Ngày 20

Cách Điều Hướng Cuộc Đời

Khôn ngoan Châm Ngôn 2:12-22
Tân ước Ma-thi-ơ 14:1-21
Cựu Ước Sáng Thế Ký 40:1-41:40

Giới thiệu

Chiếc xe cũ của chúng tôi có rất nhiều vết xước ở hai bên. Tôi nghĩ hầu hết các vết xước đó đều là "tác phẩm" do tôi gây nên (mặc dù trí nhớ của tôi cũng khá mơ hồ về điều này). Nó là kết quả của việc cố gắng lái qua đoạn lối vào nhỏ hẹp bên trong khuôn viên nhà thờ của chúng tôi.

Sự khôn ngoan được định nghĩa là nghệ thuật điều hướng. Trong cuộc đời, bạn sẽ cần phải điều hướng qua nhiều tình huống khó khăn đòi hỏi sự khôn ngoan để tránh gây tổn hại cho bản thân hoặc người khác.

Khôn ngoan

Châm Ngôn 2:12-22

 12 Để giải thoát con khỏi đường kẻ ác,
  Cứu con khỏi kẻ nói lời gian tà,
 13 Và khỏi kẻ từ bỏ con đường ngay thẳng
  Mà đi theo các lối tối tăm;
 14 Là kẻ vui sướng khi làm điều ác,
  Thích thú sự đồi trụy của kẻ ác.
 15 Chúng quanh co trong các lối đi,
  Và lầm lạc trong các nẻo đường mình.
 16 Sự khôn ngoan cứu con khỏi dâm phụ,
  Là người đàn bà xa lạ buông lời quyến dụ;
 17 Kẻ đã lìa bỏ người bạn đời của tuổi thanh xuân
  Và quên giao ước của Đức Chúa Trời mình;
 18 Vì nhà nó chìm xuống cõi chết,
  Đường lối nó dẫn đến chốn âm ti.
 19 Mọi kẻ đến với nó đều không trở lại,
  Chẳng một ai đạt được con đường sự sống.
 20 Sự khôn ngoan sẽ khiến con đi trong đường người lương thiện
  Và noi theo các lối người công chính.
 21 Vì người ngay thẳng sẽ được định cư trong xứ,
  Và người trọn vẹn sẽ còn ở đó luôn luôn.
 22 Nhưng kẻ gian ác sẽ bị dứt khỏi xứ,
  Kẻ bất trung sẽ bị xua đuổi khỏi quê hương.

Bình luận

Tránh rẽ sai hướng

Bất trung (c.16–18) là một ví dụ về việc rẽ sai hướng. Sự khôn ngoan sẽ "giải thoát con khỏi đường kẻ ác, cứu con khỏi kẻ nói lời gian tà, và khỏi kẻ từ bỏ con đường ngay thẳng mà đi theo các lối tối tăm" (c.12,13). Sự khôn ngoan sẽ ngăn bạn đi chệch hướng. Nó sẽ ngăn bạn "quanh co trong các lối đi, và lầm lạc trong các nẻo đường mình" (c.15). Cái ác có thể trông rất hấp dẫn, nhưng nó lại là con đường gian tà dẫn đến nơi tối tăm.

Hôn nhân là một "giao ước của Đức Chúa Trời" (c.17). "Giao ước" là một từ quan trọng mô tả mối quan hệ của Y-sơ-ra-ên với Đức Chúa Trời - giao ước cũ; còn mối quan hệ của chúng ta với Ngài là theo giao ước mới. Giao ước là một thỏa thuận ràng buộc không được phá vỡ.

Ngoại tình là sai, với cả hai phía. Trong trường hợp này, chính người phụ nữ đã "lìa bỏ người bạn đời của tuổi thanh xuân" và từ đó mà "quên giao ước của Đức Chúa Trời mình" (c.17). Người đàn ông phạm tội ngoại tình với cô cũng đã rơi vào cám dỗ, bị dụ dỗ ra khỏi con đường đúng vào đi vào con đường cuối cùng "dẫn đến chốn âm ti" (c.18).

Sự khôn ngoan sẽ giúp bạn đi đúng đường (c.16a). Nó sẽ khiến bạn "đi trong đường người lương thiện" (c.20). Nó sẽ giúp bạn "noi theo các lối người công chính" (c.21).

Cầu nguyện

Lạy Chúa, xin cho con sự khôn ngoan. Xin Ngài giúp con giữ cuộc đời mình trên đúng con đường dẫn đến sự sống.

Tân ước

Ma-thi-ơ 14:1-21

Sự chết của Giăng Báp-tít

1 Lúc ấy, vua chư hầu Hê-rốt nghe danh tiếng Đức Chúa Jêsus, 2 thì bảo các cận thần rằng: “Đây là Giăng Báp-tít, người từ cõi chết sống lại, nên mới thực hiện được những phép lạ nầy.” 3 Vì Hê-rốt đã bắt, trói và bỏ tù Giăng do việc Hê-rô-đia, vợ Phi-líp, em vua. 4 Bởi Giăng có can vua: “Bệ hạ lấy nàng là điều trái luật pháp.” 5 Dù muốn giết Giăng, nhưng vua lại sợ dân chúng, vì họ đều tin rằng Giăng là một nhà tiên tri.

6 Nhưng, khi đến sinh nhật Hê-rốt, con gái của Hê-rô-đia nhảy múa trước mặt khách dự tiệc, làm hài lòng Hê-rốt, 7 đến nỗi vua thề hứa cho nàng bất cứ điều gì nàng xin. 8 Bị mẹ xúi giục, nàng tâu rằng: “Xin cho con cái đầu của Giăng Báp-tít đặt trên mâm.” 9 Vua lấy làm buồn rầu, nhưng vì đã lỡ thề trước những khách dự tiệc, nên truyền lệnh ban cho nàng. 10 Vua sai người chém đầu Giăng trong ngục, 11 rồi họ để đầu của ông trên mâm, trao cho cô gái ấy, và nàng đem đến cho mẹ mình. 12 Sau đó, các môn đồ của Giăng đến, lấy xác của ông đem chôn, rồi đi báo tin cho Đức Chúa Jêsus.

Đức Chúa Jêsus hóa bánh ra nhiều lần thứ nhất

13 Nghe tin ấy, Đức Chúa Jêsus xuống thuyền, rời chỗ nầy đi đến nơi hoang vắng. Biết vậy, dân chúng từ các thành đi bộ theo Ngài. 14 Vừa ra khỏi thuyền, Đức Chúa Jêsus thấy đoàn dân đông thì cảm thương, và chữa lành cho những người bệnh.

15 Đến chiều tối, các môn đồ đến thưa với Ngài: “Nơi nầy hoang vắng, trời tối rồi, xin Thầy cho dân chúng về để họ vào các làng mua thức ăn.” 16 Đức Chúa Jêsus phán: “Họ không cần phải đi đâu; chính các con hãy cho họ ăn.” 17 Các môn đồ thưa rằng: “Ở đây, chúng con chỉ có năm cái bánh và hai con cá.” 18 Ngài phán: “Hãy đem đến đây cho Ta.” 19 Sau khi truyền cho dân chúng ngồi trên bãi cỏ, Ngài lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời tạ ơn rồi bẻ bánh ra trao cho môn đồ, họ phân phát cho dân chúng. 20 Mọi người đều ăn no nê. Họ thu lại được mười hai giỏ đầy những mẩu bánh thừa. 21 Số người ăn khoảng năm nghìn người, không kể phụ nữ và trẻ em.

Bình luận

Chọn con đường tốt lành

Những thời điểm khó khăn trong cuộc sống có thể khiến bạn đi chệch hướng. Nhưng nếu bạn cứ giữ đúng hướng đi, con đường đó sẽ dẫn bạn đến sự thương xót và khôn ngoan.

Sách Châm Ngôn cho chúng ta biết về sự lựa chọn giữa con đường khôn ngoan và con đường gian ác. Tại đây, chúng ta xem hai con đường này trong thực tế trông như thế nào, qua cuộc đời của Chúa Giê-xu và Hê-rốt.

  1. Con đường của cái ác

\tHê-rốt Chư Hầu là Vua Hê-rốt An-ti-ba (21 TCN - 39 SCN). Đây là người đã từ chối Chúa Giê-xu (khi Phi-lát đưa Chúa Giê-xu đến chỗ Hê-rốt) ngay trước khi Chúa Giê-xu chịu chết (xem Lu-ca 23:8–12).

\tHê-rốt làm điều mà tác giả Châm Ngôn đã cảnh cáo. Ông ngoại tình với Hê-rô-đia, là vợ của em trai mình. Khi phải đối diện với những hành động của mình, ông đã "bắt, trói và bỏ tù" Giăng Báp-tít (Ma-thi-ơ 14:3) vì cảm giác tội lỗi của chính ông.

\tCuộc sống của Hê-rốt dường như chỉ xoay quanh sự thỏa mãn bản thân: ông ta vứt bỏ người vợ này rồi lại lấy một người vợ khác. Ông ta tập trung vào thú vui cá nhân của mình, mà chẳng để tâm đến sự đau khổ mà ông gây ra cho người khác - kể cả em trai của ông, Phi-líp. Hãy cẩn thận nếu bạn xem trọng niềm vui của mình hơn nhu cầu của người khác.

\tNỗi sợ bị từ chối cũng có thể khiến chúng ta gặp rắc rối. Hê-rốt "sợ dân chúng" (c.5) dù ông rất muốn giết Giăng. Ông cũng sợ bị khách dự tiệc từ chối nên đã chấp thuận làm theo mong muốn của con gái Hê-rô-đia đó là lấy cái đầu của Giăng Báp-tít (c.8–10). Đừng để những điều người khác nghĩ về bạn quan trọng hơn những điều đúng đắn.

\tVì Giăng Báp-tít can đảm lên tiếng, thế nên Hê-rốt muốn giết ông (c.4). Trên thực tế, cái ác dường như đã hoành hành trong cả gia đình đó: cháu gái của Hê-rốt, con gái của Hê-rô-đia, đã âm mưu với mẹ để chặt đầu Giăng (c.6–10). Họ đã gắn chặt với điều ác đến nỗi họ thậm chí còn không cảm thấy ghê tởm hay sợ hãi khi nhìn thấy đầu của Giăng Báp-tít được đặt trên mâm (c.11).

  1. Con đường tốt lành

\tChắc hẳn Chúa Giê-xu đã rất bàng hoàng khi nghe tin về cái chết của người anh họ (c.12). Phản ứng của Ngài trước tin dữ này là "rời chỗ nầy đi đến nơi hoang vắng" (c.13). Ngài cần ở riêng với Chúa.

\tTuy nhiên, khi kế hoạch của mình bị gián đoạn, Chúa Giê-xu không cáu gắt (như cách tôi thường làm). Việc lên kế hoạch là tốt; thế nhưng, cũng hãy để cho Đức Chúa Trời làm gián đoạn kế hoạch của bạn. Vì lòng "cảm thương" (c.14), Chúa Giê-xu có sự khôn ngoan không chỉ để "tuỳ cơ ứng biến" mà Ngài còn đáp lại một cách rất tích cực - Ngài "chữa lành cho những người bệnh" (c.14). Sau tất cả những điều đó, Ngài vẫn không tận dụng cơ hội để lánh xa đám đông. Thay vào đó, Ngài còn cho họ ăn - hay nói đúng hơn, Ngài dạy các môn đệ cách để cho dân chúng ăn một cách kỳ diệu (cc.16,19–20). Ngài đã tạo ra chúng.

\tChúng ta thấy sự khôn ngoan phi thường của Chúa Giê-xu khi Ngài điều hướng cả ngày hôm đó. Ngày hôm đó bắt đầu rất tệ, nhưng Chúa Giê-xu đã chữa lành được nhiều người bệnh và phân phát đồ ăn cho "khoảng năm nghìn người, không kể phụ nữ và trẻ em" một cách thần kỳ (c.21). Ngày hôm đó được ghi nhớ trong suốt lịch sử và đã ảnh hưởng đến hàng triệu cuộc đời sau này.

Cầu nguyện

Lạy Chúa, con cầu nguyện rằng những giai đoạn khó khăn trong cuộc đời sẽ không dẫn con rời khỏi hướng đi đúng đắn của Ngài, nhưng sẽ đưa con đến sự thương xót và khôn ngoan hơn nữa.

Cựu Ước

Sáng Thế Ký 40:1-41:40

Giô-sép giải mộng cho hai quan của Pha-ra-ôn

40 Một thời gian sau, quan hầu rượu và quan hầu bánh của vua Ai Cập phạm tội khi quân. 2 Pha-ra-ôn nổi giận với hai vị quan nầy là quan hầu rượu và quan hầu bánh, 3 và giam họ vào ngục, trong dinh của quan chỉ huy vệ binh, là nơi Giô-sép đang bị giam giữ. 4 Quan chỉ huy vệ binh giao cho Giô-sép phục vụ hai quan đó. Họ bị giam giữ một thời gian.

5 Một đêm kia, khi đang bị giam trong ngục, cả quan hầu rượu và quan hầu bánh của vua Ai Cập đều nằm mộng, mỗi người thấy một giấc mộng khác nhau, và có một ý nghĩa riêng. 6 Sáng hôm sau, Giô-sép đến phục vụ họ và thấy họ buồn bã. 7 Chàng hỏi: “Hôm nay sao trông nét mặt hai ông rầu rĩ thế?” 8 Họ nói: “Chúng tôi đã thấy một giấc mộng nhưng không có ai giải thích cả.” Giô-sép nói: “Việc giải mộng chẳng phải thuộc về Đức Chúa Trời sao? Xin hai vị cứ thuật lại các giấc mộng ấy cho tôi đi.”

9 Quan dâng rượu thuật lại giấc mộng của mình cho Giô-sép nghe; ông nói: “Trong giấc mộng, tôi thấy trước mặt mình có một cây nho. 10 Cây nho đó có ba cành. Khi cành vừa đâm chồi thì hoa nở và trở thành các chùm nho chín. 11 Tay tôi đang cầm chén của Pha-ra-ôn. Tôi hái nho, ép nước, đổ vào chén rồi dâng vào tay Pha-ra-ôn.” 12 Giô-sép nói: “Đây là ý nghĩa của giấc mộng: Ba cành nho tức là ba ngày. 13 Trong ba ngày nữa, Pha-ra-ôn sẽ ân xá và phục hồi chức vụ cho ông; ông sẽ dâng rượu vào tay Pha-ra-ôn như trước đây khi còn làm quan dâng rượu. 14 Nhưng khi mọi việc của ông đã tốt đẹp rồi, xin ông nhớ đến tôi, làm ơn tâu với Pha-ra-ôn về trường hợp của tôi, và đem tôi ra khỏi chỗ nầy. 15 Vì thật ra, tôi đã bị người ta bắt cóc đem ra khỏi đất của người Hê-bơ-rơ, và ngay tại đây tôi cũng chẳng làm điều gì đáng để bị giam trong ngục tối nầy.”

16 Quan hầu bánh thấy lời giải thích của Giô-sép tốt đẹp, nên nói: “Tôi cũng có một giấc mộng: tôi thấy mình đội ba giỏ bánh trên đầu. 17 Giỏ trên cùng có đủ các thứ bánh mà thợ làm riêng cho Pha-ra-ôn, nhưng chim đáp xuống ăn hết bánh trong giỏ trên đầu tôi.” 18 Giô-sép nói: “Đây là ý nghĩa của giấc mộng: ba giỏ tức là ba ngày. 19 Trong ba ngày nữa, Pha-ra-ôn sẽ xử trảm ông và treo ông lên cây. Chim chóc sẽ ăn thịt ông.”

20 Đến ngày thứ ba, là sinh nhật của Pha-ra-ôn, vua mở tiệc thết đãi tất cả triều thần, và cho quan hầu rượu và quan hầu bánh ra khỏi ngục. 21 Vua phục hồi chức vụ cho quan hầu rượu và ông được dâng rượu vào tay Pha-ra-ôn. 22 Nhưng vua lại hạ lệnh treo cổ quan hầu bánh, như lời Giô-sép đã giải thích.

23 Quan hầu rượu không nhớ gì đến Giô-sép, ông quên bẵng chàng đi.

Giô-sép giải mộng cho Pha-ra-ôn

41 Hai năm sau, Pha-ra-ôn nằm mộng, thấy mình đứng bên bờ sông Nin. 2 Chợt có bảy con bò đẹp đẽ, béo tốt từ dưới sông đi lên, gặm cỏ trong đám sậy. 3 Tiếp đến lại có bảy con bò khác, xấu xí, gầy guộc từ dưới sông lên theo, đến đứng cạnh bảy con bò kia, trên bờ sông. 4 Bảy con bò xấu xí, gầy guộc ăn thịt bảy con bò đẹp đẽ, béo tốt. Rồi Pha-ra-ôn tỉnh giấc.

5 Vua lại ngủ tiếp và nằm mộng lần thứ nhì. Vua thấy bảy bông lúa chắc hạt và tốt tươi mọc chung trên một cọng lúa. 6 Kế đó, có bảy bông lúa khác, lép hạt và héo úa vì gió đông, mọc theo bảy bông lúa kia. 7 Bảy bông lúa lép hạt nuốt chửng bảy bông lúa chắc hạt. Pha-ra-ôn thức giấc, và thấy đó là một giấc mộng.

8 Sáng hôm sau, tinh thần vua bị xao động, vua truyền gọi tất cả các thuật sĩ và các nhà hiền triết Ai Cập đến. Vua kể lại cho họ giấc mộng của mình, nhưng không một ai giải thích được ý nghĩa của giấc mộng đó cho vua cả.

9 Bấy giờ quan hầu rượu mới tâu với Pha-ra-ôn: “Hôm nay tôi nhớ lại những lầm lỗi của tôi. 10 Trước đây, có lần bệ hạ nổi giận với quần thần, đã giam quan dâng bánh và tôi trong dinh của quan chỉ huy vệ binh. 11 Một đêm kia, ông ấy và tôi cùng nằm mộng, và mỗi giấc mộng có ý nghĩa khác nhau. 12 Cùng bị giam chung với chúng tôi có một thanh niên người Hê-bơ-rơ, nô lệ của quan chỉ huy vệ binh. Chúng tôi đã kể lại cho anh ta giấc mộng của chúng tôi và anh ta đã giải thích ý nghĩa giấc mộng của mỗi người. 13 Rồi mọi việc đã xảy ra đúng như lời anh ta giải thích: Tôi được phục hồi chức vụ, còn quan kia bị treo cổ.”

14 Pha-ra-ôn truyền gọi Giô-sép. Người ta lập tức đưa chàng ra khỏi ngục, cạo mặt mày, thay áo xống, rồi vào chầu Pha-ra-ôn. 15 Pha-ra-ôn nói với Giô-sép: “Trẫm có một giấc mộng mà không ai có thể giải thích được. Trẫm nghe nói rằng ngươi chỉ cần nghe kể lại giấc mộng là có thể giải nghĩa được.” 16 Giô-sép thưa với vua: “Đó chẳng phải hạ thần mà là Đức Chúa Trời sẽ đem lời giải đáp an lành cho bệ hạ.” 17 Pha-ra-ôn nói với Giô-sép: “Nầy, trong giấc mộng trẫm thấy mình đang đứng trên bờ sông. 18 Từ dưới sông có bảy con bò đẹp đẽ, béo tốt đi lên và gặm cỏ trong đám sậy. 19 Rồi lại có bảy con bò khác xấu xí, gầy guộc lên theo. Thật, trẫm chưa từng thấy trong cả xứ Ai Cập nầy có con bò nào xấu xí gầy guộc như vậy bao giờ. 20 Bảy con bò xấu xí gầy guộc đó ăn thịt bảy con bò béo tốt, 21 nuốt chúng vào bụng mà trông như không nuốt, vì các con bò đó vẫn xấu xí gầy guộc như trước. Rồi trẫm tỉnh dậy. 22 Sau đó, trẫm lại thấy một giấc mộng khác, có bảy bông lúa chắc hạt, tốt tươi mọc chung trên một cọng lúa. 23 Rồi lại có bảy bông lúa lép hạt, khô héo, và cháy nám vì gió đông, mọc theo bảy bông lúa kia; 24 và bảy bông lúa lép đó lại nuốt chửng bảy bông lúa chắc hạt. Trẫm đã kể chiêm bao nầy cho các thuật sĩ, nhưng không ai có thể giải thích ý nghĩa cho trẫm được.”

25 Giô-sép tâu với Pha-ra-ôn: “Hai giấc mộng của bệ hạ có cùng một ý nghĩa. Đức Chúa Trời đã báo cho bệ hạ biết trước những việc Ngài sẽ làm. 26 Bảy con bò béo tốt đó là bảy năm, bảy bông lúa chắc hạt đó cũng là bảy năm; hai giấc mộng đó chỉ là một. 27 Bảy con bò xấu xí, gầy guộc đi lên sau bảy con bò kia tức là bảy năm; và bảy bông lúa lép bị héo úa vì gió đông cũng vậy, đó là bảy năm đói kém. 28 Như điều hạ thần đã tâu với bệ hạ: Đức Chúa Trời đã cho bệ hạ thấy những việc Ngài sẽ làm. 29 Khắp Ai Cập sẽ có bảy năm được mùa dư dật. 30 Nhưng tiếp theo bảy năm đó sẽ là bảy năm đói kém. Cả Ai Cập sẽ quên đi tất cả sự sung túc đã có, và nạn đói sẽ làm cho cả xứ kiệt quệ. 31 Vì nạn đói tiếp theo nầy quá nghiêm trọng nên trong xứ sẽ không còn ai biết đến thời kỳ sung túc là gì nữa. 32 Giấc mộng của bệ hạ được lặp lại hai lần có nghĩa là Đức Chúa Trời đã quyết định điều đó rồi, và Ngài sẽ nhanh chóng thực hiện. 33 Vậy bây giờ bệ hạ nên chọn một người thông minh sáng suốt, và lập người ấy cai quản đất nước Ai Cập. 34 Xin bệ hạ tiến hành bổ nhiệm các viên chức trên khắp nước và thu một phần năm sản lượng của xứ trong bảy năm mùa màng sung túc. 35 Xin bệ hạ truyền cho họ thu góp tất cả lương thực của những năm được mùa sắp đến, và cho họ được quyền tồn trữ lúa mì trong các thành để làm lương thực. Họ có nhiệm vụ canh giữ các kho lương thực ấy. 36 Số lương thực nầy là để dự trữ cho bảy năm đói kém sẽ đến trong xứ Ai Cập, nhờ đó xứ nầy không bị tiêu diệt vì nạn đói.”

Giô-sép nắm giữ chức vụ cao tại Ai Cập

37 Lời đề nghị nầy làm hài lòng Pha-ra-ôn và các triều thần. 38 Pha-ra-ôn bàn với các triều thần: “Chúng ta tìm đâu ra một người như người nầy, một người có Thần của Đức Chúa Trời?” 39 Pha-ra-ôn nói với Giô-sép: “Vì Đức Chúa Trời bày tỏ cho ngươi biết tất cả những việc nầy, nên chẳng còn ai khôn ngoan sáng suốt hơn ngươi cả. 40 Vậy, ngươi sẽ cai trị nhà của trẫm, toàn dân của trẫm sẽ phục tùng mệnh lệnh của ngươi. Trẫm lớn hơn ngươi chỉ vì ngai vua mà thôi.”

Bình luận

Vượt qua thử thách trong cuộc sống

Bạn đã bao giờ bị bạn bè từ chối, đối xử bất công, bị thất vọng hay phải chịu đựng cảm giác vô cùng bực bội chưa?

Smith Wigglesworth từng nói: "Đức tin vĩ đại là sản phẩm từ những trận chiến lớn lao. Những lời chứng tuyệt vời là kết quả của những bài kiểm tra cam go. Và những chiến thắng vĩ đại chỉ có thể đến từ những thử thách lớn lao." Chúng ta thấy được điều này qua chính cuộc đời của Giô-sép.

Ở tuổi ba mươi (41:46), Giô-sép được giao cai quản toàn bộ đất nước Ai Cập. Pha-ra-ôn khi ấy tìm kiếm một người khôn ngoan và có kinh nghiệm, và rồi ông nhận ra không có ai đáp ứng đủ tiêu chuẩn bằng Giô-sép cả (c.33,39).

Ban đầu, Giô-sép cũng đã phải trải qua một giai đoạn rất khó khăn. Tất cả đều là một phần trong quá trình tôi luyện nên con người chàng. Chàng đã bị anh em mình chối bỏ, đối xử bất công và bị tống vào lao tù. Vậy mà sự đau khổ của chàng vẫn chưa có hồi kết.

Chúa đã cho chàng biết cách giải nghĩa giấc mộng của các bạn tù của chàng, là quan hầu rượu và quan hầu bánh. Chàng đã giải nghĩa những giấc mộng đó một cách rõ ràng và chính xác. Quan hầu bánh bị hành quyết, còn quan hầu rượu được thả và phục hồi chức vụ của mình. Tất cả những gì Giô-sép nhắn nhủ với quan hầu rượu là khi ông được thả, mong ông tâu với Pha-ra-ôn về trường hợp của chàng và đưa chàng ra khỏi tù (40:14).

Tuy nhiên, quan hậu rượu đã bẵng về Giô-sép (c.23). Điều này chắc hẳn là rất khó khăn và nản lòng đối với Giô-sép. Thật không dễ khi bị bạn bè làm cho thất vọng. Trong trường hợp của Giô-sép, điều đó đồng nghĩa với việc tiếp tục sống mòn mỏi nơi ngục tối trong vòng hai năm nữa (41:1).

Nhà tù hẳn là một nơi cực kỳ khó chịu đối với một người tài năng như Giô-sép. Khi ấy chàng chỉ đang ở độ tuổi đôi mươi, là thời kỳ đỉnh cao của cuộc đời. Chàng không biết liệu mình có được trả tự do hay không. Bản thân tôi không phải một người kiên nhẫn. Tôi nghĩ mình sẽ phát điên lên vì tuyệt vọng.

Thế nhưng, trên thực tế, Đức Chúa Trời đang chuẩn bị Giô-sép cho một điều lớn lao trong tương lai. Có lẽ ngay tại thời điểm đó, không dễ để nhận ra điều đó. Thông qua việc lo cho các bạn tù nơi ngục tối ăn uống, Đức Chúa Trời đã chuẩn bị Giô-sép để sau này, chàng có thể nuôi và cung cấp thức ăn cho các dân tộc từ nơi cung điện.

Cuối cùng, khi Pha-ra-ôn có những giấc mộng không thể giải nghĩa được, quan hầu rượu đã nói: "Hôm nay tôi nhớ lại những lầm lỗi của tôi" (c.9). Giô-sép được gọi đến để giải thích ý nghĩa những giấc mơ của Pha-ra-ôn.

Giô-sép nói: "Đó chẳng phải hạ thần mà là Đức Chúa Trời sẽ đem lời giải đáp an lành cho bệ hạ" (c.16). Chúng ta thấy Giô-sép đã có sự khôn ngoan hơn như thế nào. Sự tự tin và vênh váo của tuổi trẻ đã được thay bằng sự tin cậy nơi Đức Chúa Trời. Hành động của chàng hàm chứa một sự kết hợp lạ thường giữa sự khiêm tốn và tự tin (là hai phẩm chất thường không đi đôi với nhau). Đây là sự khiêm tốn và tự tin mà chúng ta cần khi đối mặt với những thử thách của cuộc sống: "Đó chẳng phải [tôi]... mà là Đức Chúa Trời".

Giô-sép giải thích những giấc mơ của Pha-ra-ôn (c.25–32) và cho vua biết vua nên đáp lại chúng như thế nào (c.33–36). Ngay cả Pha-ra-ôn cũng nhận ra sự khôn ngoan tuyệt vời đã được phát triển bên trong Giô-sép. Vua hỏi các quan chức của mình: "Chúng ta tìm đâu ra một người như người nầy, một người có Thần của Đức Chúa Trời?" (C.38). Vì nhận ra rằng không có ai "không ngoan" và "sáng suốt" như Giô-sép, Pha-ra-ôn đã giao cho chàng cai quản toàn bộ đế chế của mình (c.39–40).

Qua tất cả những đau khổ, thử thách và hoạn nạn của bạn, Đức Chúa Trời cũng đang chuẩn bị bạn. Giô-sép đã trưởng thành trong sự khôn ngoan. Kết quả là chàng đã đưa ra một kế hoạch để giúp mọi người vượt qua thời kỳ khủng hoảng và suy thoái kinh tế. Do hậu quả của đại dịch toàn cầu, nhiều người trong chúng ta phải đối mặt với nhiều sự khó khăn về kinh tế ngay lúc này. Sự giúp đỡ và khôn ngoan của Đức Chúa Trời không phải lúc nào cũng là để thay đổi tình hình, nhưng nó sẽ giúp bạn vượt qua được những khó khăn bạn phải đối diện.

Cầu nguyện

Lạy Chúa, tạ ơn Chúa vì cách Ngài sử dụng những thời điểm khó khăn trong cuộc đời con, để giúp con trưởng thành hơn về trí tuệ, tin chắc vào Ngài và vượt qua được những thử thách của cuộc sống.

Pippa chia sẻ

Sáng Thế Ký 40

Tôi rất ấn tượng về Giô-sép. Ngoài tính cách hơi kiêu căng khi còn nhỏ - lỗi do cha của chàng đã quá nuông chiều chàng - thì Giô-sép không có gì đáng chê trách cả. À, có lẽ Giô-sép cần thêm một chút khéo léo khi nói chuyện với quan hầu bánh!

Bất kể mọi điều sai trái của người khác đã làm với mình, Giô-sép vẫn không có một chút cay đắng hay nghi ngờ nào đối với Đức Chúa Trời. Giô-sép tôn trọng Pha-ra-ôn, nhưng chàng cũng nói rõ rằng chính Đức Chúa Trời, không phải chàng, là người giải thích ý nghĩa của những giấc mộng. Sự khoe khoang ngày trước của chàng đã qua đi và nay, mọi vinh quang đều thuộc về Đức Chúa Trời. Chàng thậm chí không cố gắng nài nỉ để được thả ra khỏi tù. Không gì ngạc nhiên khi Pha-ra-ôn rất ấn tượng về chàng. Giờ đây, Giô-sép đứng trước vua một cách khiêm tốn, tự tin và sẵn sàng để được Đức Chúa Trời sử dụng.

reader

App

Tải xuống ứng dụng Kinh Thánh Trong Một Năm dành cho thiết bị iOS hoặc Android và đọc theo mỗi ngày.

reader

Email

Đăng ký ngay bây giờ để nhận Kinh thánh trong một năm trong hộp thư đến của bạn mỗi sáng. Bạn sẽ nhận được một email mỗi ngày.

Sign up now
reader

Website

Bắt đầu đọc sự tận tâm của ngày hôm nay ngay tại đây trên trang web BiOY.

Read now
reader

Book

Kinh thánh trong một năm bình luận có sẵn như là một cuốn sách.

Tham khảo

The One Year® is a registered trademark of Tyndale House Publishers. Used by permission.

Alexandre Dumas, The Count of Monte Cristo, (Wordsworth editions, 1997).

R.T. Kendall, Total Forgiveness, (Hodder & Stoughton, 2003)

Unless otherwise stated, Scripture quotations taken from the Holy Bible, New International Version Anglicised, Copyright © 1979, 1984, 2011 Biblica, formerly International Bible Society. Used by permission of Hodder & Stoughton Publishers, an Hachette UK company. All rights reserved. ‘NIV’ is a registered trademark of Biblica. UK trademark number 1448790.

Scripture quotations marked (AMP) taken from the Amplified® Bible, Copyright © 1954, 1958, 1962, 1964, 1965, 1987 by The Lockman Foundation. Used by permission. (www.Lockman.org)

Scripture marked (MSG) taken from The Message. Copyright © 1993, 1994, 1995, 1996, 2000, 2001, 2002. Used by permission of NavPress Publishing Group.

This website stores data such as cookies to enable necessary site functionality and analytics. Find out more