"Đức Chúa Trời định cho nó thành điều lành"
Giới thiệu
Vào năm 1947, có một chàng thanh niên người New York tên là Glenn Chambers, với ước ao được hầu việc Chúa tại Ecuador. Vào ngày khởi hành, khi đang ở sân bay, anh muốn gửi cho mẹ mình một lá thư nhưng lại không có đủ thời gian để mua bưu thiếp. Anh vô tình thấy một mảnh giấy trên sàn nên đã nhặt nó lên. Hóa ra đó là một tờ quảng cáo với chi chít những dòng chữ "Tại sao?". Anh viết vội lời nhắn của mình quanh dòng chữ "Tại sao?" và gửi nó vào hộp thư. Đêm hôm đó, chiếc máy bay của anh đã bị nổ tung khi va chạm với đỉnh El Tablazo cao khoảng 4300m tại Colombia. Sau khi nghe tin về sự ra đi của anh, mẹ anh cũng đã nhận được lá thư anh gửi cho bà. Nhìn vào trang giấy ấy, câu hỏi hiện lên như muốn thiêu đốt bà vậy... "Tại sao?" Tại sao Chúa không ngăn chặn đại dịch toàn cầu này?
Tại sao Đức Chúa Trời lại cho phép sự đau khổ đó diễn ra?¹ Câu hỏi này chính là thách thức lớn nhất đối với niềm tin Cơ Đốc. Mức độ đau khổ và tần suất xuất hiện của nó dường như là ngẫu nhiên và không công bằng. Nó khiến chúng ta cảm thấy phẫn nộ và hoang mang.
Các nhà thần học và triết học đã vất vả suốt hàng thế kỷ để tìm hiểu về bí ẩn đằng sau những sự đau khổ không đáng có đó, nhưng chưa ai tìm ra được một giải pháp nào đơn giản và hoàn chỉnh cả. Các phân đoạn Kinh Thánh chúng ta đọc hôm nay và ngày mai chỉ là một phần của câu trả lời, và mỗi phân đoạn sẽ cho chúng ta biết thêm một ít về vấn đề này.
Chúng ta thấy rằng mặc dù bản thân sự đau khổ không phải là tốt, nhưng bằng nhiều cách khác nhau, Đức Chúa Trời vẫn có thể sử dụng nó cho mục đích tốt lành của Ngài. Chúa yêu bạn. Sự đau khổ của bạn cũng chính là sự đau khổ của Ngài. Ngài đồng hành cùng bạn qua những đau khổ đó. Tuy nhiên, không phải lúc nào Ngài cũng dẹp bỏ mọi đau khổ ra khỏi cuộc sống của bạn; mà đôi khi, Ngài sử dụng chính những điều tồi tệ đã xảy ra để làm thành mục đích tốt lành của Ngài.
Thi Thiên 15:1-5
Đức hạnh của người được ở Si-ôn
Thi Thiên của Đa-vít
1 Lạy Đức Giê-hô-va, ai sẽ được ngụ trong đền tạm Ngài?
Ai sẽ được ở trên núi thánh Ngài?
2 Đó là người bước đi ngay thẳng, làm điều công chính,
Và nói lời chân thật từ trong lòng mình;
3 Người có lưỡi không nói hành,
Chẳng làm hại bạn hữu,
Cũng không gieo sỉ nhục cho người lân cận mình;
4 Người khinh dể kẻ gian ác,
Nhưng tôn trọng người kính sợ Đức Giê-hô-va;
Người đã thề nguyện
Dù phải tổn hại vẫn không thay đổi;
5 Người không cho vay lấy lãi,
Chẳng nhận hối lộ để hại người vô tội.
Người nào làm các điều ấy
Sẽ không hề bị rúng động.
Bình luận
Chúa dùng sự đau khổ để biến đổi bạn
Trong cuộc sống, đã bao giờ bạn cảm thấy rúng động bởi một hoàn cảnh nào đó? Đã bao giờ bạn cảm thấy lạc lõng và dường như muốn bỏ cuộc?
Chương Thi Thiên hôm nay là một lời nhắc nhở rằng bạn cần trở nên "không hề bị rúng động" (c.5) ngay cả trong những lúc khổ đau. Đa-vít đã mô tả lối sống mà Đức Chúa Trời muốn bạn hướng theo. Những chỉ dẫn mà Đa-vít đã đưa ra có thể là nơi để bạn bám vào trong giai đoạn khó khăn của mình:
- Hãy làm điều đúng đắn
"Bước đi ngay thẳng, làm điều công chính" (c.2a).
- Hãy nói lời chân thật
"Nói lời chân thật từ trong lòng mình" (c.2b).
- Đừng buôn chuyện
Đừng để lưỡi mình "nói hành" (c.3).
- Đừng làm tổn thương người lân cận
Chớ "làm hại bạn hữu" (c.3).
- Hãy giữ lời hứa
Giữ lời hứa của bạn "dù phải tổn hại" (c.4b). Điều này đồng nghĩa với việc bạn nên làm những gì mình đã cam kết trước đó, ngay cả khi nó không phù hợp với bạn (một thách thức đặc biệt đối với thế hệ của chúng ta, khi một dòng tin nhắn đơn giản có thể phá vỡ một thỏa thuận bất cứ lúc nào).
- Hãy hào phóng
Nếu bạn cho mượn tiền, đừng lấy lãi (v.5a).
- Hãy trung thực
Đừng bao giờ "nhận hối lộ" (c.5b).
Khi con người của chúng ta được biến đổi theo các hướng này, thì những sự khó khăn và đau khổ sẽ ít ảnh hưởng tiêu cực đến chúng ta hơn. Như Đa-vít đã viết: "Người nào làm các điều ấy sẽ không hề bị rúng động" (c.5c) và bạn sẽ "được ngụ trong đền tạm Ngài" (c.1a).
Sự đau khổ giúp hình thành nên con người bạn, và từ quá trình đó, bạn được nhận biết niềm hy vọng vững chắc nơi Chúa và kinh nghiệm về tình yêu của Ngài (Rô-ma 5:3–5). Niềm hy vọng và tình yêu thương là hai nguồn sức mạnh vững chãi và vĩ đại nhất mà bạn có thể nương dựa mỗi khi đối diện với khó khăn và đau khổ.
Cầu nguyện
Lạy Chúa, cảm ơn Chúa vì Ngài đã chấp nhận chính con người của con, nhưng Ngài không muốn con mãi như vậy, Ngài muốn con được tốt hơn. Xin giúp con sống một đời sống thánh khiết. Xin giúp con nhìn nhận những thử thách và khó khăn như một phần của quá trình hình thành nên nhân cách và con người của con.
Ma-thi-ơ 17:14-18:9
Đức Chúa Jêsus chữa lành cậu bé bị quỷ ám
17 Khi Đức Chúa Jêsus và các môn đồ trở lại với đoàn dân thì có một người đến, quỳ trước mặt Ngài, thưa rằng: 15 “Lạy Chúa xin thương xót đến con trai tôi! Cháu bị bệnh kinh phong, đau đớn lắm; cháu thường bị ngã vào lửa, và cũng thường ngã xuống nước. 16 Tôi đã đem cháu đến cho môn đồ Ngài, nhưng họ không chữa được.” 17 Đức Chúa Jêsus đáp: “Hỡi thế hệ vô tín và ngoan cố kia, Ta sẽ ở với các ngươi cho đến chừng nào? Ta sẽ chịu đựng các ngươi cho đến bao giờ? Hãy đem đứa bé lại đây cho Ta.” 18 Đức Chúa Jêsus quở trách quỷ, và nó liền ra khỏi đứa bé; ngay lúc ấy, đứa bé được lành.
19 Các môn đồ đến gặp riêng Đức Chúa Jêsus và thưa rằng: “Vì sao chúng con không đuổi quỷ ấy được?” 20 Ngài đáp: “Vì các con ít đức tin. Ta nói rõ với các con: Nếu các con có đức tin chỉ bằng một hạt cải thì các con có thể bảo hòn núi nầy rằng: ‘Hãy dời từ đây qua đó’ thì nó sẽ dời; và chẳng có điều gì các con không làm được!”
Đức Chúa Jêsus lại báo trước về sự chết và sống lại của Ngài
22 Khi các môn đồ họp lại tại miền Ga-li-lê, Đức Chúa Jêsus phán với họ rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta. 23 Họ sẽ giết Ngài, nhưng đến ngày thứ ba, Ngài sẽ sống lại.” Các môn đồ vô cùng đau buồn.
Đức Chúa Jêsus nộp thuế
24 Khi đến thành Ca-bê-na-um, những người thu thuế đền thờ đến hỏi Phi-e-rơ: “Thầy các anh có nộp thuế không?” 25 Phi-e-rơ đáp: “Có.” Khi Phi-e-rơ vào nhà, Đức Chúa Jêsus hỏi người trước: “Si-môn ơi, con nghĩ sao? Các vua thế gian bắt ai làm sưu, đóng thuế? Các con trai mình hay người ngoài?” 26 Phi-e-rơ thưa: “Người ngoài.” Ngài phán rằng: “Vậy thì các con trai được miễn. 27 Nhưng để khỏi tạo cớ vấp phạm cho họ, con hãy ra biển câu cá, bắt lấy con cá nào mắc câu đầu tiên, mở miệng nó ra, sẽ thấy một đồng bạc. Hãy lấy đồng bạc ấy đóng thuế cho Ta với con!”
Sự cao trọng thật
18 Lúc ấy các môn đồ đến hỏi Đức Chúa Jêsus rằng: “Ai là người cao trọng hơn hết trong vương quốc thiên đàng?” 2 Ngài gọi một đứa trẻ đến, để đứng giữa các môn đồ 3 và phán: “Thật, Ta bảo các con, nếu các con không biến đổi và trở nên như con trẻ, các con sẽ không bao giờ được vào vương quốc thiên đàng đâu. 4 Vậy, người nào khiêm nhường như đứa trẻ nầy sẽ là người cao trọng hơn hết trong vương quốc thiên đàng. 5 Còn ai vì danh Ta tiếp một đứa trẻ như thế nầy tức là tiếp Ta; 6 nhưng ai gây cho một trong những đứa trẻ đã tin Ta sa vào tội lỗi thì thà buộc cối đá vào cổ người ấy, mà ném xuống biển sâu còn hơn.”
Tội gây vấp phạm
7 “Khốn thay cho thế gian về những điều gây cho vấp phạm! Vì những điều gây cho vấp phạm tất nhiên phải có, nhưng khốn thay cho ai là kẻ gây vấp phạm! 8 Nếu tay hay chân con gây cho con phạm tội, hãy chặt và ném nó đi! Vì thà con què chân hay cụt tay mà vào sự sống, còn hơn là đủ cả hai tay, hai chân mà bị ném vào lửa đời đời. 9 Còn nếu mắt con gây cho con phạm tội, hãy móc và ném nó đi! Vì thà con chột mắt mà vào sự sống, còn hơn đủ cả hai mắt mà bị ném vào lửa hỏa ngục.”
Bình luận
Chúa dùng sự đau khổ để cứu bạn
Chúa Giê-su đã đến để chịu sự đau khổ (17:22–23); để rồi cuối cùng Ngài xóa bỏ mọi đau khổ, qua thập tự giá và sự phục sinh của Ngài.
Trọng tâm của toàn cõi vũ trụ chính là sự thương khó của Chúa Giê-su trên thập tự giá: "'Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta. Họ sẽ giết Ngài, nhưng đến ngày thứ ba, Ngài sẽ sống lại.' Các môn đồ vô cùng đau buồn" (cc.22–23). Họ không hiểu được rẳng những dự định của con người (và tất cả các quyền lực ma quỷ) là vì sự dữ, còn dự định của Đức Chúa Trời là vì sự tốt lành - đó là nhiều sinh mạng sẽ được cứu.
Đức Chúa Trời có thể dùng tội ác lớn nhất (giết Con của Đức Chúa Trời) cho sự tốt lành cao cả nhất của Ngài (sự cứu rỗi cho toàn nhân loại).
Việc cậu bé bị động kinh được chữa lành (c.18) là lời tiên báo về một thời kỳ không còn bệnh tật hay khổ đau. Sự chết và sự phục sinh của Chúa Giê-su mang ý nghĩa rằng không một ai cần phải "bị ném vào lửa hỏa ngục" nữa (18:9).
Vậy bạn nên phản hồi như thế nào?
- Hãy có đức tin
Trong phân đoạn này, chúng ta thấy sự đau đớn khủng khiếp (17:15) của một đứa trẻ bị bệnh và chính điều đó gây nên sự đau khổ tột cùng cho người cha. Trong tình huống này, các môn đồ không thể chữa lành cho đứa trẻ là do họ thiếu đức tin (mặc dù điều này không phải lúc nào cũng đúng - có những người đã cầu xin sự chữa lành bằng một đức tin to lớn, nhưng không nhận được kết quả rõ ràng). Chúa Giê-su nói rằng nếu bạn có đức tin, dù là nhỏ bé, thì bạn vẫn có thể dời núi được. "Chẳng có điều gì các con không làm được" (c.20).
- Đừng gây cớ vấp phạm
Chúa Giê-su giải thích rằng mặc dù đáng ra, Ngài không cần phải nộp thuế cho đền thờ (nhà của Đức Chúa Trời) vì Ngài là Con của Đức Chúa Trời, nhưng Ngài vẫn dùng một cách rất kỳ diệu để nộp thuế cho Ngài và Phi-e-rơ, "để khỏi tạo cớ vấp phạm cho họ" (c.27). Mặc dù Chúa Giê-su không cần làm điều đó, nhưng Ngài không muốn gây cớ vấp phạm cho người khác.
- Hãy khiêm nhường
Trong vương quốc thiên đàng, sự cao trọng không được đo bằng thành tựu; mà là ở thái độ khiêm nhường như một đứa trẻ (18:4).
- Dứt khoát
Chúa Giê-su muốn chúng ta loại bỏ tội lỗi ra khỏi cuộc sống của mình một cách dứt khoát và triệt để (c.7–9).
Cầu nguyện
Lạy Chúa, cảm ơn Ngài vì trọng tâm của toàn cõi vũ trụ nằm ở việc Ngài biến điều ác trở nên điều tốt lành. Con xin đặt trọn niềm tin nơi Ngài. Con nương dựa nơi Ngài.
Sáng Thế Ký 49:1-50:26
Lời chúc phước cuối cùng của Gia-cốp cho các con trai
49 Gia-cốp gọi các con trai lại và nói: “Hãy tụ họp lại đây, cha sẽ nói những điều sẽ xảy đến cho các con trong tương lai.
2 Hỡi các con trai Gia-cốp, hãy tụ họp lại và nghe;
Lắng nghe Y-sơ-ra-ên, cha các con:
3 Hỡi Ru-bên! Con trưởng nam của cha,
Là sức mạnh của cha, và là bông trái đầu tiên của sinh lực cha,
Vốn có địa vị cao trọng và quyền hạn tột đỉnh;
4 Cuồn cuộn như nước lũ, nên con chẳng hơn ai,
Vì con đã lên giường cha
Làm cho giường cha ô uế!
5 Si-mê-ôn và Lê-vi là anh em.
Thanh gươm của chúng là khí giới bạo tàn.
6 Cầu cho tâm hồn cha không thông đồng với chúng,
Linh hồn cha chẳng kết giao với chúng;
Vì trong cơn giận dữ chúng đã giết người,
Trong lúc ngông cuồng chúng cắt nhượng bò đực.
7 Đáng nguyền rủa cho cơn giận của chúng, vì nó quá hung hãn!
Đáng nguyền rủa cho cơn phẫn nộ của chúng, vì nó quá bạo tàn!
Cha sẽ tách chúng ra trong nhà Gia-cốp,
Và phân tán chúng trong dân Y-sơ-ra-ên.
8 Giu-đa! Các anh em sẽ ca tụng con,
Tay con sẽ nắm cổ quân thù,
Các con trai cha sẽ quỳ lạy trước mặt con.
9 Giu-đa! Con là một sư tử tơ;
Con ơi! Săn được mồi con lại trở về.
Nó quỳ xuống, nằm rình như sư tử đực,
Và giống sư tử cái. Ai dám quấy rầy nó?
10 Vương trượng chẳng rời xa Giu-đa,
Cây gậy chỉ huy không cách xa chân nó,
Cho đến khi Đấng Si-lô đến,
Và các dân vâng phục Đấng đó.
11 Người buộc lừa tơ mình vào gốc nho,
Và lừa con vào cành nho tươi tốt nhất.
Người sẽ giặt y phục trong rượu nho,
Và áo mình trong huyết nho.
12 Mắt người đỏ hơn rượu,
Răng người trắng hơn sữa.
13 Sa-bu-lôn sẽ sống cạnh bờ biển,
Nơi ẩn náu cho tàu bè;
Bờ cõi nó chạy về hướng Si-đôn.
14 Y-sa-ca là một con lừa mạnh mẽ,
Nằm nghỉ giữa chuồng;
15 Thấy rằng nơi nghỉ ngơi thật là thoải mái,
Và đất đai thật đáng yêu.
Nên đã nghiêng vai gánh vác,
Và lao động khổ sai như nô lệ.
16 Đan sẽ xét xử dân mình,
Như một trong các bộ tộc Y-sơ-ra-ên.
17 Đan sẽ là một con rắn bên đường,
Một con rắn độc trên lối đi,
Cắn gót chân ngựa,
Khiến người cưỡi ngựa phải té nhào.
18 Lạy Đức Giê-hô-va! Con trông chờ ơn cứu rỗi của Ngài!
19 Gát sẽ bị một toán quân tấn công,
Nhưng nó sẽ phản công và rượt đuổi chúng.
20 A-se có thức ăn bổ béo,
Nó sẽ cung cấp cao lương mỹ vị cho vua.
21 Nép-ta-li là nai cái thả chuồng
Sinh ra những chú nai con xinh đẹp.
22 Giô-sép là cành cây trĩu quả,
Cành cây trĩu quả bên bờ suối;
Nhánh nó phủ trên tường.
23 Những kẻ cầm cung đã tấn công nó mãnh liệt
Bắn tên và áp đảo nó.
24 Nhưng nhờ tay Đấng Quyền Năng của Gia-cốp,
Mà cung nó vẫn vững bền;
Nhờ Đấng Chăn Chiên, là Vầng Đá của Y-sơ-ra-ên,
Mà đôi tay nó vẫn lẹ làng.
25 Đức Chúa Trời của cha sẽ giúp đỡ con;
Đấng Toàn Năng sẽ ban phước cho con,
Tức là phước lành từ trời cao sa xuống,
Cùng phước lành từ vực thẳm dâng lên,
Phước lành của vú mẹ và dạ con.
26 Phước lành cha chúc cho con
Trổi hơn các phước lành của tổ phụ chúc cho cha,
Vượt trên các đỉnh núi từ nghìn xưa.
Nguyện các phước lành nầy ngự trên đầu Giô-sép,
Trên trán của ông hoàng giữa các anh em mình.
27 Bên-gia-min là một con sói ưa cấu xé;
Buổi sáng nó vồ lấy con mồi,
Buổi chiều nó chia phần mồi đã săn được.”
28 Đó là mười hai bộ tộc Y-sơ-ra-ên và những gì người cha đã nói với họ khi ông chúc phước cho họ, mỗi người một lời chúc phước riêng biệt.
Gia-cốp qua đời
29 Sau đó ông dặn bảo các con: “Cha sắp về sum họp với tổ tiên. Các con hãy chôn cất cha cạnh các tổ phụ, trong hang đá ở cánh đồng của Ép-rôn, người Hê-tít, 30 tức là hang đá trong cánh đồng Mặc-bê-la, gần Mam-rê, thuộc xứ Ca-na-an mà Áp-ra-ham đã mua của Ép-rôn, người Hê-tít, để làm nơi an táng. 31 Ở đó, người ta đã chôn Áp-ra-ham và vợ là Sa-ra, Y-sác và vợ là Rê-bê-ca, và cũng tại đó cha đã chôn Lê-a. 32 Cánh đồng và hang đá trong đó đã được mua lại từ gia tộc Hếch.”
33 Vừa dứt lời trăn trối với các con, Gia-cốp rút chân lên giường, rồi trút hơi thở cuối cùng, và được về sum họp với tổ tiên.
Tang lễ của Gia-cốp
50 Giô-sép cúi xuống mặt cha, vừa hôn vừa khóc. 2 Giô-sép truyền lệnh cho các thầy thuốc đang phục vụ ông, dùng thuốc thơm ướp xác cha mình, và các thầy thuốc đã ướp xác Y-sơ-ra-ên. 3 Họ phải thực hiện việc nầy trong suốt bốn mươi ngày, vì đó là thời gian cần cho việc ướp xác. Dân Ai Cập để tang Gia-cốp trong bảy mươi ngày.
4 Khi những ngày tang chế đã qua, Giô-sép nói với các triều thần Pha-ra-ôn: “Nếu tôi được ơn trước mặt các ông, xin các ông tâu với Pha-ra-ôn như thế nầy: 5 Cha tôi đã bắt tôi thề rằng: ‘Nầy, cha sắp chết. Con hãy chôn cha trong phần mộ mà cha đã đục sẵn ở Ca-na-an.’ Vậy bây giờ, xin cho tôi lên đó chôn cha tôi, rồi tôi sẽ trở lại.” 6 Pha-ra-ôn bảo: “Ngươi hãy lên chôn cha ngươi như lời cụ đã bắt ngươi thề.”
7 Vậy, Giô-sép lên Ca-na-an để an táng cha. Cùng đi với ông có tất cả các triều thần Pha-ra-ôn, các trưởng lão trong triều, các trưởng lão trong xứ Ai Cập, 8 cũng như tất cả người nhà, các anh em và những thân quyến của cha ông. Trong đất Gô-sen chỉ còn lại trẻ con và chiên, bò của họ mà thôi. 9 Ngoài ra còn có chiến xa và kỵ binh hộ tống. Thật là một đoàn người rất đông. 10 Khi đến sân đập lúa của A-tát, ở phía đông sông Giô-đanh, họ cử hành một tang lễ rất long trọng và xúc động. Giô-sép để tang cha trong bảy ngày. 11 Dân địa phương, tức là người Ca-na-an thấy đám tang trong sân đập lúa A-tát, thì nói: “Đây là một đám tang long trọng của người Ai Cập.” Vì vậy người ta gọi nơi nầy là A-bên Mích-ra-im, ở phía đông sông Giô-đanh.
12 Vậy, các con trai Gia-cốp đã làm theo lời trăn trối của cha. 13 Họ đưa ông về xứ Ca-na-an, chôn trong hang đá ở cánh đồng Mặc-bê-la, gần Mam-rê, mà Áp-ra-ham đã mua của Ép-rôn, người Hê-tít, để làm nơi an táng. 14 Sau khi chôn cất cha, Giô-sép và các anh em cùng những người đưa tang trở về Ai Cập.
Giô-sép trấn an các anh
15 Các anh Giô-sép thấy cha mình chết thì nói với nhau: “Nếu Giô-sép còn giữ lòng thù hận và báo thù chúng ta về những việc ác mà chúng ta đã làm cho nó thì sao?” 16 Họ sai người đến nói với Giô-sép: “Trước khi qua đời, cha em có truyền dặn rằng: 17 ‘Các con hãy nói với Giô-sép thế nầy: Xin con hãy tha thứ lỗi lầm và điều ác mà các anh con đã phạm khi muốn làm hại con.’ Vậy, bây giờ xin em hãy tha tội cho các đầy tớ của Đức Chúa Trời của cha.” Khi nghe những lời nầy, Giô-sép khóc. 18 Các anh của ông đích thân đến quỳ trước mặt ông và nói: “Nầy, các anh chỉ là nô lệ của em.” 19 Giô-sép nói với họ: “Các anh đừng sợ! Tôi thay thế cho Đức Chúa Trời được sao? 20 Các anh định hại tôi, nhưng Đức Chúa Trời lại định cho nó thành điều lành để thực hiện việc đang xảy ra hôm nay, tức là bảo tồn sự sống cho bao nhiêu người. 21 Vậy, xin các anh đừng sợ, tôi sẽ cấp dưỡng cho các anh và con cái các anh.” Giô-sép an ủi các anh, dùng lời lẽ êm dịu mà nói chuyện với họ.
Giô-sép qua đời
22 Giô-sép và gia đình cha của ông sinh sống ở Ai Cập. Giô-sép sống được một trăm mười tuổi. 23 Ông được thấy con cháu Ép-ra-im đến đời thứ ba, và cả các con của Ma-ki, con của Ma-na-se, cũng được sinh ra trên đầu gối Giô-sép.
24 Giô-sép nói với các anh em: “Tôi sắp qua đời, nhưng chắc chắn Đức Chúa Trời sẽ thăm viếng anh em, đem anh em ra khỏi xứ nầy để trở về xứ mà Ngài đã thề hứa với Áp-ra-ham, Y-sác, và Gia-cốp.” 25 Giô-sép bắt con cháu Y-sơ-ra-ên thề rằng: “Khi Đức Chúa Trời thực sự thăm viếng anh em, thì anh em sẽ đưa hài cốt của tôi ra khỏi xứ nầy.” 26 Vậy Giô-sép qua đời, hưởng thọ được một trăm mười tuổi. Người ta dùng thuốc thơm ướp xác Giô-sép, và liệm trong một quan tài tại Ai Cập.
Bình luận
Chúa dùng sự đau khổ cho mục đích tốt lành của Ngài
Dù người khác - hay thậm chí là ma quỷ - có lập nên bất kỳ điều ác nào để chống lại bạn, thì Đức Chúa Trời vẫn có thể dùng những điều đó cho mục đích tốt lành của Ngài: vì lợi ích của bạn và cả những người được ban ơn qua đời sống và chức vụ của bạn.
Trước khi qua đời, Gia-cốp đã chúc phước cho các con của mình. Ông chúc phước cho Giu-đa được sự chiến thắng, thịnh vượng và lãnh đạo. Giu-đa đã trở thành bộ tộc hùng mạnh nhất phía nam của Y-sơ-ra-ên và, cùng với Đa-vít - là vị vua của cả dân tộc.
Tại đây, chúng ta thấy được một lời tiên tri về Chúa Giê-su: "Vương trượng chẳng rời xa Giu-đa, cây gậy chỉ huy không cách xa chân nó" (49:10). Sau này, chúng ta sẽ đọc đến phân đoạn chỉ về "Một ngôi sao hiện ra từ Gia-cốp, một vương trượng sẽ trỗi dấy từ Y-sơ-ra-ên" (Dân số ký 24:17). Gia-cốp đã sử dụng hình ảnh sư tử (Sáng thế ký 49:9). Chúa Giê-su được nói đến là "Sư tử của bộ tộc Giu-đa, hậu tự của Đa-vít" (Khải Huyền 5:5).
Gia-cốp tiếp tục chúc phước cho Giô-sép rằng ông sẽ là "cành cây trĩu quả" (Sáng thế ký 49:22). Giô-sép đã trải qua muôn vàn khó khăn và khổ sở, nhưng Chúa sử dụng tất cả những điều đó cho ý muốn tốt lành của Ngài. Giô-sép đã thành công vì bàn tay của Đức Chúa Trời ở trên ông và biến điều ác trở nên sự phước lành (50:20).
Khi Gia-cốp qua đời, các anh của Giô-sép đã lo rằng ông sẽ trả thù họ, vì tất cả những điều sai trái họ đã làm với ông (c.15). Nhưng Giô-sép lại nói: ""Các anh đừng sợ! Tôi thay thế cho Đức Chúa Trời được sao? Các anh định hại tôi, nhưng Đức Chúa Trời lại định cho nó thành điều lành để thực hiện việc đang xảy ra hôm nay, tức là bảo tồn sự sống cho bao nhiêu người. Vậy, xin các anh đừng sợ, tôi sẽ cấp dưỡng cho các anh và con cái các anh." Giô-sép an ủi các anh, dùng lời lẽ êm dịu mà nói chuyện với họ" (c.19–21).
R.T. Kendall từng viết: "Khi đó, nếu như Giô-sép được minh oan, thì có lẽ tình cảnh của ông lúc bấy giờ sẽ ổn hơn, nhưng nó sẽ chẳng có ý nghĩa gì cho vương quốc của Đức Chúa Trời. Khi bị đối xử bất công, chúng ta cần nhận biết rằng sự đau khổ của chúng ta có ý nghĩa sâu xa và lớn lao đối với vương quốc vĩ đại của Đức Chúa Trời. Sự đau khổ có thể kéo dài vì một vài lý do mà chúng ta không nhìn thấy được. Đâu ai biết Chúa sẽ làm gì cho cuộc đời bạn khi bạn bị đối xử bất công và ngược đãi như thế."
Hãy nhìn lên cánh tay toàn năng của Chúa trong sự - cả tốt lẫn xấu. Hãy nhìn mọi thứ bằng con mắt của đức tin. Nhận biết mọi điều như một phần trong kế hoạch của Đức Chúa Trời, nhằm mang đến điều tốt lành từ chính những điều ác (như cách Ngài đã làm qua cái chết của Chúa Giê-su trên thập tự giá).
Lời hứa trong Tân Ước đó là Đức Chúa Trời sẽ dùng mọi điều xảy ra với bạn cho mục đích tốt lành của Ngài. Khi bạn đối mặt với những sự thử thách, cám dỗ, tranh chiến và khó khăn, Tân Ước bảo đảm với bạn rằng: "mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho những người được gọi theo ý định của Ngài" (Rô-ma 8:28).
Cầu nguyện
Lạy Chúa, xin giúp con tha thứ cho những người đã làm hại con. Xin giúp con nhìn thấy cánh tay của Ngài trong mọi việc xảy đến với con - bất kể là điều tốt hay xấu. Cảm ơn Chúa vì trong mọi sự, Ngài vẫn mang đến sự tốt lành cho những ai yêu mến Ngài.
Pippa chia sẻ
Ma-thi-ơ 17:20
"... Nếu các con có đức tin chỉ bằng một hạt cải thì các con có thể bảo hòn núi nầy rằng: ‘Hãy dời từ đây qua đó’"
Một hạt cải dường như không phải là quá lớn lao, vậy nên đó là điều hoàn toàn khả thi. Vẫn còn những ngọn núi lớn nằm trong danh sách cầu nguyện của tôi, và chúng dường như chẳng hề di chuyển. Tuy nhiên, đây là một lời khích lệ để bạn tiếp tục cầu nguyện, cho cả những điều lớn lao.
App
Tải xuống ứng dụng Kinh Thánh Trong Một Năm dành cho thiết bị iOS hoặc Android và đọc theo mỗi ngày.
Đăng ký ngay bây giờ để nhận Kinh thánh trong một năm trong hộp thư đến của bạn mỗi sáng. Bạn sẽ nhận được một email mỗi ngày.
Book
Kinh thánh trong một năm bình luận có sẵn như là một cuốn sách.
- Mua từ Cửa hàng Alpha
- [Mua từ Nhà sách CLC](https://clcbookshops.com/product/bible-in-one-year-the-a-commentary-by-nicky-gumbel-hard-cover-gumbel-nicky-hodder-stoughton- 9781473677067)
Tham khảo
The One Year® là nhãn hiệu đã đăng ký của Tyndale House Publishers. Được sử dụng bởi sự cho phép.
Trừ khi có quy định khác, các trích dẫn Kinh thánh được lấy từ Kinh thánh, Phiên bản quốc tế mới được Anh hóa, Bản quyền © 1979, 1984, 2011 Biblica, trước đây là Hiệp hội Kinh thánh Quốc tế. Được sử dụng dưới sự cho phép của Hodder & Stoughton Publishers, một công ty của Hachette UK. Đã đăng ký Bản quyền. 'NIV' là nhãn hiệu đã đăng ký của Biblica. Nhãn hiệu Vương quốc Anh số 1448790.
Các trích dẫn Kinh thánh được đánh dấu (AMP) lấy từ Kinh thánh Amplified®, Bản quyền © 1954, 1958, 1962, 1964, 1965, 1987 của The Lockman Foundation. Được sử dụng bởi sự cho phép. (www.Lockman.org)
Thánh Kinh được đánh dấu (MSG) lấy từ The Message. Bản quyền © 1993, 1994, 1995, 1996, 2000, 2001, 2002. Được sử dụng dưới sự cho phép của NavPress Publishing Group.