Chúa Thật Tốt Lành - Mọi Lúc Mọi Nơi
Giới thiệu
Trong tất cả các nhà tù mà tôi và Pippa đã đến thăm trên khắp thế giới, đây là nhà tù tồi tệ nhất. Nó nằm ở Lusaka, Zambia. Nhà tù này được xây dựng vào năm 1950 cho 250 người. Hiện nay, nó đang giam giữ hơn 1.300 người. Các phòng giam, vốn được xây dựng để chứa 50 người, hiện là nơi ở của hơn 150 người. Họ bị nhốt trong những xà lim này từ 8 giờ tối cho đến 8 giờ sáng. Không có đủ chỗ để mọi người nằm xuống cùng một lúc. Họ phải thay phiên nhau nằm. Mùi hôi thối và sức nóng trong những phòng giam đó gần như là không thể chịu nổi. Nếu các tù nhân không bị AIDS hay bệnh lao khi vào tù, thì sớm muộn gì họ cũng có khả năng bị nhiễm bệnh.
Các phòng giam bao quanh một khoảng sân chính giữa nhà tù. Chúng tôi đã tổ chức một buổi nhóm ở đó. Có lẽ vì không có gì khác để làm nên hầu như tất cả các tù nhân đều tham dự. Buổi nhóm được dẫn dắt bởi một người đàn ông đang chờ được xét xử suốt 4 năm nay. Ông là một Mục sư, với cáo buộc bao gồm một số tội nhẹ (nếu ở Anh, có lẽ hình phạt cho những tội đó chỉ là một khoản tiền phạt nhỏ). Mặc dù có thể ông ấy là người vô tội, nhưng người đàn ông này đã mòn mỏi trong tù suốt 4 năm, không bị kết án, không được xét xử, không biết khi nào mình sẽ được thả – nếu điều ấy xảy ra.
Tôi sẽ không bao giờ quên những lời mở đầu của ông khi bắt đầu buổi thờ phượng: "Chúa thật tốt lành - mọi lúc mọi nơi". Đây là một người đàn ông tin tưởng tuyệt đối vào sự tốt lành của Chúa, bất kể hoàn cảnh hiện tại của mình. Ông đã biết và kinh nghiệm được sự tốt lành của Đức Chúa Trời giữa những sự đau khổ tột cùng. Kết quả là, mặc dù phải ở trong điều kiện kinh khủng của nhà tù này, ông đã noi gương Chúa Giê-su và "đi khắp nơi làm việc nhân đức" (Công vụ 10:38).
Như John Wesley đã từng nói: "Hãy làm tất cả những điều tốt đẹp bạn có thể, bằng mọi cách có thể, tại bất cứ nơi đâu bạn có thể, vào bất cứ thời điểm nào bạn có thể, đối với tất cả mọi người mà bạn có thể, cho đến khi bạn vẫn còn có thể."
Thi Thiên 35:19-28
19 Xin đừng để kẻ thù của con là bọn dối trá được vui mừng.
Cũng đừng để các kẻ ghét con vô cớ nheo mắt trêu chọc con.
20 Vì chúng không nói lời hòa bình,
Nhưng mưu toan lừa dối
Những người sống an lành trong xứ.
21 Chúng hả hoác miệng ra nghịch lại con,
Và nói: “Ha ha, ha ha!
Mắt ta đã thấy điều đó rồi.”
22 Đức Giê-hô-va ôi! Ngài đã thấy điều đó, xin chớ làm thinh.
Chúa ôi! Xin đừng cách xa con.
23 Lạy Đức Chúa Trời là Chúa của con!
Xin thức dậy và đứng lên để bênh vực con.
24 Lạy Giê-hô-va Đức Chúa Trời của con,
Xin bênh vực con theo lẽ công chính của Chúa;
Đừng để chúng đắc chí cười nhạo con.
25 Xin đừng để chúng nhủ thầm rằng:
“A ha! Chúng ta đạt điều mình mong ước rồi.”
Cũng đừng để chúng nói:
“Chúng ta đã nuốt sống nó rồi.”
26 Mong cho kẻ vui mừng về tai họa con
Sẽ bị hổ thẹn và nhục nhã.
Người nào nổi lên chống lại con cách kiêu ngạo,
Đều bị bao trùm bằng sự xấu hổ và sỉ nhục.
27 Còn ai bênh vực lẽ công chính cho con,
Sẽ vui mừng hớn hở;
Và luôn luôn nói:
“Đức Giê-hô-va thật vĩ đại!
Ngài vui lòng ban sự thịnh vượng cho đầy tớ Ngài.”
28 Vậy lưỡi con sẽ truyền rao sự công chính của Chúa
Và ca ngợi Chúa suốt ngày.
Bình luận
Trong mọi sự, Chúa đều làm vì lợi ích của bạn
Hãy thành thật. Không phải ai cũng tốt. Một số người ganh ghét người khác vô cớ và có những hành động ác ý (c.19).
Có một sự tương phản lớn xuyên suốt phân đoạn Kinh Thánh này, giữa những khó khăn mà Đa-vít đang phải đối mặt và sự tốt lành của Đức Chúa Trời.
1. Cẩn thận với những người không tốt
Có những lúc trong cuộc sống, và đôi khi là ngay trong chính cộng đồng của mình, bạn sẽ bị tấn công bởi những người "không nói lời hòa bình nhưng mưu toan lừa dối" (c.20). Chẳng có gì tốt đẹp đến từ đám người đó cả.
2. Vui đùa không phải lúc nào cũng là tốt
Đa-vít nói về sự "vui mừng" của đám người này (c.24, NVB). Họ đang vui mừng vì cớ cười nhạo ông (c.19). Họ ghét ông một cách "vô cớ", "nheo mắt trêu chọc" ông (c.19). Họ tưởng rằng mình đang vui đùa, nhưng thực ra, những điều họ làm chẳng có gì là tốt.
3. Chúa làm mọi việc theo ý muốn tốt lành của Ngài
"Đức Giê-hô-va thật vĩ đại! Ngài vui lòng ban sự thịnh vượng cho đầy tớ Ngài" (c.27). Đức Chúa Trời lấy ngay cả những điều tồi tệ đã xảy ra với bạn và sử dụng nó cho mục đích tốt lành của Ngài: "Mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu mến Đức Chúa Trời" (Rô-ma 8:28).
4. Nói cho cả thế giới về sự tốt lành của Chúa
Đa-vít kết thúc bài Thi Thiên này bằng cách tán dương sự tốt lành của Đức Chúa Trời. Ông viết: "Vậy lưỡi con sẽ truyền rao sự công chính của Chúa và ca ngợi Chúa suốt ngày" (Thi thiên 35:28).
Cầu nguyện
Lạy Chúa, xin giúp con ghi nhớ sự tốt lành của Chúa và tin tưởng vào 'những điều tốt lành' Ngài đã sắm sẵn cho con.
Lu-ca 3:1-22
Đức Chúa Jêsus chuẩn bị thi hành chức vụ
Chức vụ của Giăng Báp-tít
1 Năm thứ mười lăm dưới triều Sê-sa Ti-be-rơ — khi Pôn-xơ Phi-lát làm tổng đốc xứ Giu-đê; Hê-rốt làm vua chư hầu xứ Ga-li-lê; Phi-líp, em vua ấy, làm vua chư hầu xứ Y-tu-rê và Tra-cô-nít; Ly-sa-ni-a làm vua chư hầu xứ A-by-len; 2 An-ne và Cai-phe làm thầy tế lễ thượng phẩm — thì có lời Đức Chúa Trời truyền cho Giăng, con Xa-cha-ri, trong hoang mạc. 3 Giăng đi khắp các vùng lân cận sông Giô-đanh, rao giảng báp-têm về sự ăn năn để được tha tội, 4 như lời đã chép trong sách tiên tri Ê-sai:
“Có tiếng người kêu lên trong hoang mạc:
Hãy dọn đường cho Chúa, làm thẳng các lối Ngài.
5 Mọi thung lũng phải lấp cho đầy,
Mọi núi đồi phải ban cho thấp;
Đường cong quẹo phải sửa cho ngay,
Lối gập ghềnh phải làm cho phẳng;
6 Và cả nhân loại sẽ thấy ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời.”
7 Vì thế, Giăng nói với đoàn dân đến để ông làm báp-têm rằng: “Hỡi dòng giống rắn độc kia, ai đã báo cho các người biết để chạy trốn cơn thịnh nộ sắp đến? 8 Vậy, hãy kết quả xứng đáng với sự ăn năn; đừng tự nhủ: ‘Áp-ra-ham là tổ phụ chúng tôi’; vì tôi nói với các người, Đức Chúa Trời có thể khiến những viên đá nầy trở thành con cháu cho Áp-ra-ham được. 9 Cái rìu đã đặt kề gốc cây; cây nào không sinh quả tốt thì sẽ bị đốn và ném vào lửa.” 10 Dân chúng hỏi Giăng: “Vậy chúng tôi phải làm gì?” 11 Ông đáp: “Ai có hai áo hãy chia cho người không có; ai có thức ăn cũng nên làm như vậy.” 12 Cũng có những người thu thuế đến để chịu báp-têm, hỏi rằng: “Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì?” 13 Ông bảo họ: “Đừng thu quá mức quy định.” 14 Binh lính cũng hỏi: “Còn chúng tôi phải làm gì?” Ông trả lời: “Đừng hăm dọa hoặc vu khống ai để tống tiền, nhưng hãy bằng lòng về đồng lương của mình.” 15 Tất cả dân chúng đang trông đợi và tự hỏi trong lòng: “Phải chăng Giăng là Đấng Christ?” 16 Vì vậy, Giăng trả lời với mọi người: “Tôi làm báp-têm cho các người bằng nước; nhưng có một Đấng uy quyền hơn tôi sẽ đến, tôi không đáng mở quai dép cho Ngài. Ngài sẽ làm báp-têm cho các người bằng Đức Thánh Linh và lửa. 17 Tay Ngài cầm nia để rê thật sạch sân lúa mình và thu lúa vào kho; nhưng rơm rạ thì đốt trong lửa chẳng hề tắt.” 18 Giăng cũng dùng nhiều lời khuyên bảo khác mà rao giảng Tin Lành cho dân chúng. 19 Nhưng khi Hê-rốt, vua chư hầu, bị Giăng quở trách về việc lấy Hê-rô-đia, vợ của em mình, và về tất cả các tội ác vua đã làm 20 thì vua lại phạm thêm một tội ác nữa, là bỏ tù Giăng.
Đức Chúa Jêsus chịu báp-têm
21 Khi tất cả dân chúng đều chịu báp-têm, Đức Chúa Jêsus cũng chịu báp-têm. Lúc Ngài đang cầu nguyện thì trời mở ra, 22 và Đức Thánh Linh ngự xuống trong hình thể giống như chim bồ câu đậu trên Ngài; lại có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta hoàn toàn!”
Bình luận
Sự tốt lành đến từ sự ăn năn và Đức Thánh Linh
Tin Lành dựa trên những sự kiện có thật trong lịch sử. Đây không phải một câu chuyện cổ tích hay thần thoại. "Năm thứ mười lăm dưới triều Sê-sa Ti-be-rơ — khi Pôn-xơ Phi-lát làm tổng đốc xứ Giu-đê... có lời Đức Chúa Trời truyền cho Giăng..." (c.1-2)
Đôi khi, người ta ngạc nhiên khi thấy sứ điệp của Giăng được mô tả là "Tin Lành" (c.18) – nó có thể nghe rất tiêu cực đối với chúng ta! Tuy nhiên, lời Chúa luôn là "Tin Lành". Lời Chúa đến với Giăng Báp-tít trong hoang mạc (c.2b). Đó là thông điệp "về sự ăn năn để được tha tội" (c.3b). Ăn năn có nghĩa là thay đổi tâm trí của bạn – từ bỏ tội lỗi và hướng về Đức Chúa Trời. Ăn năn là một việc tốt; nó là sự giải thoát dành cho bạn. Nó dẫn đến tự do và tha thứ.
Sự ăn năn sẽ dẫn đến "quả tốt" (c.9). Giăng Báp-tít nói: "hãy kết quả xứng đáng với sự ăn năn" (c.8). "Quả tốt" này là gì? "Quả tốt" bao gồm cả công bằng xã hội và đạo đức cá nhân. Thật thú vị khi các ví dụ được đưa ra đều liên quan đến công việc và tiền bạc theo một cách nào đó. Vậy thì sự tốt lành trông như thế nào?
1. Rộng rãi
Ai có điều kiện thì nên giúp đỡ người không có điều kiện: "Ai có hai áo hãy chia cho người không có; ai có thức ăn cũng nên làm như vậy" (c.11).
2. Trung thực
Giăng bảo người thu thuế: "Đừng thu quá mức quy định" (c.13).
3. Thoả lòng
Giăng nói với binh lính: "Đừng hăm dọa hoặc vu khống ai để tống tiền, nhưng hãy bằng lòng về đồng lương của mình" (c.14b).
Giăng không chỉ là một nhà thuyết giáo về công bằng xã hội. Ông còn nói về Chúa Giê-su: "Ngài sẽ làm báp-têm cho các người bằng Đức Thánh Linh và lửa" (c.16b). Lửa tượng trưng cho sự thánh khiết (Dân số ký 11:1–3), quyền năng và tấm lòng nhiệt thành. Khi Chúa Giê-su cầu nguyện, "Đức Thánh Linh ngự xuống trong hình thể giống như chim bồ câu đậu trên Ngài; lại có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta hoàn toàn!”" (Lu-ca 3:21–22).
Sự tốt lành (hiền lành) là một trong những đặc điểm được Sứ đồ Phao-lô liệt kê như bông trái của Thánh Linh (Galati 5:22). Qua Đức Thánh Linh, chúng ta kinh nghiệm được lòng tốt của Đức Chúa Trời. Những gì Đức Chúa Trời đã nói với Chúa Giê-su, thì ngày nay, Ngài cũng đang nói với bạn:
1. Hãy vui thoả khi được làm con cái của Chúa
Đức Chúa Trời phán với Chúa Giê-su: "Con là Con yêu dấu của Ta" (Lu-ca 3:22). Qua Chúa Giê-su, bạn có thể gọi Đức Chúa Trời là "Cha". Dù quyền làm con của Chúa Giê-su là độc nhất vô nhị, sứ đồ Phao-lô đã cho chúng ta biết rằng "Đức Chúa Trời đã sai Thánh Linh của Con Ngài ngự vào lòng chúng ta" (Ga-la-ti 4:6). Bạn cũng được trải nghiệm tương tự là trở thành con cái của Chúa – qua việc nhận nuôi. Trải nghiệm này rất cần thiết cho bạn để bạn nhận ra mình là ai, thêm lên sự tin cậy và an ninh nơi Đức Chúa Trời.
2. Kinh nghiệm tình yêu của Chúa
Đức Chúa Trời phán với Chúa Giê-su: "Con là Con yêu dấu của Ta" (Lu-ca 3:22). Như Phao-lô đã viết: "tình thương của Đức Chúa Trời tuôn đổ vào lòng chúng ta bởi Đức Thánh Linh là Đấng đã được ban cho chúng ta" (Rô-ma 5:5). Đức Thánh Linh giúp bạn được kinh nghiệm về sự tốt lành và tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho bạn.
3. Mong đợi sự hài lòng của Chúa
Đức Chúa Trời nói với Chúa Giê-su, Con Ngài, rằng "(Con) đẹp lòng Ta hoàn toàn" (Lu-ca 3:22). Khi Thánh Linh của Đức Chúa Trời ngự trong bạn, đời sống của bạn sẽ trở nên đẹp lòng Ngài (Rô-ma 8:8-9).
Khi bạn kinh nghiệm được tình yêu và sự tốt lành của Đức Chúa Trời tuôn đổ trong tấm lòng bạn qua Đức Thánh Linh, bông trái tốt lành của Thánh Linh cũng sẽ lớn lên.
Cầu nguyện
Lạy Chúa, tạ ơn Chúa vì con được làm con cái của Chúa, được đẹp lòng Ngài. Xin giúp con sống một cuộc đời rộng rãi, trung thực, sống thoả lòng và sinh được trái tốt.
Dân Số Ký 9:15-11:3
Đám mây bao phủ Đền Tạm
9 ‘Vào ngày người ta dựng Đền Tạm thì đám mây bao phủ Đền Tạm, là Lều Chứng Ước. Từ chiều tối đến sáng mai, đám mây giống như vầng lửa ở trên Đền Tạm. 16 Ban ngày, đám mây bao phủ Đền Tạm và ban đêm nó giống như vầng lửa và cứ xảy ra liên tục như thế. 17 Mỗi khi đám mây cất lên khỏi Lều thì dân Y-sơ-ra-ên ra đi; nơi nào đám mây dừng lại thì dân Y-sơ-ra-ên đóng trại ở đó. 18 Dân Y-sơ-ra-ên ra đi theo lệnh của Đức Giê-hô-va và đóng trại theo lệnh của Đức Giê-hô-va. Bao lâu đám mây còn ngự trên Đền Tạm thì dân Y-sơ-ra-ên cứ đóng trại. 19 Khi nào đám mây ngự lâu trên Đền Tạm thì dân Y-sơ-ra-ên cứ vâng theo lệnh của Đức Giê-hô-va và không ra đi. 20 Nhưng khi nào đám mây ngự một vài ngày trên Đền Tạm thì dân Y-sơ-ra-ên vâng lệnh Đức Giê-hô-va mà đóng trại; sau đó theo lệnh Đức Giê-hô-va, họ lại ra đi. 21 Đôi khi đám mây chỉ ngự tại đó từ buổi chiều đến sáng mai; khi đến sáng mai đám mây cất lên thì họ ra đi. Hoặc nếu đám mây tiếp tục ngự một ngày và một đêm nữa thì khi đám mây cất lên, họ mới ra đi. 22 Khi đám mây ngự trên Đền Tạm hai ngày hoặc một tháng hoặc lâu hơn nữa thì dân Y-sơ-ra-ên cứ đóng trại và không ra đi; nhưng khi đám mây cất lên thì họ lại ra đi. 23 Dân Y-sơ-ra-ên đóng trại theo lệnh của Đức Giê-hô-va và ra đi theo lệnh của Đức Giê-hô-va. Họ vâng lệnh của Đức Giê-hô-va, theo như Ngài đã truyền phán qua Môi-se.’”
Hai cây kèn bằng bạc
10 Đức Giê-hô-va phán với Môi-se: 2 “Con hãy làm hai cây kèn bằng bạc dát mỏng và dùng chúng để triệu tập hội chúng cũng như truyền lệnh cho các trại quân ra đi. 3 Khi nào người ta thổi cả hai kèn thì toàn hội chúng sẽ họp lại trước mặt con tại lối vào Lều Hội kiến. 4 Nếu người ta chỉ thổi một kèn thì các thủ lĩnh tức là những người lãnh đạo của các bộ tộc Y-sơ-ra-ên phải họp lại trước mặt con. 5 Khi các con thổi kèn tiếng vang thì những trại quân phía đông sẽ ra đi. 6 Khi các con thổi kèn tiếng vang lần thứ nhì thì những trại quân phía nam sẽ ra đi. Người ta sẽ thổi kèn tiếng vang khi nào các trại quân phải ra đi. 7 Khi nhóm hội chúng, các con cũng phải thổi kèn nhưng không thổi tiếng vang.
8 Các con trai A-rôn là những thầy tế lễ sẽ thổi những kèn ấy. Đó là quy định vĩnh viễn cho các con qua các thế hệ. 9 Khi nào trong xứ có chiến tranh và các con phải ra chiến đấu chống kẻ thù xâm lược thì phải thổi kèn tiếng thúc quân. Lúc ấy, Giê-hô-va Đức Chúa Trời các con sẽ nhớ lại các con và giải cứu các con khỏi kẻ thù. 10 Trong những ngày vui mừng, trong các kỳ lễ trọng thể và ngày đầu tháng thì các con phải thổi kèn trong khi dâng những tế lễ thiêu và tế lễ bình an. Trước mặt Đức Chúa Trời, tiếng kèn sẽ dùng để nhắc các con nhớ rằng Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các con.”
Thời kỳ kiều ngụ trong hoang mạc
Dân Y-sơ-ra-ên bắt đầu cuộc hành trình
11 Vào ngày hai mươi tháng hai của năm thứ hai, đám mây cất lên khỏi Đền Tạm Chứng Ước. 12 Từ hoang mạc Si-na-i, dân Y-sơ-ra-ên ra đi từng chặng cho đến khi đám mây dừng lại tại hoang mạc Pha-ran. 13 Đây là lần thứ nhất dân Y-sơ-ra-ên ra đi theo lệnh Đức Giê-hô-va đã truyền qua Môi-se.
14 Ngọn cờ của trại quân Giu-đa ra đi trước, theo từng đội ngũ. Na-ha-sôn, con trai A-mi-na-đáp, chi huy quân đội Giu-đa. 15 Na-tha-na-ên, con trai Xu-a, chỉ huy quân đội của bộ tộc Y-sa-ca. 16 Ê-li-áp, con trai Hê-lôn, chỉ huy quân đội của bộ tộc Sa-bu-lôn. 17 Bấy giờ Đền Tạm đã được tháo dỡ, rồi con cháu Ghẹt-sôn và con cháu Mê-ra-ri khiêng Đền Tạm ra đi.
18 Kế đó, ngọn cờ của trại quân Ru-bên ra đi, theo từng đội ngũ. Ê-lít-su, con trai Sê-đêu, chỉ huy quân đội Ru-bên. 19 Sê-lu-mi-ên, con trai Xu-ri-ha-đai, chỉ huy quân đội của bộ tộc Si-mê-ôn. 20 Ê-li-sáp, con trai Đê-u-ên, chỉ huy quân đội của bộ tộc Gát. 21 Bấy giờ các người Kê-hát khiêng những vật thánh ra đi. Người ta dựng Đền Tạm trước khi họ đến.
22 Ngọn cờ của trại quân Ép-ra-im ra đi, theo đội ngũ. Ê-li-sa-ma, con trai A-mi-hút, chỉ huy quân đội Ép-ra-im. 23 Ga-ma-li-ên, con trai Phê-đát-su, chi huy quân đội của bộ tộc Ma-na-se. 24 A-bi-đan, con trai Ghi-đeo-ni, chỉ huy quân đội của bộ tộc Bên-gia-min.
25 Sau cùng, ngọn cờ của trại quân Đan ra đi, theo từng đội ngũ, như đội hậu vệ của các trại quân khác. A-hi-ê-xe, con trai A-mi-sa-đai, chi huy quân đội Đan. 26 Pha-ghi-ên, con trai Óc-ran, chi huy quân đội của bộ tộc A-se. 27 A-hi-ra, con trai Ê-nan, chỉ huy quân đội của bộ tộc Nép-ta-li.
28 Đó là trình tự mà dân Y-sơ-ra-ên ra đi theo từng đội ngũ mình.
29 Môi-se nói với Hô-báp, con trai Rê-u-ên, người Ma-đi-an là anh vợ mình rằng: “Chúng tôi đi đến xứ mà Đức Giê-hô-va có phán: ‘Ta sẽ ban xứ đó cho các con.’ Xin anh hãy đi cùng chúng tôi, chúng tôi sẽ đối đãi tử tế với anh vì Đức Giê-hô-va có hứa ban ơn cho dân Y-sơ-ra-ên.” 30 Hô-báp trả lời: “Tôi không đi đâu, nhưng tôi sẽ trở về xứ sở tôi là nơi quê cha đất tổ.” 31 Môi-se lại nói: “Xin anh đừng bỏ chúng tôi vì anh biết nơi nào trong hoang mạc chúng tôi có thể đóng trại được và anh sẽ như con mắt cho chúng tôi vậy. 32 Nếu anh đi cùng chúng tôi thì chúng tôi sẽ chia sẻ với anh mọi ơn lành mà Đức Giê-hô-va sẽ ban cho chúng tôi.”
33 Vậy dân Y-sơ-ra-ên khởi hành từ núi Đức Giê-hô-va trong ba ngày đường. Hòm Giao Ước của Đức Giê-hô-va đi trước dân chúng trong ba ngày đường để tìm cho họ một nơi an nghỉ. 34 Ban ngày khi dân Y-sơ-ra-ên dời trại quân đi thì đám mây của Đức Giê-hô-va ở trên họ.
35 Khi Hòm Giao Ước di chuyển thì Môi-se nói rằng:
“Lạy Đức Giê-hô-va, xin trỗi dậy để các kẻ thù Ngài bị tản lạc,
Và kẻ nào ghét Ngài chạy trốn trước mặt Ngài!”
36 Khi Hòm Giao Ước dừng lại thì Môi-se nói rằng:
“Lạy Đức Giê-hô-va, xin trở lại
Với muôn vàn con dân Y-sơ-ra-ên!”
Dân chúng phàn nàn
11 Bây giờ, dân chúng phàn nàn và điều đó khiến Đức Giê-hô-va không hài lòng. Đức Giê-hô-va nghe và cơn thịnh nộ Ngài nổi lên. Lửa của Đức Giê-hô-va bùng cháy trong dân chúng và thiêu hủy phần đầu của trại quân. 2 Dân chúng kêu cứu Môi-se. Môi-se cầu nguyện với Đức Giê-hô-va thì lửa dừng lại. 3 Người ta đặt tên chỗ nầy là Tha-bê-ra vì lửa của Đức Giê-hô-va đã cháy giữa dân chúng.
Bình luận
Chúa hứa ban cho bạn những điều tốt đẹp
Môi-se nói với Hô-báp, anh vợ của mình, rằng: "Đức Giê-hô-va có hứa ban ơn cho dân Y-sơ-ra-ên" (10:29). Ông thúc giục Hô-báp đi với họ: "chúng tôi sẽ chia sẻ với anh mọi ơn lành mà Đức Giê-hô-va sẽ ban cho chúng tôi" (c.32).
Môi-se, cùng với dân sự của Đức Chúa Trời, đã kinh nghiệm rất nhiều về sự tốt lành của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã hướng dẫn họ bằng "trụ mây" và "trụ lửa" – tượng trưng cho sự hiện diện của Ngài (9:16). Đây chỉ là một ví dụ về sự tốt lành trong suốt dòng lịch sử của dân Chúa.
Mặc cho sự tốt lành của Đức Chúa Trời dành cho họ, dân sự đã "phàn nàn" về những khó khăn, vất vả của mình (11:1). Một lần khác trong đồng vắng, họ cũng lằm bằm về người lãnh đạo của mình – Môi-se và A-rôn (Xuất Ê-díp-tô Ký 16:2). Đôi khi, khi chúng ta quên đi sự tốt lành mà Đức Chúa Trời đã bày tỏ cho chúng ta, chúng ta phàn nàn về hoàn cảnh của mình và thậm chí là đổ lỗi cho người lãnh đạo của mình. Nhưng những người lãnh đạo rất cần sự hỗ trợ và khích lệ từ chúng ta.
Hãy nhớ đến sự tốt lành của Đức Chúa Trời dành cho bạn, đặc biệt là trong Đấng Christ, là "thầy tế lễ thượng phẩm" mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta (Hê-bơ-rơ 9:11). Sự phàn nàn khiến bạn bị trói buộc, còn ghi nhớ sự thành tín của Đức Chúa Trời sẽ là điều giải phóng bạn. Ca ngợi, tạ ơn và thờ phượng là liều thuốc hoá giải sự phàn nàn và càu nhàu.
Cầu nguyện
Lạy Chúa, con ngợi khen Chúa vì sự tốt lành Ngài dành cho con - vì tin lành của Chúa Giê-su, vì sự tha thứ của Chúa, vì tình yêu Ngài dành cho con, vì Đức Thánh Linh và tình yêu Ngài tuôn đổ trong tấm lòng con, vì con được đẹp lòng Chúa và Ngài giải cứu con. Tạ ơn Chúa vì mọi phước lành của Ngài, vì sự chu cấp, sự tự do, bạn bè, gia đình và mọi ơn phước thuộc linh của Ngài. "Chúa thật tốt lành - mọi lúc mọi nơi!"
Pippa chia sẻ
Dân Số Ký 11 có chép rằng:
"Bây giờ, dân chúng phàn nàn và điều đó khiến Đức Giê-hô-va không hài lòng... cơn thịnh nộ Ngài nổi lên. Lửa của Đức Giê-hô-va bùng cháy trong dân chúng và thiêu hủy phần đầu của trại quân." (c.1–3)
Tôi không nghĩ Chúa thích việc chúng ta phàn nàn. Đây dường như là một lời cảnh báo. Có lẽ tôi nên cẩn thận hơn trong tương lai.
App
Tải xuống ứng dụng Kinh Thánh Trong Một Năm dành cho thiết bị iOS hoặc Android và đọc theo mỗi ngày.
Đăng ký ngay bây giờ để nhận Kinh thánh trong một năm trong hộp thư đến của bạn mỗi sáng. Bạn sẽ nhận được một email mỗi ngày.
Book
Kinh thánh trong một năm bình luận có sẵn như là một cuốn sách.
- Mua từ Cửa hàng Alpha
- [Mua từ Nhà sách CLC](https://clcbookshops.com/product/bible-in-one-year-the-a-commentary-by-nicky-gumbel-hard-cover-gumbel-nicky-hodder-stoughton- 9781473677067)
Tham khảo
Kinh thánh với Nicky và Pippa Gumbel (bình luận trước đây được gọi là Kinh thánh trong một năm) © Alpha International 2009. Tất cả các quyền được bảo lưu.
Tổng hợp các bài đọc Kinh Thánh hàng ngày © Hodder & Stoughton Limited 1988. Được xuất bản bởi Hodder & Stoughton Limited là Kinh thánh trong một năm.
Trừ khi có quy định khác, các trích dẫn Kinh thánh được lấy từ Kinh thánh, phiên bản quốc tế mới đã Anglicised, Bản quyền © 1979, 1984, 2011 Biblica, trước đây là Hiệp hội Kinh thánh quốc tế. Được sử dụng bởi sự cho phép của Hodder & Stoughton Publishers, một công ty Hachette UK. Tất cả quyền được bảo lưu. NIV NIV là một nhãn hiệu đã đăng ký của Biblica. Thương hiệu Vương quốc Anh số 1448790.
Trích dẫn Kinh thánh được đánh dấu (AMP) được lấy từ Kinh thánh Amplified®, Bản quyền © 1954, 1958, 1962, 1964, 1965, 1987 bởi Quỹ Lockman. Được sử dụng bởi sự cho phép. (www.lockman.org)
Trích dẫn Kinh thánh được đánh dấu MSG được lấy từ tin nhắn, Bản quyền © 1993, 2002, 2018 bởi Eugene H. Peterson. Được sử dụng bởi sự cho phép của Navpress. Tất cả quyền được bảo lưu. Đại diện bởi các nhà xuất bản Tyndale House.