Bảy danh xưng của Chúa Giê-su
Giới thiệu
Thái tử Charles có nhiều danh hiệu. Ông là Người thừa kế Vương miện, Hoàng thân, Hoàng tử xứ Wales, Hiệp sĩ Garter, Công tước xứ Cornwall, Đại tá chỉ huy Trung đoàn Hoàng gia xứ Wales, Công tước xứ Rothesay, Hiệp sĩ xứ Thistle, Chuẩn đô đốc, Đại tướng Chủ nhân của Order of Bath, Bá tước Chester, Bá tước Carrick, Nam tước Renfrew, Lãnh chúa của Quần đảo và Hoàng tử và Đại quản gia của Scotland.
Các danh xưng gắn liền với mọi người theo cấp bậc, chức vụ hoặc thành tích. Trong Kinh thánh, Chúa Giê-su được ban cho nhiều danh hiệu hơn một hoàng tử. Trên thực tế, có hơn một trăm danh xưng được gán cho Chúa Giê-su.
Toàn bộ Kinh Thánh xoay quanh Chúa Giê-su (Giăng 5:39). Bảy danh xưng của Chúa Giê-su xuất hiện trong các phân đoạn hôm nay và mỗi danh xưng tiết lộ một điều gì đó khác biệt về Chúa Giê-su. Chúng giúp bạn thấy được ý nghĩa của việc đặt Chúa Giê-su vào trung tâm cuộc đời bạn.
Châm ngôn 8:1-11
Tiếng gọi của sự khôn ngoan
8 Chẳng phải sự khôn ngoan đã kêu gọi,
Và sự thông sáng đã lên tiếng sao?
2 Sự khôn ngoan đứng trên các đỉnh cao,
Bên đường phố, tại các giao lộ.
3 Gần bên cổng, nơi lối vào thành;
Bên thềm cửa, sự khôn ngoan kêu to:
4 “Hỡi con người, ta kêu gọi các ngươi,
Và tiếng gọi của ta hướng về con cái loài người!
5 Những người ngây thơ hãy học biết sự khôn khéo;
Những kẻ ngu dại hãy học biết lẽ khôn ngoan.
6 Hãy lắng nghe, vì ta sẽ nói những điều cao quý,
Môi ta thốt ra điều ngay thẳng.
7 Vì miệng ta sẽ truyền ra chân lý,
Còn môi ta ghê tởm sự gian tà.
8 Mọi lời ta nói đều ngay thẳng,
Không có điều gì dối trá quanh co.
9 Tất cả đều rõ ràng cho người nào hiểu biết,
Và ngay thẳng cho người nào tìm được sự tri thức.
10 Hãy đón nhận lời khuyên dạy của ta thay vì bạc,
Tiếp nhận tri thức hơn là vàng nguyên chất;
11 Vì sự khôn ngoan có giá trị hơn châu ngọc,
Mọi báu vật đều không sánh kịp.
Bình luận
1. Sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời
Nhiều người ngày nay không biết phải sống như thế nào. Họ làm xáo trộn cuộc hôn nhân của họ và các mối quan hệ khác. Thông thường, họ phá hỏng cuộc sống của chính họ và cuộc sống của những người khác. Tất cả chúng ta đều cần sự khôn ngoan để sống tốt.
Sự khôn ngoan được tìm thấy ở đâu? Câu trả lời của Tân Ước là, cuối cùng, nó được tìm thấy trong Chúa Giê-su Christ. Thánh Phaolô viết, ‘Đấng Christ... sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời’ (1 Côrintô 1:24). “Sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời” là một trong những danh hiệu của Chúa Giê-su.
Sự khôn ngoan trong sách Châm ngôn được nhân cách hóa và là một người phụ nữ. Người phụ nữ ấy tương phản với một người phụ nữ ngoại tình ẩn nấp ở các góc phố khi bóng tối buông xuống và nói bằng những lời thì thầm bí mật, quyến rũ (7:6). Sự khôn ngoan tỏ ra một cách tự do 'trên các đỉnh cao, Bên đường phố, tại các giao lộ' (8:2, VIE2010) và tự tỏ ra hấp dẫn như một cô dâu trong trắng chứ không phải là một người phụ nữ quyến rũ chết người.
Điều này cho chúng ta thấy rằng khôn ngoan không chỉ về tri thức, mà khôn ngoan là sống tốt. Bước đầu tiên để sống tốt là đặt ra những mục tiêu và hoài bão đúng đắn. Tìm kiếm sự khôn ngoan, hơn là những thú vui tư dục được ẩn dụ qua hình ảnh người phụ nữ ngoại tình.
Sự khôn ngoan là điều nên được khát khao mãnh liệt. Sự khôn ngoan thì tốt hơn bạc, vàng hay châu báu: 'Hãy đón nhận lời khuyên dạy của ta thay vì bạc, tiếp nhận tri thức hơn là vàng nguyên chất; Vì sự khôn ngoan có giá trị hơn châu ngọc, mọi báu vật đều không sánh kịp.' (c.10 –11).
Nếu bạn muốn có sự khôn ngoan thật, thì điều đó phải bắt đầu từ mối quan hệ với Chúa Giê-su Christ. Điều này có giá trị hơn nhiều so với bất cứ điều gì thế giới có thể cho bạn.
Mối quan hệ đó sẽ có ảnh hưởng đến cách bạn sống cuộc sống của mình. Một ví dụ về sự khôn ngoan này là sự xuất sắc trong lời nói của bạn (c.6–9) – giao tiếp trung thực, ngay thẳng với những lời lẽ ngay thẳng và đúng đắn (so sánh và đối chiếu những lời nói trong Dân số ký 20:3–5, những lời cho thấy sự thiếu tin tưởng trong Chúa).
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giê-su, cảm ơn Chúa vì sự khôn ngoan thực sự được tìm thấy trong mối quan hệ với Ngài. Chúa quý giá hơn những viên châu ngọc và không điều gì con mong muốn có thể so sánh được với việc biết Chúa. Hôm nay xin Ngài giúp con hành động khôn ngoan và nói những lời khôn ngoan mang lại phước lành cho người khác.
Lu-ca 5:33-6:11
Chúa gọi Lê-vi. – Sự kiêng ăn
33Họ nói với Ngài: “Môn đồ của Giăng cũng như môn đồ của người Pha-ri-si thường kiêng ăn cầu nguyện, nhưng môn đồ của Thầy lại ăn và uống!”
34 Đức Chúa Jêsus đáp: “Các ngươi có thể bắt khách dự tiệc cưới kiêng ăn trong khi chàng rể còn ở với họ sao? 35 Nhưng đến lúc chàng rể được đem đi khỏi họ, thì trong những ngày ấy họ mới kiêng ăn.”
36 Ngài cũng kể cho họ một ẩn dụ: “Không ai xé một mảnh áo mới mà vá vào áo cũ. Làm như vậy, áo mới sẽ rách, và mảnh vải mới cũng không xứng hợp với áo cũ. 37 Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu mới làm nứt bầu da, rượu đổ ra và bầu da cũng bị hỏng. 38 Nhưng rượu mới phải đổ vào bầu mới. 39 Cũng không ai đã uống rượu cũ lại đòi rượu mới, vì người ấy nói rằng: ‘Rượu cũ ngon hơn.’ ”
Làm việc trong ngày sa-bát
6 Vào ngày sa-bát, Đức Chúa Jêsus đi ngang qua cánh đồng lúa mì, các môn đồ Ngài ngắt vài bông lúa, lấy tay vò và ăn. 2 Có mấy người Pha-ri-si nói: “Tại sao các anh làm điều không được phép làm trong ngày sa-bát?”
3 Đức Chúa Jêsus đáp: “Các ngươi chưa đọc về điều vua Đa-vít đã làm khi người cùng những kẻ đi theo người bị đói sao? 4 Người vào nhà Đức Chúa Trời lấy bánh cung hiến ăn và cho những người đi theo ăn nữa, mặc dù bánh ấy chỉ thầy tế lễ mới được phép ăn.” 5 Rồi Ngài phán với họ: “Con Người là Chúa của ngày sa-bát.”
6 Một ngày sa-bát khác, Đức Chúa Jêsus vào nhà hội dạy dỗ. Tại đó, có một người bị teo bàn tay phải. 7 Các thầy thông giáo và người Pha-ri-si theo dõi xem Ngài có chữa bệnh trong ngày sa-bát chăng để tìm cớ tố cáo Ngài. 8 Ngài biết ý tưởng họ nên phán với người teo tay rằng: “Hãy đứng dậy ra giữa đây.” Người ấy đứng dậy và đến đó.
9 Đức Chúa Jêsus phán với họ: “Ta hỏi các ngươi: Trong ngày sa-bát, được phép làm việc lành hay việc dữ, nên cứu người hay giết người?”
10 Sau khi nhìn khắp mọi người chung quanh, Ngài phán với người bệnh: “Hãy giơ tay ra.” Người ấy giơ ra thì tay được lành. 11 Nhưng họ giận dữ và bàn với nhau xem có thể làm gì với Đức Chúa Jêsus.
Bình luận
- Chàng rể
Danh xưng 'chàng rể' được sử dụng trong Cựu Ước để chỉ chính Chúa, 'như chú rể vui mừng vì cô dâu, thì Đức Chúa Trời ngươi cũng vui mừng vì ngươi.' (Ê-sai 62:5).
Chúa Giê-su, khi sử dụng hình ảnh này (Lu-ca 5:34), đặt mình vào vị trí của Đức Chúa Trời, không phô trương, nhưng hầu như là tình cờ. Đối với Chúa, đó là một sự thay thế hoàn toàn tự nhiên. Việc Chúa Giê-su đảm nhận vai trò thiêng liêng càng ấn tượng hơn.
Hình ảnh Chúa Giê-su là chàng rể và chúng ta là cô dâu là một trong những hình ảnh rất thân mật (xin xem Ê-phê-sô 5:23). Đó cũng là một hình ảnh hướng tới sự viên mãn cuối cùng của mối quan hệ của bạn với Chúa Giê-su khi Người trở lại. Bạn được kêu gọi để chuẩn bị với sự quan tâm và yêu thương giống như một cô dâu trong ngày cưới của cô ấy, đặc biệt tập trung vào lối sống 'công chính' (xin xem Khải Huyền 19:6–9).
Sự dạy dỗ của Chúa Giê-su hoàn toàn mới. Nó không thể phù hợp với các tư tưởng hoặc các lề thói của người Pha-ri-si. Rượu mới đòi hỏi bầu da mới (Lu Ca 5:36–39).
Lạy Chúa, cảm ơn vì Chúa đã gọi con đến mối quan hệ mật thiết với Chúa và Ngài vui mừng vì con như chú rể vui mừng vì cô dâu của mình. Con muốn đáp lại bằng tình yêu và sự thờ phượng thân mật của mình.
- Con Người
Đây là cách gọi ưa thích của Chúa Giê-su khi nói về chính mình (ví dụ, xin xem Lu-ca 6:5). Đây là một danh xưng từ Trời. Đa-ni-ên 7 nói về 'một vị giống như con người' (Đa-ni-ên 7:13) và có vẻ như tại đây Chúa Giê-su hiểu về danh xưng và sứ mệnh. Đó là một danh xưng kết hợp uy quyền và quyền năng với sự nhu mì và đau khổ.
Chúng ta được nhắc nhở về tình yêu của Chúa Giê-su dành cho chúng ta và uy quyền của Ngài đối với chúng ta. Thường thì chúng ta có thể tập trung vào điều đầu tiên mà không chú ý đầy đủ đến điều thứ hai. Hãy vâng phục thẩm quyền của Chúa Giê-su, vâng theo lời dạy của Ngài và đi theo nơi Ngài dẫn dắt bạn.
Lạy Chúa, cảm ơn vì Chúa là Con Người đã chịu đau đớn vì con.
- Chúa
Chúa Giê-su giải thích lại Cựu Ước. Người Pha-ri-si hỏi: ‘Tại sao các anh làm điều không được phép làm trong ngày sa-bát?’ (Lu-ca 6:2). Chúa Giê-su trả lời bằng cách trích dẫn một ví dụ trong Cựu Ước (c.3–4). Qua việc hiểu biết nhiều hơn về Cựu Ước, Chúa cho thấy sự hiểu biết của người Pha-ri-si về ngày Sa-bát quá hạn hẹp.
Ngài chữa lành cho một người trong ngày Sa-bát và đặt câu hỏi này, ‘Ta hỏi các ngươi: Trong ngày sa-bát, được phép làm việc lành hay việc dữ, nên cứu người hay giết người?”(c.9). Nói cách khác, Chúa xem xét đằng sau câu chữ của luật pháp và cho họ biết rằng ‘Con Người là Chúa của ngày sa-bát.’ (c.5), Chúa không bị ràng buộc bởi câu chữ của luật pháp.
Chúa Giê-su triệt để trong việc giải thích lại Cựu Ước và chúng ta cần đọc Cựu Ước qua lăng kính này. Chúng ta cần hiểu điều này dưới ánh sáng của thật Chúa Giê-su nói: ‘Chính Kinh Thánh làm chứng về Ta’ (Giăng 5:39). Chúng ta thấy điều này trong phân Cựu Ước theo ba cách cụ thể.
Cầu nguyện
Lạy Chúa, cảm ơn Ngài vì Ngài là chìa khóa mở ra sự hiểu biết của chúng con về Cựu Ước.
Dân số 19:1-21:3
Nghi lễ dâng bò cái màu đỏ
19 Đức Giê-hô-va lại phán với Môi-se và A-rôn: 2 “Đây là quy định của luật pháp mà Đức Giê-hô-va đã truyền phán: ‘Hãy nói với dân Y-sơ-ra-ên, bảo họ mang đến con một con bò cái màu đỏ không tật nguyền, không tì vết và chưa mang ách. 3 Rồi giao nó cho thầy tế lễ Ê-lê-a-sa; người ta dẫn nó ra ngoài trại quân và giết trước mặt ông. 4 Thầy tế lễ Ê-lê-a-sa sẽ dùng ngón tay nhúng huyết nó rảy bảy lần phía trước cửa Lều Hội Kiến. 5 Người ta sẽ thiêu con bò cái đó trước mắt ông; thiêu cả da, thịt, huyết và phân của nó. 6 Kế đó, thầy tế lễ sẽ lấy gỗ bá hương, cành bài hương và chỉ len đỏ sậm ném vào giữa đám lửa đang thiêu bò cái. 7 Sau đó, thầy tế lễ phải giặt áo quần và tắm mình trong nước rồi mới được vào trại quân. Nhưng thầy tế lễ phải bị ô uế đến chiều tối. 8 Người nào thiêu con bò cái phải giặt áo quần, tắm trong nước và bị ô uế đến chiều tối.
9 Một người tinh sạch sẽ hốt tro của con bò cái đổ ở ngoài trại quân, nơi tinh sạch. Người ta phải giữ tro đó cho hội chúng Y-sơ-ra-ên để dùng làm nước tẩy uế, vì là một tế lễ thanh tẩy tội lỗi. 10 Kẻ nào hốt tro của con bò cái phải giặt áo quần mình và bị ô uế đến chiều tối. Đây sẽ là một luật vĩnh viễn cho dân Y-sơ-ra-ên và cho ngoại kiều sống giữa họ.
11 Ai đụng đến xác chết của người nào đó thì sẽ bị ô uế trong bảy ngày. 12 Ngày thứ ba và ngày thứ bảy, người ấy phải dùng nước tẩy uế thanh tẩy mình thì sẽ được tinh sạch. Còn nếu ngày thứ ba và ngày thứ bảy mà người ấy không thanh tẩy mình thì chưa được tinh sạch. 13 Người nào đụng đến xác chết của ai đó mà không thanh tẩy mình thì sẽ làm ô uế Đền Tạm của Đức Giê-hô-va và sẽ bị khai trừ khỏi Y-sơ-ra-ên. Vì nước tẩy uế không được rảy trên mình nên người ấy vẫn bị ô uế; sự ô uế vẫn còn trên người ấy.’”
14 “‘Đây là luật phải giữ khi có một người chết trong trại: Bất kỳ ai vào trại và mọi vật ở trong trại đều sẽ bị ô uế trong bảy ngày. 15 Bình nào không đậy, không buộc nắp lại thì bị ô uế.
16 Ai ở ngoài đồng đụng vào một người bị gươm giết hoặc một xác chết hoặc hài cốt hay mồ mả thì sẽ bị ô uế trong bảy ngày.
17 Để thanh tẩy người bị ô uế, người ta phải lấy tro của con sinh tế bị thiêu trong tế lễ thanh tẩy tội lỗi để trong một cái bình và pha với nước lấy ngoài sông hay suối. 18 Một người tinh sạch sẽ lấy cành bài hương nhúng vào nước ấy rồi rảy trên trại, trên đồ đạc, trên những người có mặt tại đó và trên người nào đã đụng vào hài cốt hoặc người bị giết hoặc xác chết hoặc mồ mả. 19 Vào ngày thứ ba và ngày thứ bảy, người tinh sạch phải rảy nước ấy trên người bị ô uế và ngày thứ bảy người tinh sạch sẽ thanh tẩy cho người ấy. Người được tẩy uế phải giặt áo quần, tắm trong nước và đến chiều tối mới được tinh sạch. 20 Còn người nào bị ô uế mà không được thanh tẩy, thì người ấy sẽ bị khai trừ khỏi hội chúng, vì người đã làm ô uế Nơi Thánh của Đức Giê-hô-va. Vì không được rảy nước tẩy uế nên người ấy vẫn còn ô uế. 21 Đây sẽ là một luật vĩnh viễn cho dân chúng.
Người nào rảy nước tẩy uế sẽ giặt áo quần mình; ai đụng đến nước tẩy uế sẽ bị ô uế đến chiều tối. 22 Bất cứ vật gì mà người bị ô uế đụng đến đều trở nên ô uế; còn ai đụng đến vật ấy sẽ bị ô uế đến chiều tối.’”
Tảng đá phun nước
20 Vào tháng giêng, cả hội chúng Y-sơ-ra-ên đến hoang mạc Xin và dừng lại tại Ca-đe. Mi-ri-am qua đời và được chôn tại đó.
2 Bấy giờ, không có nước cho hội chúng uống nên họ tụ họp lại để chống đối Môi-se và A-rôn. 3 Dân chúng gây chuyện với Môi-se và nói: “Anh em chúng tôi đã chết trước mặt Đức Giê-hô-va; phải chi chúng tôi cũng chết với họ cho rồi! 4 Sao ông đem hội chúng của Đức Giê-hô-va vào hoang mạc nầy để chúng tôi và súc vật của chúng tôi phải chết ở đây? 5 Sao ông đem chúng tôi ra khỏi Ai Cập rồi dẫn chúng tôi đến chỗ khủng khiếp nầy, là nơi người ta không thể gieo mạ, cũng chẳng trồng được cây vả, cây nho, cây lựu và lại không có nước uống nữa?”
6 Môi-se và A-rôn rời khỏi hội chúng, đến trước cửa Lều Hội Kiến và sấp mặt xuống đất. Vinh quang của Đức Giê-hô-va hiện ra với hai ông. 7 Đức Giê-hô-va phán với Môi-se: 8 “Hãy cầm gậy, rồi con và anh con là A-rôn triệu tập hội chúng lại. Hãy truyền cho tảng đá trước mắt hội chúng thì nó sẽ phun nước ra. Con sẽ khiến nước từ tảng đá phun ra cho hội chúng và súc vật của họ uống.”
9 Như vậy, Môi-se cầm gậy trước mặt Đức Giê-hô-va như Ngài đã phán dặn. 10 Môi-se và A-rôn triệu tập hội chúng đến trước tảng đá và nói: “Hỡi dân nổi loạn, Hãy nghe! Chúng tôi có thể khiến nước từ tảng đá nầy phun ra cho các người được không?” 11 Tay Môi-se cầm gậy giơ lên đập tảng đá hai lần. Nước liền phun trào ra; hội chúng và súc vật của họ cùng uống. 12 Nhưng Đức Giê-hô-va phán với Môi-se và A-rôn: “Vì các con không tin Ta để tôn thánh Ta trước mặt dân Y-sơ-ra-ên, nên các con sẽ không được dẫn hội chúng nầy vào đất mà Ta đã ban cho họ.”
13 Nước uống đó được gọi là nước uống Mê-ri-ba, là nơi dân Y-sơ-ra-ên đã gây chuyện với Đức Giê-hô-va và Ngài được tôn thánh trước mặt họ.
Vua Ê-đôm không cho Y-sơ-ra-ên đi ngang qua xứ mình
14 Từ Ca-đe, Môi-se sai sứ giả đến gặp vua Ê-đôm, nói rằng:
“Y-sơ-ra-ên là em vua có nói: Vua biết những điều khốn khổ đã xảy đến cho chúng tôi 15 và việc ông cha chúng tôi đi xuống Ai Cập. Chúng tôi đã ở đó một thời gian lâu; người Ai Cập đã ngược đãi chúng tôi và ông cha chúng tôi. 16 Chúng tôi kêu cầu với Đức Giê-hô-va; Ngài đã nghe tiếng kêu của chúng tôi và sai thiên sứ dẫn chúng tôi ra khỏi Ai Cập.
Nầy, chúng tôi hiện ở Ca-đe là thành giáp với địa phận của vua. 17 Xin cho phép chúng tôi đi ngang qua xứ sở của vua. Chúng tôi sẽ không đi ngang qua đồng ruộng hay vườn nho, và chúng tôi cũng sẽ không uống nước trong các giếng. Chúng tôi sẽ đi theo con đường hoàng gia không xây qua bên phải hay bên trái, cho đến khi qua khỏi địa phận của vua.”
18 Nhưng vua Ê-đôm trả lời:
“Ngươi không được đi ngang địa phận của ta; nếu không, ta sẽ cầm gươm ra đón ngươi.”
19 Người Y-sơ-ra-ên lại thưa:
“Chúng tôi đi theo đường cái, và nếu chúng tôi và bầy súc vật chúng tôi có uống nước của vua thì chúng tôi sẽ trả tiền. Chỉ xin cho chúng tôi đi ngang qua đó thôi chứ không làm điều gì khác.”
20 Nhưng vua Ê-đôm đáp:
“Ngươi không được đi qua đâu!”
Rồi người Ê-đôm đem một đạo quân hùng hậu ra ngăn chận dân Y-sơ-ra-ên. 21 Như thế, Ê-đôm không cho phép người Y-sơ-ra-ên đi ngang địa phận của mình nên Y-sơ-ra-ên đi tránh xa khỏi họ.
A-rôn qua đời
22 Cả hội chúng Y-sơ-ra-ên đi từ Ca-đe đến núi Hô-rơ. 23 Đức Giê-hô-va phán với Môi-se và A-rôn trên núi Hô-rơ, gần biên giới xứ Ê-đôm, rằng: 24 “A-rôn sẽ về với tổ tiên mình; người không được vào xứ mà Ta ban cho dân Y-sơ-ra-ên vì các con đã nổi loạn không vâng theo mệnh lệnh Ta về nước uống Mê-ri-ba. 25 Hãy đem A-rôn và Ê-lê-a-sa, con trai người, lên núi Hô-rơ, 26 rồi cởi y phục A-rôn ra mà mặc cho Ê-lê-a-sa, con trai người. Tại đó, A-rôn sẽ được tiếp về với tổ tiên và qua đời.”
27 Vậy, Môi-se làm đúng như Đức Giê-hô-va đã phán dặn. Ba người đi lên núi Hô-rơ trước mặt toàn thể hội chúng. 28 Môi-se cởi y phục của A-rôn và mặc cho Ê-lê-a-sa, con trai người. A-rôn qua đời ở đó, trên đỉnh núi. Rồi Môi-se và Ê-lê-a-sa từ trên núi đi xuống. 29 Khi thấy A-rôn đã qua đời thì toàn thể hội chúng Y-sơ-ra-ên khóc thương người trong ba mươi ngày.
Dân Y-sơ-ra-ên thắng vua A-rát
21 Khi vua A-rát, người Ca-na-an, ở Nê-ghép nghe tin rằng dân Y-sơ-ra-ên đang tiến đến bằng con đường A-tha-rim, thì vua tiến đánh Y-sơ-ra-ên và bắt một số người làm tù binh. 2 Dân Y-sơ-ra-ên hứa nguyện với Đức Giê-hô-va rằng: “Nếu Chúa phó dân nầy vào tay chúng con thì chúng con sẽ tận diệt các thành của chúng.” 3 Đức Giê-hô-va nhậm lời dân Y-sơ-ra-ên và trao dân Ca-na-an vào tay họ. Họ tận diệt dân ấy và các thành của nó, rồi đặt tên chỗ ấy là Họt-ma.
Bình luận
- Đấng Trung Gian
Những đoạn nói về máu của dê và bò đực và “ tro của con bò cái” (19:9) báo trước cái chết của Chúa Giê-su thay cho chúng ta trên thập tự giá.
Trước giả sách Hê-bơ-rơ thu hút sự chú ý đến những tế lễ này, nhưng sau đó giải thích: 'huống chi huyết của Đấng Christ, là Đấng nhờ Thánh Linh đời đời, dâng chính mình không tì vết cho Đức Chúa Trời, sẽ tẩy sạch lương tâm anh em khỏi công việc chết, để phục vụ Đức Chúa Trời hằng sống bội phần hơn là dường nào! Vì lý do đó, Ngài là Đấng Trung Gian của giao ước mới’ (Hê-bơ-rơ 9:14–15a).
Lạy Chúa, cảm ơn Ngài vì có ‘một Đức Chúa Trời, và chỉ có một Đấng Trung Gian giữa Đức Chúa Trời và loài người, là Đấng Christ Jêsus, cũng là người. Ngài đã phó chính mình làm giá chuộc mọi người’ (1 Ti-mô-thê 2:5–6).
- Đá
Đức Chúa Trời bảo Môi-se đem nước từ tảng đá. Môi-se đập tảng đá hai lần và nước phun ra cho mọi người uống (Dân số ký 20:1–11). ‘Nước liền phun trào ra’ (c.11, VIE2010). Sứ đồ Phao-lô cũng cho chúng ta một cách giải nghĩa nước chảy ra từ vầng đá. Ông nói, 'tất cả cùng ăn một thức ăn thiêng liêng; tất cả cùng uống một thức uống thiêng liêng; vì họ uống nơi một tảng đá thiêng liêng đi với họ; tảng đá ấy chính là Đấng Christ.’ (1 Cô Rinh Tô 10:3–4). Ngài là Đấng làm dịu cơn khát của chúng ta. Những vật của đời này không thể làm thỏa mãn chúng ta.
Chúa rất hào phóng với chúng ta. Nước không chảy ra thành giọt – nước phun trào ra. Chúa Giê-su đến để ban cho bạn sự sống dư dật (Giăng 10:10, VIE2010). Ngài hứa sẽ thỏa mãn cơn khát thuộc linh của bạn bằng ‘sông nước hằng sống’ (Giăng 7:37–38).
Chúa ơi, Ngài là vầng đá của con, cảm ơn vì Chúa đã thỏa mãn cơn khát tâm linh của con. Xin cho con, nhờ Chúa Thánh Linh trong con, mang nước sự sống đến cho người khác.
- Thầy tế lễ thượng phẩm
Chúa Giê-su là “thầy tế lễ thượng phẩm” (Hê-bơ-rơ 4:14) hằng sống để cầu thay cho chúng ta. Cái chết của A-rôn (Dân-số Ký 20:28-29) nhắc nhở chúng ta rằng một trong những điểm yếu của chức tế lễ Lê-vi là những thầy tế lễ này đã chết.
Trước giả sách Hê-bơ-rơ so sánh những thầy tế lễ này, chẳng hạn như A-rôn, người mà ‘chết nên không thể tiếp tục chức vụ’ cùng Chúa Giê-su, Đấng ‘sống đời đời’ và giữ lấy ‘chức tế lễ vĩnh viễn ’. Bởi đó, Ngài có thể cứu toàn vẹn những người nhờ Ngài mà đến gần Đức Chúa Trời, vì Ngài hằng sống để cầu thay cho những người ấy’ (Hê-bơ-rơ 7:23–25).
Điều này nhắc nhở chúng ta về sự chắc chắn mà bạn có thể có trong đức tin của mình. Bạn không cần phải lo lắng về việc liệu bạn có 'đủ tốt' hay không, bạn có thể hoàn toàn tin tưởng vào sự cứu rỗi mà bạn có trong Chúa Giê-su.
Cầu nguyện
Cảm ơn Chúa, Thầy tế lễ vĩ đại của con, Đấng hằng sống, rằng Ngài có thể cứu chuộc con hoàn toàn. Cảm ơn vì Chúa đã sống lại từ cõi chết và sống để giúp đỡ con. Cảm ơn Chúa là Đấng đang hiện quanh con ngay giờ này.
Pippa chia sẻ
Lu Ca 6:1–11
Chúng ta không cần phải cảm thấy tội lỗi khi nghỉ một ngày. Nghỉ ngơi, phục hồi và tận hưởng nó!
App
Tải xuống ứng dụng Kinh Thánh Trong Một Năm dành cho thiết bị iOS hoặc Android và đọc theo mỗi ngày.
Đăng ký ngay bây giờ để nhận Kinh thánh trong một năm trong hộp thư đến của bạn mỗi sáng. Bạn sẽ nhận được một email mỗi ngày.
Book
Kinh thánh trong một năm bình luận có sẵn như là một cuốn sách.
- Mua từ Cửa hàng Alpha
- [Mua từ Nhà sách CLC](https://clcbookshops.com/product/bible-in-one-year-the-a-commentary-by-nicky-gumbel-hard-cover-gumbel-nicky-hodder-stoughton- 9781473677067)
Tham khảo
The One Year® là nhãn hiệu đã đăng ký của Tyndale House Publishers. Được sử dụng bởi sự cho phép.
Trừ khi có quy định khác, các trích dẫn Kinh thánh được lấy từ Kinh thánh, Phiên bản quốc tế mới được Anh hóa, Bản quyền © 1979, 1984, 2011 Biblica, trước đây là Hiệp hội Kinh thánh Quốc tế. Được sử dụng dưới sự cho phép của Hodder & Stoughton Publishers, một công ty của Hachette UK. Đã đăng ký Bản quyền. 'NIV' là nhãn hiệu đã đăng ký của Biblica. Nhãn hiệu Vương quốc Anh số 1448790.
Các trích dẫn Kinh thánh được đánh dấu (AMP) lấy từ Kinh thánh Amplified®, Bản quyền © 1954, 1958, 1962, 1964, 1965, 1987 của The Lockman Foundation. Được sử dụng bởi sự cho phép. (www.Lockman.org)
Thánh Kinh được đánh dấu (MSG) lấy từ The Message. Bản quyền © 1993, 1994, 1995, 1996, 2000, 2001, 2002. Được sử dụng dưới sự cho phép của NavPress Publishing Group.