - vì sự cứu chuộc của Ngài là sự tha tội (c.13–14): 'Ngài đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực của bóng tối, và đem chúng ta vào vương quốc của Con yêu dấu Ngài; trong Con ấy, chúng ta được sự cứu chuộc là sự tha tội’ (c.13–14).
Đấng mà bạn phải tạ ơn là ‘hình ảnh của Đức Chúa Trời vô hình’ (c.15) – ‘Chưa có ai thấy Thượng Đế nhưng Chúa Cứu Thế Giê-xu là hình ảnh của Ngài’ (c.15, BPT). Chúa Giê-su là Đấng tạo nên muôn vật. Mọi sự đều được tạo dựng bởi Chúa Giê-su và cho Chúa Giê-su. ‘Tất cả đều được tạo nên qua Chúa Cứu Thế và vì Chúa Cứu Thế' (c.16, BPT). Chúa Giê-su là đầu của Hội Thánh (c.18). Mọi sự viên mãn của Đức Chúa Trời đều ở trong Ngài (c.19).
Chúa Giê-su đã làm hòa với Đức Chúa Trời ‘bởi huyết Ngài trên thập tự giá’ (c.20). Ngài đã hòa giải bạn với Chúa (c.22a). Bây giờ bạn là thánh trước mặt Ngài, không tì vết và không bị buộc tội (c.22b).
Đây là Tin lành mà chúng ta cần tạ ơn: Chúa Giê-su ‘có trước muôn vật, và muôn vật được giữ vững trong Ngài... Ngài là khởi đầu, là Đấng sinh trước nhất từ những người chết, để trong mọi sự Ngài đều đứng đầu... Tin Lành đã được rao giảng cho mọi tạo vật dưới trời' (c.17–23).
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giê-su, tạ ơn Chúa vì sự bình an và hòa giải với Đức Chúa Trời qua dòng huyết Chúa đã đổ ra trên thập giá vì con. Cảm ơn Ngài vì đã cho chúng con ân điển to lớn là được rao giảng Phúc âm và giúp người khác được tự do.
Giê-rê-mi 7:30-9:16
Thung lũng tàn sát
30Đức Giê-hô-va phán: “Con dân Giu-đa đã làm điều ác dưới mắt Ta. Chúng đặt những vật ghê tởm ngay trong nhà được gọi bằng danh Ta, để làm cho nó ô uế. 31Chúng đã xây các nơi cao của Tô-phết trong thung lũng Ben Hi-nôm, để đốt con trai con gái mình trong lửa; đó là điều Ta chẳng truyền dạy cũng chẳng hề nghĩ đến.” 32Đức Giê-hô-va phán: “Vì vậy mà trong những ngày đến, người ta sẽ không gọi là Tô-phết hay thung lũng Ben Hi-nôm nữa, mà gọi là ‘thung lũng Tàn Sát’, vì người ta sẽ chôn cất tại Tô-phết, cho đến khi không còn chỗ chôn nữa. 33Tử thi của dân nầy sẽ làm thức ăn cho chim trời và thú rừng trên đất, và chẳng có ai xua đuổi chúng đi. 34Bấy giờ, Ta sẽ làm cho các thành của Giu-đa và đường phố Giê-ru-sa-lem ngưng tiếng reo vui mừng rỡ, tiếng của chú rể và cô dâu, vì đất nầy sẽ trở nên hoang vu.”
Sự mù quáng của dân Giu-đa
8 Đức Giê-hô-va phán: “Lúc ấy, người ta sẽ lôi ra khỏi mộ xương của các vua Giu-đa, xương của các thủ lĩnh, xương của các thầy tế lễ, xương của các nhà tiên tri, và xương của cư dân Giê-ru-sa-lem. 2Người ta sẽ phơi các xương ấy dưới mặt trời, mặt trăng, và tất cả các tinh tú trên trời mà chúng đã yêu mến, phục vụ, đi theo, cầu hỏi, và thờ lạy. Các xương ấy sẽ chẳng được gom lại, cũng chẳng được chôn cất nhưng sẽ thành phân bón trên mặt đất. 3Đối với mọi kẻ sống sót của gia tộc gian ác ấy tại những nơi mà Ta đuổi chúng đến, thì thà chết còn hơn sống.” Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy.
4“Con hãy bảo chúng rằng Đức Giê-hô-va có phán:
‘Khi vấp ngã, người ta không đứng dậy sao?
Khi lầm lạc, người ta không quay về sao?
5Vậy thì tại sao dân nầy cứ quay đi,
Giê-ru-sa-lem nầy cứ mãi phản bội?
Chúng khăng khăng giữ điều gian trá,
Từ chối quay về.
6Ta đã chú ý lắng nghe,
Nhưng chúng không nói thật,
Không một ai ăn năn tội ác mình,
Lại còn nói: “Tôi có làm gì đâu!”
Tất cả đều theo đuổi con đường riêng
Như con ngựa xông vào trận mạc.
7Ngay cả chim hạc bay trên không
Còn biết mùa di chuyển;
Chim gáy, chim yến, chim nhạn,
Còn nhớ mùa trở về;
Nhưng dân Ta chẳng biết
Phán quyết của Đức Giê-hô-va!
8Làm sao các ngươi dám nói: “Chúng tôi khôn ngoan,
Luật pháp Đức Giê-hô-va ở với chúng tôi,”?
Nhưng nầy, ngọn bút giả dối của các thầy thông giáo
Đã làm cho luật pháp ấy ra lời dối trá!
9Kẻ khôn ngoan sẽ bị xấu hổ,
Mất tinh thần và bị mắc bẫy.
Chúng nó đã lìa bỏ lời của Đức Giê-hô-va,
Thì còn khôn ngoan nỗi gì?
10Vì vậy, Ta sẽ phó vợ chúng cho người khác,
Ruộng chúng cho chủ mới;
Vì từ người nhỏ nhất đến người lớn nhất,
Đều tham lợi bất chính;
Từ nhà tiên tri đến thầy tế lễ,
Đều sống giả dối.
11Chúng chữa vết thương con gái dân Ta cách sơ sài,
Rồi bảo: “Bình an! Bình an!”
Mà không bình an chi hết.
12Chúng làm điều ghê tởm, đáng xấu hổ,
Nhưng chúng chẳng thấy xấu hổ,
Cũng chẳng biết hổ thẹn là gì.
Vì vậy, chúng sẽ vấp ngã giữa những kẻ vấp ngã;
Đến ngày Ta trừng phạt, chúng sẽ ngã gục,’”
Đức Giê-hô-va phán vậy.
13Đức Giê-hô-va phán: “Ta muốn gom chúng lại và tiêu diệt chúng,
Sẽ không còn trái nho trên cây nho,
Chẳng còn trái vả trên cây vả;
Lá sẽ khô héo;
Những gì Ta đã ban cho chúng sẽ bị tước mất.”
14Sao chúng ta cứ ngồi yên?
Hãy tập trung lại, cùng chạy vào các thành kiên cố
Và chết tại đó!
Vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta đã định cho chúng ta phải chết,
Ngài cho chúng ta uống nước độc,
Vì chúng ta đã phạm tội với Đức Giê-hô-va.
15Chúng ta trông đợi bình an,
Nhưng không thấy điều tốt đẹp nào đến cả;
Mong mỏi kỳ chữa lành,
Mà chỉ thấy nỗi khiếp kinh.
16Từ thành Đan, người ta đã nghe tiếng hét của ngựa;
Đất rung chuyển vì tiếng hí của các con ngựa chiến.
Chúng đã đến nuốt đất và sản vật của đất,
Nuốt thành và cư dân trong thành.
17“Nầy, Ta sẽ sai rắn đến giữa các ngươi,
Loài rắn độc chẳng ai ếm chú được,
Chúng sẽ cắn các ngươi.”
Đức Giê-hô-va phán vậy.
Nhà tiên tri than khóc dân chúng
18Ước gì tôi được an ủi khỏi cơn đau buồn,
Nỗi đớn đau làm tan nát cõi lòng!
19Nầy, có tiếng kêu cứu của con gái dân tôi,
Từ miền đất xa xăm vọng về:
“Đức Giê-hô-va không còn ở trong Si-ôn sao?
Vua Si-ôn không còn ngự trong thành sao?”
“Tại sao chúng dùng tượng chạm của chúng
Và thần hư không của dân ngoại,
Mà chọc giận Ta?”
20“Mùa gặt đã qua, mùa hạ đã hết,
Mà chúng tôi chưa được cứu!”
21Vì vết thương của con gái dân tôi mà lòng tôi đau xót,
Tôi khóc than sầu muộn, nỗi kinh hoàng bám chặt lấy tôi.
22Trong Ga-la-át không có nhũ hương sao?
Ở đó cũng không còn thầy thuốc sao?
Vậy thì tại sao vết thương con gái dân tôi
Không được chữa lành?
Lời than thở của Giê-rê-mi
9 Ôi! Ước gì đầu tôi là suối nước,
Mắt tôi là nguồn lệ,
Tôi sẽ khóc suốt ngày đêm
Cho những người bị tàn sát của con gái dân tôi!
2Ôi! Ước gì tôi có một lữ quán
Trong hoang mạc,
Để tôi rời bỏ dân tôi
Mà đi xa khỏi họ.
Vì họ đều là bọn tà dâm,
Là phường gian trá.
3“Chúng uốn lưỡi mình như cái cung
Chúng nắm quyền trong xứ bằng sự dối trá
Chứ không bằng sự chân thật.
Chúng đi từ gian ác nầy đến gian ác nọ,
Nhưng không nhận biết Ta.”
Đức Giê-hô-va phán vậy.
4Mỗi người phải thận trọng với người lân cận,
Cũng đừng tin tưởng một anh em nào;
Vì anh em sẽ lừa gạt anh em,
Còn người lân cận thì đi vu khống.
5Người nào cũng lừa gạt người lân cận,
Không ai nói sự thật.
Chúng luyện tập lưỡi mình nói dối,
Miệt mài làm điều ác.
6Đức Giê-hô-va phán: “Con đang sống giữa cảnh dối trá ấy;
Vì dối trá mà chúng từ chối nhận biết Ta.”
7Vì vậy, Đức Giê-hô-va vạn quân phán:
“Nầy Ta sẽ luyện lọc và thử nghiệm chúng
Vì Ta có thể làm gì khác đối với con gái dân Ta?
8Lưỡi của chúng là mũi tên ác độc
Hay buông lời dối trá.
Ngoài miệng thì chúc bình an cho người lân cận
Nhưng trong lòng thì giăng bẫy hại người.”
9Đức Giê-hô-va phán: “Ta không trừng phạt chúng về các tội ấy sao?
Làm sao Ta không báo trả
Một dân tộc như thế được chứ?”
10Tôi sẽ khóc lóc thở than cho các núi,
Xướng lên bài ca sầu não cho các đồng cỏ trong hoang mạc,
Vì chúng đã bị đốt cháy, không một bóng người qua lại,
Chẳng còn nghe tiếng bầy gia súc;
Từ chim trời cho đến thú rừng,
Tất cả đều trốn mất.
11“Ta sẽ khiến Giê-ru-sa-lem thành đống đổ nát,
Thành hang chó rừng;
Và làm cho các thành của Giu-đa hoang tàn,
Không người ở.”
12Ai là người đủ khôn ngoan để hiểu những việc nầy? Miệng Đức Giê-hô-va phán với ai để họ công bố lại? Tại sao xứ sở điêu tàn, quạnh hiu như hoang mạc, không một bóng người qua lại?
13Đức Giê-hô-va phán: “Vì chúng đã bỏ luật pháp mà Ta đã lập cho chúng, không vâng lời Ta và không sống theo luật pháp Ta. 14Nhưng chúng sống theo tính ương ngạnh của lòng mình, đi theo các thần Ba-anh mà tổ phụ chúng đã dạy.” 15Vì thế, Đức Giê-hô-va vạn quân, Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên phán: “Nầy, Ta sẽ cho dân nầy ăn ngải cứu và uống nước độc. 16Ta sẽ làm cho chúng tan lạc giữa các dân tộc mà chúng và tổ phụ chúng chưa từng biết; Ta còn sai gươm giáo đuổi theo cho đến khi đã tận diệt chúng.”
Bình luận
Coi chừng bỏ bê sự tạ ơn
Những lời của Phao-lô trong Rô-ma 1 có thể được coi là tóm tắt của đoạn kinh thánh này: ‘Vì mặc dù đã biết Đức Chúa Trời, họ vẫn không chịu tôn cao Ngài là Đức Chúa Trời và không tạ ơn Ngài, nhưng cứ suy luận viển vông; lòng dạ ngu muội của họ trở nên tăm tối’ (Rô-ma 1:21).
Trong sách Giê-rê-mi, chúng ta thấy lời cảnh báo của Chúa về sự phán xét của Ngài đối với dân Ngài. Họ đã làm điều ác trước mắt Chúa (Giê-rê-mi 7:30). Họ 'cứ quay đi... Không một ai ăn năn tội ác mình' (8: 5–6, MSG). ‘Chúng chẳng thấy xấu hổ, cũng chẳng biết hổ thẹn là gì’ (c.12). ‘Chúng đi từ gian ác nầy đến gian ác nọ, nhưng không nhận biết Ta’ (9:3). ‘Vì dối trá mà chúng từ chối nhận biết Ta’ (c.6).
‘Lưỡi của chúng là mũi tên ác độc hay buông lời dối trá. Ngoài miệng thì chúc bình an cho người lân cận nhưng trong lòng thì giăng bẫy hại người' (c.8). Căn nguyên mọi tội lỗi của họ là không nhận biết Chúa và tạ ơn Ngài; họ ‘từ chối nhận biết Ta’ (c.6).
Chúa đã ban cho họ rất nhiều, nhưng họ lại không nhận biết hay cảm ơn Ngài vì điều đó. Vì vậy, Chúa phán: ‘Những gì Ta đã ban cho chúng sẽ bị tước mất’ (8:13d). ‘Ta muốn gom chúng lại và tiêu diệt chúng, sẽ không còn trái nho trên cây nho, chẳng còn trái vả trên cây vả’ (c.13).
Sự phán xét này khiến Giê-rê-mi đau đớn: ‘Trong Ga-la-át không có nhũ hương sao? Ở đó cũng không còn thầy thuốc sao? Vậy thì tại sao vết thương con gái dân tôi không được chữa lành?’ (c.22).
Tất cả các phân đoạn Kinh Thánh hôm nay kêu gọi chúng ta tạ ơn và ngợi khen Đức Chúa Trời. Một cách chúng ta có thể đáp lại là tổng hợp tất cả những suy nghĩ và lời cầu nguyện của mình bằng lời cầu nguyện của một trong những buổi lễ hiệp thông của Anh giáo:
Chúng ta hãy tạ ơn Chúa là Đức Chúa Trời của chúng ta.
Thật phải lẽ khi tạ ơn và ca ngợi Ngài.
Quả thực là đúng,
đó là nghĩa vụ và niềm vui của chúng con,
mọi lúc và mọi nơi
khi tạ ơn và ngợi khen Ngài
Cha thánh, Vua trên trời,
Đức Chúa Trời toàn năng và đời đời,
nhờ Đức Chúa Giê-su Christ, Con Chúa, Chúa chúng con…
Vì thế với các thiên sứ và thiên sứ trưởng,
và với tất cả thiên đàng,
chúng con tung hô danh vĩ đại và vinh quang của Chúa,
mãi mãi ngợi khen Ngài và nói:
Cầu nguyện
Thánh thay, thánh thay, thánh thay
Đức Chúa Trời quyền năng, Chúa vạn quân,
trời đất ngập tràn vinh quang Chúa.
Ngợi khen Đấng ở trên trời rất cao.
Pippa chia sẻ
Thi Thiên 116:15
‘Sự chết của những người thánh là quý báu dưới mắt Đức Giê-hô-va.’
Với những tin tức kinh hoàng về rất nhiều vụ giết người dã man xảy ra, việc nhận biết rằng Chúa biết và quan tâm đến mỗi người trong số họ thật là an ủi.
App
Tải xuống ứng dụng Kinh Thánh Trong Một Năm dành cho thiết bị iOS hoặc Android và đọc theo mỗi ngày.
Đăng ký ngay bây giờ để nhận Kinh thánh trong một năm trong hộp thư đến của bạn mỗi sáng. Bạn sẽ nhận được một email mỗi ngày.
Book
Kinh thánh trong một năm bình luận có sẵn như là một cuốn sách.
- Mua từ Cửa hàng Alpha
- [Mua từ Nhà sách CLC](https://clcbookshops.com/product/bible-in-one-year-the-a-commentary-by-nicky-gumbel-hard-cover-gumbel-nicky-hodder-stoughton- 9781473677067)
Tham khảo
Kinh nguyện Thánh Thể A để sử dụng trong Dòng Một, Thờ phượng chung (Nhà xuất bản Nhà thờ 2000, trang 184–5, © Hội đồng Tổng Giám mục.
Trừ khi có quy định khác, các trích dẫn Kinh thánh lấy từ Kinh thánh, Phiên bản quốc tế mới được Anh hóa, Bản quyền © 1979, 1984, 2011 Biblica, trước đây là Hiệp hội Kinh thánh Quốc tế. Được sử dụng với sự cho phép của Nhà xuất bản Hodder & Stoughton, một công ty của Hachette Vương quốc Anh. Đã đăng ký Bản quyền. ‘NIV’ là nhãn hiệu đã đăng ký của Biblica. Số nhãn hiệu Vương quốc Anh 1448790.
Kinh thánh được đánh dấu (MSG) được lấy từ Thông điệp. Bản quyền © 1993, 1994, 1995, 1996, 2000, 2001, 2002. Được sử dụng dưới sự cho phép của NavPress Publishing Group.