Ngày 120

Trận Chiến Ngày Hôm Nay Xoay Quanh Chúa Giê-su

Khôn ngoan Thi thiên 53: 1- 6
Tân ước Giăng 1:1-28
Cựu Ước Giô-suê 15:1-16:10

Giới thiệu

Tôi đã dự phần trong công tác tổ chức và hỗ trợ các nhóm nhỏ chạy Alpha trong hơn 30 năm qua. Trong suốt thời gian đó, tôi nhận thấy một sự biến đổi trong văn hóa của chúng tôi. Đó là thái độ đối với Chúa Giê-su thay đổi, nhất là các bạn trẻ. Nhiều người sẽ nói rằng họ tin vào Chúa và thậm chí cởi mở hơn với khái niệm Chúa Thánh Linh. Nhưng dần dần, cái tên "Giê-su" lại trở nên như một trở ngại. Có những thanh niên và người trẻ nói những điều như: “Tôi không hiểu lý do của Chúa Giê-su”.

Như Hồng y Raniero Cantalemessa thường nói "Trận chiến ngày hôm nay xoay quanh Chúa Giê-su".

Có phải Chúa Giê-su là Đấng Cứu Chuộc của cả vũ trụ này? Trận chiến này giống hệt như trận chiến trong thế kỷ đầu tiên. Con người ngày nay vui vẻ chấp nhận Chúa Giê-su như là "một người bình thường". Chính sự độc nhất của Chúa Giê-su là điều gây tranh cãi. Trong các phân đoạn hôm nay, chúng ta có thể bắt gặp những con người vô cùng xuất sắc như Môi-se, Giô-suê, Ê-li hay Giăng Báp-tít, nhưng không có một ai có thể giống như Chúa Giê-su. Chúa Giê-su là duy nhất. Ngài là Đấng Cứu Thế của cả nhân loại.

Khôn ngoan

Thi thiên 53: 1- 6

Huấn ca của Đa-vít. Sáng tác cho nhạc trưởng, theo điệu “Ma-ha-lát”

1 Kẻ ngu dại nói trong lòng rằng:
  “Không có Đức Chúa Trời.”
Chúng đều bại hoại, phạm tội ác kinh tởm,
  Chẳng có ai làm điều lành.

2 Đức Chúa Trời từ trên cao
  Nhìn xuống loài người,
Để thử xem có ai thông sáng
  Tìm kiếm Đức Chúa Trời chăng.
3 Tất cả mọi người đều suy thoái về đạo đức, cùng nhau trở nên băng hoại.
  Chẳng có ai làm điều thiện,
  Dẫu một người cũng không.

4 Bọn gian ác không hiểu biết sao?

  Chúng ăn nuốt dân Ta khác nào ăn bánh
  Và cũng chẳng hề khẩn cầu Đức Chúa Trời.
5 Nơi chẳng có sự kinh hãi,
  Thì chúng lại kinh hãi vô cùng.
  Vì Đức Chúa Trời rải hài cốt của những kẻ tấn công dân Ngài;
  Và chúng sẽ bị hổ thẹn, vì Đức Chúa Trời đã từ bỏ chúng.

6 Ôi! Ước gì sự cứu rỗi của Y-sơ-ra-ên từ Si-ôn đến!
  Khi Đức Chúa Trời đem dân Ngài từ xứ lưu đày trở về.
  Gia-cốp sẽ mừng rỡ và Y-sơ-ra-ên vui vẻ.

Bình luận

Không có ai giống như Chúa Giê-su

Napoléon Bonaparte đã nói, 'Tôi hiểu về con người và tôi nói với bạn rằng Chúa Giê-su Christ không chỉ đơn thuần là con người. Không thế so sánh Ngài với mỗi con người khác trên thế giới được.’ Chúa Giê-su khác với mọi con người khác đã từng sống.

Đa-vít nói: 'Chẳng có ai làm điều lành' (c.1). Khi Đức Chúa Trời từ trên trời nhìn xuống loài người, Ngài thấy rằng ‘Chẳng có ai làm điều thiện, dẫu một người cũng không.’ (c.3).

Đa-vít trông đợi một Đấng Cứu Chuộc: 'Ước gì sự cứu rỗi của Y-sơ-ra-ên từ Si-ôn đến' (c.6a). Tất nhiên, niềm khao khát đó đã được thỏa mãn nơi Chúa Giê-su. Chúa Giê-su là duy nhất trong sự tốt lành trọn vẹn của Ngài. Sứ đồ Phao-lô trích dẫn bài Thi thiên này khẳng định nhu cầu của mỗi người về một Đấng cứu chuộc (Rô-ma 3:10–12).

Khi Phao-lô quan sát và dò xét những người khác nhau trên thế giới – Do Thái và Dân Ngoại, đạo đức và vô đạo đức – ông đi đến kết luận rằng không có ai đạt đủ tiêu chuẩn để được phân loại là tốt và công bình. Ông viết: ‘vì chẳng có một người nào bởi việc làm theo luật pháp mà được kể là công chính trước mặt Ngài, vì nhờ luật pháp người ta nhận biết tội lỗi.’ (Rô-ma 3:20).

Điều kỳ diệu của phúc âm là chúng ta, những người không công chính, lại có thể được xưng là công chính nhờ sự công chính hoàn hảo của Chúa Giê-su. ‘Đó là sự công chính của Đức Chúa Trời, bởi đức tin nơi Đức Chúa Giê-su Christ, ban cho mọi người có lòng tin’ (Rô-ma 3:22).

Cầu nguyện

Chúa ơi, con cảm ơn Ngài vì bây giờ con có thể được xưng là công chính nhờ đức tin nơi Chúa Giê-su Christ.

Tân ước

Giăng 1:1-28

Ngôi Lời trở nên con người

1 Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở với Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời. 2 Từ ban đầu, Ngài ở với Đức Chúa Trời. 3 Muôn vật đều do Ngài tạo dựng, không một loài thọ tạo nào được tạo dựng mà không bởi Ngài. 4 Trong Ngài có sự sống, sự sống là ánh sáng cho loài người. 5 Ánh sáng soi trong bóng tối, nhưng bóng tối không tiếp nhận ánh sáng.

6 Có một người Đức Chúa Trời sai đến tên là Giăng. 7 Ông đến với tư cách một nhân chứng để làm chứng về ánh sáng hầu cho nhờ ông mọi người đều tin. 8 Chính ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.

9 Đây là ánh sáng thật đã đến thế gian để soi sáng mọi người. 10 Ngôi Lời ở trong thế gian và thế gian đã được tạo dựng bởi Ngài, nhưng thế gian không nhận biết Ngài. 11 Ngài đến trong đất nước Ngài mà dân Ngài không tiếp nhận Ngài. 12 Nhưng bất cứ ai tiếp nhận Ngài, tức là tin danh Ngài, thì Ngài ban cho họ quyền trở nên con của Đức Chúa Trời, 13 là những người được sinh ra không phải bởi khí huyết, hoặc bởi ước muốn xác thịt, hoặc bởi ý người, nhưng bởi Đức Chúa Trời.

14 Ngôi Lời đã trở nên xác thể, sống giữa chúng ta, đầy ân điển và chân lý. Chúng ta đã chiêm ngưỡng vinh quang Ngài, thật là vinh quang của Con Một đến từ nơi Cha.

15 Giăng làm chứng về Ngài và công bố rằng: “Đây là Đấng mà tôi đã nói: ‘Đấng đến sau tôi vượt trội hơn tôi vì Ngài vốn có trước tôi.’ ” 16 Và từ nguồn sung mãn của Ngài, tất cả chúng ta đều nhận được ân điển càng thêm ân điển. 17 Vì luật pháp đã được ban bố bởi Môi-se, còn ân điển và chân lý thì đến từ Đức Chúa Jêsus Christ. 18 Chưa ai từng thấy Đức Chúa Trời, chỉ Con Một ở trong lòng Cha là Đấng đã bày tỏ Cha cho chúng ta biết.

Sự chuẩn bị chức vụ của Đức Chúa Jêsus

19 Đây là lời chứng của Giăng: Khi những người Do Thái phái các thầy tế lễ và người Lê-vi từ thành Giê-ru-sa-lem đến hỏi ông rằng: “Ông là ai?” 20 thì ông thẳng thắn tuyên bố, không úp mở gì cả. Ông nói: “Tôi không phải là Đấng Christ.”

21 Họ lại hỏi: “Vậy thì ông là ai? Có phải là Ê-li không?”

Ông đáp: “Không phải.”

“Thế ông có phải là nhà tiên tri không?”

Ông trả lời: “Không phải.”

22 Họ nói: “Thế thì ông là ai để chúng tôi trả lời cho những người đã sai phái chúng tôi? Ông tự xưng mình là ai?”

23 Ông trả lời: “Tôi là tiếng của người kêu lên trong hoang mạc: ‘Hãy làm cho thẳng con đường của Chúa’, như lời nhà tiên tri Ê-sai đã nói.”

24 Những người được phái đến thuộc nhóm Pha-ri-si, 25 hỏi ông rằng: “Nếu ông không phải là Đấng Christ, không phải là Ê-li, cũng không phải là nhà tiên tri, vậy thì tại sao ông lại làm báp-têm?”

26 Giăng đáp: “Tôi làm báp-têm bằng nước, nhưng có một Đấng đang ở giữa các ông mà các ông không nhận biết; 27 Đấng ấy đến sau tôi, mà tôi không xứng đáng mở quai dép Ngài.”

28 Những việc nầy xảy ra tại Bê-tha-ni bên kia sông Giô-đanh, nơi Giăng làm báp-têm.

Bình luận

Chúa Giê-su độc nhất vô nhị

Chỉ có duy nhất một Chúa Giê-su. Ngài thật là độc nhất. Nhà báo Anthony Burgess viết: “Nếu Chúa giống như Chúa Giê-su chúng ta có thể tin tưởng Ngài".

Toàn bộ Phúc âm Giăng từ đầu đến cuối là câu trả lời cho câu hỏi, ‘Chúa Giê-su là ai?’ Câu trả lời của Giăng là Đức Chúa Trời là Chúa Giê-su và Ngài xứng đáng để chúng ta tin tưởng. Ngài là ‘Con Một’ (c.14,18). Ngài là ‘Con Một ở trong lòng Cha là Đấng đã bày tỏ Cha cho chúng ta biết.’ (c.18). Mục đích của Phúc âm Giăng là giúp bạn trải nghiệm sự hiệp thông với Đức Chúa Trời qua tình bạn với Chúa Giê-su.

Bạn là bạn của Chúa Giê-su. Nhưng Chúa Giê-su là ai?

  1. Ngôi Lời Duy Nhất của Đức Chúa Trời Phúc âm Giăng mở đầu bằng sự mô tả xuất sắc về Chúa Giê-su là “Ngôi Lời”. Đối với chúng ta, đây có vẻ là một khái niệm xa lạ, nhưng nó lại rất quen thuộc đối với những độc giả thời kì đầu của sách. Ý tưởng về 'lời Chúa' là rất quan trọng đối với độc giả Do Thái. Họ ghi nhớ những lời của Đức Chúa Trời trong sự sáng tạo (Sáng thế ký 1), và tất cả những gì các nhà tiên tri nói về 'lời của Đức Giê-hô-va' (ví dụ Ê-sai 40:6–8 và Giê-rê-mi 23:29).

Đối với độc giả Hy Lạp, ý tưởng về 'Ngôi Lời' gắn liền với việc tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống. Các nhà triết học thường sử dụng 'Ngôi Lời' như một cách viết tắt để đề cập đến ý nghĩa và mục đích không thể biết được đằng sau vũ trụ.

Những lời mở đầu của Giăng gây hứng thú cho tất cả mọi người . Có vẻ như ông đang nói: 'Tôi sắp kể cho bạn nghe về điều mà bạn đã tìm kiếm bấy lâu nay.'

Hoàn toàn rõ ràng rằng 'Ngôi Lời' mà Giăng đang viết chính là Chúa Giê-su: 'Ngôi Lời đã trở nên xác thể, sống giữa chúng ta' (c.14a). Chúa Giê-su không chỉ ở với Đức Chúa Trời từ ban đầu: ‘Ngôi Lời là Đức Chúa Trời’ (c.1). Chúa Giê-su đã và đang là Đức Chúa Trời.

  1. Đấng Sáng Tạo Duy Nhất 'Muôn vật đều do Ngài tạo dựng, không một loài thọ tạo nào được tạo dựng mà không bởi Ngài.' (c.3)

Chính nhờ Chúa Giê-su mà cả vũ trụ được hình thành: 'Vì trong Ngài mọi vật trên trời, dưới đất, vật thấy được hoặc vật không thấy được đều được tạo dựng. Hoặc ngôi vua, hoặc quyền thống trị, hoặc các lãnh tụ, hoặc giới cầm quyền đều được tạo dựng bởi Ngài và vì Ngài.' (Cô-lô-se 1:16).

  1. Ánh Sáng Duy Nhất Cho Thế Giới 'Trong Ngài có sự sống, sự sống là ánh sáng cho loài người. Ánh sáng soi trong bóng tối, nhưng bóng tối không tiếp nhận ánh sáng.' (c4,5)

Ánh sáng là từ đồng nghĩa của sự tốt lành và lẽ thật. Bóng tối là từ đồng nghĩa với cái ác và sự giả dối. Ánh sáng và bóng tối đối lập, nhưng không bình đẳng. Một ngọn nến nhỏ có thể thắp sáng cả một căn phòng đầy bóng tối và sẽ không bị bóng tối làm mờ đi. Ánh sáng mạnh hơn bóng tối; bóng tối không thể thắng được ánh sáng.

  1. Đấng Duy Nhất Có Thể Biến Đổi Cuộc Đời 'Nhưng bất cứ ai tiếp nhận Ngài, tức là tin danh Ngài, thì Ngài ban cho họ quyền trở nên con của Đức Chúa Trời, là những người được sinh ra không phải bởi khí huyết, hoặc bởi ước muốn xác thịt, hoặc bởi ý người, nhưng bởi Đức Chúa Trời.' (c12,13)

Niềm tin vào Chúa Giê-su mang lại sự biến đổi lớn nhất và ý nghĩa nhất. Khi bạn đón nhận Chúa Giê-su vào cuộc sống của mình, thì Đức Chúa Trời cũng tiếp nhận bạn vào gia đình của Ngài.

  1. Sự Mặc Khải Duy Nhất từ Đức Chúa Trời 'Chưa ai từng thấy Đức Chúa Trời, chỉ Con Một ở trong lòng Cha là Đấng đã bày tỏ Cha cho chúng ta biết.' (c.18)

Mọi điều trong Cựu Ước đều dẫn đến sự mặc khải tối cao của Đức Chúa Trời trong Chúa Giê-su. 'Và từ nguồn sung mãn của Ngài, tất cả chúng ta đều nhận được ân điển càng thêm ân điển. Vì luật pháp đã được ban bố bởi Môi-se, còn ân điển và chân lý thì đến từ Đức Chúa Jêsus Christ.' (c.16,17). Đây là lý do tại sao mọi điều chúng ta đọc trong Cựu Ước cần được hiểu dưới sự soi sáng của Chúa Giê-su.

Chúa Giê-su đối lập với Giăng Báp-tít. Mấu chốt ở chỗ Giăng Báp-tít không phải là: “ánh sáng” (c.8), không là vĩnh cửu (c.15). Ông không phải là Đấng Christ (c.20). Ông không phải là Ê-li (c.21). Ông không phải là nhà tiên tri (c.21).

Mặc dù Chúa Giê-su nói về Giăng, 'không ai cao trọng hơn Giăng Báp-tít;' (Ma-thi-ơ 11:11), nhưng Giăng Báp-tít nói về Chúa Giê-su, 'Đấng ấy đến sau tôi, mà tôi không xứng đáng mở quai dép Ngài' (Giăng 1:27). Nhiệm vụ của Giăng Báp-tít, giống như tất cả chúng ta, là thôi tập trung vào chính mình và hướng tới chỉ một Chúa Giê-su, Ngôi Lời duy nhất , Đấng Sáng Tạo, Ánh sáng của thế gian, Đấng biến đổi và Đấng đem đến sự mặc khải từ Đức Chúa Trời.

Cầu nguyện

Chúa Giê-su ơi, con thờ phượng Ngài, Ngôi Lời độc nhất của Đức Chúa Trời. Ngày hôm nay, con cầu nguyện xin Chúa bày tỏ cho con cách mới mẻ về chính Ngài. Con cầu xin Ngài ban cho con sự thông hiểu sâu sắc về ý nghĩa của việc làm con của Chúa.

Cựu Ước

Giô-suê 15:1-16:10

Địa phận của bộ tộc Giu-đa

1 Phần đất mà bộ tộc Giu-đa bắt thăm được theo từng gia tộc, chạy về phía nam ranh giới Ê-đôm đến hoang mạc Xin ở miền cực nam.

2 Ranh giới phía nam của họ chạy từ cuối Biển Muối, tức là từ vùng vịnh hướng về phía nam; 3 và từ dốc Ạc-ráp-bim chạy dài xuống miền nam, đi ngang qua Xin, lên phía nam Ca-đe Ba-nê-a, đi ngang qua Hết-rôn, lên hướng Át-đa, vòng qua Cạt-ca, 4 đi ngang về hướng Át-môn, nhập vào Suối Ai Cập và chạy đến tận biển. Đó sẽ là ranh giới phía nam của anh em.

5 Ranh giới phía đông là từ Biển Chết cho đến cửa sông Giô-đanh.

Ranh giới phía bắc chạy từ vùng vịnh nơi cửa sông Giô-đanh, 6 đi lên Bết Hốt-la, trải qua phía bắc Bết A-ra-ba, và chạy đến hòn đá Bô-han, con trai của Ru-bên. 7 Biên giới nầy chạy lên đến Đê-bia, từ thung lũng A-cô chạy về hướng bắc vòng qua Ghinh-ganh, đối diện dốc A-đu-mim về phía nam của thung lũng; rồi chạy dọc mé nước Ên Sê-mết và đến Ên Rô-ghên. 8 Từ đó, ranh giới chạy lên gần thung lũng Bên Hi-nôm, dọc sườn đồi phía nam của Giê-bu, tức là Giê-ru-sa-lem. Kế đó, nó chạy lên cho đến đỉnh núi nằm đối diện thung lũng Hi-nôm về hướng tây, ở cuối phía bắc thung lũng Rê-pha-im. 9 Ranh giới lại chạy từ đỉnh núi đến suối nước Nép-thô-ách, và kéo dài về hướng các thành của núi Ép-rôn; rồi chạy xuống đến Ba-la, là Ki-ri-át Giê-a-rim. 10 Nó chạy vòng từ Ba-la qua hướng tây đến núi Sê-i-rơ, rồi bọc theo sườn phía bắc của núi Giê-a-rim, tức là Kê-sa-lôn, chạy xuống đến Bết Sê-mết và ngang qua Thim-na. 11 Ranh giới nầy cứ chạy theo triền núi phía bắc Éc-rôn rồi vòng về Siếc-rôn, chạy qua núi Ba-la, thẳng đến Giáp-nê-ên, và dừng lại ở biển.

12 Còn ranh giới phía tây là bờ Biển Lớn.

Đó là ranh giới bao quanh con cháu Giu-đa, theo từng gia tộc của họ.

Ca-lép chinh phục Hếp-rôn và Đê-bia

13 Theo mệnh lệnh của Đức Giê-hô-va, Giô-suê cấp cho Ca-lép, con trai Giê-phu-nê, một phần đất ở giữa người Giu-đa, là thành của A-ra-ba, cha A-nác. Đó là thành Hếp-rôn. 14 Ca-lép đuổi được ba con trai của A-nác, là Sê-sai, A-hi-man, và Tha-mai. 15 Từ đó ông đi lên đánh dân thành Đê-bia. Đê-bia trước kia tên là Ki-ri-át Sê-phe. 16 Ca-lép nói: “Ta sẽ gả con gái ta là Ạc-sa cho người nào đánh và chiếm lấy Ki-ri-át Sê-phe.” 17 Ốt-ni-ên, con trai của Kê-na là anh Ca-lép, chiếm được thành và Ca-lép gả con gái ông là Ạc-sa cho chàng làm vợ.

18 Khi về với Ốt-ni-ên, nàng thuyết phục chàng xin cha nàng một thửa ruộng. Khi nàng xuống lừa, Ca-lép hỏi: “Con muốn điều gì?”

19 Nàng thưa: “Xin cha ban cho con một món quà, vì cha đặt con nơi đất Nê-ghép, nên xin cha cũng cho con luôn mấy suối nước”. Ca-lép liền cho nàng các suối nước ở miền trên và miền dưới.

20 Đó là sản nghiệp của bộ tộc Giu-đa, theo từng gia tộc của họ.

Danh sách các thành của Giu-đa

21 Các thành ở cực nam của bộ tộc Giu-đa, gần biên giới Ê-đôm là:

Cáp-xê-ên, Ê-đe, Gia-gua, 22 Ki-na, Đi-mô-na, A-đê-a-đa, 23 Kê-đe, Hát-so, Gít-nan, 24 Xíp, Tê-lem, Bê-a-lốt, 25 Hát-so Ha-đa-tha, Kê-ri-giốt Hết-rôn, tức là Hát-so, 26 A-mam, Sê-ma, Mô-la-đa, 27 Hát-sa-ga-đa, Hết-môn, Bết Pha-lết, 28 Hát-sa Su-anh, Bê-e Sê-ba, Bi-sốt-gia, 29 Ba-la, Y-dim, Ê-xem, 30 Ê-thô-lát, Kê-sinh, Họt-ma, 31 Xiếc-lác, Mát-ma-na, San-sa-na, 32 Lê-ba-ốt, Si-lim, A-in, và Rim-môn: tất cả là hai mươi chín thành với các làng mạc của chúng.

33 Trong miền chân núi có: Ết-tha-ôn, Xô-rê-a, Át-na, 34 Xa-nô-ách, Ên Ga-nim, Tháp-bu-ách, Ên-nam, 35 Giạt-mút, A-đu-lam, Sô-cô, A-xê-ca, 36 Sa-a-ra-im, A-đi-tha-im, Ghê-đê-ra, và Ghê-đê-rô-tha-im: tất cả là mười bốn thành với các làng mạc của chúng.

37 Cũng có Xê-nan, Ha-đa-sa, Mích-đanh Gát, 38 Đi-lan, Mích-pê, Giốc-thê-ên, 39 La-ki, Bốt-cát, Éc-lôn, 40 Cáp-bôn, Lách-ma, Kít-lít, 41 Ghê-đê-rốt, Bết Đa-gôn, Na-a-ma, và Ma-kê-đa: tất cả là mười sáu thành với các làng mạc của chúng.

42 Líp-na, Ê-the, A-san, 43 Díp-tách, Át-na, Nết-síp, 44 Kê-i-la, Ạc-xíp, và Ma-rê-sa: tất cả là chín thành với các làng mạc của chúng.

45 Éc-rôn, với các thị trấn và làng mạc của nó; 46 từ Éc-rôn đến biển, tất cả các thành ở gần Ách-đốt cùng các làng mạc của chúng; 47 Ách-đốt, các thị trấn và các làng mạc của nó; Ga-xa, các thị trấn và các làng mạc của nó, cho đến Suối Ai Cập và bờ Biển Lớn.

48 Trong miền núi có: Sa-mia, Giạt-thia, Sô-cô, 49 Đa-na, Ki-ri-át Sa-na, tức là Đê-bia, 50 A-náp, Ết-thê-mô, A-nim, 51 Gô-sen, Hô-lôn, Ghi-lô: tất cả là mười một thành cùng các làng mạc của chúng.

52 A-ráp, Ru-ma, Ê-sê-an, 53 Gia-num, Bết Tháp-bu-ách, A-phê-ca, 54 Hum-ta, Ki-ri-át A-ra-ba, tức là Hếp-rôn, và Si-ô: tất cả là chín thành với các làng mạc của chúng.

55 Ma-ôn, Cạt-mên, Xíp, Giu-ta, 56 Gít-rê-ên, Giốc-đê-am, Xa-nô-ách; 57 Ca-in, Ghi-bê-a, và Thim-na: tất cả là mười thành với các làng mạc của chúng.

58 Hanh-hun, Bết Xu-rơ, Ghê-đô, 59 Ma-a-rát, Bết A-nốt, và Ên-thê-côn: tất cả là sáu thành với các làng mạc của chúng.

60 Ki-ri-át Ba-anh, tức là Ki-ri-át Giê-a-rim, và Ráp-ba: tất cả là hai thành với các làng mạc của chúng.

61 Trong hoang mạc có Bết A-ra-ba, Mi-đin, Sê-ca-ca, 62 Níp-san, Thành Muối, và Ên-ghê-đi: tất cả là sáu thành với các làng mạc của chúng.

63 Người Giu-đa không đuổi được dân Giê-bu-sít ở tại Giê-ru-sa-lem nên dân Giê-bu-sít còn ở chung với người Giu-đa tại Giê-ru-sa-lem cho đến ngày nay.

Địa phận của bộ tộc Ép-ra-im

1 Phần đất mà con cháu Giô-sép đã bắt thăm được chạy từ sông Giô-đanh gần Giê-ri-cô, phía đông các suối Giê-ri-cô, băng qua hoang mạc, và từ thành Giê-ri-cô lên đến vùng đồi núi Bê-tên. 2 Ranh giới chạy dài từ Bê-tên đến Lu-xơ, đi qua địa phận dân A-rê-kít tại A-ta-rốt, 3 chạy xuống phía tây đến địa phận dân Giáp-lê-tít, cho đến địa phận Bết Hô-rôn Hạ và Ghê-xe rồi dừng lại ở biển.

4 Đó là phần sản nghiệp mà con cháu của Giô-sép là Ma-na-se và Ép-ra-im đã nhận lãnh.

5 Địa phận của Ép-ra-im theo từng gia tộc của họ như sau:

ranh giới của sản nghiệp họ ở về phía đông, từ A-tê-rốt A-đa cho đến Bết Hô-rôn Thượng, 6 và từ đó chạy thẳng ra biển; về phía bắc là Mít-mê-thát; về phía đông, đường ranh giới nầy vòng về hướng Tha-a-nát Si-lô, và chạy về phía đông đến Gia-nô-ách, 7 rồi từ Gia-nô-ách, nó chạy xuống A-ta-rốt và Na-ra-tha, gặp Giê-ri-cô, và dừng lại ở sông Giô-đanh. 8 Từ Tháp-bu-ách, ranh giới nầy chạy về hướng tây đến suối Ca-na, rồi dừng lại ở biển. Đó là sản nghiệp của bộ tộc Ép-ra-im, theo từng gia tộc của họ. 9 Ngoài những thành trì và làng mạc đó, người Ép-ra-im cũng có những thành dành riêng cho họ trong sản nghiệp của người Ma-na-se.

10 Tuy nhiên, họ không đuổi dân Ca-na-an ở tại Ghê-xe nên dân Ca-na-an ở giữa Ép-ra-im cho đến ngày nay, nhưng chúng bị cưỡng bách lao động như nô lệ.

Bình luận

Chúa Giê-su là Đấng Cứu Chuộc Duy Nhất

Giô-suê và Ca-lép là hai người trong nhóm người đi do thám được vào Đất hứa bởi vì họ là những người duy nhất vâng phục Chúa và đi theo Chúa hết lòng. (Tên Giô-suê có nghĩa là 'Đức Chúa Trời cứu rỗi'. 'Giô-suê' tiếng do thái cũng là 'Giê-su'). Giô-suê là hình bóng của Chúa Giê-su. Giô-suê và Ca-lép là những người đặc biệt, nhưng họ không duy nhất, họ không giống Chúa Giê-su.

Hếp-rôn, một phần đất ở Giu-đa, được ban cho Ca-lép bởi Giô-suê (15:13), nhưng Ca-lép vẫn phải tiến vào và chiếm xứ (c.14). Tương tự như vậy, sự cứu rỗi, phước hạnh lớn nhất, được ban cho chúng ta bởi ân điển của Chúa, nhưng chúng ta vẫn phải nhận, cầm, giữ nó cho mình, cùng với đức tin nơi Cứu Chúa Giê-su.

Đi qua Kinh Thánh, chúng ta nhận ra Chúa mong đợi chúng ta trả lời sự kêu gọi của Ngài. Ngài muốn chúng ta 'tìm kiếm Đức Chúa trời (Thi Thiên 53:) và 'khẩn cầu Đức Chúa Trời' (c. 4). Chúng ta phải chiếm lấy sự ban ân của Đức Chúa Trời và tin vào Chúa Giê-su. Và khi chúng ta tin nơi Ngài, chúng ta có quyền trở thành con cái Đức Chúa Trời (Giăng 1:12).

Chúa Giê-su là Đấng Cứu Chuộc độc nhất. Không hề có điều gì diệu kì hơn việc nắm lấy sự cứu rỗi bởi đức tin và trở thành bạn của Ngài.

Cầu nguyện

Lạy Chúa, hôm nay con muốn tìm kiếm Chúa. Cảm ơn Chúa vì đã bày tỏ chính Ngài qua húa Giê-su Christ đầy ân điển và lẽ thật. Xin giúp con sống một cuộc đời tràn đầy ân điển và lẽ thật. Con cầu xin Chúa giúp đỡ con trong mọi công việc con làm và mọi lời con nói ra. Nguyện Chúa cho con được tràn đầy ân điển và lẽ thật.

Pippa chia sẻ

Giô-suê 15:16-17 có chép:

'Ca-lép nói: “Ta sẽ gả con gái ta là Ạc-sa cho người nào đánh và chiếm lấy Ki-ri-át Sê-phe.” Ốt-ni-ên, con trai của Kê-na là anh Ca-lép, chiếm được thành và Ca-lép gả con gái ông là Ạc-sa cho chàng làm vợ.'

Đây không nhất thiết phải là tiêu chuẩn đúng cho hôn nhân, nhưng mọi người đã kết hôn vì những lý do kỳ lạ hơn. Chương 'Sẵn sàng cho Hôn nhân?' trong Cuốn sách Hôn nhân của Nicky và Sila Lee rất hữu ích – nhưng tôi không nghĩ trong đó có viết, 'Anh đã chiếm được Ki-ri-át Sê-phe?'

reader

App

Tải xuống ứng dụng Kinh Thánh Trong Một Năm dành cho thiết bị iOS hoặc Android và đọc theo mỗi ngày.

reader

Email

Đăng ký ngay bây giờ để nhận Kinh thánh trong một năm trong hộp thư đến của bạn mỗi sáng. Bạn sẽ nhận được một email mỗi ngày.

reader

Website

Bắt đầu đọc sự tận tâm của ngày hôm nay ngay tại đây trên trang web BiOY.

Read now
reader

Book

Kinh thánh trong một năm bình luận có sẵn như là một cuốn sách.

Tham khảo

The One Year® là nhãn hiệu đã đăng ký của Tyndale House Publishers. Được cho phép sử dụng.

Raniero Cantalamessa, Đức tin chiến thắng thế gian, (Alpha International, 2006), trang.9.

Trừ khi có quy định khác, các trích dẫn Kinh thánh được lấy từ Kinh thánh, Phiên bản quốc tế mới được Anh hóa, Bản quyền © 1979, 1984, 2011 Biblica, trước đây là Hiệp hội Kinh thánh Quốc tế. Được sử dụng dưới sự cho phép của Hodder & Stoughton Publishers, một công ty của Hachette UK. Đã đăng ký Bản quyền. 'NIV' là nhãn hiệu đã đăng ký của Biblica. Nhãn hiệu Vương quốc Anh số 1448790.

Thánh Kinh được đánh dấu (MSG) lấy từ The Message. Bản quyền © 1993, 1994, 1995, 1996, 2000, 2001, 2002. Được sử dụng dưới sự cho phép của NavPress Publishing Group.

This website stores data such as cookies to enable necessary site functionality and analytics. Find out more