Ba cách thực hành đức tin
Giới thiệu
Người dân trên đảo là những kẻ ăn thịt người. Không ai tin tưởng ai. Ông đã gặp nguy hiểm. Ông đến để nói cho họ tin lành về Chúa Giê-su. Ông muốn dịch sách Tin lành Giăng sang ngôn ngữ của họ, nhưng ông phát hiện ra rằng trong ngôn ngữ của họ không có từ nào để chỉ ‘tin tưởng’, ‘niềm tin’ hay ‘đức tin’.
John Paton (1824–1907), người Scotland, đã du hành đến New Hebrides (một nhóm đảo ở phía tây nam Thái Bình Dương) quyết tâm nói cho bộ lạc về Chúa Giê-su, nhưng ông phải chật vật tìm từ thích hợp cho từ ‘đức tin’. Một ngày nọ, khi một người hầu bản xứ bước vào, Paton nhấc cả hai chân lên khỏi sàn, ngồi tựa lưng vào ghế và hỏi: 'Bây giờ tôi đang làm gì đây?' . Người hầu trả lời bằng một từ có ý nghĩa là 'dồn toàn bộ cân nặng của bạn lên'. Điều này đã trở thành cách diễn đạt mà Paton sử dụng. Đức tin là dồn toàn bộ cân nặng của bạn lên Chúa Giê-su. (Cách diễn đạt tương đối do hạn chế về mặt từ ngữ khi dịch)
Thi Thiên 124:1-8
Cảm tạ Chúa đã giải cứu Y-sơ-ra-ên
Bài ca đi lên từng bậc. Thi Thiên của Đa-vít
1Y-sơ-ra-ên đáng phải nói:
“Nếu Đức Giê-hô-va không bênh vực chúng ta,
2Khi loài người tấn công chúng ta,
Khi cơn giận của chúng nổi lên cùng chúng ta;
3Nếu Đức Giê-hô-va không bênh vực chúng ta,
Thì chúng đã nuốt sống chúng ta rồi;
4Nước lụt chắc đã nhận chìm chúng ta,
Dòng thác đã quét qua linh hồn chúng ta.
5Và những lượn sóng cuồng nộ
Đã cuốn trôi sinh mạng chúng ta rồi.”
6Đáng chúc tụng Đức Giê-hô-va,
Ngài không phó chúng ta
Làm mồi cho nanh vuốt chúng!
7Linh hồn chúng ta thoát khỏi chúng
Như chim thoát khỏi bẫy của kẻ bẫy chim;
Bẫy bị gẫy,
Và chúng ta thoát khỏi.
8Sự cứu giúp của chúng ta ở trong danh Đức Giê-hô-va,
Là Đấng dựng nên trời và đất.
Bình luận
Đức tin như sư trông cậy khi bị tấn công
Ngài Rabindranath Tagore đã viết: ‘Đức tin là con chim hót khi bình minh vẫn còn tối'.
Có những lúc trong cuộc đời chúng ta đức tin của chúng ta bị thử thách. Chúng ta bị 'tấn công': 'Khi loài người tấn công chúng ta' (c.2) và dường như có một 'Dòng thác đã quét' (c.4) ' lượn sóng cuồng nộ' (c.5) – cám dỗ, nghi ngờ, nỗi sợ hãi, vân vân.
Những điều này có thể khiến bạn choáng ngợp, nhưng thực tế là Đấng tạo nên trời và đất đang đứng về phía bạn (c.1). Đức tin có nghĩa là tin tưởng rằng Ngài sẽ không để bạn mất khả năng tự vệ. Ngài giải thoát bạn khỏi cạm bẫy: ‘Linh hồn chúng ta thoát khỏi chúng Như chim thoát khỏi bẫy của kẻ bẫy chim; Bẫy bị gẫy, Và chúng ta thoát khỏi’ (c.7).
Đa-vít là một trong những nhân vật bị thử thách và thử thách nhiều nhất trong Kinh thánh. Giống như Đa-vít, hãy trung thành với Chúa. Trông cậy vào Chúa. Ngài sẽ bảo vệ bạn khỏi dòng nước lũ dữ dội và khỏi bị ‘nuốt sống’ (c.3). ‘Sự cứu trợ của bạn ở nơi danh Chúa, Đấng dựng nên trời và đất’ (c.8).
Cầu nguyện
Chúa ơi, xin giúp con...
Hê-bơ-rơ 11:17-40
17Bởi đức tin, Áp-ra-ham dâng Y-sác trong khi bị thử nghiệm. Ông sẵn sàng hiến dâng đứa con một đã nhận được theo lời hứa, 18là đứa con mà Đức Chúa Trời có phán: “Chính qua Y-sác, con sẽ có một dòng dõi được gọi bằng tên con.” 19Ông tự nghĩ rằng Đức Chúa Trời có quyền khiến kẻ chết sống lại, nói theo nghĩa bóng, ông thật đã nhận lại con mình từ cõi chết.
20Bởi đức tin, Y-sác chúc phước cho Gia-cốp và Ê-sau về những việc tương lai. 21Bởi đức tin, Gia-cốp lúc gần qua đời đã chúc phước cho hai con của Giô-sép, và nương trên đầu gậy mình mà thờ lạy. 22Bởi đức tin, Giô-sép lúc gần qua đời đã nói về việc con cháu Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập và truyền dặn về hài cốt mình.
23Bởi đức tin, khi Môi-se mới sinh ra, cha mẹ ông đem đi giấu trong ba tháng, vì thấy đứa con khôi ngô, nên không sợ chiếu chỉ của vua.24Bởi đức tin, Môi-se lúc đã khôn lớn, từ bỏ danh hiệu mình là con trai của công chúa Pha-ra-ôn,25thà cùng con dân Đức Chúa Trời chịu hà hiếp hơn là hưởng thụ lạc thú chóng qua của tội lỗi. 26Ông coi sự sỉ nhục về Đấng Christ là quý hơn châu báu Ai Cập, vì ông trông mong sự ban thưởng.27Bởi đức tin, ông lìa Ai Cập không sợ vua giận; vì ông kiên trì như thể thấy Đấng không thấy được. 28Bởi đức tin, ông giữ lễ Vượt Qua và rưới máu, để thiên sứ hủy diệt không đụng đến con đầu lòng dân Y-sơ-ra-ên.
29Bởi đức tin, dân Y-sơ-ra-ên vượt qua Biển Đỏ như đi trên đất khô, còn người Ai Cập cố đi qua, thì bị nhận chìm. 30Bởi đức tin, các tường thành Giê-ri-cô đổ xuống sau khi dân Y-sơ-ra-ên đi vòng quanh bảy ngày. 31Bởi đức tin, kỹ nữ Ra-háp không chết với kẻ chẳng tin, vì nàng đã tiếp rước các thám tử một cách hòa nhã.
32Tôi còn nói gì nữa? Vì nếu tôi muốn nói về Ghi-đê-ôn, Ba-rác, Sam-sôn, Giép-thê, Đa-vít, Sa-mu-ên và các nhà tiên tri thì không đủ thì giờ. 33Những người ấy bởi đức tin đã chinh phục các vương quốc, thực thi công lý, nhận được những lời hứa, bịt mồm sư tử, 34tắt ngọn lửa hừng, thoát khỏi lưỡi gươm, thắng bệnh tật, trở nên dũng cảm trong chiến trận, khiến quân ngoại xâm chạy trốn. 35Có các phụ nữ nhận lại thân nhân mình từ cõi chết sống lại; có kẻ thà bị tra tấn mà không chịu giải cứu để được sự sống lại tốt hơn. 36Có những người khác bị chế giễu, đánh đập, lại còn bị xiềng xích và lao tù nữa. 37Họ đã bị ném đá, bị cưa đôi, bị giết bằng gươm; lưu lạc rày đây mai đó, mặc bằng da chiên, da dê, bị thiếu thốn, bị hà hiếp và ngược đãi. 38Thế gian không xứng đáng cho họ ở. Họ phải lưu lạc trong hoang mạc, trên núi cao, trong hang động, trong những hầm hố dưới đất. 39Tất cả những người ấy dù đã được chứng nhận tốt nhờ đức tin, nhưng chưa nhận lãnh điều đã hứa cho mình. 40Vì Đức Chúa Trời đã cung cấp điều tốt hơn cho chúng ta, để ngoài chúng ta ra, họ không đạt đến sự toàn hảo được.
Bình luận
Đức tin là sự lựa chọn, sự kiên trì và sự trông đợi
Anh hùng đức tin trông như thế nào? Môi-se là nhân vật tối cao trong lịch sử dân Y-sơ-ra-ên. Ông giải cứu họ khỏi cảnh nô lệ. Ông đưa ra Luật pháp cho họ. Trong đoạn kinh thánh hôm nay, tác giả cho thấy rằng Môi-se là một người của đức tin.
Như chúng ta đã thấy, từ ‘đức tin’ mang nhiều ý nghĩa. Nó mô tả toàn bộ mối quan hệ của bạn với Chúa – tin tưởng vào Ngài, hoàn toàn dựa vào Chúa Giê-su và can đảm hành động theo niềm tin của bạn. Qua tấm gương của Môi-se, chúng ta thấy ba cách mà các bạn cũng có thể thực hành đức tin:
1. Đức tin là sự lựa chọn
Môi-se ‘không phải là một đứa trẻ tầm thường’ (c.23). Ông được nuôi dưỡng trong gia đình hoàng gia Ai Cập và được giáo dục và đào tạo hạng nhất. Ông cũng có ngoại hình ưa nhìn (Xuất Ê-díp-tô Ký 2:2). Ngày nay có rất nhiều người phấn đấu, cũng như ngày xưa, vì tiền bạc, tình dục và quyền lực. Lẽ ra Môi-se có thể có tất cả chúng một cách dư dật.
Môi-se có một lợi thế lớn khác – đức tin của cha mẹ ông (Hê-bơ-rơ 11:23). Con gái của Pha-ra-ôn giao cho mẹ của Môi-se công việc nuôi dạy ông. Tuy nhiên, cuối cùng, chính Môi-se, giống như bạn và tôi, cần phải đưa ra lựa chọn.
Lẽ ra ông có thể chọn ‘hưởng thụ lạc thú chóng qua của tội lỗi’ (c.25). Tuy nhiên, ‘thà cùng con dân Đức Chúa Trời chịu hà hiếp’ (c.25). Môi-se đã chọn được đồng nhất với một nhóm người mà những người có nền giáo dục như ông coi thường – một quốc gia nô lệ, dân của Chúa. Khi đồng cảm với họ, ông đã tự chuốc lấy nguy hiểm, khinh miệt và đau khổ.
Ông đưa ra lựa chọn này vì ‘ông coi sự sỉ nhục vì Đấng Christ là quý hơn châu báu của Ai Cập’ (c.26). So với những thú vui trần thế phù du, Thiên Chúa ban cho bạn phần thưởng vĩnh cửu.
Đức tin là sự lựa chọn này chính là bằng chứng ủng hộ chúng ta. Hành động đức tin đầu tiên này có thể được tóm tắt bằng cách ghi nhớ:
Bỏ tất cả để có Ngài
2. Đức tin là sự kiên trì
Môi-se rời Ai Cập hai lần. Lần đầu tiên ông chạy trốn như một tên tội phạm sau khi giết một người Ai Cập. Lần thứ hai, ông rời đi với tư cách là người lãnh đạo dân Chúa. Ở giữa, ông kiên trì với lòng dũng cảm và quyết tâm. Ông “Kiên trì như thể thấy Đấng không thấy được” (c.27). Đôi mắt của ông được mở ra cho toàn bộ thế giới thuộc linh.
Từ thời điểm lựa chọn đến thời điểm chiến thắng sẽ có rất nhiều trận chiến. Đây là khuôn mẫu trong Kinh thánh. Đầu tiên là sự kêu gọi, sau đó là nan đề. Cuối cùng là sự thành tựu. Ở giữa, hãy kiên trì và tin cậy.
Loại đức tin này có thể được tóm tắt trong một câu khác:
Khi sợ hãi, tin tưởng Ngài
Khía cạnh đức tin này được tác giả sách Hê-bơ-rơ đặc biệt nhấn mạnh. Có lẽ đó cũng là điều Phao-lô nghĩ đến khi ông liệt kê lòng trung tín là bông trái của Thánh Linh (Ga-la-ti 5:22).
3. Niềm tin là sự trông đợi
Khi tôi phỏng vấn Mục sư Rick Warren tại Hội nghị Lãnh đạo Alpha, ông hỏi một cách khoa trương: 'Tại sao Chúa sử dụng tôi?' Và ông trả lời: 'Bởi vì tôi mong đợi Ngài sử dụng tôi'. Joyce Meyer định nghĩa sự trông đợi là “sự vui mừng tràn đầy mong đợi nhận được kết quả mình ao ước”.
Môi-se đã nghe tiếng Chúa. Ông đã làm những gì Chúa bảo ông làm. Ông biết rằng Đức Chúa Trời có quyền sinh sát, nhưng ông tin rằng Ngài sẽ vượt qua những ngôi nhà có vết máu của người Y-sơ-ra-ên (Hê-bơ-rơ 11:28). Ông tin vào quyền năng của Chúa để thực hiện những dấu kỳ phép lạ, chẳng hạn như việc vượt qua Biển Đỏ (c.29).
Trông đợi là sự đầy chắc chắc khó lí giải được rằng Chúa sẽ thực hiện một công việc vĩ đại. Trong ba sách Phúc âm đầu tiên, gần hai phần ba số lần đề cập đến đức tin đều liên quan đến phép lạ. Đức tin ở đây phải được hiểu là tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa.
Tác giả tiếp tục đưa ra nhiều ví dụ khác về đức tin trong Cựu Ước, bao gồm cả những người ‘nhờ đức tin họ chiến thắng các vương quốc. Họ làm điều phải. Họ nhận lời hứa từ Thượng Đế và bịt mồm sư tử, dập tắt ngọn lửa hừng và được cứu khỏi lưỡi gươm. Họ tuy yếu đuối nhưng lại mạnh mẽ. Họ can đảm trong chiến trận nên đánh bại các đạo quân thù.’ (c.33–34). Tôi đặc biệt yêu thích việc Chúa biến những điểm yếu của bạn và của tôi thành điểm mạnh.
Tác giả kết thúc chặng đường lịch sử này bằng cách nói một điều khá đặc biệt: ‘Đức Chúa Trời đã tiên liệu điều tốt lành hơn cho chúng ta’ (câu 40). Ngài đang nói rằng bạn tốt hơn Nô-ê, Áp-ra-ham, Môi-se, Giô-suê, Sam-sôn, Đa-vít và tất cả những người khác. ‘Tất cả những người ấy dù được ca ngợi vì đức tin, vẫn chưa ai nhận được điều Chúa hứa.’ (c.39, BDY). Trong khi họ chỉ có thể mong đợi điều gì đó tốt đẹp hơn, thì bạn đang sống trong thời đại của Thánh Linh và đã nhận được sự mặc khải tốt hơn và đầy đủ hơn trong Đấng Christ.
Cầu nguyện
Lạy Chúa, xin giúp con tin cậy Ngài, kiên trì và có đức tin trông đợi Ngài thực hiện sự chữa lành và phép lạ.
Ê-xê-chi-ên 24:1-25:17
Sự phá hủy thành Giê-ru-sa-lem
1Vào ngày mùng mười, tháng mười, năm thứ chín, có lời Đức Giê-hô-va phán với tôi: 2“Hỡi con người, hãy ghi chép tên ngày nầy, chính ngày nầy, vì vua Ba-by-lôn đã đến gần thành Giê-ru-sa-lem vào chính ngày nầy. 3Hãy kể một ẩn dụ cho nhà nổi loạn và nói với chúng rằng: ‘Chúa Giê-hô-va phán:
Hãy đặt nồi, hãy bắc nồi
Và đổ nước vào.
4Hãy bỏ những miếng thịt vào,
Tất cả những miếng thịt ngon, đùi, vai
Và bỏ xương tốt nhất cho đầy.
5Hãy chọn con tốt nhất trong bầy
Và chất củi dưới nồi để nấu xương.
Hãy đun sôi lên
Để hầm xương trong nồi.’
6Vậy nên, Chúa Giê-hô-va phán:
‘Khốn cho thành đẫm máu,
Khốn cho nồi bị ten rét
Mà ten rét không chùi sạch được!
Hãy lấy từng miếng ra cho đến hết,
Không bốc thăm lựa chọn gì cả.
7Vì máu mà nó đã đổ ra còn ở giữa nó;
Nó đã đổ máu ấy trên tảng đá trọi
Chứ không đổ trên đất
Để cho bụi đất lấp đi.
8Chính vì để cho cơn giận nổi lên và báo thù
Mà Ta đổ máu nó trên tảng đá trọi,
Đến nỗi nó không thể che đậy được nữa.’
9Vì thế, Chúa Giê-hô-va phán:
‘Khốn cho thành đẫm máu!
Ta cũng sẽ chất một đống củi lớn.
10Hãy chất củi, đốt lửa hực lên,
Nấu cho rục thịt, khô nước
Và cho xương bị cháy đi.
11Sau đó, hãy đặt nồi không trên than lửa đỏ,
Cho đến khi nó nóng và đồng bốc cháy
Để sự ô uế nó tan ra bên trong nó, và ten rét của nó bị thiêu hủy đi.
12Thật là nhọc công vô ích,
Vì ten rét nhiều quá, không thể tẩy sạch,
Dù đã bỏ vào lửa, ten rét ấy cũng không ra!
13Sự ô uế của ngươi là tội tà dâm. Vì Ta đã tẩy sạch ngươi nhưng ngươi không muốn được tẩy sạch nên ngươi sẽ không được thanh tẩy nữa, cho đến chừng nào cơn giận của Ta đối với ngươi nguôi đi. 14Ta, Đức Giê-hô-va, đã phán thì điều đó sẽ phải xảy ra. Ta sẽ thực hiện, Ta sẽ không lui đi, không thương xót, không đổi ý. Người ta sẽ phán xét ngươi theo đường lối và việc làm của ngươi,’ Chúa Giê-hô-va phán vậy.”
15Có lời Đức Giê-hô-va phán với tôi: 16“Hỡi con người, bằng một tai họa bất ngờ, Ta sẽ cất khỏi con điều mắt con ưa thích nhưng con không được than thở, không được khóc lóc và không được đổ nước mắt. 17Hãy than thầm chứ đừng khóc cho kẻ chết; hãy vấn khăn trên đầu con và mang giày vào chân; chớ che râu mép lại và đừng ăn bánh mà người ta phúng viếng.”
18Vậy buổi sáng tôi nói với dân chúng, đến chiều thì vợ tôi chết. Sáng hôm sau, tôi làm theo như lời đã phán với tôi.
19Bấy giờ dân chúng nói với tôi: “Ông không nói cho chúng tôi biết những điều ông làm đây có ý nghĩa gì sao?” 20Tôi trả lời: “Có lời Đức Giê-hô-va phán với tôi: 21‘Hãy nói với nhà Y-sơ-ra-ên rằng Chúa Giê-hô-va phán: Nầy Ta sẽ làm ô uế nơi thánh Ta, là nơi các ngươi lấy làm hãnh diện về sức mạnh mình, mắt các ngươi ưa thích, lòng các ngươi yêu mến. Con trai, con gái các ngươi mà các ngươi đã để lại sẽ ngã chết bởi gươm. 22Bấy giờ, các ngươi sẽ làm như tôi đã làm; các ngươi không che râu mép, không ăn bánh mà người ta phúng viếng. 23Khăn các ngươi sẽ cứ để yên trên đầu, giày các ngươi sẽ mang luôn dưới chân; các ngươi không kêu than, không khóc lóc nhưng sẽ bị hao mòn vì tội ác mình, và các ngươi cùng nhau than thở. 24Ê-xê-chi-ên sẽ là một dấu hiệu cho các ngươi; các ngươi sẽ làm giống như nó đã làm. Khi mọi sự đó xảy đến, các ngươi sẽ biết Ta là Chúa Giê-hô-va.’
25Hỡi con người, về phần con, trong ngày Ta cất khỏi chúng sức mạnh, niềm vui, vinh quang, điều ưa thích của mắt chúng, điều ham mến của lòng, con trai và con gái chúng, 26trong ngày đó, sẽ có kẻ trốn thoát đến báo tin cho con nghe. 27Trong ngày đó, miệng con sẽ mở ra và nói với kẻ trốn thoát. Con sẽ nói và không câm lặng nữa. Con sẽ là một dấu hiệu cho chúng và chúng sẽ biết rằng Ta là Đức Giê-hô-va.”
25
Lời tiên tri về các dân ngoại
(25:1 – 32:32)
Lời tiên tri về dân Am-môn
1Có lời Đức Giê-hô-va phán với tôi: 2“Hỡi con người, hãy xây mặt về hướng dân Am-môn và nói tiên tri chống lại chúng. 3Con hãy nói với dân Am-môn: ‘Hãy nghe lời của Chúa Giê-hô-va. Chúa Giê-hô-va phán rằng vì ngươi nói: “Ha ha!” về nơi thánh Ta khi nó bị ô uế, về đất Y-sơ-ra-ên khi nó bị hoang vu và về nhà Giu-đa khi nó bị bắt lưu đày; 4cho nên, nầy, Ta sẽ phó ngươi cho dân phương Đông làm sản nghiệp. Chúng sẽ đóng trại và cất nhà mình ở giữa ngươi; chúng sẽ ăn hoa quả và uống sữa của ngươi. 5Ta sẽ khiến thành Ráp-ba làm đồng cỏ cho lạc đà và đất Am-môn làm chỗ nghỉ ngơi cho bầy súc vật. Lúc ấy, các ngươi sẽ biết Ta là Đức Giê-hô-va.’ 6Vì Chúa Giê-hô-va phán: ‘Bởi ngươi đã vỗ tay, giậm chân, lòng đầy khinh bỉ và reo mừng nghịch với đất Y-sơ-ra-ên, 7cho nên, nầy, Ta đã giơ tay Ta ra chống lại ngươi. Ta sẽ phó ngươi làm mồi cho các nước; Ta sẽ loại trừ ngươi ra khỏi các dân; Ta sẽ tiêu diệt ngươi khỏi các quốc gia. Ta sẽ hủy diệt ngươi và ngươi sẽ biết Ta là Đức Giê-hô-va.’”
Lời tiên tri về dân Mô-áp
8Chúa Giê-hô-va phán: “Vì Mô-áp và Sê-i-rơ có nói rằng: ‘Kìa, nhà Giu-đa cũng như các nước khác,’ 9cho nên, nầy, Ta sẽ phá các thành nơi biên giới của Mô-áp, tức là tất cả các thành làm vinh hiển cho xứ ấy như thành Bết Giê-si-mốt, Ba-anh Mê-ôn và Ki-ri-a-ta-im. 10Ta sẽ phó xứ Mô-áp và Am-môn cho dân phương Đông làm sản nghiệp để cho dân Am-môn không còn được ghi nhớ giữa các nước nữa. 11Ta cũng sẽ thi hành sự phán xét trên Mô-áp và chúng sẽ biết Ta là Đức Giê-hô-va.”
Lời tiên tri về dân Ê-đôm
12Chúa Giê-hô-va phán: “Vì dân Ê-đôm đã trả thù nhà Giu-đa và nó đã phạm tội nặng khi báo thù nhà ấy, nên Chúa Giê-hô-va phán rằng:13‘Ta sẽ giơ tay chống lại Ê-đôm, sẽ tiêu diệt người và vật ở đó; Ta sẽ làm cho thành ấy hoang vu; từ Thê-man đến Đê-đan, chúng sẽ ngã chết bởi gươm. 14Ta sẽ dùng tay dân Y-sơ-ra-ên để báo thù trên Ê-đôm và dân ấy sẽ đối xử với dân Ê-đôm theo cơn thịnh nộ và tức giận của Ta. Bấy giờ, chúng sẽ biết sự báo thù của Ta như thế nào, Chúa Giê-hô-va phán vậy.’”
Lời tiên tri về dân Phi-li-tin
15Chúa Giê-hô-va phán: “Vì dân Phi-li-tin với sự khinh bỉ và mối thù truyền kiếp đã báo thù một cách độc ác nhằm hủy diệt Giu-đa, 16cho nên, Chúa Giê-hô-va phán: ‘Nầy, Ta sẽ giơ tay ra chống lại dân Phi-li-tin, tiêu diệt người Cơ-rết và giết hết những kẻ còn sót lại dọc theo bờ biển. 17Ta sẽ thi hành sự báo thù lớn đối với chúng, dùng cơn giận trừng phạt chúng. Bấy giờ, chúng sẽ biết Ta là Đức Giê-hô-va khi Ta báo thù chúng.’”
Bình luận
Đức tin trong lúc bi kịch
Paul Tournier đã viết: “Đức tin không phải là nơi trú ẩn trước những khó khăn mà là niềm tin khi đối mặt với mọi mâu thuẫn”.
Đức tin của Ê-xê-chi-ên thật đáng chú ý. Thông điệp của ông là một thông điệp rất khó khăn. Đức Chúa Trời đang nói với dân Ngài rằng Ngài đã cố gắng tẩy sạch họ khỏi những ô uế, nhưng họ vẫn không thể sạch được và do đó sự phán xét của Ngài sắp đến: ‘Ta sẽ căn cứ vào các đường lối và các hành vi của ngươi để Ta đoán phạt ngươi’ (24:14). Nếu chúng ta từ chối chấp nhận sự tha thứ của Chúa (điều mà bây giờ chúng ta biết là có thể thực hiện được nhờ thập tự giá của Đấng Christ), chúng ta sẽ bị phán xét về đường lối và hành vi của chính mình.
Đức tin của Ê-xê-chi-ên vẫn tồn tại sau sự mất mát bi thảm của vợ ông (“niềm vui mừng trong đôi mắt [ông]”, câu 16). Đức Chúa Trời phán rằng Ngài sẽ cất đi nơi thánh của Y-sơ-ra-ên – vốn là nơi vui mừng trong mắt họ, là đối tượng mà họ yêu mến (c.21). Chúa đang cảnh báo trước về sự tàn phá khủng khiếp ở Jerusalem bởi người Babylon.
Ông cảnh báo các dân tộc khác đừng vui mừng với ác ý trong lòng (25:6,15). Thiên Chúa cực lực phản đối cảm giác hân hoan thầm kín (mà chúng ta có thể bị cám dỗ) khi thấy người khác gặp rắc rối - nó trái ngược với tình yêu.
Khi người ta làm tổn thương bạn, đừng tự mình trả thù. Hãy tin cậy vào Chúa, Đấng đã hứa rằng cuối cùng Ngài sẽ bảo đảm công lý được thực thi (c.15–17).
Giữa phần tối của đoạn văn này, có một tia sáng. Khi sứ giả đến với tin tức về sự tàn phá của Giê-ru-sa-lem, sự im lặng bất lực của Ê-xê-chi-ên (xem Ê-xê-chi-ên 3:24–27) chấm dứt. Điều này báo trước một sự thay đổi đáng chú ý trong chức vụ của ông. Khi trọng tâm của ông quay trở lại quốc gia Y-sơ-ra-ên (chương 33), nhà tiên tri của sự diệt vong được biến thành sứ giả của niềm hy vọng. Thần Công lý cũng sẽ được bày tỏ là Thần ân điển và sự cứu rỗi.
Chúa Giê-su đã chịu sự phán xét. Huyết của Chúa Giê-su rửa sạch bạn khỏi mọi tội lỗi. Chúa Thánh Linh sống trong bạn. Hãy cứ kỳ vọng rằng Ngài sẽ thực hiện những điều tuyệt vời thông qua bạn - khi bạn đặt toàn bộ cân nặng của mình lên Ngài.
Cầu nguyện
Lạy Chúa, hôm nay con mang đến cho Chúa tất cả những nỗi sợ hãi, lo lắng và thử thách đang ở phía trước. Con đặt niềm tin vào Chúa. Hôm nay con Lạy Chúa, hôm nay con mang đến cho Chúa tất cả những nỗi sợ hãi, lo lắng và thử thách đang ở phía trước. Con đặt niềm tin vào Chúa. Hôm nay đặt toàn bộ cân nặng của con lên Ngài.
Pippa chia sẻ
Trong Hê-bơ-rơ 11:31, Ra-háp, một người hành nghề mại dâm, được liệt kê là một trong những người có đức tin lớn.
Đức tin có thể được tìm thấy ở những nơi khó tin nhất.
App
Tải xuống ứng dụng Kinh Thánh Trong Một Năm dành cho thiết bị iOS hoặc Android và đọc theo mỗi ngày.
Đăng ký ngay bây giờ để nhận Kinh thánh trong một năm trong hộp thư đến của bạn mỗi sáng. Bạn sẽ nhận được một email mỗi ngày.
Book
Kinh thánh trong một năm bình luận có sẵn như là một cuốn sách.
- Mua từ Cửa hàng Alpha
- [Mua từ Nhà sách CLC](https://clcbookshops.com/product/bible-in-one-year-the-a-commentary-by-nicky-gumbel-hard-cover-gumbel-nicky-hodder-stoughton- 9781473677067)
Tham khảo
Trừ khi có quy định khác, các trích dẫn Kinh thánh lấy từ Kinh thánh, Phiên bản quốc tế mới được Anh hóa, Bản quyền © 1979, 1984, 2011 Biblica, trước đây là Hiệp hội Kinh thánh Quốc tế. Được sử dụng với sự cho phép của Nhà xuất bản Hodder & Stoughton, một công ty của Hachette Vương quốc Anh. Đã đăng ký Bản quyền. ‘NIV’ là nhãn hiệu đã đăng ký của Biblica. Số nhãn hiệu Vương quốc Anh 1448790.
Kinh thánh được đánh dấu (MSG) được lấy từ Thông điệp. Bản quyền © 1993, 1994, 1995, 1996, 2000, 2001, 2002. Được sử dụng dưới sự cho phép của NavPress Publishing Group.