Ngày 78

Đấng Cứu Rỗi

Khôn ngoan Thi Thiên 35:1-10
Tân ước Lu-ca 2:21-40
Cựu Ước Dân Số Ký 7:1-65

Giới thiệu

Thế giới này đang tìm kiếm một Đấng cứu rỗi. Một nghệ sĩ người Canada, Lights, đã thể hiện điều này trong lời bài hát của cô, "Saviour" (Đấng Cứu Rỗi):

"Màn đêm thật inh ỏi,
Khi sự im lặng bắt đầu lắng nghe,
Và tôi quỳ xuống,
Và tôi biết rằng vẫn còn thiếu điều gì đó

Sớm hay muộn, tôi cũng cần một Đấng cứu rỗi, Tôi sẽ cần một Đấng cứu rỗi ...

"Lecrae" (Moore), là một rapper, doanh nhân, nhà sản xuất âm nhạc và diễn viên. Anh ấy đã lên tiếng thay cho nhiều người trong chúng ta khi nói rằng: "Tôi là một Cơ Đốc nhân, không phải vì tôi mạnh mẽ và có tất cả mọi thứ. Tôi là một Cơ Đốc nhân vì tôi yếu đuối và tôi cần một Đấng cứu rỗi."

Sự thật đáng kinh ngạc của Cơ Đốc giáo đó là trong Chúa Giê-su, bạn có được một Đấng cứu rỗi. Vậy bạn nên phản ứng thế nào với tin mừng này?

Khôn ngoan

Thi Thiên 35:1-10

Tác giả cầu nguyện Chúa cứu mình khỏi kẻ thù

Thi Thiên của Đa-vít

 1 Lạy Đức Giê-hô-va, xin tranh luận với kẻ tranh luận cùng con,
  Xin chiến đấu với kẻ chiến đấu chống lại con.
 2 Xin cầm lấy khiên nhỏ và lớn,
  Trỗi dậy để giúp đỡ con.
 3 Xin rút lao và giáo cản đường
  Kẻ nào rượt đuổi con.
  Xin phán với con:
  “Ta là sự cứu rỗi của con.”

 4 Nguyện những kẻ tìm hại mạng sống con
  Phải bị hổ thẹn và sỉ nhục;
  Những kẻ âm mưu hại con
  Phải thối lui và bị xấu hổ.
 5 Nguyện chúng như trấu bị gió đùa đi,
  Cầu xin thiên sứ Đức Giê-hô-va đuổi chúng đi!
 6 Nguyện con đường của chúng tối tăm và trơn trợt,
  Cầu xin thiên sứ Đức Giê-hô-va đuổi theo chúng!

 7 Vì chúng giăng lưới vô cớ để bẫy con;
  Và đào hầm vô cớ để hại mạng sống con.
 8 Nguyện sự hủy diệt bất ngờ ập đến,
  Làm cho chúng sa vào lưới chúng giăng;
  Và chúng rơi vào chỗ hủy diệt.

 9 Linh hồn con sẽ vui vẻ trong Đức Giê-hô-va,
  Mừng rỡ về sự cứu rỗi của Ngài.
 10 Các xương cốt con sẽ nói:
  “Lạy Đức Giê-hô-va, ai giống như Ngài?
  Ngài giải cứu người yếu đuối khỏi kẻ mạnh bạo,
  Cứu người khốn cùng và kẻ thiếu thốn khỏi bọn bóc lột.”

Bình luận

Kêu cầu Đấng Cứu Rỗi của bạn

Bạn có thể kêu cầu sự giúp đỡ của Chúa bất cứ lúc nào.

Cuộc sống này là một trận chiến. Nếu chúng ta giương cờ của Đức Chúa Trời, chắc chắn sẽ có những người ngoài kia muốn bắt lấy chúng ta. Đa-vít đã cầu xin Đức Chúa Trời chiến đấu với những kẻ chống lại ông (c.1a).

Ông cầu nguyện rằng: "Xin chiến đấu với kẻ chiến đấu chống lại con... Trỗi dậy để giúp đỡ con... Xin phán với con: “Ta là sự cứu rỗi của con”" (c.1b–3). Hoặc như bản dịch Phổ Thông viết "Xin trấn an tôi rằng, 'Ta sẽ giải cứu ngươi.'"

Khi bị tấn công, bạn rất dễ cảm thấy đó là lỗi của mình. Nhưng Đa-vít đã hai lần lặp lại rằng việc họ muốn gài bẫy ông là "vô cớ" (c.7). Đôi khi bạn có thể phải đối mặt với sự phản đối, không phải vì bạn làm sai, mà là vì bạn làm đúng. Đa-vít cầu xin Đức Chúa Trời giải cứu ông: "Linh hồn con sẽ vui vẻ trong Đức Giê-hô-va, mừng rỡ về sự cứu rỗi của Ngài" (c.9).

Kẻ thù của bạn có thể mạnh hơn bạn. Đa-vít đã phải đối mặt với những kẻ "tranh luận", "chống lại", "tìm hại mạng sống" và "âm mưu hại" ông (c.1,4). Nhưng Đức Chúa Trời là Đấng Cứu Rỗi, Ngài giải cứu và bảo vệ những người "khốn cùng" (c.10b).

Sự giải cứu cuối cùng của Đức Chúa Trời là sự cứu rỗi trong Chúa Giê-su. Tôi rất thích một bài hát do Ben Fielding và Reuben Morgan sáng tác - bài hát ca ngợi sự cứu rỗi này. Hãy dùng những câu từ sau như một lời cầu nguyện và dâng sự thờ phượng lên cho Chúa:

Cầu nguyện

Giê-su Christ,
di chuyển cả núi đồi,
Chúa tôi đầy quyền năng cứu người,
đầy quyền năng để cứu người.
Giê-su Christ,
treo thân trên thánh giá vì,
bao ô tội tôi với nhân loại,
rồi phục sinh rất hiển vinh.

Tân ước

Lu-ca 2:21-40

21 Khi được trọn tám ngày, lúc phải cắt bì cho con trẻ, thì họ đặt tên là Jêsus, là tên thiên sứ đã đặt trước khi con trẻ được thai dựng trong bụng mẹ.

Lễ dâng Chúa nơi đền thờ

22 Khi những ngày thanh tẩy theo luật Môi-se đã mãn, cha mẹ đem con trẻ lên thành Giê-ru-sa-lem để dâng cho Chúa, 23 như đã chép trong luật pháp của Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải biệt ra thánh cho Chúa”, 24 và dâng một cặp chim gáy, hoặc chim bồ câu con, như luật pháp của Chúa đã truyền.

Bài ca của Si-mê-ôn. – Nữ tiên tri An-ne

25 Lúc ấy, tại thành Giê-ru-sa-lem có một người công chính và đạo đức, tên là Si-mê-ôn. Ông trông đợi sự an ủi của dân Y-sơ-ra-ên, và Đức Thánh Linh ngự trên ông. 26 Đức Thánh Linh đã cho ông biết trước rằng ông sẽ không chết trước khi thấy Đấng Christ của Chúa. 27 Được Thánh Linh cảm thúc, ông vào đền thờ đúng lúc cha mẹ đem con trẻ là Jêsus đến để làm cho Ngài các thủ tục theo luật pháp. 28 Ông bồng ẵm con trẻ và ca ngợi Đức Chúa Trời rằng:

29 “Lạy Chúa, bây giờ xin Chúa cho đầy tớ Chúa ra đi bình an,
Theo như lời Ngài;
30 Vì mắt con đã thấy sự cứu rỗi của Ngài,
31 Mà Ngài đã chuẩn bị trước mặt muôn dân,
32 Là ánh sáng soi đường cho các dân ngoại,
Và là vinh quang của Y-sơ-ra-ên, tức dân Ngài.”

33 Cha mẹ con trẻ ngạc nhiên về những lời Si-mê-ôn nói về con trẻ. 34 Si-mê-ôn chúc phước cho hai vợ chồng và nói với Ma-ri, mẹ con trẻ rằng: “Con trẻ nầy đã được chỉ định để làm cho nhiều người trong Y-sơ-ra-ên vấp ngã hoặc trỗi dậy, và là một dấu hiệu gây nên sự chống đối. 35 Còn cô, một thanh gươm cũng sẽ đâm thấu tâm hồn cô, để tư tưởng sâu kín của nhiều người phải lộ ra.”

36 Cũng có nữ tiên tri An-ne, con gái của Pha-nu-ên, về bộ tộc A-se, tuổi đã cao. Sau khi kết hôn, bà đã sống với chồng được bảy năm, 37 rồi ở góa, đến nay đã tám mươi bốn tuổi. Bà chẳng hề rời khỏi đền thờ, cứ đêm ngày phục vụ Chúa, kiêng ăn và cầu nguyện. 38 Vào giờ ấy, bà cũng đến đó, ca ngợi Đức Chúa Trời và nói về con trẻ cho mọi người đang trông đợi sự giải cứu thành Giê-ru-sa-lem.

39 Khi đã hoàn tất mọi việc theo luật pháp của Chúa, Giô-sép và Ma-ri trở về thành của mình là Na-xa-rét thuộc miền Ga-li-lê. 40 Con trẻ lớn lên và mạnh mẽ; đầy dẫy sự khôn ngoan, và ân điển của Đức Chúa Trời ở trên Ngài.

Bình luận

Nhìn xem Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế của bạn

Chúa Giê-su là Đấng Cứu Rỗi của cả thế gian. Thiên sứ đã loan báo về sự ra đời của một "Đấng Cứu Thế" (2:11). Trong phân đoạn Kinh Thánh này, chúng ta thấy rằng vào ngày thứ tám, Ngài được đặt tên là "Jêsus", nghĩa là "Chúa cứu".

Cha mẹ của Ngài đưa Ngài đến Giê-ru-sa-lem "dâng cho Chúa" và dâng các của lễ "như luật pháp của Chúa đã truyền" (c.22–24). Chúa Giê-su là sự hoàn thành trọn vẹn của các của lễ dâng mà chúng ta đã đọc trong Cựu Ước.

1. Nhìn xem Chúa Giê-su để nhận được sự bình an

Si-mê-ôn đã ẵm Chúa Giê-su trên tay và thưa với Đức Chúa Trời: "mắt con đã thấy sự cứu rỗi của Ngài" (c.30). Thấy Chúa Giê-su là thấy sự cứu rỗi. Việc nhìn thấy Chúa Giê-su đã mang lại cho Si-mê-ôn sự "bình an" (c.29b).

2. Nhìn xem Chúa Giê-su để nhận biết Đức Chúa Trời

Chúa Giê-su là ánh sáng mặc khải Đức Chúa Trời. Ngài là "ánh sáng soi đường cho các dân ngoại" (c.32a). Chúng ta không thể nhận biết Đức Chúa Trời, trừ khi Ngài bày tỏ chính mình Ngài cho chúng ta. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã làm điều đó qua Chúa Giê-su. Chúa Giê-su cho chúng ta thấy Đức Chúa Trời là như thế nào. Chúa Giê-su phán: "Ai đã thấy Ta tức là đã thấy Cha" (Giăng 14:9). Ngài đã bày tỏ Đức Chúa Trời cho mọi người, một cách đầy đủ và trọn vẹn.

3. Nhìn xem Chúa Giê-su để thấy ân điển và chân lý

Chúa Giê-su là ánh sáng đem lại vinh quang: "vinh quang của Y-sơ-ra-ên, tức dân Ngài" (Lu-ca 2:32b). Từ "vinh quang" nói lên sự tuyệt diệu, vẻ đẹp, sự vĩ đại và sự hoàn hảo của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời là vinh quang. Y-sơ-ra-ên có được sự vinh quang vì Đức Chúa Trời đã ngự giữa họ, đầu tiên là trong đền tạm nơi sa mạc (như trong đoạn Cựu Ước hôm nay), và sau đó là trong đền thờ ở Giê-ru-sa-lem.

Qua Chúa Giê-su, dân Y-sơ-ra-ên đã nhìn thấy vinh quang của Đức Chúa Trời một cách chân thực và trọn vẹn nhất. Như sứ đồ Giăng viết về Chúa Giê-su: "Ngôi Lời đã trở nên xác thể, sống giữa chúng ta, đầy ân điển và chân lý. Chúng ta đã chiêm ngưỡng vinh quang Ngài, thật là vinh quang của Con Một đến từ nơi Cha" (Giăng 1:14). Chúa Giê-su mang lại vinh quang cho Y-sơ-ra-ên và cho chúng ta, vì Ngài là Đức Chúa Trời đến và ở giữa chúng ta.

Tuy nhiên, đáng buồn thay, nhiều người từ chối sự mặc khải và vinh quang của Đức Chúa Trời mà chúng ta thấy được nơi Chúa Giê-su. Si-mê-ôn tiên đã nói tiên tri về điều này: "Con trẻ nầy đã được chỉ định để làm cho nhiều người trong Y-sơ-ra-ên vấp ngã hoặc trỗi dậy, và là một dấu hiệu gây nên sự chống đối. Còn cô, một thanh gươm cũng sẽ đâm thấu tâm hồn cô, để tư tưởng sâu kín của nhiều người phải lộ ra" (Lu-ca 2:34–35) .

Việc ở gần với Chúa Giê-su mang lại nhiều phước lành, nhưng cũng lắm khổ đau. Có những người chống đối Chúa Giê-su hoặc đơn giản là không quan tâm đến Ngài, đó có thể là một thành viên nào đó trong gia đình của bạn, người bạn thân của bạn hay một người mà bạn thật sự quan tâm. Khi thấy người khác từ chối Chúa Giê-su, chúng ta thoáng thấy được điều mà Ma-ri hẳn đã trải qua: "một thanh gươm cũng sẽ đâm thấu tâm hồn cô" (c.35).

Sự đau đớn này của Ma-ri nằm ở tương lai. Còn trong khi đó, bà vui mừng khi thấy Chúa Giê-su "lớn lên và mạnh mẽ; đầy dẫy sự khôn ngoan, và ân điển của Đức Chúa Trời ở trên Ngài" (c.40). "Sự khôn ngoan" và "ân điển" là những thuộc tính của Đấng Cứu Rỗi mà chúng ta nên cố gắng noi theo trong đời sống của mình.

Cầu nguyện

Lạy Chúa, xin ban cho con đôi mắt như Si-mê-ôn để nhìn thấy sự cứu rỗi của Ngài trong thế giới ngày nay. Xin ân điển và sự khôn ngoan của Ngài ở trên con trong mọi quyết định, mọi cuộc gặp gỡ và mọi cuộc trò chuyện của con ngày hôm nay.

Cựu Ước

Dân Số Ký 7:1-65

Lễ vật dâng hiến vào dịp khánh thành Đền Tạm

1 Khi đã dựng xong Đền Tạm, Môi-se xức dầu và biệt riêng ra thánh tất cả vật dụng của Đền Tạm, cũng như xức dầu và biệt riêng ra thánh bàn thờ và tất cả vật dụng cho bàn thờ. 2 Sau đó, những người lãnh đạo Y-sơ-ra-ên, tức là các trưởng gia tộc, các trưởng bộ tộc đã chịu trách nhiệm kiểm tra dân số đều đem dâng lễ vật của mình. 3 Họ đem các lễ vật đến trước mặt Đức Giê-hô-va: Sáu cỗ xe kiệu và mười hai con bò đực; mỗi người lãnh đạo dâng một con bò và hai người dâng một cỗ xe. Họ dâng các lễ vật đó trước Đền Tạm.

4 Đức Giê-hô-va bảo Môi-se: 5 “Hãy tiếp nhận các lễ vật của họ để dùng vào công việc nơi Lều Hội Kiến và giao chúng cho người Lê-vi tùy theo công tác của mỗi người.” 6 Vậy Môi-se tiếp nhận các cỗ xe và những bò đực rồi giao lại cho người Lê-vi. 7 Ông giao cho con cháu Ghẹt-sôn hai cỗ xe và bốn con bò đực tùy theo công tác của họ. 8 Ông giao cho con cháu Mê-ra-ri bốn cỗ xe và tám con bò đực tùy theo công tác của họ. Họ ở dưới sự giám sát của Y-tha-ma, con trai thầy tế lễ A-rôn. 9 Nhưng ông không giao vật gì cho con cháu Kê-hát vì họ phải lo coi sóc những vật thánh mà họ gánh vác trên vai mình. 10 Trong ngày bàn thờ được xức dầu, những người lãnh đạo đem lễ vật cho việc cung hiến bàn thờ đến dâng trước bàn thờ. 11 Đức Giê-hô-va phán với Môi-se: “Những người lãnh đạo luân phiên mỗi ngày một người, đem lễ vật để cung hiến bàn thờ.”

12 Người dâng lễ vật vào ngày đầu tiên là Na-ha-sôn, con trai của A-mi-na-đáp, thuộc bộ tộc Giu-đa. 13 Lễ vật của ông gồm một cái đĩa bạc nặng một kí rưỡi, một cái chậu bạc nặng tám trăm gam, theo siếc-lơ nơi thánh; cả hai cái đều đầy bột lọc nhồi dầu dùng làm tế lễ chay, 14 một cái chén vàng nặng một trăm mười lăm gam đựng đầy thuốc thơm, 15 một con bò đực tơ, một con chiên đực, một con chiên con một tuổi dùng làm tế lễ thiêu; 16 một con dê đực dùng làm tế lễ chuộc tội 17 và hai con bò đực, năm con chiên đực, năm con dê đực và năm con chiên con một tuổi dùng làm tế lễ bình an. Đó là lễ vật của Na-ha-sôn, con trai A-mi-na-đáp.

18 Ngày thứ hai, Na-tha-na-ên, con trai của Xu-a, thủ lĩnh của Y-sa-ca, đến dâng lễ vật. 19 Ông dâng một cái đĩa bạc nặng một ký rưỡi, một cái chậu bạc nặng tám trăm gam theo siếc-lơ nơi thánh, cả hai cái đều đầy bột lọc nhồi dầu dùng làm tế lễ chay; 20 một cái chén vàng nặng một trăm mười lăm gam đựng đầy thuốc thơm; 21 một con bò đực tơ, một con chiên đực, một con chiên con một tuổi dùng làm tế lễ thiêu; 22 một con dê đực dùng làm tế lễ chuộc tội 23 và hai con bò đực, năm con chiên đực, năm con dê đực và năm con chiên con một tuổi dùng làm tế lễ bình an. Đó là lễ vật của Na-tha-na-ên, con trai Xu-a.

24 Ngày thứ ba, Ê-li-áp, con trai của Hê-lôn, thủ lĩnh của Sa-bu-lôn đến dâng lễ vật. 25 Lễ vật của ông gồm một cái dĩa bạc nặng một ký rưỡi, một cái chậu bạc nặng tám trăm gam theo siếc-lơ nơi thánh, cả hai cái đều đầy bột lọc nhồi dầu dùng làm tế lễ chay; 26 một cái chén vàng nặng một trăm mười lăm gam đựng đầy thuốc thơm; 27 một con bò đực tơ, một con chiên đực, một con chiên con một tuổi dùng làm tế lễ thiêu; 28 một con dê đực dùng làm tế lễ chuộc tội 29 và hai con bò đực, năm con chiên đực, năm con dê đực và năm con chiên con một tuổi dùng làm tế lễ bình an. Đó là lễ vật của Ê-li-áp, con trai Hê-lôn.

30 Ngày thứ tư, Ê-lít-su, con trai Sê-đêu, thủ lĩnh của Ru-bên, đến dâng lễ vật. 31 Lễ vật của ông gồm một cái đĩa bạc nặng một kí rưỡi, một cái chậu bạc nặng tám trăm gam theo siếc-lơ nơi thánh, cả hai cái đều đầy bột lọc nhồi dầu dùng làm tế lễ chay; 32 một cái chén vàng nặng một trăm mười lăm gam đựng đầy thuốc thơm, 33 một con bò đực tơ, một con chiên đực, một con chiên con một tuổi dùng làm tế lễ thiêu; 34 một con dê đực dùng làm tế lễ chuộc tội 35 và hai con bò đực, năm con chiên đực, năm con dê đực và năm con chiên con một tuổi dùng làm tế lễ bình an. Đó là lễ vật của Ê-lít-su, con trai Sê-đêu.

36 Ngày thứ năm, Sê-lu-mi-ên, con trai Xu-ri-ha-đa, thủ lĩnh của Si-mê-ôn, đến dâng lễ vật. 37 Lễ vật của ông gồm một cái đĩa bạc nặng một ký rưỡi, một cái chậu bạc nặng tám trăm gam theo siếc-lơ nơi thánh, cả hai cái đều đầy bột lọc nhồi dầu dùng làm tế lễ chay; 38 một cái chén vàng nặng một trăm mười lăm gam, đựng đầy thuốc thơm; 39 một con bò đực tơ, một con chiên đực, một con chiên con một tuổi dùng làm tế lễ thiêu; 40 một con dê đực dùng làm tế lễ chuộc tội 41 và hai con bò đực, năm con chiên đực, năm con dê đực và năm con chiên con một tuổi dùng làm tế lễ bình an. Đó là lễ vật của Sê-lu-mi-ên, con trai Xu-ri-ha-đai.

42 Ngày thứ sáu, Ê-li-a-sáp, con trai Đê-u-ên, thủ lĩnh của Gát, đến dâng lễ vật. 43 Lễ vật của ông gồm một cái đĩa bạc nặng một ký rưỡi, một cái chậu bạc nặng tám trăm gam theo siếc-lơ nơi thánh, cả hai cái đều đầy bột lọc nhồi dầu dùng làm tế lễ chay; 44 một cái chén vàng nặng một trăm mười lăm gam đựng đầy thuốc thơm; 45 một con bò đực tơ, một con chiên đực, một con chiên con một tuổi dùng làm tế lễ thiêu; 46 một con dê đực dùng làm tế lễ chuộc tội 47 và hai con bò đực, năm con chiên đực, năm con dê đực và năm con chiên con một tuổi dùng làm tế lễ bình an. Đó là lễ vật của Ê-li-a-sáp, con trai Đê-u-ên.

48 Ngày thứ bảy, Ê-li-sa-ma, con trai A-mi-hút, thủ lĩnh của Ép-ra-im, đến dâng lễ vật. 49 Lễ vật của ông gồm một cái đĩa bạc nặng một kí rưỡi, một cái chậu bạc nặng tám trăm gam theo siếc-lơ nơi thánh; cả hai cái đều đầy bột lọc nhồi dầu dùng làm tế lễ chay; 50 một cái chén vàng nặng một trăm mười lăm gam đựng đầy thuốc thơm; 51 một con bò đực tơ, một con chiên đực, một con chiên con một tuổi dùng làm tế lễ thiêu; 52 một con dê đực dùng làm tế lễ chuộc tội 53 và hai con bò đực, năm con chiên đực, năm con dê đực và năm con chiên con một tuổi dùng làm tế lễ bình an. Đó là lễ vật của Ê-li-sa-ma, con trai A-mi-hút.

54 Ngày thứ tám, Ga-ma-li-ên, con trai Phê-đát-su, thủ lĩnh của Ma-na-se, đến dâng lễ vật. 55 Lễ vật của ông gồm một cái đĩa bạc nặng một ký rưỡi, một cái chậu bạc nặng tám trăm gam, theo siếc-lơ nơi thánh, cả hai cái đều đầy bột lọc nhồi dầu dùng làm tế lễ chay; 56 một cái chén vàng nặng một trăm mười lăm gam đựng đầy thuốc thơm; 57 một con bò đực tơ, một con chiên đực, một con chiên con một tuổi dùng làm tế lễ thiêu; 58 một con dê đực dùng làm tế lễ chuộc tội 59 và hai con bò đực, năm con chiên đực, năm con dê đực và năm con chiên con một tuổi dùng làm tế lễ bình an. Đó là lễ vật của Ga-ma-li-ên, con trai Phê-đát-su.

60 Ngày thứ chín, A-bi-đan, con trai Ghi-đeo-ni, thủ lĩnh của Bên-gia-min, đến dâng lễ vật. 61 Lễ vật của ông gồm một cái đĩa bạc nặng một ký rưỡi, một cái chậu bạc nặng tám trăm gam, theo siếc-lơ nơi thánh, cả hai cái đều đầy bột lọc nhồi dầu dùng làm tế lễ chay; 62 một cái chén vàng nặng một trăm mười lăm gam đựng đầy thuốc thơm; 63 một con bò đực tơ, một con chiên đực, một con chiên con một tuổi dùng làm tế lễ thiêu; 64 một con dê đực dùng làm tế lễ chuộc tội 65 và hai con bò đực, năm con chiên đực, năm con dê đực và năm con chiên con một tuổi dùng làm tế lễ bình an. Đó là lễ vật của A-bi-đan, con trai Ghi-đeo-ni.

Bình luận

Thờ phượng Đấng Cứu Rỗi thế gian

Nhiều người mới có con đã ý thức sâu sắc được rằng đứa con ấy là do Chúa ban cho họ, nhưng chắc hẳn Ma-ri và Giô-sép còn nhận biết rõ hơn thế khi họ dâng con trẻ lại cho Đức Chúa Trời - đứa trẻ kỳ diệu mà Ngài đã ban cho họ.

Sự giáng sinh của Chúa Cứu Thế Giê-su là sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử. Si-mê-ôn ẵm Chúa Giê-su trong tay và nói rằng: "Vì mắt con đã thấy sự cứu rỗi của Ngài, mà Ngài đã chuẩn bị trước mặt muôn dân" (Lu-ca 2:30–31). Có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi những lời tiên tri và những sự chuẩn bị cho sự giáng sinh của Chúa Giê-su là quá chi tiết và tỉ mỉ.

Trong phần này của sách Dân Số Ký, chúng ta được xem về dịp khánh thành của Đền Tạm (Dân Số Ký 7:1 – 10:10). Chúng ta đọc về việc từng bộ tộc dâng hiến một cách tự nguyện. Các bộ tộc đều dâng phần bằng nhau. Họ đã dâng cho Chúa (thông qua tôi tớ Ngài là Môi-se). Toàn thể dân Chúa đã tham dự lễ khánh thành Đền Tạm.

Mới đầu, nội dung của phân đoạn Kinh Thánh này có vẻ là những chi tiết không cần thiết đối với người đọc ở thời hiện đại. Tuy nhiên, việc dâng những lễ vật đẹp đẽ cho Đức Chúa Trời trong Đền Tạm (Dân Số Ký 7) là hình ảnh phản chiếu rất đẹp của việc dâng Chúa Giê-su trong đền thờ (Lu-ca 2:22). Phân đoạn Cựu Ước này không chỉ đơn thuần là một phần tài liệu cổ xưa.

Những lễ vật đẹp đẽ này là dành cho việc hoàn tất và cung hiến đền tạm. Đền tạm là nơi tượng trưng cho sự hiện diện của Đức Chúa Trời với dân Ngài. Dân chúng dâng của lễ như một cách để đáp lại ân điển của Đức Chúa Trời và sự hiện diện của Ngài ở giữa họ. Các của lễ dâng bày tỏ sự thờ phượng và tạ ơn của họ đối với Đấng cứu rỗi của mình.

Tuy nhiên, những của lễ dâng này cũng là một phần trong việc chuẩn bị cho lễ cung hiến đền tạm lần cuối cùng. Họ đang làm cho mọi thứ tương xứng với sự hiện diện của Chúa. Sự chuẩn bị công phu, sự đẹp đẽ của các của lễ dâng, và những sự tỉ mỉ được ghi chép lại, tất cả đều cho thấy rằng dân Y-sơ-ra-ên thật sự có được một phước lành đáng kinh ngạc khi họ có sự hiện diện của Đức Chúa Trời ở giữa họ.

Tất cả các của lễ dâng trong Luật pháp Môi-se chẳng qua là sự chuẩn bị và báo trước về sự giáng sinh và sự chết của Đấng Cứu Thế. Đền tạm hướng về một điều thậm chí còn vĩ đại hơn thế. Đức Chúa Trời không còn ngự trong lều ở giữa chúng ta nữa, Ngài đã đến sống giữa chúng ta, như một con người ở giữa chúng ta. Chúa Giê-su được dâng cho Chúa theo như Luật pháp, nhưng Ngài sẽ tiếp tục làm trọn mục đích của Luật pháp (c.22–24a): "Khi đã hoàn tất mọi việc theo luật pháp của Chúa, Giô-sép và Ma-ri..."(c.39a).

Nhiều năm sau, Chúa Giê-su - Đấng Cứu Thế - đã bỏ hết tất cả các việc dâng của lễ trong Cựu Ước qua sự hy sinh thân thể của Ngài "một lần đủ cả" (Hê Bơ Rơ 10:1–10).

Không có gì ngạc nhiên khi Si-mê-ôn nhận ra đứa trẻ trong tay mình là Đấng Cứu Rỗi của thế gian, ông đã "ca ngợi Đức Chúa Trời" (Lu-ca 2:28). An-ne cũng "ca ngợi Đức Chúa Trời" (c.38). Chúa Giê-su, Đấng Cứu Thế, là trọng tâm của mọi lời ngợi khen và cảm tạ của chúng ta.

Tôi thích lời một bài hát khác do Ben Cantelon viết, đó là một cách đáp lại thích hợp trong sự cầu nguyện và thờ phượng, trước mọi điều chúng ta đã đọc về Chúa Giê-su - Đấng Cứu Thế:

Cầu nguyện

Vì Ngài mở cho chúng con một con đường mà nhờ đó chúng con được cứu,
Ngài là Đấng Cứu Rỗi của thế gian.
Chúng con lớn tiếng ngợi khen danh của Ngài,
Ngợi khen Chúa, ca ngợi danh Chúa,
Giê-su, Đấng Cứu Rỗi của thế gian.

Pippa chia sẻ

Lu-ca 2:21–40

Người làm cha mẹ thích nhất khi con mình được khen ngợi. Chắc hẳn họ đã rất xúc động, và có lẽ hơi kinh ngạc trước những lời tiên tri lạ lùng từ Si-mê-ôn và An-ne. Nhưng cũng chẳng có gì đau đớn hơn khi thấy con mình đau khổ; "một thanh gươm cũng sẽ đâm thấu tâm hồn cô" (c.35b). Họ đã phải trải qua rất nhiều thứ, nhưng khi bức tranh toàn cảnh được tiết lộ thì tất cả đều trở nên thật xứng đáng.

reader

App

Tải xuống ứng dụng Kinh Thánh Trong Một Năm dành cho thiết bị iOS hoặc Android và đọc theo mỗi ngày.

reader

Email

Đăng ký ngay bây giờ để nhận Kinh thánh trong một năm trong hộp thư đến của bạn mỗi sáng. Bạn sẽ nhận được một email mỗi ngày.

reader

Website

Bắt đầu đọc sự tận tâm của ngày hôm nay ngay tại đây trên trang web BiOY.

Read now
reader

Book

Kinh thánh trong một năm bình luận có sẵn như là một cuốn sách.

Tham khảo

Ben Cantelon, 'Đấng Cứu Rỗi của thế giới'. Từ Everything in Colour, 2010 Thankyou Music/Adm. bởi Capitol CMG Publishing excl. Vương quốc Anh & Châu Âu, adm. Bởi Integrity Music, một phần của gia đình David C Cook, song@integritymusic.com.

Lecrae, @lecrae trên Twitter, ngày 23 tháng 8 năm 2012, https://twitter.com/lecrae/status/238677876927504386 [truy cập lần cuối vào tháng 2 năm 2016]

Lights, 'Saviour', từ The Listening ℗ 2009 Sire Records cho Hoa Kỳ và WEA International Inc. cho thế giới bên ngoài Hoa Kỳ Được tiếp thị bởi Warner Bros. Records Inc., Công ty thuộc Tập đoàn Âm nhạc Warner. Nhạc sĩ Salter, Thomas / Poxleitner, Valerie. Lời bài hát © Sony/ATV Music Publishing LLC

Reuben Morgan, Ben Fielding, ‘Mighty to Save’, Nhạc và lời của Reuben Morgan và Ben Fielding, © Hillsong Music Publishing

Trừ khi có quy định khác, các trích dẫn Kinh thánh được lấy từ Kinh thánh, Phiên bản quốc tế mới được Anh hóa, Bản quyền © 1979, 1984, 2011 Biblica, trước đây là Hiệp hội Kinh thánh Quốc tế. Được sử dụng dưới sự cho phép của Hodder & Stoughton Publishers, một công ty của Hachette UK. Đã đăng ký Bản quyền. 'NIV' là nhãn hiệu đã đăng ký của Biblica. Nhãn hiệu Vương quốc Anh số 1448790.

Thánh Kinh được đánh dấu (MSG) lấy từ The Message. Bản quyền © 1993, 1994, 1995, 1996, 2000, 2001, 2002. Được sử dụng dưới sự cho phép của NavPress Publishing Group.

This website stores data such as cookies to enable necessary site functionality and analytics. Find out more