Ngày 76

Điều Chúa đã sắm sẵn cho bạn

Khôn ngoan Thi thiên 34:11-22
Tân ước Lu-ca 1:57-80
Cựu Ước Dân số ký 4:1-5:10

Giới thiệu

Sam, 23 tuổi, từng là một người vô thần. Anh đã gắn bản thân với những lời dạy dỗ từ những người chống đối dữ dội đức tin và tôn giáo. Một buổi tối nọ, anh lên mạng và thấy một khóa học Alpha gần nhà sắp bắt đầu. Anh quyết định đến tham gia học, với ý định 'Mình sẽ cho mấy người Cơ Đốc Nhân ở đây biết thế nào là lý lẽ.'

Thế nhưng, anh đã không thể ngờ rằng cuộc gặp gỡ của anh với những lời dạy dỗ và với chính Đức Chúa Giê-su Christ đã đi ngược lại ý định ban đầu.

Vào cuối khóa học, anh đã trả lời bản khảo sát rằng 'Tôi thấy sức hút của Chúa Giê-su không thể cưỡng lại được, và tôi đã được biến đổi từ một người vô tín thành một người tràn đầy hy vọng. Đối với tôi, việc sống thiếu lẽ thật so với việc sống trong lẽ thật, nó giống như là việc bị giam cầm so với được tự do hoàn toàn vậy.'

Sau đó ba tháng, anh đã được báp-têm. Anh nói với tôi rằng 'Tôi được giải phóng khỏi lối sống xưa cũ. Tôi từng là nô lệ của nhiều thứ. Tôi đã là nô lệ của xã hội, của những người đồng trang lứa... Nhưng giờ tôi được sống cuộc đời tự do của mình. Tôi nóng lòng muốn biết Chúa dành điều gì cho tôi.' Sự cứu rỗi mang lại sự tự do. Sam đã được kinh nghiệm Đức Chúa Giê-su Christ giải phóng chúng ta như thế nào.

Khôn ngoan

Thi thiên 34:11-22

11Hỡi các con, hãy lắng nghe ta;
   Ta sẽ dạy các con sự kính sợ Đức Giê-hô-va.
  12Ai là người ham thích sự sống,
   Và ước mong hưởng chuỗi ngày phước lành?
  13Hãy giữ lưỡi mình khỏi điều ác,
   Và môi mình khỏi lời xảo quyệt.
  14Hãy tránh điều ác và làm điều lành,
   Hãy tìm kiếm hòa bình và theo đuổi nó.

  15Mắt Đức Giê-hô-va đoái xem người công chính,
   Tai Ngài lắng nghe tiếng kêu cầu của họ.
  16Nhưng mặt Đức Giê-hô-va chống lại kẻ làm ác
   Để xóa sạch kỷ niệm của chúng khỏi mặt đất.
  17Người công chính kêu cầu, Đức Giê-hô-va lắng nghe
   Và giải cứu người ấy khỏi mọi gian truân.
  18Đức Giê-hô-va ở gần những người có lòng đau thương
   Và cứu vớt kẻ nào có tâm hồn thống hối.

  19Người công chính gặp nhiều tai họa;
   Nhưng Đức Giê-hô-va luôn luôn giải cứu người.
  20Ngài gìn giữ tất cả xương cốt người ấy,
   Không để một cái nào bị gãy.
  21Điều dữ sẽ giết kẻ ác;
   Còn những kẻ ghét người công chính sẽ bị định tội.
  22Đức Giê-hô-va cứu chuộc linh hồn của đầy tớ Ngài;
   Tất cả những ai nương náu mình nơi Ngài sẽ không bị định tội.

Bình luận

Sống một đời sống tự do

Bạn có đang đối mặt với những thách thức lớn trong cuộc sống – có thể liên quan đến tài chính, các mối quan hệ, sức khỏe, gia đình hoặc một số tình huống khó khăn khác? Phân đoạn Thi Thiên này chứa đầy sự chỉ dẫn và những lời hứa tuyệt vời cho những ai gặp phải ‘nhiều tai họa’ (c.19).

Sứ đồ Phi-e-rơ trích dẫn bài Thi thiên này trong một lá thư của ông để làm bằng chứng về lối sống mà chúng ta nên sống – một lối sống bày lộ sự tự do mới của chúng ta với tư cách là con cái của Đức Chúa Trời.

Phi-e-rơ giới thiệu lời kêu gọi của Đa-vít về việc sống một đời sống công bình với lời giải thích rằng 'đó là điều mà anh em được kêu gọi' (I Phi-e-rơ 3:9): 'Ai là người ham thích sự sống, và ước mong hưởng chuỗi ngày phước lành? Hãy giữ lưỡi mình khỏi điều ác, và môi mình khỏi lời xảo quyệt. Hãy tránh điều ác và làm điều lành, hãy tìm kiếm hòa bình và theo đuổi nó. Mắt Đức Giê-hô-va đoái xem người công chính, tai Ngài lắng nghe tiếng kêu cầu của họ. Nhưng mặt Đức Giê-hô-va chống lại kẻ làm ác’ (Thi Thiên 34:12–16a; I Phi-e-rơ 3:10–12).

‘Đức Giê-hô-va… cứu vớt’ (Thi Thiên 34:18). Bạn không thể tự cứu mình. Chính Chúa mới là Đấng giải phóng bạn.

Đức Chúa Trời của chúng ta giải cứu chúng ta. Ngài trông xem bạn, chờ nghe lời cầu nguyện của bạn: ‘Tai Ngài lắng nghe tiếng kêu cầu của họ’ (c.15b). Khi chúng ta kêu cầu, ‘Đức Giê-hô-va lắng nghe’ (c.17a), và giải cứu chúng ta khỏi mọi ‘gian truân’ (c.17b). Tôi thấy thật hữu ích khi nhìn lại những 'rắc rối' khác nhau mà tôi đã viết bên lề cuốn Kinh thánh của mình trong nhiều năm và để xem Đức Chúa Trời đã giải cứu tôi như thế nào. Việc này khích lệ tôi kêu cầu Chúa lần nữa.

Chúa không nói rằng sẽ không có tai họa nào (c.19a), nhưng Ngài hứa sẽ giải cứu bạn khỏi tất cả những điều đó (c.19b). Ngài đặc biệt gần gũi trong những thời điểm khó khăn, ‘Đức Giê-hô-va ở gần những người có lòng đau thương và cứu vớt kẻ nào có tâm hồn thống hối’ (c.18). Khi bạn trải qua giai đoạn khó khăn, có thể bạn không nhất thiết phải cảm thấy Chúa ở gần, nhưng Chúa là Đấng ‘luôn luôn giải cứu người’ (c.19).

‘Đức Giê-hô-va cứu chuộc linh hồn của đầy tớ Ngài’ (c.22a). Ngài hứa rằng không có sự đoán phạt nào dành cho những ai ‘nương náu mình nơi Ngài’ (c.22b, xem Rô-ma 8:1). Bạn có sự công bình từ Đức Chúa Trời qua Đấng Christ, do đó, bạn có thể tự xếp mình là 'người công chính' (Thi thiên 34:17,19,21).

Cầu nguyện

Lạy Chúa, cảm ơn Ngài vì đã nhiều lần con kêu cầu với Chúa và Chúa đã nghe thấy con và giải cứu con. Xin giúp con hôm nay giữ miệng lưỡi khỏi điều ác, làm điều lành và tìm kiếm sự bình an. Xin giúp con sống hòa thuận với người khác: không lấy ác trả oán, không phán xét với sự sỉ nhục nhưng với phước lành. Cảm tạ Ngài vì đó là cuộc sống tự do mà Đấng Christ đã giải phóng con.

Tân ước

Lu-ca 1:57-80

Giăng Báp-tít ra đời

57Bấy giờ, đến ngày sinh nở, Ê-li-sa-bét sinh một bé trai. 58Nghe tin Chúa đã tỏ lòng thương xót lớn lao với bà, láng giềng và bà con đều đến chung vui với bà. 59Đến ngày thứ tám, họ đến cắt bì cho con trẻ và đặt tên là Xa-cha-ri theo tên cha. 60Nhưng người mẹ nói rằng: “Không! Phải đặt tên cháu là Giăng.” 61Họ nói: “Trong thân tộc của bà không ai có tên đó.” 62Họ ra dấu hỏi người cha muốn đặt tên con là gì. 63Xa-cha-ri bảo lấy bảng nhỏ và viết: “Tên nó là Giăng.” Mọi người đều ngạc nhiên. 64Lập tức, miệng ông mở ra, lưỡi thong thả, ông nói và ca ngợi Đức Chúa Trời. 65Cả xóm giềng đều sợ hãi, và người ta bàn tán với nhau về các việc ấy khắp miền đồi núi Giu-đê. 66Mọi người nghe đều ghi nhớ trong lòng, và nói: “Con trẻ nầy về sau sẽ ra thể nào?” Vì thật tay Chúa đã ở cùng con trẻ ấy.

Bài ca của Xa-cha-ri

67Xa-cha-ri, cha đứa trẻ ấy, được đầy dẫy Đức Thánh Linh nói tiên tri rằng:
  68“Ngợi tôn Chúa, là Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên,
   Vì Ngài đã thăm viếng và cứu chuộc dân Ngài,
  69Ngài đã dấy lên cho chúng ta, trong nhà Đa-vít, đầy tớ Ngài,
   Một Đấng Cứu Thế đầy quyền năng!
  70Như Ngài đã dùng miệng các nhà tiên tri thánh
   Phán hứa từ thuở xưa,
  71Ngài cứu chúng ta khỏi các kẻ thù,
   Và khỏi tay mọi người ghen ghét chúng ta.
  72Ngài tỏ lòng thương xót tổ phụ chúng ta,
   Và nhớ lại lời giao ước thánh của Ngài,
  73Như lời Ngài đã thề với Áp-ra-ham,
   Là tổ phụ chúng ta,
  74Rằng khi chúng ta đã được giải cứu khỏi tay kẻ nghịch thù,
   Ngài sẽ cho chúng ta được phục vụ Ngài không sợ hãi gì,
  75Trong sự thánh khiết và công chính
   Trước mặt Ngài trọn đời mình.
  76Hỡi con trẻ, người ta sẽ gọi con là nhà tiên tri của Đấng Chí Cao;
   Con sẽ đi trước mặt Chúa, dọn đường cho Ngài,
  77Để dân Ngài nhờ sự tha tội
   Mà biết sự cứu rỗi.
  78Bởi lòng thương xót của Đức Chúa Trời chúng ta,
   Mà ánh bình minh từ trên cao thăm viếng chúng ta,
  79Để soi sáng những người ngồi ở nơi tối tăm và trong bóng sự chết,
   Cùng dẫn bước chúng ta vào nẻo bình an.”
80Con trẻ lớn lên, tâm linh mạnh mẽ, sống nơi hoang mạc cho đến ngày xuất hiện trước dân Y-sơ-ra-ên.

Bình luận

Hãy suy ngẫm về sự vĩ đại của sự tự do của bạn

Dân Chúa lúc này đang phải chịu sự áp bức của chế độ La Mã. Họ cảm thấy bị bao quanh bởi bóng tối và sự chết. Họ khao khát một người giải cứu để giải thoát họ khỏi sự đau đớn và nỗi buồn trong hoàn cảnh của họ. Họ đang tìm kiếm một người sẽ đến và đặt mọi thứ về đúng trật tự. Họ đã chờ đợi trong một thời gian dài.

Xa-cha-ri là cha của Giăng Báp-tít. Chín tháng im lặng của ông có thể tượng trưng cho thời kỳ im lặng tiên tri dài hơn sắp kết thúc. Khi ‘miệng ông mở ra, lưỡi thong thả’ (c.64), ông ‘được đầy dẫy Đức Thánh Linh nói tiên tri’ (c.67).

Sự ra đời của Giăng Báp-tít là một dịp ăn mừng, đầy niềm vui và sự kỳ vọng (c.57–66). Khi Xa-cha-ri (không nói được) viết, '“Tên nó là Giăng”. Mọi người đều ngạc nhiên. Lập tức, miệng ông mở ra, lưỡi thong thả, ông nói và ca ngợi Đức Chúa Trời’ (c.63–64).

Ngay cả tên của Giăng cũng là một sự bày tỏ cho các phước lành của Chúa - nó có nghĩa là 'Chúa là Đấng ban cho nhân từ'.

Người ta nói về Giăng Báp-tít rằng: 'Vì thật tay Chúa đã ở cùng con trẻ ấy' (c.66). Đó là một lời cầu nguyện tuyệt vời để cầu nguyện cho bản thân, gia đình và cộng đồng của bạn: rằng tay của Chúa sẽ ở cùng bạn.

Xa-cha-ri được đầy dẫy Thánh Linh và nói tiên tri rằng sự cứu rỗi sẽ đến. Ông nói, ‘Ngài đã dấy lên cho chúng ta, trong nhà Đa-vít, đầy tớ Ngài, một Đấng Cứu Thế đầy quyền năng!’ (c.69). Giăng Báp-tít phải 'chỉ cho dân Ngài biết con đường cứu rỗi nhờ sự tha tội' (c.77, BDY).

Xa-cha-ri thấy rằng Đức Chúa Trời sắp đến để đem sự cứu rỗi đến cho dân tộc của ông. Nhưng lời tiên tri của ông vượt xa sự cứu rỗi chính trị. Một điều gì đó sâu xa hơn và to lớn hơn sắp xảy ra, làm trọn những lời hứa vĩ đại trong Cựu Ước. Điều này sẽ liên quan đến sự 'cứu chuộc’ (c.68b), giải cứu khỏi kẻ thù (c.74a) và tha thứ tội lỗi (c.77b). Sự cứu chuộc là ‘con đường bình an’ (c.79, BD2011). Xa-cha-ri, trong phần mô tả về sự cứu rỗi này, đã tóm tắt rất nhiều sự tự do mà Chúa Giê-su sẽ mang lại cho chúng ta:

  • Tự do khỏi sợ hãi (c.74b)
  • Tự do phục vụ Đức Chúa Trời (c.74b)
  • Tự do nên thánh (c.75)
  • Tự do để được công chính (c.75)
  • Tự do khỏi sự chết (c.79b)

Cầu nguyện

Lạy Chúa, con ngợi khen Chúa đã giải thoát con khỏi ách nô lệ và tỏ lòng thương xót con. Cảm tạ Ngài đã tha thứ cho tội lỗi của con. Cảm tạ Ngài vì Ngài đã cho con tự do khỏi sự chết và sợ hãi. Cảm tạ vì Ngài đã để con tự do phục vụ Ngài. Hôm nay xin giúp con phục vụ Chúa một cách không sợ hãi, trong sự thánh khiết và công chính, và dẫn bước con vào con đường bình an. Nguyện tay Ngài ở với con luôn luôn.

Cựu Ước

Dân số ký 4:1-5:10

Nhiệm vụ của người Lê-vi thuộc gia tộc Kê-hát

4 Đức Giê-hô-va phán với Môi-se và A-rôn: 2“Hãy kiểm tra dân số Lê-vi thuộc con cháu Kê-hát theo từng gia tộc và bộ tộc của họ, 3từ ba mươi đến năm mươi tuổi, tức là tất cả những người có thể phục vụ trong Lều Hội Kiến.
4Đây là công việc của con cháu Kê-hát tại Lều Hội Kiến: Họ sẽ coi sóc các vật chí thánh. 5Khi trại quân dời đi, A-rôn và các con trai người sẽ đến gỡ bức màn mà phủ lên Hòm Chứng Ước, 6và phủ trên đó một tấm da dê; kế đến, trải thêm một tấm nỉ màu xanh lên rồi xỏ đòn khiêng vào. 7Họ cũng trải một tấm nỉ màu xanh trên bàn bánh cung hiến và đặt trên đó đĩa, chén, tô và bình dùng cho lễ quán; bánh được bày thường xuyên trên bàn vẫn cứ giữ nguyên trên đó. 8Họ phủ lên trên các vật đó một tấm nỉ màu đỏ sậm, trải thêm một tấm da dê, rồi xỏ đòn khiêng vào. 9Họ cũng phải lấy một tấm nỉ màu xanh phủ trên chân đèn, đèn, kéo cắt tim, đồ đựng tro và các bình dầu để thắp đèn. 10Rồi họ để chân đèn và tất cả đồ phụ tùng trong một tấm da cá nược đặt trên cáng để khiêng đi. 11Họ phải trải trên bàn thờ bằng vàng một tấm nỉ màu xanh và phủ thêm một tấm da dê rồi xỏ đòn khiêng vào. 12Họ cũng phải lấy tất cả các vật dụng dùng cho nơi thánh gói lại trong một tấm nỉ màu xanh và phủ lên trên một tấm da dê rồi đặt trên cáng để khiêng. 13Họ phải hốt tro của bàn thờ ra và trải trên đó một tấm nỉ màu điều, 14rồi đặt lên đó tất cả các vật dụng của bàn thờ như lư hương, nĩa, vá, bát cùng những vật dụng liên quan đến bàn thờ. Họ cũng phủ trên bàn thờ một tấm da cá nược và xỏ đòn khiêng vào. 15Sau khi A-rôn và các con trai người đã phủ nơi thánh và các vật dụng thánh xong, và khi trại quân sẵn sàng ra đi thì con cháu Kê-hát phải đến để khiêng các vật dụng đó, nhưng họ không được đụng vào những vật thánh, kẻo phải chết. Đó là những vật dụng trong Lều Hội Kiến mà con cháu Kê-hát phải khiêng đi.
16Ê-lê-a-sa, con trai thầy tế lễ A-rôn, sẽ coi sóc về dầu thắp đèn, hương liệu, tế lễ chay hằng hiến, dầu xức, và cả Đền Tạm cùng tất cả các vật dụng trong đó, bao gồm nơi thánh và các dụng cụ.”
17Đức Giê-hô-va lại phán với Môi-se và A-rôn rằng: 18“Đừng để gia tộc Kê-hát bị tiêu diệt khỏi bộ tộc Lê-vi. 19Đây là điều mà các con phải làm để họ được sống, không phải chết khi đến gần các vật chí thánh: A-rôn và các con trai người phải đến nơi thánh, phân chia công việc cho mỗi người và các vật dụng họ phải khiêng đi. 20Nhưng người Kê-hát không được vào xem các vật thánh dù chỉ trong một lát, kẻo phải chết.”
21Đức Giê-hô-va lại phán với Môi-se: 22“Hãy kiểm tra dân số người Ghẹt-sôn theo từng bộ tộc và gia tộc của họ. 23Hãy lập danh sách những người từ ba mươi đến năm mươi tuổi, là những người có thể làm công việc trong Lều Hội Kiến.
24Đây là công việc mà gia tộc Ghẹt-sôn phải làm hoặc khiêng: 25Họ sẽ mang những tấm màn của Đền Tạm và Lều Hội Kiến, tấm phủ trong và tấm phủ ngoài bằng da dê và bức màn nơi cửa vào Lều Hội Kiến, 26các màn của hành lang chung quanh Đền Tạm và bàn thờ, bức màn nơi cửa vào hành lang, những dây thừng và tất cả các vật dụng liên quan đến việc phụng vụ. 27Tất cả công việc của con cháu Ghẹt-sôn, hoặc khuân vác hoặc làm việc gì đều phải theo sự chỉ dẫn của A-rôn và các con trai người. Các con phải giao cho họ chịu trách nhiệm mọi vật dụng khiêng đi. 28Đó là những công việc của gia tộc Ghẹt-sôn trong Lều Hội Kiến. Công việc của họ ở dưới quyền giám sát của Y-tha-ma, con trai thầy tế lễ A-rôn.
29Con phải kiểm tra dân số người Mê-ra-ri theo từng bộ tộc và gia tộc của họ, 30từ ba mươi đến năm mươi tuổi, là những người có thể phục vụ nơi Lều Hội Kiến. 31Đây là các công việc của họ trong Lều Hội Kiến: Họ phải khiêng những tấm ván của Đền Tạm, các xà ngang, trụ, đế trụ,32các trụ chung quanh hành lang và đế trụ, cọc, dây thừng, cùng tất cả vật dụng và các thứ liên quan. Các con sẽ giao cho mỗi người chịu trách nhiệm cụ thể về các vật khiêng đi. 33Đó là công việc mà gia tộc Mê-ra-ri phải làm trong Lều Hội Kiến dưới quyền giám sát của Y-tha-ma, con trai thầy tế lễ A-rôn.”
34Vậy Môi-se, A-rôn và những người lãnh đạo kiểm tra con cháu Kê-hát theo từng gia tộc và bộ tộc của họ, 35từ ba mươi đến năm mươi tuổi, tức là tất cả những người có thể phục vụ trong Lều Hội Kiến. 36Số người được kiểm tra theo từng gia tộc là hai nghìn bảy trăm năm mươi. 37Đó là số người thuộc gia tộc Kê-hát, tức là tất cả những người phục vụ trong Lều Hội Kiến mà Môi-se và A-rôn đã kiểm tra theo lệnh của Đức Giê-hô-va phán qua Môi-se.
38Con cháu của Ghẹt-sôn được kiểm tra theo từng bộ tộc và gia tộc, 39từ ba mươi đến năm mươi tuổi, tức là những người có thể phục vụ trong Lều Hội Kiến, 40tổng cộng là hai nghìn sáu trăm ba mươi. 41Đó là con cháu thuộc gia tộc Ghẹt-sôn, tức là tất cả những người phục vụ trong Lều Hội Kiến mà Môi-se và A-rôn đã kiểm tra theo lệnh của Đức Giê-hô-va.
42Còn số con cháu thuộc gia tộc Mê-ra-ri được kiểm tra theo từng gia tộc và bộ tộc của họ, 43từ ba mươi cho đến năm mươi tuổi, tức là mọi người có thể phục vụ trong Lều Hội Kiến, 44tổng cộng là ba nghìn hai trăm. 45Đó là số con cháu thuộc các gia tộc Mê-ra-ri được Môi-se và A-rôn kiểm tra theo lệnh của Đức Giê-hô-va đã phán qua Môi-se.
46Tất cả người Lê-vi mà Môi-se, A-rôn và các người lãnh đạo Y-sơ-ra-ên kiểm tra theo từng gia đình và gia tộc của họ, 47từ ba mươi đến năm mươi tuổi, tức là mọi người có thể phục vụ và khiêng vật dụng trong Lều Hội Kiến,48tổng cộng là tám nghìn năm trăm tám mươi. 49Người ta kiểm tra người Lê-vi theo lệnh của Đức Giê-hô-va đã phán qua Môi-se và phân chia cho mỗi người công việc cùng vật dụng phải khiêng đi. Như vậy, họ được kiểm tra dân số theo lệnh Đức Giê-hô-va đã phán với Môi-se.

Luật về sự tinh sạch

5Đức Giê-hô-va phán với Môi-se: 2“Hãy ra lệnh cho dân Y-sơ-ra-ên đuổi khỏi trại quân tất cả người phong hủi, người mắc bệnh lậu và người bị ô uế vì đụng phải xác chết. 3Phải đuổi họ khỏi trại quân bất luận nam hay nữ để họ không làm ô uế trại quân là nơi Ta ngự ở đó.” 4Dân Y-sơ-ra-ên đuổi họ khỏi trại quân đúng như Đức Giê-hô-va đã truyền phán với Môi-se.

Luật về bồi thường

5Đức Giê-hô-va lại phán với Môi-se: 6“Hãy bảo dân Y-sơ-ra-ên rằng: ‘Khi một người nam hay nữ gây thiệt hại cho người khác, tức là phạm tội bất trung với Đức Giê-hô-va thì người ấy mắc tội. 7Người ấy phải xưng tội và bồi thường đầy đủ, ngoài ra còn phải trả thêm một phần năm cho người mình làm thiệt hại. 8Nếu người bị thiệt hại qua đời và không có bà con ruột thịt nào để lãnh số bồi thường thì số bồi thường đó sẽ thuộc về Đức Giê-hô-va và phải trao cho thầy tế lễ, cộng thêm một con chiên đực làm tế lễ chuộc tội cho người mắc tội đó. 9Tất cả tế lễ thánh mà dân Y-sơ-ra-ên đem đến cho thầy tế lễ đều sẽ thuộc về người.10Những vật thánh mà mỗi người dâng hiến, sẽ thuộc về thầy tế lễ; vật gì mỗi người tặng cho thầy tế lễ sẽ thuộc về người vậy.’”

Bình luận

Đừng bao giờ coi tự do của bạn là điều hiển nhiên

Bạn có đang phục vụ theo một cách nào đó trong Hội thánh địa phương của bạn không? Bạn có phải là người đóng góp hay chỉ đơn thuần là người hưởng thụ? Đức Chúa Trời có một vai trò và trách nhiệm đối với bạn.

Chúng ta thấy trong đoạn Kinh thánh Cựu ước này một dự đoán và điềm báo trước về Hội thánh, với mỗi thành viên có một vai trò khác nhau (Ê-phê-sô 4:7,11–13). Khi chúng ta đọc về những người Kê-hát, Ghẹt-sôn và Mê-ra-ri, tuổi từ ba mươi đến năm mươi, những người đến để 'phục vụ', chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời đã giao cho mỗi cá nhân những nhiệm vụ cụ thể (Dân số ký 4:3–4,24–25,31–32 ), cũng như hôm nay Đức Chúa Trời đã giao cho bạn công việc cụ thể phải làm trong Hội thánh.

Đối với dân Y-sơ-ra-ên, chức vụ tập trung vào Lều Hội Kiến – nơi hiện diện của Đức Chúa Trời. Giờ đây, sự hiện diện của Đức Chúa Trời ở giữa dân Ngài trong thân thể Đấng Christ. Công việc và chức vụ mà bạn được kêu gọi là xây dựng thân thể Đấng Christ. Đây là một trong những cách mà bạn sẽ kinh nghiệm được sự hiện diện của Chúa ngày hôm nay. Sự hiện diện của Đức Chúa Trời không bị giới hạn ở một nơi cụ thể, mà đúng hơn là được kinh nghiệm ở bất cứ nơi nào dân của Ngài ở.

Trong phân đoạn Kinh Thánh này, chúng ta thấy rằng chúng ta không thể coi tự do là điều hiển nhiên. Chúng ta được nhắc nhở về sự thánh khiết của Đức Chúa Trời và sự thật rằng cần phải có điều gì đó tuyệt vời để cho phép bạn có mối quan hệ với Đức Chúa Trời mà bây giờ bạn có thể tận hưởng.

Đức Chúa Trời nhắc nhở Môi-se rằng bất kỳ loại tội lỗi nào thực sự là một hành động bất trung với Đức Chúa Trời: ‘Khi một người nam hay nữ gây thiệt hại cho người khác, tức là phạm tội bất trung với Đức Giê-hô-va thì người ấy mắc tội’ (5:6). Người có tội buộc phải thú nhận tội lỗi của mình, đền bù và dâng của lễ chuộc tội (c.6–8).

Chúng ta không thể chuộc tội cho chính mình. Sự chuộc tội phải được thực hiện cho chúng ta. Đó là điều Chúa Giê-su đã làm trên thập giá. Một định nghĩa đơn giản về sự chuộc tội là ‘đồng tâm nhất trí’ – nói cách khác, Đức Chúa Trời giúp bạn có thể đồng nhất với Ngài. Rào cản tội lỗi đã được gỡ bỏ qua Chúa Giê-su để bạn và tôi có thể nói: ‘Tôi từng là nô lệ. Bây giờ tôi được tự do’.

Cầu nguyện

Cảm ơn Chúa đã cho con được tự do sống một cuộc đời tự do. Xin Chúa giúp con không bao giờ coi sự tự do đó là điều hiển nhiên. Xin giúp con sử dụng tự do của con để phục vụ Chúa và phục vụ người khác. Xin giúp con làm tròn trách nhiệm theo cách đẹp lòng Ngài.

Pippa chia sẻ

Thi Thiên 34:18 chép rằng ‘Đức Giê-hô-va ở gần những người có lòng đau thương và cứu vớt kẻ nào có tâm hồn thống hối.’

Tôi đã nhiều lần thấy tình yêu thương của Chúa nâng đỡ những người đang trải qua những khó khăn cực độ, theo những cách phi thường:

Thi thiên 34:19 chép ‘Người công chính gặp nhiều tai họa; nhưng Đức Giê-hô-va luôn luôn giải cứu người.’ .

Tôi thích câu Kinh thánh nói rằng người công chính sẽ không gặp nhiều tai họa hơn, nhưng câu trên lại nói 'có thể' sẽ gặp nhiều tai họa. Tôi nghĩ nếu chúng ta không trải qua những thời điểm khó khăn thì chúng ta sẽ không biết rằng Chúa là Đấng giải cứu và vì vậy chúng ta có thể tin tưởng vào Ngài trong những thời điểm đó.

reader

App

Tải xuống ứng dụng Kinh Thánh Trong Một Năm dành cho thiết bị iOS hoặc Android và đọc theo mỗi ngày.

reader

Email

Đăng ký ngay bây giờ để nhận Kinh thánh trong một năm trong hộp thư đến của bạn mỗi sáng. Bạn sẽ nhận được một email mỗi ngày.

reader

Website

Bắt đầu đọc sự tận tâm của ngày hôm nay ngay tại đây trên trang web BiOY.

Read now
reader

Book

Kinh thánh trong một năm bình luận có sẵn như là một cuốn sách.

Tham khảo

Trừ khi có quy định khác, các trích dẫn Kinh thánh được lấy từ Kinh thánh, Phiên bản quốc tế mới được Anh hóa, Bản quyền © 1979, 1984, 2011 Biblica, trước đây là Hiệp hội Kinh thánh Quốc tế. Được sử dụng dưới sự cho phép của Hodder & Stoughton Publishers, một công ty của Hachette UK. Đã đăng ký Bản quyền. 'NIV' là nhãn hiệu đã đăng ký của Biblica. Nhãn hiệu Vương quốc Anh số 1448790.

Thánh Kinh được đánh dấu (MSG) lấy từ The Message. Bản quyền © 1993, 1994, 1995, 1996, 2000, 2001, 2002. Được sử dụng dưới sự cho phép của NavPress Publishing Group.

This website stores data such as cookies to enable necessary site functionality and analytics. Find out more