Ngày 92

Tất Cả Là Của Bạn

Khôn ngoan Châm ngôn 8:22-31
Tân ước Lu-ca 9:10-27
Cựu Ước Dân số ký 33:1-34:29

Giới thiệu

Triển lãm hoa Chelsea có thể là buổi trình diễn hoa nổi tiếng nhất trên thế giới. Nó thu hút du khách từ khắp các châu lục.

Có bốn hạng giải thưởng được trao, Vàng, Bạc mạ vàng, Bạc và Đồng. Cũng như các giải thưởng cho những khu vườn và hoa, giải thưởng Knightian dành cho các cuộc triển lãm rau củ.

Tôi đã từng nghe một người đàn ông được phỏng vấn về việc anh ta sẽ giải nghệ sau khi giành được huy chương vàng cho rau củ của mình trong mười năm liên tiếp. Khi được hỏi về bí quyết thành công của mình, anh ấy nói, 'Tôi hướng đến sự hoàn hảo. Nhưng tôi bằng lòng với sự xuất sắc.'

Sứ đồ Phao-lô viết: 'Hãy cố gắng đạt đến sự trọn vẹn' (II Cô-rinh-tô 13:11). Điều này rất khác với 'chủ nghĩa hoàn hảo'. Chủ nghĩa hoàn hảo là một đặc điểm tính cách được đặc trưng bởi sự phấn đấu cho sự hoàn hảo. Điều đó dẫn đến việc thiết lập các tiêu chuẩn hiệu suất cao quá mức. Những người cầu toàn chỉ trích bản thân quá mức và thường xuyên quan tâm đến những gì người khác nghĩ về họ. Điều này dẫn đến nỗi sợ thất bại và phạm sai lầm. Từ đó có thể dẫn đến trầm cảm, lo lắng và bỏ lỡ cơ hội.

Dân Chúa luôn được kêu gọi nhắm mục tiêu cao (đồng thời tránh những nguy cơ của chủ nghĩa hoàn hảo). Đức Chúa Trời ban cho dân Ngài trong Cựu Ước một khải tượng tuyệt vời về cơ nghiệp của họ. Tất cả là của bạn trong Chúa Giê-su.

Khôn ngoan

Châm ngôn 8:22-31

Vai trò của sự khôn ngoan trong sự sáng tạo

22 Đức Giê-hô-va đã có ta từ buổi ban đầu theo cách của Ngài,
Từ thuở xa xưa, trước mọi công trình của Ngài.

23 Ta đã được lập nên từ trước vô cùng,
Từ ban đầu, trước khi có địa cầu.

24 Lúc chưa có các vực sâu, chưa có nguồn nước dồi dào.
Thì ta đã được sinh ra.

25 Trước khi núi non được hình thành,
Và có các đồi cao, thì đã có ta;

26 Ngay cả trước khi Đức Giê-hô-va dựng nên mặt đất,
Những cánh đồng và hạt bụi đầu tiên của quả đất.

27 Khi Ngài thiết lập các tầng trời,
Và đặt khung vòm trên mặt vực sâu, thì có ta ở đó.

28 Khi Ngài vững lập các tầng mây trên cao,
Khiến các nguồn nước dưới vực thẳm tuôn chảy,

29 Định ranh giới cho biển
Để nước không tràn ra khỏi giới hạn Ngài định,
Và khi Ngài lập nền móng địa cầu,

30 Thì ta ở bên Ngài như người thợ cả.
Hằng ngày ta là niềm vui của Ngài,
Và luôn luôn vui vẻ trước mặt Ngài.

31 Ta vui vẻ với thế giới có người ở của Ngài
Và vui thích với dòng dõi loài người.

Bình luận

Hướng đến sự vui mừng trọn vẹn

Chúa Giê-su muốn bạn tràn đầy niềm vui. Ngài muốn bạn kinh nghiệm sự vui mừng trọn vẹn. Ngài phán: ‘Ta nói với các con những điều nầy để niềm vui của Ta ở trong các con, và niềm vui của các con được trọn vẹn’ (Giăng 15:11).

Mô tả về đoạn Châm Ngôn được nhân cách hóa trong phân đoạn Kinh Thánh hôm nay được lặp lại trong cách Tân Ước nói về Chúa Giê-su. Chúa Giê-su ‘ban đầu... ở cùng Đức Chúa Trời’ (Giăng 1:2) (so sánh Châm ngôn 8:23,30).

Sự khôn ngoan được coi là tràn đầy niềm vui: 'Hằng ngày ta là niềm vui của Ngài, và luôn luôn vui vẻ trước mặt Ngài. Ta vui vẻ với thế giới có người ở của Ngài và vui thích với dòng dõi loài người' (Châm Ngôn 8:30b–31).

Niềm vui này tràn ngập – ‘luôn luôn vui vẻ’ (c.30). Niềm vui không dứt – ‘hằng ngày’ (c.30). Niềm vui này đến từ đâu?

Đầu tiên, nó đến từ sự hiện diện của Đức Chúa Trời ('trước mặt Ngài', c.30). Thứ hai, nó đến từ mối quan hệ với những người khác (‘dòng dõi loài người', c.31). Thứ ba, nó đến từ sự sáng tạo của Đức Chúa Trời (‘Ta vui vẻ với thế giới có người ở của Ngài’, c.31). Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta mọi điều tốt đẹp một cách dư dật để vui hưởng (I Ti-mô-thê 6:17). Tất cả là của bạn trong Chúa Giê-su.

Niềm vui mà Chúa Giê-su kinh nghiệm được trong mối quan hệ với Đức Chúa Cha đã giúp Ngài thêm vững tin trong cuộc sống trên đất. Hãy 'nhìn xem Đức Chúa Jêsus… là Đấng vì niềm vui đặt trước mặt mình, vui chịu thập tự giá, khinh điều sỉ nhục' (Hê-bơ-rơ 12:2–3). Chúa Giê-su dạy chúng ta đặt mục tiêu cao trong cuộc sống của chính mình, không bao giờ chỉ 'làm cho xong' mà phải chịu đựng gian khổ và luôn tìm kiếm niềm vui trong sự hiện diện của Chúa.

Cầu nguyện

Lạy Chúa, cảm ơn Chúa vì Chúa muốn sự vui mừng của Chúa ở trong con và niềm vui của con trở nên trọn vẹn. Xin Chúa giúp con sẽ không bao giờ bằng lòng với bất cứ điều gì ít hơn thế.

Tân ước

Lu-ca 9:10-27

Chúa hóa bánh

10 Các sứ đồ trở về trình với Đức Chúa Jêsus mọi việc họ đã làm. Ngài đem các sứ đồ đi riêng ra, đến một thành gọi là Bết-sai-đa. 11 Khi dân chúng biết được, thì đi theo Ngài. Đức Chúa Jêsus tiếp đón họ, giảng về vương quốc Đức Chúa Trời cho họ, và chữa lành cho những ai cần được chữa lành. 12 Lúc trời gần tối, mười hai sứ đồ đến thưa với Ngài: “Xin cho dân chúng về để họ đến các làng mạc và thôn quê chung quanh mà trọ và tìm thức ăn, vì chúng ta đang ở nơi hoang vắng.” 13 Nhưng Ngài phán: “Chính các con hãy cho họ ăn.” Các sứ đồ thưa: “Nếu không đi mua thức ăn cho cả đoàn dân nầy thì chúng con chỉ có năm cái bánh và hai con cá mà thôi.” 14 Vì có đến khoảng năm nghìn người nam, nên Ngài phán với các môn đồ: “Hãy bảo họ ngồi từng nhóm, mỗi nhóm năm mươi người.” 15 Các môn đồ làm theo lời và bảo mọi người ngồi xuống. 16 Đức Chúa Jêsus lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, tạ ơn và bẻ ra, trao cho các môn đồ để phân phát cho đoàn dân. 17 Mọi người đều ăn no nê. Họ thu lại được mười hai giỏ đầy những mẩu bánh thừa.

Sự tuyên xưng của Phi-e-rơ

18 Khi Đức Chúa Jêsus đang cầu nguyện riêng, các môn đồ tụ họp quanh Ngài. Ngài hỏi họ: “Dân chúng nói Ta là ai?” 19 Họ thưa: “Người nầy nói là Giăng Báp-tít, kẻ khác nói là Ê-li; người khác nữa nói là một trong những nhà tiên tri đời xưa sống lại.” 20 Ngài lại hỏi họ: “Còn các con thì nói Ta là ai?” Phi-e-rơ thưa: “Thầy là Đấng Christ của Đức Chúa Trời". 21 Đức Chúa Jêsus cấm và ra lệnh cho các môn đồ không nói điều ấy với bất cứ ai.

Chúa báo trước sự chết và sự sống lại của Ngài

22 Đức Chúa Jêsus phán: “Con Người phải chịu nhiều điều đau khổ, phải bị các trưởng lão, các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo chối bỏ, phải bị giết, đến ngày thứ ba phải sống lại.” 23 Ngài phán với mọi người: “Nếu ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, mỗi ngày vác thập tự giá mình mà theo Ta. 24 Vì ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai vì Ta mà mất mạng sống thì sẽ cứu mạng sống mình. 25 Nếu người nào được cả thế gian mà chính mình bị mất hoặc thiệt thân thì có ích gì? 26 Vì nếu ai hổ thẹn về Ta và lời Ta thì Con Người sẽ hổ thẹn về người ấy khi Ngài ngự đến trong vinh quang của mình, của Cha và của các thiên sứ thánh. 27 Thật, Ta bảo các con, một vài người đang đứng đây sẽ không chết trước khi thấy vương quốc Đức Chúa Trời.”

Bình luận

Hướng đến tình yêu trọn vẹn

Chúa Giê-su là tấm gương cao cả nhất của tình yêu. Ngay cả thế gian cũng thường công nhận điều này. Tạp chí TIME đã nói thế này: ‘Chúa Giê-su: biểu tượng bền bỉ nhất của sự thánh khiết, vị tha và tình yêu thương trong lịch sử nhân loại phương Tây.’

Chúa Giê-su yêu bạn. Ngài quan tâm đến nhu cầu thể chất của bạn. Thay vì để đám đông đói khát đi tìm thức ăn cho mình, Ngài để các môn đệ của mình cho họ ăn – thật kỳ diệu.

Chúng ta trở lại với việc cho năm ngàn người ăn – phép lạ duy nhất (ngoài sự sống lại) được ghi lại trong cả bốn sách Phúc âm. Chúng ta được nhắc nhở về việc Chúa Giê-su có thể làm được với những điều nhỏ bé mà chúng ta dâng cho Ngài, và sự thật là Chúa Giê-su cho chúng ta được dự phần trong các phép lạ của Ngài. Đây là một đặc ân to lớn và tất cả là của bạn trong và qua Chúa Giê-su.

Các môn đồ bắt đầu hiểu Chúa Giê-su thực sự là ai khi Ngài hỏi: ‘“Còn các con thì nói Ta là ai?” và Phi-e-rơ trả lời, '"Thầy là Đấng Christ của Đức Chúa Trời.”’ (c.20). Chúa Giê-su bắt đầu giải thích cho họ về cái chết của Ngài (hành động yêu thương vĩ đại nhất trong lịch sử) và sự phục sinh. Ngài kêu gọi các môn đệ của mình để nhắm mục tiêu cao. Ngài kêu gọi bạn nhắm đến ba điều, bao gồm tình yêu dành cho người khác và tình yêu dành cho Chúa Giê-su.

1. Không tội lỗi

Tội lỗi là đối nghịch của tình yêu. Chữ TỘI nếu bỏ dấu nặng sẽ là chữ ‘TÔI'. Chúa Giê-su nói: 'Nếu ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình' (c.23). Chúa có thể yêu cầu bạn có những hy sinh khác nhau trong cuộc sống của bạn, nhưng điều duy nhất mà tất cả chúng ta cần phải từ bỏ là tội lỗi.

Mỗi ngày, thử thách của tình yêu đòi hỏi những một vài hành động từ bỏ bản thân.

2. Từ bỏ bản thân

Chúa Giê-su phán: 'Nếu ai muốn theo ta phải...mỗi ngày vác thập tự giá mình mà theo ta, vì ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai vì Ta mà mất mạng sống thì sẽ cứu mạng sống mình' (c. 23–24).

Một cách hiệu quả, Chúa Giê-su mời chúng ta ‘đến... và chết’. Thập giá ngày nay là biểu tượng của niềm hy vọng. Tuy nhiên, sau đó nó là biểu tượng của đau đớn, xấu hổ, sự ghét bỏ và cuối cùng là cái chết.

Chúa Giê-su nói rằng nếu bạn sống một cuộc đời đầy tham vọng ích kỷ – ngay cả khi bạn là người thành công nhất mọi thời đại và ‘được cả thế gian’ (c.25) – thì điều đó sẽ chẳng ích lợi gì cho bạn cả. Con đường tìm thấy sự sống trọn vẹn là phó thác cuộc đời mình vào tình yêu của Chúa Giê-su và người khác. Hãy vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ngài (c.23).

Sẵn sàng từ bỏ cuộc sống của bạn là hành động cao cả nhất nhất của tình yêu. Đây là tấm gương mà Chúa Giê-su đặt ra trước tiên. Ngài kêu gọi bạn và tôi noi gương Ngài: ‘Nếu ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, mỗi ngày vác thập tự giá mình mà theo Ta’ (c.23).

3. Không hổ thẹn

Chúa Giê-su nói: ‘Vì nếu ai hổ thẹn về Talời Ta thì Con Người sẽ hổ thẹn về người ấy khi Ngài ngự đến trong vinh quang của mình, của Cha và của các thiên sứ thánh’ (c.26).

Nếu bạn yêu mến Chúa Giê-su, đừng hổ thẹn về Ngài. Đôi khi ngay cả việc nhắc đến tên Ngài cũng là một thử thách. Đừng hổ thẹn về sự giảng dạy của Ngài ('lời' của Ngài). Nếu bạn muốn Chúa Giê-su tự hào về bạn, bạn phải tự hào về Ngài. Nếu bạn yêu thương mọi người, bạn sẽ muốn mọi người biết về Chúa Giê-su.

Nói cho bản thân mình, tôi biết mình thường xuyên thiếu sót trong những lĩnh vực này. Tuy rằng cuộc sống của chúng ta còn rất xa mới đạt đến sự hoàn hảo, nhưng không có nghĩa là chúng ta không thể đặt ra mục tiêu cao.

Cầu nguyện

Chúa ơi, xin giúp con nhắm mục tiêu cao. Hôm nay xin giúp con từ bỏ chính mình và vác thập giá mình mà theo Chúa. Xin giúp con không bao giờ hổ thẹn về Chúa hay về lời của Chúa, nhưng dạn dĩ rao truyền tin mừng về sự chết và sự phục sinh của Ngài.

Cựu Ước

Dân số ký 33:1-34:29

Hành trình của dân Y-sơ-ra-ên từ Ai Cập đến đồng bằng Mô-áp

33 Đây là các cuộc hành trình của dân Y-sơ-ra-ên khi họ ra khỏi xứ Ai Cập theo từng đội ngũ, dưới sự lãnh đạo của Môi-se và A-rôn. 2Môi-se vâng lệnh Đức Giê-hô-va ghi lại cuộc hành trình của dân chúng theo từng chặng đường. Sau đây là các chặng đường kể theo những điểm khởi hành:
3Dân Y-sơ-ra-ên khởi hành từ Ram-se vào ngày rằm tháng giêng, một ngày sau lễ Vượt Qua. Họ ra đi một cách dạn dĩ trước sự chứng kiến của người Ai Cập. 4Trong lúc đó, người Ai Cập lo chôn cất những con đầu lòng mà Đức Giê-hô-va đã trừng phạt vì Ngài đã phán xét các thần của chúng.
5Dân Y-sơ-ra-ên rời Ram-se và đến đóng trại tại Su-cốt, 6rồi rời Su-cốt đến đóng trại tại Ê-tam ở cuối hoang mạc. 7Kế đó, họ rời Ê-tam, đi vòng về hướng Phi Ha-hi-rốt đối diện với Ba-anh Sê-phôn và đóng trại trước Mít-đôn. 8Dân Y-sơ-ra-ên rời Phi Ha-hi-rốt, vượt qua biển hướng về hoang mạc và đi ba ngày đường trong hoang mạc Ê-tam rồi đóng trại tại Ma-ra. 9Họ rời Ma-ra đến Ê-lim. Ở Ê-lim có mười hai suối nước và bảy mươi cây chà là; rồi họ đóng trại tại đó. 10Rời Ê-lim, họ đến đóng trại gần Biển Đỏ. 11Họ rời Biển Đỏ và đóng trại trong hoang mạc Sin. 12Rời hoang mạc Sin, họ đóng trại tại Đáp-ca. 13Họ rời Đáp-ca và đóng trại tại A-lúc. 14Rời A-lúc, họ đóng trại tại Rê-phi-đim là nơi không có nước cho dân chúng uống. 15Họ rời Rê-phi-đim và đóng trại trong hoang mạc Si-na-i. 16Kế đó, họ rời hoang mạc Si-na-i và đóng trại tại Kíp-rốt Ha-tha-va. 17Rời Kíp-rốt Ha-tha-va, họ đóng trại tại Hát-sê-rốt. 18Họ rời Hát-sê-rốt và đóng trại tại Rít-ma. 19Rời Rít-ma, họ đóng trại tại Ri-môn Phê-rết. 20Họ rời Ri-môn Phê-rết và đóng trại tại Líp-na. 21Rời Líp-na, họ đóng trại tại Ri-sa. 22Kế đó, họ rời Ri-sa và đóng trại tại Kê-hê-la-tha. 23Rời Kê-hê-la-tha, họ đóng trại tại núi Sê-phe. 24Họ rời Sê-phe và đóng trại tại Ha-ra-đa. 25Rời Ha-ra-đa, họ đóng trại tại Mác-hê-lốt. 26Họ rời Mác-hê-lốt và đóng trại tại Ta-hát. 27Rời Ta-hát, họ đóng trại tại Ta-rách. 28Họ rời Ta-rách và đóng trại tại Mít-ga. 29Rời Mít-ga, họ đóng trại tại Hách-mô-na. 30Họ rời Hách-mô-na và đóng trại tại Mô-sê-rốt. 31Rời Mô-sê-rốt, họ đóng trại tại Bê-nê Gia-a-can. 32Họ rời Bê-nê Gia-a-can và đóng trại tại Hô Ghi-gát. 33Rời Hô Ghi-gát, họ đóng trại tại Dốt-ba-tha. 34Họ rời Dốt-ba-tha và đóng trại tại Áp-rô-na. 35Rời Áp-rô-na, họ đóng trại tại Ê-xi-ôn Ghê-be. 36Họ rời Ê-xi-ôn Ghê-be và đóng trại tại hoang mạc Xin nghĩa là tại Ca-đe. 37Kế đó, họ rời Ca-đe và đóng trại trên núi Hô-rơ, biên giới của Ê-đôm.
38Thầy tế lễ A-rôn lên núi Hô-rơ theo lệnh của Đức Giê-hô-va và qua đời tại đó nhằm ngày mồng một tháng năm, năm thứ bốn mươi sau khi dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập. 39A-rôn qua đời trên núi Hô-rơ, hưởng thọ một trăm hai mươi ba tuổi.
40Bấy giờ, vua A-rát là người Ca-na-an ở Nê-ghép của xứ Ca-na-an, nghe tin dân Y-sơ-ra-ên đã đến.
41Dân Y-sơ-ra-ên rời núi Hô-rơ và đóng trại tại Xa-mô-na. 42Rời Xa-mô-na, họ đóng trại tại Phu-nôn. 43Họ rời Phu-nôn và đóng trại tại Ô-bốt. 44Kế đó, họ rời Ô-bốt và đóng trại tại Y-giê A-ba-rim trên biên giới Mô-áp. 45Rời Y-giê A-ba-rim, họ đóng trại tại Đi-bôn Gát. 46Họ rời Đi-bôn Gát và đóng trại tại Anh-môn Đíp-la-tha-im. 47Kế đó, họ rời Anh-môn Đíp-la-tha-im và đóng trại tại núi A-ba-rim trước Nê-bô. 48Rời A-ba-rim, họ đóng trại tại đồng bằng Mô-áp, gần sông Giô-đanh đối diện Giê-ri-cô. 49Họ đóng trại gần sông Giô-đanh, từ Bết Giê-si-mốt đến A-bên Si-tim trong đồng bằng Mô-áp.
50Đức Giê-hô-va phán với Môi-se trong đồng bằng Mô-áp gần sông Giô-đanh, đối diện Giê-ri-cô, rằng: 51“Hãy bảo dân Y-sơ-ra-ên: ‘Khi các con vượt qua sông Giô-đanh để vào xứ Ca-na-an 52thì phải đuổi tất cả dân bản địa khỏi các con, phá hủy hết tượng chạm và tượng đúc cùng triệt hạ tất cả các nơi cao của chúng. 53Các con sẽ nhận xứ ấy làm sản nghiệp và định cư tại đó, vì Ta đã ban xứ ấy cho các con làm sản nghiệp. 54Hãy bắt thăm để phân chia đất tùy theo gia tộc các con. Gia tộc nào đông người thì cho một sản nghiệp lớn hơn; còn gia tộc nào ít người thì cho một sản nghiệp nhỏ hơn. Mỗi người sẽ nhận lãnh phần mình tùy theo thăm bắt được. Cứ theo từng bộ tộc của tổ phụ các con mà phân chia xứ. 55Nhưng nếu các con không đuổi hết dân bản địa đi thì các dân mà các con còn để lại sẽ như gai trong con mắt và như chông nơi hông các con. Chúng sẽ theo quấy nhiễu các con trong đất mình đang ở. 56Rồi đến lúc Ta cũng sẽ đối xử với các con như Ta định đối xử với chúng vậy.’”

Ranh giới xứ Ca-na-an

34 Đức Giê-hô-va phán với Môi-se: 2“Hãy truyền lệnh cho dân Y-sơ-ra-ên rằng: ‘Khi các con vào xứ Ca-na-an là đất mà các con nhận làm sản nghiệp, thì ranh giới của đất ấy như sau: 3Về phía nam, đất ấy sẽ từ hoang mạc Xin chạy dài theo Ê-đôm. Như thế, ranh giới phía nam của các con sẽ chạy từ cuối Biển Chết, về hướng đông. 4Ranh giới nầy chạy vòng phía nam của núi Ạc-ráp-bim đi ngang qua hướng Xin và tiếp giáp phía nam Ca-đe Ba-nê-a, rồi chạy qua Hát-sa Át-đa và đi về hướng Át-môn. 5Ranh giới chạy từ Át-môn đi vòng về suối Ai Cập và dừng lại ở biển.
6Ranh giới phía tây của các con sẽ là Biển Lớn. Đó là ranh giới phía tây của các con.
7Ranh giới phía bắc của các con sẽ chạy từ Biển Lớn đến tận núi Hô-rơ. 8Từ núi Hô-rơ, ranh giới chạy về lối vào Ha-mát, qua Xê-đát, 9rồi chạy về hướng Xíp-rôn và kết thúc tại Hát-sa Ê-nan. Đó là ranh giới của các con về phía bắc.
10Ranh giới phía đông của các con sẽ từ Hát-sa Ê-nan đến Sê-pham, 11và chạy từ Sê-pham xuống đến Ríp-la về hướng đông của A-in, rồi chạy xuống nữa cho đến khi tiếp giáp với biển Ki-nê-rết về phía đông. 12Như thế ranh giới sẽ chạy xuống phía sông Giô-đanh và kết thúc ở Biển Chết. Đó là lãnh thổ của các con với các ranh giới chung quanh.’”
13Môi-se truyền lệnh cho dân Y-sơ-ra-ên rằng: “Đó là xứ mà anh em sẽ bắt thăm nhận làm sản nghiệp, như Đức Giê-hô-va đã phán dặn ban cho chín bộ tộc rưỡi. 14Vì bộ tộc Ru-bên theo từng gia tộc; bộ tộc Gát theo từng gia tộc, và nửa bộ tộc Ma-na-se đã lãnh phần sản nghiệp của họ rồi. 15Hai bộ tộc rưỡi trên đã nhận sản nghiệp mình bên kia sông Giô-đanh, đối diện Giê-ri-cô về hướng đông, tức về hướng mặt trời mọc.”
16Đức Giê-hô-va lại phán với Môi-se: 17“Đây là tên những người sẽ đứng ra chia xứ: Thầy tế lễ Ê-lê-a-sa và Giô-suê, con trai Nun. 18Các con cũng phải chọn mỗi bộ tộc một người lãnh đạo để phân chia xứ. 19Sau đây là tên những người ấy:
 Bộ tộc Giu-đa có Ca-lép, con trai Giê-phu-nê.
20Bộ tộc Si-mê-ôn có Sê-mu-ên, con trai A-mi-hút.
21Bộ tộc Bên-gia-min có Ê-li-đát, con trai Kít-lon.
22Bộ tộc Đan có người lãnh đạo tên là Bu-ki, con trai Giốc-li.
23Con cháu Giô-sép gồm bộ tộc Ma-na-se, có người lãnh đạo tên là Ha-ni-ên, con trai Ê-phát, 24và bộ tộc Ép-ra-im có người lãnh đạo tên là Kê-mu-ên, con trai Síp-tan.
25Bộ tộc Sa-bu-lôn có người lãnh đạo tên là Ê-lít-sa-phan, con trai Phác-nát.
26Bộ tộc Y-sa-ca có người lãnh đạo tên là Pha-ti-ên, con trai A-xan.
27Bộ tộc A-se có người lãnh đạo tên là A-hi-hút, con trai Sê-lô-mi.
28Và bộ tộc Nép-ta-li có người lãnh đạo tên là Phê-đa-ên, con trai A-mi-hút.”
29Đó là những người mà Đức Giê-hô-va đã chỉ định đứng ra phân chia sản nghiệp cho dân Y-sơ-ra-ên trong xứ Ca-na-an.

Bình luận

Hướng đến đầy dẫy Thánh Linh

Bạn có một cơ nghiệp tuyệt vời. Tất cả là của bạn trong Chúa Giê-su. Phân đoạn Kinh Thánh này mô tả sản nghiệp mà Đức Chúa Trời giao cho dân Ngài (34:29). Mặc dù họ đã lên đường một cách 'dạn dĩ' (33:3), nhưng họ đã lang thang trong sa mạc suốt bốn mươi năm (c.38). Họ không bao giờ hoàn toàn được hưởng cơ nghiệp của mình.

Phao-lô, khi rao giảng trong sách Công vụ, giải thích rằng Đức Chúa Trời đã ban đất cho dân Ngài làm sản nghiệp (Công vụ 13:17–20). Ông nói tiếp: 'Còn chúng tôi thì rao truyền cho anh em Tin Lành mà Đức Chúa Trời đã hứa cho tổ phụ chúng ta rằng Ngài đã làm ứng nghiệm lời hứa đó cho chúng ta, là con cháu của họ, bằng cách khiến Đức Chúa Jêsus sống lại' (c.32–33). Bây giờ đây là cơ nghiệp của bạn.

Lời hứa của Đức Chúa Trời ban cho dân Ngài xứ Ca-na-an không chỉ đơn giản là một vùng đất hứa. Đó là một lời hứa về sự thịnh vượng, khi dân sự của Đức Chúa Trời vui hưởng mối quan hệ với Đức Chúa Trời, dưới sự an toàn của sự bảo vệ của Đức Chúa Trời, ở nơi Đức Chúa Trời đã hứa. Điều này hướng tới khái niệm 'vương quốc của Đức Chúa Trời' trong Tân Ước, phạm vi hiện diện và cai trị của Đức Chúa Trời. Chính điều này đã được làm trọn nơi Chúa Giê-su, và giờ đây nó là của bạn.

Trong Đấng Christ, cơ nghiệp của bạn là 'cơ nghiệp đời đời đã hứa' (Hê-bơ-rơ 9:15). Đó là ‘cơ nghiệp không hư hoại, không hoen ố, không suy tàn, để dành trong các tầng trời cho anh em’ (I Phi-e-rơ 1:4).

Bạn không chỉ cần hướng đến cơ nghiệp này trong tương lai mà bạn còn có thể kinh nghiệm điều gì đó từ cơ nghiệp này ngay bây giờ: 'Cũng trong Ngài, anh em đã tin và được đóng ấn bằng Đức Thánh Linh như lời hứa. Đấng ấy là bảo chứng của cơ nghiệp chúng ta' (Ê-phê-sô 1:13–14).

Từ Hy Lạp arabone là một từ có nghĩa là 'đặt cọc'. Nói cách khác, bạn kinh nghiệm tại đây và ngay bây giờ một sự nếm trải trước cơ nghiệp đó nhờ Chúa Thánh Linh. Khi bạn sống trong Thánh Linh, đời sống của bạn sẽ được thay đổi để sinh ra bông trái 'yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, khiêm nhu, tiết độ' (Ga-la-ti 5:22). Đừng bằng lòng với điều tốt nhất thứ hai; hãy nhắm đến mục tiêu được đầy dẫy Chúa Thánh Linh. Hãy nhận lấy cơ nghiệp của bạn.

Cầu nguyện

Lạy Chúa, xin giúp chúng con trong Thánh Linh để quyết liệt chống lại tội lỗi để chúng con không cho phép bất cứ điều gì trở thành ‘gai trong con mắt, và như chông nơi hông các con’ (Dân số ký 33:55). Xin giúp con nhắm đến mục tiêu cao, để nhận được cơ nghiệp của con và được đầy dẫy Thánh Linh.

Pippa chia sẻ

Lu Ca 9:12–13 chép rằng:

Lúc trời gần tối, mười hai sứ đồ đến thưa với Ngài: “Xin cho dân chúng về để họ đến các làng mạc và thôn quê chung quanh mà trọ và tìm thức ăn, vì chúng ta đang ở nơi hoang vắng. ”Nhưng Ngài phán: “Chính các con hãy cho họ ăn.” (Lu-ca 9:12–13)

Chúng ta đã trải qua những năm thật khó khăn: một đại dịch toàn cầu, sau đó là chiến tranh ở Ukraine. Tôi không cảm thấy mình có nhiều thứ để cho bất kỳ ai từ nguồn thuộc linh và cảm xúc của mình. Nhưng, tôi thích cách Chúa Giê-su sử dụng các môn đồ để chu cấp cho mọi người, ngay cả khi các môn đồ không nhận thấy điều gì đang xảy ra.

reader

App

Tải xuống ứng dụng Kinh Thánh Trong Một Năm dành cho thiết bị iOS hoặc Android và đọc theo mỗi ngày.

reader

Email

Đăng ký ngay bây giờ để nhận Kinh thánh trong một năm trong hộp thư đến của bạn mỗi sáng. Bạn sẽ nhận được một email mỗi ngày.

reader

Website

Bắt đầu đọc sự tận tâm của ngày hôm nay ngay tại đây trên trang web BiOY.

Read now
reader

Book

Kinh thánh trong một năm bình luận có sẵn như là một cuốn sách.

Tham khảo

TIME, Thứ Hai ngày 21 tháng 6 năm 1971, ‘The Alternative Jesus: Psychedelic Christ’ © Time inc.

Stoeber, Joachim; Childs, Julian H. (2010). "Đánh giá về chủ nghĩa hoàn hảo tự định hướng và xã hội quy định: Các thang đo phụ tạo nên sự khác biệt"(PDF). Tạp chí đánh giá tính cách. 92 (6): 577–585.

Kinh thánh với Nicky và Pippa Gumbel (bài bình luận trước đây được gọi là Kinh thánh trong một năm) ©Alpha International 2009. Bảo lưu mọi quyền.

Biên soạn các bài đọc Kinh thánh hằng ngày © Hodder & Stoughton Limited 1988. Xuất bản bởi Hodder & Stoughton Limited với tên gọi là Kinh thánh trong một năm.

Trừ khi có ghi chú khác, các trích dẫn Kinh thánh được lấy từ Kinh thánh, Phiên bản quốc tế mới Anh hóa, Bản quyền © 1979, 1984, 2011 Biblica, trước đây là Hội Kinh thánh quốc tế. Được sử dụng với sự cho phép của Hodder & Stoughton Publishers, một công ty của Hachette Vương quốc Anh. Mọi quyền được bảo lưu. ‘NIV’ là nhãn hiệu đã đăng ký của Biblica. Nhãn hiệu Vương quốc Anh số 1448790.

Các trích dẫn Kinh thánh được đánh dấu (AMP) được lấy từ Kinh thánh Amplified®, Bản quyền © 1954, 1958, 1962, 1964, 1965, 1987 của The Lockman Foundation. Được sử dụng với sự cho phép. (www.Lockman.org)

Các trích dẫn Kinh thánh được đánh dấu MSG được lấy từ The Message, bản quyền © 1993, 2002, 2018 của Eugene H. Peterson. Được sử dụng với sự cho phép của NavPress. Mọi quyền được bảo lưu. Được đại diện bởi Tyndale House Publishers.

This website stores data such as cookies to enable necessary site functionality and analytics. Find out more