Ngày 26

Tại Sao Chúa Cho Phép Đau Khổ Diễn Ra?

Khôn ngoan Thi Thiên 16:1-11
Tân ước Ma-thi-ơ 18:10-35
Cựu Ước Gióp 1:1-3:26

Giới thiệu

Có một cậu bé 1 tuổi đã bị gãy lưng sau khi ngã xuống cầu thang. Cậu đã phải dành cả thời thơ ấu và tuổi trẻ của mình để ra vào bệnh viện liên tục. Gavin Reid, cựu Giám mục tại Maidstone, đã phỏng vấn cậu bé trong nhà thờ. Cậu nhận định rằng: "Chúa rất công bằng." Gavin hỏi: "Cậu bao nhiêu tuổi?" "Mười bảy tuổi," cậu đáp. "Cậu đã nằm viện bao nhiêu năm?" Cậu trả lời: "Mười ba năm." Gavin hỏi: "Cậu có nghĩ điều đó là công bằng không?" Cậu đáp: "Đức Chúa Trời đã dành sự vĩnh cửu để bù đắp cho tôi."

Chúng ta đang sống trong một thế giới của sự thỏa mãn tức thời - một thế giới gần như đã mất đi hoàn toàn viễn cảnh về sự vĩnh cửu của nó. Tân Ước chứa đầy những lời hứa tuyệt diệu về tương lai: mọi tạo vật sẽ được phục hồi. Chúa Giê-xu sẽ trở lại để thiết lập "trời mới đất mới" (Khải Huyền 21:1). Sẽ không còn than khóc, vì sẽ không còn đau đớn và khổ sở nữa. Thân thể phàm tục yếu ớt, hư nát của chúng ta sẽ được đổi nên thân thể mới, như thân thể phục sinh đầy vinh hiển của Chúa Giê-xu.

Sự đau khổ không phải là một phần trong sự tạo dựng ban đầu của Đức Chúa Trời (xem Sáng thế ký 1–2). Chưa hề có sự đau khổ trước khi con người nổi loạn và chống lại Chúa. Sau này, cũng sẽ không còn sự đau khổ khi Chúa tạo nên trời mới và đất mới (Khải Huyền 21:3–4). Do đó, sự đau khổ được ví như sự xâm lấn của người ngoài hành tinh vào thế giới của Đức Chúa Trời.

Tất nhiên, đây không phải là câu trả lời đầy đủ cho câu hỏi: "Tại sao Đức Chúa Trời cho phép sự đau khổ xảy ra? ¹" Như những gì chúng ta đã thấy từ ngày hôm qua, không có một giải pháp nào là đơn giản hay hoàn chỉnh cả, nhưng mỗi phân đoạn của hôm nay cũng sẽ cho chúng ta biết thêm về vấn đề này.

Khôn ngoan

Thi Thiên 16:1-11

Đức Giê-hô-va là Đấng ban phước và giải cứu

Thi Thiên của Đa-vít

 1 Đức Chúa Trời ôi! Xin phù hộ con,
  Vì con nương náu mình nơi Chúa.
 2 Con thưa với Đức Giê-hô-va rằng: “Ngài là Chúa của con,
  Ngoài Ngài ra, con không có phước nào khác.”
 3 Còn về những người thánh trên đất nầy,
  Họ là những người thực sự cao thượng mà con từng ái mộ.
 4 Cùng những kẻ chạy theo các thần ngoại giáo, tự gây thêm đau đớn cho chính mình.
  Con sẽ không dùng huyết làm lễ quán cho chúng,
  Cũng không xưng tên của chúng trên môi con.
 5 Đức Giê-hô-va là phần sản nghiệp và là cái chén của con;
  Ngài gìn giữ phần thuộc về con.
 6 Địa phận của con rơi nhằm nơi đất tốt;
  Con có được cơ nghiệp tuyệt vời.
 7 Con sẽ chúc tụng Đức Giê-hô-va là Đấng khuyên bảo con;
  Ngay cả ban đêm lương tâm con cũng nhắc nhở con.
 8 Con hằng để Đức Giê-hô-va đứng trước mặt con;
  Con chẳng hề bị rúng động vì Ngài ở bên phải con.
 9 Vì thế, lòng con vui vẻ, linh hồn con mừng rỡ;
  Thân xác con cũng được an nghỉ.
 10 Vì Chúa sẽ không bỏ linh hồn con trong chốn âm phủ;
  Cũng không để người trung tín của Ngài thấy nơi mộ phần.
 11 Chúa sẽ chỉ cho con biết con đường sự sống;
  Trước mặt Chúa có trọn niềm hoan lạc,
  Bên phải Chúa có điều vui sướng vô cùng.

Bình luận

Nhìn nhận đau khổ đời này theo bối cảnh của cõi đời đời

Chương Thi Thiên hôm nay là một trong số ít những phân đoạn Kinh thánh Cựu ước nhắc đến niềm hy vọng về sự sống đời đời trong Đức Chúa Trời. Đa-vít viết: "Vì Chúa sẽ không bỏ linh hồn con trong chốn âm phủ; cũng không để người trung tín của Ngài thấy nơi mộ phần. Chúa sẽ chỉ cho con biết con đường sự sống; trước mặt Chúa có trọn niềm hoan lạc, bên phải Chúa có điều vui sướng vô cùng" (c.10–11).

Đây chính là hy vọng của chúng ta. Những câu Kinh Thánh này cho thấy sự phục sinh của Chúa Giê-su đã được báo trước trong Kinh Thánh (xem Công vụ 2: 25–28). Cuộc sống này không phải một dấu chấm hết. Bạn có thể trông đợi sự sống đời đời trong Đức Chúa Trời và sự vui mừng, phước hạnh mãi mãi. "Tôi nghĩ rằng những đau khổ hiện tại không đáng so sánh với vinh quang tương lai sẽ được tỏ ra cho chúng ta" (Rô-ma 8:18).

Cầu nguyện

Lạy Chúa, cảm tạ ơn Chúa vì trong Đấng Christ, con có thể hi vọng và trông đợi về sự sống lại của thân thể và sự sống đời đời trong Đức Chúa Trời, nơi đầy ắp sự vui mừng và phước hạnh mãi mãi về sau.

Tân ước

Ma-thi-ơ 18:10-35

Ẩn dụ về chiên lạc

10 “Hãy thận trọng, đừng xem thường một đứa nào trong những đứa trẻ nầy! Vì Ta bảo các con, các thiên sứ của chúng ở trên trời luôn thấy mặt Cha Ta là Đấng ở trên trời. 12 Các con nghĩ sao? Nếu một người có một trăm con chiên mà một con bị lạc, thì người ấy chẳng để chín mươi chín con lại trên núi và đi tìm con bị lạc sao? 13 Thật, Ta bảo các con, nếu người ấy tìm được thì sẽ vui mừng về con đó hơn chín mươi chín con không lạc. 14 Cũng vậy, Cha các con ở trên trời không muốn một ai trong những đứa trẻ nầy bị hư mất.”

Cách cư xử với anh em phạm lỗi

15 “Nếu anh em con có lỗi với con, hãy gặp riêng và nói cho người ấy biết điều đó. Nếu người ấy chịu nghe thì con được lại anh em. 16 Nhưng nếu người ấy không chịu nghe thì hãy đem một hay hai người đi với con, để dựa vào lời của hai hoặc ba nhân chứng mà mọi lời được xác nhận. 17 Nếu người ấy vẫn không chịu nghe những người nầy thì hãy báo cho Hội Thánh; và nếu người ấy không chịu nghe Hội Thánh thì hãy xem người ấy như người ngoại và kẻ thu thuế. 18 Thật, Ta bảo các con, hễ điều gì các con buộc ở dưới đất cũng sẽ bị buộc ở trên trời; và điều gì các con mở ở dưới đất cũng sẽ được mở ở trên trời. 19 Ta lại bảo các con, nếu hai người trong các con hiệp ý với nhau ở dưới đất mà cầu xin bất cứ điều gì thì Cha Ta ở trên trời sẽ ban cho họ. 20 Vì nơi nào có hai, ba người nhân danh Ta họp nhau lại thì Ta sẽ ở giữa họ.”

Ẩn dụ về đầy tớ không tha thứ

21 Lúc ấy, Phi-e-rơ đến gần Đức Chúa Jêsus và hỏi: “Thưa Chúa, nếu anh em con phạm lỗi với con thì con sẽ tha thứ cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần chăng?” 22 Ngài đáp: “Ta không nói với con chỉ bảy lần đâu, nhưng là bảy mươi lần bảy.

23 Vậy nên, vương quốc thiên đàng ví như vị vua kia muốn kết toán sổ sách với các đầy tớ của mình. 24 Khi vua bắt đầu soát sổ, người ta đem đến cho vua một người mắc nợ vua mười nghìn ta-lâng. 25 Vì người ấy không có gì để trả nên vua ra lệnh bán người, vợ con và tất cả tài sản, để trả nợ. 26 Người đầy tớ quỳ xuống van nài: ‘Thưa chúa, xin hoãn cho tôi thì tôi sẽ trả hết!’ 27 Vua động lòng thương, thả người ấy về và tha nợ cho.

28 Nhưng khi đầy tớ ấy ra về, gặp một đồng bạn mắc nợ mình một trăm đơ-ni-ê thì tóm lấy cổ và nói: ‘Hãy trả hết nợ đi.’ 29 Bạn quỳ xuống, nài nỉ: ‘Xin hoãn cho tôi thì tôi sẽ trả cho anh.’ 30 Nhưng người nầy không chịu, cứ bắt bạn bỏ tù cho đến lúc trả hết nợ. 31 Những đồng bạn khác thấy vậy thì rất buồn, đến thuật lại với vua mọi việc đã xảy ra. 32 Vua truyền gọi đầy tớ ấy đến và nói: ‘Hỡi đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi van nài ta; 33 thế sao ngươi lại không thương xót đồng bạn mình, như ta đã thương xót ngươi?’ 34 Vua nổi giận, giao nó cho cai ngục cho đến khi nào trả xong hết nợ. 35 Nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ anh em mình thì Cha Ta trên trời cũng đối xử với các con như vậy.”

Bình luận

Nhận biết mối liên hệ giữa tự do và đau khổ

Chúa yêu bạn. Tình yêu sẽ không còn là tình yêu nếu như nó bị ép buộc; nó chỉ có thể là tình yêu khi trong đó có sự lựa chọn. Đức Chúa Trời đã cho con người sự lựa chọn và quyền tự do để chọn yêu hoặc không yêu. Ngày nay, có quá nhiều sự đau khổ là do chúng ta đã chọn cách không yêu mến Đức Chúa Trời hay bất kỳ ai khác: "Những kẻ chạy theo các thần ngoại giáo, tự gây thêm đau đớn cho chính mình" (Thi thiên 16:4).

Tuy nhiên, Chúa Giê-su đã bác bỏ mối liên hệ mặc định giữa tội lỗi và sự đau khổ (Giăng 9:1–3). Ngài cũng chỉ ra rằng thiên tai không phải lúc nào cũng là cách trừng phạt của Đức Chúa Trời (Lu-ca 13:1–5). Nhưng cũng có những sự đau khổ là hậu quả trực tiếp đến từ chính tội lỗi của chúng ta hoặc người khác. Trong phân đoạn Kinh Thánh này, chúng ta thấy ba ví dụ:

  1. Đi lạc

Chúa Giê-su nói về một con chiên "bị lạc" (Ma-thi-ơ 18:12).

Khi chúng ta lang thang và lạc khỏi sự bảo vệ của Đấng Chăn, chúng ta trở nên mong manh và dễ bị tổn thương. Nhưng Đức Chúa Trời sẽ không ngừng tìm kiếm chúng ta bởi vì Ngài "không muốn một ai trong những đứa trẻ nầy bị hư mất" (c.14).

  1. Tội lỗi của người khác

Chúa Giê-su nói: "Nếu anh em con có lỗi với con" (c. 15). Có quá nhiều sự đau khổ trên thế giới là hậu quả xuất phát từ tội lỗi của người khác - cả trong phạm vi toàn cầu, cộng đồng, cũng như ở mức độ cá nhân. Trong phân đoạn này, Chúa Giê-su đã đưa ra một cách hòa giải.

Ngài kêu gọi các môn đồ của mình hướng đến sự tha thứ vô hạn. Chúa Giê-su nói rằng khi người khác phạm lỗi với chúng ta, chúng ta phải tha thứ cho họ - không chỉ bảy lần, mà là bảy mươi bảy lần (cc.21–22).

Tha thứ không phải là điều dễ dàng. Thập tự giá nhắc nhở chúng ta rằng nó đáng giá và đau đớn đến nhường nào. Tha thứ không có nghĩa là chấp thuận những gì người kia đã làm, không bào chữa, cũng không phủ nhận, cũng không phải giả vờ rằng bạn không bị tổn thương. Thay vào đó, bạn nhận thức được những gì người kia đã làm, nhưng bạn vẫn được kêu gọi để tha thứ. Trong các mối quan hệ cá nhân, hãy gạt bỏ mọi sự ác ý, trả thù và trừng phạt mà thể hiện lòng thương xót và vị tha với người đã làm tổn thương bạn.

  1. Không tha thứ

Tha thứ đôi khi là cực kỳ khó. Như C.S. Lewis đã viết: "Mọi người đều nghĩ tha thứ là một ý tưởng hay ho cho đến khi họ cần phải tha thứ cho ai đó."

Trong ẩn dụ cuối cùng, chúng ta có thể thấy bản chất hủy diệt của việc không tha thứ. Người đầy tớ đã không sẵn lòng bỏ qua một món nợ tương đối nhỏ (khoảng 3,5 tháng lương so với khoảng 160.000 năm lương của một người bình thường). Việc làm đó đã phá hủy mối quan hệ của anh ta với những đồng bạn khác, và dẫn đến việc người bạn của anh bị tống vào tù. Việc không tha thứ sẽ làm đổ vỡ các mối quan hệ giữa con người với nhau, và dẫn đến việc họ đả kích những người mà họ cho là đã phạm lỗi với họ. Chúng ta có thể thấy hậu quả của việc này trong các cuộc hôn nhân đổ vỡ, các mối quan hệ tan vỡ, hay trong các cuộc xung đột giữa những cộng đồng khác nhau.

Chúng ta không tự kiếm được sự tha thứ; mà Chúa Giê-su đã giành lấy nó cho chúng ta trên thập tự giá. Nhưng khi bạn sẵn sàng tha thứ cho người khác, đó chính là bằng chứng cho thấy bạn đã nhận biết sự tha thứ của Đức Chúa Trời. Người được tha thứ cũng hãy tha thứ. Tất cả chúng ta đã được Đức Chúa Trời tha thứ rất nhiều, nhiều đến nỗi chúng ta cần phải tiếp tục tha thứ cho người khác, về những điều họ đã gây ra cho chúng ta.

Tôi cảm thấy rất biết ơn vì Chúa không đặt ra giới hạn về tần suất của sự tha thứ Ngài dành cho tôi. Tuy nhiên, khi nhìn vào người khác, tôi hay bị cám dỗ với suy nghĩ rằng: "Tôi rất vui vẻ tha thứ cho họ, một hoặc thậm chí hai lần, nhưng nếu họ vẫn tiếp tục làm điều này thì chắc tôi không thể tiếp tục tha thứ."

Hãy nuôi dưỡng trong tấm lòng một thái độ đúng đắn - đối xử với người khác giống như cách Chúa đối với bạn vậy.

Cầu nguyện

Lạy Chúa, xin giúp con sử dụng tự do của mình để yêu thương, để tìm kiếm những người lạc lối và bày tỏ lòng thương xót với họ. Xin giúp con để con không gây ra sự đau khổ mà thay vào đó, là dùng đời sống của mình để làm tan biến sự đau khổ, theo như gương của Chúa Giê-xu.

Cựu Ước

Gióp 1:1-3:26

Gia đình của Gióp

1 Tại xứ Út-xơ có một người tên là Gióp. Ông là một người trọn vẹn và ngay thẳng, kính sợ Đức Chúa Trời và tránh xa điều ác. 2 Ông có bảy con trai và ba con gái. 3 Tài sản ông gồm có: Bảy nghìn chiên, ba nghìn lạc đà, năm trăm đôi bò, năm trăm lừa cái và rất nhiều đầy tớ. Ông là người giàu có nhất trong các dân tộc Đông phương.

4 Các con trai ông thường thay phiên nhau mở tiệc tùng, hết nhà nầy sang nhà khác và sai mời ba chị em gái đến ăn uống chung với mình. 5 Sau những ngày tiệc tùng, Gióp cho gọi các con về để làm lễ thanh tẩy chúng. Ông thức dậy sớm và dâng tế lễ thiêu cho mỗi người con, vì ông thầm nghĩ: “Biết đâu các con ta đã phạm tội và trong lòng phỉ báng Đức Chúa Trời.” Gióp thường xuyên làm như vậy.

Thử thách đầu tiên của Gióp

6 Một ngày kia, các thiên sứ của Đức Chúa Trời đến trình diện Đức Giê-hô-va. Sa-tan cũng đến với họ. 7 Đức Giê-hô-va hỏi Sa-tan: “Ngươi từ đâu đến?” Sa-tan thưa với Đức Giê-hô-va: “Tôi đi nơi nầy nơi kia trên đất, dạo quanh khắp đó đây.” 8 Đức Giê-hô-va lại hỏi Sa-tan: “Ngươi có để ý đến Gióp, đầy tớ của Ta không? Trên thế gian nầy chẳng có ai được như Gióp; một người trọn vẹn và ngay thẳng, kính sợ Đức Chúa Trời và tránh xa điều ác.” 9 Sa-tan thưa với Đức Giê-hô-va: “Lẽ nào Gióp kính sợ Đức Chúa Trời vô cớ sao?10 Chẳng phải chính Ngài đã dựng hàng rào bảo vệ quanh ông ta và gia đình cùng mọi sản vật của ông ta đó sao? Ngài đã ban phước trên công việc của tay ông ta và làm cho của cải ông ta lan tràn khắp đất. 11 Nhưng bây giờ Chúa thử giơ tay đánh vào tất cả những gì thuộc về ông ta, xem ông ta có phỉ báng Chúa ra mặt không!” 12 Đức Giê-hô-va phán với Sa-tan: “Nầy, Ta giao mọi vật thuộc về Gióp vào tay ngươi, nhưng không được tra tay vào người Gióp.” Sa-tan liền rút lui khỏi sự hiện diện của Đức Giê-hô-va.

13 Một hôm, khi các con trai và con gái của Gióp đang ăn tiệc và uống rượu trong nhà người anh cả, 14 một sứ giả đến báo tin cho Gióp: “Khi bò đang cày, lừa đang ăn cỏ bên cạnh 15 thì dân Sê-ba xông vào và cướp đi hết. Chúng còn dùng gươm giết sạch các đầy tớ, chỉ một mình tôi chạy thoát về báo tin cho ông.” 16 Người nầy còn đang nói thì một người khác đến báo: “Lửa của Đức Chúa Trời từ trên trời đã giáng xuống thiêu rụi cả bầy chiên và các đầy tớ, chỉ một mình tôi chạy thoát về báo tin cho ông.” 17 Người nầy còn đang nói thì một người khác chạy đến báo: “Dân Canh-đê chia làm ba toán xông vào lạc đà và cướp đi hết. Chúng còn dùng gươm giết sạch các đầy tớ, chỉ một mình tôi chạy thoát về báo tin cho ông.” 18 Người nầy còn đang nói thì một người khác lại chạy đến báo: “Các con trai con gái ông đang ăn uống tại nhà người anh cả, 19 thình lình có một ngọn gió lớn từ phía bên kia hoang mạc thổi đến làm bốn góc nhà rung rinh rồi sập xuống, đè chết các người trẻ tuổi, chỉ một mình tôi thoát chết về báo tin cho ông.”

20 Gióp liền trỗi dậy, xé áo mình và cạo đầu rồi sấp mình xuống đất mà thờ lạy 21 và nói:

“Tôi trần truồng lọt khỏi lòng mẹ
Tôi cũng sẽ trần truồng trở về;
Đức Giê-hô-va đã ban cho, Đức Giê-hô-va lại cất đi;
Đáng chúc tụng danh Đức Giê-hô-va!”

22 Trong mọi việc đó, Gióp không phạm tội và chẳng nói điều gì xúc phạm đến Đức Chúa Trời.

Thử thách thứ hai của Gióp

2 Một ngày kia, các thiên sứ của Đức Chúa Trời đến trình diện Đức Giê-hô-va. Sa-tan cũng đến để trình diện Ngài. 2 Đức Giê-hô-va hỏi Sa-tan: “Ngươi từ đâu đến?” Sa-tan thưa với Đức Giê-hô-va: “Tôi đi nơi nầy nơi kia trên đất, dạo quanh khắp đó đây.” 3 Đức Giê-hô-va lại hỏi Sa-tan: “Ngươi có để ý đến Gióp, đầy tớ của Ta không? Trên thế gian nầy chẳng có ai được như Gióp; một người trọn vẹn và ngay thẳng, kính sợ Đức Chúa Trời và tránh xa điều ác. Gióp vẫn giữ tấm lòng trọn lành mặc dù ngươi đã giục Ta vô cớ làm hại Gióp.” 4 Sa-tan lại nói với Đức Giê-hô-va: “‘Lấy da đền da!’ Người ta sẵn sàng cho đi tất cả những gì mình có để cứu mạng sống mình. 5 Nhưng bây giờ, xin Chúa thử giơ tay đánh vào xương thịt của Gióp xem ông ta có phỉ báng Chúa ra mặt không!” 6 Đức Giê-hô-va phán với Sa-tan: “Kìa, Gióp ở trong tay ngươi, nhưng ngươi phải gìn giữ mạng sống người.”

7 Sa-tan liền rút lui khỏi sự hiện diện của Đức Giê-hô-va và hành hạ Gióp bằng một chứng ung nhọt nhức nhối từ bàn chân cho đến đỉnh đầu. 8 Gióp ngồi giữa đống tro, lấy mảnh sành mà gãi.

9 Bấy giờ, vợ Gióp nói: “Ủa? Ông vẫn giữ tấm lòng trọn lành được sao? Hãy phỉ báng Đức Chúa Trời và chết đi!” 10 Nhưng ông đáp: “Bà nói như một người đàn bà ngu muội. Tại sao phước hạnh từ tay Đức Chúa Trời ban cho thì chúng ta đón nhận, còn tai họa từ tay Ngài giáng xuống thì chúng ta lại không nhận?” Trong mọi việc đó, Gióp không hề phạm tội trong lời nói.

11 Khi ba người bạn của Gióp là Ê-li-pha người Thê-man, Binh-đát người Su-a và Sô-pha người Na-a-ma được tin về các tai họa đã xảy đến cho ông, thì họ từ xứ mình hẹn nhau đến để chia buồn và an ủi ông. 12 Từ xa, họ ngước mắt nhìn nhưng không thể nhận ra Gióp. Đến gần, họ bật khóc lớn tiếng, mỗi người xé áo mình, hất bụi lên trời và lên đầu mình. 13 Ba người bạn ngồi xuống đất với Gióp suốt bảy ngày đêm, không ai nói với ông một lời, vì họ thấy nỗi đau của ông quá lớn.

Gióp nguyền rủa ngày sinh của mình

3 Sau việc ấy, Gióp mở miệng nguyền rủa ngày sinh của mình. 2 Ông nói:

3 “Ước gì ngày tôi chào đời biến mất,
 Và đêm mà người ta báo tin một đứa con trai được thụ thai cũng vậy!
4 Ước gì ngày ấy ra tối tăm,
 Đức Chúa Trời từ trên cao không để ý đến
 Và ánh sáng không soi trên nó!
5 Ước gì ngày ấy chìm trong tối tăm và bóng sự chết,
 Mây đen bao trùm nó
 Và nhật thực làm cho nó kinh hoàng!
6 Ước gì sự tối tăm mịt mùng hãm lấy đêm ấy,
 Không tính nó vào các ngày của năm,
 Không kể nó vào các tháng!
7 Vâng, đêm ấy phải là đêm không sinh sản,
 Không hề nghe tiếng reo vui!
8 Ước gì những kẻ đã nguyền rủa ngày
 Và có tài đánh thức Lê-vi-a-than
 Cũng nguyền rủa đêm ấy!
9 Nguyện các tinh tú ban mai trở nên tối tăm,
 Đêm chờ ánh sáng trong vô vọng
 Không thấy bình minh ló dạng!
10 Vì đêm ấy đã không đóng cửa dạ mẹ tôi
 Để giấu sự đau đớn khỏi mắt tôi.

11 Tại sao tôi không chết ngay lúc chào đời,
 Không tắt hơi vừa khi lọt lòng mẹ?
12 Tại sao có đầu gối đỡ lấy tôi
 Và vú cho tôi bú?
13 Nếu không thì bây giờ tôi đã nằm an tịnh,
 Được yên giấc nghỉ ngơi
14 Cùng các vua chúa và mưu sĩ của trần gian
 Đã xây cất lăng tẩm cho mình,
15 Hoặc cùng các nhà lãnh đạo
 Với vàng bạc chất đầy nhà.
16 Tại sao tôi không được chôn kín như một thai sảo,
 Như một trẻ sơ sinh chưa từng thấy ánh sáng?
17 Ở đó kẻ hung ác ngừng quấy phá.
 Người kiệt sức được nghỉ ngơi.
18 Những kẻ bị tù đày cùng nhau thư thái,
 Không còn nghe tiếng quát tháo của cai tù.
19 Người lớn kẻ nhỏ đều như nhau
 Và người nô lệ được tự do khỏi chủ mình.

20 Tại sao kẻ khốn cùng được ban ánh sáng,
 Và kẻ có lòng đắng cay được ban sự sống?
21 Họ mong chết mà không được chết,
 Tìm cái chết hơn là tìm châu báu,
22 Họ phấn khởi vui mừng
 Lòng hân hoan khi tìm được mộ phần.
23 Tại sao người bị che khuất lối đi,
 Bị Đức Chúa Trời vây bọc bốn bên,
 Mà còn được ban ánh sáng và sự sống?
24 Vì bánh tôi ăn chỉ là tiếng thở dài;
 Lời thở than tôi tuôn trào như nước.
25 Việc tôi hãi hùng đã xảy đến cho tôi,
 Điều tôi kinh khiếp đã đổ ập trên tôi!
26 Tôi không được an ổn, chẳng thấy bình tịnh,
 Không phút nghỉ ngơi, vì rối loạn bủa vây!”

Bình luận

Luôn đáp lại sự đau khổ bằng lòng thương xót

Cả sách Gióp nói về sự đau khổ. Nó chủ yếu xoay quanh câu hỏi "Chúng ta nên ứng phó với đau khổ như thế nào?"

Có thể chúng ta đã thấy được một gợi ý về nguồn gốc của sự đau khổ. Khi các thiên sứ nhóm họp trước mặt Đức Chúa Trời, "Sa-tan cũng đến với họ" (1:6). Sa-tan đã "đi nơi nầy nơi kia trên đất, dạo quanh khắp đó đây" (c.7). Rõ ràng là mục tiêu của Sa-tan là gây ra nhiều sự đau khổ nhất có thể.

Có vẻ như Satan là một thiên thần sa ngã. Có vẻ như trước khi tạo dựng nên con người, Đức Chúa Trời đã tạo ra những sinh vật tự do, giàu trí tưởng tượng và thông minh. Và có vẻ như đã có một cuộc nổi loạn xảy ra trước khi con người xuất hiện.

Ngày nay, có quá nhiều sự đau khổ đang diễn ra, và nguyên nhân là do chúng ta đang sống trong một thế giới sa ngã: một thế giới mà mọi tạo vật đều đã bị ảnh hưởng, không chỉ bởi tội lỗi của con người, mà còn do tội lỗi đã có trước đó nữa - tội lỗi của Sa-tan. Con rắn đã tồn tại trước khi A-đam và Ê-va phạm tội. Do hậu quả từ tội lỗi của A-đam và Ê-va, "gai góc và cây tật lê" đã xâm nhập vào thế gian (Sáng thế ký 3:18). Kể từ thời điểm đó, "muôn vật đã bị lệ thuộc sự hư không" (Rô-ma 8:20). Những thảm họa "tự nhiên" xuất hiện (chẳng hạn như đại dịch toàn cầu) cũng chính là kết quả của sự rối loạn này.

Sa-tan đã được phép gây ra một vài bi kịch lớn trong cuộc đời của Gióp - một người đàn ông trọn vẹn và ngay thẳng, kính sợ Đức Chúa Trời và tránh xa điều ác (Gióp 1:1). Ông đã phải chịu sự mất mát ở mọi lĩnh vực, từ tiền bạc, của cải vật chất (c.13–17), gia đình (c.18–19), sức khỏe cá nhân (2:1–10) và cuối cùng là sự trợ giúp của bạn bè.

Khi đối mặt với những đau khổ không thể lý giải được, chúng ta rất dễ trách Chúa. Mặc dù Gióp không biết lý do tại sao mình phải chịu những sự đau khổ đó, nhưng ông đã chọn cách tiếp tục tin cậy và thờ phượng Chúa trong chính nỗi đau của mình, y như những gì ông đã làm trong khi được phước hạnh (1:21,2:10). Tác giả đã kể lại điều này với một giọng điệu đầy thán phục: "Trong mọi việc đó, Gióp không hề phạm tội trong lời nói" (c.10b). Ông vẫn trung tín trong những hoàn cảnh khó khăn nhất.

Ban đầu, những người bạn của Gióp đã có cách phản hồi đúng đắn: "không ai nói với ông một lời, vì họ thấy nỗi đau của ông quá lớn" (c.13). Khi đối diện với những nỗi đau quá lớn, việc cố gắng lý giải hay hợp lý hóa nó bằng lý trí có thể là phản tác dụng. Nhiều lúc, điều tích cực nhất bạn có thể làm là quàng tay qua người đó và "khóc với kẻ khóc" (Rô-ma 12:15). Hãy bước vào nỗi đau của người đó và đi cùng họ nhiều nhất có thể.

Cuối cùng, Đức Chúa Trời đã phục hồi gia tài của Gióp và ban cho ông số tiền nhiều gấp đôi số tiền ông từng có. Giờ thì chúng ta biết được rằng, Đức Chúa Trời ban cho bạn những giá trị vĩnh cửu và sự sống đời đời, thông qua Chúa Giê-xu, để bù đắp cho tất cả những đau khổ bạn phải chịu trong đời này.

Cầu nguyện

Lạy Chúa, khi con nhìn thấy sự đau khổ của người khác, xin cho con bày tỏ lòng thương xót và khóc cùng với những người đang than khóc.

Pippa chia sẻ

Thi Thiên 16:7

"Ngay cả ban đêm lương tâm con cũng nhắc nhở con."

Có rất nhiều điều quẩn quanh tâm trí chúng ta vào lúc đêm muộn - thường là những sự lo âu. Khi chúng ta biến những điều đó thành lời cầu nguyện, Chúa sẽ lắng nghe và hướng dẫn chúng ta, để rồi cơ thể chúng ta có thể được "an nghỉ" (c.9).

reader

App

Tải xuống ứng dụng Kinh Thánh Trong Một Năm dành cho thiết bị iOS hoặc Android và đọc theo mỗi ngày.

reader

Email

Đăng ký ngay bây giờ để nhận Kinh thánh trong một năm trong hộp thư đến của bạn mỗi sáng. Bạn sẽ nhận được một email mỗi ngày.

reader

Website

Bắt đầu đọc sự tận tâm của ngày hôm nay ngay tại đây trên trang web BiOY.

Read now
reader

Book

Kinh thánh trong một năm bình luận có sẵn như là một cuốn sách.

Tham khảo

The One Year® là nhãn hiệu đã đăng ký của Tyndale House Publishers. Được sử dụng bởi sự cho phép.

Trừ khi có quy định khác, các trích dẫn Kinh thánh được lấy từ Kinh thánh, Phiên bản quốc tế mới được Anh hóa, Bản quyền © 1979, 1984, 2011 Biblica, trước đây là Hiệp hội Kinh thánh Quốc tế. Được sử dụng dưới sự cho phép của Hodder & Stoughton Publishers, một công ty của Hachette UK. Đã đăng ký Bản quyền. 'NIV' là nhãn hiệu đã đăng ký của Biblica. Nhãn hiệu Vương quốc Anh số 1448790.

Các trích dẫn Kinh thánh được đánh dấu (AMP) lấy từ Kinh thánh Amplified®, Bản quyền © 1954, 1958, 1962, 1964, 1965, 1987 của The Lockman Foundation. Được sử dụng bởi sự cho phép. (www.Lockman.org)

Thánh Kinh được đánh dấu (MSG) lấy từ The Message. Bản quyền © 1993, 1994, 1995, 1996, 2000, 2001, 2002. Được sử dụng dưới sự cho phép của NavPress Publishing Group.

This website stores data such as cookies to enable necessary site functionality and analytics. Find out more