Nếu Chưa Ổn Thì Chưa Phải Cuối Cùng
Giới thiệu
Có một câu thoại trong phim The Best Exotic Marigold Hotel: 'Cuối cùng thì mọi chuyện sẽ ổn thôi... Nếu chưa ổn thì đó chưa phải là cuối cùng'. Vượt xa bối cảnh trong phim, những câu nói này truyền tải một lẽ thật thần học hết sức sâu sắc.
Thi Thiên 119:105-112
105Lời Chúa là ngọn đèn cho chân con,
Ánh sáng cho đường lối con.
106Con đã thề và cam kết rằng,
Con sẽ giữ các phán quyết công chính của Chúa.
107Đức Giê-hô-va ôi! Con bị khốn khổ tột cùng;
Xin làm cho con được sống nhờ lời của Ngài.
108Lạy Đức Giê-hô-va, xin chấp nhận tế lễ tự nguyện bằng lời ca ngợi của con,
Và dạy dỗ con các phán quyết của Ngài.
109Mạng sống con luôn đối diện với hiểm nguy,
Nhưng con không quên luật pháp Chúa.
110Kẻ ác gài bẫy hại con,
Nhưng con không lìa bỏ kỷ cương Chúa.
111Chứng ước Chúa là cơ nghiệp đời đời của con,
Vì chứng ước ấy là niềm vui của lòng con.
112Con chuyên tâm làm theo luật lệ Chúa,
Mãi mãi và cho đến cuối cùng.
Bình luận
Chạy đua đến cuối cùng
Hãy quyết tâm, giống như tác giả Thi Thiên, để trung tín với Chúa cho đến cuối đời. Hãy nói: ‘Con chuyên tâm làm theo luật lệ Chúa, mãi mãi và cho đến cuối cùng’ (c.112).
Ở một khía cạnh nào đó, cuộc sống của bạn giống như một cuộc đua vượt chướng ngại vật. Có cạm bẫy dọc đường đi (v.110a). Có những cám dỗ khiến bạn lạc lối (c.110b) và có khổ đau (c.107).
Làm thế nào bạn có thể tránh vấp ngã hoặc làm đảo lộn cuộc sống? Đi lang thang trong bóng tối thật đáng sợ và nguy hiểm. Câu trả lời của tác giả Thi Thiên là, trong bóng tối của thế gian xung quanh, lời Chúa mang đến:
1. Sự dẫn dắt
Lời Chúa soi sáng trong bóng tối: ‘Lời Chúa là ngọn đèn cho chân con, ánh sáng cho đường lối con’ (c.105). Lời Chúa cho bạn nhìn thấy những chướng ngại vật trên đường đi của mình và niềm hy vọng để tránh vấp phải chúng. Hãy thường xuyên học lời Chúa và Ngài sẽ dẫn dắt bạn từng bước một: ‘Đèn Kinh thánh soi chân, tiến bước, phát chân quang rọi trước đường đời’ (c.105, BDY).
2. Thức ăn
Bạn cần thức ăn thuộc linh để tiếp tục cuộc hành trình và lời Chúa ‘ngọt hơn mật ong trong miệng con’ (c.103).
3. Sự khôn ngoan
Bạn cần sự khôn ngoan khi đối mặt với những tình huống và quyết định căng thẳng, và lời Chúa mang lại sự 'thông sáng’ (c.104).
4. Sự khích lệ
Đó không phải điều dễ dàng. Ông viết: ‘Mạng sống con luôn đối diện với hiểm nguy’ (c.109). Bạn cần được khích lệ để tiếp tục bước đi và lời Chúa là 'cơ nghiệp đời đời' và là 'niềm vui của lòng con' (c.111).
Chúa là thành tín và Ngài sẽ giúp bạn. Tác giả Thi Thiên viết: ‘Lạy Đức Giê-hô-va, xin chấp nhận tế lễ tự nguyện bằng lời ca ngợi của con’ (c.108). Ông quyết tâm cùng với sự giúp đỡ của Chúa để tiếp tục đi 'cho đến cuối cùng' (c.112b).
Cầu nguyện
Lạy Chúa, có rất nhiều điều để ngợi khen Ngài. Xin Chúa chấp nhận tế lễ tự nguyện bằng lời ca ngợi của con. Lời Chúa là ‘niềm vui của lòng con’ (c.111). Con quyết giữ Lời Ngài cho đến cuối cùng.
Tít 1:1-16
Lời chào thăm
1 Phao-lô, đầy tớ của Đức Chúa Trời và sứ đồ của Đức Chúa Jêsus Christ, có nhiệm vụ đưa người được Đức Chúa Trời chọn lựa đến đức tin và sự hiểu biết chân lý, là điều phù hợp với lòng tin kính, 2trong niềm hi vọng về sự sống đời đời là sự sống mà Đức Chúa Trời, Đấng không bao giờ nói dối, đã hứa từ muôn đời trước, 3và vào đúng thời điểm, Ngài đã bày tỏ lời của Ngài qua việc rao giảng mà ta đã được ủy thác theo lệnh của Đức Chúa Trời, Cứu Chúa chúng ta. 4Mến gửi Tít, con thật của ta trong đức tin chung: Cầu xin Đức Chúa Trời là Cha và Đấng Christ Jêsus, Cứu Chúa chúng ta, ban ân điển và bình an cho con!
Phẩm cách của các trưởng lão
5Ta đã để con ở lại Cơ-rết là để con chỉnh đốn những việc còn dang dở, và bổ nhiệm các trưởng lão trong mỗi thành như ta đã hướng dẫn con. 6Trưởng lão phải là người không có gì đáng trách; một chồng một vợ; con cái phải tin Chúa, không bị tố cáo là phóng đãng hay vô kỷ luật. 7Vì là người quản lý nhà Đức Chúa Trời, giám mục phải không chê trách được; người ấy phải không kiêu căng, không nóng tính, không nghiện rượu, không hung bạo và không tham lợi bất chính; 8trái lại, phải hiếu khách, yêu mến việc thiện, lịch thiệp, chính trực, thánh khiết, tự chủ, 9giữ vững lời đáng tin cậy đã được dạy dỗ, để có thể dùng giáo lý chân chính mà khuyên nhủ cũng như phản bác những kẻ chống đối.
Nhược điểm của người Cơ-rết
10Có nhiều người vô kỷ luật, nhất là những người chủ trương cắt bì, hay huênh hoang và lừa dối; con cần phải làm cho họ câm miệng lại. 11Vì lợi lộc thấp hèn, họ đã dạy những điều không nên dạy, gây đổ vỡ toàn bộ gia đình người khác. 12Một người trong họ, một nhà tiên tri của chính họ, đã nói: “Người Cơ-rết luôn là những kẻ nói dối, những con thú dữ, những kẻ ham ăn mà lười biếng.” 13Lời chứng nầy là thật. Vì vậy, con hãy nghiêm khắc khiển trách họ, để họ được mạnh mẽ trong đức tin, 14không chú tâm vào những chuyện hoang đường của người Do Thái cũng như các điều răn dạy của những người khước từ chân lý. 15Với người trong sạch, mọi sự đều trong sạch; nhưng với những kẻ bại hoại và vô tín thì không điều gì là trong sạch cả. Trái lại, cả tâm trí và lương tâm họ đều đã bị băng hoại. 16Họ tự nhận là người biết Đức Chúa Trời, nhưng hành động của họ lại từ chối Ngài. Họ thật đáng ghét, không vâng lời, không thể làm được một việc gì tốt đẹp cả.
Bình luận
Truyền lại ngọn đuốc cho thế hệ tiếp theo
Ở một khía cạnh nào đó, khả năng lãnh đạo giống như tham gia một cuộc chạy tiếp sức. Sự kế thừa chính là chìa khóa. Hãy truyền lại cây gậy tiếp sức cho thế hệ tiếp theo vì chặng của bạn trong cuộc đua không phải là chặng cuối cùng.
Cuộc đời sứ đồ Phao-lô thay đổi khi ông gặp Chúa Giê-su trên đường Đa-mách. Trong giây phút đó ông nhận ra rằng Đức Chúa Trời đã khiến Chúa Giê-su sống lại từ cõi chết, và do đó cái chết (sự kết thúc của đời này) không phải là cuối cùng.
Ông tự coi mình là người ‘có nhiệm vụ đưa người được Đức Chúa Trời chọn lựa đến đức tin’ (c.1a). Chúa Giê-su đã sai ông đi rao giảng sứ điệp giúp họ 'hiểu biết chân lý’ (c.1b).
Một ngày nào đó, Chúa Giê-su sẽ trở lại và đó sẽ là ngày tận thế như chúng ta đã biết. Tuy nhiên, thậm chí đó sẽ không phải là cuối cùng. Mục đích của Phao-lô là mang đến ‘niềm hi vọng về sự sống đời đời là sự sống mà Đức Chúa Trời,’ (c.2). Tin Mừng tuyệt vời này là sứ điệp đã truyền cảm hứng và thúc đẩy chức vụ của Phao-lô.
Đây là nền móng cho đức tin của bạn. Đây là lẽ thật. Bạn có thể hoàn toàn tin tưởng về tương lai của mình nhờ niềm hy vọng về sự sống đời đời này. Đây là niềm hy vọng đã được Chúa hứa từ thuở ban đầu (c.2), và bạn có thể chắc chắn vì Chúa là 'Đấng không bao giờ nói dối’ (c.2). Đây là sứ điệp mà Phao-lô ‘được ủy thác theo lệnh của Đức Chúa Trời, Cứu Chúa chúng ta’ (c.3).
Cuối cùng, bạn có niềm hy vọng chắc chắn về sự sống đời đời. Trong khi chờ đợi, nhiệm vụ của bạn vẫn ‘còn dang dở’ (c.5). Phao-lô đưa ra chỉ dẫn cho Tít, người mà giống như Ti-mô-thê, dường như ông đã dẫn dắt đến với Đấng Christ (c.4).
Phao-lô sắp kết thúc chặng đua của mình. Nhưng chặng cuối của ông không phải là chặng cuối của cuộc đua. Ông đang chuyền cây gậy cho Tít, ‘để con ở lại Cơ-rết là để con chỉnh đốn những việc còn dang dở’ (c.5). Đồng thời, ông đang thúc giục Tít truyền lại quyền lãnh đạo cho những người khác bằng cách bổ nhiệm ‘các trưởng lão trong mỗi thành’ (c.5).
Chìa khóa của sự kế thừa là tìm được những nhà lãnh đạo phù hợp. Phao-lô đưa ra danh sách những tiêu chuẩn tương tự với những tiêu chuẩn mà chúng ta đã thấy trong sách Ti-mô-thê (c.6-9).
Ông so sánh những nhà lãnh đạo có năng lực cao và tin kính này với những người 'tự nhận là người biết Đức Chúa Trời, nhưng hành động của họ lại từ chối Ngài' (c.16). Những người này, dưới vỏ bọc là 'giáo sư', đã phá hoại biết bao gia đình khác. Họ làm điều đó vì lợi bất chính. Họ không bị kết án bởi tội lỗi của họ. Họ không hiểu rằng điều họ làm là xấu xa (c.10–16).
Nhiệm vụ của một người lãnh đạo Hội thánh giỏi không chỉ là ‘dùng giáo lý chân chính mà khuyên nhủ’ mà còn là ‘phản bác những kẻ chống đối’ (c.9). Đây không phải là cái cớ để chỉ trích và phán xét những Cơ đốc nhân khác hay các Hội thánh khác, những người hơi khác biệt với chúng ta. Đúng hơn, các câu 10–16 cho chúng ta thấy những kiểu hành vi mà những người lãnh đạo Hội thánh được yêu cầu phải từ bỏ - ví dụ, những người ‘vì lợi lộc thấp hèn, họ đã dạy những điều không nên dạy’ (c.11).
Mục đích cuối cùng của sự lãnh đạo mạnh mẽ này là để bảo vệ dân Chúa khỏi bị chệch hướng. Khải tượng mở đầu của Phao-lô về sự sống đời đời vẫn còn đọng lại trong tâm trí chúng ta ở đây vì nó cho chúng ta thấy lý do tại sao việc giữ 'mạnh mẽ trong đức tin' lại quan trọng đến vậy (c.13). Niềm hy vọng về sự sống đời đời là mục tiêu, sứ điệp và động lực của chúng ta.
Cầu nguyện
Lạy Chúa, tạ ơn Chúa vì cuộc sống trên đất này không phải là cuối cùng vì tất cả những gì Chúa Giê-su đã làm cho chúng con trên thập giá và qua sự phục sinh. Xin Chúa giúp con trở thành người lãnh đạo giỏi và truyền lại cây gậy cho những nhà lãnh đạo khác trong tương lai.
Giê-rê-mi 52:1-34
Phần phụ lục lịch sử: Giê-ru-sa-lem thất thủ
(II Vua 24:18 – 25:7)
52 Sê-đê-kia lên ngôi vua khi được hai mươi mốt tuổi và trị vì mười một năm tại Giê-ru-sa-lem. Mẹ vua tên là Ha-mu-ta, con gái của Giê-rê-mi, người Líp-na. 2Vua ấy làm điều ác dưới mắt Đức Giê-hô-va, giống như mọi việc vua Giê-hô-gia-kim đã làm. 3Chính vì cơn giận của Đức Giê-hô-va đối với những việc đã xảy ra tại Giê-ru-sa-lem và Giu-đa mà Ngài trục xuất họ khỏi mặt Ngài.
Sê-đê-kia nổi lên chống lại vua Ba-by-lôn. 4Ngày mùng mười tháng mười của năm thứ chín đời vua Sê-đê-kia, Nê-bu-cát-nết-sa, vua Ba-by-lôn, đem cả quân lực tiến đánh Giê-ru-sa-lem. Chúng đóng quân bao vây và xây đắp chiến lũy chung quanh thành. 5Thành bị bao vây cho đến năm thứ mười một đời vua Sê-đê-kia. 6Ngày mồng chín tháng tư, nạn đói trở nên trầm trọng đến nỗi trong thành không còn thức ăn nữa. 7Tường thành bị chọc thủng. Ban đêm, dù trong vòng vây của quân Canh-đê, tất cả binh lính đều trốn khỏi thành bằng cổng giữa hai bức tường, gần vườn của vua. Chúng đi theo con đường hướng về A-ra-ba. 8Nhưng đạo quân Canh-đê đuổi theo và bắt kịp Sê-đê-kia tại vùng đồng bằng Giê-ri-cô; binh lính bỏ vua, chạy tán loạn. 9Chúng bắt vua và giải về cho vua Ba-by-lôn, tại Ríp-la, trong đất Ha-mát. Tại đó, vua Ba-by-lôn xét xử vua Sê-đê-kia. 10Vua Ba-by-lôn tàn sát các con trai Sê-đê-kia trước mặt vua ấy; vua cũng sai giết tất cả các quan chức Giu-đa tại Ríp-la nữa. 11Vua ấy cũng sai móc mắt Sê-đê-kia, xiềng lại bằng những dây xích đồng. Vua Ba-by-lôn giải Sê-đê-kia về Ba-by-lôn, giam trong ngục cho đến ngày qua đời.
12Vào ngày mùng mười tháng năm, năm thứ mười chín đời Nê-bu-cát-nết-sa, vua Ba-by-lôn, quan chỉ huy vệ binh Nê-bu-xa-a-đan, cận thần của vua Ba-by-lôn, vào thành Giê-ru-sa-lem. 13Ông ra lệnh đốt đền thờ Đức Giê-hô-va, cung vua và tất cả nhà cửa trong thành Giê-ru-sa-lem, và thiêu rụi tất cả các dinh thự của giới quý tộc. 14Toàn bộ quân Canh-đê dưới quyền quan chỉ huy vệ binh, đã phá sập tất cả các bức tường chung quanh Giê-ru-sa-lem. 15Tiếp đến, quan chỉ huy vệ binh Nê-bu-xa-a-đan ra lệnh lưu đày những người nghèo nhất trong dân chúng, những người còn sót lại trong thành, những kẻ đã đầu hàng vua Ba-by-lôn và những thợ thủ công còn sót lại. 16Quan chỉ huy vệ binh Nê-bu-xa-a-đan chỉ để những người nghèo khó nhất ở lại trong xứ để trồng vườn nho và làm ruộng.
17Quân Canh-đê đập nát các trụ đồng trong đền thờ Đức Giê-hô-va, cả chân đế và bể nước trong đền thờ Đức Giê-hô-va rồi lấy đồng đó đem về Ba-by-lôn. 18Chúng lấy đi nồi, xẻng, kéo cắt tim đèn, chậu, đĩa dâng hương, và tất cả những dụng cụ bằng đồng dùng vào việc thờ phượng. 19Quan chỉ huy vệ binh cũng lấy đi cả những chén, lư hương, chậu, nồi, giá đèn, đĩa dâng hương, và bát. Vật dụng nào bằng vàng thì lấy vàng, vật dụng nào bằng bạc thì lấy bạc. 20Còn hai cột trụ, một bể nước và mười hai con bò bằng đồng làm chân đế cho bể nước, mà vua Sa-lô-môn đã chế tạo cho nhà Đức Giê-hô-va; khối lượng đồng của những thứ ấy không thể cân được. 21Mỗi cột trụ cao tám mét, chu vi năm mét ba, rỗng ruột và dày cỡ bốn ngón tay. 22Trên đầu cột có chóp đồng, cao hai mét hai, chung quanh chóp trụ có lưới và trái lựu toàn bằng đồng. Cột trụ kia cũng có lưới và trái lựu giống như cột nầy. 23Bốn phía có chín mươi sáu trái lựu; tổng số là một trăm trái lựu bao quanh lưới trụ.
24Quan chỉ huy vệ binh bắt Sê-ra-gia, thầy tế lễ cả, và Sô-phô-ni, thầy tế lễ phó, cùng ba người canh cửa đền. 25Trong thành, ông cũng bắt một hoạn quan chỉ huy binh lính, bảy cận thần của vua có mặt trong thành, một thư ký của chỉ huy trưởng quân đội lo việc tuyển quân trong xứ; cùng sáu mươi người dân trong xứ có mặt trong thành. 26Quan chỉ huy vệ binh Nê-bu-xa-a-đan bắt và giải những người ấy đến vua Ba-by-lôn tại Ríp-la. 27Vua Ba-by-lôn sai đánh và giết họ tại Ríp-la, trong đất Ha-mát.
Thế là dân Giu-đa bị lưu đày biệt xứ.
28Đây là số người mà Nê-bu-cát-nết-sa lưu đày:
Năm thứ bảy, có ba ngàn hai mươi ba người Giu-đa.
29Năm thứ mười tám đời Nê-bu-cát-nết-sa,
có tám trăm ba mươi hai người từ thành Giê-ru-sa-lem.
30Năm thứ hai mươi ba đời vua ấy,
quan chỉ huy vệ binh Nê-bu-xa-a-đan bắt đày bảy trăm bốn mươi lăm người Giu-đa.
Tổng cộng là bốn ngàn sáu trăm người.
Giê-hô-gia-kin được trả tự do
31Năm lưu đày thứ ba mươi bảy của vua Giu-đa là Giê-hô-gia-kin, tức là năm trị vì đầu tiên của Ê-vinh Mê-rô-đác, vua Ba-by-lôn, vào ngày hai mươi lăm tháng mười hai, vua nầy ân xá cho Giê-hô-gia-kin, vua Giu-đa, và đem ra khỏi ngục. 32Vua nói năng nhã nhặn với vua Giê-hô-gia-kin và ban cho ông ngai cao hơn ngai của các vua khác cùng số phận với mình tại Ba-by-lôn. 33Vậy, Giê-hô-gia-kin cởi bỏ áo tù, ngày ngày dùng bữa với vua suốt đời. 34Hằng ngày, vua Ba-by-lôn ban bổng lộc đều đặn cho Giê-hô-gia-kin, suốt những ngày vua còn sống cho đến khi qua đời.
Bình luận
Đừng bao giờ từ bỏ hy vọng
Đôi khi hoàn cảnh cuộc sống của chúng ta có vẻ rất ảm đạm. Mọi thứ đã đi sai hướng. Bóng tối đã bao trùm quanh ta. Tuy nhiên… Đức Chúa Trời không bao giờ bỏ rơi chúng ta mà không có một tia hy vọng. Nếu mọi chuyện chưa ổn thì đó chưa phải là cuối cùng.
Giê-rê-mi có nhiệm vụ khó khăn là công bố sự phán xét. Tên của ông đã được chuyển sang tiếng Anh với ý nghĩa ‘một người hay than thở hoặc phàn nàn đau khổ, một kẻ tố cáo thời đại, một nhà tiên tri ảm đạm.’ Tuy nhiên… ngay cả cuốn sách về Giê-rê-mi cũng kết thúc với một chút hy vọng.
Lời của Giê-rê-mi đã được ứng nghiệm khi thành Giê-ru-sa-lem sụp đổ. Đây là một trong những thời điểm khủng khiếp nhất đối với dân Chúa. Vua của họ, Sê-đê-kia, bị bắt, móc mắt và bỏ tù (c.11). ‘Vua Ba-by-lôn tàn sát các con trai Sê-đê-kia trước mặt vua ấy... Vua ấy cũng sai móc mắt Sê-đê-kia, xiềng lại bằng những dây xích đồng. Vua Ba-by-lôn giải Sê-đê-kia về Ba-by-lôn, giam trong ngục cho đến ngày qua đời’ (c.10–11). Đền thờ bị lửa thiêu rụi, cung vua và tất cả nhà cửa cũng vậy (c.13-14). Nhiều người đã phải sống lưu đày.
Sau đó, vào năm 562 trước Công nguyên, vào năm thứ ba mươi bảy kể từ khi vua Giê-hô-gia-kin của Giu-đa bị lưu đày, một vị vua mới nổi lên ở Ba-by-lôn, người đã thả Giê-hô-gia-kin và giải thoát ông khỏi nhà tù (c.31).
‘Ê-vinh Mê-rô-đác lấy lời tử tế nói cùng Giê-hô-gia-kin và cho ông một chỗ danh dự cao hơn các vua khác có mặt tại đó với ông ở Ba-by-lôn. Nên Giê-hô-gia-kin cởi quần áo tù của mình ra và được ăn chung bàn vua suốt đời ông. Mỗi ngày vua Ba-by-lôn ban cho Giê-hô-gia-kin một phần lương thực. Giê-hô-gia-kin được hưởng trợ cấp như vậy cho đến ngày ông qua đời’ (c.32–34).
Đây là một chút hy vọng ở phần kết của sách Giê-rê-mi. Mọi chuyện vẫn chưa kết thúc với dân Chúa. Sự khôi phục này thực ra đã được tiên tri bởi Giê-rê-mi (chương 24), cùng với lời tiên tri rằng một ngày nào đó những người bị lưu đày sẽ trở về xứ. Với dấu hiệu phục hồi đầu tiên này, cuốn sách kết thúc với niềm hy vọng. Đây là sự báo trước về cuộc trở về từ nơi lưu đày, diễn ra vào năm 537 trước Công nguyên.
Bản thân điều này chỉ là một điềm báo trước về sự phục hưng và tái sinh sẽ đến từ vương quốc Đức Chúa Trời, với sự xuất hiện của Chúa Giê-su và sự tuôn đổ của Chúa Thánh Linh.
Ngay cả trong Giê-rê-mi, sự kết thúc (sự sụp đổ của Giê-ru-sa-lem và cuộc lưu đày) cũng không phải là sự cuối cùng. Dân Chúa sống sót và sẽ trở về xứ, xây dựng lại đền thờ và khôi phục thành phố. Nhưng đây cũng là hình ảnh của một điều gì đó lớn lao hơn nhiều. Chúa Giê-su tuyên bố chấm dứt thời kỳ lưu đày. Trong Ngài, chúng ta có đền thờ mới và Giê-ru-sa-lem mới. Đức Chúa Trời đã khiến Chúa Giê-su sống lại từ cõi chết. Bạn có một niềm hy vọng mới bên kia nấm mồ.
Cầu nguyện
Lạy Chúa, cảm ơn Ngài vì niềm hy vọng về sự trở lại của Chúa Giê-su và sự sống đời đời. Cảm ơn Chúa vì niềm hy vọng về đất mới và trời mới. Cảm ơn Ngài vì sự chết không phải là cuối cùng.
Pippa chia sẻ
Thi Thiên 119:105 nói:
‘Lời Chúa là đèn soi bước chân tôi và là ánh sáng chiếu trên lối tôi đi.'
Tôi cần đọc Kinh thánh nhiều hơn; rồi có thể tôi sẽ biết mình đang đi đâu!
@Pippa Gumbel
App
Tải xuống ứng dụng Kinh Thánh Trong Một Năm dành cho thiết bị iOS hoặc Android và đọc theo mỗi ngày.
Đăng ký ngay bây giờ để nhận Kinh thánh trong một năm trong hộp thư đến của bạn mỗi sáng. Bạn sẽ nhận được một email mỗi ngày.
Book
Kinh thánh trong một năm bình luận có sẵn như là một cuốn sách.
- Mua từ Cửa hàng Alpha
- [Mua từ Nhà sách CLC](https://clcbookshops.com/product/bible-in-one-year-the-a-commentary-by-nicky-gumbel-hard-cover-gumbel-nicky-hodder-stoughton- 9781473677067)
Tham khảo
The Best Exotic Marigold Hotel (20th Century Fox, 2012).
Unless otherwise stated, Scripture quotations taken from the Holy Bible, New International Version Anglicised, Copyright © 1979, 1984, 2011 Biblica, formerly International Bible Society. Used by permission of Hodder & Stoughton Publishers, an Hachette UK company. All rights reserved. ‘NIV’ is a registered trademark of Biblica. UK trademark number 1448790.
Scripture marked (MSG) taken from The Message. Copyright © 1993, 1994, 1995, 1996, 2000, 2001, 2002. Used by permission of NavPress Publishing Group.