Ngày 18

Vương Quốc Cha Được Đến

Khôn ngoan Thi Thiên 10:12-18
Tân ước Ma-thi-ơ 13:18-35
Cựu Ước Sáng Thế Ký 36:1-37:36

Giới thiệu

Nữ hoàng Elizabeth II đã trị vì Vương quốc Anh gần 70 năm. Tính đến nay, bà là quốc vương Anh trị vì lâu nhất. Mỗi năm, vào ngày Giáng sinh, Nữ hoàng lại chia sẻ cho nước mình một thông điệp. Ngày 25 tháng 12 năm 2021, bà nói: "Sự ra đời của Chúa Giê-su đã đánh dấu một khởi đầu hoàn toàn mới với tiềm năng bất tận. Những lời dạy của Ngài đã được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và là nền tảng cho đức tin của tôi. '

Trong một phần chia sẻ khác gần đây, bà cũng nói: "Khi Chúa Giê-su được sinh ra, chỉ có một vài người nhận biết Ngài. Nhưng ngày nay, đã có hàng tỷ người theo Ngài. Sứ điệp về Chúa Giê-su không bao giờ lỗi thời và đây cũng là điều cần thiết hơn bao giờ hết."

Năm ngoái, bà đã chia sẻ thế này về Chúa Giê-su: "Có hàng tỷ người hiện đang làm theo sự dạy dỗ của Ngài và tìm thấy nơi Ngài ánh sáng dẫn lối cho cuộc sống của họ. Tôi cũng chính là một trong số đó."

Nữ hoàng Anh đang nói đến một vương quốc khác - vương quốc mà Chúa Giê-su đã đến để thành lập và Ngài sẽ trở lại để cai trị. Chúa Giê-su dạy chúng ta cầu nguyện: "Vương quốc Cha được đến"(Ma-thi-ơ 6:10). Vương quốc của Đức Chúa Trời là sự cai trị và trị vì của Đức Chúa Trời.

Khôn ngoan

Thi Thiên 10:12-18

 12 Đức Giê-hô-va ôi! Xin trỗi dậy; Đức Chúa Trời ôi! Xin giơ tay Ngài lên;
  Và đừng quên kẻ khốn cùng.
 13 Vì sao kẻ ác khinh thường Đức Chúa Trời
  Và nghĩ thầm: “Chúa sẽ chẳng hề hạch hỏi”?
 14 Nhưng, Chúa đã thấy rồi! Chúa đoái đến nỗi khốn khổ và đau đớn;
  Ngài xem xét để ra tay hành động.
  Người khốn khổ phó mình cho Chúa;
  Ngài là Đấng giúp đỡ kẻ mồ côi.
 15 Xin bẻ gãy cánh tay kẻ dữ và bọn gian ác;
  Truy tìm sự độc ác của chúng cho đến cùng.
 16 Đức Giê-hô-va làm Vua đến đời đời vô cùng;
  Các nước sẽ bị tiêu diệt khỏi đất của Ngài.
 17 Lạy Đức Giê-hô-va, Ngài đã lắng nghe ước vọng của kẻ nhu mì;
  Ngài khiến họ được vững lòng, và lắng tai nghe họ
 18 Để thi hành công lý cho kẻ mồ côi và người bị áp bức,
  Làm cho loài người vốn từ bụi đất, không còn sợ hãi nữa.

Bình luận

Kêu cầu sự biến đổi của xã hội

"Đức Giê-hô-va làm Vua đến đời đời vô cùng" (c.16a). Đức Chúa Trời là Đấng nắm quyền kiểm soát toàn cõi vũ trụ. Tuy nhiên, tác giả Thi Thiên cũng kêu cầu với Chúa rằng: "Đức Giê-hô-va ôi! Xin trỗi dậy; Đức Chúa Trời ôi! Xin giơ tay Ngài lên" (c.12a). Thật vậy, ông đã cầu nguyện xin vương quốc của Đức Chúa Trời đến trên đất này. Khi Đức Chúa Trời hành động, công lý được thi hành "cho kẻ mồ côi và người bị áp bức, làm cho loài người vốn từ bụi đất, không còn sợ hãi nữa" (c.18).

Tác giả Thi Thiên cầu nguyện đặc biệt cho sự công bằng trong xã hội. Ông cầu nguyện cho những ai:

  • Khốn cùng (c.12)
  • Khốn khổ (c.14)
  • Đau đớn (c.14)
  • Mồ côi (c.14)
  • Nhu mì (c.17)
  • Bị áp bức (c.18).

Nếu bạn muốn thấy vương quốc của Đức Chúa Trời đến và xã hội được biến đổi, thì đây là những người bạn cần phải quan tâm.

Cầu nguyện

Lạy Chúa, cảm tạ Chúa vì Ngài là Vua của chúng con. Con xin giao phó những người đang gặp khó khăn lên cho Chúa... Nguyện xin Vương quốc Ngài được đến.

Tân ước

Ma-thi-ơ 13:18-35

18 Vậy, các con hãy nghe giải thích ẩn dụ về người gieo giống. 19 Ai nghe đạo của vương quốc thiên đàng mà không hiểu thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng mình; ấy là hạt giống rơi dọc đường. 20 Hạt giống rơi trên đất đá là người khi nghe đạo thì liền vui mừng tiếp nhận; 21 nhưng đạo không đâm rễ trong lòng, chỉ tồn tại nhất thời, nên khi vì đạo mà gặp hoạn nạn, hay bắt bớ, thì người ấy liền vấp ngã. 22 Hạt giống rơi giữa bụi gai là người nghe đạo, nhưng sự lo lắng về đời nầy, sự quyến rũ của giàu sang làm cho đạo bị nghẹt ngòi nên không kết quả. 23 Còn hạt giống gieo trên đất tốt là người nghe, hiểu đạo và có kết quả: một thành một trăm, một thành sáu chục, một thành ba chục.”

24 Đức Chúa Jêsus phán với họ một ẩn dụ khác: “Vương quốc thiên đàng ví như một người gieo giống tốt trong đồng ruộng mình. 25 Nhưng lúc mọi người đang ngủ thì kẻ thù của người ấy đến, gieo cỏ lùng vào giữa lúa rồi đi. 26 Khi lúa mọc lên và trổ bông thì cỏ lùng cũng xuất hiện. 27 Các đầy tớ của chủ nhà đến trình rằng: ‘Thưa chủ, chẳng phải chủ đã gieo giống tốt trong đồng ruộng của chủ sao? Vậy, cỏ lùng do đâu mà có?’ 28 Chủ đáp: ‘Một kẻ thù đã làm điều ấy.’ Các đầy tớ thưa rằng: ‘Vậy chủ có muốn chúng tôi nhổ cỏ đó không?’ 29 Chủ đáp: ‘Không nên, e khi nhổ cỏ lùng, các ngươi nhổ lầm cả lúa chăng. 30 Cứ để cả hai cùng lớn lên cho đến mùa gặt; khi vào vụ gặt, ta sẽ dặn thợ gặt thu gom cỏ lùng trước, bó lại từng bó rồi đốt đi; còn lúa thì thu trữ vào kho của ta.’”

Ẩn dụ về hạt cải và men

31 Ngài phán với họ một ẩn dụ khác: “Vương quốc thiên đàng giống như một hạt cải người kia đem gieo ngoài đồng. 32 Hạt ấy nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi mọc lên thì lại lớn nhất trong các loại rau, và trở thành cây đến nỗi chim trời đến làm tổ trên cành nó.” 33 Ngài phán với họ một ẩn dụ khác: “Vương quốc thiên đàng giống như men mà người phụ nữ kia lấy ủ vào ba đấu bột cho đến chừng bột dậy cả lên.” 34 Đức Chúa Jêsus dùng ẩn dụ để truyền dạy mọi điều đó cho dân chúng, không một điều gì Ngài truyền dạy họ mà không dùng ẩn dụ. 35 Như vậy, để ứng nghiệm lời tiên tri:

“Ta sẽ mở miệng để nói các ẩn dụ, Ta sẽ công bố những điều kín giấu từ buổi sáng tạo thế gian.”

Bình luận

Tiếp tục nói về Chúa Giê-su

Mỗi khi bạn nói với ai đó về Chúa Giê-su và Phúc âm, là bạn đã "gieo" một hạt giống vào trong lòng họ. Không phải mọi hạt giống bạn gieo đều sẽ kết trái, như chúng ta thấy trong ẩn dụ về người gieo giống. Một số hạt giống không bao giờ bén rễ (c.19). Hạt khác thì chỉ tạo ra kết quả tạm thời. Chúng ta có thể bị kéo ra xa khỏi Đức Chúa Trời bởi những "hoạn nạn" hoặc những "sự lo lắng về đời nầy, sự quyến rũ của giàu sang" (c.21–22).

Tuy nhiên, nếu hạt giống phát triển tốt, thì mỗi câu chuyện ẩn dụ này đều cho thấy rằng chúng ta có thể mang lại tác động rất lớn. "Còn hạt giống gieo trên đất tốt là người nghe, hiểu đạo và có kết quả: một thành một trăm, một thành sáu chục, một thành ba chục" (c.23).

Khi nhìn lại cuộc đời của những người đã làm Alpha cách đây năm, mười hay mười lăm năm, tôi thật sự thấy rằng họ đã tạo ra được sức ảnh hưởng rất lớn. Một vài người trong số đó thậm chí đã bắt đầu các mục vụ mang sức ảnh hưởng toàn cầu.

Chúa Giê-su kể nhiều ẩn dụ về vương quốc của Đức Chúa Trời ("nước thiên đàng" là cách nói thường được Ma-thi-ơ dùng, vì người Do Thái là thường nói đến "thiên đàng" một cách tôn kính, thay vì "Đức Chúa Trời").

Vương quốc vừa là "đang hiện hữu" và cũng là "chưa hiện hữu". Ẩn dụ của Chúa Giê-su về cỏ lùng cho chúng ta biết rằng vương quốc Đức Chúa Trời còn có một khía cạnh tương lai khác. Hiện tại, lúa mì và cỏ dại đang cùng mọc lên. Một ngày nào đó, mùa gặt sẽ đến và sự phán xét cũng vậy. Khi Chúa Giê-su trở lại, vương quốc của Đức Chúa Trời sẽ đến một cách trọn vẹn và đầy đủ nhất (c.24–30).

Chúa Giê-su nói tiếp: “Vương quốc thiên đàng giống như một hạt cải người kia đem gieo ngoài đồng. Hạt ấy nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi mọc lên thì lại lớn nhất trong các loại rau, và trở thành cây đến nỗi chim trời đến làm tổ trên cành nó” (c.31–32).

Hình ảnh những con chim trên cành xuất hiện khá nhiều trong Cựu Ước. Nó tượng trưng cho việc con người từ khắp các dân tộc trở nên một phần trong gia đình của Đức Chúa Trời (xem Ê-xê-chi-ên 17: 22–24; 31: 3–14; Đa-ni-ên 4: 9–23). Chúa Giê-su đang nhắc những người lắng nghe Ngài rằng nước thiên đàng không chỉ dành cho một dân tộc, mà là cho cả toàn thế giới.

Có nhiều kiểu trồng khác nhau. Ví dụ như một nhóm nhỏ được trồng và "mọc lên" (Ma-thi-ơ 13:32). Kế đến là việc "vun trồng điểm nhóm". Những gì được trồng ban đầu thường khá nhỏ - chỉ như một hạt cải. Nhưng khi được "gieo" thì hạt ấy "mọc lên... trở thành cây" (c.31–32).

Tôi nhìn quanh một số điểm nhóm của Hội thánh địa phương và nhận thấy rằng họ đã tạo nên tác động rất lớn cho khu vực này - "chim trời đến làm tổ trên cành nó" (c.32) - bởi những người bước vào Vương quốc Đức Chúa Trời này cũng hoàn toàn ngoài sức tưởng tượng của họ, cũng giống như suy nghĩ của người Do Thái đối với dân ngoại vậy. Ngày nay, trên khắp thế giới, chúng ta đều thấy tác động của việc mở rộng các điểm nhóm. Theo chuyên gia phát triển Hội thánh, Peter Wagner, đã nói: "Việc xây dựng điểm nhóm là hình thức truyền bá Phúc âm hiệu quả nhất so với tất cả các hình thức khác."

Chúa Giê-su nói tiếp rằng nước thiên đàng cũng giống như men làm nở bột (c.33). Sức ảnh hưởng của bạn có thể rất lớn - bất kể là ở nhà, gia đình, trường học, nhà máy hay văn phòng của bạn. Đây là cách để tạo nên được sự biến đổi của xã hội.

Cầu nguyện

Lạy Chúa, xin Ngài giúp con gieo được nhiều hạt giống nhất có thể khi con truyền rao tin mừng của Chúa Giê-su đến thế giới này. Nguyện xin vương quốc của Ngài đến nơi thành phố, quốc gia của con và trên cả toàn thế giới.

Cựu Ước

Sáng Thế Ký 36:1-37:36

Dòng dõi của Ê-sau

36 Đây là dòng dõi của Ê-sau, tức là Ê-đôm. 2 Ê-sau cưới ba bà vợ trong số con gái xứ Ca-na-an, đó là: A-đa, con gái Ê-lôn, người Hê-tít; Ô-hô-li-ba-ma, con gái A-na, cháu ngoại của Xi-bê-ôn, người Hê-vít; 3 và Bách-mát, con gái Ích-ma-ên, cũng là em gái của Nê-ba-giốt. 4 A-đa sinh Ê-li-pha cho Ê-sau; Bách-mát sinh Rê-u-ên; 5 còn Ô-hô-li-ba-ma sinh Giê-úc, Gia-lam và Cô-ra. Đó là các con trai của Ê-sau sinh tại xứ Ca-na-an.

Ê-sau tại núi Sê-i-rơ

6 Ê-sau đưa vợ, con trai, con gái mình, toàn bộ người nhà, các bầy chiên, gia súc, và tài sản mà ông đã gây dựng tại xứ Ca-na-an, qua xứ khác, cách xa Gia-cốp, em mình. 7 Vì tài sản của hai anh em rất lớn, nên khó có thể sống chung với nhau; vùng đất mà họ đang cư ngụ không thể đủ cho các bầy súc vật của cả hai anh em. 8 Vậy, Ê-sau, tức Ê-đôm, ở trong vùng đồi núi Sê-i-rơ.

Dòng dõi của Ê-sau

9 Đây là dòng dõi Ê-sau, tổ phụ dân Ê-đôm, ở vùng đồi núi Sê-i-rơ. 10 Các con trai của Ê-sau là Ê-li-pha con của A-đa, vợ Ê-sau, Rê-u-ên con của Bách-mát, cũng vợ Ê-sau. 11 Con trai của Ê-li-pha là Thê-ma, Ô-ma, Xê-phô, Ga-tham và Kê-na. 12 Thim-na, vợ lẽ Ê-li-pha, con trai của Ê-sau, sinh A-ma-léc. Đó là các cháu của A-đa, vợ Ê-sau. 13 Còn đây là các con trai của Rê-u-ên: Na-hát, Xê-rách, Sam-ma và Mích-xa. Đó là các cháu của Bách-mát, vợ Ê-sau. 14 Và đây là các con trai của Ô-hô-li-ba-ma, vợ của Ê-sau, con gái của A-na, cháu ngoại Xi-bê-ôn. Bà sinh cho Ê-sau: Giê-úc, Gia-lam, và Cô-ra.

15 Đây là các trưởng gia tộc thuộc con cháu Ê-sau: Các con trai Ê-li-pha, trưởng nam của Ê-sau, gồm: trưởng gia tộc Thê-man, trưởng gia tộc Ô-ma, trưởng gia tộc Xê-phô, trưởng gia tộc Kê-na, 16 trưởng gia tộc Cô-ra, trưởng gia tộc Ga-tham, và trưởng gia tộc A-ma-léc. Đó là các trưởng gia tộc ra từ Ê-li-pha tại xứ Ê-đôm, là các cháu của A-đa. 17 Đây là các con trai của Rê-u-ên, con Ê-sau: trưởng gia tộc Na-hát, trưởng gia tộc Xê-rách, trưởng gia tộc Sam-ma, và trưởng gia tộc Mích-xa. Đó là các trưởng gia tộc ra từ Rê-u-ên tại xứ Ê-đôm, là các cháu của Bách-mát. 18 Đây là các con trai của Ô-hô-li-ba-ma, vợ Ê-sau: trưởng gia tộc Giê-úc, trưởng gia tộc Gia-lam, và trưởng gia tộc Cô-ra. Đó là các trưởng gia tộc ra từ Ô-hô-li-ba-ma, vợ Ê-sau, con gái của A-na. 19 Trên đây là các con trai của Ê-sau, tức là Ê-đôm, và các trưởng gia tộc của họ.

Các con trai của Sê-i-rơ

20 Đây là các con trai của Sê-i-rơ, người Hô-rít, là người bản địa: Lô-than, Sô-banh, Xi-bê-ôn, A-na, 21 Đi-sôn, Ét-xe, và Đi-san. Đó là các con trai của Sê-i-rơ, trưởng gia tộc dân Hô-rít, trong đất Ê-đôm. 22 Các con trai của Lô-than là: Hô-ri và Hê-man; em gái của Lô-than là Thim-na. 23 Các con trai của Sô-banh là: Anh-van, Ma-na-hát, Ê-banh, Sê-phô, và Ô-nam. 24 Các con trai của Xi-bê-ôn là: Ai-gia và A-na. Chính A-na là người tìm được suối nước nóng trong hoang mạc trong khi chăn chiên cho cha mình là Xi-bê-ôn. 25 Các con của A-na là: Đi-sôn và Ô-hô-li-ba-ma, con gái của A-na. 26 Các con trai của Đi-sôn là: Hem-đan, Ếch-ban, Dít-ran và Kê-ran. 27 Các con trai của Ét-xe là: Binh-han, Xa-van và A-can. 28 Các con trai của Đi-san là: Út-xơ và A-ran.

29 Còn đây là các trưởng gia tộc của dân Hô-rít: trưởng gia tộc Lô-than, trưởng gia tộc Sô-banh, trưởng gia tộc Xi-bê-ôn, trưởng gia tộc A-na, 30 trưởng gia tộc Đi-sôn, trưởng gia tộc Ét-xe, và trưởng gia tộc Đi-san. Đó là các trưởng gia tộc của dân Hô-rít, trong đất Sê-i-rơ.

Các vua xứ Ê-đôm

31 Đây là các vua cai trị xứ Ê-đôm trước khi Y-sơ-ra-ên có vua cai trị: 32 Bê-la, con trai Bê-ô, cai trị xứ Ê-đôm; tên thành của vua là Đin-ha-ba. 33 Vua Bê-la băng, Giô-báp, con trai Xê-rách, người Bốt-ra, lên kế vị. 34 Vua Giô-báp băng, Hu-sam, người xứ Thê-man, lên kế vị. 35 Vua Hu-sam băng, Ha-đát, con trai Bê-đát, lên kế vị. Chính vua nầy đã đánh thắng dân Ma-đi-an tại cánh đồng Mô-áp; và tên thành của vua là A-vít. 36 Vua Ha-đát băng, Sam-la, người Ma-rê-ca, lên kế vị. 37 Vua Sam-la băng, Sau-lơ, người Rê-hô-bốt, ở trên mé sông, lên kế vị. 38 Vua Sau-lơ băng, Ba-anh Ha-nan, con trai Ạc-bồ, lên kế vị. 39 Vua Ba-anh Ha-nan băng, Ha-đa lên kế vị. Tên thành của vua là Ba-u; vợ vua là Mê-hê-ta-bê-ên, con gái của Mát-rết, cháu ngoại Mê-xa-háp.

40 Sau đây là các trưởng gia tộc của Ê-sau, gọi theo gia tộc, địa hạt và tên của họ: trưởng gia tộc Thim-na, trưởng gia tộc Anh-va, trưởng gia tộc Giê-hết, 41 trưởng gia tộc Ô-hô-li-ba-ma, trưởng gia tộc Ê-la, trưởng gia tộc Phi-nôn, 42 trưởng gia tộc Kê-na, trưởng gia tộc Thê-man, trưởng gia tộc Mép-xa, 43 trưởng gia tộc Mác-đi-ên và trưởng gia tộc Y-ram. Đó là các trưởng gia tộc của Ê-đôm, tùy theo nơi ở của họ trong đất mà họ sở hữu. Tổ phụ của dân Ê-đôm là Ê-sau.

Giô-sép và các anh

37 Gia-cốp ở tại Ca-na-an là xứ mà cha của ông đã tạm cư. 2 Đây là câu chuyện về dòng dõi của Gia-cốp.

Bấy giờ Giô-sép ở tuổi mười bảy, thường đi chăn chiên với các anh mình. Cậu kết bạn với các con của Bi-la và Xinh-ba, hai vợ của cha mình, và mách lại với cha những chuyện không hay của họ. 3 Y-sơ-ra-ên thương yêu Giô-sép hơn bất cứ người con nào khác vì cậu là con muộn của mình, nên may cho cậu một cái áo choàng dài tay nhiều màu sắc. 4 Khi các anh thấy cha thương Giô-sép hơn họ thì sinh lòng ganh ghét, và không thể nói năng tử tế với cậu được.

Giấc mộng của Giô-sép

5 Một đêm kia, Giô-sép nằm mộng và thuật lại cho các anh nghe nên họ càng thêm ganh ghét. 6 Giô-sép nói: “Xin nghe em kể giấc mộng mà em đã thấy: 7 Khi chúng ta đang bó lúa ngoài đồng thì bó lúa của em vươn dậy, đứng thẳng lên, còn những bó lúa của các anh đều tụ họp chung quanh và cúi rạp xuống trước bó lúa của em.” 8 Các anh bảo: “Vậy mầy định cai trị chúng ta à? Mầy sẽ thống trị chúng ta thật sao?” Họ càng ganh ghét Giô-sép hơn vì giấc mộng và những lời cậu nói. 9 Một lần khác, Giô-sép lại nằm mộng và cũng thuật cho các anh. Cậu nói: “Em còn một giấc mộng nữa. Em thấy mặt trời, mặt trăng và mười một ngôi sao đều cúi rạp xuống trước mặt em.” 10 Khi cậu thuật lại giấc mộng đó cho cha và các anh mình nghe thì cha cậu quở trách và nói: “Giấc mộng con thấy đó có nghĩa gì vậy? Có phải cả cha, mẹ, và các anh con đều phải cúi rạp xuống trước mặt con không?” 11 Các anh ganh ghét cậu, còn cha cậu lại ghi nhớ điều đó.

Giô-sép bị các anh ném xuống hố

12 Một hôm, các anh Giô-sép đi chăn các bầy súc vật của cha tại Si-chem. 13 Y-sơ-ra-ên bảo Giô-sép: “Các anh con đang chăn bầy tại Si-chem phải không? Lại đây để cha sai con đi đến với các anh con.” Giô-sép thưa: “Dạ, có con đây.” 14 Y-sơ-ra-ên bảo: “Con hãy đi xem các anh con ra sao, các bầy súc vật thế nào, rồi về báo cho cha biết.” Từ thung lũng Hếp-rôn, ông sai Giô-sép đi.

Khi Giô-sép đến Si-chem, 15 có một người gặp cậu đi lạc trong đồng ruộng, và hỏi: “Cậu đi tìm gì vậy?” 16 Cậu trả lời: “Tôi đi tìm các anh tôi. Xin vui lòng chỉ giúp tôi họ chăn bầy ở đâu.” 17 Người ấy nói: “Họ đã đi khỏi đây rồi, vì tôi có nghe họ nói: ‘Chúng ta hãy chuyển đến Đô-than.’” Vậy, Giô-sép tìm theo các anh và gặp họ tại Đô-than.

18 Thoáng thấy Giô-sép từ đằng xa và trước khi cậu đến gần thì các anh đã lập mưu giết cậu. 19 Họ bàn với nhau: “Thằng nằm mộng đến kìa! 20 Nào! Chúng ta hãy giết nó đi, ném xuống một cái hố nước nào đó, và nói rằng nó đã bị thú dữ xé xác, rồi xem các giấc mộng của nó sẽ đi đến đâu!” 21 Nhưng khi nghe vậy, Ru-bên liền tìm cách giải cứu em khỏi tay họ nên đã can: “Đừng giết nó. 22 Chúng ta chớ gây đổ máu. Cứ ném nó xuống cái hố kia trong hoang mạc, nhưng đừng ra tay hại nó.” Ru-bên nói vậy vì muốn giải cứu em khỏi tay họ để đưa về cho cha. 23 Khi Giô-sép vừa đến chỗ các anh thì họ lột áo choàng, là chiếc áo nhiều màu sắc cậu đang mặc trên người, 24 rồi bắt cậu ném xuống hố. Nhưng hố đó khô, không có nước.

Giô-sép bị bán làm nô lệ

25 Khi các anh của Giô-sép đang ngồi dùng bữa, chợt ngước nhìn và thấy một đoàn lái buôn Ích-ma-ên từ Ga-la-át đến. Lạc đà của họ chở đầy hương liệu, nhũ hương và mộc dược để đưa xuống Ai Cập. 26 Giu-đa nói với các anh em: “Giết em rồi giấu máu nó đi thì ích gì cho chúng ta chứ? 27 Thôi, chúng ta bán nó cho dân Ích-ma-ên và đừng động tay vào nó vì nó là em, là cốt nhục của chúng ta.” Các anh em đều đồng ý. 28 Khi các lái buôn Ma-đi-an đi ngang qua đó, các anh kéo Giô-sép lên khỏi hố rồi bán cậu cho họ với giá hai mươi miếng bạc. Họ đem Giô-sép xuống Ai Cập.

29 Khi Ru-bên trở lại hố, thấy Giô-sép không còn ở dưới đó nữa thì xé áo mình, 30 chạy đến chỗ các em và nói: “Đứa nhỏ đâu mất rồi? Còn tôi, tôi biết đi đâu bây giờ!”

31 Các anh Giô-sép giết một con dê đực, rồi lấy áo choàng của Giô-sép nhúng áo vào trong máu. 32 Họ gửi áo choàng dài tay đó về cho cha mình và nói: “Chúng con đã tìm thấy cái áo nầy. Xin cha xem có phải đây là áo của con trai cha không?” 33 Gia-cốp nhận ra cái áo và nói: “Đây là áo của con trai ta! Một con thú dữ đã xé xác nó! Giô-sép chắc chắn đã bị xé ra từng mảnh rồi!” 34 Ông xé quần áo, lấy vải thô quấn ngang lưng và để tang cho con trong nhiều ngày. 35 Tất cả các con trai, con gái đều đến an ủi ông, nhưng ông từ chối mọi lời an ủi. Ông nói: “Ta cứ để tang mà xuống âm phủ với con ta!” Vậy, cha cậu cứ khóc thương cậu.

36 Các lái buôn Ma-đi-an đem Giô-sép xuống Ai Cập, bán cho Phô-ti-pha, quan chỉ huy vệ binh của Pha-ra-ôn.

Bình luận

Hạ mình trước Vua của các vua

Hôm nay chúng ta bắt đầu đọc về cuộc đời của Giô-sép. Ông là đứa con được Y-sơ-ra-ên yêu thương nhất (37: 3) và cũng vì thế mà ông bị các anh trai mình ghen ghét (c.4). Giô-sép được biết đến với những giấc mở đặc biệt của ông. Trong một giấc mơ, ông thấy các anh cúi đầu trước mình (c.7,9).

Đôi khi Đức Chúa Trời nói chuyện với chúng ta qua những giấc mộng - và chắc chắn Ngài đã nói chuyện cùng Giô-sép theo cách này (c.5,9). Qua những giấc mộng này, Giô-sép đã phần nào biết được tương lai sẽ ra sao và Đức Chúa Trời sẽ làm gì với cuộc đời ông.

Tuy nhiên, việc kể cho người khác về những giấc mộng và khải tượng liên quan đến cuộc sống của riêng mình không phải lúc nào cũng là một việc làm khôn ngoan. Giô-sép khi ấy mới mười bảy tuổi (c.2) và vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm. Sai lầm của ông là đã kể cho mọi người về giấc mộng của mình. Điều này khiến cho các anh của ông càng cảm thấy ganh ghét (c.5,8) và ghen tị hơn nữa (c.11). Họ nói: "Vậy mầy định cai trị chúng ta à? Mầy sẽ thống trị chúng ta thật sao?" (c.8a). Họ rất ghét việc Giô-sép sẽ trở thành vua của họ.

Sau đó, trong một giấc mộng khác, ông thấy tất cả họ "cúi rạp xuống" trước mặt ông (c.9). Khi ấy, cha ông chỉ đơn giản là "quan sát" và "suy ngẫm" những điều Giô-sép đã nói (c.11). Nếu bạn nhìn thấy một giấc mộng hay khải tượng mà bạn nghĩ có thể đến từ Đức Chúa Trời, nhưng lại không biết nên phản ứng ra sao, thì việc làm khôn ngoan nhất chỉ đơn giản là suy ngẫm về nó trong lòng (xem Lu-ca 2:19).

Thế nhưng, một lần nữa, Giô-sép lại nói với cả gia đình mình. Các anh trai của ông càng ganh ghét ông hơn nữa (Sáng thế ký 37:11). Họ đã âm mưu giết ông (c.18). Giô-sép bị bán cho người Ma-đi-an. Sau đó họ bán ông cho Phô-ti-pha ở Ai Cập, là quan chỉ huy vệ binh của Pha-ra-ôn, (c.36). Giô-sép ở dưới quyền một vị vua khác của Ai Cập.

Chỉ vì vô tình nói với các anh về giấc mộng của mình mà Giô-sép đã phải trải qua những năm tháng đầy gian khổ và khó khăn. Đức Chúa Trời đã sử dụng tất cả những điều này để nuôi dưỡng tính cách của ông và chuẩn bị ông cho những công việc lớn lao trong cuộc đời.

Vương quyền mà chúng ta đọc trong Cựu Ước là sự tiên đoán về vương quốc của Đức Chúa Trời trong Tân Ước. Trong phân đoạn hôm nay, chúng ta thấy được nhiều kiểu cai trị của loài người - từ các vị vua và thủ lĩnh của Ê-đôm (36: 31–43), đến Pha-ra-ôn của Ai Cập (37:36). Một trong những thông điệp quan trọng ở các chương cuối của Sáng thế ký đó là: Đức Chúa Trời là Đấng ở trên hết và Ngài có quyền trên tất cả những người cai trị trên đất này. Điều này đặc biệt nổi bật trong câu chuyện về Giô-sép.

Những tình tiết của câu chuyện đôi khi có vẻ kỳ lạ và ngẫu nhiên. Thế nhưng, xuyên suốt đó, chúng ta được đọc về sự can dự của Đức Chúa Trời (chẳng hạn như trong những giấc mộng của Giô-sép), và cuối cùng, chúng ta nhận ra rằng mọi thứ đều diễn ra theo mục đích của Đức Chúa Trời (50:20).

Giô-sép là một "hình ảnh" của Đấng Christ. Nói cách khác, cuộc đời ông dự báo cuộc đời của Chúa Giê-su (như chúng ta sẽ thấy trong những ngày tới). Nhưng ở đây, chúng ta có thể thấy sự đối lập ngay từ ban đầu. Chúa Giê-xu cũng biết Đức Chúa Trời sẽ sử dụng mình như thế nào, nhưng Ngài rất kín đáo và cẩn thận trong việc chia sẻ về điều đó cho người khác.

Chúng ta cũng thấy trong phân đoạn này bắt đầu có những điểm tương đồng giữa Giô-sép và Chúa Giê-xu. Một ngày nào đó, mọi người sẽ cúi đầu trước Giô-sép (37:7,9), và một ngày nào đó, mọi đầu gối sẽ quỳ xuống trước Vua Giê-su (Phi-líp 2:10; Khải Huyền 19:4,6).

Khi bạn tự nguyện quỳ gối trước Chúa Giê-su, và để Ngài làm vị Vua tối cao trong cuộc đời, bạn sẽ bớt bận tâm đến kết quả của những cuộc đấu tranh quyền lực với những người đang tồn tại trong cuộc đời bạn (ví dụ như với thầy cô, sếp và chính quyền nhà nước).

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giê-su, là Vua trên muôn mua, con tạ ơn Ngài vì khi bước theo Ngài, con được ở dưới quyền cai trị của Ngài. Nay con quỳ gối trước Ngài và xưng nhận Ngài là Chúa. Xin Vương quốc Cha được đến.

Pippa chia sẻ

Sáng Thế Ký 36:1-37:36

Jacob có thể có một bản của Quyển sách Nuôi dạy con cái. Trong đó có nói đến những rắc rối do con trẻ gây ra. Nhưng Đức Chúa Trời sử dụng ngay cả những sai lầm của chúng ta cho mục đích của Ngài.

reader

App

Tải xuống ứng dụng Kinh Thánh Trong Một Năm dành cho thiết bị iOS hoặc Android và đọc theo mỗi ngày.

reader

Email

Đăng ký ngay bây giờ để nhận Kinh thánh trong một năm trong hộp thư đến của bạn mỗi sáng. Bạn sẽ nhận được một email mỗi ngày.

reader

Website

Bắt đầu đọc sự tận tâm của ngày hôm nay ngay tại đây trên trang web BiOY.

Read now
reader

Book

Kinh thánh trong một năm bình luận có sẵn như là một cuốn sách.

Tham khảo

The One Year® is a registered trademark of Tyndale House Publishers. Used by permission.

Alexandre Dumas, The Count of Monte Cristo, (Wordsworth editions, 1997).

R.T. Kendall, Total Forgiveness, (Hodder & Stoughton, 2003)

Unless otherwise stated, Scripture quotations taken from the Holy Bible, New International Version Anglicised, Copyright © 1979, 1984, 2011 Biblica, formerly International Bible Society. Used by permission of Hodder & Stoughton Publishers, an Hachette UK company. All rights reserved. ‘NIV’ is a registered trademark of Biblica. UK trademark number 1448790.

Scripture quotations marked (AMP) taken from the Amplified® Bible, Copyright © 1954, 1958, 1962, 1964, 1965, 1987 by The Lockman Foundation. Used by permission. (www.Lockman.org)

Scripture marked (MSG) taken from The Message. Copyright © 1993, 1994, 1995, 1996, 2000, 2001, 2002. Used by permission of NavPress Publishing Group.

This website stores data such as cookies to enable necessary site functionality and analytics. Find out more