Ngày 53

Làm Thế Nào Để Dành Thời Gian Cho Chúa Giê-xu

Khôn ngoan Thi Thiên 25:1-7
Tân ước Mác 6:30-56
Cựu Ước Xuất Ai Cập Ký 31:1-33:6

Giới thiệu

Lần đầu tiên tôi được gặp gỡ Chúa Giê-xu là vào tháng 2 năm 1974. Tôi rất biết ơn những người đã dạy tôi, ngay từ đầu, tầm quan trọng của điều được gọi là "thì giờ tĩnh nguyện".

Cụm từ "thì giờ tĩnh nguyện" (có nghĩa là thời gian dành riêng để đọc Kinh Thánh và cầu nguyện) có lẽ được bắt nguồn từ lời của Chúa Giê-xu trong phân đoạn Tân Ước hôm nay, "Các con hãy đi tẽ vào nơi thanh vắng" (Mác 6:31). Hầu như mỗi buổi sáng, kể từ khi 18 tuổi, tôi đã bắt đầu ngày mới của mình theo cách này. Tôi cố gắng dành thời gian với Chúa Giê-xu, một cách riêng tư, ở một nơi yên tĩnh. Đôi khi nó rất ngắn, cũng có khi nó dài hơn. Nhưng tương tự như việc tôi không thích bắt đầu ngày mới mà không có bữa sáng, tôi không thể tưởng tượng được việc bắt đầu ngày mới mà không được nạp thức ăn thuộc linh.

Hầu như ngày nào tôi cũng bắt đầu bằng việc đọc Kinh Thánh, vì tôi tin rằng việc lắng nghe lời Chúa phán với tôi thì quan trọng hơn việc tôi thưa chuyện với Ngài. Giờ đây, những suy nghĩ của tôi mỗi ngày là nền tảng cho những phần ghi chú đi kèm với lịch Đọc Kinh Thánh trong một năm.

Khôn ngoan

Thi Thiên 25:1-7

Cầu xin Chúa phù hộ, dẫn dắt và tha tội

Thi Thiên của Đa-vít

 1 Lạy Đức Giê-hô-va, linh hồn con hướng về Ngài.
 2 Đức Chúa Trời của con ôi! Con tin cậy nơi Ngài.
  Nguyện con không bị hổ thẹn;
  Đừng để kẻ thù của con thắng hơn con.
 3 Thật chẳng ai trông cậy Ngài mà bị hổ thẹn;
  Ngoại trừ những kẻ đang tâm phản bội.

 4 Lạy Đức Giê-hô-va, xin cho con biết các đường lối Ngài
  Và dạy dỗ con các nẻo đường Ngài.
 5 Xin dẫn con trong chân lý của Ngài và dạy dỗ con,
  Vì Ngài là Đức Chúa Trời, Đấng cứu rỗi con;
  Hằng ngày con trông đợi Ngài.

 6 Lạy Đức Giê-hô-va, xin nhớ lại sự thương xót và lòng nhân từ của Ngài,
  Vì hai điều ấy hằng có từ xưa.
 7 Xin đừng nhớ các tội lỗi của con ở tuổi thanh xuân hay sự nổi loạn của con;
  Lạy Đức Giê-hô-va, xin nhớ đến con tùy theo sự thương xót
  Và lòng nhân từ của Ngài.

Bình luận

Thời gian để nhìn lên Chúa

Bạn có bao giờ cảm thấy nản lòng trước hoàn cảnh của mình không? Bạn có bao giờ sợ rằng mình sẽ thất bại, sẽ thất vọng hay thậm chí là sẽ bị hổ thẹn không?

Rõ ràng Đa-vít đã có những nỗi sợ như thế và ông đã cho chúng ta một ví dụ về cách để bắt đầu thì giờ tĩnh nguyện. Ông bắt đầu bằng cách thưa với Chúa rằng: "Lạy Đức Giê-hô-va, linh hồn con hướng về Ngài" (c.1). Ông quyết tin cậy nơi Chúa, bất kể mọi thử thách ở phía trước. Ông nói tiếp: "Đức Chúa Trời của con ôi! Con tin cậy nơi Ngài. Nguyện con không bị hổ thẹn; đừng để kẻ thù của con thắng hơn con" (c.2).

Điều ông muốn nói đó là "Con đang trông mong Ngài, Chúa ôi". Rõ ràng là ông đang bị tấn công, nhưng ông tin rằng Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ để ông bị hổ thẹn (c.3). Niềm hy vọng của ông đặt nơi Chúa "hằng ngày" (c.5).

Hãy dành thời gian mỗi ngày để nhìn lên Chúa và trông mong nơi Ngài để chuẩn bị sẵn sàng cho những điều ở phía trước. Hãy cầu xin sự thương xót, tha thứ, giúp đỡ, hướng dẫn và giải cứu của Chúa.

Cầu nguyện

Lạy Chúa, xin Ngài hướng dẫn con trong mọi việc con sẽ làm hôm nay. "Xin dẫn con trong chân lý của Ngài và dạy dỗ con". (c.5)

Tân ước

Mác 6:30-56

Đức Chúa Jêsus hóa bánh lần thứ nhất

30 Các sứ đồ tụ họp chung quanh Đức Chúa Jêsus, tường trình với Ngài mọi việc họ đã làm và dạy dỗ. 31 Ngài bảo các sứ đồ: “Các con hãy đi tẽ vào nơi thanh vắng, nghỉ ngơi một lúc.” Vì kẻ qua người lại quá đông, nên Ngài và sứ đồ không có thì giờ để ăn. 32 Vậy, Thầy trò cùng xuống thuyền đi tẽ vào nơi thanh vắng. 33 Nhiều người thấy thì nhận ra Đức Chúa Jêsus và các môn đồ nên từ khắp các thành, họ chạy bộ theo và đã đến đó trước. 34 Vừa ra khỏi thuyền, Đức Chúa Jêsus thấy đoàn dân đông thì cảm thương họ, vì họ như chiên không có người chăn. Ngài bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều. 35 Khi trời về chiều, các môn đồ đến thưa với Ngài: “Nơi nầy hoang vắng mà trời đã chiều rồi; 36 xin Thầy cho dân chúng về để họ đi vào các vùng quê, làng mạc lân cận mua thức ăn.” 37 Nhưng Ngài bảo: “Chính các con hãy cho họ ăn.” Môn đồ thưa rằng: “Chúng con phải đi mua đến hai trăm đơ-ni-ê bánh cho họ ăn sao?” 38 Ngài bảo: “Hãy đi xem các con có bao nhiêu bánh?” Sau khi xem xét, các môn đồ thưa: “Có năm cái bánh và hai con cá.” 39 Ngài bảo các môn đồ sắp xếp dân chúng ngồi thành từng nhóm trên cỏ xanh. 40 Họ ngồi xuống thành từng nhóm, nhóm một trăm, nhóm năm chục. 41 Đức Chúa Jêsus lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, tạ ơn, rồi bẻ bánh và trao cho các môn đồ để phân phát cho dân chúng. Ngài cũng chia hai con cá cho mọi người. 42 Ai nấy đều ăn no nê. 43 Họ thu lại được mười hai giỏ đầy những mẩu bánh và cá thừa. 44 Số người ăn bánh là năm nghìn người.

Đức Chúa Jêsus đi trên mặt biển

45 Ngay sau đó, Đức Chúa Jêsus giục các môn đồ xuống thuyền đi trước qua bờ bên kia, hướng về thành Bết-sai-đa, trong khi Ngài cho dân chúng ra về. 46 Sau khi từ biệt họ, Ngài đi lên núi để cầu nguyện. 47 Tối đến, thuyền ở giữa biển, còn Ngài thì ở một mình trên đất liền. 48 Ngài thấy các môn đồ chèo chống vất vả vì gió ngược nên khoảng canh tư đêm ấy, Ngài đi trên mặt biển mà đến với môn đồ. Ngài muốn vượt lên trước họ. 49 Nhưng khi thấy Ngài đi trên mặt biển, các môn đồ tưởng là ma nên la lên, 50 vì tất cả đều thấy Ngài và hoảng sợ. Nhưng Đức Chúa Jêsus liền phán với họ: “Hãy yên lòng, Ta đây, đừng sợ!” 51 Rồi Ngài bước lên thuyền với các môn đồ, và gió yên lặng. Họ vô cùng kinh ngạc, 52 vì không hiểu ý nghĩa của phép lạ hóa bánh, do lòng họ còn cứng cỏi.

Đức Chúa Jêsus chữa bệnh tại Ghê-nê-xa-rết

53 Khi đã qua đến bờ bên kia, Đức Chúa Jêsus và các môn đồ đến đất Ghê-nê-xa-rết, neo thuyền tại đó. 54 Vừa ra khỏi thuyền, dân chúng liền nhận ra Ngài. 55 Họ chạy khắp vùng, hễ nghe Ngài ở đâu thì khiêng những người bệnh nằm trên giường đến đó. 56 Bất cứ nơi nào Đức Chúa Jêsus đến, hoặc làng mạc, thành thị hay thôn quê, người ta đều đem những người bệnh đặt tại các chợ, và nài xin Ngài cho họ ít ra cũng được chạm vào gấu áo của Ngài; những ai đã chạm đến đều được lành bệnh.

Bình luận

Thời gian riêng tư với Chúa Giê-xu

Chúa Giê-xu đã dạy các môn đồ về việc ưu tiên dành thời gian ở riêng với Ngài. Ngài bảo họ rằng “hãy đi tẽ vào nơi thanh vắng” (c.31b) và họ đã làm theo (c.32).

Có quá nhiều điều xảy ra trong cuộc đời của Chúa Giê-xu, đến nỗi Ngài phải rất khó khăn mới có thể lẩn trốn và nghỉ ngơi một chút (c.31). Đức Chúa Trời đã sử dụng Ngài theo những cách rất đáng kinh ngạc - bắt đầu bằng việc cho 5.000 người ăn và đi bộ trên mặt nước! Ngài nhìn thấy những nhu cầu lớn lao của mọi người ("Đức Chúa Jêsus thấy đoàn dân đông thì cảm thương họ, vì họ như chiên không có người chăn", c.34).

Họ khao khát Ngài và chạy đến với Ngài - theo đúng nghĩa đen (c.33,55). Tuy nhiên, Chúa Giê-xu thấy cần phải lẩn tránh họ. Ngài cần ở một mình. Ngài đã lên núi để cầu nguyện (c.45–46). Ngài ưu tiên dành thời gian ở riêng với Chúa.

Cầu nguyện và hành động đi đôi với nhau, nó xuất phát từ mối liên hệ. Chúa Giê-xu "cảm thương họ" (c.34). Từ ngữ được sử dụng trong tiếng Hy Lạp là từ thể hiện mức độ cảm thương sâu sắc nhất. Một bản dịch khác nói rằng "lòng Ngài nát tan vì họ".

Chúa Giê-xu không ngừng tạo cơ hội phát triển và khích lệ các môn đồ trong chức vụ của họ. Ngài không chỉ tự mình cho 5.000 người ăn một cách thần kỳ. Ngài bảo họ rằng: "Chính các con hãy cho họ ăn" (c.37).

Đôi khi tôi cảm thấy nản lòng trong chức vụ mà Đức Chúa Trời đã giao phó cho tôi. Tôi thường cảm thấy mình có rất ít thứ để cống hiến cho những người mà tôi được kêu gọi để phục vụ. Tôi thật sự cảm thấy được yên ủi qua phân đoạn này. Chúa Giê-xu có thể làm được rất nhiều thứ chỉ với một ít thứ ban đầu. Nếu bạn dâng cho Chúa số tiền ít ỏi mà bạn có, thì Ngài có thể nhân số tiền đó lên nhiều lần và đáp ứng cho nhu cầu của mọi người.

Chúa Giê-xu hành động một cách hiệu quả, có tổ chức và thực tế. "Ngài bảo các môn đồ sắp xếp dân chúng ngồi thành từng nhóm trên cỏ xanh. Họ ngồi xuống thành từng nhóm, nhóm một trăm, nhóm năm chục" (c.39–40).

Sau khi các môn đồ cho 5.000 người ăn, Chúa Giê-xu lại bảo họ rời đi. Ngài bảo các môn đồ xuống thuyền và đi trước, còn Ngài thì lên núi cầu nguyện.

Ngay cả khi chúng ta đang làm những việc Chúa Giê-xu bảo chúng ta làm, thì đôi khi nó cũng có thể rất khó khăn và vất vả. Có những lúc tôi cảm thấy "hoảng sợ" (c.50). Các môn đồ "chèo chống vất vả vì gió ngược" (c.48). Khi Chúa Giê-xu đến với họ, Ngài nói rằng: "Hãy yên lòng, Ta đây, đừng sợ!" (c.50).

Khi Chúa Giê-xu lên thuyền với họ thì “gió yên lặng” (c.51). Chúng ta thấy một bức tranh về sự khác biệt mà Chúa Giê-xu tạo ra cho cuộc đời chúng ta. Đó sẽ là một cuộc tranh chiến đầy khó khăn nếu bạn không ý thức được sự hiện diện của Chúa Giê-xu bên cạnh bạn.

Chỉ những ai nhận ra Chúa Giê-xu (c.54) mới có thể tận hưởng mối liên hệ này. Những người nhận ra Ngài đã chạy đến với Ngài (c.55) và – tôi rất thích những lời này – "những ai đã chạm đến đều được lành bệnh" (c.56).

Cầu nguyện

Lạy Chúa, cảm tạ Chúa vì giữa cơn sóng gió của cuộc đời, Ngài nói với con rằng: "Hãy yên lòng, Ta đây, đừng sợ!" (c.50).

Cựu Ước

Xuất Ai Cập Ký 31:1-33:6

Sự chọn lựa Bết-sa-lê-ên và Ô-hô-li-áp

31 Đức Giê-hô-va lại phán với Môi-se: 2 “Nầy, Ta đã gọi đích danh Bết-sa-lê-ên, con trai của U-ri, cháu của Hu-rơ, thuộc bộ tộc Giu-đa. 3 Ta đã cho người đầy dẫy Thần31:3 Ctd: quyền năng. của Đức Chúa Trời cùng với sự khéo tay, thông minh và hiểu biết trong lãnh vực thủ công mỹ nghệ 4 để thiết kế và chế tạo các vật bằng vàng, bạc và đồng; 5 khắc đá khảm ngọc, chạm gỗ thuộc lãnh vực thủ công mỹ nghệ. 6 Nầy, Ta đã chọn cho người một phụ tá tên là Ô-hô-li-áp, con trai của A-hi-sa-mạc, thuộc bộ tộc Đan. Ta cũng đã ban sự khôn ngoan cho những người khéo tay để họ có thể làm được mọi việc Ta đã truyền dạy con, 7 như làm Lều Hội Kiến, Hòm Chứng Ước, nắp thi ân ở trên Hòm Chứng Ước và các vật dụng khác trong Lều Hội Kiến; 8 bàn thờ và các dụng cụ, chân đèn bằng vàng ròng và các dụng cụ, bàn thờ xông hương, 9 bàn thờ dâng tế lễ thiêu và các dụng cụ, bồn rửa và chân bồn, 10 lễ phục bằng hàng dệt, lễ phục thánh cho thầy tế lễ A-rôn và lễ phục cho các con trai người để thi hành chức vụ tế lễ, 11 dầu xức và hương thơm cho Nơi Thánh. Họ phải làm đúng theo tất cả những gì Ta đã truyền dạy con.”

Luật về ngày sa-bát

12 Đức Giê-hô-va phán với Môi-se: 13 “Con hãy nói với con dân Y-sơ-ra-ên rằng: ‘Các con phải tuyệt đối giữ ngày sa-bát của Ta vì đây là một dấu hiệu giữa Ta và các con qua mọi thế hệ, để các con biết rằng Ta là Đức Giê-hô-va, Đấng thánh hóa các con. 14 Vậy, các con phải giữ ngày sa-bát vì đó là ngày thánh đối với các con. Kẻ nào xúc phạm đến ngày đó, phải bị tử hình; kẻ nào làm bất cứ việc gì trong ngày đó sẽ bị loại trừ khỏi dân chúng. 15 Người ta sẽ làm việc trong sáu ngày; ngày thứ bảy là ngày sa-bát, tức là ngày yên nghỉ và ngày thánh cho Đức Giê-hô-va. Ai làm bất cứ việc gì trong ngày sa-bát đều sẽ bị tử hình. 16 Vì vậy, con dân Y-sơ-ra-ên phải tuân giữ ngày sa-bát qua mọi thế hệ như một giao ước đời đời. 17 Đó là một dấu hiệu đời đời giữa Ta và con dân Y-sơ-ra-ên vì Đức Giê-hô-va đã dựng nên trời và đất trong sáu ngày, sang ngày thứ bảy Ngài ngưng công việc và nghỉ ngơi.’”

18 Sau khi đã phán với Môi-se tại núi Si-na-i, Đức Giê-hô-va trao cho ông hai Bảng Chứng Ước bằng đá do chính ngón tay Đức Chúa Trời viết ra.

Bò con bằng vàng

32 Khi thấy Môi-se ở trên núi mãi chưa xuống, dân chúng tụ họp chung quanh A-rôn và nói: “Nào! Ông hãy làm cho chúng tôi những vị thần đi trước chúng tôi, vì chúng tôi không biết việc gì đã xảy đến cho ông Môi-se, người đã dẫn chúng tôi ra khỏi đất Ai Cập.” 2 A-rôn bảo họ: “Hãy lột những vòng vàng đeo trên tai vợ, con trai và con gái anh em, rồi đem đến cho tôi.” 3 Tất cả dân chúng đều lột vòng vàng trên tai mình và đem đến cho A-rôn. 4 Ông nhận vàng từ tay họ, dùng dụng cụ làm khuôn rồi đúc thành một bò con. Dân chúng nói: “Hỡi Y-sơ-ra-ên! Đây là thần của ngươi, thần đã đem ngươi ra khỏi đất Ai Cập.” 5 Thấy vậy, A-rôn lập một bàn thờ trước mặt tượng bò con đó rồi tuyên bố rằng: “Ngày mai sẽ là ngày lễ cho Đức Giê-hô-va!” 6 Sáng hôm sau dân chúng thức dậy sớm, dâng các tế lễ thiêu và tế lễ bình an. Họ ngồi xuống ăn uống, rồi đứng dậy đùa bỡn.

7 Đức Giê-hô-va phán với Môi-se: “Hãy xuống đi, vì dân mà con đưa ra khỏi đất Ai Cập đã hư hỏng rồi. 8 Chúng đã vội rời bỏ đường lối mà Ta truyền dạy, đúc cho mình một tượng bò con, thờ lạy tượng đó, dâng tế lễ cho nó và nói: ‘Hỡi Y-sơ-ra-ên! Đây là thần đã dẫn ngươi ra khỏi đất Ai Cập!’” 9 Đức Giê-hô-va cũng phán với Môi-se: “Ta đã nhìn thấy dân nầy, thật là một dân cứng cổ. 10 Vậy bây giờ hãy để mặc Ta, để cơn thịnh nộ Ta nổi lên và tiêu diệt chúng. Nhưng Ta sẽ làm cho con thành một dân lớn.”

11 Môi-se kêu cầu Giê-hô-va Đức Chúa Trời của mình rằng: “Lạy Đức Giê-hô-va, tại sao cơn thịnh nộ Ngài lại nổi lên với dân Ngài, là dân mà Ngài đã dùng quyền uy lớn lao và cánh tay mạnh mẽ đem ra khỏi đất Ai Cập? 12 Tại sao lại để cho người Ai Cập nói: ‘Ngài cố ý đem họ ra khỏi đây để giết chết họ trong núi, và tiêu diệt họ khỏi mặt đất’? Cầu xin Chúa nguôi giận và từ bỏ ý định giáng họa cho dân Ngài. 13 Xin Chúa nhớ lại Áp-ra-ham, Y-sác và Y-sơ-ra-ên, là các đầy tớ Ngài, mà Ngài đã lấy chính mình ra và thề với họ rằng: ‘Ta sẽ làm cho dòng dõi các con đông như sao trên trời. Ta sẽ ban cho dòng dõi các con cả vùng đất nầy, là đất mà Ta đã phán hứa, và chúng sẽ thừa hưởng đất ấy đời đời.’” 14 Đức Giê-hô-va đổi ý không giáng tai họa mà Ngài định giáng xuống trên dân Ngài.

Môi-se ném vỡ bảng luật

15 Môi-se từ trên núi đi xuống, tay cầm hai Bảng Chứng Ước. Các Bảng Chứng Ước được viết trên cả hai mặt, mặt trước và mặt sau. 16 Hai Bảng đó do Đức Chúa Trời làm ra, chữ là chữ của Đức Chúa Trời khắc trên các bảng đá. 17 Khi Giô-suê nghe tiếng dân chúng la lên, thì nói với Môi-se: “Trong trại quân có tiếng giao chiến.” 18 Nhưng Môi-se nói:

“Đây không phải là tiếng reo hò chiến thắng,
Cũng chẳng phải là tiếng kêu van thất trận;
Nhưng ta nghe tiếng ca hát.”

19 Khi đến gần trại quân, thấy tượng bò con và cảnh nhảy múa, Môi-se nổi giận, ném hai Bảng Chứng Ước khỏi tay mình, vỡ nát dưới chân núi. 20 Ông lấy tượng bò con mà chúng đã đúc đem đốt trong lửa, nghiền thành bột, rồi rải trên mặt nước và bắt con dân Y-sơ-ra-ên uống.

21 Môi-se nói với A-rôn: “Dân nầy đã làm gì anh mà anh đẩy họ vào một tội lỗi nặng nề như vậy?” 22 A-rôn đáp: “Xin chúa tôi đừng nổi giận, chúa biết dân nầy là dân chuyên làm điều ác! 23 Họ đã nói với tôi: ‘Ông hãy làm cho chúng tôi những vị thần đi trước chúng tôi, vì chúng tôi chẳng biết việc gì đã xảy đến cho ông Môi-se, người đã dẫn chúng tôi ra khỏi xứ Ai Cập,’ 24 Tôi nói với họ rằng: ‘Ai có vàng hãy lột ra!’ Họ đưa cho tôi, tôi ném vào lửa và thành ra bò con nầy.”

Môi-se trừng phạt dân chúng

25 Khi Môi-se thấy dân chúng buông tuồng, vì A-rôn đã để họ buông tuồng, đến nỗi thành trò cười trước mặt kẻ thù, 26 thì ông đứng tại cổng trại quân và nói: “Ai thuộc về Đức Giê-hô-va, hãy đến với ta!” Tất cả các con trai Lê-vi đều tụ họp quanh ông. 27 Ông nói với họ: “Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, đã truyền rằng mỗi người trong anh em hãy đeo gươm bên mình, đi qua đi lại khắp trại quân, từ cửa nầy đến cửa kia, và mỗi người hãy giết anh em, bạn hữu, và kẻ lân cận mình.” 28 Các con trai Lê-vi làm đúng theo lời Môi-se; trong ngày đó có khoảng ba nghìn người trong dân chúng bị giết chết. 29 Môi-se nói: “Hôm nay chính anh em đã tự cung hiến cho Đức Giê-hô-va con trai hay anh em mình, nên ngày nay Ngài ban phước cho anh em.”

Môi-se cầu thay cho Y-sơ-ra-ên

30 Ngày hôm sau, Môi-se nói với dân chúng: “Anh em đã phạm một trọng tội. Nhưng bây giờ ta sẽ lên gặp Đức Giê-hô-va, có lẽ ta sẽ chuộc được tội cho anh em.” 31 Vậy Môi-se trở lên gặp Đức Giê-hô-va và thưa với Ngài rằng: “Ôi! Dân nầy đã phạm một trọng tội, họ đã làm cho mình tượng thần bằng vàng. 32 Nhưng bây giờ xin Chúa tha tội cho họ! Nếu không, xin Ngài xóa tên con khỏi sách Ngài đã viết.” 33 Đức Giê-hô-va phán với Môi-se: “Kẻ nào phạm tội chống lại Ta, Ta sẽ xóa người ấy khỏi sách Ta. 34 Nhưng bây giờ, hãy đi, dẫn dân chúng đến nơi Ta đã chỉ cho con. Nầy, thiên sứ của Ta sẽ đi trước con. Tuy nhiên, đến ngày trừng phạt, Ta sẽ trừng phạt tội lỗi của chúng.”

35 Đức Giê-hô-va giáng tai họa trên dân chúng vì họ làm tượng bò con bằng vàng mà A-rôn đã đúc ra.

Đức Giê-hô-va truyền cho dân chúng rời núi Si-na-i

33 Đức Giê-hô-va phán với Môi-se: “Con và dân chúng mà con đã dẫn ra khỏi đất Ai Cập hãy rời khỏi nơi nầy và đi lên đất mà Ta đã thề với Áp-ra-ham, Y-sác, và Gia-cốp, rằng: ‘Ta sẽ ban đất nầy cho dòng dõi con.’ 2 Ta sẽ sai một thiên sứ đi trước con, và sẽ đuổi dân Ca-na-an, dân A-mô-rít, dân Hê-tít, dân Phê-rê-sít, dân Hê-vít và dân Giê-bu-sít, 3 để đưa các con vào một vùng đất đượm sữa và mật; nhưng Ta sẽ không cùng lên với các con đâu, vì các con là một dân tộc cứng cổ, e rằng Ta sẽ tiêu diệt các con dọc đường chăng.”

4 Khi dân chúng nghe những lời chẳng lành nầy thì than khóc, không một ai đeo đồ trang sức cả. 5 Vì Đức Giê-hô-va đã phán với Môi-se: “Hãy nói với dân Y-sơ-ra-ên: ‘Các con là một dân tộc cứng cổ, nếu Ta cùng lên với các con dù chỉ trong một lúc, thì Ta sẽ tiêu diệt các con! Vậy, bây giờ, hãy lột bỏ trang sức đi, rồi Ta xem sẽ phải làm gì với các con.’” 6 Thế nên, từ núi Hô-rếp trở đi, dân Y-sơ-ra-ên lột bỏ các đồ trang sức.

Bình luận

Thời gian để nhận sự giúp đỡ từ Chúa

Một phần lý do Chúa Giê-xu muốn các môn đồ đi ra nơi khác là để họ được nghỉ ngơi(Mác 6:31). Trong phân đoạn này, chúng ta thấy được tầm quan trọng của việc nghỉ ngơi (Xuất Ê-díp-tô Ký 31:13–17). Hãy xem trước lịch trình của bạn và đảm bảo rằng bạn dành sự ưu tiên cho những khoảng nghỉ này.

Thời gian riêng tư của bạn với Chúa Giê-xu bao gồm cả việc lắng nghe Ngài. Chúng ta có thể nghe lời Ngài phán với chúng ta chủ yếu qua Kinh Thánh. Khi tôi không dành thời gian riêng tư với Chúa Giê-xu, tôi thường dễ bị cám dỗ hoặc cảm thấy sợ hãi hơn.

Trong Xuất Ai Cập Ký 32, chúng ta thấy rằng dù Đức Chúa Trời đã làm bao nhiêu điều cho chúng ta trong quá khứ, thì chúng ta vẫn chóng quên đi những điều đó và bắt đầu nghi ngờ Ngài, hậu quả là chúng ta bị sa vào tội lỗi: "Chúng đã vội rời bỏ đường lối mà Ta truyền dạy" (32:8).

Nguyên nhân ban đầu dẫn đến việc thờ lạy thần tượng đó là do họ thiếu kiên nhẫn. Họ đã không chờ đợi thời điểm của Chúa. Chúa có thể để chúng ta phải chờ đợi - trong một khoảng thời gian mà chúng ta cho là dài, nhưng điều đó không có nghĩa là Ngài không hành động.

Sau khi dân sự tạc con bò vàng làm thần tượng, chính lời cầu nguyện của Môi-se đã ngăn chặn được toàn bộ thảm họa sau đó (c.11-14). Năng quyền của lời cầu nguyện có thể làm thay đổi cả tiến trình lịch sử.

A-rôn là người phải chịu trách nhiệm về việc thờ hình tượng của dân sự: "Dân nầy đã làm gì anh mà anh đẩy họ vào một tội lỗi nặng nề như vậy?" (c.21). Thật ra, A-rôn chỉ đơn giản là làm theo ý kiến của số đông. Đó là ý tưởng của mọi người, còn ông chỉ là người thực hiện nó. Tuy nhiên, trước mặt Đức Chúa Trời, ông vẫn là người lãnh đạo. Lẽ ra ông nên đứng lên phản đối họ, chứ không phải là để bị thuyết phục và rồi dẫn họ vào tội lỗi.

A-rôn đáp rằng: "Chúa biết dân nầy là dân chuyên làm điều ác... Họ đưa cho tôi, tôi ném vào lửa và thành ra bò con nầy'" (c.22–24). Đây rõ ràng là một điều vô nghĩa, nhưng chúng ta rất dễ bóp méo sự thật để biện minh cho bản thân mình.

Phân đoạn này có thể được hiểu đầy đủ hơn qua phần trình bày của Phao-lô trong Tân Ước. Ông viết: "Tất cả những điều nầy đã xảy ra như một lời cảnh cáo cho chúng ta, để chúng ta không chiều theo những ham muốn xấu xa như các tổ phụ" (1 Cô-rinh-tô 10:6). Phân đạon này cảnh báo chúng ta về bốn điều:

  1. Sự bê tha (1 Cô-rinh-tô 10:7; Xuất Ai Cập Ký 32:6)
  2. Sự gian dâm (1 Cô-rinh-tô 10:8, MSG)
  3. Sự sùng bái bản thân (c.9)
  4. Sự cằn nhằn (c.10).

Mức độ nghiêm trọng của những hình phạt mà dân Chúa phải đối diện là dấu hiệu cho thấy mức độ nghiêm trọng và tính hủy hoại của những tội lỗi này, "và được ghi chép lại để cảnh cáo chúng ta" (c.11). Điều này cho chúng ta thấy Đức Chúa Trời không muốn để mọi thứ trở nên tồi tệ và thối nát hơn.

Tuy nhiên, Phao-lô không chỉ dừng lại ở đó, ông còn cho chúng ta biết cách để đối phó với cám dỗ: "Những thử thách đến với anh em, chẳng có điều nào quá sức loài người. Đức Chúa Trời là Đấng thành tín, Ngài không để anh em bị thử thách quá sức mình đâu! Nhưng trong thử thách, Ngài sẽ mở đường cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được." (c.13).

Những lời cuối cùng này nhắc nhở chúng ta về ân điển quá đỗi lớn lao của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta, và điều đó giúp chúng ta vượt qua được cám dỗ. Tuy nhiên, ngay cả khi chúng ta vấp phạm trong những vấn đề này, thì qua Chúa Giê-xu, chúng ta vẫn có thể được tha thứ.

Cầu nguyện

Lạy Chúa, tạ ơn Chúa vì đặc ân tuyệt vời mà Ngài ban cho con, đó là con được dành thời gian để ở trong sự hiện diện của Ngài. Tạ ơn Chúa vì Ngài phán dạy con và con có thể nghe được tiếng của Ngài. Xin giúp con không sa vào cám dỗ. Xin Ngài giữ con để con mỗi ngày bước đi trong mối liên hệ mật thiết với Ngài.

Pippa chia sẻ

Xuất Ai Cập Ký 31:1–33:6

Dân sự đã chóng sa vào điều ác khi họ được tự do làm theo ý của mình. Lẽ ra A-rôn phải biết rõ hơn - ngay cả ông bị đám đông dẫn dắt lạc lối. Chỉ có Môi-se vẫn trung tín một cách tuyệt đối. Ông đã không đi theo đám đông. Vị trí lãnh đạo có thể sẽ rất cô đơn. Môi-se chính là một nhà lãnh đạo thực thụ.

reader

App

Tải xuống ứng dụng Kinh Thánh Trong Một Năm dành cho thiết bị iOS hoặc Android và đọc theo mỗi ngày.

reader

Email

Đăng ký ngay bây giờ để nhận Kinh thánh trong một năm trong hộp thư đến của bạn mỗi sáng. Bạn sẽ nhận được một email mỗi ngày.

Sign up now
reader

Website

Bắt đầu đọc sự tận tâm của ngày hôm nay ngay tại đây trên trang web BiOY.

Read now
reader

Book

Kinh thánh trong một năm bình luận có sẵn như là một cuốn sách.

Tham khảo

The One Year® là nhãn hiệu đã đăng ký của Tyndale House Publishers. Được sử dụng bởi sự cho phép.

Trừ khi có quy định khác, các trích dẫn Kinh thánh được lấy từ Kinh thánh, Phiên bản quốc tế mới được Anh hóa, Bản quyền © 1979, 1984, 2011 Biblica, trước đây là Hiệp hội Kinh thánh Quốc tế. Được sử dụng dưới sự cho phép của Hodder & Stoughton Publishers, một công ty của Hachette UK. Đã đăng ký Bản quyền. 'NIV' là nhãn hiệu đã đăng ký của Biblica. Nhãn hiệu Vương quốc Anh số 1448790.

Thánh Kinh được đánh dấu (MSG) lấy từ The Message. Bản quyền © 1993, 1994, 1995, 1996, 2000, 2001, 2002. Được sử dụng dưới sự cho phép của NavPress Publishing Group.

This website stores data such as cookies to enable necessary site functionality and analytics. Find out more