Làm thế nào để làm mới tâm trí, tấm lòng và tâm linh của bạn
Giới thiệu
Cựu nhà truyền giáo, Jim Bakker, trong cuốn tự truyện I Was Wrong, kể về việc ông sa vào cảnh ô nhục, bần cùng và bị bỏ tù vì gian lận kế toán. Ông mất tự do, sự tỉnh táo, phẩm giá, niềm tin vào đức tin của mình và cuối cùng là cả vợ ông. Tù nhân 07407-058, bạn một thời và từng là cố vấn của các tổng thống, đã chạm đáy vực sâu.
Vào thời điểm tồi tệ nhất, một quan chức nhà tù đã nói với ông, 'Billy Graham đến đây để gặp ông!' Ông nghĩ, 'Billy Graham đã đến đây... đến nơi này... để gặp tôi.' Khi ông bước vào phòng thăm, Billy Graham quay về phía ông và dang rộng vòng tay.
Vào lúc đó, Jim Bakker cảm thấy hoàn toàn được chấp nhận và yêu thương: 'Tôi sẽ không bao giờ quên rằng người vừa được bầu chọn là một trong những người có ảnh hưởng nhất trên thế giới và là người đã phục vụ hàng triệu người đã dành thời gian trong lịch trình bận rộn của mình để hãy đến phục vụ một tù nhân.' Ông mô tả giữa lúc ông đang bị trầm cảm, bị cúm, bẩn thỉu và vô vọng, chuyến thăm của Billy Graham đã làm mới tấm lòng ông và cổ vũ tinh thần ông như thế nào. ‘Tôi cảm thấy như thể chính Chúa Giê-su đã đến thăm tôi’.
Sự tươi mới có nghĩa là phục hồi sức mạnh, năng lượng và sức sống. Một bữa ăn nhẹ đôi khi được gọi là 'thứ lấy lại sức'. Sự tươi mới về thể chất cũng có thể đến từ giấc ngủ, nghỉ ngơi hoặc tập thể dục.
Phao-lô nói với Phi-lê-môn rằng ông đã làm cho 'lòng của các thánh đồ được tươi mới’ (Phi-lê-môn 7). Sau đó trong thư, Phao-lô yêu cầu ‘lòng của các thánh đồ được tươi mới’ (c.20). Nhưng làm thế nào để bạn làm mới tâm trí, tấm lòng và tâm linh của mình?
Thi Thiên 119:121-128
121Con đã làm điều ngay thẳng và công chính;
Xin đừng phó con cho kẻ áp bức con.
122Xin Chúa bảo đảm hạnh phúc cho đầy tớ Ngài;
Xin đừng để kẻ kiêu ngạo áp bức con.
123Mắt con mòn mỏi trông đợi sự cứu rỗi,
Và lời công chính của Chúa.
124Xin đãi đầy tớ Chúa theo lòng nhân từ Ngài,
Và dạy con các luật lệ Ngài.
125Con là đầy tớ Chúa, xin ban cho con sự thông sáng
Để con thông hiểu các chứng ước của Ngài.
126Thời điểm mà Đức Giê-hô-va phải hành động đã đến,
Vì loài người đã phá bỏ luật pháp Ngài.
127Con yêu mến điều răn Chúa hơn vàng,
Thậm chí hơn cả vàng ròng.
128Thật vậy, con nhận biết tất cả kỷ cương của Chúa về muôn vật là đúng;
Và con ghét mọi đường lối giả dối.
Bình luận
Lời của Chúa
Vàng là thứ có giá trị nhất trên thế giới này. Nó không thể bị xỉn màu. Nó tỏa sáng rực rỡ không giống bất kỳ một thứ kim loại nào khác.
Tuy nhiên, lời Đức Chúa Trời có giá trị hơn nhiều so với vàng ròng nhất. Tác giả Thi thiên viết: ‘Con yêu mến điều răn Chúa hơn vàng, thậm chí hơn cả vàng ròng’ (c.127).
Nguồn làm tươi mới tâm hồn của tác giả Thi Thiên là lời Chúa. Trước đó trong Thi thiên, ông đã nói: ‘Linh hồn con hằng khao khát mỏi mòn về các phán quyết của Chúa… Linh hồn con ưu sầu, tuôn tràn giọt lệ; xin khiến con mạnh mẽ nhờ lời của Chúa’ (c.20,28). Hãy để lời Chúa làm mới tâm trí, tấm lòng và tâm linh của bạn.
Cầu nguyện
Lạy Chúa, cảm ơn Chúa rất nhiều vì thật tuyệt vời khi được làm mới cảm xúc và tâm linh bằng cách đọc lời của Chúa, suy ngẫm và thấm nhuần chúng trong tâm trí, tấm lòng và tâm linh con.
Phi-lê-môn 1-25
Lời chào thăm
1 Phao-lô, người tù của Đấng Christ Jêsus, và Ti-mô-thê, người anh em, kính gửi Phi-lê-môn, người rất quý mến và là bạn đồng lao của chúng tôi, 2đồng kính gửi Áp-bi, người chị em của chúng tôi, A-chíp, người bạn cùng chiến đấu, và Hội Thánh tại nhà anh ấy: 3Cầu xin Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, và Chúa là Đức Chúa Jêsus Christ ban ân điển và bình an cho anh em.
Đức tin và lòng yêu thương của Phi-lê-môn
4Tôi luôn cảm tạ Đức Chúa Trời tôi, mỗi khi nhắc đến anh trong lời cầu nguyện, 5vì tôi được nghe về đức tin của anh nơi Chúa là Đức Chúa Jêsus, và lòng yêu thương của anh đối với tất cả các thánh đồ. 6Tôi cầu nguyện rằng sự chia sẻ đức tin của anh sẽ nâng cao sự hiểu biết về mọi điều tốt đẹp mà chúng ta có được trong Đấng Christ. 7Thưa anh, tình yêu thương của anh đã đem lại niềm vui và sự an ủi sâu xa cho tôi, vì nhờ anh mà lòng của các thánh đồ được tươi mới.
Phao-lô xin cho Ô-nê-sim
8Cho nên, dù trong Đấng Christ, tôi có quyền truyền cho anh điều phải làm, 9nhưng vì tình yêu thương, tôi muốn nài xin anh thì hơn. Tôi, Phao-lô, đã già rồi và hiện nay đang bị tù vì Đấng Christ Jêsus, 10nài xin anh giúp Ô-nê-sim, người con mà tôi đã sinh ra trong vòng xiềng xích. 11Trước kia, người nầy không ích lợi gì cho anh, nhưng bây giờ thì ích lợi cho cả anh và tôi. 12Tôi gửi người nầy về cho anh như gửi chính tấm lòng của tôi vậy. 13Tôi muốn giữ người nầy lại với tôi, để thay anh chăm lo cho tôi trong lúc tôi vì Tin Lành mà chịu xiềng xích. 14Nhưng tôi không muốn làm điều gì khi chưa được anh đồng ý, để việc lành anh làm không bởi ép buộc mà do tự nguyện. 15Có lẽ vì điều nầy mà Ô-nê-sim đã xa anh một thời gian, để anh có thể nhận lại người nầy mãi mãi, 16không phải như một nô lệ nữa, nhưng hơn hẳn một nô lệ, là một anh em quý mến. Đối với tôi, người nầy đặc biệt quý mến, nhưng đối với anh, lại càng quý mến hơn, cả về phần xác lẫn phần trong Chúa.
17Vậy, nếu anh xem tôi là bạn đồng lao, xin hãy tiếp nhận người nầy như chính mình tôi vậy. 18Nếu người nầy có làm thiệt hại anh, hoặc mắc nợ điều gì thì anh cứ tính cho tôi. 19Tôi, Phao-lô, chính tay tôi viết điều nầy, tôi sẽ hoàn trả cho anh. Còn chuyện anh nợ tôi về chính bản thân mình thì không nhắc đến. 20Phải, thưa anh, xin anh cho tôi có được niềm vui nầy trong Chúa, và làm tươi tỉnh tâm hồn tôi trong Đấng Christ. 21Tôi viết cho anh với niềm tin tưởng là anh sẽ ưng thuận, và biết rằng anh sẽ làm quá điều tôi yêu cầu. 22Nhân thể, hãy chuẩn bị cho tôi một chỗ trọ, vì tôi hi vọng nhờ lời cầu nguyện của anh em, tôi sẽ được trở về với anh em.
Lời chào cuối thư
23Ê-pháp-ra, người bạn tù của tôi trong Đấng Christ Jêsus, chào thăm anh; 24Mác, A-ri-tạc, Đê-ma và Lu-ca, những bạn đồng lao của tôi cũng vậy. 25Cầu xin ân điển của Chúa là Đức Chúa Jêsus Christ ở với tâm linh anh em!
Bình luận
Dân Chúa
Phao-lô viết thư cho bạn mình là Phi-lê-môn để xin một ân huệ (c.1). Phi-lê-môn có một nô lệ tên là Ô-nê-sim đã trốn thoát. Trong khi Ô-nê-sim đang chạy trốn thì Phao-lô đã dẫn ông đến với Đấng Christ (c.10).
Số phận thông thường của một nô lệ bỏ trốn là cái chết hoặc bị đánh đập và đóng dấu trên trán. Giờ đây, trong bức thư đầy ân điển, khiêm nhường, tình yêu chân thành và sự khéo léo này, Phao-lô viết để thuyết phục Phi-lê-môn nhận Ô-nê-sim về – không phải với tư cách là nô lệ, mà như một người bạn và người anh em (c.16). Nhiều thế kỷ sau, hiệu ứng gợn sóng của những từ này đã góp phần tạo nên sự thay đổi xã hội to lớn. Lịch sử ở một khu vực đã trở thành lịch sử mang tính toàn cầu.
Đó là một lời thỉnh cầu mà Phao-lô mong đợi sẽ nhận được câu trả lời tích cực. Ông hoàn toàn tin tưởng rằng Phi-lê-môn sẽ làm những gì ông yêu cầu (c.21). Đây là một ví dụ và một thách thức để mang tình yêu, sự tha thứ và hòa giải đến mọi nơi bạn đến.
Phi-lê-mon là bạn thân của Phao-lô. Ông lãnh đạo một Hội thánh nhóm lại tại nhà mình (c.2) và ông là một người có đức tin và tình yêu thương (c.5).
Phao-lô cầu nguyện để Phi-lê-môn có thể ‘chia sẻ đức tin của anh’ (c.6). Thật thú vị khi chú ý rằng Phao-lô nghĩ rằng đây là cách mà Phi-lê-môn sẽ nhận được 'sự hiểu biết về mọi điều tốt đẹp mà chúng ta có được trong Đấng Christ' (c.6). Ví dụ: tôi thường nhận thấy trên Alpha mọi người tăng trưởng nhanh chóng về hiểu biết khi họ trở thành người trợ giúp nhóm nhỏ và chủ trì khóa học. Cách để trưởng thành là tích cực chia sẻ đức tin của mình.
Sau đó, ông nói tiếp: ‘Thưa anh, tình yêu thương của anh đã đem lại niềm vui và sự an ủi sâu xa cho tôi, vì nhờ anh mà lòng của các thánh đồ được tươi mới’ (c.7). Và ông xin Phi-lê-môn làm mới tấm lòng mình trong Đấng Christ bằng một hành động yêu thương khác (c.20). Toàn bộ lời kêu gọi của ông dành cho Ô-nê-sim đều là ‘vì tình yêu thương’ (c.9).
Rõ ràng, Phi-lê-môn là một người nổi tiếng vì tình yêu thương: ‘vì tôi được nghe về đức tin của anh nơi Chúa là Đức Chúa Jêsus, và lòng yêu thương của anh đối với tất cả các thánh đồ’ (c.5).
Phao-lô đưa ra một yêu cầu rất riêng tư (em không tìm được từ đồng nghĩa trong các bản dịch ạ), yêu cầu Phi-lê-môn chào đón Ô-nê-sim trở lại với tư cách ‘không phải như một nô lệ nữa, nhưng hơn hẳn một nô lệ, là một anh em quý mến… xin hãy tiếp nhận người nầy như chính mình tôi vậy. Nếu người nầy có làm thiệt hại anh, hoặc mắc nợ điều gì thì anh cứ tính cho tôi’ (c.16–18). Ông viết: 'Anh thân mến, vì cớ Chúa, hãy dành cho tôi ân huệ đó, để khích lệ lòng tôi, một người anh em trong Chúa' (c.20, BDY), nhưng điều đó cũng sẽ 'làm tươi tỉnh tâm hồn tôi' (c.20).
Sự tha thứ liên quan đến việc sẵn sàng yêu thương và tha thứ đối với người đã làm điều sai trái hoặc làm tổn thương bạn. Điều đó sẽ dọn đường cho sự hòa giải và phục hồi mối quan hệ.
Phao-lô mong được gặp Phi-lê-môn. Ông viết: ‘Nhân thể, hãy chuẩn bị cho tôi một chỗ trọ, vì tôi hi vọng nhờ lời cầu nguyện của anh em, tôi sẽ được trở về với anh em' (c.22). Dành thời gian với những người bạn yêu thương và những người yêu thương bạn, cho dù đó là gia đình hay bạn bè, sẽ làm mới tấm lòng tim và tâm linh của bạn.
Cầu nguyện
Lạy Chúa, cảm ơn Chúa rất nhiều vì Hội thánh và tình yêu thương của anh chị em trong Đấng Christ. Cảm ơn Ngài vì cách điều đó làm mới tấm lòng và tâm linh con.
Ca thương 2:7-3:39
7Đức Giê-hô-va đã loại bỏ bàn thờ,
Khinh thường nơi thánh;
Ngài đã phó thành quách cung điện Si-ôn
Vào tay quân thù;
Chúng reo hò trong nhà Đức Giê-hô-va
Như trong ngày lễ hội.
8Đức Giê-hô-va đã định phá hủy
Tường thành của con gái Si-ôn;
Ngài đã giăng dây đo,
Tiêu diệt không nương tay.
Ngài làm cho tường và lũy sầu thảm,
Cùng nhau hao mòn tàn tạ.
9Các cổng thành lún sâu trong đất;
Ngài đã phá tung và bẻ gãy các then cài.
Vua và thủ lĩnh bị lưu đày biệt xứ;
Luật pháp không còn,
Ngay các nhà tiên tri cũng không nhận được
Khải tượng từ Đức Giê-hô-va.
10Các trưởng lão của thiếu nữ Si-ôn
Lặng lẽ ngồi trên đất;
Đầu rải tro bụi,
Mình mặc áo gai.
Các trinh nữ Giê-ru-sa-lem
Cúi đầu sát đất.
11Mắt tôi hao mòn vì tuôn tràn giọt lệ,
Ruột gan rối bời;
Lòng dạ tôi đổ ra trên đất
Vì con gái dân tôi bị hủy diệt;
Vì trẻ em và trẻ sơ sinh
Ngất đi giữa các đường phố.
12Chúng kêu đòi mẹ:
“Thức ăn ở đâu? Rượu ở đâu?”
Chúng ngất đi như người bị thương
Trên các đường phố trong thành,
Rồi chúng trút linh hồn
Trong lòng mẹ.
13Hỡi cô gái Giê-ru-sa-lem,
Ta làm chứng gì cho ngươi? So sánh ngươi với ai?
Hỡi trinh nữ Si-ôn,
Ta lấy gì ví sánh với ngươi để an ủi ngươi?
Sự thương tổn của ngươi như biển cả,
Ai có thể chữa lành?
14Các tiên tri ngươi đã cho ngươi thấy
Những khải tượng giả dối và phù phiếm;
Họ chẳng vạch trần tội lỗi ngươi
Để đem ngươi trở về từ chốn lưu đày.
Nhưng chỉ cho ngươi thấy
Những lời tiên tri dối trá và lầm lạc.
15Những người qua lại trên đường
Vỗ tay, huýt sáo, lắc đầu,
Nhạo báng thiếu nữ Giê-ru-sa-lem:
“Có phải đây là thành phố mà người ta gọi là:
‘Vẻ đẹp toàn hảo,
Niềm vui của cả địa cầu’ không?”
16Mọi kẻ thù của ngươi
Hả miệng chống lại ngươi;
Chúng huýt sáo, nghiến răng, rồi gào lên:
“Chúng ta đã tiêu diệt nó!
Đây là ngày chúng ta mong đợi,
Chúng ta đã đạt được rồi, đã tìm thấy rồi!”
17Đức Giê-hô-va làm điều Ngài hoạch định,
Thực hiện lời Ngài đã phán;
Như lời Ngài truyền từ xa xưa,
Ngài đã lật đổ chẳng chút xót thương;
Ngài làm cho kẻ thù ngươi vui về ngươi,
Giương cao sừng kẻ thù ngươi.
18Lòng dân ngươi đã kêu cầu Chúa,
Hỡi các tường thành của Si-ôn,
Hãy để cho nước mắt ngươi
Ngày đêm tuôn chảy như dòng sông!
Đừng khi nào nghỉ ngơi,
Cũng đừng để con ngươi của mắt ngươi đứng yên!
19Ban đêm, hãy thức dậy kêu cầu
Vào đầu mỗi canh khuya!
Hãy trút đổ lòng ra như nước
Trước mặt Chúa.
Hãy giơ tay hướng về Chúa
Vì sự sống của con cái ngươi,
Chúng ngất đi vì đói,
Ở khắp mọi đầu đường góc phố.
20Lạy Đức Giê-hô-va xin đoái xem!
Ngài đã đối xử với ai thế nầy?
Làm sao người đàn bà đành ăn trái của ruột mình,
Tức là con cái mình đang ẵm trong tay?
Làm sao thầy tế lễ và nhà tiên tri
Lại bị giết trong nơi thánh của Chúa?
21Ngoài phố, trẻ thơ và người già
Nằm la liệt;
Thanh niên thiếu nữ của con
Đều ngã gục bởi gươm đao.
Ngài đã giết chúng trong ngày thịnh nộ,
Tàn diệt chúng chẳng chút xót thương.
22Ngài đã nhóm bao nỗi kinh hoàng của con từ mọi phía,
Như trong ngày trẩy hội;
Trong ngày Đức Giê-hô-va nổi giận,
Chẳng một ai trốn thoát hoặc sống sót.
Những kẻ con đã ẵm bồng và nuôi dạy,
Đều đã bị kẻ thù của con tiêu diệt.
Sự sửa phạt, ăn năn và hi vọng
3 Tôi là người đã từng trải nỗi khốn khổ,
Dưới cây gậy thịnh nộ của Ngài.
2Ngài đã dẫn tôi và đưa tôi đi
Trong tối tăm, không một tia sáng;
3Thật, suốt ngày, Ngài đưa tay
Hành hạ tôi liên tục.
4Ngài khiến da thịt tôi hao mòn,
Xương cốt tôi gãy vụn;
5Bao vây tôi, giam hãm tôi
Bằng cay đắng nhọc nhằn;
6Ngài bắt tôi ở chỗ tối tăm,
Như người chết tự bao giờ.
7Ngài xây tường quanh tôi, tôi không sao trốn thoát;
Ngài xiềng tôi bằng dây xích nặng;
8Dù tôi kêu la và cầu cứu,
Ngài vẫn để ngoài tai lời cầu nguyện của tôi;
9Ngài lấy đá chận lối tôi,
Khiến đường tôi đi khúc khuỷu.
10Ngài như con gấu rình rập tôi,
Như sư tử ẩn mình chờ đợi;
11Ngài khiến tôi lạc đường, xé tôi ra từng mảnh,
Và bỏ tôi bơ vơ;
12Ngài đã giương cung và dựng tôi lên
Làm mục tiêu cho mũi tên của Ngài.
13Ngài khiến những mũi tên trong bao
Cắm sâu vào tim tôi.
14Tôi trở thành trò cười cho dân tôi,
Là bài vè cho chúng nghêu ngao suốt ngày.
15Ngài đã cho tôi ngậm đầy cỏ đắng,
Nuốt ngải cứu chán chê.
16Ngài mài răng tôi trên sỏi đá,
Để tôi nằm co ro trong tro bụi.
17Linh hồn tôi xa cách sự bình an,
Không còn nhớ phước hạnh là gì.
18Tôi tự nhủ: “Sức chịu đựng của ta đã hết,
Niềm hi vọng nơi Đức Giê-hô-va đã tiêu tan.”
19“Xin Chúa nhớ đến nỗi phiền ưu và cảnh đời lưu lạc của con,
Chỉ có ngải cứu và mật đắng.
20Con vẫn luôn nhớ đến điều đó,
Linh hồn con mòn mỏi trong con.
21Nhưng khi nhớ lại điều đó
Thì con có niềm hi vọng.”
22Nhờ lòng nhân từ của Đức Giê-hô-va mà chúng ta không bị tiêu diệt,
Lòng thương xót của Ngài không bao giờ dứt.
23Mỗi buổi sáng, lòng thương xót của Chúa tươi mới luôn,
Sự thành tín Ngài lớn biết bao.
24Tôi tự nhủ: “Đức Giê-hô-va là sản nghiệp tôi,
Nên tôi hi vọng nơi Ngài.”
25Đức Giê-hô-va nhân từ với những ai trông đợi Ngài,
Với linh hồn nào tìm kiếm Ngài.
26Thật tốt cho người yên lặng trông chờ
Ơn cứu rỗi của Đức Giê-hô-va.
27Thật tốt cho người nào
Mang ách lúc còn trẻ,
28Để nó ngồi một mình trong yên lặng
Khi Ngài đã đặt ách trên nó.
29Cứ để miệng nó hôn bụi đất!
Có thể còn hi vọng;
30Nó cứ đưa má cho người ta vả,
Chuốc lấy bao sỉ nhục ê chề.
31Vì Chúa không từ bỏ ai mãi mãi.
32Dù Ngài có làm cho đau buồn, Ngài vẫn thương xót
Theo lòng nhân từ cao cả của Ngài;
33Vì trong thâm tâm, Ngài không muốn
Gây khổ đau hoặc buồn bã cho con cái loài người.
34Khi người ta giày đạp
Mọi tù nhân trong xứ,
35Để uốn cong công lý của một người
Trước mặt Đấng Chí Cao,
36Để gây thiệt hại cho người khi xử kiện,
Thì Chúa không chấp nhận.
37Ai ra lệnh cho điều đó xảy ra,
Nếu không phải là Chúa đã phán truyền?
38Chẳng lẽ từ miệng Đấng Chí Cao
Lại ra vừa tai họa lẫn phước lành?
39Tại sao người đang sống phàn nàn
Về hình phạt dành cho tội lỗi mình?
Bình luận
Sự hiện diện của Chúa
Tấm lòng của vị tiên tri đang rất cần sự tươi mới. Khi Giê-rê-mi nhìn ra sự tàn phá của Giê-ru-sa-lem, ông bị bao quanh bởi sự đau khổ kinh khủng nhất. Sự tàn phá ở khắp mọi nơi. Người dân thì đang chết đói. Nó đã đạt đến mức tồi tệ nhất đến mức là phụ nữ thậm chí có thể ăn thịt chính con mình (2:20).
Không chỉ có sự đau khổ vây quanh Giê-rê-mi. Nó cũng ở trong tấm lòng và tâm linh của chính ông. Ông viết: ‘Mắt tôi hao mòn vì tuôn tràn giọt lệ, ruột gan rối bời; lòng dạ tôi đổ ra trên đất’ (c.11). Trái tim ông bị những mũi tên xuyên thủng (3:13). Ông cảm thấy bị bao vây và bị giam hãm bởi ‘cay đắng nhọc nhằn' (c.5). Ông chìm trong bóng tối (c.6).
Ông cảm thấy mình bị ‘bỏ mặc’ (c.11, BPT). Ông bị cười chê và giễu cợt (c.14). Trên hết, ông đã ‘xa cách sự bình an’ (c.17).
Giống như Giê-rê-mi, đôi khi lời cầu nguyện của chúng ta dường như không được đáp lại: ‘Dù tôi kêu la và cầu cứu, Ngài vẫn để ngoài tai lời cầu nguyện của tôi; Ngài lấy đá chận lối tôi, khiến đường tôi đi khúc khuỷu' (c.8–9).
Câu trả lời nằm ở ‘sự hiện diện của Chúa’. Ông viết: ‘Ban đêm, hãy thức dậy kêu cầu
Vào đầu mỗi canh khuya!
Hãy trút đổ lòng ra như nước
Trước mặt Chúa' (2:19).
Ông tiếp tục, ‘Con vẫn luôn nhớ đến điều đó,
Linh hồn con mòn mỏi trong con.
Nhưng khi nhớ lại điều đó
Thì con có niềm hi vọng.”
Nhờ lòng nhân từ của Đức Giê-hô-va mà chúng ta không bị tiêu diệt,
Lòng thương xót của Ngài không bao giờ dứt.
Mỗi buổi sáng, lòng thương xót của Chúa tươi mới luôn,
Sự thành tín Ngài lớn biết bao.
Tôi tự nhủ: “Đức Giê-hô-va là sản nghiệp tôi,
Nên tôi hi vọng nơi Ngài.”
Đức Giê-hô-va nhân từ với những ai trông đợi Ngài,
Với linh hồn nào tìm kiếm Ngài…
Dù Ngài có làm cho đau buồn, Ngài vẫn thương xót
Theo lòng nhân từ cao cả của Ngài’ (3:20–25,32).
Thời kỳ tươi mới đến từ ‘Đấng Christ, tức là Đức Chúa Jêsus, Đấng đã được chỉ định trước, đến với anh em’ (Công vụ 3:20). Bạn có thể nhận được sự tươi mới này mỗi ngày.
Lòng thương xót của Chúa luôn tươi mới vào mỗi buổi sáng. Bạn có thể tạo ra một khởi đầu mới mỗi ngày. Mỗi ngày bạn có thể tìm kiếm Ngài, lặng lẽ chờ đợi Ngài, hy vọng vào Ngài và được tươi mới bởi sự hiện diện của Ngài.
Khi bạn nhận ra Đức Chúa Trời đã tha thứ cho bạn nhiều thế nào và lòng thương xót của Ngài bao la biết bao, bạn có thể dễ dàng tha thứ hơn cho những người đã làm tổn thương bạn và mở lòng thương xót đến họ. Đây là chìa khóa cho những mối quan hệ tốt đẹp.
Đây không phải là những lời động viên thiếu thực tế hay thiển cận. Chúng thực tế về chiều sâu và mức độ của đau khổ cũng như sự đấu tranh bên ngoài và bên trong. Tuy nhiên, giữa tất cả những điều này, bạn có thể bám vào lòng nhân từ và tình yêu của Chúa: ‘Nhờ lòng nhân từ của Đức Giê-hô-va mà chúng ta không bị tiêu diệt’ (Ca Thương 3:22).
Chúng ta thấy ở đây một gợi ý về cách tình yêu này được thực hiện. Nhà tiên tri viết: ‘Nó cứ đưa má cho người ta vả, chuốc lấy bao sỉ nhục ê chề’ (c.30). Chúa Giê-su đưa má ra cho những người đánh Ngài (Giăng 19:3; xem thêm Ma-thi-ơ 5:39) và gánh lấy ô nhục của chúng ta trên thập tự giá. Chính huyết của Đấng Christ sẽ tẩy sạch bạn khỏi mọi tội lỗi (I Giăng 1:9) và qua cái chết của Ngài, bạn có thể được tha thứ, thanh tẩy, đổi mới và tươi mới trong tấm lòng và tâm linh mình mỗi ngày.
Cầu nguyện
Lạy Chúa, hôm nay con trút hết tâm sự với Ngài. Xin Chúa làm mới con trong sự hiện diện của Ngài. Cảm ơn Chúa vì lòng thành tín lớn lao và lòng thương xót vô cùng - được ban cho con, làm con tươi mới vào mỗi buổi sáng, qua Chúa Giê-su Christ, Chúa tôi.
Pippa chia sẻ
Ca thương 3:22-23
Dù chúng ta đang trải qua điều gì hôm nay, chúng ta cũng có thể được an ủi từ những câu này: ‘Nhờ lòng nhân từ của Đức Giê-hô-va mà chúng ta không bị tiêu diệt, lòng thương xót của Ngài không bao giờ dứt. Mỗi buổi sáng, lòng thương xót của Chúa tươi mới luôn, sự thành tín Ngài lớn biết bao.'
App
Tải xuống ứng dụng Kinh Thánh Trong Một Năm dành cho thiết bị iOS hoặc Android và đọc theo mỗi ngày.
Đăng ký ngay bây giờ để nhận Kinh thánh trong một năm trong hộp thư đến của bạn mỗi sáng. Bạn sẽ nhận được một email mỗi ngày.
Book
Kinh thánh trong một năm bình luận có sẵn như là một cuốn sách.
- Mua từ Cửa hàng Alpha
- [Mua từ Nhà sách CLC](https://clcbookshops.com/product/bible-in-one-year-the-a-commentary-by-nicky-gumbel-hard-cover-gumbel-nicky-hodder-stoughton- 9781473677067)
Tham khảo
Jim Bakker, Tôi Đã Sai (Thomas Nelson, 2010), tr.282–284.
Trừ khi có quy định khác, các trích dẫn Kinh thánh lấy từ Kinh thánh, Phiên bản quốc tế mới được Anh hóa, Bản quyền © 1979, 1984, 2011 Biblica, trước đây là Hiệp hội Kinh thánh Quốc tế. Được sử dụng với sự cho phép của Nhà xuất bản Hodder & Stoughton, một công ty của Hachette Vương quốc Anh. Đã đăng ký Bản quyền. ‘NIV’ là nhãn hiệu đã đăng ký của Biblica. Số nhãn hiệu Vương quốc Anh 1448790.
Các trích dẫn Kinh thánh được đánh dấu (AMP) lấy từ Amplified® Bible, Bản quyền © 1954, 1958, 1962, 1964, 1965, 1987 bởi The Lockman Foundation. Được sử dụng bởi sự cho phép. (www.Lockman.org)
Kinh thánh được đánh dấu (MSG) được lấy từ Thông điệp. Bản quyền © 1993, 1994, 1995, 1996, 2000, 2001, 2002. Được sử dụng dưới sự cho phép của NavPress Publishing Group.