Ngày 79

Phát Triển Mối Quan Hệ Mật Thiết Với Chúa

Khôn ngoan Thi Thiên 35:11-18
Tân ước Lu-ca 2:41-52
Cựu Ước Dân Số Ký 7:66-9:14

Giới thiệu

Cuộc đời và chức vụ của Mục sư người Mỹ, John Wimber, đã có ảnh hưởng lớn đến đời sống của tôi, của Hội thánh chúng tôi và nhiều hội thánh khác trên khắp thế giới.

Ông từng nói: "Khi một cá nhân phát triển mối quan hệ mật thiết với Đức Chúa Chanương tựa nơi Ngài (giống như Chúa Giê-su đã làm), chúng ta sẽ có thể nghe được những điều Chúa phán, thấy được những việc Ngài làm và kinh nghiệm được những điều kỳ diệu từ nơi Ngài". Vậy Chúa Giê-su đã làm điều đó như thế nào? Câu trả lời được tìm thấy trong mối quan hệ của Ngài với Đức Chúa Cha. Làm sao chúng ta có thể làm "những việc lớn hơn nữa", như lời Chúa Giê-su đã hứa (Giăng 14:12)? Bằng cách tìm kiếm mối quan hệ giống tương tự - mối quan hệ mật thiết, đơn sơvâng phục.

Chúa yêu bạn - một tình yêu quá lớn, vượt trên mọi ước ao của bạn. Ngài muốn bạn có một mối quan hệ gần gũi và mang tính cá nhân với Ngài trong sự thân mật, đơn sơ và vâng phục. Đây là một vinh hạnh và là một đặc ân lớn lao. Môi-se, Đa-vít và Chúa Giê-su đã có mối quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời. Nhưng làm thế nào để bạn phát triển mối quan hệ mật thiết đó với Ngài?

Khôn ngoan

Thi Thiên 35:11-18

 11 Bọn chứng gian ấy nổi lên;
  Tra hỏi những việc con không hề biết.
 12 Chúng lấy dữ trả lành;
  Linh hồn con cô đơn, tuyệt vọng.
 13 Còn khi chúng ốm đau,
  Con mặc vải sô,
  Kiêng ăn, ép linh hồn mình.
  Lời cầu nguyện con trở vào ngực con.
 14 Con coi chúng như bạn hữu, như anh em;
  Con cúi đầu bước đi, buồn thảm
  Như than khóc mẹ mình.

 15 Nhưng khi con vấp ngã, chúng họp lại vui mừng,
  Bọn vô lại họp nhau chống con mà con chẳng biết;
  Chúng cấu xé con không ngừng.
 16 Cùng với quân vô đạo mà chế nhạo con.
  Chúng nghiến răng giận dữ chống lại con.

 17 Chúa ôi! Ngài cứ lặng nhìn cho đến bao giờ?
  Xin cứu linh hồn con khỏi bị chúng hủy diệt.
  Và rút mạng sống con khỏi bầy sư tử.
 18 Con sẽ cảm tạ Chúa trong hội chúng lớn,
  Ca ngợi Ngài giữa đoàn dân đông.

Bình luận

Sự mở lòng, yếu đuối và chân thật

Đã có lúc Đa-vít suy sụp; linh hồn ông dường như trống rỗng. Ông đã có đủ sự chân thật và mở lòng để nói về những thử thách mình gặp phải:

1. Sự chống đối

Đa-vít vấp phải sự chống đối dữ dội từ những kẻ lấy dữ trả lành và tấn công ông. Bạn cũng có thể gặp phải sự chống đối như thế từ những kẻ lấy dữ trả lành và tấn công bạn (c.12,15b). Họ có thể "cấu xé" (c.15c) hoặc "chế nhạo" bạn (c.16a). Sự chống đối không chỉ đến từ thế gian – nó thậm chí có thể đến từ dân sự của Đức Chúa Trời (c.16).

2. Lời cầu nguyện "không được hồi đáp"

Đôi lúc, có những lời cầu nguyện của bạn dường như không được Chúa lắng nghe: "Lời cầu nguyện con trở vào ngực con" (c.13). Ông thưa với Chúa rằng: "Chúa ôi! Ngài cứ lặng nhìn cho đến bao giờ?" (c.17).

3. Thất bại

Tất cả chúng ta đều vấp ngã (c.15a). Có thể chúng ta cảm thấy mình đang bước đi với Chúa một cách khá vui vẻ và rồi bất thình lình, chúng ta vấp ngã. Có những lúc chúng ta không đáp ứng được tiêu chuẩn của chính mình, chứ chưa nói đến tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời.

Giống như Đa-vít, hãy thưa chuyện với Chúa về tất cả những thử thách này. Đừng giả vờ như mọi thứ đều đang ổn. Hãy thưa với Chúa những điều từ sâu trong tấm lòng bạn. Ngài sẽ chẳng ngạc nhiên hay sốc trước bất cứ điều gì bạn nói. Chính sự mở lòng, yếu đuối và chân thật đó là thứ kéo bạn vào mối quan hệ mật thiết với Chúa.

Cầu nguyện

Lạy Chúa, cảm tạ Chúa vì Ngài luôn lắng nghe tiếng kêu cầu của con. Tạ ơn Chúa vì Ngài đã cứu con, để rồi con có thể nói rằng: "Con sẽ cảm tạ Chúa trong hội chúng lớn, ca ngợi Ngài giữa đoàn dân đông (c.18).

Tân ước

Lu-ca 2:41-52

Đức Chúa Jêsus lúc mười hai tuổi

41 Hằng năm đến kỳ lễ Vượt Qua, cha mẹ Đức Chúa Jêsus thường đi lên thành Giê-ru-sa-lem. 42 Khi được mười hai tuổi, Ngài cùng cha mẹ đi lên đó dự lễ theo thường lệ. 43 Khi các ngày lễ qua rồi, cha mẹ trở về, nhưng cậu bé Jêsus ở lại thành Giê-ru-sa-lem mà cha mẹ Ngài không hay biết. 44 Họ cứ tưởng là Ngài cùng đi trong đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường mới tìm kiếm Ngài trong số bà con và những người quen biết. 45 Khi không thấy Ngài, ông bà liền trở lại thành Giê-ru-sa-lem để tìm. 46 Sau ba ngày, họ gặp Ngài trong đền thờ đang ngồi giữa các giáo sư Do Thái giáo, vừa nghe vừa hỏi. 47 Tất cả những người nghe Ngài đều kinh ngạc về sự hiểu biết và những lời đối đáp của Ngài. 48 Khi cha mẹ thấy Ngài, thì kinh ngạc và mẹ Ngài nói với Ngài: “Hỡi con, sao con làm cho hai ta ra nông nỗi nầy? Cha con và mẹ đã lo lắng tìm con!” 49 Ngài thưa: “Sao cha mẹ lại tìm kiếm con? Cha mẹ không biết rằng con phải lo việc Cha con sao?” 50 Nhưng hai người không hiểu lời Ngài vừa nói. 51 Ngài đi theo cha mẹ trở về Na-xa-rét và phục tùng họ. Mẹ Ngài ghi khắc mọi lời ấy trong lòng.

52 Đức Chúa Jêsus khôn ngoan càng thêm, thân hình càng lớn, càng được đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta.

Bình luận

Tăng trưởng trong sự khôn ngoan

Ngay khi còn là một đứa trẻ, Chúa Giê-su đã có sự khôn ngoan đáng kinh ngạc: "Tất cả những người nghe Ngài đều kinh ngạc về sự hiểu biết và những lời đối đáp của Ngài" (c.47).

Như có người đã từng nói: "Kiến thức là nhận biết cà chua là một loại trái cây. Khôn ngoan là không cho cà chua vào món salad trái cây!" Kiến thức là trục ngang. Sự khôn ngoan là trục dọc. Nó đi từ trên cao xuống. Thêm lên sự khôn ngoan là điều quan trọng hơn nhiều so với việc thêm lên sự giàu có. Sự không ngoan vượt xa mọi của cải. Gần gũi với Đức Chúa Cha sẽ khiến cho sự khôn ngoan được tăng thêm.

Sau khi cha mẹ của Chúa Giê-su tìm thấy Ngài trong đền thờ, Ngài nói với họ rằng: "Cha mẹ không biết rằng con phải lo việc Cha con sao?" (c.49b). Hoặc như bản dịch Phổ Thông viết rằng: "Cha mẹ không biết con phải ở trong nhà của Cha con sao?” (c.49b, BPT).

Một mặt nào đó, mối quan hệ của Chúa Giê-su với "Cha" là độc nhất. Tuy nhiên, mặt khác, Ngài cũng cho phép bạn gọi Đức Chúa Trời là "Cha". Khi cầu nguyện, Chúa Giê-su gọi Đức Chúa Trời là "Abba" (trong tiếng A-ram, "Abba" là cách gọi thân mật được trẻ em dùng khi nói chuyện với cha của chúng), và Ngài cũng dạy các môn đồ làm như vậy (11:2). Sứ đồ Phao-lô, khi viết về Đức Thánh Linh, đã nói rằng: "Thật vậy, anh em đã không nhận lấy tinh thần làm nô lệ để cứ sống trong sự sợ hãi, nhưng đã nhận lấy tinh thần làm con nuôi, và nhờ đó, chúng ta gọi rằng: “A-ba! Cha!”" (Rô-ma 8:15).

Chúng ta có thể học được bốn điều về sự khôn ngoan đến từ sự gần gũi với Đức Chúa Cha bằng cách xem tấm gương của Chúa Giê-su trong những câu Kinh Thánh này.

1. Sự khôn ngoan đến từ việc lắng nghe

Khôn ngoan là sẵn sàng lắng nghe và học hỏi từ người khác. Chúa Giê-su "ngồi giữa các giáo sư Do Thái giáo, vừa nghe vừa hỏi" (Lu-ca 2:46).

Isaac Newton đã nói: "Tôi thấy trí thông minh dễ được nhận biết hơn khi chúng ta phân tích các câu hỏi được đặt ra, thay vì các câu trả lời được đưa ra."

Thông thường, người biết nhiều nhất lại là người nói ít nhất. Khi nói chuyện, chúng ta thường chỉ đơn thuần là lặp lại những điều mình đã biết. Còn khi lắng nghe, chúng ta có thể học được điều gì đó mới mẻ.

Đặt câu hỏi hay là bí quyết để trở thành người giao tiếp giỏi. Về Tổng thống J.F. Kennedy, người ta nói rằng ông ấy sẽ khiến bạn cảm thấy như ông ấy chẳng có gì để làm, ngoại trừ việc đặt câu hỏi cho bạn và lắng nghe với một sự tập trung lạ thường. Và rồi khi ấy, bạn sẽ thấy rằng ông ấy đã dọn sạch cả quá khứ và tương lai cho bạn.

2. Sự khôn ngoan dẫn đến sự đơn giản

Sự khôn ngoan mang đến sự rõ ràng. Chúa Giê-su biết mình nên ở đâu và nên làm gì. Ngài tuyên bố rằng: "Cha mẹ không biết rằng con phải lo việc Cha con sao?" (c.49). Kiến thức đưa chúng ta từ đơn giản đến phức tạp; còn sự khôn ngoan dẫn chúng ta từ phức tạp về đơn giản.

3. Sự khôn ngoan mang tính toàn diện

Sự khôn ngoan không chỉ được thể hiện trong lời nói, mà còn ở cách sống của chúng ta: "Ngài đi theo cha mẹ trở về Na-xa-rét và phục tùng họ" (c.51). Sự khôn ngoan liên quan đến toàn bộ cuộc sống, chứ không phải chỉ là trí thông minh hay lời nói của chúng ta.

4. Sự khôn ngoan cần được tăng trưởng

Nhờ mối quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời, "Đức Chúa Jêsus khôn ngoan càng thêm, thân hình càng lớn, càng được đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta" (c.52) – một mô tả rất giống với hình ảnh đã được sử dụng để nói về Sa-mu-ên (1 Sa-mu-ên 2:26).

Sự khôn ngoan sẽ tăng trưởng khi chúng ta lớn lên. Không phải sự khôn ngoan của Chúa Giê-su có gì thiếu sót hay không hoàn hảo, chỉ là nó phát triển khi Ngài trưởng thành, và sự khôn ngoan của chúng ta cũng nên như thế.

Đây là điều chúng ta thường cầu nguyện cho con cái của mình – rằng chúng sẽ lớn lên trong sự khôn ngoan, được tiếng tốt và được đẹp lòng Chúa và mọi người.

Trên hết, sự khôn ngoan của Chúa Giê-su đến từ mối quan hệ mật thiết của Ngài với Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời là Cha của Ngài. Ngài biết mình phải ở trong nhà Cha mình, và sự gần gũi của Ngài với Cha là nền tảng cho sự khôn ngoan của Ngài.

Cầu nguyện

Lạy Chúa, tạ ơn Chúa vì Ngài đã ban co con tinh thần làm con nuôi, để rồi con có thể kêu cầu "A-ba! Cha!". Tạ ơn Chúa vì Ngài kêu gọi con bước vào mối quan hệ mật thiết mà Chúa Giê-su đã có với Ngài. Xin giúp con tăng trưởng trong mối quan hệ với Ngài, trong sự mật thiết, đơn sơ và vâng phục. Qua Thánh Linh Ngài, nguyện con tăng trưởng hơn trong sự khôn ngoan, được tiếng tốt, được đẹp lòng Đức Chúa Trời và mọi người.

Cựu Ước

Dân Số Ký 7:66-9:14

7 Ngày thứ mười, A-hi-ê-xe, con trai A-mi-sa-đai, thủ lĩnh của Đan, đến dâng lễ vật. 67 Lễ vật của ông gồm một cái đĩa bạc nặng một ký rưỡi, một cái chậu bạc nặng tám trăm gam, theo siếc-lơ nơi thánh, cả hai cái đều đầy bột lọc nhồi dầu dùng làm tế lễ chay; 68 một cái chén vàng nặng một trăm mười lăm gam đựng đầy thuốc thơm; 69 một con bò đực tơ, một con chiên đực, một con chiên con một tuổi dùng làm tế lễ thiêu; 70 một con dê đực dùng làm tế lễ chuộc tội 71 và hai con bò đực, năm con chiên đực, năm con dê đực và năm con chiên con một tuổi dùng làm tế lễ bình an. Đó là lễ vật của A-hi-ê-xe, con trai A-mi-sa-đai.

72 Ngày thứ mười một, Pha-ghi-ên, con trai của Óc-ran, thủ lĩnh của A-se, đến dâng lễ vật. 73 Lễ vật của ông gồm một cái đĩa bạc nặng một ký rưỡi, một cái chậu bạc nặng tám trăm gam, theo siếc-lơ nơi thánh, cả hai cái đều đầy bột lọc nhồi dầu dùng làm tế lễ chay; 74 một cái chén vàng nặng một trăm mười lăm gam đựng đầy thuốc thơm; 75 một con bò đực tơ, một con chiên đực, một con chiên con một tuổi dùng làm tế lễ thiêu; 76 một con dê đực dùng làm tế lễ chuộc tội 77 và hai con bò đực, năm con chiên đực, năm con dê đực và năm con chiên con một tuổi dùng làm tế lễ bình an. Đó là lễ vật của Pha-ghi-ên, con trai Óc-ran.

78 Ngày thứ mười hai, A-hi-ra, con trai Ê-nan, thủ lĩnh của Nép-ta-li, đến dâng lễ vật. 79 Lễ vật của ông gồm một cái đĩa bạc nặng một ký rưỡi, một cái chậu bạc nặng tám trăm gam, theo siếc-lơ nơi thánh, cả hai cái đều đầy bột lọc nhồi dầu dùng làm tế lễ chay; 80 một cái chén vàng nặng một trăm mười lăm gam đựng đầy thuốc thơm; 81 một con bò đực tơ, một con chiên đực, một con chiên con một tuổi dùng làm tế lễ thiêu; 82 một con dê đực dùng làm tế lễ chuộc tội 83 và hai con bò đực, năm con chiên đực, năm con dê đực và năm con chiên con một tuổi dùng làm tế lễ bình an. Đó là lễ vật của A-hi-ra, con trai Ê-nan.

84 Đây là những lễ vật của các thủ lĩnh dân Y-sơ-ra-ên dâng cho việc cung hiến bàn thờ khi bàn thờ được xức dầu: Mười hai đĩa bạc, mười hai chậu bạc, mười hai chén vàng. 85 Mỗi cái đĩa bạc nặng một ký rưỡi và mỗi cái chậu bạc nặng tám trăm gam. Tổng số bạc của các đĩa và chậu khoảng hai mươi tám ký, theo siếc-lơ nơi thánh. 86 Mười hai cái chén vàng đựng đầy thuốc thơm, mỗi cái một trăm mười lăm gam, theo siếc-lơ nơi thánh. Tổng số vàng của chén nặng khoảng một ký bốn trăm gam. 87 Tổng số bò đực dùng làm tế lễ thiêu là mười hai con với mười hai con chiên đực, mười hai con chiên con một tuổi cùng với tế lễ chay và mười hai con dê đực dùng làm tế lễ chuộc tội. 88 Tổng số bò đực dùng làm tế lễ bình an là hai mươi bốn con với sáu mươi con chiên đực, sáu mươi con dê đực, và sáu mươi con chiên con một tuổi. Đó là lễ vật dâng về việc cung hiến bàn thờ sau khi bàn thờ được xức dầu.

89 Khi Môi-se vào Lều Hội Kiến để hầu chuyện với Đức Giê-hô-va, ông nghe tiếng Chúa phán với mình từ nắp thi ân trên Hòm Chứng Ước, ở giữa hai chê-ru-bim. Và như thế ông hầu chuyện với Đức Giê-hô-va.

Chân đèn bảy ngọn

8 Đức Giê-hô-va phán với Môi-se: 2 “Hãy bảo A-rôn rằng: Khi sắp xếp cây đèn thì phải cho bảy ngọn đèn chiếu sáng phía trước chân đèn.” 3 A-rôn làm đúng như vậy; ông đặt bảy ngọn đèn chiếu sáng phía trước chân đèn như Đức Giê-hô-va đã truyền phán với Môi-se. 4 Chân đèn được làm bằng vàng dát mỏng từ đế đèn cho đến các hoa đèn. Người ta làm chân đèn đúng theo kiểu mẫu Đức Giê-hô-va đã chỉ dẫn Môi-se.

Người Lê-vi được biệt riêng cho Chúa

5 Đức Giê-hô-va phán với Môi-se: 6 “Hãy biệt riêng người Lê-vi khỏi dân Y-sơ-ra-ên và làm lễ thanh tẩy họ. 7 Đây là cách con thanh tẩy họ: Hãy rảy nước thanh tẩy trên họ; bảo họ dùng dao cạo sạch toàn thân, giặt quần áo và dọn mình cho thanh sạch. 8 Sau đó, bảo họ bắt một con bò đực cùng với tế lễ chay bằng bột lọc nhồi dầu, rồi con phải bắt một con bò đực tơ thứ nhì dùng làm tế lễ chuộc tội. 9 Con phải bảo người Lê-vi đến trước Lều Hội Kiến và họp cả hội chúng Y-sơ-ra-ên lại. 10 Khi con trình diện người Lê-vi trước Đức Giê-hô-va, dân Y-sơ-ra-ên sẽ đặt tay trên người Lê-vi. 11 A-rôn sẽ trình diện người Lê-vi như một tế lễ đưa qua đưa lại của dân Y-sơ-ra-ên trước mặt Đức Giê-hô-va để họ sẵn sàng phục vụ Đức Giê-hô-va. 12 Người Lê-vi sẽ đặt tay trên đầu hai con bò đực và con phải dâng một con làm tế lễ chuộc tội, một con làm tế lễ thiêu cho Đức Giê-hô-va để chuộc tội cho người Lê-vi. 13 Kế đó, con hãy bảo người Lê-vi đứng trước mặt A-rôn và các con trai người rồi dâng họ như một tế lễ đưa qua đưa lại cho Đức Giê-hô-va.

14 Như vậy, con sẽ biệt riêng người Lê-vi khỏi dân Y-sơ-ra-ên và người Lê-vi sẽ thuộc về Ta. 15 Sau khi con đã thanh tẩy và dâng người Lê-vi như một tế lễ đưa qua đưa lại, họ sẽ đến phục vụ tại Lều Hội Kiến. 16 Vì người Lê-vi đã được dâng trọn cho Ta từ giữa dân Y-sơ-ra-ên; Ta đã chọn lấy họ cho Ta thế cho tất cả con đầu lòng của dân Y-sơ-ra-ên. 17 Mọi con đầu lòng của dân Y-sơ-ra-ên đều thuộc về Ta, bất luận người hay vật. Ta đã biệt riêng họ cho Ta trong ngày Ta hình phạt mọi con đầu lòng tại Ai Cập 18 và Ta đã chọn người Lê-vi thế cho mọi con đầu lòng của dân Y-sơ-ra-ên. 19 Từ giữa Y-sơ-ra-ên, Ta đã ban người Lê-vi cho A-rôn và các con trai người để làm công việc của dân Y-sơ-ra-ên trong Lều Hội Kiến, cùng làm lễ chuộc tội cho dân Y-sơ-ra-ên hầu cho họ sẽ không gặp tai họa nào khi đến gần nơi thánh.”

20 Vậy Môi-se, A-rôn và cả hội chúng Y-sơ-ra-ên làm cho người Lê-vi mọi điều Đức Giê-hô-va đã phán dặn Môi-se. 21 Người Lê-vi tự tẩy sạch mình và giặt áo quần, rồi A-rôn dâng họ như tế lễ đưa qua đưa lại trước mặt Đức Giê-hô-va và làm lễ chuộc tội để họ được thanh tẩy. 22 Sau đó, người Lê-vi đến làm công việc mình trong Lều Hội Kiến dưới sự giám sát của A-rôn và các con trai ông. Người ta làm cho người Lê-vi đúng như Đức Giê-hô-va đã phán về họ qua Môi-se.

23 Đức Giê-hô-va phán với Môi-se: 24 “Đây là những quy định về người Lê-vi: Từ hai mươi lăm tuổi trở lên, người Lê-vi phải đến tham gia vào công việc nơi Lều Hội Kiến. 25 Nhưng đến năm mươi tuổi, họ sẽ nghỉ, không làm việc nữa. 26 Họ có thể phụ giúp anh em mình trong Lều Hội Kiến, nhưng chính họ không đảm trách công việc nữa. Đó là cách con phân chia trách nhiệm cho người Lê-vi.”

Lễ Vượt Qua tại hoang mạc Si-na-i

9 Vào tháng giêng năm thứ hai sau khi ra khỏi Ai Cập, Đức Giê-hô-va phán với Môi-se trong hoang mạc Si-na-i rằng: 2 “Dân Y-sơ-ra-ên phải giữ lễ Vượt Qua vào thời gian ấn định. 3 Các ngươi phải giữ lễ đó vào thời gian ấn định, tức là ngày mười bốn tháng nầy vào lúc chiều tối, và phải làm theo mọi quy định cùng luật lệ về lễ đó.”

4 Như vậy, Môi-se truyền cho dân Y-sơ-ra-ên phải tổ chức lễ Vượt Qua. 5 Dân Y-sơ-ra-ên giữ lễ Vượt Qua vào chiều tối ngày mười bốn tháng giêng tại hoang mạc Si-na-i như Đức Giê-hô-va đã phán với Môi-se. 6 Nhưng có mấy người không được dự lễ Vượt Qua vì bị ô uế bởi xác chết, đến với Môi-se và A-rôn; 7 họ thưa với Môi-se rằng: “Chúng tôi bị ô uế vì xác chết, nhưng tại sao chúng tôi phải bị cất phần dâng tế lễ cho Đức Giê-hô-va theo thời gian ấn định?” 8 Môi-se đáp: “Hãy đợi để ta tìm biết điều Đức Giê-hô-va muốn truyền dạy cho anh em.”

9 Đức Giê-hô-va phán với Môi-se: 10 “Hãy bảo dân Y-sơ-ra-ên rằng: ‘Khi một người trong anh em hay con cháu anh em bị ô uế bởi xác chết hoặc bận đi xa thì họ vẫn phải giữ lễ Vượt Qua cho Đức Giê-hô-va. 11 Họ phải giữ lễ nầy vào chiều tối ngày mười bốn tháng hai và ăn bánh không men cùng rau đắng. 12 Họ không được để dư lại đến sáng mai, cũng không được bẻ gãy bất cứ xương nào. Họ phải giữ theo mọi luật lệ về lễ Vượt Qua. 13 Nhưng ai tinh sạch và không đi xa mà không giữ lễ Vượt Qua thì sẽ bị khai trừ khỏi dân tộc mình vì người ấy không dâng tế lễ cho Đức Giê-hô-va trong thời gian ấn định. Người ấy sẽ mang lấy tội mình. 14 Khi một người ngoại quốc sống giữa anh em mà muốn giữ lễ Vượt Qua cho Đức Giê-hô-va thì phải theo quy định và luật lệ về lễ Vượt Qua. Các ngươi phải có một luật chung cho cả ngoại kiều lẫn người sinh trong xứ.’

Bình luận

Đứng yên và lắng nghe

Bạn không thể phát triển mối quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời nếu bạn không dành thời gian để trò chuyện với Ngài. "Khi Môi-se vào Lều Hội Kiến để hầu chuyện với Đức Giê-hô-va, ông nghe tiếng Chúa phán với mình... Và như thế ông hầu chuyện với Đức Giê-hô-va... Đức Giê-hô-va phán với Môi-se..." (7:89 – 8:1).

Đức Chúa Trời phán với Môi-se (8:1; 9:1). Môi-se nói chuyện với Đức Chúa Trời (7:89). Đó là một cuộc trò chuyện hai chiều. Đức Chúa Trời nói chuyện với Môi-se một cách trực tiếp, như một người nói chuyện với bạn của mình (12:8) – vừa nói vừa nghe và quan sát phản ứng của nhau.

Trong thời kỳ của Thánh Linh, bạn thậm chí còn ở vị trí tốt hơn cả Môi-se. Bạn không cần phải đi đến một nơi cụ thể, như Môi-se đã làm, mà có thể ở với Chúa mọi lúc mọi nơi. Nhờ tinh thần làm con nuôi, bạn được bước vào cuộc trò chuyện mật thiết và đời đời với Đức Chúa Cha (Rô-ma 8:15–17,26–27).

Khuôn mẫu khi ấy là: "Đức Giê-hô-va phán với Môi-se... Môi-se truyền cho dân Y-sơ-ra-ên... Dân Y-sơ-ra-ên giữ lễ... như Đức Giê-hô-va đã phán với Môi-se" (Dân số ký 9:1–5). Toàn bộ lối sống của dân Y-sơ-ra-ên được xây dựng trên việc vâng phục những điều Đức Chúa Trời đã phán dạy Môi-se trong lều. Sự gần gũi của bạn với Chúa cần được tuôn tràn trong cách bạn sống cuộc đời của mình. Hãy thực hành những điều Đức Chúa Trời chỉ cho bạn ở nơi thân mật của bạn với Ngài.

Đôi khi, không phải lúc nào Đức Chúa Trời cũng hướng dẫn chúng ta cách rõ ràng. Một lần nữa, Môi-se là một ví dụ tốt cho điều này. Khi dân chúng hỏi Môi-se một câu hỏi khó mà ông không biết câu trả lời, ông bảo: "Hãy đợi để ta tìm biết điều Đức Giê-hô-va muốn truyền dạy cho anh em" (c.8). Nếu không biết câu trả lời đúng, bạn nên bảo mọi người "đợi". Điều này giúp bạn có thời gian để cầu nguyện và tìm được con đường đúng đắn từ nơi Chúa.

Bản dịch Phổ Thông viết, "Khoan. Hãy đợi ta đi hỏi ý CHÚA về việc các ngươi" (c.8, BPT). Bản dịch Kinh thánh 2011 nói, "Xin đứng ở đó đợi, để tôi đi thỉnh ý, xem CHÚA truyền như thế nào về trường hợp của anh chị em". Trong cuộc sống bận rộn này, hãy đứng yên và lắng nghe điều Chúa muốn bạn làm.

Cầu nguyện

Lạy Chúa, tạ ơn Chúa vì mỗi ngày, con có thể được gặp gỡ Chúa, thưa chuyện với Chúa và lắng nghe Ngài. Xin giúp con lắng nghe những gì Ngài phán với con và sống trong mối quan hệ của sự thân mật, đơn sơ và vâng phục này.

Pippa chia sẻ

Lu-ca 2:43

Tôi luôn thắc mắc tại sao Ma-ri và Giô-sép có thể đi cả ngày rồi mới nhận ra con trai mình không đi cùng mình. Mặc dù tôi phải thú thật rằng có một lần chúng tôi đi ăn tối với bạn, và khi đến nơi, chúng tôi phát hiện rằng một trong những đứa con của mình không có mặt ở đó. Tôi cảm thấy khá xấu hổ khi giải thích điều này với chủ nhà và cũng hơi lo lắng không biết con mình có an toàn không và có bị tổn hại gì không. Tôi tự hỏi rằng trên đường về, liệu Ma-ri và Giô-sép khi ấy có như chúng tôi - tranh luận xem sự việc vừa rồi là lỗi của ai - hay không. Trong cả hai tình huống, rất may là những đứa trẻ đều được an toàn. Chúa Giê-su đang ở trong đền thờ nói chuyện với các nhà lãnh đạo tôn giáo, còn con chúng tôi thì đang mải xem TV!

reader

App

Tải xuống ứng dụng Kinh Thánh Trong Một Năm dành cho thiết bị iOS hoặc Android và đọc theo mỗi ngày.

reader

Email

Đăng ký ngay bây giờ để nhận Kinh thánh trong một năm trong hộp thư đến của bạn mỗi sáng. Bạn sẽ nhận được một email mỗi ngày.

reader

Website

Bắt đầu đọc sự tận tâm của ngày hôm nay ngay tại đây trên trang web BiOY.

Read now
reader

Book

Kinh thánh trong một năm bình luận có sẵn như là một cuốn sách.

Tham khảo

John Wimber, Ghi chú phòng khám chữa bệnh, (Pasadena CA. Chủng viện Fuller. 1988), 9.05.

The One Year® là nhãn hiệu đã đăng ký của Tyndale House Publishers. Được sử dụng bởi sự cho phép.

Trừ khi có quy định khác, các trích dẫn Kinh thánh được lấy từ Kinh thánh, Phiên bản quốc tế mới được Anh hóa, Bản quyền © 1979, 1984, 2011 Biblica, trước đây là Hiệp hội Kinh thánh Quốc tế. Được sử dụng dưới sự cho phép của Hodder & Stoughton Publishers, một công ty của Hachette UK. Đã đăng ký Bản quyền. 'NIV' là nhãn hiệu đã đăng ký của Biblica. Nhãn hiệu Vương quốc Anh số 1448790.

Thánh Kinh được đánh dấu (MSG) lấy từ The Message. Bản quyền © 1993, 1994, 1995, 1996, 2000, 2001, 2002. Được sử dụng dưới sự cho phép của NavPress Publishing Group.

This website stores data such as cookies to enable necessary site functionality and analytics. Find out more