Ngày 258

'Bạn được cứu chưa?'

Khôn ngoan Thi Thiên 107:10-22
Tân ước Ga-la-ti 1:1-24
Cựu Ước Ê-sai 33:1-35:10

Giới thiệu

Tôi có một bức ảnh chụp Giám mục Westcott trên bậu cửa sổ trong phòng làm việc của mình. Cháu trai của ông đã tặng nó cho tôi. Học giả người Anh thế kỷ 19, Giám mục B.F. Westcott, là Giáo sư Thần học do Hoàng gia Anh bổ nhiệm tại Đại học Cambridge.

Có một lần, một sinh viên có tấm lòng sốt sắng đến gần ông và hỏi: ‘Giáo sư đã được cứu chưa?’ ‘À,’ vị Giám mục nói, ‘một câu hỏi rất hay. Nhưng hãy nói cho tôi biết: ý bạn là…?' Và sau đó ông đề cập đến ba phân từ bị động của động từ tiếng Hy Lạp 'cứu' (save), cho thấy rằng câu trả lời của ông sẽ phụ thuộc vào một trong ba phân từ mà sinh viên đó nghĩ đến. 'Tôi biết tôi đã được cứu (I have been saved),' ông nói; ‘Tôi tin rằng tôi đang được cứu (I have been saved); và tôi hy vọng nhờ ân điển của Chúa mà tôi sẽ được cứu (I shall be saved).’

‘Sự cứu rỗi’ là một từ rất rộng và bao hàm nhiều khía cạnh. Nó có nghĩa là 'sự tự do'. Như vị Giám Mục đã chỉ ra, có ba thì của sự cứu rỗi: bạn đã được giải thoát khỏi hình phạt của tội lỗi, bạn đang được giải thoát khỏi quyền lực của tội lỗi và bạn sẽ được giải thoát khỏi sự hiện diện của tội lỗi.

Khôn ngoan

Thi Thiên 107:10-22

10Có kẻ ngồi trong chỗ tối tăm và bóng chết,
   Những tù nhân bị khốn khổ trong xích sắt.
  11Vì đã phản nghịch lời Đức Chúa Trời,
   Và khinh thường sự khuyên dạy của Đấng Chí Cao.
  12Vì thế, Ngài dùng lao khổ để hạ lòng họ xuống;
   Họ ngã quỵ mà không kẻ đỡ nâng.
  13Bấy giờ, trong cơn gian truân họ kêu cầu Đức Giê-hô-va,
   Và Ngài giải cứu họ khỏi cảnh hoạn nạn.
  14Ngài đem họ ra khỏi nơi tối tăm và bóng chết,
   Cũng bứt đứt xích xiềng cho họ.
  15Nguyện người ta cảm tạ Đức Giê-hô-va vì lòng nhân từ của Ngài,
   Và vì các phép mầu mà Ngài đã làm cho con loài người!
  16Vì Ngài đã phá cổng đồng
   Và bẻ gãy các song sắt.

  17Kẻ ngu dại bị khốn khổ vì lối sống tội lỗi,
   Và bị đau đớn vì sự gian ác của mình.
  18Họ chán ngán các thức ăn,
   Và đang đến gần cổng tử thần.
  19Bấy giờ, trong cơn gian truân họ kêu cầu Đức Giê-hô-va,
   Và Ngài giải cứu họ khỏi cảnh hoạn nạn.
  20Ngài ban lời Ngài và chữa lành họ,
   Cứu họ khỏi mồ mả.
  21Nguyện người ta cảm tạ Đức Giê-hô-va vì lòng nhân từ của Ngài,
   Và vì các phép mầu mà Ngài đã làm cho con loài người!
  22Nguyện họ dâng tế lễ tạ ơn,
   Và thuật các công việc của Ngài với bài hát vui mừng.

Bình luận

Nhận biết sự tự do khỏi quá khứ

Tác giả Thi Thiên tiếp tục tạ ơn Chúa vì đã nhiều lần Ngài cứu dân Ngài khi họ kêu cầu Ngài trong cơn hoạn nạn (c.13,19). Lần nào Ngài cũng giải cứu họ.

Trong phần này ông đưa ra hai ví dụ:

1. Giải thoát khỏi xiềng xích tội lỗi

Ở đây mọi người đang ngồi trong ‘chỗ tối tăm và bóng chết', những tù nhân bị khốn khổ trong xích sắt' (c.10). ‘Bấy giờ, trong cơn gian truân họ kêu cầu Đức Giê-hô-va, và Ngài giải cứu họ khỏi cảnh hoạn nạn’ (c.13).

Thông thường những gì xảy ra với con người về mặt thuộc thể trong Cựu Ước là hình ảnh về những gì xảy ra với chúng ta về mặt thuộc linh trong Tân Ước.

Tội lỗi dẫn đến chỗ tối tăm và sự chết. Nó có tính gây nghiện. Nó xiềng xích trái tim chúng ta. Trên thập giá, Chúa Giê-su đã bẻ gãy những xiềng xích đó. Ngài tha thứ tội lỗi của bạn và giải phóng bạn. Bạn, giống như Charles Wesley, có thể tuyên bố, ‘Xiềng xích của tôi đã được rũ bỏ, trái tim tôi đã được tự do. Tôi trỗi dậy và đi theo Ngài.'

2. Tự do khỏi nỗi sợ chết

Tác giả Thi Thiên tiếp tục nói rằng họ lại nổi loạn và tiến gần đến cửa tử. Họ lại kêu cầu Chúa và Ngài đã cứu họ. ‘Ngài ban lời Ngài và chữa lành họ, cứu họ khỏi mồ mả’ (c.20).

Một lần nữa, điều này báo trước những gì Chúa Giê-su đã làm cho bạn. Qua cái chết và sự phục sinh của Ngài, Ngài giải thoát bạn khỏi nấm mồ và khỏi nỗi sợ chết. Bạn được giải thoát khỏi cái chết - khỏi nỗi sợ chết và tất cả những nỗi sợ đi kèm với nó. Không có gì ngạc nhiên khi tác giả Thi Thiên đã viết:

‘Nguyện người ta cảm tạ Đức Giê-hô-va vì lòng nhân từ của Ngài,
   Và vì các phép mầu mà Ngài đã làm cho con loài người!
Nguyện họ dâng tế lễ tạ ơn,
   Và thuật các công việc của Ngài với bài hát vui mừng.' (c.21–22).

Cầu nguyện

Lạy Chúa, làm sao con có thể tạ ơn Chúa cho đủ vì Chúa đã giải thoát con khỏi xiềng xích tội lỗi và nghiện ngập? Cảm ơn Chúa vì con không bao giờ phải sợ cái chết vì Chúa là Chúa Giê-su, đã chiến thắng cái chết qua sự chết và sự phục sinh của Ngài.

Tân ước

Ga-la-ti 1:1-24

Lời chào thăm

1Phao-lô, là sứ đồ không đến từ loài người hay bởi một người nào, nhưng từ chính Đức Chúa Jêsus Christ và Đức Chúa Trời là Cha, Đấng đã khiến Ngài sống lại từ cõi chết, 2cùng tất cả anh em đang ở với tôi, kính gửi các Hội Thánh miền Ga-la-ti. 3Cầu xin Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, và Chúa là Đức Chúa Jêsus Christ ban ân điển và bình an cho anh em. 4Đức Chúa Jêsus Christ đã hi sinh chính mình vì tội lỗi chúng ta để cứu chúng ta khỏi đời gian ác nầy, đúng theo ý muốn Đức Chúa Trời, Cha chúng ta. 5Nguyện Ngài được vinh quang đời đời vô cùng! A-men.

Chức vụ sứ đồ của Phao-lô

(1:6 – 2:21)

Không có Tin Lành nào khác

6Tôi lấy làm ngạc nhiên khi thấy anh em vội bỏ Đấng đã gọi anh em bởi ân điển của Đấng Christ để theo một tin lành khác. 7Không có tin lành nào khác đâu, mà chỉ có một số người quấy rối anh em và muốn xuyên tạc Tin Lành của Đấng Christ. 8Nhưng nếu có ai, dù là chính chúng tôi hay thiên sứ từ trời, truyền cho anh em một tin lành khác với Tin Lành chúng tôi đã công bố thì người ấy đáng bị a-na-them! 9Như chúng tôi đã nói với anh em trước đây, nay tôi xin lặp lại, nếu ai truyền cho anh em một tin lành khác với Tin Lành mà anh em đã nhận thì người ấy đáng bị nguyền rủa! 10Còn bây giờ, tôi muốn được lòng loài người hay Đức Chúa Trời? Có phải tôi đang cố gắng làm đẹp lòng loài người không? Nếu tôi vẫn cố làm đẹp lòng loài người thì tôi chẳng phải là đầy tớ của Đấng Christ.

Phao-lô được gọi làm sứ đồ

11Thưa anh em, tôi muốn anh em biết rằng Tin Lành mà tôi đã công bố không đến từ loài người đâu; 12vì tôi không nhận và cũng không học Tin Lành đó từ một người nào, nhưng bởi sự mặc khải của Đức Chúa Jêsus Christ.
13Anh em hẳn đã nghe về lối sống của tôi trước đây khi tôi còn theo Do Thái giáo là thể nào. Tôi đã thẳng tay bắt bớ và cố tiêu diệt Hội Thánh của Đức Chúa Trời. 14Trong Do Thái giáo, tôi vượt xa nhiều người Do Thái cùng thời với tôi, vì tôi đã quá hăng say với các truyền thống của tổ phụ mình. 15Nhưng khi Đức Chúa Trời, Đấng đã biệt riêng tôi từ trong lòng mẹ và lấy ân điển gọi tôi, 16vui lòng bày tỏ Con Ngài cho tôi để tôi rao truyền Tin Lành về Con Ngài giữa dân ngoại, thì lập tức tôi không bàn với loài người. 17Tôi cũng không lên Giê-ru-sa-lem để gặp các vị sứ đồ trước tôi, nhưng tôi đi qua miền Ả-rập, sau đó trở lại Đa-mách. 18Ba năm sau, tôi lên Giê-ru-sa-lem để làm quen với Sê-pha và ở lại với ông mười lăm ngày; 19nhưng tôi không gặp một sứ đồ nào khác, ngoài Gia-cơ là em của Chúa. 20Thật, trước mặt Đức Chúa Trời tôi không nói dối về những gì tôi viết cho anh em. 21Sau đó, tôi đi qua các miền thuộc Sy-ri và Si-li-si. 22Lúc ấy, các Hội Thánh của Đấng Christ ở Giu-đê chưa biết mặt tôi. 23Họ chỉ nghe nói rằng: “Người đã bắt bớ chúng ta ngày trước bây giờ đang truyền giảng đức tin mà ông đã từng ra sức tiêu diệt.” 24Vậy, vì tôi mà họ tôn vinh Đức Chúa Trời.

Bình luận

Tận hưởng sự tự do trong hiện tại

Đừng chỉ làm hài lòng mọi người (c.10).

Sự cứu rỗi đã được giành lấy với một cái giá rất lớn. Chúa Giê-su ‘đã hi sinh chính mình vì tội lỗi chúng ta để cứu chúng ta khỏi đời gian ác nầy, đúng theo ý muốn Đức Chúa Trời, Cha chúng ta’ (c.4).

Ga-la-ti là một trong những lá thư đầu tiên của Phao-lô, có thể được viết rất sớm vào năm 48 sau Công nguyên. Phao-lô đang rất phẫn nộ vì sự tự do trong Phúc âm đang bị đe dọa. Sự tự do khó giành được và dễ dàng bị đánh mất.

Tôn giáo có thể được sử dụng như một phương tiện để kiểm soát con người. Đó là cách Sau-lơ người Tạt-sơ đã sử dụng nó. Sau đó, ông gặp Chúa Giê-su và kinh nghiệm một điều hoàn toàn khác – một sự tự do đến từ bên trong.

Thông điệp của Phúc âm là một trong những thông điệp về sự tự do. Bạn được giải thoát khỏi tội lỗi, cảm giác tội lỗi, xấu hổ, nghiện ngập và cái chết. Bạn cũng được giải thoát khỏi sự xưng công chính nhờ việc làm của luật pháp. Bạn không cần phải cắt bì. Bạn không cần phải trở thành người Do Thái trước khi có thể trở thành một Cơ đốc nhân đúng nghĩa. Sự phẫn nộ mãnh liệt của Phao-lô trong bức thư này được giải thích bởi thực tế là sự tự do của Phúc âm đang bị đe dọa.

Trong những chuyến du hành đầu tiên của mình, ông đã thành lập một loạt Hội Thánh ở Ga-la-ti của La Mã. Phao-lô ấy đã nói với người dân trong thành về Chúa Giê-su, Đấng giải phóng chúng ta. Họ đã kinh nghiệm sự tự do này. Một vài năm sau, một số nhà lãnh đạo tôn giáo đã đến chất vấn quan điểm và thẩm quyền của Phao-lô và cố gắng đưa ra những luật lệ và quy định để có thể tước đi sự tự do mới được tìm thấy của người Ga-la-ti.

Họ nói rằng chỉ đặt niềm tin vào Chúa Giê-su thôi thì chưa đủ. Bạn còn phải cắt bì nữa. Họ đã vạch ra những ranh giới quá hạn chế về ý nghĩa của việc trở thành một Cơ-đốc nhân chân chính.

Ngày nay một số người cố gắng vạch ra những ranh giới như vậy. Họ nói rằng chỉ là một Cơ đốc nhân thôi thì chưa đủ. Bạn cần phải ‘giống như chúng tôi’. Bạn cần phải là người theo đạo 'Tin lành', 'Công giáo' hay 'Ngũ Tuần' – bạn phải giống như chúng tôi, bất kể chúng tôi là ai. Bạn phải giống kiểu Cơ đốc nhân này để trở thành một Cơ đốc nhân đích thực. Nhưng bạn chỉ cần tin vào Chúa Giê-su là đủ. Bạn không cần phải thêm vào đó sự cắt bì hoặc bằng bất kỳ danh xưng nào khác. Hãy chấp nhận nhau trên cơ sở đức tin vào Chúa Giê-su, chứ không phải theo một hình mẫu Cơ đốc nhân nào đó.

Phao-lô làm chứng về kinh nghiệm của chính ông khi tìm thấy sự tự do này nơi Chúa Giê-su và nó đã thay đổi ông từ một người 'đã thẳng tay bắt bớ và cố tiêu diệt Hội Thánh của Đức Chúa Trời' và 'hủy diệt một cách có hệ thống' thành 'truyền giảng đức tin mà ông đã từng ra sức tiêu diệt' (c. 13–23). Sự biến đổi của Phao-lô nhắc nhở chúng ta rằng không ai nằm ngoài tầm với của Đức Chúa Trời.

Bạn có bao giờ tự hỏi liệu Chúa có thể sử dụng bạn không? Đã bao giờ bạn nghĩ rằng điều gì đó bạn đã làm trong quá khứ có thể khiến bạn không thể được sử dụng? Lời chứng của Phao-lô là bằng chứng cho thấy Chúa không chỉ tha thứ mà còn giải phóng bạn và có thể sử dụng bạn một cách hiệu quả – bất kể những gì bạn đã làm trong quá khứ.

Lời chứng này rất mạnh mẽ: ‘Vậy, vì tôi mà họ tôn vinh Đức Chúa Trời' (c.24). Lời chứng của bạn, ngay cả khi có vẻ kém ngoạn mục hơn lời chứng của Phao-lô, nhưng sẽ có tác động đến những người nghe nó.

Cầu nguyện

Lạy Chúa, tạ ơn Chúa vì ngay giây phút chúng con đặt đức tin vào Chúa Giê-su, chúng con tìm thấy sự tự do đích thực. Xin giúp con hôm nay và mọi ngày được sống trong sự tự do đó.

Cựu Ước

Ê-sai 33:1-35:10

Lời hứa cho dân Chúa được giải cứu

33 Khốn cho ngươi là kẻ hủy diệt
   Mà chính ngươi chưa bị hủy diệt,
  Là kẻ phản bội
   Mà chưa bị ai phản bội!
  Khi ngươi ngưng hủy diệt
   Thì ngươi sẽ bị hủy diệt;
  Khi ngươi thôi phản bội
   Thì ngươi sẽ bị phản bội.

  2Lạy Đức Giê-hô-va, xin thương xót chúng con!
   Chúng con trông đợi Chúa.
  Xin ban sức mạnh cho chúng con mỗi buổi sáng,
   Giải cứu chúng con trong lúc hoạn nạn.
  3Nghe tiếng ồn ào, các dân đều chạy trốn;
   Khi Chúa đứng lên, các nước chạy tán loạn.
  4Của cải các ngươi sẽ bị gom như cào cào;
   Người ta xông vào nó như đàn châu chấu xông tới.
  5Đức Giê-hô-va được tôn cao vì Ngài ngự trên cao.
   Ngài làm cho Si-ôn đầy dẫy công lý và sự công chính.
  6Ngài sẽ là sự bền vững cho ngày giờ của ngươi,
   Là sự phong phú của ơn cứu rỗi, sự khôn ngoan, và tri thức;
   Sự kính sợ Đức Giê-hô-va là kho báu Ngài ban.

  7Nầy, những dũng sĩ của chúng kêu la ngoài đường;
   Các sứ giả hòa bình khóc lóc đắng cay.
  8Đường cái hoang vắng,
   Đường sá không người qua lại;
  Người ta đã phá vỡ giao ước,
   Xem thường nhân chứng,
   Chẳng coi ai ra gì.
  9Đất đai than khóc và hao mòn;
   Li-ban xấu hổ và khô héo;
  Sa-rôn giống như đồng hoang;
   Ba-san và Cạt-mên trơ trụi.

  10Đức Giê-hô-va phán: “Bây giờ, Ta sẽ đứng dậy;
   Bây giờ, Ta sẽ tự tôn cao;
   Bây giờ, Ta sẽ được tôn vinh!
  11Các ngươi mang thai rơm rạ, hẳn sẽ sinh ra cỏ rác.
   Hơi thở của các ngươi là lửa thiêu nuốt mình.
  12Các dân sẽ như vôi đang bị nung,
   Như gai đã bị chặt và đốt trong lửa.
  13Hỡi những kẻ ở xa, hãy nghe việc Ta đã làm;
   Hỡi những kẻ ở gần, hãy nhận biết sức mạnh của Ta.”

  14Tại Si-ôn, bọn tội nhân kinh hãi,
   Đám vô đạo run rẩy; chúng nói:
  “Ai trong chúng ta có thể ở với lửa thiêu nuốt?
   Ai trong chúng ta có thể ở với lửa cháy đời đời?”

  15Người bước theo sự công chính và nói điều chính trực,
   Xem thường món lợi bất chính,
  Giữ tay không nhận hối lộ;
   Bịt tai không nghe chuyện đổ máu,
   Nhắm mắt không nhìn việc ác.
  16Người như thế sẽ được ở nơi cao,
   Có đồn lũy bằng vách đá làm nơi trú ẩn;
  Người ấy sẽ luôn được cung cấp bánh ăn
   Và chẳng lo thiếu nước uống.

Miền đất của Vua Uy Nghiêm

  17Mắt ngươi sẽ chiêm ngưỡng Vua trong vẻ đẹp của Ngài,
   Và sẽ thấy miền đất trải rộng ra xa.
  18Lòng ngươi sẽ suy ngẫm sự kinh khiếp, và tự hỏi:
   “Các quan chức ở đâu?
   Kẻ thu thuế ở đâu?
   Người kiểm tra các tháp canh ở đâu?”
  19Ngươi sẽ chẳng còn thấy dân bạo ngược ấy nữa,
   Là dân nói tiếng xa lạ khó nghe,
   Nói thứ tiếng không thể hiểu được.

  20Hãy nhìn xem Si-ôn là thành của các kỳ đại lễ của chúng ta!
   Mắt ngươi sẽ thấy Giê-ru-sa-lem,
   Là chỗ ở yên tĩnh, là lều sẽ không còn dời đi nữa,
  Các cọc lều không còn bị nhổ đi,
   Tất cả dây thừng không bị đứt.
  21Vì uy nghiêm của Đức Giê-hô-va sẽ ở với chúng ta tại đó,
   Là nơi có sông suối rộng lớn,
  Không có thuyền chèo đi lại,
   Chẳng có tàu lớn vượt qua.
  22Thật, Đức Giê-hô-va là Đấng Phán xét của chúng ta,
   Đức Giê-hô-va là Đấng Lập Pháp của chúng ta,
  Đức Giê-hô-va là Vua của chúng ta;
   Chính Ngài sẽ cứu rỗi chúng ta.
  23Các dây của ngươi đã bị tháo lỏng,
   Không thể giữ chân cột buồm
   Và không thể giương buồm được.

  Bấy giờ, người ta sẽ chia nhau nhiều chiến lợi phẩm;
   Ngay cả người què cũng được phần của nó.
  24Dân cư sẽ không còn nói: “Tôi bị bệnh.”
   Người sống trong đó sẽ được tha tội.

Lời tiên tri về sự trừng phạt người Ê-đôm

34 Hỡi các nước hãy đến gần mà nghe;
   Hỡi các dân, hãy chú ý!
  Đất và mọi vật trên đó,
   Thế giới và mọi vật sinh ra từ nó,
   Hãy cùng lắng nghe!
  2Vì Đức Giê-hô-va nổi giận chống lại mọi nước,
   Cơn thịnh nộ Ngài giáng trên tất cả quân đội của chúng;
  Ngài khiến chúng bị hủy diệt,
   Phó chúng cho cuộc tàn sát.
  3Những kẻ bị giết của chúng sẽ bị ném bỏ,
   Xác chết xông lên mùi hôi thối;
   Núi non máu chảy đầm đìa.
  4Tất cả tinh tú trên bầu trời sẽ tan tác,
   Các tầng trời sẽ cuốn lại như cuộn sách;
  Tất cả tinh tú sẽ tàn lụi
   Như lá nho khô rơi rụng,
   Cũng như lá vả khô rơi xuống từ cây vả.

  5Vì gươm Ta ở trên trời đã uống thỏa mãn;
   Nầy, nó sẽ xuống trừng phạt Ê-đôm,
   Dân mà Ta đã phó cho sự hủy diệt để chịu phán xét.
  6Gươm của Đức Giê-hô-va dính đầy máu, vấy đầy mỡ,
   Là máu của chiên con và dê đực,
   Mỡ trái cật của chiên đực.
  Vì có một cuộc dâng sinh tế cho Đức Giê-hô-va ở Bốt-ra,
   Là sự tàn sát lớn trong đất Ê-đôm.
  7Bò rừng, bò tơ và bò đực
   Đều ngã xuống với chúng;
  Đất của chúng sẽ say vì máu,
   Bụi của chúng thấm đầy mỡ béo.

  8Vì Đức Giê-hô-va có ngày báo thù,
   Có năm báo trả vì cớ Si-ôn.
  9Các sông suối Ê-đôm sẽ biến thành nhựa thông,
   Bụi đất nó biến thành lưu huỳnh,
   Đất đai nó trở thành nhựa thông đang cháy.
  10Ngày đêm không bao giờ tắt,
   Khói bay lên không dứt.
  Đất sẽ bị bỏ hoang từ đời nầy sang đời kia;
   Mãi mãi không còn ai đi qua đó.
  11Bồ nông và nhím sẽ chiếm lấy nó,
   Chim cú và chim quạ sẽ ở tại đó.
  Chúa sẽ giăng dây đo hỗn độn
   Và dây dọi trống rỗng trên nó.
  12Giới quý tộc của nó không còn;
   Ở đó không được gọi là vương quốc nữa,
   Tất cả các quan chức của nó đều không là gì cả.
  13Gai góc sẽ mọc trên các lâu đài,
   Bụi rậm và cỏ rác mọc lên trong các đồn lũy.
  Nó sẽ trở thành hang chó rừng,
   Và chỗ ở của đà điểu.
  14Thú rừng và chó rừng sẽ gặp nhau tại đó;
   Loài dê ma quái hú gọi nhau;
  Yêu quái sẽ qua đêm tại đó,
   Và tìm được cho mình một chỗ nghỉ ngơi.
  15Chim cú sẽ làm tổ tại đó, đẻ trứng, ấp cho nở,
   Và nhóm con lại dưới bóng cánh mình;
  Tại đó, diều hâu cũng tụ họp lại,
   Trống mái có đôi.

  16Hãy tìm trong sách Đức Giê-hô-va và đọc:
   Trong những thú vật ấy, không thiếu một con nào,
   Chẳng một con nào là không đủ đôi.
  Vì chính miệng Đức Giê-hô-va đã truyền,
   Và Thần Ngài đã quy tụ chúng lại.
  17Chính Chúa đã bắt thăm,
   Tay Ngài dùng dây đo chia phần cho chúng.
  Những thú vật ấy sẽ chiếm hữu đất nầy mãi,
   Và ở đó từ đời nầy sang đời kia.

Con Đường Thánh

35 Hoang mạc và đất khô hạn sẽ vui vẻ;
   Đồng hoang sẽ mừng rỡ và trổ hoa như hoa thủy tiên.
  2Nó sẽ trổ nhiều hoa và vui mừng,
   Hớn hở trỗi tiếng hát ca.
  Vinh quang của Li-ban sẽ được ban cho nó,
   Cùng với vẻ đẹp của Cạt-mên và Sa-rôn.
  Chúng sẽ thấy vinh quang Đức Giê-hô-va
   Và sự huy hoàng của Đức Chúa Trời chúng ta.

  3Hãy làm cho mạnh mẽ những bàn tay yếu ớt,
   Làm cho vững vàng những đầu gối run rẩy!
  4Hãy bảo những người có lòng lo sợ rằng:
   “Hãy vững lòng, đừng sợ!
  Nầy, Đức Chúa Trời của anh em sẽ đến với sự báo thù,
   Tức là sự báo trả của Đức Chúa Trời.
   Chính Ngài sẽ đến và cứu anh em!”

  5Bấy giờ, mắt người mù sẽ thấy được,
   Tai người điếc sẽ nghe được.
  6Bấy giờ, người què sẽ nhảy nhót như con nai,
   Lưỡi người câm sẽ ca hát vang lừng.
  Vì có những dòng nước trào lên trong hoang mạc,
   Và các suối tuôn chảy nơi đồng hoang.
  7Cát nóng sẽ biến thành ao hồ,
   Đất khô hạn sẽ biến thành suối nước.
  Nơi chó rừng đã ở
   Sẽ trở thành đồng cỏ, có sậy và cói.

  8Tại đó, sẽ có một đường cái,
   Một con đường gọi là Đường Thánh.
  Kẻ bất khiết sẽ không được đi qua,
   Nhưng nó dành cho những người được chuộc.
  Ai đi trong đường ấy
   Dù khờ dại cũng không lầm lạc.
  9Tại đó không có sư tử,
   Cũng không có một thú dữ nào đi trên đường ấy;
  Chẳng ai thấy chúng ở đó.
   Nhưng những người được chuộc sẽ bước đi trên đường ấy.
  10Những người Đức Giê-hô-va cứu chuộc sẽ trở về,
   Họ sẽ đến Si-ôn trong tiếng reo hò mừng rỡ;
  Niềm vui bất tận sẽ ở trên đầu họ.
   Họ sẽ tràn ngập niềm hân hoan vui mừng,
   Và sự buồn bực than vãn sẽ biến mất.

Bình luận

Mong đợi sự tự do trong tương lai

Mặc dù bạn đã được cứu khỏi hình phạt của tội lỗi và bạn đang được cứu khỏi quyền lực của tội lỗi, nhưng bạn vẫn đang mong đợi một tương lai thậm chí còn được tự do hơn khỏi sự hiện diện của tội lỗi - khỏi những khó khăn trong cuộc sống này. Bạn chờ đợi thời điểm mà bạn sẽ biết được niềm vui bất diệt và khi sự buồn bực than vãn sẽ được cất đi (35:10).

Ê-sai vẽ nên bức tranh về một sa mạc bị thiêu đốt (chương 34) – nhưng sau đó ông đoán trước sa mạc sẽ biến thành một khu vườn tươi tốt như thế nào – với những dòng suối tuôn chảy đầy nước, những cây thủy tiên đang nở hoa, cỏ lau sậy và những dòng nước trào lên trong hoang mạc (chương 35).

Đối với dân Chúa, khi bị lưu đày ở Ba-by-lôn, họ có thể mong đợi và kì vọng được Chúa giải cứu và đưa sự tự do về với Giê-ru-sa-em .

Tuy nhiên, bức tranh này trong Ê-sai 35 có ý nghĩa lớn lao hơn nhiều so với việc chỉ trở về vùng đất về thể chất. Đây là lời tiên tri về việc dân Chúa sẽ trở về vùng đất vĩnh cửu ở trời mới đất mới.

Ê-sai viết về cách ‘Những người Đức Giê-hô-va cứu chuộc sẽ trở về, họ sẽ đến Si-ôn trong tiếng reo hò mừng rỡ; niềm vui bất tận sẽ ở trên đầu họ. Họ sẽ tràn ngập niềm hân hoan vui mừng, và sự buồn bực than vãn sẽ biến mất’ (c.10).

Và, cũng giống như người dân Y-sơ-ra-ên, khi bạn đang mong đợi sự tự do trong tương lai, bạn nên chờ đợi như thế nào? Trong sự thất vọng? Trong cơn giận dữ? Trong sự hoài nghi? Trong sự phủ nhận? Trong sự từ chối?

Ê-sai đưa ra hai lời răn về cách chờ đợi:

1. Hãy mạnh mẽ
‘Hãy làm cho mạnh mẽ những bàn tay yếu ớt, làm cho vững vàng những đầu gối run rẩy! Hãy bảo những người có lòng lo sợ rằng: “Hãy vững lòng, đừng sợ! Nầy, Đức Chúa Trời của anh em sẽ đến với sự báo thù’ (c.3–4).

2. Hãy sống thánh khiết
‘Tại đó, sẽ có một đường cái, một con đường gọi là Đường Thánh. Kẻ bất khiết sẽ không được đi qua,… Nhưng những người được chuộc sẽ bước đi trên đường ấy’ (c.8–9).

Dù có bao nhiêu thăng trầm trong cuộc sống, hãy cố gắng ngẩng cao đầu và nhìn về phía trước. Bạn có thể nhìn thấy phía trước là những khó khăn, thử thách, thậm chí là cái chết của chính mình, hãy cứ nhìn cho đến khi con mắt của tâm trí đạt tới thiên đàng. Thật đúng đắn khi bạn mong đợi sự tự do vượt trên những đấu tranh ở hiện tại.

Tin vào tương lai này sẽ giúp bạn sống một cuộc sống mạnh mẽ và thánh khiết – ngay cả trong những lúc đau buồn và than thở.

Cầu nguyện

Lạy Chúa, tạ ơn Chúa vì chiến thắng của Chúa trên thập tự giá, một ngày nào đó mọi tạo vật sẽ được tự do. Chúng con trông đợi Chúa. Xin thêm sức cho chúng con mỗi buổi sáng (Ê-sai 33:2).

Pippa chia sẻ

Trong Ga-la-ti 1:12, Phao-lô nói rằng ông không được bất kỳ ai dạy Phúc âm hay được dạy dỗ bài bản nhưng ông đã nhận được Phúc âm qua sự mặc khải từ Chúa Giê-su.

Thật ngạc nhiên khi có người gặp được Chúa Giê-su mà không có sự can thiệp của con người. Chúng ta phải tiếp tục cầu nguyện cho mọi người để họ được đánh thức trong đêm với khải tượng về Ngài, đặc biệt nếu bạn đến từ một nơi trên thế giới mà bạn khó có thể được nghe về Chúa Giê-su.

Tuy nhiên, hầu hết mọi người trở thành Cơ đốc nhân sau khi nghe ai đó nói về đức tin của họ. Một kỳ mới sắp bắt đầu và các khóa học Alpha đang được tổ chức trên toàn thế giới. Bạn có thể mời ai đó tham gia một trong những khóa học này không? Có thể lắm sẽ có những người giống như Phao-lô, chuyển từ chống đối sang rao giảng về Chúa Giê-su chỉ trong vài ngày.

reader

App

Tải xuống ứng dụng Kinh Thánh Trong Một Năm dành cho thiết bị iOS hoặc Android và đọc theo mỗi ngày.

reader

Email

Đăng ký ngay bây giờ để nhận Kinh thánh trong một năm trong hộp thư đến của bạn mỗi sáng. Bạn sẽ nhận được một email mỗi ngày.

reader

Website

Bắt đầu đọc sự tận tâm của ngày hôm nay ngay tại đây trên trang web BiOY.

Read now
reader

Book

Kinh thánh trong một năm bình luận có sẵn như là một cuốn sách.

Tham khảo

Charles Wesley, ‘Và điều đó có thể làm được’ (1738).

Trừ khi có quy định khác, các trích dẫn Kinh thánh lấy từ Kinh thánh, Phiên bản quốc tế mới được Anh hóa, Bản quyền © 1979, 1984, 2011 Biblica, trước đây là Hiệp hội Kinh thánh Quốc tế. Được sử dụng với sự cho phép của Nhà xuất bản Hodder & Stoughton, một công ty của Hachette Vương quốc Anh. Đã đăng ký Bản quyền. ‘NIV’ là nhãn hiệu đã đăng ký của Biblica. Số nhãn hiệu Vương quốc Anh 1448790.

Kinh thánh được đánh dấu (MSG) được lấy từ Thông điệp. Bản quyền © 1993, 1994, 1995, 1996, 2000, 2001, 2002. Được sử dụng dưới sự cho phép của NavPress Publishing Group.

Kinh Thánh trong một năm

  • Introduction
  • Wisdom Bible
  • Wisdom Commentary
  • New Testament Bible
  • New Testament Commentary
  • Old Testament Bible
  • Old Testament Commentary
  • Pippa Adds

This website stores data such as cookies to enable necessary site functionality and analytics. Find out more