Ngày 153

Wow!

Khôn ngoan Châm ngôn 13:20-14:4
Tân ước Giăng 20:11-31
Cựu Ước 2 Sa-mu-ên 1:1-2:7

Giới thiệu

Judah Smith là một mục sư trẻ tuổi và rất thú vị thuộc hệ phái Ngũ Tuần, anh đến từ Seattle, Washington. Anh ấy là một trong những người giao tiếp tốt nhất mà tôi từng biết – đặc biệt là với những người trẻ tuổi. Khi lắng nghe người khác, câu nói yêu thích của anh ấy là 'Wow!' Đối với anh ấy, đó là biểu hiện của sự kính phục, kinh ngạc và kính trọng.

Có rất nhiều phước hạnh khi sống ở Tây Âu trong thế kỷ 21. Tuy nhiên, chúng ta đang sống trong một xã hội mà sự kính phục, kinh ngạc và kính trọng dường như không còn được đánh giá cao như trước đây.

Khôn ngoan

Châm ngôn 13:20-14:4

20 Ai giao tiếp với người khôn sẽ trở nên khôn ngoan,
   Nhưng kẻ làm bạn với bọn ngu dại sẽ bị tàn hại.

21 Tai họa đuổi theo kẻ có tội,
   Còn phước lành là phần thưởng của người công chính.

22 Người lành để lại gia sản cho con cháu mình,
   Nhưng của cải kẻ có tội để dành cho người công chính.

23 Đất do người nghèo khai phá sinh ra nhiều lương thực,
   Nhưng sự bất công quét sạch lương thực ấy đi.

24 Người nào kiêng roi vọt là ghét con cái mình,
   Nhưng ai thương con sẽ sớm lo sửa dạy nó. \t 25 Người công chính được ăn uống no nê,
   Còn bụng kẻ ác phải bị đói lả. \t 14

1 Người nữ khôn ngoan xây dựng nhà mình,
   Nhưng người đàn bà ngu dại dùng tay phá hủy nó.

2 Người sống ngay thẳng kính sợ Đức Giê-hô-va,
   Còn kẻ theo đường lối quanh co khinh bỉ Ngài.

3 Trong miệng kẻ ngu dại có cây roi dành cho sự kiêu ngạo,
   Nhưng môi người khôn ngoan bảo vệ người.

4 Ở đâu không có bò, nơi đó máng cỏ trống không,
   Nhưng nhờ sức bò, hoa lợi dồi dào.

Bình luận

Sự tôn trọng

Văn hóa tôn trọng tồn tại trong sách Châm ngôn. Chúng ta thấy ba ví dụ trong đoạn kinh thánh này:

1. Tôn trọng Chúa
Từ 'kính sợ' (14:2) có lẽ được hiểu đúng nhất là 'kính trọng'. ‘Người sống ngay thẳng kính trọng Đức Giê-hô-va’. Kính trọng Chúa là điểm khởi đầu cho sự tôn trọng trong tất cả các mối quan hệ khác của chúng ta.

2. Tôn trọng người khôn ngoan
Hãy cẩn thận khi chọn người để giao du. ‘Ai giao tiếp với người khôn sẽ trở nên khôn ngoan’ (13:20). ‘môi người khôn ngoan bảo vệ người’ (14:3). Xã hội của chúng ta ngày càng đánh giá thấp trí tuệ đi kèm với tuổi tác. Trí tuệ thường (mặc dù không phải luôn luôn) đến từ kinh nghiệm của tuổi đời. Có nhiều sự khôn ngoan chưa được khai thác ở những người lớn tuổi.

3. Tôn trọng trong gia đình
‘Người nào kiêng roi vọt là ghét con cái mình, Nhưng ai thương con sẽ sớm lo sửa dạy nó’ (13:24). Sự dạy dỗ này đôi khi bị lạm dụng bởi cách diễn giải quá theo nghĩa đen. Điều mà sách Châm ngôn khuyến khích là một nền văn hóa tôn trọng trong gia đình—tôn trọng cha mẹ và cũng tôn trọng con cái, bao gồm kỷ luật trong tình yêu thương.

Cầu nguyện

Lạy Chúa, xin giúp chúng con đạt được sự khôn ngoan và sống cách mẫu mực trong gia đình, kết hợp tình yêu và sự tôn trọng.

Tân ước

Giăng 20:11-31

11 Ma-ri đứng bên ngoài mộ mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, 12 thấy hai thiên sứ mặc áo trắng ngồi tại chỗ đã đặt xác của Đức Chúa Jêsus, một vị ngồi đàng đầu, một vị đàng chân.

13 Hai thiên sứ hỏi: “Nầy bà, sao bà khóc?”

Ma-ri trả lời: “Vì người ta đã dời Chúa tôi đi, tôi không biết họ để Ngài ở đâu!” 14 Vừa nói xong, bà quay lại, thấy Đức Chúa Jêsus đang đứng, nhưng bà không biết đó là Đức Chúa Jêsus.

15 Đức Chúa Jêsus hỏi bà: “Nầy bà, sao bà khóc? Bà tìm ai?”

Ngỡ rằng đó là người làm vườn, nên bà nói: “Thưa ông, nếu ông đã dời Ngài đi, xin nói cho tôi biết ông đã đặt Ngài ở đâu để tôi sẽ đến đem về.”

16 Đức Chúa Jêsus gọi: “Ma-ri!”

Bà quay lại dùng tiếng Hê-bơ-rơ thưa rằng: “Ra-bu-ni” (nghĩa là Thầy)!

17 Đức Chúa Jêsus bảo: “Đừng chạm đến Ta, vì Ta chưa lên với Cha! Nhưng hãy đi đến với anh em Ta, bảo họ rằng: Ta đang lên với Cha Ta và Cha các con, với Đức Chúa Trời Ta và Đức Chúa Trời các con.”

18 Ma-ri Ma-đơ-len đi báo cho các môn đồ rằng bà đã thấy Chúa, và Ngài đã nói cho bà những điều nầy.

Đức Chúa Jêsus hiện ra với các môn đồ

19 Chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, cửa nơi các môn đồ ở đều đóng vì sợ người Do Thái. Đức Chúa Jêsus đến đứng giữa họ và nói: “Bình an cho các con!” 20 Nói xong, Ngài cho họ xem tay và sườn mình. Khi thấy Chúa, các môn đồ thật vui mừng.

21 Ngài lại nói với họ: “Bình an cho các con! Như Cha đã sai Ta thể nào, Ta cũng sai các con thể ấy.” 22 Nói xong, Ngài hà hơi trên họ và nói: “Hãy nhận lãnh Đức Thánh Linh. 23 Nếu các con tha tội cho ai thì tội của người ấy sẽ được tha; nếu các con cầm tội ai lại thì tội của người ấy sẽ bị cầm lại.”

24 Lúc Đức Chúa Jêsus đến thì Thô-ma gọi là Đi-đim, một trong mười hai sứ đồ, không có ở đó với họ. 25 Các môn đồ khác nói với ông: “Chúng tôi đã thấy Chúa.”

Nhưng Thô-ma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh trong bàn tay Ngài, nếu tôi không đặt ngón tay tôi vào chỗ dấu đinh, và không đặt bàn tay tôi vào sườn Ngài thì tôi sẽ không tin.”

26 Tám ngày sau, các môn đồ lại họp trong nhà, Thô-ma cũng có ở đó với họ. Dù các cửa đều đóng, Đức Chúa Jêsus đến đứng giữa họ và nói: “Bình an cho các con!” 27 Rồi Ngài bảo Thô-ma: “Hãy đặt ngón tay con vào đây và xem bàn tay Ta. Hãy đưa bàn tay con ra và đặt vào sườn Ta. Đừng vô tín, nhưng hãy tin!”

28 Thô-ma thưa rằng: “Lạy Chúa của con và Đức Chúa Trời con!”

29 Đức Chúa Jêsus nói: “Có phải vì thấy Ta nên con tin chăng? Phước cho những người không thấy mà tin!”

30 Đức Chúa Jêsus còn làm nhiều dấu lạ khác trước mặt các môn đồ mà không ghi chép trong sách nầy. 31 Nhưng các việc nầy được ghi chép để anh em tin rằng Đức Chúa Jêsus là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời, và để khi anh em tin thì nhờ danh Ngài mà được sự sống.

Bình luận

Sự kinh ngạc

Chúa Giê-su thực sự đã sống lại từ cõi chết. Ngôi mộ thực sự trống rỗng vào buổi sáng Phục sinh. Những người theo Chúa Giê-su thực sự đã gặp Ngài sau khi Ngài sống lại. Sự phục sinh là có thật. Lời giải thích lịch sử hợp lý nhất cho nguồn gốc của Cơ đốc giáo là sự phục sinh có xảy ra. Chúa Giê-su đang sống ngày nay!

Giăng ghi lại bốn lần xuất hiện của Chúa Giê-su sau khi phục sinh – ba lần đầu tiên nằm trong phân đoạn này. Trong những lần này, chúng ta không chỉ thấy bằng chứng mà còn thấy một số hệ quả của sự phục sinh.

1. Kính sợ và kinh ngạc

Có một điều gì đó trực tiếp không thể xác định được về câu chuyện Chúa Giê-su hiện ra với Ma-ri. Không có gì giống như câu chuyện đó trong tất cả các tài liệu cổ đại.

Trong nền văn hóa thời đó, chứng ngôn của một người phụ nữ sẽ không được coi là có trọng lượng như chứng ngôn của một người đàn ông. Nếu các môn đệ bịa ra câu chuyện phục sinh, thì họ đã không ngốc đến nỗi bịa ra sự việc hiện ra lần đầu tiên của Chúa Giê-su là với Ma-ri Ma-đơ-len.

Chúa Giê-su không xuất hiện một cách hùng hồn hoành tráng để thể hiện chiến thắng của Ngài. Ngài hiện ra với Ma-ri – người được yêu, người được tha thứ – một mình trong khu vườn, với tình yêu dịu dàng.

Điều này cho thấy sự tôn trọng của Chúa Giê-su đối với phụ nữ là rất lớn. Bằng hành động này và những hành động khác trong suốt cuộc đời của mình trên đất, Ngài đã đặt nền móng cho một cuộc cách mạng trong thái độ của thế giới đối với phụ nữ. Đáng buồn thay, đã mất 2.000 năm và chúng ta vẫn chưa đến đó.

Chúa Giê-su không hỏi Ma-ri đang tìm 'cái gì'. Ngài hỏi: ‘Bà tìm 'ai'?’ (c.15).

Phản ứng của Ma-ri là sợ hãi và kinh ngạc. Khi nhận ra đó là Chúa Giê-su, bà kêu lên bằng tiếng A-ram: “Ra-bu-ni!” (có nghĩa là Thầy)’ (c.16).

Chúa giải thích với bà ấy rằng bà ấy không được cố cầm giữ Ngài (c.17). Bà ấy phải bắt đầu một mối quan hệ mới và mật thiết hơn với Chúa Giê-su phục sinh, Ngài ở trong bà và bà ở trong Ngài (điều này sẽ được trọn vẹn với món quà của Đức Thánh Linh).

Biết bằng chứng về thực tế của sự sống lại là chưa đủ. Chúng ta cần một cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giê-su phục sinh.

2. Niềm vui và sự bình an

Thế giới đang tuyệt vọng tìm kiếm hạnh phúc và bình yên trong tâm hồn. Nguồn của sự vui mừng và bình an là mối quan hệ với Chúa Giê-su.

Ma-ri chạy đi báo tin cho các môn đồ, ‘Tôi đã thấy Chúa!’ (c.18). Việc Chúa Giê-su hiện ra với các môn đệ đã mang lại cho họ niềm vui khôn tả (c.20). Ba lần Người nói với họ: ‘Bình an cho các con!’ (c.19,21,26) – sự bình an từ bên trong tuôn tràn từ sự hiện diện của Ngài.

Đức tin vào Chúa Giê-su mang lại niềm vui và bình an cho tất cả những ai tin. Chúa Giê-su nói với Thô-ma, ‘Phước cho những người không thấy mà tin!’ (c.29).

Trong cuộc gặp gỡ ngắn ngủi này, Chúa Giê-su đã biến đổi nhóm người sợ hãi và bối rối thành một cộng đồng yêu thương, vui mừng và bình an.

3. Sứ mệnh và sức mạnh

Chúa Giê-su cho họ một ý thức mới về sứ mệnh: ‘Như Cha đã sai Ta thể nào, Ta cũng sai các con thể ấy’ (c.21). Sự phục sinh là sứ điệp hy vọng cho thế giới. Chúa Giê-su Christ đã sống lại từ cõi chết. Có cuộc sống bên kia nấm mồ. Điều này mang lại cho cuộc sống của bạn trên đất một ý nghĩa và mục đích hoàn toàn mới. Bạn được Chúa Giê-su sai đi để công bố sứ điệp này cho thế giới.

Cuối cùng, Ngài cũng ban cho họ quyền năng. Ngài hà hơi trên họ và nói: “Hãy nhận lãnh Đức Thánh Linh. Nếu các con tha tội cho ai thì tội của người ấy sẽ được tha; nếu các con cầm tội ai lại thì tội của người ấy sẽ bị cầm lại.”(c.22–23). Chúa Thánh Linh ban cho sức mạnh và thẩm quyền để tha thứ.

Quyền năng đã khiến Chúa Giê-su sống lại từ cõi chết cũng được dành cho bạn. Ngài ban cho bạn sức mạnh của Chúa Thánh Linh và sức mạnh của lời Ngài để công bố sứ điệp về sự tha thứ của Thiên Chúa cho con người. Đây là sứ điệp đem lại sự sống vĩnh cửu.

4. Tôn trọng và kính trọng

Thô-ma là một người hoài nghi và đầy nghi ngờ. Tôi nghĩ có lẽ tôi cũng sẽ có phản ứng giống như anh ấy khi anh ấy nói: 'Nếu tôi không thấy dấu đinh trong bàn tay Ngài, nếu tôi không đặt ngón tay tôi vào chỗ dấu đinh, và không đặt bàn tay tôi vào sườn Ngài thì tôi sẽ không tin.' ( câu 25).

Hẳn là anh ấy đã cảm thấy rất ngại khi Chúa Giê-su hiện đến với anh và nói: ‘Hãy đặt ngón tay con vào đây và xem bàn tay Ta. Hãy đưa bàn tay con ra và đặt vào sườn Ta. Đừng vô tín, nhưng hãy tin!” (c.27).

Các vết thương của Chúa Giê-su luôn ở đó để tỏ lộ tình yêu khiêm nhường và tha thứ của Ngài. Chúa Giê-su chấp nhận Thô-ma như con người thật của anh. Ngài chấp nhận thử thách của anh ta mà không phàn nàn hay chỉ trích.

Đừng cảm thấy tội lỗi khi nghi ngờ. Giống như Thô-ma, hãy thành thật về những nghi ngờ của bạn và đem chúng đến với Chúa Giê-su. Khi Chúa Giê-su trả lời những nghi ngờ của ông, phản ứng của Thô-ma là đỉnh cao của sự kính phục, tôn trọng và kính sợ. Ông thưa: ‘Lạy Chúa của con và Đức Chúa Trời con!’ (c.28). Từ chỗ còn nghi ngờ, Thô-ma có lẽ đã đưa ra lời tuyên bố mạnh mẽ nhất về thần tính của Chúa Giê-su trong tất cả các sách Phúc âm. Anh ta là người đầu tiên nhìn vào Chúa Giê-su và gọi ngài là 'Đức Chúa Trời'. Ý anh ta, thực tế là, 'Wow!'

Chúa Giê-su tiếp tục nói với anh rằng niềm tin dẫn đến phước hạnh (c.29). Trên thực tế, nó dẫn đến sự sống. Tin và sự sống đi đôi với nhau trong Tin lành Giăng (c.31), bởi vì, nếu bạn tin vào Chúa Giê-su, bạn có sự sống. Đây là cuộc sống thật có chất lượng cao, một cuộc sống dư dật (10:10) kéo dài mãi mãi (3:16).

Toàn bộ lý do Giăng viết sách Phúc Âm của ông là để “anh em tin rằng Đức Chúa Jêsus là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời, và để khi anh em tin thì nhờ danh Ngài mà được sự sống.” (20:31). Sự phục sinh là nền tảng cho hy vọng của chúng ta về sự sống trước khi chết, cũng như sau đó.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giê-su là Chúa của con và là Đức Chúa Trời của con, hôm nay con thờ lạy Chúa với lòng kính sợ và suy phục.

Cựu Ước

2 Sa-mu-ên 1:1-2:7

1

Đa-vít được tin Sau-lơ và Giô-na-than đã chết

1 Sau khi Sau-lơ chết, Đa-vít đã thắng người A-ma-léc trở về và ở lại Xiếc-lác hai ngày. 2 Đến ngày thứ ba, có một người từ trại quân Sau-lơ đến, quần áo rách nát, đầu đầy bụi đất. Khi đến trước mặt Đa-vít, anh ta sấp mình xuống đất mà lạy.

3 Đa-vít hỏi người ấy: “Ngươi từ đâu đến?”

Người ấy đáp: “Tôi đã trốn thoát từ trại quân Y-sơ-ra-ên.”

4 Đa-vít nói: “Việc gì đã xảy ra? Hãy thuật lại cho ta.”

Người ấy thưa: “Dân chúng đã bỏ chạy khỏi chiến trường, nhiều người đã ngã chết, cả vua Sau-lơ và hoàng tử Giô-na-than cũng chết.”

5 Đa-vít hỏi người thanh niên đưa tin cho ông: “Làm sao ngươi biết Sau-lơ và con trai người đã chết?”

6 Người thanh niên đưa tin thưa: “Tình cờ tôi ở trên núi Ghinh-bô-a và thấy vua Sau-lơ đang tựa vào cây giáo mình, trong khi chiến xa và kỵ binh địch bám sát vua. 7 Người quay lại thấy tôi và gọi. Tôi thưa: ‘Có tôi đây.’

8 Người hỏi tôi: ‘Ngươi là ai?’

Tôi thưa: ‘Tôi là người A-ma-léc.’

9 Người tiếp: ‘Hãy lại gần giết ta đi, vì ta bị choáng váng, nhưng hãy còn sống.’

10 Vậy, tôi đến gần và giết người đi, vì tôi biết người không thể sống sau khi đã ngã gục. Sau đó, tôi lấy vương miện trên đầu người và vòng đeo tay của người đem về đây cho chúa tôi.”

11 Đa-vít nắm lấy áo mình xé ra; tất cả những người ở với ông cũng làm như vậy. 12 Họ than vãn, khóc lóc, và kiêng ăn cho đến chiều tối vì Sau-lơ và Giô-na-than, con trai người, vì dân của Đức Giê-hô-va và nhà Y-sơ-ra-ên, vì những người đã ngã chết bởi gươm.

13 Đa-vít hỏi người thanh niên đưa tin: “Ngươi từ đâu đến?”

Người ấy đáp: “Tôi là con của một người ngoại bang, dân A-ma-léc.”

14 Đa-vít nói: “Ngươi không sợ khi ra tay giết người được xức dầu của Đức Giê-hô-va sao?”

15 Rồi Đa-vít gọi một thuộc hạ trẻ tuổi và bảo: “Hãy lại gần, đánh chết hắn đi!” Người ấy đánh hắn, và hắn chết. 16 Đa-vít nói với người ấy: “Máu ngươi đổ lại trên đầu ngươi! Chính miệng ngươi đã cáo tội ngươi, vì ngươi đã nói rằng: ‘Chính tôi đã giết người được xức dầu của Đức Giê-hô-va.’”

Bài ai ca của Đa-vít

17 Bấy giờ, Đa-vít làm bài ai ca để khóc Sau-lơ và Giô-na-than, con trai Sau-lơ, 18 mà truyền dạy cho con dân Giu-đa: Đây là bài ca Cây Cung, được chép trong sách Gia-sa:

  19 “Hỡi Y-sơ-ra-ên! Kẻ danh vọng của ngươi đã bị giết trên các đồi cao!
   Ôi sao các anh hùng nầy lại gục ngã! \t   20 Đừng loan tin nầy ở Gát,
   Chớ rao truyền trong các đường phố Ách-ca-lôn,
  Kẻo các con gái Phi-li-tin vui vẻ,
   Và bọn con gái kẻ không cắt bì mừng rỡ chăng!

  21 Hỡi các núi Ghinh-bô-a!
   Nguyện sương móc và mưa chẳng sa xuống trên ngươi,
   Và đồng ruộng chẳng sinh ngũ cốc để làm tế lễ;
  Vì ở đó, cái khiên của anh hùng bị nhem nhuốc,
   Tức là cái khiên của Sau-lơ, sẽ không còn được xoa dầu nữa.

  22 Cung của Giô-na-than
   Chẳng quay về mà không dính đầy máu kẻ chết,
  Và mỡ của những dũng sĩ;
   Gươm của Sau-lơ cũng chẳng trở về không.

  23 Sau-lơ và Giô-na-than thương yêu nhau thắm thiết,
   Khi sống, lúc chết cũng chẳng rời nhau:
  Họ nhanh hơn chim ưng,
   Mạnh hơn sư tử!

  24 Hỡi các thiếu nữ Y-sơ-ra-ên, hãy khóc thương Sau-lơ!
   Người đã mặc cho các cô áo điều lộng lẫy,
   Cài trên áo các cô đồ trang sức bằng vàng.

  25 Ôi, sao những dũng sĩ phải gục ngã giữa chiến trận!
  Giô-na-than bị giết chết trên các đồi cao.   26 Giô-na-than, anh tôi ơi! Lòng tôi quặn thắt vì anh.
  Anh làm cho tôi thỏa dạ;
   Tình yêu của anh đối với tôi thật diệu kỳ,
   Hơn cả tình yêu người nữ.

  27 Ôi, sao những anh hùng ngã xuống,
   Và vũ khí của họ thành vô dụng, bỏ đi!” \t 2

Đa-vít được tôn làm vua Giu-đa tại Hếp-rôn

1 Sau đó, Đa-vít cầu hỏi Đức Giê-hô-va: “Con có nên đi lên một thành nào trong xứ Giu-đa không?”

Đức Giê-hô-va đáp: “Hãy đi.”

Đa-vít hỏi tiếp: “Con phải lên thành nào?”

Đức Giê-hô-va đáp: “Hếp-rôn.”

2 Đa-vít đi đến đó, đem theo hai người vợ là A-hi-nô-am, người Gít-rê-ên, và A-bi-ga-in, trước kia là vợ của Na-banh ở Cạt-mên. 3 Đa-vít cũng đem theo những người ở với mình, cùng với gia đình họ, lên ở trong các thành của địa phận Hếp-rôn. 4 Người Giu-đa đi đến đó và xức dầu tấn phong Đa-vít làm vua nhà Giu-đa.

Người ta đến báo cho Đa-vít: “Dân ở Gia-be Ga-la-át đã chôn cất Sau-lơ.” 5 Đa-vít sai sứ giả đến nói với người Gia-be Ga-la-át: “Nguyện Đức Giê-hô-va ban phước cho các ngươi, vì các ngươi đã có lòng nhân từ đối với Sau-lơ, chúa các ngươi, mà chôn cất người! 6 Nguyện Đức Giê-hô-va bày tỏ sự nhân từ và thành tín đối với các ngươi! Ta cũng sẽ hậu đãi các ngươi vì các ngươi đã làm điều nầy. 7 Nguyện tay các ngươi được mạnh mẽ, khá tỏ ra là những người dũng cảm; vì Sau-lơ, chúa các ngươi đã chết, nhưng nhà Giu-đa đã xức dầu cho ta làm vua của họ.”

Bình luận

Kính trọng

Thái độ của Đa-vít đối với Sau-lơ là một ví dụ tuyệt vời về cách hành xử với những người cố làm hại chúng ta. Đa-vít không tìm cách trả thù. Ông không cay đắng. Ông đối xử với Sau-lơ hết sức kính trọng. Xét cho cùng, trong quá khứ Đức Chúa Trời đã sử dụng Sau-lơ rất nhiều. Việc Sau-lơ đi chệch đường ray không làm mất đi sự kính trọng của Đa-vít.

Thái độ của ông đối với Sau-lơ thật phi thường. Ông nói với người A-ma-léc, người tuyên bố đã kết liễu Sau-lơ, ‘Ngươi không sợ khi ra tay giết người được xức dầu của Đức Giê-hô-va sao?’ (1:14). Rất có thể người A-ma-léc đang cố gắng hưởng lợi từ câu chuyện có thể là xuyên tạc. Anh ta có thể là một kẻ trục lợi, kẻ đã lấy đi vương miện và vòng tay từ Sau-lơ để được lòng Đa-vít. Bất kể thế nào thì việc đó cũng không có ích gì cho hắn vì sự kính trọng của Đa-vít dành cho Sau-lơ.

Đa-vít đau buồn trước cái chết của người bạn thân là Giô-na-than và Sau-lơ (c.19-27). Đau buồn là một phản ứng tự nhiên, cần thiết và lành mạnh đối với cái chết của những người chúng ta yêu thương.

Đa-vít vô cùng kính trọng Đức Chúa Trời. Ông “cầu hỏi Chúa” (2:1). Ông hỏi, “Con có nên đi lên một thành nào trong xứ Giu-đa không?” Đức Giê-hô-va đáp: “Hãy đi.” Đa-vít hỏi tiếp: “Con phải lên thành nào?” Đức Giê-hô-va đáp: “Hếp-rôn.” Đa-vít vâng lời và được được xức dầu làm vua cai trị nhà Giu-đa.

Cầu nguyện

Lạy Chúa, xin giúp con yêu thương và kính trọng tất cả những người mà Ngài đã xức dầu trong vai trò lãnh đạo, cho dù họ ủng hộ con hay không. Xin giúp con sống một đời sống kính trọng, tôn trọng và kính sợ.

Pippa chia sẻ

Tôi rất thích câu Giăng 20:10. Đó là có nhiều người Chúa Giê-su có thể hiện ra cùng, nhưng Ngài đã chọn xuất hiện đầu tiên với Ma-ri Ma-đơ-len. Ngài không đến gặp những môn đệ kỳ cựu của mình (hoặc thậm chí là mẹ của Ngài), mà đến với một người phụ nữ mà không ai trên thế giới đánh giá là quan trọng, nhưng Ngài thì coi trọng người phụ nữ đó.

reader

App

Tải xuống ứng dụng Kinh Thánh Trong Một Năm dành cho thiết bị iOS hoặc Android và đọc theo mỗi ngày.

reader

Email

Đăng ký ngay bây giờ để nhận Kinh thánh trong một năm trong hộp thư đến của bạn mỗi sáng. Bạn sẽ nhận được một email mỗi ngày.

reader

Website

Bắt đầu đọc sự tận tâm của ngày hôm nay ngay tại đây trên trang web BiOY.

Read now
reader

Book

Kinh thánh trong một năm bình luận có sẵn như là một cuốn sách.

Tham khảo

Trừ khi có quy định khác, các trích dẫn Kinh thánh được lấy từ Kinh thánh, Phiên bản quốc tế mới được Anh hóa, Bản quyền © 1979, 1984, 2011 Biblica, trước đây là Hiệp hội Kinh thánh Quốc tế. Được sử dụng dưới sự cho phép của Hodder & Stoughton Publishers, một công ty của Hachette UK. Đã đăng ký Bản quyền. 'NIV' là nhãn hiệu đã đăng ký của Biblica. Nhãn hiệu Vương quốc Anh số 1448790.

Thánh Kinh được đánh dấu (MSG) lấy từ The Message. Bản quyền © 1993, 1994, 1995, 1996, 2000, 2001, 2002. Được sử dụng dưới sự cho phép của NavPress Publishing Group.

This website stores data such as cookies to enable necessary site functionality and analytics. Find out more